watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Người Vợ Lẽ-Cây bạch đàn vô danh - tác giả Nguyễn Quang Thân Nguyễn Quang Thân

Nguyễn Quang Thân

Cây bạch đàn vô danh

Tác giả: Nguyễn Quang Thân

Ngôi nhà ngói thấp. Mái ngói rêu phong. Cái sân gạch, những viên gạch rạn vỡ. Chú Bạch Vân ngồi đan rổ. Thằng Sinh Tồn ba tuổi đánh nhau với con gà mạ, với bầy con. Thằng Thịnh hớt hải chạy vào:
- Chú Bạch Vân ơi, thím ấy chết ngoài cổng làng rồi.
Trước đó mấy phút, chiếc xe ngựa đặt ở sân kho. Thằng Hào, mũi chảy xuống tận miệng, nhảy lên, hét: "Phóng đi!" Nó quất một roi vào mông ngựa. Con ngựa dựng ngược, lồng lên, kéo chiếc xe không băng băng đến cổng làng. Thím Bạch Vân đội một rổ bèo đi trước. Thằng Hào quất một roi nữa vào mông. Con ngựa chồm lên lưng thím Bạch Vân. Rồi hai cái bánh xe nghiến lên người thím lúc này đã ngã nằm ngang ra đường. Những cánh bèo tấm rơi tung tóe. Người làng và anh đánh xe ngựa cùng chạy lại. Họ kéo thím Bạch Vân ra khỏi bánh xe. Thím đã chết.
Chú Bạch Vân ôm ngang xác vợ về nhà. Mặt mũi chú tái xanh như chú cũng đã chết vì sự ngu ngốc của con người. Thằng Sinh Tồn lon ton theo sau. Nó gọi: "Mẹ, mẹ! Bánh con đâu?"
Chú Bạch Vân gọi người bán nhà. Thằng Sinh Tồn chít cái khăn trắng trên đầu. Hai dải vải thõng xuống sau lưng. Năm triệu! Chú Bạch Vân nói. Ba triệu thôi, nhà này có dớp rồi! Người mua là một anh mổ lợn, nói. Bán! Chú Bạch Vân tuyên bố. Cho hạn ông năm ngày thì ra khỏi nhà. Người mổ lợn nói rồi đi ra. Chú Bạch Vân cầm xấp tiền năm ngàn trên tay, khóc.
Bến sông Thương. Nắng sớm trên những mái đò. Con đò ngang dùng dằng giữa dòng sông lặng lờ như không biết chảy. Trên một gò đất trống trên bến, chú Bạch Vân, thằng Thịnh, bố thằng Thịnh, ông Cả Hàn, hai ba người nữa đang dựng nhà. Một cái quán bằng gỗ. Mái lợp lá cọ, cột gỗ, vách thưng bằng gỗ ván de dày ba phân. Ông Cả Hàn nói: "Ván này mà lát thuyền hay lát cầu thì bền ghê!" Chú Bạch Vân lầm lì cầm thuốc lá mời mọi người.
Chú Bạch Vân dắt con thăm mộ vợ. Khói hương nghi ngút. Chú thụp xuống khấn: "Tôi mở quán bán nước nuôi con. Bà phù hộ cho tôi!" Chú nhớ lại bến đò năm ấy. Nửa đêm, chú đứng gọi đò. Từ bên kia, có tiếng đáp lại. Con đò sang sông. Chú nhảy lên. Ðể tôi chèo cho! Chú bước tới giật lấy mái chèo. Cô gái dằng lại. Rồi ngã. Chú Bạch Vân chồm lên. Sao lại đè lên người ta! Rõ dơ! Chú Bạch Vân đứng lên. Có thế mà cũng quát - chú nói. Giỏi thì chèo đi! Chú Bạch Vân cầm chèo. Con đò quay mòng mòng. Ðừng có giả vờ - cô gái nói - Khuya rồi, ông mãnh! Cái đèn bão phụt tắt. Con đò vẫn quay và chập chờn như say trên mặt sông Thương. Nửa năm sau chú cưới cô lái đò đêm ấy.
Những giọt nước mắt của chú Bạch Vân rơi nhòa ký ức. Chú đứng dậy, dắt con ra về. Thằng Sinh Tồn khóc: "Con ứ về! Con ở với mẹ cơ!" Chú phát vào đít nó một cái.
Chú Bạch Vân già đi trong cái quán nước ở bến đò. Cái quán gỗ với những tấm thưng bằng gỗ de bóng lên cùng tuổi tác và năm tháng. Chú Bạch Vân để râu mép, tóc đã hoa râm, gương mặt trầm tư và khắc khổ một cách khó hiểu. Chú ngồi rót nước cho khách qua đò, bán rượu lậu ngâm gừng và bánh chưng, kẹo lạc, hoa quả. Trước quán chú trồng một cây dâu da. Một cây dâu da còi cọc, mọc ra cành nào là bị người qua đường vặt ngang cành ấy để làm gậy chống lúc trời mưa, đường làng lầy lội. Một chị bán dầu qua quán. Chị đẫy đà, ngực nở, vú núng nính. Chú Bạch Vân đưa chén nước cho chị. Chị túm lấy tay chú: "Lấy em đi mình! Em chán cảnh gái già lắm rồi. Hai đứa mình buôn bán nuôi nhau." Chú gạt tay chị ra: "Tôi giờ như cây dâu da kia, làm cây cũng không được, làm củi cũng chẳng xong. Thằng Sinh Tồn còn đi học, tôi không lấy vợ!" Chị bán dầu lấy vạt áo chấm nước mắt: "Thế là cả mình, cả em đều phải chết già." Chú Bạch Vân quát: "Cút đi, chị đừng hại đời con trai tôi."
Thằng Sinh Tồn mười sáu tuổi. Chú Bạch Vân đập một con lợn đất, mắt chú sáng lên. Những đồng tiền vo viên dãn ra. Một vốc tiền năm ngàn. Chú Bạch Vân đếm tiền thành từng xấp. Chú lên huyện, vào một cửa hàng bán xe đạp. Chú trả tiền, dắt chiếc xe đạp về. Lũ trẻ chăn trâu ở bến đò reo vang: "Ông dở người đi xe đạp chúng mày ơi!" Chú làm như không nghe thấy. Chú dựng cái xe trước quán, gọi: "Sinh Tồn, ra đây tao bảo!" Thằng con ra, mắt sáng, mũi dọc dừa, đẹp như khuôn mặt chị lái đò đêm nọ. "Mua cho mày đó. Lên trường huyện mà học. Cho cái làng này người ta biết thế nào là con thằng Bạch Vân!" Chú bảo con. Sinh Tồn sướng ngơ ngẩn, nhảy lên xe, đạp thử. Chú Bạch Vân tấm tắc: "Thằng này rồi nhất họ!"
Một buổi trưa, chú Bạch Vân ngồi đợi cơm thằng Sinh Tồn. Chú hỏi một người đàn bà vừa qua đò: "Chị đi chợ huyện về, có thấy thằng Sinh Tồn nhà tôi không?" Chị đàn bà đáp: "Có, tôi thấy nó xếp hàng ở cổng huyện đội." Chú Bạch Vân dẫm chân: "Chết tôi! Thế là nó trốn đi bộ đội rồi!"
Chú vội vàng đóng cửa quán, qua đò. Chú chạy gằn trên đường cái quan. Những cây phi-lao lùi dần sau lưng chú. Chú đến gần cổng huyện đội. Thằng Sinh Tồn ngồi cùng đám con trai sau thùng một chiếc cam-nhông. Chúng đang hát. Ðứa nào cũng có một cái mũ cối trên đầu. Nó không nhìn thấy chú Bạch Vân. Chú chạy theo chiếc xe, chú gọi cái gì không nghe rõ. Rồi chú bị chìm sau làn bụi mịt mờ. Chú Bạch Vân đến trường cấp ba, vào sân, nhận ra chiếc xe đạp thằng Sinh Tồn còn vứt lại đó với những chiếc xe khác. Chú lóc cóc đạp về. Qua bến đò, lũ chăn trâu chạy theo. Ðứa nhảy lên đèo hàng. Ðứa kéo lại. Hoan hô chú Bạch Vân! Chú Bạch Vân đi xe đạp! Lũ trẻ la hét. Chú Bạch Vân lầm lỳ như không có chúng nó. Chú mở quán, lẳng lặng mở giây chun, tháo chiếc cặp sách phía sau xe, đặt lên bàn thờ. Chú nói: "Thằng này mà được đi học thì phải giỏi nhất họ!"
Anh Hiến là bưu tá xã, đội viên du kích, tổ trưởng tổ trực chiến. Ngày nào anh cũng lên huyện mang thư về. Ngày nào anh cũng ghé qua quán nước của chú Bạch Vân. Chú rót cho anh một ly rượu: "Có thư thằng Sinh Tồn không?" Anh Hiến lắc đầu. Chú Bạch Vân nói: "Thì uống đi. Mai mốt chắc nó có thư. Tối nào tôi cũng máy mắt." Anh Hiến nâng cái cốc rụt rè: "Tôi uống của ông dễ một vò rượu rồi, lấy gì mà trả đây?" Chú Bạch Vân nói: "Thằng Sinh Tồn mà có thư thì tôi xóa!"
Nhưng thằng Sinh Tồn vẫn không có thư.
Chiều nào chú Bạch Vân cũng đón anh Hiến. Anh dựng khẩu A.K lên vách gỗ, lắc đầu. Rồi uống rượu. "Có thư thằng Sinh Tồn thì tôi xóa." Trong đống thư cộm cái túi của anh bưu tá không có lá nào của Sinh Tồn cả.
Chú Bạch Vân làm một cái đàn bầu. Chiều chiều vắng khách, chú ngồi lên cái ghế dài, gẩy đàn bầu. Chẳng bài nào ra bài nào. Chú gẩy bài nhạc của lòng chú.
Một hôm, chị Bình Dân, vợ anh Bình Dân đi bộ đội mấy năm rồi, vác một cái mai từ làng ra, ngồi nghe chú Bạch Vân gẩy đàn bầu. Chú Bạch Vân vặn to ngọn đèn lên. chị Bình Dân nói: "Ðể thế cũng được, trăng ngoài kia sáng. " Chú Bạch Vân hỏi: "Tối rồi, còn ra đây làm gì?" Chị Bình Dân đáp: "Tôi đắp thêm ít đất đê" Chú Bạch Vân ngừng đàn hỏi: "Sao đắp đê một mình?" Chị Bình Dân đáp: "Tôi là chiến sĩ thi đua, phải gương mẫu. Ðắp nhiều thì điểm nhiều, thóc nhiều, có thiệt đâu." Chú Bạch Vân nói: "Năm nào cũng thấy chị đắp đê." Chị nói: "Tôi đắp được ba ngàn khối rồi. Năm ngàn thì lên anh hùng." Chú Bạch Vân: "Giỏi nhỉ, không ê vai à?" Chị Bình Dân: "Chồng nó đi năm năm rồi. Nằm một mình không ngủ được." Chú Bạch Vân: "Thằng Sinh Tồn nhà tôi cũng ba năm rồi. - chú nắm cái que lẩy đàn - Ðể tôi gẩy tặng chị một bài."
Chú gẩy. Tiếng đàn bầu nghe như tiếng người:
Miếng ngon ai để lại sau
Người ngon ai để cho nhau đợi chờ
Miếng ngon ai để đến trưa
Người ròn ai nỡ để thừa lại sau.
Chị Bình Dân hát theo tiếng đàn.
Tuần trăng ấy, tối nào chị Bình Dân cũng cầm mai đi đắp đê. Hôm nào chú Bạch Vân cũng gẩy tặng chị một bản đàn bầu. Một hôm chị nói: "Miếng ngon đừng để đến trưa, mà bây giờ thì tối rồi". Chú Bạch Vân không nói gì, chỉ nắn cái cần đàn. Nó gẫy làm đôi. Chị Bình Dân nói: "Tôi tắt đèn nhá!" Ðèn tắt. Cửa lại đóng. Tối thui một lúc nhưng gió thổi vào cái bếp than hừng lên. ánh sáng mờ mờ. Chú Bạch Vân vẫn ngồi như bức tượng La Hán cầm gậy trên chùa. Chị Bình Dân nói: "Có gì cho tôi ăn đi!" Chú Bạch Vân bỏ đàn, bẻ mấy bắp ngô trong chùm ngô trên vách. "Nướng đi. Than còn hồng!" Chị Bình Dân kéo tay chú: "Lại giây, ngồi cho ấm." Chú Bạch Vân ngồi nướng ngô với chị. Chị Bình Dân dịch sát, tay khều than, trở ngô, tay đặt lên đùi chú Bạch Vân, vuốt vuốt. Rồi chị khoắng vào khe đùi. "Ðừng làm tôi buồn." Chị Bình Dân xô một cái nhẹ. Chú ngả người, hai tay chống về phía sau.
Ngoài bức vách, anh Hiến lấy lưỡi lê nậy một cái khe ván. Cái túi thư thì đặt xuống đất. Anh ghé mắt nhìn. Khi chị Bình Dân đè lên người đàn ông, anh đạp đổ tấm ván cái rầm: "Hai người ngồi im, giơ tay lên!" Chú Bạch Vân cài lại mấy cái cúc áo tuột ra khi bị xô ngã. Chú nói với anh Hiến: "Ngồi vào ghế uống rượu. Có thư thằng Tồn không?" Anh Hiến vẫn lăm lăm chĩa khẩu A.K vào hai người nói: "Tôi sẽ trả nợ ông. Nhưng ông ngủ với vợ bộ đội, thế là phạm kỷ luật chiến trường. Bây giờ tôi giải hai người về xã. " Chị Bình Dân không nói gì. Có vẻ như chị không sợ. Có vẻ như chị tiếc rẻ cái gì đó. Ðôi mắt chị long lanh, khát vọng và đau khổ hòa nhau, tràn đầy. Anh Hiến quắc mắt nhìn chị: "Ði chứ?" Chú Bạch Vân hét lên như khùng: "Thì đi!" Cả hai đi trước, anh Hiến cầm súng đi sau về trực chiến xã đội.
Ông xã đội đeo kính lão vào săm soi nhìn hai người mới được áp giải tới. Ông nói: "Thế hả? Chúng tôi đêm ngày trực chiến chống Mỹ cứu nước, còn ông thì ngủ với vợ bộ đội. Các đồng chí, thắp đèn măng sông lên. Giấy bút đây, hai người viết kiểm điểm xem đã ngủ với nhau thế nào?". Chú Bạch Vân đằng hắng: "Chúng tôi đang thức, chưa ngủ." Ông xã đội: "Thức mới là vấn đề. Viết đi." Chị Bình Dân nói: "Thì viết!".
Chị hí hoáy viết. Chú Bạch Vân lơ đãng cầm bút, nhìn cái đèn măng sông cháy rất đẹp, như chú chưa bao giờ nhìn thấy nó. Ngoài kia cả xóm thức dậy. Những người đàn bà tiết hạnh chạy ra nhà kho, ghé mắt nhìn đôi "trai gái" ngồi bên nhau. Ông Cả Hàn, bố thằng Thịnh, tộc trưởng họ của chú Bạch Vân cũng ra. Ông nhìn qua một cái rồi thở dài. Ông Thảo thầy cúng nói với ông Cả: "Tôi đã biết mà. Nó mà không là chiến sĩ thủy lợi thì nó đã phát điên. Hơ hớ thé, chịu sao nổi. Chỉ khổ cái thân già ông Bạch Vân!" Ông Cả nói: “Nó là em tôi. Nó góa vợ mười ba năm rồi. Chấp gì đứa dở người." Trong nhà ông xã đội oang oang: "Người ta đi chiến đấu trong B. cũng như con ông, vậy mà ông nỡ..." Chú Bạch Vân quẳng cái bút xuống nền nhà, đứng dậy đi khỏi nhà kho, về quán.
Ông Cả Hàn đi theo chú. Hai anh em ngồi rót rượu uống suông. Ông Cả nói: "Chú làm xấu cả họ Nguyễn nhà mình. Kim đã có chỉ rồi, chú xâu vào nữa làm gì?" Chú Bạch Vân không nói không rằng, mặt tỉnh bơ, lấy chiếc đàn bầu xuống, ngồi gẩy.
Nửa đêm hôm sau, khi chú đang ngủ, chị Bình Dân mở cái giây buộc, bước vào quán. Chú Bạch Vân lọng ngọng thắp đèn. Chị áp bàn tay lên ngọn đèn cho nó tắt. Rồi chị ngồi xuống cái giường ọp ẹp. Trăng non chiếu qua cửa sổ. Chú Bạch Vân hỏi: "Ðêm qua cô viết những gì?" Chị đáp: "Lại đây rồi biết." Chú Bạch Vân thở như trâu kéo cày. Chú bước lại cái giường. Hai người đổ vào nhau. Ngoài quán, một đôi ếch ộp oạp trong cái rãnh. Sông Thương mềm mại chảy dưới trăng non.
Nửa tháng sau, một buổi sáng. Ông xã đội, anh Hiến, bà hội trưởng phụ nữ xã từ trụ sở ủy Ban trên đường ra quán chú Bạch Vân. Ông xã đội nói với bà phụ nữ: "Ông này khùng, chúng mình phải khéo." Bà phụ nữ: "Tôi đã phổ biến ba mươi tư cái báo tử trong xã này, ông khỏi lo." Anh Hiến nói: "Chết nhiều quá." Ông xã đội: "Không chết thì làm sao Mỹ nó hàng. Chết thế mà nó còn sắp vác bom ra đây đấy."
Chú Bạch Vân đã dọn quán. Chú rót ba chén nước, ba chén rượu mời họ uống. Chú nói: "Các ông bà ra đòi kiểm điểm hả? Cứ có tin mừng của thằng Tồn là tôi viết liền." Nhìn anh Hiến, chú tiếp: "Xóa cả nợ cho ông." Ông xã đội nhấp ngụm rượu, đằng hắng: "Có tin thằng Tồn đây. Nhưng không được vui. Nó hy sinh rồi." Chú Bạch Vân rơi phịch xuống mép giường như cây chuối đổ. Chú bảo ông xã đội: "Các ông gọi ngay anh Cả Hàn ra cho tôi." Anh Hiến đứng dậy: "Ðể tôi đi."
Ông xã đội an ủi: "Từ giờ này trở đi, ông là gia đình liệt sĩ rồi - ông đưa chú cái giấy báo tử - cái giấy này chưa treo được nhưng mua cái gì cũng không phải xếp hàng, đi họp xã được mời ngồi trên. Xã thi hành chính sách, không bắt ông nộp bản kiểm điểm nữa". Bà phụ nữ nói: "Cứ mỗi lần phân phối, chúng tôi sẽ ưu tiên ông mười lăm thước chỉ đen".
Ông Cả Hàn ra quán. Nước mắt ông lã chã. Chú Bạch Vân không chào ông, mắt trân trối. Ông Cả Hàn: "Thằng Sinh Tồn chết rồi à?". Chú Bạch Vân: "Nó chết rồi. Anh có tiếc nó không?". Rồi chú nói với ông xã đội: "Các ông về được rồi." Ông xã đội, bà phụ nữ, anh Hiến cười nhạt, bước ra. Bà phụ nữ nói: "Không ai như cái ông này".
Khi ba người đi khuất, chú Bạch Vân đặt cái giấy báo tử lên bàn thờ. Chú lấy vò rượu tưới khắp nhà, đập bỏ bộ ấm chén. Ông Cả Hàn thất sắc nhìn những mảnh sứ vụn. Ông nói: "Chú điên à? Ðập hết thì lấy gì bán quán?" Chú Bạch Vân không trả lời người anh họ. Chú đập nốt chiếc ấm đất đun nước vối. Chú nói: "Tôi mua cái bánh chưng bốn trăm, tôi bán cho người ta năm trăm. Một gói chè hai ngàn tôi pha thành nước bán mười ngàn. Buôn bán là thất đức nên thằng Sinh Tồn nó mới bỏ tôi. Anh có tiếc nó không, anh Cả? " Ông Cả Hàn nói: "Tiếc. Nó mà học đến nơi thì phải nhất làng". Chú Bạch Vân nói: "Cái đời tôi chẳng ra gì. Tôi trông vào nó". Ông Cả: "Nhưng chú cũng phải sống chứ? Chú sống bằng cái gì? " Chú Bạch Vân: "Tôi có để giành được ít tiền, định thằng Sinh Tồn về thì cưới vợ cho nó. Bây giờ thì nó đã cưới con sáu tấm rồi. Nếu mỗi ngày chỉ ăn một bữa, tôi còn sống được lâu lâu". Ông Cả Hàn nói: "Ðừng bi quan mà hại đời mình. Nó có bó trong tấm ni lông thì cũng da ngựa bọc thây vì nước". Chú Bạch Vân nói: "Anh đừng lý thuyết nữa. Ngồi đó mà nghe tôi gẩy đàn".
Lúc này trời đã trưa. Nắng chan hòa trên mặt đường, mặt sông êm ả. Chú Bạch Vân ngồi xếp bằng tròn trên giường gẩy đàn. Chú nghĩ gì? Ðôi mắt chú trống rỗng. Người ta cảm thấy lồng ngực của chú cũng trống rỗng vì đau đớn. Chú không khóc. Những giọt nước mắt của chú cạn rồi hay chảy vào trong? Chú gẩy đàn bầu:
Miếng ngon ai để lại sau
Người ngon ai để cho nhau đợi chờ...
Ông Cả Hàn rút tấm giẻ ông vẫn làm khăn trong túi ra chấm nước mắt. Ông nói: "Ðời là khổ". Chú Bạch Vân nói: "Không có thằng Mỹ thì mỗi năm ba cái hội làng". Chú nắn cần đàn, tiếng đàn bầu giữa trưa càng da diết bên bờ sông chang chang nắng.
Chú Bạch Vân nhớ lại những hội làng, những ngày vào đám. Lá cờ đại vuông vức, có tua phấp phới bay trên lũy tre. Những cô gái làng đội nón quai thao, áo là khăn lượt. Những con bê thui lửa cháy đen, nằm vắt qua cái giá gỗ giữa sân đình. Chú nhớ những con diều mang ba sáo, năm sáo, lơ lửng giữa trời cao. Tiếng sáo lúc vi vu, lúc sầu não rống to như những chiếc kèn đồng. Tất cả mờ chùng trong ngấn nước mắt.
Ông Cả Hàn nói: "Chú đừng đi lại với con Bình Dân nữa. Chồng nó vẫn không biết sống chết thế nào, người ta bới ra thì xấu cả họ". Chú Bạch Vân đặt cây đàn xuống: "Nó đi trước thằng Sinh Tồn hai năm. Còn sống mới lạ".
Một tốp máy bay ném bom của Mỹ bay qua. Hai anh em loay hoay, không biết nấp vào đâu. Ông Cả Hàn chui xuống gậm giường. Máy bay bay qua. Ông Cả Hàn nói: "Nhà chú không có hầm, tệ quá". Chú Bạch Vân: "Còn lâu nó mới tính đến cái bến này".
Chị Bình Dân cách ngày lại đến quán chú Bạch Vân. Một hôm chị cắp nách rổ khoai, đến sớm hơn thường lệ. Chú Bạch Vân vặn nhỏ ngọn đèn bảo: "Ngồi lùi vào góc giường. Cô không sợ à? " Chị nói: "Họ không cho tôi đi họp thì tôi ra họp với ông." Chú Bạch Vân: "Ðừng bất mãn. Bất mãn là hư đời. Ðời tôi khốn nạn thế mà tôi có bất mãn đâu." Chị Bình Dân ngả ngớn đổ người vào chú Bạch Vân. Chị vít cổ chú xuống: "Bì sao được với ông. Tôi đã được là gia đình liệt sĩ đâu". Chú Bạch Vân: "Rồi thế nào cũng được". Chị Bình Dân ngấn nước mắt: "Ôi đời tôi sao nó cô đơn khốn nạn thế này!" Chú Bạch Vân ôm vai chị: "Ðừng khóc. Tôi không chịu nổi." Chú tắt đèn.
Từng tốp máy bay Mỹ bay qua về hướng cầu Thiên Lương. Súng cao xạ nổ rền trời. Những vòm khói xanh, cuộn tròn, năm vòng một của đạn 57. Chú Bạch Vân không xuống hầm, ra cửa quán đứng xem. Một chiếc máy bay cháy ở chân trời. Chú Bạch Vân vỗ tay: "Hoan hô bộ đội đánh Mỹ tài ghê!" Rồi chú nhảy điệu Sinh tiền, điệu Năm chàng thợ mộc. Những người nấp máy bay bên bến đò thấy chú gan lỳ kêu to: "Cái ông này điên à?" Nhưng rồi họ cũng nhảy từ hố lên, xem máy bay, cũng nhìn về phía cầu Thiên Lương. Rồi máy bay Mỹ bay đi.
Cảnh sông nước, bến đò trở lại thanh bình.
Chuyến đò ngang lại sang sông. Ba người sỹ quan, đeo lon, mặt mũi ám khói và bùn, nhảy từ đò lên. Chú Bạch Vân mời họ ngồi uống nước. Một anh thiếu tá nói: "Cầu Thiên Lương ba nhịp thì nó đánh sập mất hai rồi. Phải bắc cầu phao qua đây cho pháo." Chú Bạch Vân nói: "Thế là lại đánh nhau ở đây." Anh đại uý: "Ðương nhiên, được đánh Mỹ là sướng rồi." Anh trung uý tiếp lời: "Ông muốn bán quán thì phải đào hầm".
Hôm sau công binh đến thả cầu phao. Một chiếc ca nô kéo đến những chiếc xà lan, ghép lại với nhau. Rồi rải đường cho xe chạy. Những tấm tôn sơn xanh. Cô lái đò lên quán chú Bạch Vân ngồi uống nước, nói: "Từ nay là tôi vỡ niêu". Chú Bạch Vân an ủi: "Cứ thắng được Mỹ là gì cũng có". Cô lái đò: "Ông mà cũng biết nói tuyên truyền à? " Chú Bạch Vân nói: "Tôi muốn cô em yêu đời. Ðừng có đau đớn như tôi." Cô lái đò nói: "Xin dành cho chị Bình Dân." Chú Bạch Vân nhướn lông mày: "Chớ bép xép mà họ giết. Tôi đập ấm rồi, không buôn bán gì, chỉ hương khói cho thằng Sinh Tồn. Hết tiền là tôi chết." Cô lái đò đứng dậy: "Ông như thế là bi quan. Mai tôi gọi bán đò, đi thanh niên xung phong đây." Chị đi xuống bến sông, tay cắp nón, nhún nhẩy trên mặt cầu phao. Chú Bạch Vân nói: "Sao mà giống mẹ thằng Tồn hồi trẻ thế!"
Cầu phao đã bắc xong. Ban ngày người đi chợ, đi công tác qua lại. Ban đêm xe kéo pháo chạy ầm ầm. Người ta đắp ụ đất rồi đặt pháo 57 quanh hai đầu bến. Bộ đội pháo vào quán chú Bạch Vân hỏi mua kẹo, mua nước. Chú lại đi mua ấm về đun chè. Nhưng chú không bán. Chú rót nước mời các anh bộ đội trẻ. Nhìn họ uống nước vối, nước chè, hút thuốc lào, chú nói: "Thằng Sinh Tồn nhà tôi cũng giống mấy em đây."
Máy bay Mỹ đến ném bom cầu phao. Pháo cao xạ nổ ầm trời. Chú Bạch Vân không xuống hầm. Chú chạy vào ụ pháo xin vác đạn. Anh thượng sĩ khẩu đội trưởng nói: "Ông mà hy sinh nữa thì mất giống. Sao không cho chị Bình Dân cái bầu đi!" Chú Bạch Vân thất sắc: "Các em đừng ba hoa. Chuyện đâu để đó. " Chú thượng sĩ bảo: "Ông không biết bộ đội trực chiến cả đêm à? Ai mò vào quán ông chúng tôi biết tất." Rồi tất cả cười.
Ðêm bến sông yên tĩnh. Trong ụ pháo tiếng chiến sĩ trực chiến nghêu ngao theo điệu bài hát của chiến tranh nhưng lời của chính họ:
Ta là con của bố mẹ ta.
Thắng giặc thì ta sẽ trở về.
Ta về Ðông Anh, ta về Yên Viên, qua cầu Long Biên là nhà ta đó.
Bố ta đợi ta...
Chú Bạch Vân lấy đàn bầu ra gẩy theo điệu nhạc. Mặt chú đẫm nước mắt. Chú nói một mình: "Bố mày vẫn đợi mày, Tồn ơi. Nhưng mày có về nữa đâu". Một anh lính trẻ vào xin thuốc lào. Anh ta nói: "Sao ông khóc? Phải lạc quan để đánh Mỹ. Ðêm nay là gay go lắm đấy". Anh réo điếu thuốc đến tụt nõ rồi đi ra.
Pháo lại bắn ầm ầm. Chớp lửa lóe sáng trên bầu trời, phản quang xuống mặt sông. Bom nổ. Không nhìn thấy may bay. Có tiếng la: "Mất mẹ nó một nhịp rồi!" Tiếng bom chát chúa. Những mảnh tôn mặt cầu thia lia trên trời. Máy bay bay đi. Người ta khiêng anh thượng sĩ đã chết vào quán chú Bạch Vân. Một chiếc xe tải thương chở anh ta đi vào đêm tôi. Anh thượng uý nói: "Bây giờ tất cả tập trung chữa cầu, mạch máu ra chiến trường không thể đứt!" Bộ đội nhảy xuống sông tìm cách neo xà lan lại với nhau. Dân làng túa ra. Chị Bình Dân cầm một cái mai dài. Anh Hiến cũng có mặt. Anh bảo chị: "Có phải đi đắp đê đâu!" Chị Bình Dân nói: "Tôi quen thế rồi." Chị vào quán chú Bạch Vân. Chú không có nhà. Chị xuống mố cầu tìm chú. Anh Hiến nói với ông xã đội: "Ngựa về đường cũ!" Ông xã đội: "Cứ sửa xong cầu rồi hẵng hay". Những chiếc xà lan đã được neo lại với nhau. Bộ đội mình trần, mặc xà lỏn, ướt như chuột lột. Chú Bạch Vân từ bến lên, cũng ướt. Chú vào quán, đốt một đống củi to đun nước rồi ngồi hơ tay sưởi. Anh thượng uý đi vào: "Ông Bạch Vân, tôn bay hết rồi. Xe không chạy được. Ông cho bộ đội mượn ít ván thưng." Ông xã đội cũng có mặt. Ông nói thêm: "Tất cả cho chiến thắng!" Chú Bạch Vân mặt ngẩn ngơ, không nói gì. Rồi chú nhếch mép: "Khẩu hiệu ấy, tôi thuộc rồi. Nhưng cứ lấy đi!" Ông xã đội mừng quýnh, nói: "Ông thật có tinh thần. Xã mà được đơn vị quyết thắng thì ghi công ông. Còn bản kiểm điểm thì xóa!" Bộ đội lấy thanh sắt, nạy ván. Cái quán nhỏ rung rinh. Người ta vác ván trên vai chạy ào ào xuống cầu, đặt ván lên thân xà lan. Anh thượng uý nói: "Phải dỡ hết mới đủ". Chú Bạch Vân dọn chăn chiếu vào mấy cái bị, xua tay: "Cứ dỡ hết đi!" Gió thổi ào ào qua quán, tóc chú Bạch Vân lâu ngày không cắt, bay phất phơ. Chị Bình Dân cũng tham gia vác ván, nhưng mặt chị ỉu xìu, ngẩn ngơ. chú Bạch Vân nhìn chị, quay mặt đi. Rồi chú lại nói như hét: "Lấy nữa đi!" Mấy anh lính trẻ xúm lại, mỗi người ôm một cái cột gỗ. Một anh hô: "Dô ta! Dô ta nào!" Cái quán đổ cái rầm. Mọi người xúm lại rút gỗ, rút ván và cả lá cọ nữa mang xuống cầu. Chú Bạch Vân đứng bên đống bị cói, tất cả đồ, đạc, tài sản của chú. Chú nói như hát: "Hoan hô bộ đội! Ðánh Mỹ tài ghê!" Chú chắp tay vào nhau nhảy điệu Sinh tiền, điệu Năm chàng thợ mộc. Mọi việc đã hoàn tất. Một chiếc xe con từ bên kia bấm còi. Anh thượng uý bắn một phát súng lục, nòng súng chĩa lên trời. Tiếng hò reo dội xuống mặt sông. Thông cầu! Thông cầu! Xe qua. Pháo qua. Mặt sông lại yên tĩnh. Từ một ụ pháo, lại có tiếng hát non choẹt của một anh lính trẻ: "Ta là con của bố mẹ ta..."
Chú Bạch Vân ngồi lên đống bị cói, mặt ngây dại. Chú đặt cây đàn bầu lên đùi, ngồi gẩy theo điệu hát của anh lính. Sáng hôm sau, chú Bạch Vân mang mấy cái bị, cây đàn bầu, như một người bán hàng rong, về nhà ông Cả Hàn. Ông Cả đang moi một cái hố núp máy bay. Ông nhảy lên. Hai người đứng bên miệng hố. Chú Bạch Vân nói: "Tôi xin anh về ở nhờ nhà từ đường. Anh cho chứ?" Ông Cả xoa tay: "Ðược. Nhưng còn chất bao u-rê. Chú dọn lấy một góc". Rồi ông tiếp: "Chú làm vẻ vang cả họ. Sáng nay đài huyện nói về chú." Chú Bạch Vân: "Nói thế nào? " Ông Cả: "Dài lắm! Chú dỡ nhà làm cầu cho xe qua. Còn một cái lai quần chú cũng quyết thắng Mỹ! Chú Bạch Vân thật anh hùng. Ðại khái thế!".
Chú Bạch Vân gọi thằng Thịnh, con trai ông Cả, cùng đến nhà từ đường. Hai chú cháo khuân bao u-rê, dọn một góc trống. Chú Bạch Vân đặt mớ đồ đạc xuống, trải chiếc chiếu rách lên nền lát gạch, dựng cây đàn bầu vào cột nhà. Thằng Thịnh nói: "ấm ghê, mà không sợ cả máy bay nữa. Có mảnh bom nào là bao u-rê che hết cho chú." Chú bảo nó: "Trưa nay có gặp chị Bình Dân mày bảo tao đã dọn đến đây".
Chị Bình Dân ở trụ sở ủy Ban xã. Chị đang ngồi đối diện với ông chủ tịch. Chị nói: "Tại sao không cho tôi đi đắp đê? " Ông chủ tịch đáp: "Chỉ còn hơn ngàn khối đất nữa chị có thể được lên anh hùng. Nhưng chị không đạt khâu đạo đức nên không cho chị đi đắp đê.". Chị nói: "Tôi vác đất quen rồi. Không vác đất thì lấy công điểm đâu mà nuôi mẹ chồng với hai đứa em chồng? " Ông chủ tịch: "Vác đất cũng là làm cách mạng. Phải chọn người tử tế".
Chị Bình Dân trở về nhà. Bà mẹ chồng ốm như bà đẻ hậu sản, nằm trên cái chõng. Hai đứa em anh Bình Dân ngồi học ở góc nhà. Chị Bình Dân nói: "Từ nay tôi không đi thủy lợi nữa. Tôi ở nhà theo trâu". Chị Bình Dân đi cày. Ði cấy. Ði gặt. Chị gặp ông Thảo thầy cúng ở cổng làng. Cái bừa làm toạc một mảnh vải ở vai áo ông Thảo. "Cái con này!" ông Thảo nói. Vừa lúc ông Cả Hàn đi tới. Ông thầy cúng phân bua: "Nó làm rách vai áo tôi. Ngữ này mà không cho đi vác đất thì nó vác trai về nhà".
Thằng Thịnh đến nhà chị Bình Dân. Nó gọi chị ra ngõ. Nó nói: "Chú Bạch Vân bảo tối nay chị đến". Chị đáp: "Ðược rồi, cứ về đi". Thằng Thịnh sắp đi thì chị gọi lại: "Chỉ một mình em biết chuyện này thôi nhớ!" Chị dúi vào tay thằng Thịnh một cái bánh chưng con, nói: "Mười giờ tối nay em đến đón chị ở gốc cây muỗm, em cứ đứng ở đó cho đến lúc chị về. Hễ ai đi qua thì em hèm một tiếng cho chị. Em có làm được không? " Thằng Thịnh đáp: "Em làm được". Chị dúi vào tay nó tờ bạc: "Cho em". Thằng Thịnh giẫy: "Em không biết tiêu tiền". Rồi nó chạy biến.
Ðêm đến. Tiếng ếch ộp oạp quanh bờ ao, quanh gốc muỗm. Mái nhà thờ họ Nguyễn đen kịt sau đám lá. Một quầng sáng vàng như đom đóm hắt từ sau nhà thờ lên hàng dâm bụt xanh đen. Thằng Thịnh đứng ở gốc muỗm. Chị Bình Dân như một bóng ma, nép vào những cây bạch đàn ven đường lần tới. Chị đến bên thằng Thịnh: "Chị vào đây. Nhớ hèm cho chị một tiếng nhé!" Chị lại men theo hàng dâm bụt vào sân nhà thờ.
Chú Bạch Vân ngồi gẩy đàn bầu. Nhìn thấy bóng chị Bình Dân, chú đứng dậy. Chị Bình Dân nói: "Ðây là nhà thờ, không như ngoài quán. Phải cẩn thận". Chị biến vào nhà từ đường. Chú Bạch Vân thở dài, cầm cây đàn bầu đi theo. ánh đèn vàng tắt ngấm. Ngôi nhà thờ tối om. Dưới gốc muỗm thằng Thịnh đứng nhìn trời cao. Mảng trời lộ ra, sao chi chít, mờ ảo.
Mẹ chồng chị Bình Dân nấc lên một tiếng rồi chết.
Ðám tang do ông xã đội chỉ huy vì người chết là mẹ bộ đội. Dân làng trước sau đến rất đông. Chiếc quan tài sơn son được đám trai làng khiêng ra khỏi ngôi nhà tranh. Hai bên dân làng đứng đón. Hai cậu em trai anh Bình Dân mặc áo xô, lưng thắt giây chuối, chống gậy đi sau. Bỗng mọi người nhìn thấy chị Bình Dân bước ra. Chị mặc áo vải màn, vấn nùn rơm trên đầu, tay chống gậy. Ông Thảo đang cầm phách gõ nhịp cho người ta khiêng quan tài, hô hoán: "Ai cho phép con dâu chống gậy đưa mẹ chồng? Bảo nó cởi ra ngay!" Dân làng nhìn nhau. Ông xã đội bước tới sát chị Bình Dân, nói: "Ông Thảo nói phải. Về cơ bản phải theo lệ các cụ. Với lại, chị có tử tế gì cho cam!" Chị Bình Dân như không nghe thấy ông xã đội nói, cứ dấn bước sau quan tài. Mắt chị đỏ hoe. Bộ ngực lộ căng dưới tấm áo tang vải màn. Chị hất tay ông xã đội, nói như hét: "Tôi thách các người đấy. Các người có đi vác đất nuôi mẹ tôi không? " Ông Cả Hàn đứng ra dàn hòa: "Thế cũng được, thời nay là thế".
Một buổi chiều, chị Bình Dân thắp hương trước bàn thờ mẹ chồng. Chị lùi ra, khấn: "Mẹ ơi, mẹ có khôn thiêng thì chứng giám. Con mới hai mươi tám tuổi. Chồng con chết sống thế nào con không hay. Hôm nay con soạn lễ trăm ngày cho mẹ chu tất rồi. Các em cũng đã lên trường. Tiền ăn, tiền học của chúng con đã lo đủ. Mẹ cho con đi với ông Bạch Vân. ¡n nên làm ra thì con gửi tiền cho các em ăn học. Mẹ khôn thiêng xin mẹ phù hộ độ trì".
Trời đã tối, trên con đường làng lỗ chỗ vết chân trâu, nhỏ như sợi giây thừng giữa cánh đồng, hai bóng người lúi húi đi. Chú Bạch Vân đeo bị, tay xách chiếc đàn bầu. Chị Bình Dân theo sau. Họ đi. Bóng họ nhỏ dần, biến mất phía bờ sông.
Ông Cả Hàn ngồi trầm ngâm hút điếu ống. Ông xã đội bước vào. "Ông Cả, có giấy báo tử đồng chí Bình Dân. Bây giờ ta báo cho ai?" Ông Cả thất sắc: "Cái giấy đâu? Ông đặt lên bàn, tôi vái vong linh nó một cái" Ông xã đội lấy tờ giấy trong túi xách mang bên vai ra, đặt lên bàn, đè cái xe điếu lên trên. Ông Cả đứng vái ba cái, ông kéo ghế ngồi: "Mời ngồi, ta nói chuyện. Thằng Bạch Vân nhà tôi với con Bình Dân biến mất hôm qua". Ông xã đội nói: "Chắc là tìm phương nào hú hý với nhau rồi. Ðôi ấy mà rơi vào tay tôi thì tôi bắn". Ông Cả nói: "Cái đó tuỳ ông. giá có tờ giấy trước vài ngày thì nó đã không bỏ đi. Bây giờ ta đến mở nhà nó, đặt giấy lên hương án. Xã nên giữ cho hai em nó cái nhà này".
Hai người đến nhà chồng chị Bình Dân. Làm mọi việc như ông Cả đề nghị. Xong việc, ông xã đội nói: "Tôi đưa trụ sở xã đội trực chiến về đây để giữ cái nhà".
Ông Cả Hàn về nhà, lại trầm ngâm bên cái ấm điếu. Ông gọi thằng Thịnh lên. Ông nói: "Ghi vào sổ ngày mười ba tháng chín là ngày chú Bạch Vân bỏ nhà ra đi để sau này mà làm giỗ". Thằng Thịnh lấy hòn phấn ghi vào xà nhà. Ông Cả lại nói: "Tao sợ chú ấy đi trẫm mình ở Vực Nầm. Hết tiền thì nhảy xuống vực là tiện nhất. Tao biết chú ấy không còn một xu dính túi".


*
* *

Thằng Thịnh bây giờ đã là anh bộ đội. Mũ gắn sao. Quân phục mùa hè. Vai mang ba lô, lại còn gá một cái khung xe đạp Sài gòn nữa. Nó đã về đến cổng làng. Nó gặp ông xã đội. Bây giờ ông đã già, đang dắt một con nghé. "Chào đồng chí Thịnh! Còn sống mà về ư?" Ông xã vồn vã lấy tay ôm vai đồng chí Thịnh. "Giải phóng rồi. Vui lắm. Tụi tui đánh thẳng vô Sài gòn. Tôi đã được ngồi lên cái ngai của thằng Thiệu nhé! Còn đồng chí, vẫn xã đội chứ?" "Tôi già rồi, bây giờ theo trâu. Phải dành cho lớp trẻ". Ông xã đội nói.
Ông Cả Hàn mổ một con lợn nhỏ mừng con về. Cả họ đến ăn. Rịch ràng nửa ngày trời. Tối, hai bố con mệt mỏi, ngồi bên bàn uống nước. Trăng chiếu vào nhà. Thịnh hỏi: "Có tin gì chú Bạch Vân không bố?" Ông Cả đáp: "Chắc là chết rồi". Thịnh lại hỏi: "Còn chị Bình Dân? " Ông Cả đáp: "Ngữ ấy có sống cũng coi như là chết". Thịnh nói: "Thương thật. ¡n nằm với nhau bao nhiêu năm trời mà không để lại được đứa con". Ông Cả nói: "Từ ngày mất quán thì ăn nằm vào đâu nữa". Thịnh nói: "Trong nhà từ đường ấy chứ đâu". Ông Cả đứng dậy: "Mày nói thật không?" Thịnh đáp: "Sao không, tôi đứng gốc muỗm canh cho họ mà". Ông Cả Hàn quắc mắt. Ông rút trên mái nhà xuống một cái roi mây. Ông phất cái roi vun vút để hả cơn giận. Ông nói, giọng lạc đi: "Cái roi này đã rèn mày nên người. Bây giờ nằm xuống đi, tao đánh mày hai mươi roi để tạ tổ tiên". Thịnh nói: "Bố đợi tôi cởi xong phù hiệu trên áo. Tôi là con bố nhưng là bộ đội cụ Hồ". Thịnh cởi phù hiệu. Nằm xuống, nói: "Ðược rồi, bố đánh đi".
Ông Cả Hàn đánh đủ hai mươi roi.
Nửa đêm, ông đánh thức Thịnh dậy. Tay ông cầm một cây đèn bão. Ông nói: "Mày cầm cái thuổng, cái cuốc rồi theo tao". Hai bố con lặng lẽ như thằng ăn trộm ra nhà từ đường. Ông Cả chỉ chỗ nền đất trống, gạch lót đã mủn từng đám. "Nó nằm ở đây phải không? " Thịnh đáp: "Phải". Hai bố con dùng thuổng và cuốc đào miếng nền nhà to bằng cái chiếu. Thịnh xúc đất cho vào rổ, đổ ra vườn. Ðào xong, cả hai ra vườn nhà thờ, khuân đất mới đổ vào, lấp lại như cũ. "Khiêng mấy bao u-rê này đè lên". Ông Cả nói. Thịnh làm theo. "Còn con gà giò. Mai tao làm một mâm cúng tổ". Ông Cả nói.
Sáng hôm sau, Ðót, bạn chăn trâu với Thịnh, giờ đã năm con, đến nhà. Ðót bảo: "Chị Bình Dân về làng rồi. ở nhà bà Hoát". Ông Cả Hàn bảo: "Mày đến nhà bà Hoát xem". Thịnh và Ðót đến nhà bà Hoát. Chị Bình Dân không còn trẻ nữa mà đã thành một bà nạ dòng xơ xác. Chị gầy, vẫn nhanh như con vịt đẻ, dáng người dong dỏng trong chiếc áo cánh phin cũ. Chị đang lấy đồ đạc trong mấy bị cói ra phơi trước sân. Một thằng bé trai khoảng bảy tuổi, rắn rỏi và nhanh nhẹn giúp chị. Thịnh ôm lấy vai chị: "Chị còn nhớ em không? Thịnh đây mà!" Chị Bình Dân đặt cái bị xuống, ôm lấy Thịnh: "Sao lại không, ông mãnh! Chỉ sợ em quên chị thôi". Thịnh nói: "Em nhớ"
Thịnh nhìn người đàn bà. Thịnh nhớ một thời đã thật sự xa vắng. Những đêm trăng trên con đê dài, chị Bình Dân ném tảng đất trên vai xuống uỳnh uỵch, tiếng cười, tiếng hát. Chị tròn trĩnh, rắn chắc, chạy băng băng từ chân đê lên, một tảng đất lớn trên vai. Lưng chị vẫn thẳng nhưng tảng đất thì oằn lại dưới trọng lượng bản thân nó. Chị quẳng tảng đất xuống mặt đê, không ngoái lại, rồi băng băng chạy xuống. Những tay thợ đấu nhìn theo chị mà nuốt nước miếng ừng ực. Họ nhìn chị mà lòng tan nát. Thịnh nhớ lại một lần đứng canh dưới gốc muỗm, muỗi đốt không chịu được, nó lần vào nhà từ đường. Qua khe hở của hai bao u-rê, hai kiếp người cô đơn đang thảng thốt dạt vào nhau. Chị Bình Dân nép mình trong bàn tay ve vuốt của chú Bạch Vân, cả hai cùng chìm trong những giây phút êm ái đang qua.
Thịnh hỏi: "Chú Bạch Vân ở đâu hả chị?" Chị đưa tay vỗ vai thằng bé trai bấy giờ đang thẹn thò nép mình bên chân mẹ:
- Ông ấy đây. Giống thế mà anh không nhận ra em à?
Thịnh nhìn kỹ thằng bé và bỗng sững sờ: đôi mắt, cái trán, dáng người của thằng bé là của chú Bạch Vân. Chị Bình Dân nói:
- Hải, lại đây. Nhận họ đi con!
Thịnh lại ra đi. Một cuộc chiến tranh khác đang chờ người lính. Anh dừng lại một chút ở cổng làng, nơi vợ chú Bạch Vân chết năm xưa. Chú không còn là gì với xóm làng này, với cả bản thân Thịnh. Không ai nhờ cậy được chú điều gì. Chú ở đây hay biến mất thì cũng thế. Nhưng không ai quên được chú. Thịnh đi giữa cánh đồng mà lòng vẫn nặng chĩu. Anh đứng lại, nhìn về phía làng. Một cây bạch đàn già nua, cao vút, ai trồng từ thuở nào hay nó tự mọc lên ở đầu làng, thân cây bị bão táp vặn vẹo. Mọi người thường không để ý đến nó, nó không phải là cây đa, cây đề. Nhưng rồi, khi từ một chốn xa quê trở về làng, ta đưa mắt nhìn cái ngọn của nó và bỗng thấy chính cây bạch đàn giản dị, vô danh ấy đang trở thành hình ảnh chân thực nhất của cái làng chôn nhau cắt rốn tội nghiệp.
Không ai quên được cây bạch đàn. Cũng như không ai ở làng này quên được chú Bạch Vân.
Người Vợ Lẽ
Đêm Cổ Nguyệt Ðường
Chàng thi nhân đầu bạc
Người vợ lẽ ở phường Khánh Xuân
Phường săn
Ði đêm
Cây đắng cay
Thuế giường
Lỡ hẹn ở Mai Châu
Người bẫy chim trên núi Cu kỳ
Cây bạch đàn vô danh
Gặp lại
Ðêm thứ mười hai không phải của Sêchxpia
Michioa
Hai người từ thị xã
Người trêu chim
Mưa sao băng
Người đàn ông trên ban công
Nhật ký về những người thanh lịch
Vạt áo đời người
Người đàn bà đợi ở bến xe
Ðĩa xa lát Nga
Mưa Sài Gòn
Người đẹp làng chiếu
Sông nước đời thường
Gió heo may