Nguyễn Đắc Xuân
- 15 -
Tác giả: Nguyễn Đắc Xuân
An Thường công chúa, con gái thứ tư của vua Minh Mạng. Bà là người được Tuy Lý Vương khen tặng rằng:
“Thất giới giữ thuần. Tam tòng chặt chẽ.
Bốn phương ngắm phục, Nữ chức soi gương”
Sách “Cai Dư Kỷ Thực” của Phan Văn Huy viết dưới thời Tự Đức cho biết: mẹ công chúa là bà Mỹ Nhân Nguyễn Thị Sâm, quê quán Quảng Trị. Bà Sâm được tiến vào Nội lúc vua Minh Mạng còn ở Tiềm đế (nay là cơ quan Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế). Sau khi hoàng tử Đảm (tức vua Minh Mạng) được tấn phong Hoàng Thái Tử ở điện Thanh Hòa (1816), cung Chấn Hanh, được một năm thì công chúa An Thường ra đời. An Thường cùng mẹ với hoàng tử thứ 9 tức Hàm Thuận Quận Công (1819-1859).
Năm 1825, An Thường lên 9 tuổi, bà Mỹ Nhân họ Nguyễn thọ bệnh, công chúa đích thân vào các Cung hầu hạ thuốc thang cho mẹ.
Vào tiết Vạn Thọ, vua Minh Mạng cho các nội cung, các công chúa vào hầu tiệc. Bấy giờ có một viên quan lớn dâng sâm. Vua đem chia cho các công chúa. Ai cũng ăn rất ngon miệng… Vua ngạc nhiên thấy công chúa An Thường cứ ngậm không chịu nuốt! Vua quay lại nhìn, cười và dạy rằng:
- Món này ngon lắm, lại hiếm có. Chẳng những ngon mà còn bổ dưỡng nữa, ngươi ăn không quen à?
Công chúa An Thường liền tránh ra ngoài chiếu, quỳ xuống tâu rằng:
- Thần đã nghe phán dạy, nhưng mẹ thần đang bệnh nặng, nhân buổi khánh tiết không thể đến phụng hầu, thần rất lấy làm buồn. Huống nữa mấy bữa nay mẹ thần ăn ngủ không ngon, hình sắc tiều tụy. Nghe nói món này bổ dưỡng muốn đem về dâng mẹ, nên thần không nỡ nuốt, chứ nào phải ăn không quen.
Vua nghe nói rất cảm kích, khen ngợi lòng hiếu thảo và phán rằng:
- Ngươi hãy cứ ăn sẽ còn phần ban cho mẹ ngươi!
Dứt lời, vua sai nữ quan đem một đĩa đến viện ban cho bà mẹ công chúa An Thường.
Lòng hiếu của công chúa An Thường đã làm cho vua Minh Mạng lưu ý đến bà Mỹ Nhân.
(Theo Liệt Truyện và Cai Dư Kỷ Thực)