Chương VII
Tác giả: Otto Skorzeny
Ngay từ sáng sớm hôm sau, các đơn vị nhảy dù của Đại tướng Student được các phi đoàn vận tải chở đến. Ngày thứ ba, đến phiên nhóm người của tôi đổ bộ. Họ sẽ đóng tại các doanh trại gần phi trường Pratica di Mare. Tôi tạt qua xem xét và loan báo rằng rất có thể chúng tôi phải thực hiện ngay một cuộc đột kích quan trọng. Vì thế tôi yêu cầu họ giữ cho điều kiện sức khoẻ được hoàn toàn để bất cứ lúc nào tôi cũng được đảm bảo chắc chắn về khả năng chiến đấu.
Rồi tôi trở lại Frascati, đem theo Radl, sĩ quan hầu cận của tôi. Mãi khi vào đến phòng riêng tôi mới cho hắn biết về sứ mạng của chúng tôi. Hắn cũng ngạc nhiên và bị xúc động như tôi lúc nhận lệnh từ Fuhrer trước đó. Lập tức chúng tôi cùng nhau đồng ý một điểm: Việc khám phá nơi ông Duce bị giam cầm thật vô cùng khó khăn. Riêng đối với hành động của chúng tôi, nghĩa là việc giải thoát ông Duce, tạm thời chúng tôi chưa nghĩ đến vì giờ H dường như còn xa.
May thay, trong vô số tên tuổi mà Himmler kể ra trước đây, tôi còn nhớ được 2 tên quan trọng nhất: Kappler và Dollmann. Kappler là tùy viên công an của chúng tôi, ông ta có cả một bộ máy tổ chức có thể giúp đỡ chúng tôi nhiều. Còn Dollmann thì cư trú tại La – mã từ lâu, hình như ông ta quen biết lui tới rất nhiều nhân vật có thế lực. Noi theo lời khuyên của vị Reichsfuhrer SS, chúng tôi – Đại tướng Student và tôi tìm cách tiếp xúc với hai nhân vật này, trình bày với họ mục đích của sứ mạng chúng tôi và xin họ giúp chúng tôi tìm kiếm ông Duce.
Trước hết chúng tôi được nghe đủ mọi loại tin đồn – cả những tin đồn kỳ khôi nhất – lan tràn trong thủ đô Ý. Người này nói Mussolini tự vẫn, người kia bảo ông ta bệnh nặng, kẻ khác quả quyết biết rõ ông Duce hiện đang ở trong một viện dưỡng lão. Trong khi đó, chúng tôi thành công trong việc tìm hiểu được rằng trưa ngày 25 tháng 7, ông Duce có đến gặp vua Ý. Từ lúc đó không còn ai gặp ông ta nữa, như vậy ông ta đã bị bắt ngay tại Hoàng cung.
Chỉ dẫn chính xác đầu tiên đến với chúng tôi thật bất ngờ. Trong số các công chức Ý mà vị Tuỳ viên công an của chúng tôi thường lui tới, có một sĩ quan mà thâm tâm vẫn còn ủng hộ chế độ phát xít. Nhân một cuộc tiếp xúc, viên sĩ quan này để lộ một tin tức thật quý báu: hình như ông Duce đã bị đưa từ Hoàng cung đến doanh trại đơn vị phòng vệ tại La – mã. Cuộc điều tra của chúng tôi xác nhận tin này, chúng tôi lại còn biết thêm tù nhân đã bị nhốt tại tầng nào, thuộc khu vực nào của doanh trại. Khốn thay, từ khi bị bắt cho đến nay đã hơn 10 ngày trôi qua, và có lẽ trong khoảng thời gian đó, Moussolini đã bị mang đi nơi khác.
Trong gần ba tuần lễ liền, chúng tôi cố gắng khám phá nơi mà Badoglio giam giữ người lãnh đạo chính phủ phát xít cũ, nhưng vô ích, chúng tôi không tìm thấy một dấu vết nào, một chỉ dẫn nào – cho đến một hôm lại sự tình cờ xuất hiện giúp chúng tôi.
Trong một nhà hàng ăn ở La – mã, chúng tôi làm quen được với một người bán trái cây, ông này thỉnh thoảng có đến thăm một khách hàng tại Terracino, một thành phố nhỏ nằm bên bờ vịnh Gaeta. Người khách hàng quý báu này lại có một cô giúp việc sắp đính hôn với một lính phòng vệ. Anh này đang canh gác đảo Ponza, nơi có một trại giam, vẫn thường viết thơ cho người yêu. Và nơi một trong các lá thư tình này, anh ta cho người yêu biết có một tù nhân đặc biệt “một nhân vật rất quan trọng” vừa được đưa đến đảo. Chỉ dẫn đầu tiên này được xác nhận, nhưng sau đó nhờ một sĩ quan hải quân bất cẩn, trong một cơn huyên thuyên vì ma men hành hạ, anh ta cho chúng tôi biết chiếc tàu của anh ta đã chở ông Duce từ trại giam Ponza đến La Spezia, một quân cảng bên bờ biển Ligur.
Lẽ dĩ nhiên, những tin tức này đều được chuyển về Tổng Hành Dinh của Fuhrer qua trung gian của Đại tướng Student. Ngay khi chúng tôi thông báo “tuy dô” La Spezia, tôi nhận được lệnh chuẩn bị lập tức để giải thoát ông Duce: phải cứu ông ra khỏi chiếc chiến hạm. Trong vòng 24 giờ, chúng tôi suy nghĩ nát óc. Tại Tổng Hành Dinh, chắc người ta tưởng tượng không có gì dễ bằng lấy đi một người trên chiến hạm dưới mắt hải hành đoàn trong thời chiến. May thay, hôm sau chúng tôi biết ông Duce lại thay đổi trại giam một lần nữa.
Tại Bá-linh – xin cho tôi ra ngoài lề một chút vì sự kiện thật kỳ lạ - trong thời gian qua, người ta đã động viên cả thầy bói và chiêm tinh gia. Hình như chính Himmler là người có ý tưởng triệu dụng các nhà “bác học” này. Dầu sao tôi cũng không hề nghe nói đến một kết quả tích cực nào do công trình tìm tòi của họ.
Ít lâu sau, những tin tức trùng hợp, cũng như những tin đồn kéo dài đã hướng cuộc điều tra của chúng tôi về phía Sardaigne. Những tin đồn ông Duce bị giam ở một hòn đảo tí hon hay trong nhà thương của một thành phố nhỏ chìm trong vùng núi, đều sai sự thật. Trái lại, giả thuyết ông Duce bị giam trong một pháo đài hải quân ở Santa Maddalena, tại mũi Đông Bắc đảo Sardaigne, hình như càng ngày càng vững chắc. Một hôm, sĩ quan liên lạc của chúng tôi cạnh Bộ Tư lệnh Hải quân Ý, Hải quân Trung tá Hunaus – một con sói biển, xuất hiện như một nhân vật tiểu thuyết của Joseph Conrad – cho biết là theo ông, có một tù nhân đặc biệt được giam giữ trong pháo đài đó. Tin tức này đối với tôi quan trọng đến nỗi tôi liền quyết định bay đến Sardaigne ngay để đích thân lượm lặt các chi tiết chính xác. Tôi đem theo một Hải quân Thiếu tá và Trung uý Warger của tôi, cả hai đều nói được tiếng Ý lưu loát. Ngay khi đến Santa Maddalena, tôi lấy ngay một tàu vét mìn của chúng tôi và chạy một vòng qua hải cảng và dọc theo bờ biển. Nấp sau một cánh buồm, tôi có thể chụp vài tấm hình cơ sở trên hải cảng và mặc dù rất xa, ngôi nhà rất được chúng tôi chú ý, biệt thự “Weber” nằm ven thành phố. Rồi tôi cố tìm hiểu một cách chính xác hơn, ai là tù nhân đặc biệt. Để đạt mục tiêu này, tôi phải nhờ đến Trung uý Warger.
Kế hoạch của tôi hoàn toàn dựa vào tập quán ưa đánh cuộc của dân Ý. Cải trang thành thuỷ thủ Đức, Trung uý Warger, khi đêm đến, phải la cà vào các quán rượu và ra sức nghe ngóng. Khi nào vấn đề ông Duce được đề cập đến, hắn phải tham gia vào câu chuyện và cho rằng mình biết rõ ràng Mussolini đã về chầu ông bà vì bệnh nặng. Rất có thể điều quả quyết này sẽ gặp phản ứng chống đối, đây là cơ hội giúp Warger đưa ra cuộc đánh cá. Để tạo cho hắn một dáng điệu tự nhiên hơn, hắn phải giả bộ ngà ngà say rượu. Chi tiết chót này không ngờ đã vấp phải khó khăn. Số là Warger hồi nào đến giờ chưa hề uống một giọt rượu. Tôi phải năn nỉ hắn thật lâu, nhấn mạnh đến nghĩa vụ của một quân nhân, mới thuyết phục được hắn tạm đi ngược với các nguyên tắc của hắn.
Kế hoạch của tôi thật đơn giản nhưng thành công hoàn toàn. Một người bán dạo ngày nào cũng mang trái cây tới biệt thự Weber đã nhận đánh cuộc. Để chứng minh cho lời nói, anh ta đã dẫn Warger đến một căn nhà kế cận biệt thự, và qua cánh cửa sổ trên mái nhà, anh ta chỉ cho Warger thấy cái sân thượng mà Mussolini đang đi dạo.
Ngay ngày hôm sau, Warger trở lại vị trí quan sát đó. Sau nhiều ngày dò xét, Warger biết gần đúng số lính canh tù nhân, giờ đổi gác, vị trí các ổ đại liên v.v… Đây là lúc thiết lập kế hoạch hành động của chúng tôi. Làm thế nào để đưa Mussolini ra khỏi biệt thự, và rồi ra khỏi thành phố? Nhiệm vụ của chúng tôi lại phức tạp thêm vì Santa Maddalena là một pháo đài hải quân. Chúng tôi phải có những chi tiết thật chính xác về địa hình của vùng này, vị trí các ổ súng phòng không, doanh trại v.v … Vì bản đồ của chúng tôi thiếu sót quá, tôi quyết định bay trên thành phố để chụp vài không ảnh. Trở lại La-mã, tôi được cấp một chiếc Henkel 111 và ngày 18 tháng 8 năm 1943 tôi cất cánh từ phi trường Pratica di Mare. Thoạt tiên, viên phi công bay thẳng lên phía Bắc. Vào thời đó, hoạt động của không quân Đồng minh trên biển Tyrhénienne đã mạnh đến nỗi, vì lý do an ninh, tất cả phi cơ đến Sardaigne phải bay vòng từ đảo Elbe và Corse. Chúng tôi đáp đúng giờ định trước, xuống Pausania, một trong các phi trường của Sardaigne để lấy nhiên liệu trước khi tiếp tục chuyến bay. Tôi chạy bay tới Palau cách phi trường 50 cây số nơi tôi có hẹn gặp Warger và Trung tá Hunaus. Họ báo cho tôi biết không có gì lạ tại Santa Maddalena ngoại trừ các biện pháp đề phòng và canh chừng vẫn được tăng cường luôn luôn.
Yên tâm, tôi trở lại Pausania. Tôi dự tính sau chuyến bay thám sát, đi thẳng đến Corse để tiếp xúc với liên đoàn Waffen SS đang trấn giữ ở đó. Kế hoạch mới được vạch trong trí tôi chắc chắn sẽ cần những phân đội quan trọng. Tôi tìm cách giải quyết ngay từ bây giờ những chi tiết sơ khởi của chiến dịch. Đến 15 giờ, chúng tôi cất cánh. Tôi ra lệnh cho phi công bay lên cao thật nhanh cho đến 5000 thước, vì lẽ mọi chuyến bay trên vùng Santa Maddalena đều bị cấm chỉ, tôi bắt buộc phải lên thật cao để có thể yên tĩnh chụp hình. Nằm dài trong pháo tháp phía trước, cạnh khẩu súng, trong tay có sẵn một máy hình và một bản đồ hải quân, tôi đang ngắm màu sắc huy hoàng của biển cả thì xạ thủ đại liên phía sau phi cơ hét vào máy vi âm:
- Coi chừng, đằng sau! Hai chiếc … bọn săn giặc Anh!
Phi cơ trượt ngang, tôi đặt ngón tay trên nút điều khiển, sẵn sàng nổ súng. Bên dưới, phi công cố lấy lại thăng bằng cho phi cơ, tôi tự bảo mọi sự đã chấm dứt tốt đẹp, thình lình tôi thấy phi cơ nghiêng hẳn một góc nhọn và chúi xuống thấp. Quay nhìn lui, tôi thấy vẻ mặt co rút vì sợ hãi của viên phi công khi cố gắng đưa phi cơ lên cao, một cách tuyệt vọng. Liếc nhìn qua cửa kính tôi thấy động cơ phía trái đã ngưng chạy. Phi cơ lao xuống với một tốc độ chóng mặt. Không thể nào còn kịp nghĩ đến chuyện nhảy dù nữa. Tôi lại nghe tiếng hét trong máy vi âm:
- Bám chặt …
Do bản năng, tôi bám lấy nòng súng và một thoáng sau, khi phi cơ chạm mặt biển. Chắc chắn đầu tôi đã chạm thành trần phi cơ bởi vì tôi đã bị bất tỉnh. Vài giây sau, tôi lờ mờ cảm thấy một cái gì đó vỡ tan thành hàng nghìn mảnh trước mặt tôi. Rồi một bàn tay chụp lấy cổ áo và kéo tôi lên cao. Chung quanh tôi toàn là nước. Phi cơ đã bị chìm, trong phòng lái mà phía trước đã chúi xuống, nước đã tràn vào chừng 30 phân và tiếp tục ào ạt tràn vào không ngừng.
Chúng tôi gọi những người ở sau, không ai trả lời. Hai ông bạn của chúng tôi đã chết rồi chăng? Vấn đề là bây giờ cần thoát ra ngoài càng sớm càng tốt vì phi cơ có thể chìm trong chốc lát. Kết hợp sức mạnh, chúng tôi mở được cửa cấp cứu trên nóc phòng lái. Lập tức nước tràn vào. Thật đúng lúc! Chúng tôi đẩy lẹ viên phi công phụ ra cửa, rồi tôi hít một hơi dài và lách ra. Tôi cảm thấy được trồi lên cao và một cái đạp chân mạnh, tôi bắn lên khỏi mặt nước. Vài giây sau, viên phi công chính cũng thoát ra được.
Lúc bấy giờ, chuyện kì lạ đã xảy ra. Toàn thể phi cơ, không còn chịu sức nặng của chúng tôi nữa, lại nổi lên mặt bể. Hai viên phi công nhào ra sau và mở cửa cấp cứu. Họ ngẩn ngơ trông thấy hai binh sĩ ngồi chồm hổm trong góc, mà chúng tôi tưởng đã chết. Họ chẳng bị thương tích gì, duy có vẻ ngơ ngác mất hồn. Họ bò dần ra đầu cánh phi cơ. Khó thay, không anh chàng nào biết bơi cả, mặc dầu cả hai đều sinh đẻ tại vùng hải cận Hambourg. Phi công chính còn kịp kéo ra được chiếc xuồng cấp cứu. Anh kéo mạnh tay làm bật nút chai dưỡng khí, lập tức xuồng được bơm phồng và hai chú binh sĩ leo được vào đó.
Lúc đó, tôi mới hốt hoảng nhớ lại túi xách và chiếc máy hình. Tôi nhào xuống nước lặn qua cửa vào phòng lái và thâu hồi được chúng. Tôi ném lên thuyền khi vừa ngoi lên được. Vài giây sau, phi cơ chìm dần và biến mất dưới biển. Ngồi kẹp giữa hai viên phi công trên xuồng cấp cứu, tôi nhìn quanh. Cách đó hai ba trăm thước, những mỏm đá nhấp nhô trên sóng. Chúng tôi hướng về phía đó, chèo tay, đẩy xuồng tiến tới. Mỏm đá này thật nhọn và trơn, nhưng chúng tôi cũng trèo lên được. Phi công phụ tìm trong xuồng được súng bắn hoả tiễn cấp cứu và định bắn thử. Tôi ra lệnh hãy chờ một chiếc tàu đi ngang qua.
Vào khoảng một giờ sau, một xuồng máy xuất hiện. Tôi cho bắn một hoả tiễn đỏ và trong nỗi vui sướng của chúng tôi, chiếc tàu quay mũi tức khắc và hướng thẳng về mỏm đá. Một chiếc sào được đưa về phía chúng tôi. Chiếc tàu cứu tinh này là một loại tuần duyên được trang bị đặc biệt để chống phi cơ. May mắn là thuyền trưởng không thể đoán ra lý do tại sao chúng tôi lại có mặt ở vùng này, tôi nghĩ thầm trong khi bắt tay ông ta. Vì lẽ tôi hoàn toàn bị trần truồng – trước khi lặn trở lại phi cơ, tôi phải tháo bỏ hết áo quần – viên thuyền trưởng tốt bụng cho tôi mượn một quần ngắn và một đôi dép. Quần hẹp quá nhưng tôi vẫn phải mặc, nếu không, khi lên bờ tôi chỉ còn cách kiếm một lá nho! Mãi đến lúc tôi muốn nằm dài một chốc trên một chiếc tàu viễn dương, tôi mới cảm thấy bị đau nhói dữ dội trong lồng ngực. Vài ngày sau, một bác sĩ báo cho biết tôi bị gãy 3 xương sườn.
Chiều hôm đó, chúng tôi trở lại Pausania. Tôi đi ngay về Palau để yêu cầu Trung tá Hunaus kiếm một chiếc tàu để đưa tôi sang Corse, nơi mà Chỉ huy trưởng Liên đoàn Waffen SS đang chờ tôi.
Gần nửa đêm, chiếc khinh tốc đỉnh của tôi mới đến được hải cảng Saint Bonifacio. Tại Bộ chỉ huy quân sự Ý, tôi không thể nào dùng điện thoại liên lạc được với liên đoàn SS. Mãi đến sáng hôm sau, người ta mới cấp cho tôi một chiếc xe. Nhưng sau đó vì có sự lầm lẫn, suốt ngày tôi chạy đuổi theo sau viên Chỉ huy trưởng SS, ông này cũng chạy đôn chạy đáo tìm tôi mà không gặp. Rốt cuộc, rồi chúng tôi cũng gặp nhau ở Bastia, phía bắc đảo, tại Bộ chỉ huy một đơn vị hải quân Đức.
Trong khi đó, tại La-mã, Trung uý Radl tuyệt vọng khủng khiếp. Không thấy tôi trở về như đã hẹn vào đêm 18 tháng 8, hắn chạy lại Bộ Tư lệnh Sư đoàn Dù hỏi thăm tin tức về chiếc máy bay chở tôi. Người ta đã trả lời hắn một cách tỉnh bơ: “Phi cơ coi như bị mất tích, phi hành đoàn chắc đã làm mồi cho cá rồi”. Trong hai ngày liền, hắn tưởng tôi chết thiệt, vì tôi chỉ trở về La-mã thật trễ, đêm 20 tháng 8. Tôi gặp lại hắn khi từ phi trường tôi đi thẳng về doanh trại của đơn vị tôi. Lẽ dĩ nhiên, hắn điên lên vì vui sướng. Ngay khi về đến khách sạn, chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch hành động. Lần này, chúng tôi chắc chắn là đã khám phá được chỗ ông Duce bị giam. Đại tướng Student cũng chia xẻ quan điểm của tôi khi tôi phúc trình cho ông tình hình vào ngày hôm sau.
Thế nhưng, như sét đánh ngang tai, chúng tôi nhận được một mệnh lệnh từ Tổng Hành dinh của Fuhrer như sau:
“Tổng hành dinh vừa nhận được một báo cáo của Ausland Abwehr (Đô đốc Canaris), theo đó thì Mussolini hiện đang ở trên một hòn đảo nhỏ gần đảo Elbe. Đại uý Skorzeny chuẩn bị lập tức một cuộc tấn công bằng đơn vị nhảy dù, và báo cho chúng tôi biết ngày gần nhất với ngày có thể mở cuộc tấn công. Tổng hành dinh của Fuhrer sẽ chỉ định ngày hành động”.
- Chuyện gì xảy ra vậy? - Radl và tôi tự hỏi nhau.
- Người ta nói rằng nhân viên của Đô đốc được cung cấp nhiều phương tiện săn tin rất hữu hiệu! Vả chăng, cách mấy bữa trước, chúng tôi đã có thấy một thông tri “mật” được cơ quan Abwehr gởi cho toàn thể Chỉ Huy trưởng đơn vị đồn trú tại Ý. Trong đó chúng tôi thấy rõ ràng như trắng với đen rằng: “Tuyệt đối chắc chắn rằng bất cứ trường hợp nào chính quyền Badoglio cũng sẽ tiếp tục chiến đấu bên cạnh chúng ta. Tân Chánh phủ có khi lại còn tham dự vào nỗ lực chung một cách tích cực hơn chính quyền phát xít cũ”.
Vì lẽ chúng tôi có quan điểm hoàn toàn trái ngược, Đại tướng Student cố sức xin gặp đích Fuhrer. Sau một hồi bàn cãi, chúng tôi được lệnh về Đông Phổ. Chúng tôi bay lập tức và đáp vào buổi chiều và được biết Hitler đang đợi chúng tôi.
Chúng tôi được đưa vào đúng căn phòng mà trước đó mấy tuần tôi được trình diện Fuhrer. Lần này tất cả các ghế bành trước lò sưởi đều có người ngồi, và tôi có dịp quen với hầu hết cấp lãnh đạo Quốc Xã. Bên trái Fuhrer là Bộ Trưởng Ngoại giao Ribbentrop, bên phải ông này là Thống chế Keitel, rồi đến Đại tướng Jodl. Người ta chỉ cho tôi ngồi ghế kế đó. Bên trái Ribbentrop, tôi thấy Himmler, rồi Đại tướng Student, và Thuỷ sư Đô đốc Doenitz, khối người đồ sộ ngồi giữa Doenitz và tôi là Thống chế Hermann Goering.
Đại tướng Student giới thiệu tôi bằng vài câu ngắn gọn và nhường lời cho tôi. Thoạt tiên tôi bị khớp kinh khủng, cái nhìn của tám người này đã làm tôi e thẹn đến nỗi quên mất cả việc nhìn vào xấp báo cáo được soạn trên máy bay. Nhưng dần dần, tôi trở nên tự tin hơn. Tôi cố gắng trình bày hết sức rõ ràng diễn tiến công cuộc điều tra của tôi. Những lý do được viện ra để chứng minh chúng tôi tin ông Duce hiện bị giam tại Santa Maddalena, đã rõ rệt làm cho cử tọa ngạc nhiên chú ý. Câu chuyện đánh cuộc của Trung uý Warger và sự thành công của anh ta đã làm cho một vài vị mỉm cười, đặc biệt là Đô đốc Doenitz, Thống chế Goering.
Khi tôi chấm dứt, nhìn đồng hồ, tôi mới biết mình đã nói trong hơn nửa giờ. Với một cử chỉ đột ngột, Fuhrer xiết chặt tay tôi:
- Anh đã thuyết phục được chúng tôi, Đại uý Skorzeny! Chắc chắn anh có lý, vậy tôi rút lui lệnh tấn công bằng quân nhảy dù lên đảo. Anh đã chuẩn bị kế hoạch đưa ông Duce thoát khỏi pháo đài hải quân đó chưa? Nếu rồi, trình bày xem!
Nhờ một bản đồ vẽ bằng bút chì tôi khai triển dự án mới được hình thành mấy hôm trước. Tôi giải thích rằng, ngoài một hải đội gồm khinh tốc đỉnh, tôi còn cần tàu vớt mìn, hơn nữa để yểm trợ năm mươi người của tôi, còn cần một đại đội tình nguyện lấy ở đơn vị SS đang đóng tại đảo Corse. Mặt khác, để che chở cho chúng tôi rút lui, tôi muốn trông đợi vào các dàn cao xạ D.C.A. tại Corse và tại phía bắc Sardaigne. Dự tính tấn công bất thần vào lúc hừng đông của tôi, hình như được mọi người đồng ý chấp thuận. Nhiều lần, Hitler, Goering, Jodl ngắt lời tôi để hỏi bổ túc. Khi tôi chấm dứt, Fuhrer nói với tôi:
- Tôi chấp thuận kế hoạch của anh, và tôi tin rằng nếu được thực thi với tất cả khéo léo không ngần ngừ, kế hoạch này có thể thực hiện được, Thuỷ sư Đô đốc Doenitz, xin ông ra mệnh lệnh cần thiết cho hải quân. Các đơn vị tăng phái được đặt dưới quyền chỉ huy của Đại uý Skorzeny trong suốt thời gian chiến dịch, Đại tướng Jodl sẽ lo liệu các việc khác. Còn một điểm nữa, Đại uý Skorzeny: phải giải thoát ông bạn Mussolini của tôi càng sớm càng tốt hầu ngăn không để ông bị giao cho Đồng minh. Anh không được để mất một giây phút nào. Nhưng, cho đến khi anh sẵn sàng và cho đến khi tôi ra lệnh hành động, nước Ý có thể sẽ còn là đồng minh của chúng ta, ít ra là về mặt chính thức. Nếu đến lúc đó, cuộc đột kích của anh thất bại, tôi bắt buộc phải lên án anh trước công luận thế giới. Tôi sẽ tuyên bố rằng, bằng cách trình bày kế hoạch và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giải thoát ông Duce, anh đã làm cho một vài Đơn vị trưởng đóng tại Ý trở nên mù quáng, và trong tất cả mọi trường hợp anh đã tự ý hành động một mình. Để giúp chúng tôi trong nỗ lực đem lại chiến thắng vinh quang, và hãy vì Tổ quốc, anh phải sẵn sàng chấp nhận, trong trường hợp đó, sự lên án nặng nề không bào chữa được.
Tôi không có thì giờ để suy nghĩ. Dầu sao khi danh dự của tổ quốc tôi đang được đặt thành vấn đề, tôi biết, tôi không từ chối chịu đựng một cách im lặng nỗi nhục nhằn, kết quả của một tình trạng bị hắt hủi như thế. Rất cảm động, tôi chỉ có thể nghiêng mình chào Fuhrer không nói một lời.
Tỏ ra rất hài lòng, Fuhrer cho phép tôi rút lui sau khi thân mật xiết tay tôi.
- Anh sẽ thành công, Skorzeny, - ông nói, giọng tin tưởng và niềm tin đó đã truyền qua tôi như một luồng điện.
Thêm một lần nữa, tôi lại được nghe giọng nói có sức thuyết phục gần như thôi miên của Fuhrer. Giờ đây, tôi đã có kinh nghiệm không còn nghi ngờ gì nữa, tôi sẽ thành công.
Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại La-mã, ngay lúc đến nơi, tôi cho Trung uý Radl trung thành của tôi biết rằng trong trường hợp thất bại, tôi phải một mình hoàn toàn chịu trách nhiệm về chiến dịch. Là một công dân Áo chính cống, Radl cảm kích không ít.
- Thế thì, - hắn bình tĩnh nói, - nếu chuyện đó xảy ra, tôi sẽ yêu cầu được giam cùng với ông. Có lẽ họ sẽ nhốt chúng ta vào nhà thương điên. Đó là cơ hội tốt để thử xem các xà lim được tiện nghi đến mức độ nào.
Vài hôm sau, nhờ một sự tình cờ, chúng tôi tránh được hậu quả tai hại đó. Thật vậy, suýt nữa chúng tôi đã tấn công vào một nhà giam trống rỗng.