Vạt áo đời người
Tác giả: Nguyễn Quang Thân
Khi con đường bao chạy qua làng khởi công, đất làng hắn thành vàng. Hắn bàn với mẹ bán một nửa miếng vườn. Cầm một cục tiền to chưa từng mơ tới, đưa cho mẹ, hắn nói: "Cụ cho con xin một triệu chữa xe!". ừ thì một triệu. Hắn lấy xe, phóng như bay vào thành phố. Suốt ngày nghe đài, xem báo thấy người ta nói chuyện bia ôm, chuyện mấy đứa ca-ve mà hắn, mang tiếng dân ngoại thành nhưng vẫn chưa biết mô tê gì. Hắn phải biết! Mấy đứa bạn khác trong làng nếm mùi cả rồi, dịp trời cho này hắn phải biết. Hắn đẩy tấm cửa kính màu âm u của quán Trăng lưỡi liềm, bước vào. Không ngờ hắn đang bước vào một cuộc đời mới.
Trưa hôm sau hắn đưa về làng một cô ca-ve. Tưởng là gì ghê gớm hóa ra cũng giống như gái làng. Ðẹp hơn tất cả các cô gái làng hắn. Không quê quán, không cha mẹ thế cũng hay, khỏi phải làm rể. Làm rể phiền toái lắm, vẫn có câu chó nằm gầm chạn. Lại không phải cưới xin lôi thôi, tốn kém. Vợ không cưới, không mất lợn mời làng mà làm ăn giỏi ra phết. Ngay hôm đầu về nhà đã kéo cho mẹ hắn đầy hai bể nước. Còn đòi đi làm cỏ khoai tây nữa. Hắn không cho, nói là để từ từ, người ta làm ngoài đồng rỗi miệng hay bới móc. Quen quen hẵng hay, lúc đó có ra đình múa cũng không ai nói. "Mày định cho nó ở luôn đây à?" Mẹ hắn hỏi. Hắn đáp tỉnh bơ: "Vợ tôi không ở đây thì ở đâu?" Mẹ bảo: "Không cưới xin gì thì ra uỷ ban đăng ký cho người ta khỏi bắt bẻ." Hắn vê vê cái cằm lún phún: "Không có chứng minh thư đăng ký làm sao? Nó hăm lăm rồi, tôi không ngủ với trẻ con, sợ gì." Mẹ hắn than: "Ðồ vô phúc, mày bắt tao quỵt nợ bà con!" Nói thế nhưng mẹ hắn vui. Trốn được đám cưới thì nhẹ mình quá. Hắn là con một. Tính nết hay vùng vằng như con trâu cày trưa nhưng chăm làm, tính việc giỏi, thương mẹ. Mẹ chiều hắn như chiều vong. Bà mẹ nào mà chẳng đội con lên đầu!
Thằng Khoa nhặt được vợ trên phố! Chẳng mấy chốc tin ấy lan ra khắp xóm. Người ta chưa thấy hắn cho vợ đi làm đồng hay đi chợ. Họ tìm cớ ghé qua nhà để xem cô ca-ve. Tưởng thế nào chứ cũng như gái làng, chỉ đẹp hơn mà thôi. Ngay hôm đầu tiên gặp trong quán bia ôm, thằng Khoa cũng thấy như thế. Hắn bảo cô ta tắm. ứ, em không quen tắm hoa sen. Cô ta mở nước chảy xuống chậu rồi lấy gáo nhựa dội. Hắn dội cho cô ta. Anh muốn gì em chiều. Chẳng muốn gì. Nằm đây nói chuyện cái đã. Có mùi gì hăng hăng. Một vốc hoa bưởi dưới gối. Em mua ngoài chợ. Cho nó át mùi nước hoa với mùi mồ hôi cháy trên gối, ghê ghê buồn nôn. Bà chủ mua hai mươi ngàn một lọ nước hoa Tàu, sáng nào cũng rưới lên đầu bọn em. Ra thế! Gái quê hả? ở đâu? Em mồ côi. Tám tuổi ông chú bảo em: nuôi thế đủ rồi, vô trại chăn bò mà kiếm ăn. Chăn bò cho người ta đến mười lăm tuổi. Kiếm đủ cơm ăn mà còn được ông chủ trại cho học chữ, đọc được báo. Thôi nhé, dạy nữa thành trí thức, đâm khinh người! Mười chín tuổi lấy chồng. Nó cờ bạc như điên. Gì nó cũng đưa lên chiếu. Gán tất! Nhưng thôi, em chỉ kể đến đó. Anh muốn gì em chiều. Còn mười lăm phút nữa là bà chủ gọi cửa đấy. Giờ giấc nhà này nghiêm. Anh qua đêm được không? Ðược chứ. Nhưng phải ba trăm ngàn, anh chịu không? Thì ba trăm ngàn đây, chưa đến một mét vuông đất. Ðêm đó hắn tỉ tê mọi điều. Hắn không gạn hỏi vì sao đằng ấy lại vào đây. Sợ người ta thẹn. Mà hỏi làm gì? Vào đây cách nào thì cũng thế! Rồi hắn nẩy ra cái ý nghĩ ấy trong đầu. Sĩ làm gì? Lấy đĩ làm vợ còn hơn chán thằng lấy vợ làm đĩ. Rồi hắn bàn cách đi trốn. Hắn trả tiền cho bà chủ, bẹo má bà ta một cái rồi lấy xe máy bảo đi mua thuốc lá. Cô ta thì trèo tường sau. Ðón nhau ở cổng chợ gần đó. Cũng may lúc đó công an đến kiểm tra nhốt bọn bảo vệ ở phòng ngoài nên chúng không đuổi được. Thế là thoát!
Ðược mười lăm hôm hắn bảo mẹ: "Bây giờ thì ổn rồi, mẹ nhé!" Mà cũng ổn thật. Mẹ thương cô ta. Mười lăm ngày cho lợn ăn, cơm nước, giặt rũ, kéo nước dưới giếng lên, nết ăn nết ở thì không giấu được ai. Mẹ nói con này được. Cũng còn hơn dâu ông chủ tịch xã. Nó đưa trai về nhà, còn móc trộm con dấu đóng cho thằng ấy một cái giấy giả để đi lừa thiên hạ. Chuyện ầm cả làng ai cũng biết. Tự dưng Trời cho đứa con dâu. Mẹ bảo hắn: "Thong thả rồi tìm hiểu xem nó quê đâu, đăng ký đi cho êm." Hắn nói: "Tôi không truy lý lịch người ta làm gì. Với lại, họ đang lo chia nhau tiền hoa hồng bán đất công, chẳng ai mó tới chuyện nhà này đâu." Thằng Ninh bạn hắn bảo: "Vợ mày sõi đấy, đẹp đấy. Nhưng dù sao cũng là hàng xê-cần-han. Hôm nọ tao mua một cái áo phông mặc chẵn năm ngày thì rách." Hắn trừng mắt: "Mày đã chắc vợ mày chưa?" Thằng Ninh cúi xuống, lẩm bẩm: "ừ, khó biết thật, cái ao bèo." Rồi nói an ủi hắn: "Thôi, cũ người mới ta. Nó đẹp mà nết cũng được là của hiếm!" Hắn cười khì, sung sướng.
Một hôm đang đầu gối tay ấp, vợ hắn khóc. Nhớ phố, hay nhớ bà chủ? Hay nhớ mấy thằng làng chơi? Hay chê đây nghèo? Nói đi, muốn gì đây cũng chiều. Không, không phải. Rồi vợ hắn ngồi dậy, lau nước mắt, nói: "Em nhớ con..." Lại kể nốt chuyện bỏ lửng hôm đó. Thằng chồng đánh bạc quỵt tiền, bị người ta đánh. Bán sạch sành sanh chạy thuốc mà không cứu được, ba tháng thì chết. Em bế con ra phố kiếm cơm. Gặp bà chủ. Bà ấy nói gái một con trông mòn con mắt, nhan sắc thế này chỉ tân trang mấy hôm là hái ra tiền đừng buồn khổ mà phí đi. Thôi, để chị bày cách giải quyết đứa con. Chị biết có một nhà hiếm. Phố ấy. Số nhà ấy. Cứ chờ sáng sớm hay tối mịt, đưa thằng cu đặt trước cổng người ta. Nhớ cho bú thật no, mặc âm ấm vào kẻo nó sưng phổi. Ðừng khóc. Cái giống cờ bạc chẳng tiếc làm gì. ở đây với chị vài năm là đời em lên hương, chị kiếm cho em tấm chồng giàu có, tử tế. Còn thằng cu biết đâu lại được ăn học nên người. Thế là mẹ cũng tròn con cũng vuông. "Bây giờ cô tính sao?" Hắn hỏi. "Em nhớ con, tội nghiệp con tôi, mới kém hai ngày thì đầy sáu tháng, vậy mà tôi nỡ bỏ nó trước cổng nhà người ta." Hắn phát bẳn: "Tôi hỏi cô tính sao?" Ðáp: "Em chẳng biết tính sao." Hắn nằm xuống, nghe vợ thút thít bên cạnh. Bộ ngực nhô lên rồi hạ xuống, khuôn mặt đẫm nước mắt càng dễ nhìn làm lòng hắn tan nát. Nghĩ ngợi một lúc, hắn ngồi dậy: "Anh tính thế này, (ít khi hắn xưng anh em với vợ), anh với em ra tỉnh, đến nhà người ta xin lại thằng cu!" Vợ hắn quay người, ôm choàng lấy hắn, phủ lên hắn một trận mưa hôn: "Trời ơi, anh nhân đức quá, được như thế thì mẹ con em đội ơn anh suốt đời!" Rồi cô ta lấy dưới gối ra mấy tờ bạc: "Tiền tàu xe đây, mai ta xin phép mẹ rồi đi! Hồi còn trên phố lần đi khách nào em cũng véo ra một ít để ngày nào đó chuộc lại thằng con." Vợ hắn nhắc tới một quãng đời làm lòng hắn quặn thắt. Hồi còn trên phố...cả hai không bao giờ cùng lên phố, khi nhắc tới cuộc đời trước kia vợ hắn vẫn thường nói trẹ ra thế. Hồi còn trên phố... Hắn giật lấy, quẳng xấp tiền xuống chân giường: "Cầm lấy! Hay đốt đi. Ðây đếch cần."
Ðúng phố ấy nhà ấy nhưng sao cái cổng trông khác quá. Trước đây đâu có cửa sắt mà cửa gỗ. Ngôi nhà cũng không phải. Nó nhỏ cơ, không to thế này. Vợ hắn thì thầm bên tai, tay run run vịn vào bức tường. Nắng buổi sáng vón lại trên những lá tường vi vươn qua đầu tường, mấy bông hoa tường vi chạm vào bàn tay bé bỏng đang run của vợ hắn. Một đám mây lang thang phía sau ngôi nhà cao nhất dãy phố. Hắn nói: "Thì phải khác trước chứ. Tôi bấm chuông đây!" Khoan đã! Cô ta giữ tay hắn. Em sợ. "Sợ cái gì mới được chứ" Cô vợ nói: "Người ta giàu. Em hãi người giàu lắm!" Vớ vẩn! hắn nói, tôi bấm chuông đây. Như để trả lời hắn, từ trong ngôi nhà ba tầng, có tiếng một thằng bé khóc, nghe rõ tiếng bàn tay đập đập liên hồi lên mặt bàn. "Nó đấy, con em đấy. Chà cu cậu đang dỗi, ứ ăn ứ ăn. Ra dáng con nhà giàu lắm. Con tôi..." Hắn đưa tay bịt miệng cô vợ lại: "Vớ vẩn. Tôi thì đang lo nẫu ruột đây. Có cớ gì bảo nó là con cô nào? Không dưng người ta lại đưa con cho hai vợ chồng cha vơ chú váo như tôi với cô?" Cô vợ không chú ý nghe lời chồng. Cô ta vẫn lắng nghe tiếng trẻ con khóc dỗi trong nhà. Như từ một thế giới khác. Xa và lạ, một cuộc đời khác mờ dần qua làn nước mắt. Bỗng cô ta giật mình, tỉnh mộng. Rồi cúi xuống mở cái túi xách tay nhàu nát, cũ kỹ. "Em có cái này..." cô ta nói, đưa chồng xem cái vạt áo trẻ con. Em xé ra khi bế nó đến đây. Thế nào người ta cũng hiểu, người ta cũng giữ lại cái áo ấy để so sau này. Rồi quả quyết: "Anh bấm chông đi!"
Người vợ gầy teo tóp còn ông chồng thì mập ú. Người vợ rõ là vẫn chưa nguội chuyện ngày xưa, nói: "Thằng bé kháu kháu là. Tôi lên đồn công an bảo là tôi nhặt được, ở cổng nhà tôi tức là của tôi, tôi xin nuôi. Người ta bảo ừ thì để bà nuôi nhưng mà nuôi không tử tế thì chúng tôi đưa nó vào trại trẻ lúc ấy đừng buồn. Sao không tử tế được?" Bà đứng dậy lấy trong tủ ra cái áo trẻ con bị xé một vạt. "Vâng, thấy cái áo bị xé là tôi hiểu ngay. Chồng tôi bảo sẽ có ngày người ta đưa vạt áo ra nhận con đấy. Y như là." Thằng bé ba tuổi, ngồi trong lòng bà mẹ, đưa đôi mắt sáng choang nhìn tất cả mọi người. Sao người lớn cả mà ai cũng khóc nhè thế này? "Cái vạt áo khớp rồi, chị không phải phân trần nữa. Với lại, hai mẹ con giống nhau như hai giọt nước thế kia..." Ông chồng đấm đấm hai nắm tay múp míp như hai củ khoai tây được mùa, bảo: "Nói anh chị đừng giận, về bên ấy chắc thằng bé không đầy đủ như ở đây. Hay là anh chị cứ để tôi nuôi nó khôn lớn, cho nó ăn học, nó có hai cha hai mẹ thì hơi nhiều nhưng chắc không ai để nó khổ." Hắn đưa tay áo quệt má, bảo thế cũng được, đội ơn hai ông bà, rồi cháu cũng là con của xã hội cả thôi, chỉ xin hai ông bà cho cháu về chào bà nội. Ông chồng sốt sắng: "Ðương nhiên rồi, để tôi đưa cháu đi cho biết nhà tiện thể!"
Bà mẹ hắn nâng thằng bé lên, dụi dụi mũi vào bụng nó, nói một câu xanh rờn: "Khổ chưa, cháu tôi hoàn cảnh thật, nhà thì nghèo mà bố mẹ lại đông quá...nuôi sao xuể đây!" Thằng bé khóc thét lên vì nhột. Bà trao nó cho ông bố mập rồi xuống bếp làm nốt con gà. Từ bên hàng xóm, mấy người nghe tiếng trẻ con khóc trong nhà hắn. Chị hai Xoan chạy sang ngay. Nắng chảy như mật trên mái tóc vừa gội chưa kịp khô của chị. Không phải chị sang xem con ca-ve như hôm nọ, mà xem tại sao nhà chúng nó lại có tiếng trẻ khóc.
Kim Giang 2001