watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tái Ngộ - tác giả Nguyên Đỗ Nguyên Đỗ

Tái Ngộ

Tác giả: Nguyên Đỗ

Thư viện công cộng nhỏ nằm ở khu chợ Argyle trong phố Việt Nam ở Chicago không phải là chỗ hẹn hò hay chỗ tìm người làm quen. Tôi thường đến đó mỗi tối tìm sự thinh lặng để học hành và đọc sách từ ngày tôi đặt chân tới đây khi Minh, vị hôn phu sắp cưới của tôi, rời Việt Nam theo diện Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (Orderly Departure Program) gọi tắt là ODP của Hoa Kỳ giúp những gia đình sĩ quan bị đi cải tạo tái định cư. Tôi chờ đợi cả hai ba năm trời không được tin gì của chàng, nhưng rồi gia đình tôi rồi cũng hoàn tất hồ sơ được ra đi cùng diện ODP như gia đình Minh. Tôi không biết gia đình chàng đi đâu, và cũng không còn tha thiết để tìm kiếm chàng nữa. Chàng chắc đã quên hẳn tôi rồi, cái đám hỏi giữa hai gia đình coi như là một lầm lẫn quá khứ, cha mẹ tôi đã cố quên khi rời Việt Nam.

Ba tôi thường chép miệng:

-- Thằng Minh nó ham vui hay bận học lỡ quên thì ông bà Quân cũng phải nhắc nhớ nó chứ. Ai lại chẳng thư từ gì ráo. Bộ đổi đời rồi là đổi vợ đổi chồng hay sao.

Mẹ tôi lại nhắc ba:

-- Cái ông nhà này, con gái mình vẫn là con gái mình. Tụi nó xưa có đi lại với nhau, nhưng nó vẫn là con gái, không người này thì người khác, nó xinh nó đẹp, lấy chồng chẳng khó khăn gì.

Tôi sợ nghe thấy những lời đó lắm, chỉ biết rấm rức khóc. Dẫu sao thì chuyện ấy đã qua bốn năm rồi, tôi cũng đã bình yên, lo học hành ngay khi đặt chân tới nơi đây. Tôi học cũng giỏi, cũng được học bổng sau năm đầu vì tôi chiếm toàn điểm A. Thỉnh thoảng có nhớ đến Minh lòng tôi cũng nhói đau, không hiểu sao chàng nhẫn tâm thinh lặng, ít ra chàng cũng phải giải thích cho tôi một chút chuyện gì đã xảy ra. Chàng lúc dạm hỏi đã 21 chứ đâu có nhỏ nhít như tôi lúc bấy giờ mới 18.

Buổi tối đó, tôi đang còn đi giữa những dãy sách lặng lẽ như trong một thánh đường thì tôi chợt nghe một giọng quen thuộc:

-- Cô là người Việt làm ở đây phải không? Tôi muốn tìm cuốn tiểu thuyết Hồn Bướm Mơ Tiên mà tìm mãi chưa ra. Tôi thấy trong máy vi tính là chưa có người mượn.

Tôi nhìn qua kẽ hở của dãy sách thấy đôi mắt quen thuộc thân thương. Một làn hơi ấm tràn vào hồn tôi làm trái tim tôi lộn nhịp, đập thình thịch. Vẫn đôi mắt ấy long lanh sáng tôi đã từng ngắm nhìn và mỗi khi tôi nhìn tôi đã tưởng mình thấy tương lai trong ánh mắt của anh, vẫn giọng nói ấy đã từng yêu thương và hỏi tôi có yêu anh không. Cặp mắt ấy cũng nhìn lại, chỉ trong thoáng giây, cũng nhận ra cặp mắt của tôi.

-- Ái Liên đó sao? Phải em là Ái Liên không?

Tôi cố trấn tĩnh để chào hỏi Minh, vị hôn phu đã bỏ rơi tôi ngày trước, mà không thể nào ra tiếng, cổ tôi khô, nói không ra lời. Lần cuối tôi nói chuyện với chàng là lúc tôi tiễn chàng ra đi với cha mẹ và các em chàng, tôi đã khóc rấm rứt và chàng đã dỗ dành hứa là sẽ viết thư về cho tôi mỗi tuần. Thế mà ba năm trôi qua, tôi chẳng nhận được một lá thư nào, con người bạc bẽo thế, nhưng sao mà tôi vẫn nhớ. Tôi đã mất nhiều năm để cố quên chàng, nhưng vẫn chưa thể hoàn toàn quên hẳn được. Tôi ấp úng:

-- Anh Minh...

Chàng đi vòng qua dãy sách trước khi tôi kịp chạy trốn. Tôi bỗng sợ hãi phải đối diện với người tôi đã từng yêu thương, từng hẹn thề và từng mơ ước xây một tổ ấm trọn cuộc đời. Chàng dừng trước mặt tôi, không xa lắm, nhưng dường như có một bức tường vô hình chặn chàng lại, một khoảng trống khổng lồ ngăn cách chúng tôi. Bốn năm trước, chàng chắc chắn sẽ ôm chầm lấy tôi, và tôi cũng chẳng ngại ngùng ngả vào lòng chàng. Chàng bước thêm một bước nữa, gọi tên tôi thêm một lần:

-- Ái Liên!

Tôi không biết nói gì, đành ú ớ trong miệng:
-- Chào anh Minh...
-- Em sang đây hồi nào, bao lâu rồi?

Tôi trả lời cụt lủn, vì không biết nói gì:
-- Hơn 1 năm rồi!
-- Em khoẻ không? Hai bác và gia đình thế nào?
-- Cũng thường thôi, còn gia đình anh?

Minh cau mày, có dáng buồn như muốn khóc, chàng xoay đi chỗ khác, đưa tay quệt mắt rồi quay lại nói:

-- Chuyện dài dòng lắm, anh có thể mời em tới tiệm Như Miên ăn tối ngày mai không? Bây giờ anh phải đi...

Chắc chàng có chuyện gì khó nói, tôi cũng không miễn cưỡng, tôi cũng không muốn chối từ, vì tò mò muốn biết thêm về gia đình chàng, không chừng chàng đã có vợ con, và cũng muốn biết thêm về ba má và các em chàng. Dù sao chúng tôi đã một lần đám hỏi, cũng phải gặp thêm một lần cho ra lẽ. Dù thế nào, tôi cũng sẽ tha thứ cho chàng. Tôi gật đầu:

-- Được, tối mai lúc 6 giờ em tới tiệm Như Miên! Em cũng thường ghé tới nơi đó! Nhưng anh nhớ đưa vợ con anh tới nữa nhé!

Minh đỏ mặt lúng túng:
-- Không, anh chưa hề có vợ, có con mà! Anh xin lỗi em về mọi chuyện, nhưng để ngày mai anh giải thích nhé! Mai nha, Ái Liên!

Rồi chàng vội vàng quay đi như trốn chạy. Tôi nhìn theo ái ngại không biết nên giận dữ hay vui mừng, nên thứ tha mọi chuyện hay đay nghiến xỉ vả chàng là đồ bạc bẽo vô tình hôm sau. Tôi biết là tôi sẽ dung thứ bỏ qua cho chàng, dù gì thì nước đã trôi dưới chân cầu từ lâu, bốn năm rồi còn gì. Bốn năm nhưng sao vẫn như mới xảy ra hôm qua, ngày đám hỏi, ngày tiễn đưa gia đình anh Minh ra phi trường. Tôi dễ tha thứ nhưng nhủ lòng sẽ không để trái tim đớn đau thêm một lần nữa, trí óc tôi quay cuồng, nhìn anh khuất trong bãi đậu xe mà lòng cuồn cuộn sóng. Tôi biết đêm hôm ấy tôi là người thiếu nữ hạnh phúc nhất gian trần vì cuộc tái ngộ đầu tiên với người yêu sắp cưới sau hơn bốn năm biền biệt.

*****


Tôi bước vào thư viện gần khu chợ Argyle chỗ cư dân Việt sinh sống, buôn bán vì nghe một người bạn giới thiệu có một số lớn sách in bằng tiếng Việt ở đó. Thư viện ở Hoa Kỳ được chỗ là luôn luôn có chủ đích phục vụ cộng đồng các cư dân nên có đầy đủ sách tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Hoa, tiếng Việt cho mọi người bên cạnh những sách tiểu thuyết, biên khảo, báo chí... tiếng Anh để phục vụ tất cả mọi người. Bốn năm qua bận rộn làm việc nuôi sống các em tôi, và học ở University of Illinois, Chicago, cách xa khu chợ Argyle chừng 1 tiếng nên tôi ít khi xuống đây, trừ khi đưa các em tôi đến đây đi chợ búa hay ăn những món ăn Việt Nam mà tôi không biết nấu sành thay đổi khẩu vị. Ái Liên mà tới đây và ở nơi này thì hay biết mấy, nàng giỏi nội trợ lại hay thích đọc sách học hỏi. Tôi không hiểu vì sao vẫn nghĩ mãi về Ái Liên, người con gái nhỏ duyên dáng dễ thương ngày nào. Hình ảnh nàng vẫn thỉnh thoảng đến bất ngờ không báo trước.

Tôi nhớ rõ tôi đã viết thư cho Ái Liên ba lần mà chẳng lần nào nàng hồi âm, lần đầu tiên khi mới đặt chân lên đất Mỹ, lần thứ hai khi cha tôi mất vì tai nạn xe hơi khi vừa lấy được bằng lái xe được một tháng để mẹ chàng sống thoi thóp cả hơn một năm trời trong bệnh viện, và lần cuối cùng cách đây ba năm khi mẹ tôi từ trần. Nghĩ cũng tệ, không hiểu vì sao nàng lại không hồi âm cho chàng, nếu không còn yêu chàng nữa, ít ra cũng phải chia buồn với chàng và các em chàng chứ, người đâu mà lạnh lùng đến thế vì dù sao cũng là người đã đính hôn cơ mà.

Tôi không muốn nghĩ nhiều về Ái Liên, chuyện đã qua thôi bỏ qua đi, nhắc nhớ làm chi chỉ gợi thêm u buồn. Tôi lần mò đi dọc theo dãy sách tìm cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên tôi thích tự thời xa xưa. Sách nhiều quá, tôi lơ đãng đọc phớt qua từng tên sách, mà chẳng tìm được cuốn tôi đang tìm kiếm. Tôi chợt thấy một khuôn mặt Á đông với mái tóc dài đen duyên dáng:

-- Xin lỗi cô, cô là người Việt làm ở đây phải không? Tôi muốn tìm cuốn tiểu thuyết Hồn Bướm Mơ Tiên mà tìm mãi chưa ra. Tôi thấy trong máy vi tính là chưa có người mượn.

Cô ấy quay lại, qua kẽ hở tôi thấy rõ khuôn mặt quen quen, trông thật hiền dịu. Hình như khuôn mặt ấy tôi đã gặp ở đâu rồi. Cô ta trông có vẻ bối rối không nói nên lời. Tôi dụi mắt mình, không phải mơ, trố mắt nhìn qua, người yêu xưa của tôi đây mà. Tôi buột miệng kêu:

-- Ái Liên đó sao? Phải em là Ái Liên không?

Nàng chớp mắt nhìn, không nói tiếng nào. Mãi một hồi mới hơ hãi cất tiếng:

-- Anh Minh...

Tôi vội đi vòng qua dãy sách sợ nàng sẽ bỏ chạy hay tan biến vào dãy sách như thật là ảo ảnh. Tôi tiến đến gần nàng, chăm chú nhìn nàng không rời, thu tất cả hình ảnh thân thương ngày xưa vào trong đôi mắt và tâm trí của mình. Tôi muốn tiến tới ôm sát nàng vào lòng, kể lể những nhung nhớ những tháng năm qua, những đoạn đường đau khổ xảy ra cho gia đình tôi, nhưng tôi đứng như trời trồng cách nàng một quãng ấp úng có câu:

-- Ái Liên!

Phải như hồi xưa nàng đã chế nhạo trìu mến, "Sao mà anh gọi hoài tên em thế? Nói chi thì nói đi, em chờ nghe anh nè!" nhưng lần này Ái Liên lạnh lùng nói:

-- Chào anh Minh...

Chắc nàng đã có chồng hay là đã thờ ơ không muốn nhắc chuyện ngày cũ. Tôi muốn kể hết cho nàng nghe là từ hồi xa nàng tới giờ, tôi cũng chẳng quen ai hay mong muốn kết bạn với người con gái nào ngoài Ái Liên, tôi chỉ sợ nàng đã có chồng, nên sau ba lá thư gởi về, không nhận được hồi âm, tôi mới buông xuôi cắm đầu vào việc học và việc giúp đỡ các em ăn ở học hành. Tôi hỏi thêm với hy vọng nàng sẽ nói hết những gì tôi cần biết:

-- Em sang đây hồi nào, bao lâu rồi?

Nàng trả lời ngắn ngủi, như đang giận dữ trong lòng:
-- Hơn 1 năm rồi!

Tôi trấn tĩnh ráng tạo cho nàng cơ hội để nói thêm, để trách cứ tôi nếu cần, để nghe nàng nói như thưở xa xưa chúng tôi đã từng đi chơi chuyện trò tới khuya.

-- Em khoẻ không? Hai bác và gia đình thế nào?

Nàng dường như không còn thiết tha nói chuyện, trả lời gọn ghẽ nghe muốn ghét:

-- Cũng thường thôi, còn gia đình anh?

Tôi thấy hình như không tiện nói ở đây, thư viện cũng sắp đóng cửa, các nhà hàng cũng sửa soạn dẹp tiệm rồi, tôi phải biết đường rút lui, chờ dịp thuận tiện hơn giải thích và tìm hiểu Ái Liên hơn:

-- Chuyện dài dòng lắm, anh có thể mời em tới tiệm Như Miên ăn tối ngày mai không? Bây giờ anh phải đi...

Tôi biết lòng mình xúc động ghê lắm, người yêu tự nghìn xưa trở về sao lại chẳng xao xuyến cơ chứ? Tôi thấy nàng ngần ngừ, ngạc nhiên, rồi cặp mắt hiền dịu lại, đôi mắt của Ái Liên của tôi ngày xửa ngày xưa thân ái ấy, đôi mắt luôn luôn tỏ vẻ quan tâm và tha thứ. Nàng gật đầu:

-- Được, tối mai lúc 6 giờ em tới tiệm Như Miên! Em cũng thường ghé tới nơi đó! Nhưng anh nhớ đưa vợ con anh tới nữa nhé!

Tôi bỗng khựng lại, đỏ mặt tía tai, nàng nghe ở đâu mà lại nói chuyện vợ con của tôi. Tôi nào có hò hẹn với ai, ngay cả bạn gái cũng không có huống chi là vợ con, hay là nàng đã có chồng con nên suy bụng ta ra bụng người. Tôi ngẩn người ra một thoáng rồi vội vã quay đi bước thật nhanh như trốn chạy. Tôi xáo động vô cùng. Tôi đã định khi ra trường kỳ hè này sẽ về quê tìm cho ra sự thật, dù nàng đã có gia đình chưa cũng thế, tôi muốn hỏi nàng tại sao không hồi âm những thư tôi viết, nhất là khi tôi báo tin buồn của ba tôi và mẹ tôi. Tôi sẽ đem cả tập ảnh của gia đình tôi để chứng minh những điều tôi sẽ nói là sự thật. Tôi vì lo cho mẹ tôi nằm trong bệnh viện cả năm, cho các em tôi, lo học lo làm, lấy giờ đâu về Việt Nam để tìm hiểu cho ra lẽ, hơn nữa ba bức thư tôi viết chẳng trả lại cũng chẳng hồi âm, thì Ái Liên làm sao có quyền trách cứ tôi chứ. Dù sao tôi cũng tới tiệm Như Miên cùng nàng ăn tối và giải bày cũng như tìm hiểu chuyện đã xảy ra cho chúng tôi trong những tháng ngày xa cách.

*****

Tôi đã làm xong ca chiều của một nhân viên sửa xe và kéo xe, đúng ra là từ 5 giờ chiều, nhưng hôm nay trời đổ tuyết bất chợt nên tai nạn xe cộ xảy ra nhiều nên tôi đã làm thêm tới 8 giờ hơn mới chuẩn bị bấm thẻ ra về khi một cú điện thoại reo. Ai cũng bận rộn, người thì lui cui sửa xe, người thì vừa mới kéo xe về, tôi liền nhắc ống nghe lên. Hãng bảo hiểm xe báo có xe cần được kéo và chuyển điện thoại tôi thẳng tới người bị tai nạn. Giọng nói của người bên kia ống điện thoại có vẻ như van lơn cầu cứu khiến tôi mủi lòng. Vội lấy xe kéo tới chỗ xe cô gái bị tai nạn vì đường trơn trượt, xe lao vào thành đá trên xa lộ 94 nối liền Chicago đến tiểu bang Wisconsin, cô không việc gì, nên không được ưu tiên đối với cảnh sát nhưng xe chết máy và bị móp méo. Nước mắt cô ta chảy dài, tôi cố trấn an, bảo rằng chuyện tai nạn hôm nay là thường, hãng bảo hiểm sẽ chi phí chứ không việc gì phải khóc, tại trời tuyết chứ không phải lỗi của cô. Cô nói trong làn nước mắt và tiếng nấc:

-- Không ... tôi khóc vì tôi ... lỡ buổi hẹn ăn tối với một người bạn đã 4 năm rồi mới tình cờ gặp lại.

Đúng là đàn bà con gái, chuyện nhỏ vậy mà cũng khóc, lỡ hẹn thì hôm sau hay ngày khác chứ có hề chi. Tôi hỏi:

-- Cô chờ ở đây bao lâu rồi...
-- Hơn 2 tiếng.

Tôi phân trần:
-- Hai giờ, trời ơi! Tôi xin lỗi, thông thường chúng tôi đến mau hơn nhiều.

Tôi nói cô lên ngồi trên ca-bin cho khỏi lạnh trong khi tôi gắn đồ kéo xe cô đi về tiệm sửa. Tôi hỏi cô có người tới tiệm đón không. Cô rụt rè:

-- Thưa không. Anh có thể cho tôi quá giang về không?
-- Được, tôi kéo xe về hãng rồi chuyển sang xe riêng để đưa cô về nếu cô không ngại. Chút nữa cô cho tôi địa chỉ để tôi đưa cô đi. À cô ăn uống gì chưa, tôi mời cô ăn tối nha! Giờ này các tiệm gần đóng cửa hết rồi, tôi ghé chỗ chị tôi ăn ké thôi.
-- Có phiền anh không?
-- Không, không đâu! Cô đồng ý nha!

Cô gái lí nhí đáp:
-- Dạ, phiền anh quá!

Tôi bấm điện thoại gọi chị Hoa ở tiệm Như Miên, dặn chị cho hai tô phở lớn đặc biệt dọn sẵn và 5 ổ bánh mì thịt nguội Ba Lẹ cho hôm sau vì tôi đang trên đường về tiệm mà trời tuyết thế này chẳng lòng dạ nào về nhà lại chui vào bếp, gọi là 5 ổ chứ thực ra là 6, cứ mua 5 được tặng 1. Đúng ra là bánh mì Ba Lê, bánh mì kiểu Pháp kẹp thịt, nhưng người Việt mình viết chữ không có dấu, ban đầu pha trò đọc trại Ba Le thành Ba Lẹ riết rồi quen luôn, vì chú Ba làm bánh mì lẹ lắm, và người mua cũng ăn lẹ. Người Việt nào ghé Chicago cũng tạt vào mua 5, 10 ổ đem về ăn sáng hay ăn khuya. Đôi lúc tôi lười ăn cả sáng lẫn trưa lẫn chiều lẫn tối sạch chẵn 6 ổ!

Kể ra tôi và cô gái tên Ái Liên ngồi chung xe tính ra cũng quá nửa tiếng, cũng nói chuyện sơ sơ hiểu qua tình trạng của cô ấy. Bỏ xe ở hãng xong, tôi viết giấy để lại cho ông chủ, thực ra là anh ruột tôi, là cần sửa gấp cho Ái Liên trong ngày hôm sau, rồi tôi mới chở Ái Liên tới tiệm Như Miên. Ái Liên sửng sờ khi tôi đưa cô tới tiệm này, cho chợt ứa lệ, tôi dịu dàng nói:

-- Ái Liên đừng khóc, chuyện đâu còn có đó, từ từ giải quyết được hết mà. Tôi đã viết cho anh tôi sửa xe cho cô nội trong ngày mai, mai tôi đích thân sửa cho cô. Cần thì tôi tới đón cô đi làm hay đi học. Chiều cô ghé tới lấy xe hay tôi đưa xe tới nhà cô cũng được.

-- Không phải Ái Liên lo vụ xe! Ái Liên tin anh mà! Tại Ái Liên cũng đã hẹn anh Minh ở tiệm Như Miên này....

Cô thút thít khóc. Tôi mở cửa mời Ái Liên vào trước rồi dẫn tới một bàn trong góc tiệm, chỗ tôi thường ngồi. Chị Hoa thấy tôi đưa cô gái vào bàn ngồi. Khi tôi lại chào chị, chị chăm chú nhìn tôi hỏi:

-- Bồ mày đấy sao? Lâu nay sao mày giữ kín thế?

Tôi giải thích ngay, sợ chị hiểu lầm:

-- Không phải đâu, cô bị hư xe, em đi kéo xe về tiệm anh Hùng rồi cho cô quá giang về nhà thôi. Hổng có chi đâu.

-- Trông dáng cô bé đó đẹp quá mày. Ráng đi nha em, trông tướng hiền lành ghê vậy đó. À mày xem, chút nữa ghé trạm cảnh sát giao cho họ cái ví này được không? Có anh chàng Việt Nam trông cũng bảnh trai buồn hiu, chỉ uống qua loa ly cà phê rồi để quên cái ví ở đây.

Tôi mở ví ra nhìn bằng lái xe, loay hoay làm sao, lúc tôi mở một tấm hình rơi xuống đất, tôi nhặt lên và chăm chú nhìn hai người trong tấm ảnh:

-- Trời, tình cờ sao khéo tình cờ...
-- Gì vậy mẩy? Mày lại thẩn thơ gì đó mày...
-- Suỵt, chị Hoa! Cô gái trong tấm hình này là cô gái em vừa đưa tới ngồi kia kìa. Xe cô trượt, đâm vào tường thành, chết máy. Cả buổi cứ thút tha thút thít khóc vì trễ hẹn với bạn trai. Hồi nãy trước khi vào cửa lại khóc nữa kìa.

Tôi đưa chị Hoa tấm hình. Chị coi rồi thốt lên:

-- Và anh chàng kia! Đúng là chàng trai trong hình này rồi. Chị hỏi chàng ấy có cần gì không, nhưng chàng lắc đầu, ly cà phê đủ rồi vì chàng đang chờ một người bạn gái tới. Trông mặt chàng buồn hùi hụi. Chị hỏi mãi anh chàng ấy cuối cùng cũng kể hết tâm sự là chàng chờ vị hôn thê của chàng đã đính hôn từ 4 năm rồi mới gặp lại. Đây là cơ hội để chàng giải thích và hy vọng nối lại tơ duyên. Chàng rời tiệm khoảng 20 phút rồi.

Tôi lật đật tìm trong ví coi có số điện thoại nào để liên lạc không, may quá tôi tìm ra số điện thoại di động, đưa cho chị Hoa, bảo chị gọi Minh tới tiệm ngay vì Minh bỏ quên ví ở đây, trong khi tôi bưng hai tô phở lại bàn để cùng ăn với Ái Liên. Tôi nháy mắt với chị Hoa:

-- Chị làm thêm hai tô phở đặc biệt nữa nha! Một cho chị, một cho Minh, đêm nay em ở lại rửa chén giúp chị. Hôm nay chị em mình làm được việc thiện lớn đó, mai mốt chắc có thiệp hồng và đầu heo đãi chị em mình.


Nguyên Đỗ
Mùa Chuẩn Bị Valentine 2008

Các tác phẩm khác của Nguyên Đỗ

Hai Nhà Triệu Phú Kỳ Lạ

Em Có Là Đại Dương Mênh Mông?

Trúng Thời

Ngày Lễ Valentine 1 & 2

Mùa Đom Đóm

Lực Phản Kháng

Chuyện Ra Mắt Sách, Khó Tin Nhưng Có Thật

Bàng Bá Lân: Múc ánh trăng vàng

Vĩnh Viễn Tuổi Mười Tám

Tình Cũ Không Rủ Cũng Về

Tai Nạn Nghề Nghiệp

Sương Mờ Trên Áo Thơ

Ông Lão Dê Xồm

Ngày Về Thăm Em

Nắng Hạ Chiều Rơi

Năm Đồng Cho Chị

Mùa Xuân Đang Về

Mùa Thu Đáng Nhớ

Món Quà

Mẹ Ơi Con Muốn Lấy Chồng

Leo Cây Cắt Cụm Phong Lan

Làm Thơ Văn Và Sưu Tầm Phổ Biến Thơ Văn

Làm Ghế Xe

Kẻ Thích Tiền, Người Ham Trẻ

Hy Vọng

Hình Như Lỡ Chuyến

Đường xa vạn dặm một mình em đi!

Đừng Gọi Anh Bằng Chú

Đời Cha Ăn Mặn

Đoản Khúc Cho Một Người Mang Tên Nguyệt

Cuộc Đời Khó Biết

Con Vua Con Sãi

Cành Mai Ngày Tết

Căn Nhà Trong Hồn

Bên Cánh Vườn Xanh

Anh Khó Tính Ghê Vậy Á!

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi