- 26 -
Tác giả: Nguyễn Đắc Xuân
Tháng 4-1987,Nhà nước Việt Nam và gia đình cựu hoàng Duy Tân đã tổ chức trọng thể lễ đưa hài cốt Hoàng đế từ Cộng Hoà Trung Phi về an táng ở Huế.
Đầu năm 1988,vợ cựu hoàng Duy Tân là bà Fernande Antier đã về thăm quê chồng.Cùng đi với bà có vợ chồng người con trai út Joseph Roger(sinh năm 1938).
Đây là một cuộc viếng có tính chất gia dình nhưng bà Duy Tân đã được thành phố Hồ Chí Minh,thành phố Huế và tỉnh Bình Trị Thiên đón tiếp thân mật.Bà rất cảm động.Bà xem việc Nhà nước đối đãi với gia đình cựu hoàng đế như thế là một niềm an ủi lớn nhất kể từ sau ngày cựu hoàng tử nạn cuối 1945 trong một trường hợp cho đến nay chưa có sự giải thích thoả đang.
Nhân chuyến về tham của bà Fernande Antier tại Huế,tôi tranh thủ thực hiện một cuộc phỏng vấn nhỏ nhằm cung cấp thêm cho các độc giả một số tư liệu về quãng đời lưu đày của vị hoàng đế yêu nước.
Nguyễn Đắc Xuân(NDX): Thưa bà,đồng bào Việt Nam rất yêu kính cựu hoàng Duy Tân(DT) họ đã biết rõ về những năm Ngài làm vua cũng như lúc Ngài đứng ra lãnh đạo cuộc khởi nghĩa bất thành năm 1916,nhưng ít người biết được tin tức liên quan đến Cựu hoàng trong suốt thời gian 30 năm lưu đày của Ngài ở đảo Réunion.Hiện nay có lẽ không ai có thể biết được những thông tin ấy hơn bà.Vậy xin bà vui lòng cho phép chúng tôi làm phiền bà qua ít câu hỏi sẽ nêu sau đây:
Bà Fernande Antier(F.A): tôi rất sẵn sàng.Nhưng xin nói trước,tôi không biết gì nhiều.bởi lẽ Cự hoàng Duy Tân sống rất kín đáo,ngoài việc trao đỏi sinh hoạt bình thường trong gia đình,Cực hoàng cũng rất ít khi thổ lộ tâm tư tình cảm,nhất là chuyện đất nước với vợ con.Hơn nữa,chuyện cũng đã quá bốn mươi năm rồi mà tôi thì tuổi cao, nay đã 75,sợ trí nhớ không còn minh mẫn đủ để làm vừa lòng nhà báo.
NĐX - Xin bà cho biết vài nét về gia đình.
Bà F.A – Tôi là người Pháp,gia đình tôi sang sinh sống ở đảo đã khá lâu.Tôi có hai chị em gái,không có anh em trai,ba mẹ tôi sống bằng việc buôn bán nhỏ ở vùng Salazie thuộc Réunion.
NĐX – Thưa bà,Cựu hoàng Duy Tân đã gặp bà trong trường hợp nào?
Bà F.A – Vào khoảng năm 1927,Cựu hoàng sống độc thân trong một ngôi nhà nhỏ đế rảnh rang việc học hành.Cựu hoàng không biết nấu ăn,với số tiền trợ cấp hàng tháng gửi từ Việt Nam sang không cho phép nhờ người giúp việc…gia đình tôi nấu cơm tháng cho học sinh,Cựu hoàng đã đến dùng và…từ đó chúng tôi quen nhau!
NĐX – Thưa bà,lúc đó bà có biết Duy Tân là một ông vua bị lưu đày không?
Bà F.A – Có biết lờ mờ.Nhưng chúng tôi yêu nhau vì quý trọng nhau chứ không phải vì chuyện ấy!
NĐX – Cựu hoàng đế có kể chuyện Việt Nam với người Réunion không?
Bà F.A – Người Réunion không biết gì về Việt Nam.Vì thế Duy Tân chẳng bao giờ nói chuyện Việt Nam với họ.Duy Tân sống thầm lặng…Thời gian của Cựu hoàng chỉ dành cho hai việc:học để mở mang trí tuệ,chơi thể thao để luyện tập thân thể tráng kiện.
NĐX – Thưa bà,ngoài việc học tập và luyện tập thân thể Ngài còn có sở thích nào khác không?
Bà F.A – Cựu hoàng còn có khiếu âm nhạc,Ngài chơi violon(vĩ cầm) giỏi và có chân trong ban nhạc đại hoà tấu tại Saint Denis;viết văn hay,nuôi ngựa và đua ngựa.Cựu hoàng đã giật giải nhất trong cuộc đua ngựa lớn ở đảo.Nhưng trội hơn cả là sở thích về vô tuyến điện!
Bị tù đày ở đảo Réunion,cựu hoàng thích vô tuyến điện không chỉ vì ngành kỹ thuật này hay,có thể giúp gia đình sinh sống mà còn vì đây là phương tiện duy nhất cho phép Cựu hoàng liên lạc với thế giới bên ngoài.
NĐX – Thưa bà,bà và cựu hoàng sinh hạ được mấy người con?
Bà F.A – Có bốn người
1. Rita Suzi Georgette Vĩnh San,sinh năm 1929.
2. Guy Georges Vĩnh San,sinh năm 1933.
3. Yves Claude Vĩnh San,sinh năm 1934.
4. Joseph Roger Vĩnh San,sinh năm 1938 (1)
NĐX – Họ của cựu hoàng Duy Tân là Nguyễn Phước,Vĩnh là chữ lót để chỉ thế hệ thứ bậc trong giòng họ nhà vua, San là tên huý của cựu hoàng…tại sao các con bà lại lấy hai chữ “Vĩnh San” làm họ? Cựu hoàng không giải thích và không đặt tên Việt Nam cho các con hay sao?
(1) Tôi được biết Cựu hoàng còn một người vợ thứ là Maillot Marie Ernestine,sinh cô Marie Gisèle Andréc năm 1945
Bà F.A – Hoàng phụ Thành Thái có giải thích và các con tôi đều có tên Việt Nam, nhưng sau ngày cựu hoàng Duy Tân mất,hoàng phụ Thành Thái về nước,chúng tôi không nhớ được tên Việt Nam cho nên nảy ra tình hình như thế.
NĐX – Thưa bà,bà có biết vì sao cựu hoàng Duy Tân không ở chung với hoàng phụ?Giữa hai người có sự bất đồng nào chăng?
Bà F.A và Roger Vĩnh San (cùng đáp): Tuy là cha con nhưng hai người đã từng là hai ông vua,được hấp thụ hai nền giáo dục khác nhau,hai người có hai cái nhìn khác nhau về tương lai: Cựu hoàng Thành Thái thì bất hợp tác với người Pháp để giữ khí tiết đến cùng; cựu hoàng Duy Tân lại muốn gần Pháp để tìm con đường giành lại nền thống nhất, độc lập cho đất nước. Như thế làm sao cha con có thể gần nhau được. Nhưng cựu hoàng Duy Tân rất kính nể hoàng phụ Thành Thái: hàng tuần – Roger nói – mẹ tôi thường nấu một món xúp ngon nhất để dâng lên ông nội…
NĐX – Thưa bà,Cựu hoàng thường giao du với giới nào?Xin bà cho biết một vài người bạn thân của cựu hoàng ở Réunion.
Bà F.A - ở Réunion có 23 gia đình nắm hết toàn bộ các thế lực về kinh tế và chính trị,Cựu hoàng không giao du với họ.Ngài quen thân với một số trí thức người Pháp ở tại đảo như ông Raoul Nativen(chưởng lý,trong luật sư đoàn),bác sĩ Vinson,ông Hugues Palant…
NĐX – Thưa bà,bà cho biết điều gì đã ảnh hưởng đến cựu hoàng Duy Tân nhất trong thời gian bị lưu đày?
Bà F.A – Điều chi phối tâm trí Ngài nhiều nhất là làm thế nào thoát khỏi Réunion một cách chính đáng để tìm cơ hội cứu nước Việt Nam.Có lẽ chính phủ Pháp biết điều này cho nên đã tìm mọi cách đày Ngài ở đảo cho đến chết,làm cho Ngài nhiều lúc muốn phát điên !
NĐX – Khi Cựu hoàng tử nạn máy bay,chính phủ Pháp có thông báo cho gia đình bà biết không?
Bà F.A – Được tin Cựu hoàng sẽ về nhà,gia đình chúng tôi ngồi trông,nhưng sau đó không thấy Ngài về.Chúng tôi đánh điện hỏi khắp các sân bay nằm trên đường bay từ Paris về Réunion.Chiều hôm sau,chúng tôi đau đớn nhận được tin Cựu hoàng đã tử nạn máy bay.Cơ quan trả lời là một đơn vị quân đội,còn chính phủ Pháp thì im lìm!
NĐX – Vào cuối đời,Cựu hoàng được chính phủ de Gaulle rất trọng quý,thế mà vì sao khi Ngài tử nạn, chính phủ ấy làm thinh,bà có hiểu vì sao không?
Bà F.A – Chúng tôi không biết được lý do.
NĐX – Sau ngày Cựu hoàng tử nạn, chính phủ Pháp có sự giúp đỡ nào cho gia đình bà không?
Bà F.A – Chúng tôi bị bỏ rơi.Mỗi tháng chúng tôi nhận được một số tiền trợ cấp trị giá bằng 200 phờ-răng bây giờ(nhận được cho đến năm Roger 18 tuổi).Số tiền này không đáng kể,mẹ con chúng tôi phải tự lo liệu nuôi nhau.Số tiền trên từ Việt Nam gửi qua.
NĐX – Thưa bà,nuôi nhau bằng cách nào?
Bà F.A – Các con tôi đều phải nghỉ học.Suzi và Claude đi làm,Georges đăng lính,Roger thì tuy còn quá nhỏ nhưng cũng phải làm việc nhọc nhằn mới đủ sống.
NĐX – Cái chết của cựu hoàng Duy Tân rất khó hiểu.Bà có nghĩ đến việc có một âm mưu ám hại nào không?
Bà F.A – Chúng ta có quyền suy nghĩ.Nhưng khi chưa tìm được những tài liệu chính xác thì không được đổ lỗi cho ai!
NĐX – Thưa bà, bà có còn giữ được những kỷ vật của cựu hoàng đế để đưa vào nhà lưu niệm sẽ xây trong khu vực lăng của Ngài không?
Bà F.A – Sau khi nghe tin cựu hoàng tử nạn,gia đình chúng tôi hết sức bối rối.Mọi người đều phải nghĩ đến việc giải quyết cuộc sống như thế nào nên không ai để ý đến việc cất giữ những kỷ vật ấy làm gì.Đến lúc thấy cần thiết thì đã muộn!Tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng sưu tập,nhưng ít hi vọng thoả mãn được yêu cầu của nhà lưu niệm.
NĐX – Thưa bà,gia đình bà rời đảo Réunion từ lúc nào?và đến Pháp năm nào?
Bà F.A – Năm 1955 gia đình chúng tôi phiêu lưu theo Suzi sang tìm việc ở Madagascar và ở đó 10 năm.Đến lúc Georges ra lính xin làm việc ở Pháp,thế là lần lượt gia đình chuyển sang Pháp luôn.
NĐX – Lần đầu tiên về “quê chồng” xin bà cho biết một vài cảm tưởng?
Bà F.A – Tôi đã nghe nói đến Việt Nam rất nhiều,nhưng tôi vẫn ngạc nhiên trước cảnh đẹp của Việt Nam,nhất là Huế,đẹp lắm! Tôi cảm động trước sự nhiệt tình của chính quyền và đồng bào Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh,ở Nha Trang,Đà Nẵng và Huế đã dành cho gia đình cựu hoàng Duy Tân,mặc dù lần này chúng tôi về tham với tư cách cá nhân đi du lịch.
NĐX – Ngoài mục đích về thăm quê chồng,bà còn có mục đích gì khác trong chuyến đi này không?
Bà F.A – Theo yêu cầu của con và gia đình,lần về thăm này chúng tôi lưu ý đến ba việc: một mặt là đặt vấn đề đưa mộ bà Hoàng quí phi Mai Thị Vàng từ Hậu Thôn Kim Long về cải táng gần lăng Cựu hoàng Duy Tân;hai là xem vấn đề qui hoạch khu vực lăng Thành Thái – Duy Tân để xây dựng và dần dần đưa vào phục vụ khách du lịch;ba là tính toán việc xây la thành bảo vệ khu vực lăng Thành Thái – Duy Tân.
NĐX – Thưa bà,bà có điều gì muốn đề nghị với nhà nước Việt Nam nữa không?
Bà F.A – Không có lời đề nghị nào nữa , nhưng cũng nhân đây , tôi xin nhắc lại một lời đề nghị cũ đã đề bạt lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi tháng tư năm 1987,đó là : ở Hà Nội,ở Huế,và ở thành phố Hồ Chí Minh trước kia đều có đường Duy Tân,sau ngày giải phóng 1975,một số nơi bỏ,chúng tôi mong sớm có những con đường mang tên Duy Tân đặc biệt là ở Huế.
NĐX – Xin cảm ơn bà đã giúp chúng tôi thực hiện cuộc tiếp xúc này.Chúc bà nhiều sức khoẻ để Việt Nam còn có dịp đón bà về thăm nhiều lần nữa.