Mưa Sài Gòn
Tác giả: Nguyễn Quang Thân
Không phải lúc nào mưa Sài Gòn cũng ào ạt. Nhưng chiều hôm đó là một trận mưa sũng nước kéo từ ba đến bốn giờ và con đường nhỏ trong một khu phố nhỏ, con đường từ lâu hoang phế vì chẳng ai cho nó nhựa đường để chưng diện trong khi cả hai dãy nhà buôn bán mỗi tháng không nộp được quá vài triệu đồng tiền thuế, chỉ vừa đủ tiền nhà đèn thắp sáng vào ban đêm. Mà cũng chẳng được suốt đêm vì không hiểu sao quãng bốn giờ sáng điện lại bị cúp. Người ta bảo là do cái cầu chì. Cái cầu chì ấy ở đâu, hình thù ra sao, ai quản lý nó, vì sao nó thường bị đứt ngang xương vào giờ đó, chẳng ai trả lời được cả. Ðó là tất cả những gì y được biết trong ba ngày chân ướt chân ráo tá túc trong ngôi nhà 19A nằm vào quãng giữa phố. Y nhìn mưa chảy xuống thành hàng chậm rãi nhưng to như vòi nước đái trẻ con ngoài cửa sổ, sát ngay cái giường y đang ngồi ngắm mưa. Y từ Hà nội vào đây lần đầu tiên và mới đặt chân tới là chiều nào cũng mưa, như là y mang mưa theo mình. Người y cần gặp lại bảo chỉ có thể tiếp y vào buổi chiều. Thế mới khó cho y. Y là người Hà nội, quen giữ ý, y nghĩ là mình đến gặp người ta mà mang theo cái áo mưa lòa xòa, ướt át thì còn ra cái gì nữa.
Thực ra thì đáng lý ra y đã được đặt chân đến Sài Gòn mấy dịp rồi kia. Lần đầu khi y chưa đầy tuổi tôi, cả nhà đã bán xong đồ đạc gồm năm cái tủ gỗ gụ, hai bộ xa lông và một trăm mười hai chiếc đĩa thanh trúc, lá lật, hai trăm linh năm đôi đũa mun đen nhánh với cái giá rẻ như bèo vì hồi đó ở nông thôn người ta tịch thu gia tài của địa chủ, ở vùng công giáo nhiều nông dân lĩnh xong quả thực là di cư vào Nam luôn, họ mang các thứ bát đĩa cổ, đũa mun ra phố bán lấy tiền phòng hờ và chi tiêu trong các trại di cư. Ðồ đạc bán hết rồi thì đương nhiên phải xuống Phòng, nơi mấy cái tàu há mồm đang đợi. Nhưng vì cái tính háu ăn của y, vú Mai Mi kể rằng cái tàu há mồm đầy nhóc lính và dân di cư sắp chạy thì y khóc thét lên đòi bú mà mẹ của y, một người đàn bà gầy như que củi, mới sinh con chưa đầy năm lại quá vất vả vì chuyện đi hay ở nên tìm sữa nơi vú của bà còn khó hơn vắt từ một hòn đá, lúc bấy giờ vú Mai Mi đứng trên bờ tay quệt nước mắt đưa tiễn thằng cu của vú, hai trái dừa nơi ngực căng mọng, sữa dàn dụa chảy ròng ròng ướt cả vạt áo ngực, y thì cứ ưỡn người mà khóc thét lên bởi cái nết háu đói của y, không chịu nổi tiếng khóc kinh khủng ấy, mẹ y bế y lên bờ trao cho vú và bảo cho nó bú một lần nữa rồi thôi, nó khóc kinh khủng như thế là nó biết sắp mất đôi vú mà sữa cứ tuôn chảy ra như vòi nước phông ten ấy, y tợp vào đầu vú quen thuộc và không chịu nhả ra nữa.
Trong lúc đó có người gọi giật mẹ y xuống tàu vì một chuyện giấy tờ hay tiền bạc gì đó, y thì mê mẩn với đầu vú còn đầy căng bên kia còn vú Mai My thì khoan khoái vì cơn nhức căng sữa dịu dần làm nở trên môi vú một nụ cười quên trời quên đất. Một phát súng lục ra lệnh nhổ neo lúc nào không ai biết, y không biết đã đành mà mẹ y cũng không hay, bà chỉ thấy con tàu loạng choạng như sắp chìm và một bầu trời xanh lơ nghiêng qua chiếc cửa húp lô tàu thuỷ. Bố y thì đang bận chuyện gì đó để giúp một ông cha đạo, phải rồi, bố đang giơ cả hai cánh tay cầm túi bí tích và bát nước vừa múc dưới sông Cấm lên để cha làm lễ rửa tội cho một tay di cư ăn trộm gà, người ta mới tức thì biết được gã là tay trộm gà chuyên nghiệp nhờ gã vừa mới xưng tội xong với cha khi thấy bệnh rốt ác tính đã khó bề chạy chữa, từ lần xưng tội trước đến lần này, riêng gã đã bắt bốn mươi ba con gà trong chuồng của người khác, mọi người cứ tưởng là cáo nên đua nhau làm bẫy cáo và thế là có năm ả mèo cái đi tìm đực bị sập và chết oan, có một ả bị gãy cả cổ. Gã xưng với cha tội bắt gà và thêm một tội nữa là làm chết oan mấy ả mèo. Làm chết oan sinh linh khi họ chưa được Chúa gọi về là tội trọng. Cha đọc kinh một cách vội vàng vì tàu sắp chạy mà Cha thì chưa kịp bán nốt cái áo len năm kí lô bằng lông cừu ý vì cha biết vào trong cái xứ nóng nực quanh năm đó dù cha có cho con chiên làm phúc cũng không ai dám nhận khoác vào mình những năm ki lô len. Thế là tất cả mọi người đều đang bận khi chân vịt tàu quay tít và con tàu há mồm kéo ngược cái mõm đồ sộ nặng tới mười hai tấn rưỡi lên, cửa bụng tàu sập một cái như người phu lượm người chết vô thừa nhận đóng cỗ quan tài và lúc đó y, chưa tròn một tuổi, y đang hớn hở, sặc sụa, no nê nơi ngực vú Mai My. Y cũng thoáng thấy một bầu trời nghiêng trên đầu, y cũng chao đảo khi vú Mai My hoảng hốt bế y đuổi theo con tàu nhưng vú lại bị mép nước chặn lại.
Mãi đến sau này y vẫn không chừa được thói háu đói dù cái nết dễ thương ấy đã làm y lạc mất mẹ và phải mồ côi suốt đời, nó làm y không đến được Sài gòn năm lên một tuổi và cũng cái nết háu đói ấy dằn vặt y liên miên trong những năm tháng chiến tranh mà thực phẩm, gạo nước được cấp phát hạn chế dưới thời bao cấp.
Lần thứ hai đáng lẽ y đã được đến Sài Gòn cũng với quân đoàn nơi y mới được tuyển vào năm mười tám tuổi làm anh binh nhì vác đạn cho cỗ pháo 57 bắn máy bay. Khi quân đoàn chuyển vào trong, gần đến giới tuyến, không biết tay quân lực hay bảo vệ nội bộ rỗi rãi nào lại lần ra cái "lý lịch thật' của y, rằng y không phải con của vú Mai My mà đó là chuyện đáng nghi ngờ, y là giọt máu chính hiệu của một đôi vợ chồng không rõ làm gì nhưng hễ thấy cộng sản là bỏ chạy, một lần từ nơi tản cư thời chống Pháp về Hà nội và lần thứ hai, ngựa quen đường cũ chạy vào Nam với Mỹ, cũng là một thứ Pháp hay quan thầy của Pháp. Y được gọi lên đại đội bộ, một cái hang tối mịt mù vì sương và khói thuốc lá, người ta nói rằng lý lịch của y có nhiều điểm bất minh và dù y là một tân binh có nhiều triển vọng, lại ngoan và chịu khó, ngoài cái tính háu đói ra thì không có khuyết điểm gì để xây dựng cho y, nhưng y đang có bố mẹ ở miền Nam, người ta rồi sẽ xác minh được bố mẹ y đang đứng về phe nào trong đó, nhưng hiển nhiên là không thể làm chuyện ấy bây giờ đối với một chú binh nhì, đơn giản là không cho y theo quân đoàn vượt qua giới tuyến đi vào trong kia là giữ được an toàn nội bộ. Bởi vì, nhỡ y bị địch bắt, bố mẹ y sẽ tìm ra tung tích y và y sẽ nao núng tinh thần và như thế là không có lợi cho y cũng như đơn vị. Y trình bày rằng y chưa bị bắt, nếu bị bắt y có thể không tìm ra bố mẹ, nếu có tìm ra bố mẹ chưa chắc gì y đã theo địch thì sao lại không cho y đi đánh giặc ? Chính trị viên an ủi y rằng, y có thể bị bắt, có thể cung khai và tốt nhất là y hãy đánh giặc ở bên này giới tuyến cho chắc ăn. Vì ở đâu thì giặc vẫn là giặc, và nếu y thật sự trung thành thì cũng chẳng cần qua sông Bến Hải mới thành anh hùng được. Y quay về trạm thu dung với tâm trạng của người muốn làm anh hùng mà không được làm, sung vào một đơn vị mới, gồm cả những chú lính miệng còn hơi sữa, nhát như thỏ đế và có nết nhớ nhà như chính y háu ăn vậy. Những chú này không bị buộc ở lại như y mà tự ý bỏ trốn khi qua giới tuyến, gọi là B quay và được gửi vào đây. Y nghe chuyện chúng nó rồi hoang mang, không hiểu tại sao mình không được đi đánh giặc vì bố mẹ mình ở trong đó, thế nhưng những thằng B quay cũng không đi đánh giặc bởi vì bố mẹ chúng ở ngoài này. Ðời quả thật khó hiểu. Trong những ngày ở trạm thu dung y buồn chán đến cực độ, y không nhớ nhà như lũ B quay mà nhớ quân đoàn, nhớ bạn bè và những khẩu pháo mới làm quen. Y nhớ lại lời tâm niệm lúc ra đi trước bạn bè trong lớp, nhiều người vỗ vai y mà nói rằng, vào trong đó không làm anh hùng thì cũng làm liệt sĩ, cả hai danh hiệu đều xứng danh người thanh niên thời đại, còn hèn nhát, đào ngũ là nhục.
Y tiếp tục đánh giặc bên này giới tuyến mấy năm. Nhưng y không thành liệt sỹ. Khi nghe tin quân đoàn là đơn vị đầu tiên tiến vào Sài Gòn, sau đó mấy hôm thì thành phố được đổi tên là thành phố Hồ chí Minh, y tiếc ngơ ngẩn vì một lần nữa mình không được đến cái thành phố nơi vú Mai My nói là mẹ y đang ở.
Sau giải phóng y đã từng có dịp vào Sài Gòn lần thứ ba mà không vào được. Ðó là lúc quân đoàn trên đường hành quân vào đánh bọn Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam. Vừa đến Huế y được gọi lên gặp chính uỷ tiểu đoàn. Ông đưa cho y một tờ quyết định ra quân, nói: "Chỉ cần gặp cán bộ quân lực trung đoàn để làm thủ tục, thanh toán mọi thứ, mọi việc, trả súng (nhưng đừng ăn bớt đạn đấy) rồi về quê, sướng, cả trung đoàn chỉ có hai người như cậu thôi đấy nhé." Ðang háo hức tưởng được vào Sài Gòn thì đứt gánh, y thắc mắc, giận dỗi, chí ít ra thì y cũng là chú hạ sỹ cựu binh vào sinh ra tử ngần ấy năm. Có một thằng bạn láu cá bảo nhỏ với y cái nguyên nhân làm y nửa đường đứt gánh ấy, nó đoán chắc đó là do vú Mai My. Thật công phu mới tìm ra lý lịch cuộc đời phức tạp của vú. Người ta tìm ra được chuyện vú không phải người Việt mình, vú là người Hoa chính cống thuộc bang Phúc Kiến Hàng Bồ, ông bố của vú trốn lên thuyền đánh cá rời tổ quốc với đứa con gái đầu lòng lên năm tên là Mai My, một cái tay nải trên vai và một quy trình công nghệ làm "sấu dầm" được trẻ con và các bà ăn dở rất thích. Ðáng lẽ anh khách trú ở lại Hải Phòng, nơi con thuyền đánh cá cập bến, nhưng có một ông Triều Châu mách là thấy ở Hà Nội có nhiều cây sấu, đã có cây thì tất có quả, có quả sấu mà không làm "sấu dầm' theo kiểu Phúc Kiến thì phí phạm quá, ông bố vú liền lên Hà Nội đúng mùa sấu khi tiếng ve rền rỉ khắp cái thành phố mà mỗi người dân được mẫu quốc Pháp "bảo hộ" đã ngửi thấy mùi thuốc súng của cuộc chiến tranh Trung Nhật, người ta đồn rằng người Ðức sẽ dời thủ đô đến Paris để tiện cho việc cai trị châu Âu và thế giới chiến tranh sẽ xẩy ra ngay sáng mai. Ông bố vú Mai My đứng gọt sấu thâu đêm, thỉnh thoảng lại buông dao lấy quạt giấy xua muỗi cho đứa con gái đang ngủ trong cái ổ lót bằng giẻ rách, bên cạnh con chó Dô Tô của người chủ cho thuê nhà, bên ngoài, dọc đường Phùng Hưng bây giờ, những chuyến tàu chạy như thoi đưa trên đường sắt Ðiền Việt. Không khí ngột ngạt đêm trước cuộc tàn sát lẫn nhau trên thế giới làm giới phụ nữ ít khi ra khỏi nhà, số người mang bầu đòi ăn dở nhiều hơn trước, trẻ con bỏ học đi rong chơi bỗng thích ăn quà vặt hơn và do đó món "sấu dầm" Phúc Kiến của ông bố vú Mai My phát đạt không ngờ tới. Nhưng cái nghề ấy cũng không đủ nuôi một gia đình đông đúc khi ông lấy một bà phò Triều Châu làm vợ kế và những đứa con của dòng máu tha hương cứ chui ra hai năm một. Khi nạn đói xẩy ra thì vú Mai My, con của một người đàn bà vá quần áo dặm và một chuyên gia làm sấu dầm liền phải đi ở nhà người. Từ cô sen, vú được thăng chức lên bà vú và rồi, ở cái năm bảy chín đáng nhớ ấy, có người gõ cửa bảo vú là Tổ quốc đang hết sức cần vú nên vú phải về Tàu ngay, vú không có tiền mua vé tàu và thế là vú ở lại. Lần trước y không được đến Sài Gòn trong ngày chiến thắng vì y là con của mẹ y, lần này lại vì y không phải là con của mẹ y mà "rất có thể do mày là con của vú Mai My", thằng bạn nói với y như thế. Rõ là khó hiểu sự đời !
Lần thứ tư y có dịp vào Sài Gòn là thời kỳ đã ra quân được mấy năm, vú Mai My, người mẹ nuôi của y đã mất ở một nông trường. Câu trối trăng của vú là bảo y thế nào cũng phải vào trong đó mà tìm mẹ, thu xếp vào càng sớm càng tốt, vú đưa cho y năm chỉ vàng, số tiền dành dụm cả đời định cho con gái nhưng hai đứa con của vú đều lấy chồng giàu, chúng không cần đến đã đành mà những thằng rể đều là những ngữ lọt trời rơi xuống, có chia ba chỗ vàng này ra thì cũng chỉ đủ cho mỗi thằng một bữa "cao lâu". Y dùng mấy chỉ vàng mua tem gửi thư cho mấy thằng bạn cùng tiểu đội theo quân đoàn vào Sài Gòn làm quân quản hồi bảy lăm, bây giờ đứa nào cũng nhà cao cửa rộng công ăn việc làm đàng hoàng, năm thằng thì bốn đứa làm cán bộ thuế, nhờ chúng nó tìm hộ một bà tên Mỗ, họ Mỗ đi từ Hà nội năm nọ, tháng nọ, theo lời vú Mai My bà có một cái mũi thẳng như mũi Ðức bà Maria và cao đến một mét sáu mươi tám phân, vú chưa thấy ai đệp như bà, con cứ lói theo lời vú có gặp ngoài tàng cái người ta cũng nhận ra bà ngay! Vú chưa hề xưng mẹ mà chỉ xưng hô với y là vú, vú bảo nhận là mẹ y thì có khác gì gian lận cướp không của người ta một đứa con, vú chỉ nuôi hộ con cho bà ấy chờ ngày gặp lại bà thì trả, nuôi con người ta là cái nghề của vú mà! Y gửi đi năm bức thư mà nhận lại được sáu vì có một thằng thứ sáu nữa cũng vào tiếp quản vậy mà y đinh ninh nó chết rồi. Sáu thằng đều nói y cứ vào đây ở nhà chúng nó mà đi tìm mẹ, đứa nào cũng nói chúng bảo lãnh cho y ăn no, ăn ngon, một tháng, một năm cũng được, nhưng chỉ trong phạm vi cái bậu cửa nhà nó thôi còn ra đường thì dù có là giám đốc Việt com băng cũng không dám cam kết cung cấp cho sự tiêu pha ngoài đường của y giữa đất Sài Gòn này. Y đã thu xếp đâu vào đó để vào, đã mua vé tàu, dặn vợ con đủ điều khi y đi vắng, y ra ga, mở vé ra thì thấy đọc nhầm ngày, ở với vú Mai My mấy chục năm y chỉ quen với ngày âm lịch, y hỏi ông hàng xóm ngày tốt để khởi hành, ông cũng nói ngày âm, lại không ngờ vé tàu người ta ghi ngày dương nên mới ra ga sớm mất một ngày. Y đi bộ về nhà vì tiếc tiền xích lô, vì để tiêu nỗi buồn lẽ ra đã được vào Sài Gòn sớm một ngày nếu y biết vé tàu người ta thường ghi theo dương lịch. Y bước vào nhà và thấy ông hàng xóm, cái lão chuyên xem tướng tay đàn bà trong ngõ và suốt ngày bẻm mép phán tử vi, bấm độn ngày tốt ngày xấu, chẳng hạn khuyên các chị em nên có kinh nguyệt ngày nào trong tháng này thì có lộc, làm ăn phát tài hay bán hàng trên vỉa hè mà không bị đuổi. Người ta kháo nhau rằng trong cái ngõ nhà y ở có ba thằng bé có cái mũi sư tử với hai cánh mũi to như hai củ khoai tây giống hệt lão. "Ðàn ông xem mũi, đàn bà xem miệng", đó là lý thuyết tướng số về những vật thể bị che khuất của cơ thể con người do lão tung ra làm chị em tò mò và thèm thuồng khi họ cứ vừa đưa tay cho lão lật đi lật lại vừa chằm chằm nhìn vào trái cà chua to tướng trên chóp mũi lão, ngầm đoán xem chúng biểu tượng cho cái chủng loại nào. Hôm đó, khi y bước vào nhà, y thấy vợ y không phải chỉ đưa tay cho lão hàng xóm hay nhìn mũi lão để thầm đoán xem lão có thể làm mờ nhạt chồng mình hay không mà đang giẫy giụa trên giường la hét ca ngợi hết mình cái mà lão đã dự báo bằng ngôn ngữ của ái tình. Tất nhiên lúc đó y cũng chỉ thấy mỗi cái lưng và nói chung mặt sau thân thể trần truồng của lão nhưng cái mục tiêu ấy cũng đủ lớn đối với một tay pháo thủ từng cùng khẩu đội bắn rơi hai máy bay F.4, y phang cái chày giã cua vào tấm lưng trần của lão tử vi, lão mất ba mươi tư phẩy bốn phần trăm lao động còn y thì phải đi bóc lịch và đập đá ba năm trong một trại tù vùng thượng du Thanh hoá.
Thế là lần thứ tư y lỡ dịp vào Sài Gòn.
Nhưng cái thành phố ấy không hiểu sao vẫn nung nấu tâm can của y như là có duyên nợ từ kiếp trước. Y cứ nghĩ tới nó luôn, phải rồi, y biết bố mẹ y, có thể đàn em cùng mẹ khác cha của y cũng đang sống trong đó. Vậy thì y không nôn nao, không bồn chồn sao được. Nhưng tại sao mẹ y, bố y và nếu hai người quá già, nếu họ có khuất núi đi chăng nữa thì lũ em của y phải ra đây mà tìm y chứ ? Y viết thư cho lũ sáu đứa bạn ở thành phố Hồ chí Minh. Chúng nó trả lời ngay làm y sáng mắt. Y sực nhớ ra là lúc bị bỏ lại trên bờ y mới mười một tháng tuổi, nghĩa là với tuổi ấy y chỉ mới biết đái trong tã và khóc đòi bú ty, nhà của bố mẹ y bị một trung đội lính Pháp đóng, sau giải phóng có bảy gia đình đến ở, vú Mai My thì năm lần bảy lượt đổi nhà trong thời bị chiếm, sau đó bỏ thành phố đi "xây dựng nông trường", nếu như bố mẹ y có viết thư hỏi thì thư sao đến được tay y chứ ?
Cuối cùng rồi chúng nó cũng nghĩ ra được một cách là cả sáu đứa bỏ ra đúng một buổi sáng chủ nhật và một số tiền còm đi ô tô buýt khắp các tuyến trong thành phố để xem trên xe có một người đàn bà nào tên là bà ký Lượng, nói tiếng Bắc, cao một mét sáu tám phân, có cái mũi dọc dừa, di cư năm năm tư từ Hà Nội vào không? Người đẻ ra cái sáng kiến quái dị này là thằng Long, hiện nay là cán bộ thu thuế ở quận Phú Nhuận, vốn là đệ tử của một nhà ngoại cảm sống bằng nghề tìm các vụ trộm vặt trong hẽm 91 đường X. Nó bảo ông thầy nói như đinh đóng cột rằng về nguyên tắc, con người là có khả năng tự định hướng với người ruột thịt và việc đi tìm bà ký Lượng mẹ y là một nghĩa vụ thiêng liêng của tình đồng đội trong quân ngũ. Ðứa nào nghi ngờ hay không thực thi sáng kiến đó chỉ là vì không hết lòng vì bạn, làm ngơ trước đau khổ phân ly của người khác hay tiếc thời gian và tiền mua vé xe buýt mà thôi. Khi một chiến hữu từng vào sinh ra tử hạ những lời như thế với bạn bè thì chẳng đứa nào muốn cưỡng lại. Vả, năm đứa thì có bốn thằng chán vợ, thằng còn lại thì chán cả vợ lẫn con nên việc bỏ nhà lên xe buýt ngồi và quan sát khách đi xe một buổi sáng mà có lý do chính đáng té ra cũng có cái hay. Bọn họ hẹn nhau thực thi kế hoạch ấy trong một tháng. Ðúng ngày, tại một quán bia cả sáu đứa ngồi giở sổ ra tổng kết. Họ đã tìm được mười hai bà Lượng có mũi dọc dừa nhưng chỉ có năm bà là dân di cư, năm bà này lại cao có một mét rưỡi. Có hàng trăm bà cao một mét sáu tám nhưng không có ai tên là Lượng. Chỉ có ba bà tên Lượng cao đúng một mét sáu tám phân, dân di cư từ Bắc vào nhưng một bà quê Bùi Chu mũi không dọc dừa, một bà có mũi dọc dừa nhưng lại quê Phát Diệm, bà còn lại thì đúng tên là Lượng, có mũi dọc dừa nhưng lại không rõ quê quán vì chính bà đã lẫn nên mới bỏ nhà đi xe buýt dài dài.
Thằng Long nói lại với ông thầy ngoại cảm tình hình, ông này phán rằng cứ tiếp tục một tháng nữa ắt sẽ gặp. Thì một tháng nữa, vô tư! Chỉ có một đứa bỏ cuộc vì đã dàn hoà được với vợ, chị va đồng ý chấm dứt chiến tranh lạnh trong nhà với điều kiện là mỗi sáng chủ nhật không được đi thu thuế, không được đi nhậu với mấy cha buôn thuốc lá ở chợ An Ðông, không được lên xe buýt lêu lổng mà phải dẫn vợ con đi chơi, khi Kỳ Hoà, khi Ðầm Sen khi Sở Thú. Còn lại năm chiến hữu trung thành với tình bạn lại ra quân đúng một tháng trời. Nhưng lạ thay chẳng ai gặp một bà nào tên là Lượng trừ bà cụ lúc lẫn lúc sáng, có mũi dọc dừa, cao một mét sáu tám phân vẫn đi xe buýt không có mục đích gì mà cũng không bao giờ phải mua vé vì mấy anh lơ xe đã biết chắc trong túi bà ta chẳng có nổi một xu. Ông thầy ngoại cảm phán : "Ðúng bà nầy !" Thằng Long đến nhà bà ta vào lúc bà tỉnh trí và minh mẫn như thời con gái. Bà niềm nở nhận mình chính quê gốc ở Hà Nội vào đây trên một con tàu há mồm của nhà binh Pháp hơn bốn mươi năm về trước, đúng là bà có để lại một đứa con trai khi tàu rời bến, chồng bà bị mất việc khi người Mỹ đuổi người Pháp đi, ổng phải đăng lính cộng hoà rồi chết trận ở Ðắc Tô vì một phát đạn trúng ngực của viên đại uý khi ổng quay đầu chạy. Long mừng quýnh, hỏi bà tên thằng con trai là gì, người vú giữ nó tên chi thì bà phá lên cười và hát một bài thánh ca sai giọng. Bà không nói gì nữa, chỉ nhìn Long chằm chặp rồi hỏi: "Chú đến đây có việc gì ?' Người con trai lớn của bà nói : "Cụ lại lẫn rồi! Cứ tỉnh mười phút cụ lại lẫn." Anh ta đưa Long ra cổng, bảo:"Chúng tôi chưa hề nghe bà cụ nói những chuyện ấy. Bố tôi không hèn thế đâu!"
Long không tin lời người con. Nó viết ngay thư cho y, lại còn cẩn thận bắt tất cả sáu đứa ký tên vào, kể cả đứa hôm phát hiện ra bà cụ còn phải đưa vợ đi chơi Sở Thú nhằm duy trì một nền hoà bình bền vững trong gia đạo. Thế là y vào. Y đang ở nhà thằng Long. Nó dành cho y cả tầng trệt mênh mông nói y cứ coi như ở nhà mình chỉ tiếc là đường phố này hơi buồn và toa lét thỉnh thoảng bị tắc, đang chờ một thằng đi buôn đồ thùng bên Căm bốt bỏ tiền chữa hộ mà nó chưa về. Nó đưa tiền cho y "xài tạm", gọi điện thoại hẹn với người con trai là "khi nào bà già không lên xe buýt" thì gọi cho nó để nó dẫn y tới.
Nhưng trời cứ mưa, mưa hoài mưa hủy, mà chỉ có mưa thì bà già mới chịu ở nhà, trời mưa thì con đường phố nhà thằng Long ở thường bị ngập nước quá cổ chân, sự đi lại cũng khó. Vì thằng Long là trưởng phòng thuế một quận nên nó bận suốt ngày. Lúc nó rỗi thì anh con trai cho biết là bà già đã lên xe buýt, lúc bà già ở nhà, thì nó lại bận hoặc trời đổ mưa hoặc anh con trai nói mẹ tôi đang lẫn. Long chặc lưỡi : "Thì mầy cứ ở đây chơi với tụi tao. Con vợ tao bụng dạ không đến nỗi nào, mặt nó như đâm lê vì tao hay đi bia ôm với tụi thuốc lá chứ không phải vì mày ở đây đâu, đừng hiểu lầm mà tội. Tao đoan chắc là thế nào mày cũng gặp được bà cụ !" Nói xong nó lên xe đi, nhiều lúc đến mười hai giờ đêm mới về nhà. Nó bảo :"Chiều mai tao rỗi ! Mai nhất định đi sang bển!"
Ngày hôm sau, ăn trưa xong y ngồi chờ Long. Trời có vẻ khả quan, chắc không có mưa chiều. Y nôn nao, chuẩn bị sẵn trong đầu những câu chào, câu nói khi gặp mặt người đàn bà lú lẫn mà y nghĩ nhất định phải là mẹ mình vì ông thầy của thằng Long đã nói như thế. Y cố hình dung ra bà là người như thế nào. Nhưng ngoài những số đo như cao một mét sáu tám, mũi dọc dừa, nói tiếng Bắc v.v. y không thể tưởng tượng ra được gì khác hơn. Làm sao lại có thể nhận ra một người qua sự mô tả sơ sài của thằng Long và tụi bạn cơ chứ ?
Y buồn, tự dưng thấy nhớ vú Mai My, vú cho y bú, nuôi nấng y, hồi sơ tán máy bay Mỹ, vú phải đi bắt ốc cho cả nhà ăn thêm ngày chủ nhật, bộ bàn ghế xếp và lọ sấu dầm đi đâu vú cũng mang theo, những quả sấu của đường phố Hà Nội sũng ra trong lọ nước đường lẫn những vị thuốc Bắc quỷ quái gì chỉ có vú mới biết. Cả đến lũ trẻ con đói khát trong xóm, chúng thèm đủ thứ, nhưng cũng chẳng đoái hoài gì đến lọ sấu dầm của người đàn bà Tàu còn mấy bà ăn dở làng này thì thường cậy vách đất hay bẻ mái gianh mà gậm như dê chứ không ăn chua. Ðúng ra có một cô gái ăn dở thích sấu dầm, y biết quá rõ, ấy là trước ngày y đi bộ đội, cô ta cứ thậm thọt với y, nhờ y thỉnh thoảng bốc hộ cô vài quả rồi chui vào chuồng trâu ăn bằng hết một lúc. Khi cái bụng của cô gái hiện lên tròn tròn như quả bòng, bố mẹ và cả xóm mới biết cô hoang thai với một ông thu mua lương thực. Vậy mà y biết vú Mai My vẫn đặt hy vọng của nghề sấu dầm vào lũ trẻ con và những bà ăn dở. Vú nói : "Việt nam đánh mạnh vào thì thền Mỹ phải thua lền à., chờ khi thền Mỹ thua, mấy mẹ con lại về Hà lội làm sếu dầm đi bán ề..." Y nghe bà con nói lai là ngày vú đi "xây dựng nông trường", ai cũng lo không biết mẹ con vú làm gì mà sống. Nhưng không ai biết được rủi may. Thì ra cái nghề sấu dầm đã cứu mẹ con vú. Không phải người Tàu nào cũng biết làm sấu dầm nhưng mọi người Tàu đều thích ăn sấu dầm, vú Mai My đã hiểu chân lý đó và mạnh dạn đầu tư. Thay vì "xây dựng nông trường" vú bỏ vốn liếng ra làm mấy bộ sấu dầm và cho các con đi bán. Chính thói quen ăn vặt đó của những người cùng cảnh ngộ đã cứu nền kinh tế gia đình đang gặp cơn nguy khốn của vú Mai My. Y ra quân, về nhà cũ thì đã có người khác đến ở, sau khi lên phường trình giấy hai hôm, y lại được khuyên giải đi "xây dựng nông trường". Y tìm được vú và hai đứa em gái tuy không cùng máu mủ nhưng mọi người mừng rỡ đón y, khóc lóc vì thương nhớ y, dù sao y cũng là một cựu chiến binh có nhiều năm lăn lộn, không bỏ xác trên chiến trường là may. Y khóc, thương vú, thương mình, thương mấy đứa em và không hiểu sao y thấy tội lỗi đầy mình vì ngay từ khi gặp lại vú Mai My y đã không có được một thái độ cảnh giác, lạnh lùng hay dứt khoát như lời dặn của đồng chí đại đội trưởng lúc ra quân. Lần đầu tiên y thấy người ta không cho y ở lại quân đội có lẽ là đúng. Tình cảm với vú Mai My có thể làm tinh thần y lụn bại khi cầm súng. Y không thể nào quên căn nhà nằm ngoài phạm vi nông trường cói, gió thốc tháo qua cửa sổ và có một con mèo già đi đi lại lại trong nhà hết cọ vào chân người này đến chân người kia. Con mèo này tự dưng đến ở nhà vú trước ngày y đi bộ đội và nó còn nhớ y trong ngày trở về, cứ như là y đã để lại một phần đời mình trong đời nó vậy. Sáng hôm sau y thấy con mèo nằm chết dưới chân giường, mõm gác lên đôi dép của y. Thì ra nó đã để cả một bữa tối để chia tay mọi người. Kỷ niệm về cái nông trường mà những người khách trú đến xây dựng trong y chỉ có thế. Rồi vú Mai My chết. Khi liệm cho vú, y là người vuốt mắt cho người đàn bà lưu lạc.
Ðúng bốn giờ, tưởng đã có thể đi được thì trời lại đổ mưa. Mưa rào rào trên mái tôn trước sân, làm tan nát những cành hoa giấy tím và đỏ. Hai ngày sau, Long không đi làm buổi chiều. Nó ngủ trưa cùng giường với y, để đồng hồ báo thức đúng bốn giờ. Hai đứa thức dậy và reo ồ lên vì trời tạnh ráo. Họ gọi điện cho người con trai. Chuông đầu giây đằng kia đổ nhưng không ai trả lời. Long tuyên bố : "Cứ đi ! Ông thầy bảo tuần này tao làm gì cũng thắng!" Y nổ máy chiếc Rem, bảo y ngồi lên, phóng đi.
Không ai ở nhà. Một cô giúp việc ra mở cửa. Cô ta nói :
"Cụ bị hôn mê lúc hai giờ. Thấy trời không mưa, cụ cứ đòi ra bến xe buýt. Không dè cụ ngã rụi ngoài cổng, không biết gì nữa. Em lo cụ đi mất. Hai hôm nay cụ tỉnh táo suốt ngày, không lúc nào chập như mọi hôm." Y chỉ thấy dửng dưng. Nhưng rồi y cũng hỏi :
"Cụ có hỏi gì tôi không ?"
Người đầy tớ gái mở to đôi mắt, ngạc nhiên :
"Dạ thưa, ông là ai ạ ?"
Lại một trận mưa đổ xuống mái tôn, bầu trời trên thành phố nhì nhằng những tia chớp. Y ngồi bên cạnh Long, chờ mưa tạnh. Nhưng biết bao giờ nó tạnh đây, những trận mưa chiều ở Sài Gòn?
Kim Giang 1997