Cây đắng cay
Tác giả: Nguyễn Quang Thân
Gió đưa hoa cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay
(Ca dao)
“Tôi cam đoan với anh, khác, nhất định có khác” - ông Lẫm vừa đi vừa hoa chân múa tay nói. Ông đi trước, bạn ông là ông Giáo đi sau. Hai người đang trên đường về nhà ông Lẫm. Hôm đó trời đã vào thu, hơi se lạnh. Hai người cùng mặc sơ mi, áo len ngắn tay. Ðã đứng tuổi mà trông họ còn nhanh, tráng kiện. Ông Lẫm đang nói về mùa thu quê ông. Theo ông thì mùa thu ở quê ông khác, rất khác với mùa thu Hà nội, nơi hai người đã đẻ tổng cộng bảy đứa con sống, con chết. Trước những lời khẳng định như đinh đóng cột của ông Lẫm, ông Giáo vốn xưa nay chưa hề đồng ý với bạn điều gì , chỉ hạ một câu gọn lỏn: “Tôi thấy chẳng khác cái đ.. . gì !”
Ðộc giả hẳn cảm thấy ông Giáo ăn nói thô tục, đó là chuyện bình thường giữa hai người. Tuy không đồng ý với nhau về bất cứ điều gì, nhưng họ vẫn thân nhau. Sao có chuyện lạ vậy ? Trước hết vì họ đã là bạn của nhau hàng chục năm nay khi cả hai đều ngu ngơ như con nghé con rời quê hương ra Hà nội với tờ giấy chứng nhận tốt nghiệp phổ thông 9 năm in lèm nhèm trên loại giấy bản đen. Và hai bàn tay trắng. Họ cùng làm gia sư (sau này ông Giáo quen thói thô lỗ vẫn gọi là “gia súc sư” cho nó đúng với hiện thực tình cảnh của hai cậu đồ Nghệ chân quê dám khai sáng ở thủ đô văn hiến) trong hai gia đình tư sản vốn là chỗ bạn bè của nhau, vì mê xem Văn công mà lỡ chuyến di cư cuối cùng. Khi cả hai bà vợ của hai gia đình nọ đổi chỗ cho nhau, nghĩa là bà này đi theo ông kia và ngược lại, thì hai chàng “gia súc sư” cũng đổi nhà, đổi cả học trò cho nhau để tiếp tục sự nghiệp kiếm cơm bằng nghề khai sáng tại gia đặng có thể tiếp tục dùi mài kinh sử. Rồi đại học Tổng Hợp khoá đầu, rồi công việc trong hai cơ quan ở gần nhau, cùng dưới quyền hai ông thủ trưởng tính nết giống đúc như nhau, mỗi lần gặp nhau lại cùng nhau tranh cãi về đề tài duy nhất là hai ông thủ trưởng giống nhau đó. Tuy vậy, họ chẳng bao giờ đồng ý với nhau, ngay cả trong những chuyện giản đơn như bình luận về cái thói hay ngồi xổm lên ghế làm việc của xếp. Bởi vì họ là những người, không phải thích đùa, mà thích cãi. Họ sinh ra trong một vùng nắng gió, nghèo khổ, thiên nhiên khắc nghiệt. Mọi tai ách từ trời đất đổ xuống đầu như chiến tranh, gió Lào, lụt lội, cơm độn khoai quanh năm được chuyển thành những cuộc tranh cãi liên miên từ đời này sang đời khác, đương nhiên vẫn chưa hề có lời giải. Vì gió, vì nắng làm máu dễ sôi lên, lại phải nói to để át gió, át nắng, đôi khi át cả tiếng bom gầm, nên một lời tỏ tình thân ái giữa họ nghe cũng chẳng khác gì một cuộc chửi bới. ấy cũng vì cái tâm họ thật thà, cái tính họ thẳng thắn, sự gay gắt trở thành cơm bữa, nhiều khi lấy món trang sức của trí tuệ làm dịu cơn thèm được ăn no và ăn ngon, những thứ cha anh họ thì thừa thãi ê hề, đến phiên họ, thời thế đổi thay, họ chỉ đọc thấy trong sách. Nhưng cãi đấy rồi quên ngay đấy, chẳng ai thù dai ai, chẳng ai để bụng cái gì vì còn bận cãi nhau cuộc khác.
Vài nét mô tả sơ sài để giải thích cho quan hệ giữa ông Lẫm và ông Giáo, những người thích cãi. Như độc giả đã có thể tưởng tượng, ông Giáo văng ra câu nói không được lịch sự kia là một sai lầm, chẳng khác gì đổ dầu vào lửa. Giá như mọi hôm thì đó là chiến thuật hữu hiệu để gây ra một cuộc tranh cãi cho vui, có thể suốt ngày. Nhưng hôm nay ông Giáo bận. Vợ ông là một bà Thát-chơ gang thép đã tuyên bố đêm qua rằng, nếu hôm nay ông không chịu lặn lội tìm ra một chỗ dạy thêm để làm tăng trưởng số tiền lương còm của ông thì “coi như bếp đã giải tán” và mời ông ra ăn cơm bụi bằng chính tiền lương của ông chứ bà không cưu mang ông nữa! Vậy mà vừa ra khỏi nhà thì đã gặp ngay ông Lẫm. Ông hối, quả thật ông hối vì đã lỡ mồm nói ra câu nói “có tính khiêu khích” ấy, chắc mẩm buổi sáng đang mất toi và nghĩ xem trưa nay ăn cơm ở quán bụi nào.
Hai người đã về đến nhà ông Lẫm.
“Hôm nay tôi dứt khoát mời bác ăn cơm trưa với tôi!” Ông Lẫm kéo ghế mời khách, nói với vẻ bất khả xét lại của một ông quan toà khả kính.
Vậy là khỏi lo bữa trưa nay, ông Giáo nghĩ bụng, tuy vẫn hiểu rằng lời mời ấy, nếu có thực cũng chỉ là một “biện pháp tình thế”, cái biện pháp mà người ta thường dùng để thanh minh cho một hành vi khả nghi.
“Bác thử uống ly trà cúc này xem. Cúc Vạn thọ quê ta thứ thiệt. Mời bác. Uống đi rồi sẽ thấy ngay mùa thu quê mình khác thu Hà nội thế nào.”
ông Giáo uống, bụng chỉ nghĩ tới buổi chiều vô định gần kề. Nhưng ông lại buột mồm: “Tôi thấy chẳng khác cái đ... gì !” Ðến thế này thì phải cãi thôi. Ông Lẫm nghĩ bụng. Nhà ông Lẫm ở mép hồ, một trong vô số cái hồ của Hà nội đã bị ông và bà vợ ngoạm mất một miếng bằng rác, xỉ than, “xà bần” và tính cần cù nổi tiếng của người xứ Nghệ. Buổi sáng thật đẹp, thật nên thơ. Giữa thủ đô, bên bờ hồ mà lại phảng phất hơi ao thu của Yên Ðổ. Từ xa, những ngọn bạch đàn với đám lá hai màu - trắng bạc và xanh dương - lật đi lật lại như băn khoăn trước vẻ đẹp mây trời và phố xá vào thu. Nhưng ông Lẫm thì vẫn khăng khăng:
“Bác xem, tôi phải cãi bác. Bác nhìn rặng bạch đàn kia, nó ẻo lả, điệu bộ mà lại còn chỏng lỏn nữa. Cứ như nó chờ mùa thu đến để làm nũng với người ta ấy. Trông kìa, như đĩ chơi giăng! - ông Lẫm ngừng, nhìn ông Giáo, điệu bộ như đang sắp sửa đóng một cái đinh vào đầu đối thủ . Rồi thong thả nói tiếp - Vậy chứ bác có nhớ cây lim bên bờ ao đình làng ta không ? Cữ tháng này đây, lá nó trở vàng, chỉ hơi vàng thôi nhá, cây lim cao ngút trời, có hàng trăm năm tuổi mà lá thì nhỏ ly ty, thu đến, nó thả từng chiếc một xuống mặt nước ao làng. ái chà chà! cây lim, bác thấy ở đâu có một cây lim như thế chưa? Chỉ mỗi mình nó đủ làm nên cả một mùa thu! Chứ đâu như cái lũ...”
Ông không nói tiếp, chỉ nhìn bạn bằng cặp mắt thương hại như ngầm hỏi: “Ðã chịu chưa nào ?” Quả thật, những lời của ông Lẫm làm ông Giáo lung lay. Ông chạnh nhớ đình làng, cái ao ngầu đục trong mùa lũ nhưng đã kịp trong veo trở lại khi thu tới. Ông nhớ lại trong tia chớp cả một trời ấu thơ rộng rãi, thênh thang, ông không hề có cảm giác mình là một con gián khi mỗi sáng ra đường hoà vào đám người xe lăm lăm ngày hôm đó phải giật được một cái gì đưa về nhà, không phải dạy thêm, không bị một bà nặc nô đe doạ giải tán bếp và tống chồng ra đường ăn cơm bụi. Hồi đó mùa thu quả có khác thật. Nhất là cái mùa thu đáng nhớ, khi bố ông cùng với bạn bè vừa cắm một cây cờ đỏ sao vàng lên đám ruộng là đã có ngay hàng trăm người tụ tập tới mít-tinh. Rồi yêu cầu, rồi chất vấn, rồi hô khẩu hiệu đả đảo Ðác-giăng-li-ơ ầm trời...ông mủi lòng giây phút, nhớ lại như nhớ bố ông, mẹ ông đã mất. Nhưng ông không thể dễ dàng bị khuất phục như thế, không dễ khoanh tay cho ông bạn hiếu thắng cứ mặc nhiên đút đầu mình vào lưỡi dao cẩu đầu trảm. ồng nhớ lại chuyến về quê gần đây nhất, vào dịp lễ tang người chú ruột cuối cùng trong dòng họ lừng lẫy của ông, kẻ đã bướng bỉnh tình nguyện ở lại quê hương ôm bát hương thờ phụng tổ tiên, mặc kệ cảnh đói nghèo, sa sút. sự thực thì ông không còn trông thấy cây lim ở đình làng mà ông Lẫm vừa nhắc tới nữa. Nó đã bị đẵn dưới tay rìu năm nào đó, cái năm hạn của quê ông khi vô phúc người ta bầu lên một ông chủ tịch xã đang làm nhà, một ngôi nhà theo lời đồn thì to hơn cả đình làng, mà ngôi nhà ấy từ kèo cột, rui mè đều bằng gỗ lim, mà xui xẻo cho cây lim đình làng, ngôi nhà dựng xong thì ông thợ cả phát hiện ra một cái quá giang dài bốn thước tây bị đánh tráo bằng gỗ xoan đào chứ không phải lim xanh như chủ nhà lầm tưởng. Vậy là đương nhiên cây lim của làng ông phải chết. Tên tuổi và cái chết của nó được ghi vào biên bản phong thần của địa phương là “sửa chữa cầu liên xã”. Có chuyện đó thật, bởi nếu nhà ông chủ tịch không phải thay cái quá giang bị đánh tráo thì cây lim đã không chết. Nó phải hiểu sống bốn trăm năm ở làng ông như vậy là đã quá lâu, với lại, nó cũng cần biết rằng ngôi nhà của ông chủ tịch xã phải “din”, không thể lẫn vào một thanh gỗ tập tàng nào được !
ông Giáo nhẹ nhàng đặt bàn tay làm ra vẻ rụt rè lên vai ông Lẫm :
“Bác ơi, bác nói mơ đến cây lim nào thế ?”
Vốn là người tinh nhạy, ông Lẫm hiểu ngay bạn mình định nói gì. ồng cười chua chát, cam chịu và chữa thẹn. Rồi nói :
“Thế bác biết chuyện đó rồi à ?” Chợt ngừng một chút, ông phá lên cười mà nghe như mếu: ”Tôi quên mất là bác mới về quê sau tôi chỉ nửa tháng. Vậy mà tôi còn dám nói dối bác. Chúng nó chặt cây lim thật rồi, bác ơi !” Rồi ông khóc rưng rức. Vai ông rung lên từng đợt.
ông Giáo không ngờ sự thể lại đâm ra như thế, đành im lặng vuốt vai ông bạn đã có với mình hàng trăm cuộc tranh cãi, trong hàng chục năm lăn lóc góc bể chân trời. ồng nói, giọng ông dịu dàng như dỗ trẻ con:
“Tôi đồng ý với bác. Thu trong ta quả có khác thu ngoài này thật”
ông Lẫm ngẩng lên nhìn bạn, mở một nụ cười như mếu :
“Có thế chứ !” Rồi ông đứng dậy: “Bác uống nước đi, để tôi còn sắp cơm. Trưa nay anh em mình “gà vọc niêu tôm một bữa”. Nhà tôi về bên ngoại hai ngày cơ”.
“Bác sướng thật, bác gái thỉnh thoảng lại vắng nhà. Bà nhà tôi thì chẳng ra khỏi Hà nội một bước.”
“Quả có thế.” - ông Lẫm cười tươi tỉnh – “Nhưng thôi, để tôi xuống bếp.”
Còn lại ông Giáo một mình trong gian phòng ngoài vắng vẻ. ồng không còn hối vì đã dễ dàng bị ông Lẫm lôi kéo vào một đề tài chẳng đâu vào đâu từ sáng đến giờ. Bây giờ ông lại hối hận vì đã mủi lòng trước những giọt nước mắt của ông bạn già mà phải nói dối. Thực tình, ông chẳng thấy mùa thu ở đây hay ở kia khác nhau chút nào. Giá như cây lim ở đình làng hai ông chưa bị đẵn thì cũng thế.
Bỗng ông Giáo ngửi thấy một mùi lạ từ dưới bếp bốc lên. Cái mùi thoạt thum thủm, nhưng ngay sau đó trở thành quen thuộc và gợi cảm, gợi đói, nhất là với cái dạ dày đang rỗng vì không ăn sáng của ông. Mùi gì vậy ? Ông Lẫm sẽ cho ông ăn gì vậy ? Ông muốn xuống bếp lắm, nhưng dù quen thân nhau đã hàng chục năm, ông vẫn chưa bao giờ làm vậy. Ông chờ. Ông Lẫm bưng mâm cơm lên, đặt xuống bàn. Ðĩa lưỡi lợn luộc còn bốc khói cạnh những đĩa khác. Ông Giáo cố kìm chế cái đói để nhìn xem từ chỗ nào trên mâm cơm đã bốc lên cái mùi hấp dẫn quen thuộc đang làm ông nôn nao. Và ông thấy một đĩa nhút. Chắc nhiều độc giả còn lạ lẫm với từ này nên cũng cần chú thích tuy làm như vậy là tôi đã múa rìu trước các nhà nghiên cứu. Nhút là một món dưa mùa hè của người xứ Nghệ, thứ dưa đó làm bằng ngọn đỗ, đương nhiên, vì trong một xứ khô bỏng vì gió Lào như thế thì chỉ còn ngọn đỗ để làm dưa nữa mà thôi. Ðó là củ cải đỏ muối của người Nhật, ca-la-thầu của người Trung Hoa, thịt mỡ xông khói của người Nga và món bí đỏ của người Mỹ. Không dễ gì giữa Paris hoa lệ kiếm được một miếng thịt xông khói vì người Pháp đã không còn đun bếp bằng củi hai thế kỷ nay rồi. Nếu ông Giáo sửng sốt trước một đĩa nhút trên mâm cơm ở Hà nội thì chẳng khác gì một anh Nga-la-tư lưu vong được mời một miếng thịt xông khói giữa Paris.
Hai người ngồi vào mâm trong tự do, bởi vì ít khi họ được ngồi ăn với nhau mà không có hai bà vợ ngồi kèm để sửa chữa cho họ những cử chỉ bất lịch sự. Ông Giáo đặt đũa xuống đĩa nhút. Ông ăn miếng đầu tiên. Ông nhai từ từ, chậm rãi như một nhà độc tài nhiều kẻ thù luôn sợ đầu bếp đầu độc mình. Ông vừa nhai vừa suy nghĩ, không hiểu ông Lẫm đã làm thế nào có được đĩa nhút thết ông hôm nay, cái thứ nhút được một bàn tay diệu nghệ làm ra, còn ông thì đã bốn chục năm nay không được nhìn thấy. Ông nhớ lại một ngày tháng mười hồi ông còn nhỏ, nắng vàng, ngọn gió heo đầu tiên làm rung rinh chiếc mành trúc, mẹ lấy chăn bông ra phơi để đón đợi mùa đông và tống tiễn một mùa gió Lào đổ lửa, sau gió Lào là những trận lụt cuốn những mái nhà trôi trên sông, những cái đầu ló ra mái hồi kêu cứu. Mùa thu đến rồi. Mẹ nói: “Giờ thì chẳng phải lo gì nữa!” Ông nội đang ngồi ngâm thơ, nói vọng xuống: ‘Cứ heo may lên là cữ nhút ngon nhất !”. Bố bảo mẹ:”Mình cho ăn bữa nhút đầu thu đi.“ Mẹ vâng rồi bảo: “Giáo! Con sang nhà bác Tần xin nắm lá đắng cay.” Ðắng cay là thứ cây khó trồng, nhưng có vại nhút mà không có cây đắng cay thì không được. Ông chạy đi xin đắng cay, đứng hái một lúc, mắt không rời cô hàng xóm mặc chiếc áo lụa mỡ gà đứng chải tóc bên cửa sổ. Cách đây hơn bốn chục năm, trước ngày Ðiện Biên Phủ đại thắng, vợ chồng bác Tần chết trong cơn bão của quê hương, cô hàng xóm với người anh vào rừng tìm củi về bán mua một miếng thịt cúng bố mẹ sau đó cột ngón tay cái lại với nhau nhảy xuống giếng nhà. Còn ông nhanh chân chạy trước cô hàng xóm bất hạnh, đang đi tìm nơi dạy thêm giữa Hà thành hoa lệ. Buột mồm ông nói: “Giá mà có mấy cái lá đắng cay nữa thì tuyệt !”
Ông Lẫm nhìn ông, ngạc nhiên : “Sao bác còn nhớ cây đắng cay? Bác không biết là ngay ở trong quê nó cũng bị diệt chủng rồi à?”
Ông Giáo nói: “Tôi biết chứ ! Ðó là tôi ước vậy thôi.”
Ông Lẫm đứng dậy: “Ta ngừng ăn, ra sau nhà một tý.”
Hai người đang đứng trước một cây đắng cay bé tý. Ông Giáo cúi gập người xuống sờ tay vào những chiếc lá nhỏ và mọng. Ông Lẫm nói: “Lần về quê năm ngoái, tôi phải lặn lội mấy ngày mới tìm ra nó. Sau đình làng chứ đâu! Nó còn bé, nhưng nể bác, ta hái hai lá vào ăn với nhút cho đủ bộ!”
Sau bốn mươi năm trời phiêu bạt, ông Giáo tém miếng nhút vào giữa chiếc lá đắng cay và ông lặng lẽ nhai, một mùi vị chan chát tràn qua lưỡi rồi dâng lên óc. Ông chợt thấy mình đang bơi giữa sông Phố, ông lên bờ, trần như nhộng, chạy trên bãi cát bên cạnh mấy đứa trẻ trâu rồi cả bọn leo ngược bờ sông dựng đứng lên đồi sim. Gió Lào thổi qua da thịt, những giọt nước đang chảy long tong trên ngực không kịp rơi xuống chân đã bốc hơi mất. Lát sau mồm miệng đứa nào đứa nấy đã đen kịt nhựa sim. Một khoảng trời rộng mênh mông hiện ra phía sau đồi có chiếc cầu vồng thật sặc sỡ, những chiếc cầu vồng thường chỉ hiện ra sau cơn mưa, nhưng ba tháng nay trời không mưa mà vẫn có cầu vồng, ông nhìn thấy mẹ ông đang ngồi đập lụa bên bờ cầu vồng ấy, mẹ cúi gập người, tay cầm một cái chày, nhịp nhàng đưa lên, đập xuống. Năm mươi năm rồi ông không gặp mẹ nhưng mẹ cũng chẳng mừng rỡ gì khi nhìn thấy ông, bà chỉ liếc qua rồi lại cúi xuống bên dòng cầu vồng bảy sắc, cái chày nâng lên, đập xuống... Ông ngạc nhiên và sợ hãi kêu to:
”Mẹ ơi!” rồi chạy ào đến.
“Ăn đi chứ, bác ?” Ông Lẫm cũng đang trầm mặc nhai ngọn đắng cay vội ngẩng đầu lên mời khách.
Nhưng ông Giáo đã chết, một chót lá đắng cây dính nơi môi. Bác sĩ bảo ông bị đứt mạch máu não.
Kim Giang 1997