Chương 17
Tác giả: Nguyễn Nguyên Bảy
Sau mấy lần gặp nhau ngoài bãi biển, Mạnh và Đại đã trở nên thân nhau hơn. Vì thế, chiều chủ nhật, Đại quyết định cùng đi câu với Mạnh. Nhưng thật tiếc là cả chiều đó, họ chẳng câu được chú cá nào. Đại thì cho rằng biển động nên có không vô bờ. Nhưng Mạnh lại nghĩ khác, hình như anh đang phải chịu một sự trừng phạt nào đó. Vì thế anh rủ Đại tời đình Tổ, anh cần phải tạ lỗi và xin ơn.
- Anh theo đạo Thiên Chúa cơ mà?
- Nhưng tôi là dân đi câu thì nhất thiết phải có Tổ.
- Đình Tổ của những người câu cá.
- Của những người chài lưới thì đúng hơn. Anh không biết những người dân ở đây coi đình Nam Hải là Đình Tổ của mình?
- Đình Nam Hải thì tôi biết…
Hai người xếp cần câu lại, đi về phố. Đại tò mò không biết Mạnh sẽ làm gì ở đình Nam Hải mà anh tự coi như đình Tổ. Đại lật tìm trong kho tư liệu sống trong nghề hướng dẫn du lịch của mình. Anh lật thấy ngày trang nói về đình Nam Hải. Anh vừa đi vừa nhẩm lại tư liệu đó trong óc.
Tương truyền rằng. Cá Ông Voi được thượng đế giao cho việc tuần tra dưới biển, chuyên cứu vớt tàu thuyền hoặc người bị nạn. Cùng đi với cá Ông luôn có một cặp tôm, một cặp mực và một cặp cá đao bơi theo bảo vệ. Riêng cá Đao, nếu cá Ông không hoàn thành sứ mệnh của mình thì sẽ xử ông bằng hàm răng cưa của mình. Lần ấy, ngoài khơi bãi Tầm Dương, vùng biển vùng Tam Thắng bây giờ, có một chiếc thuyền lớn chở người, chẳng may gặp sóng to, gió lớn, mọi người cầu cá Ông tới cứu. Nhưng thương thay cá Ông chưa kịp tới, con thuyền đã bị sóng nhận chìm, không một người nào thoát nạn. Vì chậm trễ mà không cứu được người, nên cá Ông bị đao chém làm ba khúc. Phần đầu ở Vũng Tàu, phần thân ở Phan Thiết và phần đuôi đặt mãi tới Gò Công. Chuyện trên chẳng biết xảy ra từ khi nào, nhưng mãi tới sau này, khoảng đầu thế kỷ 19, dân biễn bãi Tầm Dương gặp một khúc đầu cá Ông Voi lớn dạt vào bờ. Họ đóng kè ghìm lại chờ ba năm cho thịt rữa hết, cọ rửa rồi đem xương về thờ ở Bãi Trước, sau này khi có đình Nam Hải xương được mang về đó thờ. Việc thờ cá Ông Voi là một phong tục của những người dân chài lưới Vũng Tàu. Họ cho rằng thờ cá Ông Voi sẽ đánh bắt được nhiều cá và ra biển nếu có gặp tai nạn cũng sẽ được cứu khỏi. Hàng năm, họ tổ chức giỗ ông và thường khi gặp chuyện gì không may, họ lại tới đây cầu xin…
Mạnh và Đại đi thẳng vào phía sau điện thờ, khói nhanh nghi ngút. Cả hai, không người nào thắp một nén nhang. Đại chỉ thấy Mạnh đứng lặng trước những bộ xương đầu cá Ông, cá Bà và các hủ cá Ông nhỏ, không thấy những cử chỉ khác thường của Mạnh. Nhưng hai mắt Mạnh thật trang nghiêm, và nhìn tinh thấy những cử động rất nhỏ của hai làn môi. Mạnh đang cầu xin điều gì đó, anh nói trong tâm tưởng với tất cả thành kính. Lát sau khi ra ngoài đường, Mạnh thành thực nhận với Đại:
- Từ hồi đi hải quân, tôi tự tâm niệm mình sẽ không bắn giết ai, chỉ làm nhiệm vụ che chở cứu vớt những người dân chài gặp nạn ngoài biển. Vì thế, những người như tôi tự coi cá Ông là tổ của mình… - Mạnh khoe,- Trong thời gian ở hải quân, tôi cũng đã cứu được ba ngươi bị bão…- Mạnh lặng đi một lát, - Anh hiểu không, tôi chỉ ao ước suốt đời được làm đệ tử của Cá Ông.
Đại thăm dò:
- Nếu bây giờ nhà nước lại giao cho anh công việc đó anh nghĩ thế nào?
Mạnh nhép miệng cười:
- Chuyện đó không thể xảy ra, vì tôi là một sĩ quan ngụy. Cách mạng không thể tin tưởng giao công việc đó cho người như tôi.
Nỗi băn khoăn của Mạnh chính đáng. Bởi chính Đại, sau khi hưa giúp xin việc cho Mạnh đã tìm tới Như. Như không từ chối, nhưng nỗi băn khoăn của anh cũng là nỗi băn khoăn của Mạnh vừa nói trắng ra.
- Cách mạng sẽ tin câu, mình nghĩ như vậy mà.
Đại thừa hiểu là mình đã nói một câu ít thuyết phục. Người ta không thể thông cảm với quá khứ của người khác một cách dễ dàng, nhất là với vấn đề lý lịch. Cứ nghĩ ngay như hoàn cảnh của Đại thì biết. Sở dĩ cho tới nay Đại vẫn chưa được kết nạp Đảng vì hai lẽ. Thứ nhất nàh Đại là dòng giõi con quan, ông nội Đại để lại cho con cháu cái thẻ bài ngà đeo trên ngực, còn cụ làm tới quan gì chính Đại cũng không biết. Thứ hai là thành phần bản thân Đại ghi trong lý lịch là tiểu tư sản học sinh. Cả hai vấn đề đều rất gợn, bởi lẽ người ta nghĩ hoàn cảnh xuất thân và trưởng thành của Đại có cái gì đấy chưa vững vàng. Cộng thêm là cá tính Đại, thấy cái gì gai mắt không chịu được nói liền. Tính từ khi Đại lớn lên tới giờ cũng đã sống hơn ban chục năm chế độ dân chủ cộng hòa, sau này là chế độ xã hội chủ nghĩa. Mái trường đã đạo tạo nên con người Đại rõ ràng là mái trường Xã hội chủ nghĩa. Vậy mà những thành kiến còn nặng nề. Huống hồ gì những người ở các đô thị miền Nam vừa giải phóng, lại thêm cái quá khứ đi lính cho chế độ cũ.
- Hôm trước mình đã bàn với tổ chức về trường hợp của cậu…
- Anh bận tâm về tôi nhiều quá.
- Nếu tổ chức xếp cậu vào đội cấp cứu trên bãi biển cậu nghĩ thế nào?
- Anh bảo sao? – Đại nhìn thấy đôi mắt của Mạnh sáng rực lên.
Đại hiểu là cặp mắt đó đã biểu đạt chính xác nỗi khát khao trong lòng Mạnh. Cứ xem việc Mạnh vào đền thờ cá Ông thì biết. Mạnh ước muốn thật sự, yêu quý thật sự công việc của một người vùng biển là được cứu giúp những người bị nạn trên biển. Đại mừng là mình đã phát hiện ra điều này sớm. Phát hiện ngày từ lúc gặp Mạnh thành thực nói với Đại là anh chẳng có nghề ngỗng gì ngoài bơi lặn. Chính Đại đã đề xuất với Như điều đó và hy vọng là Như cũng hiểu như mình.
- Ở biển Bãi Sau thường có ao xoáy, mà những người du lịch tới đó tắm biển ngày mỗi đông, nên nhất thiết phải có đội cấp cứu biển.
Mạnh lặng người. Đó là cái nghề mà anh chờ đợi. Những người du lịch đâu có am hiểu hết biển. Trong vùng sóng biển lượn lờ, từng đợt sóng trắng xô vào nhau êm ả, mời đón, có những chổ mặt biển phẳng lừ, không một con sóng trắng đi qua. Ao xoáy đang ở đó, hay nói cách khác những con sóng đang cuốn ngầm.
Ao xoáy ở Bãi Sau không phải là cái gì huyền bí. Nó hoàn toàn là hiện tượng thiên nhiên mà nguyên nhân chính là do gió và sóng. ở Vũng Tàu, hàng năm thường có hai hướng gió chính thổi tới: hướng đông bắc vào mùa đông và hướng đông nam vào mùa hè. Theo hai hướng gió đó, sóng biển đi vào Bãi Sau bao giờ cũng đạp xéo từ 45 độ đến 60 độ. Do sóng đập xéo lại có tốc độ mạnh nên khi gặp bờ bị dội bật ra cũng theo một góc xéo tương tự mạnh không kém mang theo đất cát về phia bên kia tạo thành hiện tượng xâm thực. Cứ thế sóng liên tục đập vào bờ. Vùng đất khuyết bị sóng đánh ấy cứ sâu dần, rộng dần tùy theo mức sóng lớn hay nhỏ. Có khi chổ rộng lên đến ba bốn gian nhà, sau tới 2-3 mét tính từ mặt nước. Vì lực sóng bật dội và rất mạnh, lại gặp ngay đợt sóng ở ngoài ập vào nên gây thành ao xoáy. Người bị rơi vào ao xoáy thường bị sóng quật mạnh, uống nước nhiều và dễ bị chết đuối.
Nếu mình được tuyển vào đội cứu người tắm biển mình sẽ có cách. Mạnh nghĩ. Phải đặt ra mọi tình huống cho người tắm biển. Trước hết phải báo động cho họ chổ nào có ao xoáy. Nếu chẳng may họ bị rơi vào ao xoáy thì họ phải làm gì để tự mình thoát ra khỏi nguy hiểm đó. Mình nhất định phải có mặt kịp thời và đúng lúc, bởi mình là đệ tử của cá Ông, minh không muốn bị cá trảm trừng phạt chặt mình ra làm ba khúc.
Mình sẽ làm tất cả để tổ chức có thể tin cậy tuyển Mạnh vào đội cứu người tắm biển. Đại nghĩ. Hôm trước mình đã hứa với anh ấy hai điều, và cả hai điều ấy cho tời giờ mình đều chưa tiến hành được theo ý muốn của mình. Mình đã tới căn nhà mồ của Thanh Thủy. Mình đã đợi qua lâu sau những hồi chuông dài, để được người giúp việc mở cửa và một câu lạnh nhạt: Bà chủ không tiếp khách. Mình lại tới lần thứ hai, mang theo tấm cạc vi dít, và lần này bà chủ Thanh Thủy đã buộc tiếp mình. Mình bị dẫn vào căn phòng âm u ảm đạm. Không gian bao quanh mình màu xám đen. Còn bà chủ như bức tượng đen tuyền, bất động, ngồi ngả người nơi chiếc ghế phô tơi. Âm thanh của bả phát ra từ chiếc khăn voan màu đen che kín mặt. tôi xin nghe lời ông dạy bảo. Bà chủ nói với minh như thế. Minh lập tức thuật lại câu chuyện, hy vọng bà sẽ mở tấm khăn choàng mặt để mình được trực tiếp đối thoại, với gương mặt con người. Nhưng điều đó không xảy ra. Bả vẫn ngồi lặng như bức tượng nghe không sót lời nào của mình. Mình không thể đọc, đoán những suy nghĩ của bà. Câu chuyện của mình tới hồi kết. Mình chỉ nghe bả nói lạnh tanh: Giêsu mà lạy Chúa. Cầu phước cho anh ấy. Rồi bà từ từ đứng dậy. Mình hiểu bả không muốn tiếp mình thêm một giây nào nữa. Mình vọt ra khỏi nhà bả, bâng khuâng lạ lẫm tâm trí rối bời, mình chẳng hiểu là mình đang ở đâu, mình đã nói chuyện với người hay với ma. Mình đã không thuật lại chuyện này cho Mạnh. Nhưng rõ ràng là mình không thể giúp gì hơn cho Mạnh. Mình sẽ là thằng ba hoa khốn kiếp nếu trong cả hai điều mà mình đã hứa với Mạnh, mình chẳng làm được chuyện gì cho ra hồn.
Chia tay Mạnh ở đầu đường, Đại rảo bước vào thẳng tới nhà Như. Cũng may Như có nhà, ảnh khoe là vừa cùng Tư Lịch đi thị sát trại gà về.
- Thành công chứ?
Như cười:
- Bước đầu thành công.
Như vừa nói vừa ngả người ra ghế sa-lông gỗ, anh đang muốn tự khen mình hay tự bằng lòng với thành quả của mình. Sau khi trại gà triển khai được ít ngày, loạt gà đầu tiên bị dịch bệnh đột ngột chết một số. Nổi lên như sóng, nhiều ý kiến của những người phản đối việc lập trại gà. Họ khẳng định, không thể nuôi gà công nghiệp ở Vũng Tàu, vì nắng biển, gió biển thường gây dịch bệnh. Nhưng sau tai biến đầu tiên có tính thử thách đó, trại gà đã cung cấp trứng và thịt cho các khách sạn. Sản lượng khiêm nhường nhưng cũng đã là con số đáng khích lệ. Hơn nữa cái quan trọng là đã khẳng định được vấn đề Vũng Tàu nuôi hay không nuôi được gà công nghiệp. Đây là một tiền đề cho các hoạt động có tính tự chủ nguồn hàng khác mà công ty hoạch định.
- Mình xin được chia sẽ thành công với ông.
- Chuyên gia tới thành phố mỗi ngày một đông, không lo được cái ăn, cái ngủ cho bạn thì tất cả chúng ta đều có lỗi.
- Át lít chờ nờ (1)! Đó là điểm tiếng Nga dành cho việc làm của cậu đó. Thế còn chuyện mình nhờ cậu, có thể thực hiện được không?
- Chuyện anh chàng đi câu tôm tích? Mình hỏi thiệt nhé, anh ta với cậu thế nào với nhau? Nếu ảnh là bà con của cậu thì bằng mọi cách mình sẽ thuyết phục tổ chức xem xét.
- Nếu không phải bà con thì sao?
- Cậu biết đấy, nói chung là… chúng ta đang sống trong thời kỳ mà mọi chuyện chưa phải cái gì cũng có luật lệ, nhất là trong các chuyện này.
- Anh ta là bạn của mình được không?
- Chẳng lẽ chỉ mới gặp nhau vài lần ngoài bãi biển đã trở thành bạn?
- Mình không phải người mất cảnh giác, nhưng mình tin vào những dự cảm tâm hồn.
- Cậu mơ mộng quá đấy.
- Mình không phải là nhà thơ, mình chỉ là người làm công việc hướng dẫn du lịch.
- Nhưng vấn đề chính trị…
- Mình chưa phải là Đảng viên Cộng sản, nhưng mình luôn tự coi mình là một người Cộng sản. Mình đã hứa với anh ta lời hứa của người Cộng sản. Thế này Như ạ, ông nên giúp mình, có thể tuyển Mạnh vào đội cấp cứu người ngoài bãi tắm. Đó là một công việc thiện cần thiết. Mạnh cũng mong là được làm công việc đó và mình tin là anh ta làm tốt.
- Mình…
- Cậu biết đấy, chúng ta đã kết tội bọn chủ mưu chiến tranh, bọn xâm lược, chứ chúng ta không kết tội cho từng cá nhân lầm đường trong cuộc chiến tranh ấy. Hơn nữa anh ta cũng đã học tập, cũng đã được trả quyền công dân, chẳng lẽ như vậy chưa đủ hay sao? Anh ta chưa tới bốn mươi tuổi, còn khỏe mạnh, còn có ý chí, có nguyện vọng, chẳng lẽ không có một con đường nào mở cho anh ta bước vào cuộc sống… Cậu biết không, ao xoáy…
Đại định nói cho Như biết thế nào là ao xoáy, cái ao xoáy hiểu theo nghĩa rộng hơn là cái ao xoáy xuất hiện nơi biển Bãi Sau, nhưng anh tự kềm chế được. Không phải Như không hiểu điều đó, nhưng thực cảnh xã hội, những thành kiến vốn sẵn có, những quan niệm mà đã nhiều năm người ta được học tập, được dạy bảo đã thành nếp nghĩ. Chính mình cũng bị rơi vào cái ao xoáy đó, mình đã gần ba chục năm đi theo cách mạng mà cách mạng còn chưa đủ lòng tin nơi mình. Đảng còn chưa kết nạp cho mình vào đội ngũ, để mình tự soi sáng bằng lý tưởng, bằng tiêu chuẩn đạo đức cộng sản mà xem mình đã là một người cộng sản. Nhưng dù sao, cái ao xoáy của riêng mình cũng không đến nỗi quá hiểm nghèo để có thể uống nhiều nước mà chết. Còn anh ta, anh ta đang ở giữa ao xoáy. Người giỏi bơi mà coi như không biết bơi, sóng đang cuốn dìm anh ta xuống, anh ta đang giơ tay lên trời cầu cứu. Mình nghe thấy tất cả tiếng anh ta gọi Chúa và gọi Cá Ông. Còn như nàng của anh ta thì đang chết dần trong ao xoáy, cái chết chầm chậm nhưng thật sự là đang chết. Những người cộng sản phải đưa tay mình ra cứu vớt tất cả những con người ấy, chứ không phải Chúa hay cá Ông Voi. Không đưa được những con người đó ra khỏi ao xoáy thì ao xoáy sẽ trở thành một cái gì đó, vừa bí ẩn, vừa tàn nhẫn, nó là vực chết, cái chết đeo đẳng của hận thù, của oan nghiệt, mà những người chết không thể nào nhắm mắt.
- Có chuyện gì cậu sẽ không bao giờ ân hận chứ?
- Không bào giờ. Và mình tin là chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Con người ta sinh ra ở đời vốn tính thiện.
- Mình tin cậu. Chúng ta sẽ thành lập đội cấp cứu người trên biển và mình sẽ đề nghị tuyển bạn của cậu vào đội đó.
- Cảm ơn cậu.
Đại cảm thấy tâm hồn sảng khoái và sung sướng một cách kỳ lạ. Đối với đời một người hướng dẫn du lịch, còn gì thú vị đáng nhớ hơn là hướng dẫn những đoàn du lịch nước ngoài tới thăm một xứ sở thuận hòa, mến khách, mọi người dân đều có thể trao cho khách du lịch những bông hoa, mời khách du lịch chiêm ngưỡng một hoàng hôn từ trên Núi Lớn, tắm mát biển Bãi Sau, một bãi tắm đầy nắng và đầy gió, nơi đây có cả áo xoáy, nhưng xin bình tâm nhưng là cờ đen đã được báo hiệu và những người cứu hộ lúc nào cũng sẵn sàng, và cùng bạn bè đi xem danh lam, thắng cảnh, những di tích xưa, như đền thờ Cá Ông, nơi đó sẽ cùng nhau cắm những nén nhang tưởng niệm… Cái gốc của Thanh bình là sự hiểu nhau, tin nhau. Đại cứ đi lan man trên hè phố với những suy nghĩ thích thú ấy.
(1) Điểm ưu tú (5) trong thang điểm của Nga.