Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG III
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
1. Thoán giả, ngôn hồ tượng giả dã: hào giả, ngôn hồ biến giả dã.
Dịch: Lời “Thoán” (Thoán từ Văn Vương đặt ở dưới mỗi quẻ) là để chỉ rõ cái tượng (ý tượng và hình tượng) của mỗi quẻ, lời hào (hào từ, Chu Công đặt ở dưới mỗi hào) là để nói về sự trao đổi, biến hoá của các hào.
2. Cát hung giả, ngôn hồ kì thất đắc dã; hối lận giả, ngôn hồ kì tiểu tì dã; vô cữu giả, thiện bổ quá dã.
Dịch: Cát (tốt) hung (xấu) là nói về sự đắc (được) thất (mất); hối lận là nói về những sai lầm nhỏ; vô cữu là khéo sửa lỗi.
Chú thịch: Có sách giảng: hối: là có cơ được “cát”, lận” là có cơ bị “hung”
3. Thị cố liệt quí tiện giả, tồn hồ vị; tề tiểu đại giả, tồn hồ quái; biện cát hung giả, tồn hồ từ.
Dịch: cho nên xét vị (ngôi), của hào mà biết sang hay hèn (1); xem tượng của quẻ mà cân nhắc (quyết định) được lớn (dương) hay nhỏ (âm) (2); xét lời đoán mà phân biệt được tốt xấu.
Chú thích:
(1) Ví dụ hào 5 là sang, hào 1 là hèn.
(2) Ví dụ quẻ Bĩ, âm thịnh, cho nên thoán từ nói là “tiểu lai” (âm tới, vào trong tức tiểu nhân ở trong); quẻ Thái dương thịnh, cho nên thoán từ nói là “đại lại” (dương tới, tức quân tử ở trong).
4. Ưu hối lận giả tồn hồ giới, chấn vô cữu giả tồn hồ hối.
Dịch: Biết lo về những hối hận (lầm nhỏ) thì biết dự phòng ở chỗ giới hạn giữa thiện và ác (lùi về một chút thì là thiện, tiến quá một chút thì hoá ác); làm chấn khởi sự vô cữu (không lỗi) là ở sự ăn năn (biết ăn năn tức là lòng sửa lỗi đã bắt đầu phát động, chấn lên – mà do đó có thể sẽ không lỗi).
5. Thị cố quái hữu tiểu đại, từ hữu hiểm dị; từ dã giả các chỉ kỳ sở chi.
Dịch: Cho nên quẻ thì có lớn nhỏ (1), lời thì có hiểm hóc hay dễ dàng, lời là để bảo cái hướng diễn biến (2).
Chú thích: (1) Quẻ lớn là quẻ nào mà dương thịnh, âm suy (quân tử thinh, tiểu nhân suy); ngược lại là quẻ nhỏ.
(2) Biết cái hướng diễn biến của sự việc thì biết tránh cái xấu, tìm cái tốt (xu cát tị hung); do đó “bảo cho ta cái hướng diễn biến” cũng là bảo cho ta cách xử sự. Vậy nếu ta sáng suốt thì vẫn làm chủ được vận mệnh của ta. Cơ hồ dịch chủ trương có thiên mệnh tức luật thiên nhiên chứ không có định mệnh.