CHƯƠNG VIII
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
1. Thánh nhân hữu dĩ kiến thiên hạ chi trách, nhi nghĩ chư kỳ hình dung, tượng kỳ vật nghi, thị cố vị chi tượng.
Dịch: thánh nhân thấy được những cái phức tạp trong thiên hạ mà xét hình dung của chúng rồi bắt chước mà tượng trưng các vật cùng tính cách mỗi vật, do đó mà gọi là tượng (tượng hình và tượng ý).
2. Thánh nhân hữu dĩ kiến thiên hạ chi động, nhi quan kỳ hội thông, dĩ hành kỳ điển lễ, hệ từ yên dĩ đoán kỳ cát hung, thị cố vị chi hào.
Dịch: thánh nhân thấy được những cái động trong thiên hạ, mà xét cái lẽ tụ hội và tương quan của chúng, tìm ra được qui luật vận chuyển (1) của chúng, rồi đặt ra lời ghép vào (mỗi hào) để đoán cát hay hung, do đó mà gọi là hào.
Chú thích: (1) điển lễ ở đây có nghĩa là phép tắc, khuôn phép.
Hai tiết trên, Phan Bội Châu đều không dịch.
3. Ngôn thiên hạ chi chí trách nhi bất khả ố dã, ngôn thiên hạ chi chí động nhi bất khả loạn dã.
Dịch: thánh nhân nói về cái phức tạp trong thiên hạ mà không làm cho người ta chán (1) nói về cái rất biến động trong thiên hạ mà người ta không thấy hỗn loạn (2).
Chú thích: (1) Bất khả ố, Phan Bội Châu giảng là thánh nhân thâu nạp hết các tạp loạn trong thiên hạ, không có cái nào “ghét bỏ mà không nói”.
(2) Phan Bội Châu giảng là: vì trước sau đều sắp đặt có thứ tự.
4. Nghĩ chi nhi hậu ngôn, nghị chi nhi hậu động, nghĩ nghị dĩ thành kỳ biến hoá.
Dịch: (người học Dịch) so sánh (cân nhắc) lời trong Dịch rồi mới nói, bàn xét về cách biến động trong Dịch rồi mới hành động; so sánh, bàn xét như vậy để hoàn thành những công việc biến hoá trong đời mình.
Chú thích: Tiết này, R. Wilhelm cho là vẫn nói về thánh nhận và việc tạo Kinh Dịch; và dịch là: Sở dĩ được như vậy (như tiết 3), là vì thánh nhân nhận xét trước khi nói, bàn bạc trước khi hành động. do nhận xét và bàn bạc mà thánh nhân hoàn thành được sự biến đổi.
*
(Dưới đây là bảy thí dụ tác giả Hệ từ truyện lấy trong Kinh Dịch để cho độc giả thấy nên so sánh, bàn xét ra sao khi đọc Dịch, rồi áp dụng trong đời sống).
5. “Hạc minh tại âm, kỳ tử hoạ chi; ngã hữu hảo tước, ngô dữ nhữ mị chi”.
Tử viết: “quân tử cư kỳ thất, xuất kỳ ngôn, thiện tắc thiên lý chi ngoại ứng chi, huống kỳ nhĩ giả hồ; cư kỳ thất, xuất kỳ ngôn, bất thiện, tắc thiên lý chi ngoại vi chi, huống kỳ nhĩ giả hồ. Ngôn, xuất hồ thân, gia hồ dân; hành phát hồ nhĩ, kiến hồ viễn, Ngôn hành quân tử chi xu cơ, xu cơ chi phát, vinh nhục chi chủ dã, Ngôn hành quân tử chi sở dĩ động thiên địa dã, khả bất thận hồ!”
Dịch: (Quẻ Trung phu, hào 2 – coi phần dịch 64 quẻ ở trên – Hào từ nói: ) “con hạc mẹ gáy ở bóng râm, con nó hoạ lại; (lại như) tôi có chén rượu ngon, tôi cùng anh chia nhau” (Ý nói: hai bên cảm ứng, tương đắc với nhau, như hào hai và hào năm quẻ Trung Phu)
Thầy (Khổng) (giải thích ý nghĩa của hào đó) bảo:
“Người quân tử ở trong nhà, mà nói ra, nếu lời nói hay thì người ngoài nghìa dặm cũng hưởng ứng, huống chi là người ở gần; ở trong nhà mà nói ra, nếu lời nói không hay thì người ngoài ngàn dặm cũng phản đối, huống chi là người ở gần. Lời ở (miệng) mình phát ra thì tác động ngay tới dân chúng; hành vi từ gần phát ra thì ảnh hưởng hiện ngay ở xa. Lời nói, việc làm của người quân tử cũng như cái máy cái chốt, cái máy cái chốt đó phát rồi là cái gốc của điều vinh nhục. Do lời nói và việc làm mà người quân tử cảm động được trời đất, như vậy chẳng nên thận trọng”.
6. “đồng nhân tiên hào đào nhi hậu tiếu”.
Tử viết: “quân tử chi đạo hoặc xuất hoặc xử, hoặc mặc hoặc ngữ, nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim, đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan”.
Dịch: (quẻ Đồng nhân, hào 5 – Hào từ nói
“Hai người đồng tâm với nhau thì trước kêu rêu rồi sau lại cười” (Ý muốn nói: mới đầu bị ngăn cách vì hoàn cảnh, vì bị gièm pha, cho nên than thở kêu rêu, sau thắng được hoàn cảnh mà lại vui vẻ - coi phần dịch ở trên).
Thầy (Khổng) nói: “Như đạo người quân tử, hoặc xuất hoặc xử, hoặc yên lặng hoặc nói năng, hai người mà cũng một lòng (đồng tâm) thì sức mạnh bẻ gảy được loại kim (ngăn cách họ), và lời của họ thấm thía như hương lan)”
7. “sơ lục, tạ dụng bạch mao, vô cữu”
Tử viết: “Cẩu thố chư địa nhi khả hĩ, tạ chi dụng mao, hà cữu chi hữu? Thận chi chí dã, Phù mao chi vi vật bạc nhi dụng khả trọng dã. Thận tư thuật dã dĩ vãng, kỳ vô sở thất hĩ”.
Dịch: Hào sơ lục (tức hào 1 âm – quẻ Đại quá, Hào từ nói:
“Lót vật gì mà dùng cỏ mao trắng thì không có lỗi” (Ý nói cẩn thận thì không đổ bể, không thất bại)
Thầy (Khổng) nói: “Nếu đặt vật gì xuống đất cũng được rồi, mà lại còn dùng cỏ mao trắng để lót nữa thì còn sợ gì đổ bể nữa? Như vậy là rất cẩn thận. Cỏ mao là vật tầm thường mà biết dùng thì lại đáng quí. Nếu ta thận trọng như vậy khi làm việc đời thì chắc không bị lỗi.
8. “Lao Khiêm, quân tử hữu chung, cát”
Tử viết: “Lao nhi bất phạt, hữu công chi bất đức, hậu chi chí dã. Ngữ dĩ kỳ công hạ nhân giả dã. Đức ngôn thịnh, lễ ngôn cung, khiêm dã giã, trí cung dĩ tồn kỳ vị giả dã.”
Dịch: (Hào 3 quẻ Khiêm, Hào từ nói: Khó nhọc mà nhún nhường, người quân tử giữ được (địa vị) tới cùng (1) , tốt.
Thầy (Khổng) nói: “Khó nhọc mà không khoe khoang, có công với đời mà chẳng nhận là ân đức, đức như vậy là cực dày. (Lao, Khiêm) có nghĩa rằng lấy công lao của mình mà nhún nhường ở dưới người. Đạo đức thì thịnh, lễ mạo thì cung kính, người Khiêm hết lòng cung kính mà giữ được địa vị”.
Chú thích: (1) Hữu chung có sách giảng là “người quân tử có ý trọn vẹn về sau”, lại có người dịch là khiến cho mọi sự việc được tới cùng; cũng có người hiểu là giữ được “lao, khiêm” tới cùng.
9. “Kháng long hữu hối”.
Tử viết: “quí nhi vô vị, cao nhi vô dân, hiền nhi tại hạ vị nhi vô phụ, thị dĩ động nhi hữu hối dã”.
Dịch: (Hào 6 quẻ Càn, Hào từ nói: “rồng lên cao đến cùng cực tất có điều phải ăn năn.”
Thầy (Khổng) giảng: “(Hào 6) Quí (vì ở trên cao hơn hết) nhưng không có ngôi, cao mà người có dân (vì hào 5 là vua mới có dân), các người hiền ở dưới mình mà không giúp đỡ mình, cho nên nếu hoạt động thì tất có điều phải ăn năn”.
10. “Bất xuất hộ đình, vô cữu”
Tử viết: “Loạn chi sở minh dã tắc ngôn ngữ dĩ vi giai. Quân bất mật tắc thất thần, thần bất mật tắc thất thân, cơ sự bất mật tắc hại thành. Thị cố quân tử thận mật nhi bất xuất dã”.
Dịch: (Hào 1 quẻ Tiết), Hào từ nói: “Không ra khỏi sân ngõ thì không bị lỗi”.
Thầy (Khổng) giảng: “Loạn sở dĩ sinh ra là do ngôn ngữ gây ra trước. Ông vua mà không kín lời (cẩn mật) thì mất bề tôi; bề tôi mà không kín lời thì mất thân mình; mưu cơ mà không giữ kín thì tai hại sinh ra. Cho nên người quân tử cẩn mật mà giữ gìn lời nói, không cho tiết lộ ra.
11. Tử viết: “Tác Dịch giả, kỳ tri đạo hồ? Dịch viết: “Phụ thả thừa, trí khấu chí”. Phụ dã giả, tiểu nhân chi sự dã; thừa dã giả, quân tử chi khí dã. Tiểu nhân nhi thừa quân tử chi khí, đạo tư đoạt chi hĩ. Thượng mạn hạ bạo, đạo tư phạt chi hĩ. Mạn tàng hối đạo, dã dung hối dâm. Dịch viết: “Phụ thả thừa, trí khấu chi” đạo chi chiêu dã”.
Dịch: Thầy (Khổng) nói: “Người làm dịch biết được tâm lý bọn ăn trộm chăng? Kinh Dịch (Quẻ Giải, hào 3, Hào từ nói: “Kẻ mang đội đồ vật mà lại ngồi xe là xui bọn trôm cướp tới”. Là vì mang đội đồ vật là công việc của người thường (nghèo), mà xe là đồ dùng của người sang (giàu) (1). Người thường mà ngồi xe của người sang là xui cho kẻ trộm cướp tìm cách cướp đoạt của mình. Người trên khinh nhờn, kẻ dưới (ỷ thế) tàn bạo, thì kẻ cướp tìm cách đánh đuổi ngay(2). Giấu cất không kín đáo là dạy cho kẻ trộm vào lấy của nhà mình; trau giồi nhan sắc là dạy cho bọn gian dâm hiếp mình. Kinh dịch nói: “Kẻ mang đội đồ vật mà lại ngồi xe là xui bọn trộm cướp tới.” Ðó là tự mình vời trộm cướp tới”.
Chú thích: (1) chữ tiểu nhân ở đây trỏ dân thường, người nghèo: chữ quân tử trỏ người có chức tước, sang, giàu.
(2) Câu này nói về việc trị nước, người trên trỏ vua, kẻ dưới trỏ quan, kẻ cướp trỏ các nước khác muốn đánh chiếm nước mình. R. Wilhelm và J.Legge dịch là: Minh khinh nhờn với bề trên mà tàn bạo với kẻ dưới thì kẻ cướp sẽ tìm cách đánh đuổi mình.