watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tình Biển-Chương 4 - tác giả Nguyễn Nguyên Bảy Nguyễn Nguyên Bảy

Nguyễn Nguyên Bảy

Chương 4

Tác giả: Nguyễn Nguyên Bảy

Bà Thanh Thúy không hiểu là mình đang viết những gì vào trang giấy trước mặt. Bà cũng không nghe người đang ngồi trước mặt mình nói gì. Bà chỉ thấy một cảm giác đang xỉu đi, đang bước dần dà vào cõi hư không, hay là cõi chết. Phải một lúc rất lâu sau đó, bà mới ngẩng đầu lên nổi. Bà đưa mắt nhìn sang bên, nơi người giúp việc của bà đang bưng trên tay hộp đựng chìa khóa khách sạn. Bà đứng dậy, đón chìa khóa trao cho người đứng trước mặt, rồi khụy xuống, ôm mặt, nước mắt túa ra đầy trong lòng, bà cố nén lại nó vẫn trào ra hai giọt nơi khóe mắt.
Hình như người trước mặt bà nói câu gì đó. Bà không nghe thấy. Qua âm vang giọng nói, bà chỉ mang máng nhận thấy người đang đối thoại với mình đã có tuổi, giọng nói vang và lịch sự. Công việc của bà kể như đã xong. Nhưng không hiểu sao bà không thể nhấc chân lên được, bà vẫn thầm cầu nguyện trong lòng có một phép màu nhiệm gì đó của Đức Chúa, hoàn nguyên cho bà tất cả: Chồng, con, gia sản... Bà bỗng nghe vang lên lời Giê su: “Phước cho các ngươi nghèo khó, vì nước Đức Chúa Trời là của các ngươi. Phước cho các ngươi hiện đang đói, vì sẽ no. Phước cho các ngươi hiện đang khóc, vì sẽ cười. Phước cho các ngươi khi vì con người mà người ta ghen ghét các ngươi, cự tuyệt các ngươi, lăng nhục các ngươi, và bỏ tên các ngươi như đồ ác. Ngày đó hãy vui mừng nhảy nhót, vì kìa, phần thưởng các ngươi trên trời là lớn, bởi tổ phụ họ cũng đãi các tiên tri dường ấy. Song khốn thay cho các ngươi là ngươi giễu cợt, vì đã được sự yên ủi của mình rồi. Khốn thay cho các ngươi là kẻ hiện đang no, vì sẽ đói. Khốn thay cho các ngươi kẻ hiện đang cười, vì sẽ buồn thảm khóc lóc. Khổn thay cho các ngươi, khi mọi người đều nói tốt cho các ngươi. Vì tổ phụ họ cũng đãi các tiên tri giả như vậy!”(1).
Tiếng của Giêsu vừa dứt, bà Thanh Thúy thấy va đập rất mạnh vào trí tưởng của mình tiếng người đối thoại:
- Thưa bà, tôi vẫn chờ đợi ý kiến của bà về lời đề nghị của chúng tôi.
Họ đang nói với mình hay là chính Chúa đang nói với mình? Bà Thanh Thúy hất ngược những suy nghĩ rối rắm ra sau như hệt mớ tóc xõa trước trán, bà ngẩng đầu nhìn thẳng về phía trước. Bà thấy gương mặt của người đối thoại. Một đã có tuổi, chừng ngoài 50, người ngổi cạnh trẻ hơn, nét mặt thản nhiên, môi dưới dấu một nụ cười tự tin. Phải rồi, bà nhớ lại, họ đã đề nghị mình cộng tác. Một đề nghị mà mình không đợi, nói cách khác mình không nghĩ tới. Họ nghĩ sao mà lại đề nghị mình hợp tác? Đang từ vai trò bà chủ. Khách sạn Thanh Thúy đang là sở hữu riêng của mình. Bỗng chốc thay đổi tất cả. Khách sạn đã trở thành của họ. Họ lại muốn mình làm thuê.
“Phước cho các ngươi nghèo khó, vì nước Đức Chúa trời là của các ngươi”.
“Phước cho các ngươi đang đói, vì sẽ no”.
“Phước cho các ngươi đang khóc, vì sẽ cười”.
Đảo ngược tất cả. Nhưng dù sao trong cảnh ngộ này, họ còn nghĩ tới mình.
Bà Thanh Thúy ngước mắt lên, bắt gặp cái nhìn ấm áp của giám đốc Năm Lê. Bà thấy mình không phải, nếu cứ im lặng một cách cổ chấp.
- Thưa ngài giám đốc, xin ngài cho tôi được suy nghĩ thêm.
- Chúng tôi rất mong muốn được bà nhận lời cộng tac. Chúng tôi lại xin giao cho bà quản lý chính cơ sở Thanh Thúy, - Giám đốc Năm Lê giải thích thêm.
- Cảm ơn ngài. - Bà Thanh Thúy hơi nhón mình đứng dậy, - Nếu ông có lòng tốt, chỉ xin ông cho tôi được thỉnh cầu.
- Bà cứ nói.
Bà Thanh Thủy lại ngồi xuống, bà hơi dằn giọng, nuốt những cảm xúc rất phức tạp đang dâng đầy trong lòng.
- Xin các ông đừng giết chết khách sạn Thanh Thúy, - Bà nói không ra lời, nấc lên, ngôn ngữ vẫn cầm tù trong lòng. - Người ta bảo rằng, mọi cơ sở vật chất, từ nhà máy đến xí nghiệp, trường học, khách sạn… cơ sở nào rơi vào tay các ông, sớm muộn gì cũng bị chính tay các ông giết chết.
Năm Lê không cảm thấy mất lòng, ông cười tự tin.
- Tôi nghĩ thời gian sẽ trả lời đúng đắn nhất lời thỉnh cầu của bà.
Bà Thanh Thúy chỉ khẽ gật đầu, lời cảm ơn vang ra rất khẽ và bà vội bước ra khỏi văn phòng, mang theo toàn bộ màu đen trang phục, khiến văn phòng của Năm Lê trở nên sáng trở lại. Những bông hoa cúc mà cô thư ký khéo léo cắm trong chiếc lọ nhỏ, từ nãy tới giờ bị màu đen ám che, đang rũ buồn bỗng vàng rực lên.
Bà Thanh Thúy bước lên xe, lao vút ra đường. Bà chạy như điên, tốc độ có thể làm cho lòng bà nhẹ lại. Tới con đường dọc bờ biển, bà cua một vòng lao thẳng xe về phía Núi Lớn, bà định lượn xe vào con đường nhỏ lên Bạch Dinh, nhưng cổng Bạch Dinh khép kín, người công an đứng gác ở đó đang chăm chăm nhìn chiếc xe của bà. Bà vẫn tỉnh queo, cho xe chạy rất nhanh về phía Bãi Dâu. Con đường này ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm của ta. Bà lạng xe vào sườn bãi, tắt máy, định bước xuống, nhưng không nhấc nổi chân, bà gục mặt xuống vô lăng và khóc. Sóng hiện vỗ vang, đang mùa gió chướng, biển động, tiếng sóng vỗ vào bờ đá ì ầm. Không, dưới âm phủ không có biển, thế thì tại sao ta lại nghe thấy tiếng sóng vỗ. Và rõ ràng, khi bà Thanh Thúy ngước mặt lên, mắt bà thấy bao la mầu xanh pha sóng trắng của biển. Nước mắt bà vẫn rơi, và lòng bà vẫn nấc lên từng hồi, từng hồi…
Mình vẫn cảm nhận được biển, bà nghĩ, như vậy rõ ràng là mình chưa chết, mình chỉ bị choáng nhẹ thôi. Dù sao cũng phải đứng dậy trên đôi chân của mình. Mình có chết cũng phải chứng kiến họ đang sống mòn. Ý nghĩ ấy chợt đem lại cho Thanh Thúy sức mạnh bồng bột, bà đưa bàn tay phải, những ngón tô son đỏ vào chiếc chìa khóa công tắc. Bà mở máy xe, thấm nhẹ khăn tay vào hai khóe mắt, hai gò má, rồi điềm tĩnh thả ga cho xe chạy vào thành phố.
Năm Lê là người cứng rắn vậy mà trước cảnh tượng thê lương của Thanh Thúy, anh bị xúc động. Chủ nghĩa xã hội không dung nạp cách làm ăn tư bản chủ nghĩa, mà trong đó, những người tư sản đã gây dựng cơ nghiệp của mình trên sự bóc lột người lao động. Đó là nguyên lý chung. Nhưng ở đây, với những người tư sản Việt Nam cụ thể, anh vẫn thấy một cái gì đó chưa hoàn chỉnh trong phần nguyên lý lý thuyết. Những người tư sản Việt Nam khởi đầu sự nghiệp của mình bên cạnh những thủ đoạn, những gian dối, những lừa gạt để mau chóng làm giàu, còn có mồ hôi nước mắt của chính họ. Họ đã chắt chiu từng đồng, bòn kiếm từng đồng để gây dựng cơ nghiệp. Không thấy phần công sức của họ, mà chỉ thấy phần bóc lột chưa hẳn đã là đúng. Trong hoàn cảnh cụ thể của bà Thanh Thúy, anh cảm thấy điều đó rất rõ. Cũng chính vì thế mà anh mạnh dạn đề nghị bả hợp tác. Theo anh, sự hợp tác của bả sẽ chỉ có lợi cho Cách mạng và giúp cho Cách mạng tránh được những ấu trĩ, những sai sót ban đầu trong việc tiếp thu và quản lý các cơ sở kinh tế. Đáng tiếc là bả đã khước từ.
- Sao, trung úy, cậu có cảm tưởng gì về bà chủ khách sạn Thanh Thúy?
Bài, một sĩ quan quân đội mới chuyển ngành, vừa được điều về công tác ở công ty phải nói một cách thật công bằng, ngoài cây súng và tinh thần người lính, anh hoàn toàn vỡ lòng đối với công tác du lịch và công tác quản lý kinh tế. Nhưng không hiểu sao anh cứ linhcảm là mình sẽ làm được mọi công việc, dù công việc đó ở dạng nào, mới mẻ cách chi. Sáng nay, được giám đốc cho gọi, anh cứ đinh ninh là sẽ được chứng kiến một cảnh tượng khác với cảnh bàn giao khách sạn, mà anh cho là đẫm nước mắt, không có tiếng cười. Từ nãy tới giờ anh vẫn ngồi im lặng và chứng kiến tất cả. Anh không muốn thủ trưởng của mình mủi lòng vì những chuyện đại loại như thế này. Còn anh, cây súng đã dạy anh tất cả. Anh cầm súng để đi làm cách mạng, để xóa sạch bóc lột và bất công. Anh không thể cứ ngồi nín lặng, khi cái hất đầu của Năm Lê như hối thúc anh trả lời. Anh tủm tỉm cười:
- Típ bà chủ này hoàn toàn xa lạ với những người lính chúng tôi. Chúng tôi chưa quen ngửi mùi t ưsản.
Năm Lê bật cười khà khà. Anh muốn người sĩ quan mới chuyển ngành đánh giá đúng mọi vấn đề. Anh uống nước rồi thuật lại những điều anh biết về bà chủ tư sản này. Bả là một phụ nữ ít học, nghe đâu chỉ biết đọc biết viết, vậy mà gây dựng được cả một cơ ngơi Thanh Thúy nổi tiếng. Bả vừa trông nom xây cất, vừa tận dụng từng tầng xây xong đưa vào kinh doanh. Dưới tay bà, nào kỹ sư, kiến trúc sư, nào các métđôten tài giỏi và cả những nhà kinh tế nữa.
- Thưa thủ trưởng, tôi nghĩ không nên quá đề cao thanh thế của bả.
- Một người đàn bà như vậy, về mặt nào đó đáng khâm phục quá đi chứ?
- Tôi nghĩa…
Năm Lê biết là khó mà giải thích, thuyết phục cái anh chàng sĩ quan nguyên tắc máy móc. Anh hiểu là mọi việc đều cần phải chứng minh. Vì vậy anh xốc vào câu chuyện cũng với tác phong rất quân sự.
Năm Lê: Cậu tốt nghiệp đại học kinh tế?
Bài: Học xong đại học, tôi tình nguyện nhập ngũ.
Năm Lê: Cậu đã đánh giặc không tồi, trung úy. Nhưng công việc quản lý kinh tế lại là mặt trận khác. Cậu không có lý do để quản lý cơ sở Thanh Thúy tồi hơn bà tư sản Thanh Thúy chứ?
Bài: Có nghĩa là đồng chí giao cho tôi quản lý cơ sở Thanh Thúy?
Năm Lê: Chẳng lẽ lại là tôi? Cậu cũng đã nghe bà Thúy thỉnh cầu rồi đó. Bả lo lắng là chúng ta sẽ giết chết khách sạn của bả.
Bài: Hiện thời nó đang chết, nhưng tôi sẽ làm nó sống lại.
Năm Lê: Tôi chỉ cho phép cậu một tuần chấn chỉnh lại tất cả để đón tiếp chuyên gia Canada.
Bài: Báo cáo, rõ.
Bài dậm chân trướv người thủ trưởng của mình theo lối quân sự mà anh vẫn quen, rồi quay ngoắt lại, bước ra khỏi phòng giám đốc. Anh đi rất nhanh, ào như một cơn gió.
Cánh cửa phòng chưa kịp khép lại, thì cả một dây người kéo vào. Đi đầu là Tư Lịch, trên tay anh là bức điện khẩn ngoài Tổng cục vừa đánh vào. PHẢI CÓ NGAY TRỤ SỞ CHO ĐOÀN DẦU KHÍ CANADA ĐỂ KHAI MẠC PHIÊN HỌP THƯỜNG KỲ. Tư Lịch đưa bức điện cho Năm Lê. Năm Lê đưa mắt đọc rất nhanh. Anh hiểu mệnh lệnh này rất quan trọng. Theo ký kết giữa ta và Canada thì cứ 10 ngày lại tổ chức một phiên họp giữa hai bên để thông báo các chương trình thăm dò, tìm kiếm dầu ngoài khơi. Phía Canada chọn địa điểm họp ở Singapore, còn phía ta: Vũng Tàu. Nhưng đoàn Canada yêu cầu phải có trụ sở cho đoàn, và cuộc họp phải tiến hành với đầy đủ tiện nghi quốc tế. Nếu không, tất cả các phiên họp đều sẽ tiến hành ở Singapore. Từ nay tới ngày họp chỉ còn 10 ngày. Một thời hạn quá ngắn. Nhưng anh hiểu là mệnh lệnh sao đi nữa cũng vẫn là mệnh lệnh.
- Ban quản lý công trình của cậu có đảm đương việc này được không? - Năm Lê hướng cặp mắt rất sáng nhìn Châu, một cán bộ khá trẻ, trưởng ban quản lý công trình.
Châu nhíu cặp lông mày suy nghĩ. Đây không phải chuyện đùa. Anh tự nói với mình như vậy. Anh ước lượng công việc, tự đặt nó lên vai, khá nặng, nhưng hai chân anh vẫn trụ vững. Linh cảm cho anh hay là anh có thể đảm nhiệm.
- Thưa anh Năm,thời hạn 10 ngày quá ngắn, nhưng tôi nghĩ có thể làm được.
- Cậu cần điều kiện gì?
- Nhà thầu tư nhân.
Châu nói hơi nhanh. Đây là lần thứ hai anh nhắc tới biện pháp này. Lần trước, trong hội nghị xây dựng cơ bản với ban giám đốc công ty, anh đã đưa ra, và không một thảo luận, ý kiến bị bác ngay, lý do, đó là điều nhà nước cấm kỵ, các thể chế xây dựng không cho phép.
Câu trả lời của Châu làm ngơ ngác cả Tư Lịch, Phó giám đốc công ty, Như và Tấn, hai chuyên viên kinh tế Tổng cục mới điều vào.
Nhưng hoàn toàn bất ngờ là Năm Lê không một chút đắn đo, đã chấp thuận một cách dứt khoát.
- Tôi đồng ý. - Năm Lê hướng cặp mắt rất nhanh qua Tư Lịch, Như và Tấn, - Anh Tư ạ, có lẽ anh phải chủ trì cho việc này. Còn hai cậu Như và Tấn, các cậu là chuyên gia kinh tế, chỉ mong các cậu xắn tay áo vào làm, tình hình của chúug ta khá phức tạp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Như và Tấn đều cùng muốn trình bầy một điều gì đó nhưng họ đều bắt gặp cái nhìn rất vội của Năm Lê, và rõ ràng là ảnh không muốn nghe gì thêm, vì ảnh đã kết thúc ý kiến của chính mình với mệnh lệnh: Công việc cần triển khai ngay.
Châu, Tấn và Như kéo nhau ra.
Tư Lịch cũng định nhỏm người đứng dậy nhưng Năm Lê đã xoay chiếc ghế ngồi đối diện. Bốn mắt nhìn nhau.
- Anh không phản đối quyết định của tôi chứ?
- Về việc giao nhà thầu tư nhân? - Tư Lịch cười - Anh biết tính tôi. Tôi không có thói quen phản đối những ý kiến mà tôi thừa nhận là đúng.
- Thiệt sao? - Năm Lê cười lớn, - Nhưng tôi với anh đã trao đổi với nhau vấn đề này bao giờ đâu...
- Thảo luận rồi, thảo luận tổng thể trong phiên họ giải chiếu ngồi dưới đất đó...
Hôm nay Năm Lê đã quyết định một điều mà anh hiểu rằng lẽ ra cần phải trao đổi bàn bạc trước với Tư I.ịch. Thực ra điều ấy không phải cả hai chưa từng nghĩ tới. Nhưng cái cản ngăn họ là những quy tắc chế độ của Nhà nước không cho phép. Họ biết rằng làm điều này, có nghĩa là họ xé rào, là vượt qua các thể chế hiện hành, một việc làm vượt quá sức của họ. Nhưng họ không thể chờ đợi. Bởi một bên là nhiệm vụ, là mệnh lệnh, một bên là những quy tắc, thể chế đã lỗi thời. Nếu chờ đợi thì mọi việc sẽ hỏng tất cả. Một phiên họp của phái đoàn, gồm hàng mấy chục người, tiến hành ở Singapore, thì tốn phí biết bao nhiêu đô la của Nhà nước. Vấn đề là tính hiệu quả cuối cùng, có thể phải biết vượt qua, thậm chí biết hy sinh những cái vô lý. Điều quan trọng là họ dám cùng chịu trách nhiệm.
- Ông bạn già ạ, - Năm Lê vừa cười vừa nói, - Công việc quá nặng, mà sức lực của tuổi già tụi mình không cẩn thận có thể bị đánh quỵ.
- Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện đó. Nhưng nếu phải hy sinh cho sự nghiệp dầu khí, thì hy sinh này cũng rất vẻ vang.
Năm Lê đứng dậy cười lớn, hai tay xua xua khước từ câu nói vừa rồi của Tư Lịch.
- Anh dùng chữ hy sinh không đúng rồi - Lại cười - Có thể bị kỷ luật, bị mất chức, điều đó không quan trọng, mà quan trọng là chúng ta phải chịu trách nhiệm, tôi muốn nói là cùng chịu trách nhiệm và cùng chung sức tìm ra một phương thức làm ăn mới.
- Anh đã biết đấy, bà răng đen nhà tôi và các cháu đã tới rồi. Bà đã bắt tay ngay vào việc nuôi lợn và nấu nước mắm. Có gì thì tôi cũng có chỗ rút.
Năm Lê cười khà khà. Anh hiểu rằng ông bạn già của anh rất hóm. Ảnh nói tới cái gì, thoạt nghe tưởng như là hơi yếm thể nhưng xét cho cùng thì trong đó ẩn dấu một sự kiên định quyết liệt. Ảnh là một con người tin vào cái đúng của mình, phăng phăng đi về phía trước. Với một con người như thế này thì mọi quyết định của mình sẵn có một hậu phương vững chắc.
Cô Lan, thư ký, bưng vào hai ly nước đá. Năm Lê đón ly nước, uống một hơi dài, rồi chậm rãi nói với cô thư ký:
- Cháu điện gấp cho Tổng cục, báo cáo là trụ sở cho đoàn chuyên gia Canada sẽ hoàn tất đúng thời hạn. Phiên họp giữa ta và đoàn sẽ tiến hành theo hợp đồng.
Tư Lịch gật gù, hoàn toàn tán đồng ý kiến của Năm Lê.
---
(1) Kinh Tân ước, Luca, trang 111
Tình Biển
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
Chương Kết