Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG VI+VII
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
(Phan Bội Châu bỏ trọn chương này)
1. Phù dịch quảng hĩ, đại hĩ: dĩ ngôn hồ viễn tắc bất ngự, dĩ ngôn hồ tĩnh nhi chính, dĩ ngôn hồ thiên địa chi gian tắc bị hĩ.
Dịch: đạo dịch rộng lớn thật; nói về xa thì đạo ấy vô cùng, nói về gần thì đạo ấy tĩnh mà chính (ngay), nói về khoảng trong trời đất thì đạo ấy bao gồm đủ cả.
2. Phù càn kì tĩnh dã chuyên, kì động dã trực, thị dĩ đại sinh yên. Phù khôn, kỳ tĩnh dã hấp, kỳ động dã tịch, thị dĩ quảng sinh yên.
Dịch: Đạo càn lúc tĩnh thì chuyên nhất, lúc động thì tiến thẳng, cho nên sức sinh ra của nó lớn. Đạo khôn lúc tĩnh thì thu lại, lúc động thì mở ra, cho nên sức sinh của nó rộng.
3. Quảng đại phối thiên địa, biến thông phối tứ thời, âm dương chi nghĩa phối nhật nguyệt, giản dị chi thiện phối chí đức.
Dịch: Đạo dịch vì rộng lớn nên phối hợp với trời đất, vì biến thông nên phối hợp với bốn mùa, vì lẽ âm dương nên phối hợp với mặt trời mặt trăng, vì nó có cái hay là giản và dị (1), cho nên phối hợp với cái đức tối cao (2).
Chú thích: (1) Giản là đức của Khôn, của âm; dị là đức của Càn, của dương – Coi Ch.I tiết 6 ở trên.
(2) Chữ “chí đức” ở đây, J.Legge dịch là những tác dụng hoàn toàn, R. Wilhelm dịch là năng lực tối cao.
Chương này để chỉ đề cao đạo Dịch, không thêm ý nghĩa gì cả.
CHƯƠNG VII
1. Tử viết: Dịch kỳ chí hĩ hồ! Phù dịch thánh nhân sở dĩ sùng đức nhi quảng nghiệp dã; trí sùng lễ ti; sùng hiệu thiên, ti pháp địa.
Dịch: thầy (Khổng ) nói: Đạo Dịch tinh diệu thay! Thánh nhân dùng nó mà đưa đức mình lên cao, mở rộng sự nghiệp của mình; trí (đức) thì cao mà xử sử (lễ) thì khiêm hạ; về phần cao đó là bắt chước trời, về phần khiêm hạ (thấp) là bắt chước đất.
2. Thiên địa thiết vị nhi dịch hành kỳ trung hĩ; thành tín tồn tồn, đạo nghĩa chi môn.
Dịch: Trời (cao) đất (thấp) đã thành ngôi, mà sự (âm dương) biến hoá lưu hành ở khoảng giữa (trời đất); người ta bẩm thụ được cái tính (tốt) rồi, thì còn, còn mãi, đó là cái cửa của đạo nghĩa.
Chương này cũng đề cao Dịch như chương trên.