Nhật ký về những người thanh lịch
Tác giả: Nguyễn Quang Thân
Một chiều định mệnh - Cho đến hôm đó tôi không tin nhiều thứ và cũng không tin có một ai đó rỗi hơi ngồi sắp xếp số phận chúng sinh. Nhưng chiều hôm đó, một trận mưa chiều hối hả, thô bạo đổ ập xuống chỉ sau vài tiếng sấm ì ùng phía trên cao, đâu đó trên những vòm cây rậm dọc đường Trần Hưng Ðạo, sự báng bổ của tôi bị chao đảo. Tôi chạy khoảng mười lăm bước rồi đứng nép vào dưới mái hiên của một gia đình Hà Nội rất có tay nghề lấn chiếm vỉa hè. Một tấm tôn dài suốt mặt tiền ngôi nhà cấp bốn đùn ra tận cây sấu già nua, có lẽ nó phải nhích từng ly một trong nhiều năm để có ngày hôm nay. Nhưng miếng đất của nhà nước bị cướp làm thuộc địa ấy cũng chật ních rồi. Một chiếc Max dựng dọc. Ðứng sát cái yên cong cớn hất lên về phía sau: một người đàn ông. Mưa đang đuổi tôi, quyết liệt như kẻ báo thù. Chỉ còn một cách duy nhất là len vào cạnh người đàn ông đang đứng. Chỗ trú ẩn cuối cùng của tôi: một miếng đất bằng hai hòn gạch dưới mái hiên, cạnh một con người đang biết thế nào là quyền hạn của người xí chỗ. Chút rùng mình vai chạm vai. Một người trú mưa khoảng bốn lăm tuổi, cao, phong độ, cái bụng không chảy ra như một trái bóng bay quá cỡ mà xiết chặt tròn vo sau chiếc xanhtuya quá quen thuộc với tôi, loại Cardin có đầu báo gấm. Tôi buộc phải nhìn sợi nịt da vì nước mưa trên tóc tôi chảy xuống đôi vai ướt mềm, tôi mặc chiếc sơmi lụa Hà Ðông trắng, thứ mỏng nhất, lụa đang dính sát vào vai tôi còn người đàn ông thì không bỏ lỡ dịp dán mắt vào đó như đôi vai là của anh ta chứ không phải của tôi nữa. Tôi cúi xuống để tránh cái nhìn chim cắt, thế là đương nhiên tôi buộc phải thấy cái đầu con báo trên chiếc thắt lưng cácđanh. Và tôi tưởng tượng đủ thứ.
Chiều trú mưa ấy tôi làm quen với anh ta, một người Hà nội sắp kỷ niệm 990 năm thanh lịch. Anh tên là Trâm, đeo chiếc thắt lưng da đầu gáo gấm. Người chồng cũ của tôi cũng tên là Trâm, cũng đeo chiếc thắt lưng có đầu báo gấm. Lần đầu tiên tôi buộc phải tin có ai đó đã "lập trình" cuộc đời mình. Thượng Ðế sáng suốt tôn kính ơi, nếu Người định gia ân gì đó cho tôi thì tại sao Người lại đặt trên con đường đời ngắn ngủi của tôi những hai người đàn ông tên Trâm, có thắt lưng đầu báo và cả hai đều là những người thanh lịch?
Người thanh lịch đến sau - Anh hít hà, né một chút để khỏi đụng vào vai tôi, không nhìn vai tôi nữa mà dắt chiếc Max ra ngoài, mưa xối xả đổ xuống chiếc xe tội nghiệp, anh bỏ quên chiếc túi vợt tennít ở rổ xe, mưa đổ xuống chiếc túi, một dòng nước đen chảy trên lưng cái túi. "Bây giờ thì rộng rồi" anh nói, không hề liếc qua chiếc túi với cái vợt đắt tiền dưới mưa và tôi quên là người ta đang hô hào người Hà Nội phải sống cho thanh lịch trên đài mấy hôm nay, bèn cảm động. Khi biết anh cũng tên là Trâm, tôi nhìn chiếc thắt lưng da lần nữa, ngắc ngứ như con cá nhìn thấy cái lưới quyến rũ, biết là lưới mà vẫn lao vào. Tôi là con cá, còn anh ta tên là Trâm. Thượng Ðế bảo: hãy yêu người nào có tên là Trâm thì phải.
Tôi "hy sinh" cho anh sau đó mười lăm ngày, lần này chúng tôi không mắc mưa mà buộc phải nghỉ lại một cái nhà nghỉ ( có lẽ từ điển tiếng Việt nên soát từ nghỉ đáng kính trọng này xem nó có nghĩa nào khác nữa không?) xe hỏng chỉ cách Hà nội mười lăm cây số mà lúc đó mặt trời sắp lặn. Bỗng anh nói: "Anh muốn cưới em! Anh sẽ bỏ con quái ở nhà anh để cưới em!" Anh nói khi chúng tôi dắt xe vào cổng một cái nhà nghỉ cách đường cái không xa. Tôi lại cảm động. Tôi nghe nhiều lần anh gọi "đương kim hoàng hậu" của anh là "con quái', tôi làm như không nghe thấy, cũng không khai thác xem con quái ấy có mấy đầu. Nhưng cái câu "Anh muốn cưới em" thì tôi vẫn chờ, vẫn đợi. Tôi nghĩ người sống với quái thì người khổ đã đành mà quái cũng khổ. Tại sao họ không buông tha nhau ra ? Nghĩ thôi chứ không nói. Tôi có tự trọng, còn anh, người thanh lịch. Tôi mơ một ngày anh có tự do.
Anh đã biết chọn đúng thời điểm để nói câu đó. Tôi sẽ cưới em! Thời đây là buổi hoàng hôn, còn điểm là con đường lát gạch quanh co rất thơ mộng dẫn tới khu nhà nghỉ với những mái nhà rông nho nhỏ, xinh xinh và rất quyến dũ. Nó chọc ghẹo óc tưởng tượng đàn bà. Tôi đang hào hứng và cần được an ủi. Anh hào phóng thuê hai cái nhà rông nghĩa là hai chỗ ngủ cách nhau một cái sân cỏ, cho hai người. Anh không có ý xâm phạm luật hôn nhân.
Nhưng ngay lúc đó tôi nghĩ là anh đã phí phạm. Tôi hé cửa sổ nhìn anh đi đi lại lại trước miếng sân con giữa hai nhà rồi cuối cùng bước lên lối đi lát đá sang nhà tôi. Ông chủ nhà nghỉ biết bố trí cho các cặp tình nhân đi "nghỉ" không nhìn thấy cửa sổ của nhau vì họ đều là những người thanh lịch. Nhưng vẫn có thể hâm nóng nhau qua những tiếng động mơ hồ giữa đêm khuya. Lúc đó gần nửa đêm, khu nhà nghỉ im ắng. Có lẽ không ai cấm các "thượng đế' đã cất công từ Hà Nội về đây thuê buồng ngủ tìm đến với nhau. Cô tiếp tân nói giọng giả nai với tôi: "Thuê hai nhà cho nó đàng hoàng. Nhưng..." cô im bặt, cái nhìn khuyến khích. Anh không sang thì có lẽ tôi cũng sang bên đó với anh. Tôi vẫn chưa hết sung sướng vì câu nói của anh trên lối đi vào nhà nghỉ. "Anh sẽ cưới em". Anh ngồi, điện vẫn sáng với chiếc bóng đèn có cái chụp màu vỏ ốc. Không ai nói với ai câu nào. Quá nửa đêm, hai người yêu nhau ngồi với nhau không phải để nói. Nhưng anh là người thanh lịch, anh không nói cũng không làm gì, mỗi phút qua đi là mỗi phút anh được tôi kính trọng, tin tưởng thêm lên. Anh bảo anh nhớ tôi, không thể ngủ một mình trong cái nhà rông gợi cảm ấy rồi lặng lẽ kê một chỗ nằm dưới sàn, sát cái giường có tấm drap màu hồng tân hôn. Tôi thấy mủi lòng. Tôi đã là đàn bà cách đây bảy năm. Và tôi nói với anh: "Anh lên nằm cạnh em cũng được" Anh làm theo, có vẻ bất đắc dĩ. Nhưng khi anh vừa ngả người xuống, tôi quay sang ôm lấy anh và bắt đầu vân vê cái cúc duy nhất trên chiếc áo pull màu be nhạt của anh. Một cái cúc đính vào để trang trí.
Hai mươi ngày sau, anh áp tải tôi đến bệnh viện. Cưỡng lại mãi rồi tôi thấy anh có lý. Vì, anh nói, "con quái' của anh đang áp dụng chiến lược "giam giữ không thời hạn" và nếu như "người thứ ba" ra đời, tiến trình "giải phóng" sẽ rắc rối nhiều hơn, chắc chắn sẽ kéo dài hơn. Chúng tôi dạn dĩ với nhau chừng vài tháng, anh vẫn luôn lịch sự, thanh lịch tuy vẫn than vãn về cái số phận tù chung thân trong tay "con quái".
Rồi một hôm, tôi tình cờ gặp anh, đang đùa rỡn với một thiếu phụ chỉ hơn tôi vài tuổi trên bãi biển Ðồ Sơn. Tôi đã đủ kinh nghiệm để nhận ra những cặp đi nghỉ mát đang liên kết với nhau trong tình trạng nào. Với cặp này, anh và thiếu phụ nọ, có thể nói, họ hơi "bị" hạnh phúc. Ngồi trên một mỏm đá nhìn xuống bãi tắm, tôi đang nghĩ đến anh, đang tiếc là anh không thể đi nghỉ cùng với cơ quan tôi trong dịp này thì tôi nhìn thấy anh. Anh đang bế chị ta lên, chị ta trắng nõn trong bộ Bikini màu be nhạt. Anh quẳng chị xuống nước. Họ té nước vào nhau, nằm dài bên nhau, người này đắp những kim tự tháp bằng cát lên lưng, lên bụng người kia. Một đứa trẻ lên sáu đùa nghịch bên cạnh, có lẽ là con anh với "con quái".
Tôi bỏ cuộc đi nghỉ bất đắc dĩ với anh em trong cơ quan, về Hà Nội ngay. Ba ngày sau, nhờ một con bạn sẵn máu "bất bằng không tha", tôi biết anh và "con quái" sống với nhau rất hạnh phúc. "Chúng nó chỉ lôi nhau lên giường chứ chứa hề định lôi nhau ra tòa, con ngốc ơi!", bạn tôi nói. Bạn tôi đã có hai đời chồng, thường tình nguyện làm thám tử bảo vệ bầy nạn nhân của Ðông Gioăng.
Người lịch sự đến trước - Ðó là người chồng cũ của tôi. Anh chưa đưa tôi đi nạo thai lần nào dù chúng tôi sống với nhau ba năm hai tháng mười lăm ngày chẵn. Hồi cưới anh tôi chưa từng là đàn bà. Tôi chưa biết khi lấy nhau người ta phải làm gì với nhau. Mẹ tôi nói: "Tao thấy thằng người Hà Nội này thanh lịch và lịch sự. Chắc con nhà gia giáo." Suốt đời mẹ tôi chỉ sợ tôi lấy phải một người không có gia giáo. Cái gia giáo ấy thế nào, tôi không biết. Tôi luôn thấy mình không thanh lịch được như chồng, hình như mẹ tôi chỉ chiều chuộng mà không dạy dỗ tôi gì cả. Như đã nói, tôi không biết khi lấy nhau người ta phải làm những gì nên tôi làm tất cả những gì chồng tôi muốn. "Này em, hình như bộ quần áo của anh giặt được rồi đấy" đó là mẫu câu sai bảo, thường mở đầu bằng hai tiếng"hình như". "Này em, anh nghĩ là tháng này chúng mình tiếp khách hơi nhiều" "Anh nghĩ rằng" mẫu câu dùng khi cằn nhằn, bực bội. Một mẫu câu khác lại được mở đầu bằng hai từ em yêu", thường để dàn xếp chuyện tiền nong."Em yêu, nếu em biết anh phải vất vả như thế nào mới có tiền..." Vất vả ư? Ðúng là anh vất vả thật. Anh thuê người dạy thay ở chỗ chính thức, lao xe máy đến các lò luyện thi đại học khắp thành phố, có người nói với tôi anh lim dim mắt giảng bài để tranh thủ ngủ. Như thuật sĩ Yoga. Mỗi tháng anh kiếm không dưới chục triệu nhưng anh phát tiền chợ cho tôi, tháng nào cảm thấy mình được chiều chuộng thì anh "lịch sự" tăng thêm tiền. Tôi không quan tâm. Anh là người thanh lịch, chắc người thanh lịch thì phải thế. Cũng có thể vì tôi yêu anh nữa. Tôi đang muốn có con, rất muốn có con. Nhưng anh thì không thể. Anh làm chuyện đó một cách quá thanh lịch và đứa con gái mới thành đàn bà là tôi chỉ thấy nó vô ích, buồn cười. Cơ thể tôi từ chối những hạt giống lép. Khi thấy mình không thể có con với anh thì tôi nhận ra thân phận mình: tôi là một cô ô-sin được vinh dự phục vụ một ngài thanh lịch không có khả năng có con. Tôi không yêu anh nữa. Ðể cho anh yên tâm kiếm tiền. Cũng lạ cho tình yêu. Ðang yêu rồi thoắt không yêu chỉ trong nháy mắt. Cô bạn thám tử của tôi trước làm phù dâu, nay tháp tùng tôi ra tòa. Nó nói: "Tao thương nhất những đứa ô sin phải phục vụ người thanh lịch!"
Cuộc gặp bất ngờ - Không hiểu Thượng Ðế có ý gì khi cả năm chúng tôi lại gặp nhau trong một tua du lịch ngẫu nhiên ở rừng Cúc Phương. Anh, người đến trước, Anh, người đến sau cùng với "con quái", tôi và cô bạn thám tử của tôi. Nó bảo tôi phải đi đây đi đó để giải buồn, hai ngày nghỉ cuối tuần mà ngồi nhà với cái máy vi tính thì "sáu tháng nữa mày sẽ điên", nó nói như đinh đóng cột. Tôi đồng ý và đi.
Ðám du khách không đông nên chúng tôi nhận ra nhau ngay khi lên chiếc xe cá mập của một công ty lữ hành. Guide là một tay trung niên, ông khá giỏi ngoại ngữ vì trong đoàn chỉ có một cô Tây, cô này biết chút ít tiếng Việt nhưng ông ta vẫn cố dịch lại những lời hướng dẫn bằng một thứ tiếng Anh quy củ của Ðại học Sư Phạm Ngoại Ngữ. "Tôi cam đoan với các vị - ông ta nói - tua lữ hành của chúng tôi rất có duyên, quý khách là những quý ông quý bà thanh lịch và theo tôi biết thì đã có không dưới mười đám cưới được tổ chức sau những tua của chúng tôi". Thứ thuốc cao này hấp dẫn đây - tôi nghĩ bụng - ông ta nói không dưới một trăm đôi cũng được chứ sao?
Những người rất quen nhau là chúng tôi không ai nói với ai một lời. Cả con bạn của tôi cũng thế. Nó ít nói hẳn đi. Tôi thấy nó dịu dàng hơn trước. Và chiều hôm đó tôi bỗng thấy nó biến mất, bỏ tôi lại trong căn phòng với cuốn "Putin, ông là ai?". Mười lăm ngày sau, nó hứa hôn với người thanh lịch đến sau, tức là anh chồng cũ của tôi. Nó bảo: "Mày yên tâm, để tao trị cái thằng thanh lịch này cho coi!" Tôi không buồn, cũng không vui. Tôi đọc nốt cuốn sách về Putin rồi nghĩ ngợi về những cuốn sách có hậu.