Làm Thơ Văn Và Sưu Tầm Phổ Biến Thơ Văn
Tác giả: Nguyên Đỗ
Làm thơ, viết văn cũng như sưu tầm thơ văn đều là một giải trí nghệ thuật tao nhã. Lúc xưa khó khăn hơn vì phải viết tay, tốn thời gian, rồi tới khi kỹ thuật in ấn thịnh hành, thì dễ dãi hơn vì sách báo tương đối rẻ, nhưng chưa bao giờ việc viết lách và sưu tầm thơ văn lại dễ như thời đại thông tin vi tính hiện nay. Chỉ cần có máy vi tính và khả năng vào các mạng lưới là có thể viết và chuyển tới bạn đọc những giòng suy nghĩ, những tư tưởng, những lời thơ của mình. Người sưu tầm cũng chẳng cần viết tay lại chỉ cần bấm "Sao chép" là có trọn vẹn một bài thơ, một bài văn trong máy hay đĩa nhựa của mình. Thật giản đơn và dễ dàng.
Sự đơn giản và dễ dàng này cũng đưa tới một vài rắc rối trong vấn đề bản quyền. Dù tác giả không hề nộp đơn giữ bản quyền tại toà (Copyright) nhưng mỗi bài thơ, bài văn, bản nhạc khi được viết ra tự nó đã là thuộc quyền của tác giả. Hẳn nhiên giữ bản quyền không phải nhằm vào lợi nhuận riêng tư nhưng đó là sở hữu tâm trí ( Intellectual Property) của tác giả. Không phải ai cũng bo bo giữ bản quyền những bài thơ, bài văn, bản nhạc. Khi tác giả viết ra, thường mong được đưa sâu vào quảng đại quần chúng, vào rộng rãi trong giới yêu văn học nghệ thuật.
Lâu nay trên các mạng lưới thông tin, văn học, nghệ thuật, hiện tượng sưu tầm và phổ biến thơ văn các tác giả thật nhiều, nhưng hiện tượng quên ghi danh người viết cũng không phải không có. Hiện tượng đầu phổ biến các tác phẩm của các tác giả là một vấn đề tế nhị, một số tác giả vì một lý do này hay một lý do khác không muốn được vậy, nhưng đa số các tác giả cảm thấy hãnh diện vì thế hệ thời đại thông tin vi tính vẫn chưa quên hay thấy bài của mình đăng tải nhiều nơi tạo một giao lưu tư tưởng, nghệ thuật trong thế giới siêu vi. Hiện tượng sau là phổ biến tác phẩm mà quên ghi tên tác giả là một thiếu sót lớn và nguy hại đã rải rác xảy ra trên nhiều mạng lưới.
Để hạn chế việc đáng tiếc xảy ra này, các bạn sưu tầm thơ văn nên nhớ Sao Chép tên của tác giả để khi đăng lại mình không phải mang tiếng đạo văn tức là kẻ ăn cắp văn thơ của người khác. Có những trường hợp chỉ là sơ sót, nhưng chúng ta ở thế hệ vi tính nên chú ý để việc đó không xảy ra. Những trường hợp đạo văn chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp có khi đến ngây ngô thì Nguyên Đỗ không dám bàn tới khi thấy những bài thơ bài văn đầu Sở mình Ngô, chép chỗ này, cắt chỗ kia, sửa lại chút đỉnh, làm sai hẳn ý tác giả nguyên bản.
Văn chương nghệ thuật là món giải trí tinh thần, hãy giữ môn giải trí nghệ thuật đó được tao nhã.
Nguyên Đỗ