Chương 13
Tác giả: Nguyễn Nguyên Bảy
Thú thật, lần đầu tiên đạp xe tới khu tập thể nhà Như, Lan mắc cỡ quá. nhiều con mắt tò mò nhìn Lan. Cái anh chàng Như này gà trống nuôi con, vậy mà Lan thì…Lan không dám nghĩ thêm, cứ dẫn xe vào, tỉnh queo như không thấy ai cả. cũng may, bao giờ cháu Quỳnh cũng đón Lan ngay ở cửa, vồ vập, thân tình, khiến Lan thấy vững lòng.
Kỳ thiệt, tại sao mình lại nhận lời anh ấy là mình sẽ tới đây mỗi ngày hai bận để chăm nom Quỳnh. Anh ấy sẽ nghĩ sao về mình?
Mỗi lần vào nhà Như, Lan đều cố ý đi ngang qua chiếc tủ gương, thóang bắt gặp chính mình trong chiếc gương đó. Lan tự giận mình những mụn trứng cá trên mặt nếu không có chúng thì rõ ràng là Lan tươi như một bông hoa nở. Lan có đi hỏi những người có kinh nghiệm về da mặt để biết nguyên nhân của những mụn trứng cá. ai cũng nói với Lan là thời gian sẽ làm nó biến mất ngay sau khi lấy chồng. Lan ngượng chín mặt. Như vậy chẳng hóa ra vì chưa lấy chồng mà những mụn trứng cá cứ nỗi lên hối thúc?
Lan đâu phải cô gái không người để mắt tới. Lan tự biết mình lắm chứ. Các anh chàng mỗi khi thấy Lan đi qua cứ đứng ngẫn cả ra mà nhìn. chỉ có điều Lan không nhìn họ, vì Lan tự nói với mình, trái tim Lan chưa rung động. Cũng có vài chàng mạnh bạo, dám viết cả thư tấn công, nhưng Lan im lặng. Tấn công bằng thư từ nghe có vẽ tự lực Văn đòan quá, xưa quá, Lan không thích như vậy. Cũng phải nói thật, Lan không thích chơi với mấy anh chàng đồng trang lứa, hoặc lớn hơn Lan vài tuổi, trong họ có vẻ bột bột ngô nghê làm sao. Từ mái tóc dài thòang đến những lọai áo quần kiểu cách của họ Lan đều thấy một cái gì đó mờ nhạt, phấn rôm. Lan thích một cái gì đó sâu thăm thẳm, tinh tế mà chỉ cần nghĩ tới thôi trái tim đã đập liên hồi. Đám mấy anh choai choai không có được điều đó. Lan loại họ ra khỏi vùng suy nghĩ của mình.
Tới tháng Chạp này là Lan hai nhăm tuổi. Lan về công ty sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế kế họach. Thọat về, cô làm kế họach công ty, sau được điều qua làm thư ký giám đốc. đối với cô công việc gì cũng được miễn là những sở học của cô được áp dụng thường ngày.
-Nào, hai cô cháu mình bắt đầu nhặt rau chứ?
-Cháu nhặt rồi
-Vậy hả? Cô đi vo gạo vậy.
-cháu cũng vo rồi
-Có nghĩa là cô thất nghiệp?
Hai cô cháu cùng cười.
Đúng như lời Như nói, con gái anh làm được mọi chuyện, cháu làm không thua kém gì người lớn, từ việc nhặt rau, vo gạo, tới thu xếp nhà cửa. việc gì cháu làm cũng tới nơi tới chốn, gọn ghẽ, ngăn nắp. chỉ phải tội, đôi mắt cháu có cái nhìn buồn buồn. Mỗi lần Lan tới là đôi mắt ấy lại sáng rỡ lên. Nỗi cô đơn từ đôi mắt cháu lan đầy gương mặt. cháu rất hay chuyện, bởi ngòai ba cháu ra cháu không có ai để tâm sự, các cô các chú lối xóm còn bận công chuyện cơ quan, chẳng ai có thì giờ chia xớt câu chuyện trẻ nít của cháu. vì thế cháu cứ như không thể dứt chuyện với Lan được. Lan để ý, cháu tranh thủ làm hết mọi chuyện trước khi Lan tới, cháu không khiến Lan phải làm gì để Lan có thời giờ nói chuyện với cháu. Cháu kể đủ mọi thứ, từ con chó bên lối xóm tới người mà hát rong. Những chuyện của Cháu thường đượm buồn. vì thế Lan cố tình không bao giờ bắt đầu những câu hỏi gợi cháu nói chuyện gia đình cả. Nhưng hôm nay bỗng nhiên Quỳnh nói về má. Lan đã cố tình gạt đi, nhưng do tò mò, cô vẫn dõng tai nghe. Cháu kể là má cháu có cặp mắt đẹp như thế nào và hay mua cho cháu quà gì. Lan bất chợt hỏi xen vào chuyện của cháu:
-Vậy chứ Quỳnh có nhớ má không?
-Nhớ lắm cô ạ
-Sao không về ở với má?
-Nhưng chẳng có ai nấu cơm cho ba cháu ăn
-Ba cháu sẽ ăn cơm tập thể.
-Không được đâu, ba cháu đau dạ dày, chỉ có cơm do cháu nấu, ba cháu mới ăn được, ba cháu nói vậy.
Hèn chi, Lan nghĩ, bửa cơm nào con nhỏ cũng đổ thêm chút nước vào nồi cơm đang sôi. Và cũng có thể Như đau dâ dày, nhưng anh ta làm như vậy, để khích lệ tình cảm nơi con gái anh, bởi anh không chịu nổi cảnh đơn lẻ, khi không có vợ và các con.
-Vậy Quỳnh ít thương má hơn ba rồi.
-Đâu có, tại vì má không thương chúng cháu.
-Cháu nghĩ quấy cho má đó nghe. Má nào lại không thương con.
-Ba cháu cũng nói vậy.-cháu ngưng một lát, nhìn lên tường nơi có treo bức hình một phụ nữ, mà Lan đóan chắc là má cháu,-Nếu má cháu thương chị em cháu, thì má cháu đã chẳng bỏ ba cháu.
-Thôi bây giờ cháu đi tắm đi, rồi cô cháu mình ăn cơm.-Lan muốn lảng tránh câu chuyện mà cô hiểu rằng không nên tiếp tục, bởi nó sẽ làm thương tổn đến tình cảm của Quỳnh với người mẹ.
-Cháu tắm rồi mà,-Quỳnh cúi đầu, khoe mái tóc mới gội, còn ướt nước,-cháu hỏi thiệt cô nghe, có phải ba cháu kêu cô tới để chăm xóc cháu không?
-Sao cháu nghĩ vậy?
-Má cháu bảo, tới một lúc nào đó, ba cháu sẽ có vợ khác…
-Thôi, cháu đừng nói chuyện người lớn nữa.
Lan hơi phật ý. con nhỏ tuy chẳng có ý ám chỉ gì quan hệ giữa cô và ba nó, nhưng cô hiểu là nó rất lo lắng là cô sẽ tới đây hiện diện trong căn nhà này, chia xẻ của nó tình cảm ba con. Cô bỗng giận mình. Tại sao khi không lại đi nhận lời ảnh tới đây chăm xóc nó. Những con mắy tò mò của những người trong khu tập thể lại hiện lên, nhìn chói vào mặt cô. Lan nghĩ thật là trớ triêu cho hòan cảnh của mình. Tình ngay mà lý thì gian. Rồi anh ta sẽ trở về, anh ta sẽ nuôi một hy vọng và sẽ làm mình khó xử.
Quỳnh vẫn nhất định không buông tha câu chuyện mà cháu bỗng dưng khởi xướng với Lan.
-cháu nói nghiêm chỉnh đấy, cô là thế nào với ba cháu
Lan gượng cười:
-Là bạn của ba cháu
Lan hơi bất ngờ vì bỗng nhiên Quỳnh trở nên linh họat và thích thú sự công nhận đó.
-Cô mà là bạn của ba cháu, thì cháu thích lắm.
-thương như thế nào?
-Thứ nhất là cháu sẽ không làm cho cô phải buồn, thứ hai là cháu sẽ học rất giỏi, thứ ba là cháu sẽ hát cho cô nghe. Ba cháu đàn cho cháu hát thì phải biết, chuyên nghiệp còn phải thua đó.
Lan bật cười:
-Vậy hả? Bây giờ hát cho cô nghe đi.
-Quỳnh xua tay:
-Không được đâu. Cháu hát mà không có ba cháu đàn thì không giống ai…
Lan hiểu rằng nếu cứ tiếp tục câu chuyện kiểu này thì có lẽ suốt đêm không hết chuyện. Cô đứng dậy, kéo tay Quỳnh, vui vẻ:
-Dù sao hai cô cháu mình cũng phải ăn cơm đã.
Chỉ một lóang đã ngồi đối diện nhau trên chiếc bàn vuông trong bếp. Chuyện của họ lại nở như bắp rang, xem chừng còn ngon hơn cả thức ăn nữa.