Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG VI
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
1. Tử viết: “Càn Khôn, Kỳ dịch chi môn da? Càn dương vật dã, Khôn âm vật dã. Âm dương hợp đức nhi cương nhu hữu thể, dĩ thể thiên địa chi soạn, dĩ thông thần minh chi đức”
Dịch: Thầy (Khổng) nói: “Càn, Khôn là cửa của Dịch chăng? Còn đại biểu những vật thuộc về dương, Khôn đại biểu những vật thuộc về âm. Đức (tính cách) của âm dương hợp với nhau mà hào dương và hào nhu mới có thực thể, nhân đó mà suy trắc được công việc của trời đất và thông cảm được đức của thần minh!”
2. Kỳ xưng danh dã tạp nhi bất việt. Ư kê kỳ loại, kỳ suy thế chi ý da?
Dịch: Tên của các quẻ tuy lộn xộn nhưng ý nghĩa (?) không trật ra ngoài (sự biến hoà của âm dương) khi xét về lời đoán của mỗi quẻ thì Dịch là mối suy tư (của thánh nhân) trong một đời loạn chăng? (tức của Văn vương ở thời vua Trụ).
Chú thích: tiết nầy rất tối nghĩa các sách đều chấm câu ở sau chữ “việt”. Duy Phan Bội Châu là cho câu đi liền tới chữ “loại” rồi mới chấm. Chữ “loại” mỗi nhà hiểu một khác: Phan Bội Châu không dịch, Chu HI không giảng, J. Legge hiểu là “bản chất và cách thức” của các lời đoán. R. Wilhelm hiểu là hoàn cảnh.
3. Phù Dịch chương vãng nhi sát lai, nhi vi hiển (1) triển u; khai nhi (2) đáng danh biện vật, chính ngôn, đoán từ, tắc bị hĩ.
Dịch: Dịch làm rõ cái đã qua mà xét cái sắp tới, làm sáng tỏ cái kín đáo, mở cái bí mật. (Văn Vương) khai triển hình tượng (hay ý nghĩa), phân biệt mọi vật đúng với tên của chúng; ngôn được chính, lời đoán được định rồi, thế là (Kinh Dịch) đầy đủ.
Chú thích: (1) Ba chữ “nhi vi hiển”, ngở là lầm; “vi hiển nhi (triển u)” thì phải hơn.
(2) chữ “nhi” ở đây cũng ngờ là lầm.
Vì hai chỗ đáng ngờ như vậy nên tiết này khó hiểu, mà Phan Bội Châu không dịch. Chúng tôi dịch theo J. Legge mà J.Legge cũng chỉ đoán phỏng thôi.
4. Kỳ xưng danh dã tiểu, kỳ thủ loại dã đại, kỳ chỉ viễn, kỳ từ văn, kỳ ngôn khúc nhi trúng, kỳ sự tứ nhi ẩn, nhân nhị dĩ tế dân hạnh, dĩ minh thất đắc chi báo.
Dịch: Về sự đặt tên trong Dịch thì tới cả những vật rất nhỏ (hay tầm thường), mà bao gồm cả những loại rất lớn (nhu thiên địa, âm dương, vũ trụ)(1), ý nghĩa của Dịch sâu xa mà lời thì văn vẻ, lời (giảng) ngoắt ngoéo mà đúng sự việc, trình bày rõ ràng mà thâm điểu, u ẩn, nhân lòng dân có điều nghi ngờ (nhị) mà giúp dân về đức hạnh, (bằng cách) tỏ cho dân thấy rõ sự báo ứng về việc hỏng hay được (tức hậu quả của hành động tốt hay xấu).
Chú thích: (1) Câu đầu này R. Wilhelm dịch là: Những tên (để gọi các quẻ) có vẻ không quan trọng nhưng khả năng áp dụng thì lớn; J. Legge dịch là: Tên gọi chỉ là vấn đề nhỏ mọn, nhưng các loại sự vật chứa trong những tên đó thì rộng lớn.
(Chương này tối nghĩa, có chỗ chép lầm, mà ý nghĩa cũng không có gì sâu sắc, chỉ là xét chung về bản thể, công dụng của Kinh Dịch).