Nguyễn Đắc Xuân
- 9 -
Tác giả: Nguyễn Đắc Xuân
Điện Phụng Tiên – tọa lạc trong Hoàng thành Huế, đứng trước Cung Diên Thọ và phía sau Thế Miếu- là nơi thờ kính bốn đời đế và hậu đầu triều Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Theo nghi lễ, các bà trong cung không được đến miếu, đo đó nhà Nguyễn làm ngôi biệt miếu này để tuế thời sóc vọng và những ngày khánh tiết các bà có nơi dưng tiến và dâng lễ tế trong buổi kỵ.
Tại Điện này, trước đây trên áng thờ vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu có đặt một thoi vàng gồm hai phần bằng nhau trên khắc dòng chữ “Thế tổ đế hậu, Quý Mão bá thiên thời tín vật” (Vật làm tin này của hai ngài Đế và Hậu Thế tổ trong buổi dời đổi nhiều nơi cách trở nhau năm Quý Mão (1783).
Sách Đại Nam Chính biên liệt truyện, sơ tập ghi lại sự tích thoi vàng hai mảnh ấy như sau:
Bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, họ Tống. Năm lên 18, Nguyễn Ánh đã cưới bà với đầy đủ nghi lễ truyền thống và tấn phong làm Nguyên Phi. Tính tình cẩn trọng, cử chỉ đoan trang nên bà được Nguyễn Ánh quý trọng. Bà sinh được hai trai. Người con đầu mất sớm, người thứ hai là hoàng tử Cảnh.
Mùa thu năm 1783, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh, phải bỏ Gia Định chạy ra đảo Phú Quốc. Sau đó Nguyễn Ánh phải gởi hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện còn bản thân bôn tẩu sang Xiêm (Thái Lan bây giờ). Trước giờ chia tay, Nguyễn Ánh vội lấy một thoi vàng chặt đôi ra, trao cho bà Nguyên Phi một nửa và căn dặn rằng:
- Con ta đã đi rồi, còn ta cũng sắp chia tay để chạy sang Xiêm. Vậy Phi nên ở lại đây (Phú Quốc) để cung phụng Quốc Mẫu (tức bà Hiếu Khương vợ của Nguyễn Phúc Luân), chưa biết ngày hậu hội là ngày nào và sẽ tại nơi đâu. Vậy ta để lại vật này (nửa thoi vàng) dùng làm của tin lúc tái ngộ!
Trong những ngày Nguyễn Ánh ngược xuôi đi cầu viện, đánh rồi lại thua, thua rồi lại đánh… bôn tẩu hết Xiêm đến Việt, khi Việt cùng đường lại chạy sang Xiêm, thì bà Nguyên Phi vẫn một mình hết lòng hầu hạ mẹ chồng. Nhiều lúc tính mạng hiểm nguy ngàn cân treo sợi tóc, bà vẫn bình tĩnh vượt qua. Ngoài việc hầu hạ mẹ già, bà Nguyên Phi còn thân hành may dệt nhung phục cho quân binh. Cũng có lần quân Nguyễn giáp trận với quân Tây Sơn, thế đối phương mạnh hơn, quân Nguyễn núng thế. Thấy vậy bà đã tự tay nổi trống thúc quân làm cho binh lính Nguyễn hăng hái xông lên và cuối cùng đã thắng lợi…
Sau ngày triều Nguyễn được thành lập, vua Gia Long hỏi bà chuyện thỏi vàng năm xưa… Bà ung dung đem vàng ra trình lên. Gia Long vô cùng cảm động, cầm lấy nửa thỏi vàng và bảo rằng:
- Vàng này mà còn giữ được, đó thật là ân trời đã giúp cho trong lúc gian nan, chẳng nên quên lãng. Vậy phải để dành về sau cho con cháu biết.
Dứt lời, vua lấy nửa thỏi vàng của mình ráp với nửa thoi vàng của bà Nguyên Phi (lúc đó đã được phong hoàng hậu) rồi trao hết cho bà.
Hoàng hậu vâng theo lời dụ, về sau trao lại cho vua Minh Mạng.
Khi Minh Mạng lên ngôi, ông liền đem thoi vàng hai mảnh ấy đưa cho hai vị đại thần Phạm Đăng Hưng và Nguyễn Hữu Thận xem và phán rằng:
- Vàng này là của tin mà đức Thế tổ đã trao cho Hoàng tỉ (tức Thừa Thiên Cao Hoàng hậu), nay Hoàng tỉ lại trao cho Trẫm.
Sau đó thoi vàng hai mảnh tín vật này được đưa vào thờ ở Điện Phụng Tiên.