Chương XVIII
Tác giả: Otto Skorzeny
Ngày 10 tháng 9 năm 1944, trong khi tôi đang bận rộn tại Friedenthal, lo tổ chức lại các tiểu đoàn sao cho thuần nhất để có thể đảm trách bất cứ loại hoạt động nào, thì Tổng Hành Dinh của Fuhrer cho gọi tôi. Hiện tại “Hang sói” không còn cách xa phòng tuyến đầu bao nhiêu, mặt trận chỉ còn cách 10 cây số về phía Đông. Do đó cần phải thay đổi sắp xếp lại khu vực đặt Đại bản doanh. Người ta vừa hoàn thành một hầm ẩn núp chính – gọi là “Fuhrerbunker” – đó là một khối bê tông vĩ đại có vòm đậy dầy 7 thước. Vì không có một cửa sổ nào, người ta thiết trí một hệ thống thông hơi phức tạp, hoạt động rất kém khiến cho việc ở dưới hầm một ngày trở nên khó nhọc, vì lẽ bê tông chưa được khô hẳn, tỏa ra một mùi thật nhức đầu.
Ngược lại, dãy phòng trung ương được ưa thích hơn vì có nhiều ngỏ rộng, nhiều phòng sáng sủa, trật tự. Đó chính là nơi hằng ngày từ 14 đến 22 giờ, các cuộc hội nghị quân sự được tổ chức, được gọi vắn tắt là “tình hình” trong đó các quyết định chủ yếu được thành hình. Ngay khi mới đến vào lúc 10 sáng, Đại Tướng Jodl cho biết là trong nhiều ngày liên tiếp tôi sẽ dự các cuộc thảo luận liên quan đến khu vực phía Nam của mặt trận Miền Đông. Bộ Tổng Tư Lệnh Tối Cao hình như muốn giao cho tôi một sứ mạng cực kỳ quan trọng trong khu vực này.
Mặc dù chỉ dự vào một phần hội nghị liên quan đến một phần mặt trận mà thôi, tôi cũng ý thức được mau lẹ mối âu lo của các giới chức quân sự cao cấp. Bộ “Tổng Tư Lệnh Tối Cao” trong thực tế chỉ lãnh đạo có mỗi Mặt trận Miền Đông, riêng các mặt trận khác, kể cả mặt trận Balkans thì do “Bộ Tham mưu hành quân của Lục quân” trực tiếp chỉ huy. Hơn nữa, hải và không quân cũng phải gởi sĩ quan tham mưu đến phúc trình hàng ngày. Bên trên các cơ cấu phức tạp đó, một mình Adolf Hitler biểu tượng cho cơ quan điều hợp, nhất là từ khi ông nắm quyền lãnh đạo tối cao tất cả quân lực.
Một gánh nặng đè bẹp, có lẽ là quá sức chịu đựng của con người ngay cả đối với một siêu nhân.
Được đưa vào dãy nhà chính ở Trung tâm, tôi vừa mới trình diện với các tướng lãnh và sĩ quan tham mưu, thì một mệnh lệnh ngắn làm chúng tôi cứng người đứng nghiêm tại chỗ, Fuhrer đi vào có Thống chế Keitel và Đại Tướng Jodl tháp tùng.
Thật là hãi hùng, nếu tôi không nói là kinh sợ, tôi nhìn thấy người này, thật khác xa với hình ảnh một người đã khắc sâu trong trí nhớ của tôi. Càng dễ sợ hơn nữa khi nhớ lại lần gặp gỡ sau cùng mới xảy ra mùa thu năm rồi – chưa được một năm. Tôi thấy tiến về phía trước một người mệt mỏi vô biên, lưng còng, già khú, ngay cả giọng nói trầm ấm rung động ngày xưa nay cũng tỏ vẻ mệt mỏi. Liệu ông có hiểm độc như vẻ mặt biểu lộ? Bàn tay trái run dữ dội đến nỗi ông phải lấy tay phải nắm chặt. Phải chăng đấy là hậu quả của vụ mưu sát ngày 20 tháng 7? Hay là Fuhrer đã bị suy sụp dưới gánh nặng trách nhiệm kinh hồn mà ông chịu đựng trong nhiều năm qua? Tôi không thể ngăn mình tự hỏi ông già này làm cách nào tìm được năng lực cần thiết để hoàn thành trách nhiệm.
Adolf Hitler bắt tay vài sĩ quan đứng gần cửa, nói với tôi vài lời dịu dàng và yêu cầu được nghe báo cáo. Hai tốc ký viên đã ngồi vào đầu của chiếc bàn lớn đặt giữa phòng. Tất cả sĩ quan đều đứng, về phần Fuhrer, một chiếc ghế đẩu được đặt sau bàn, nhưng thỉnh thoảng ông mới ngồi vài phút. Trước mặt (là?) vô số bút chì màu và kiếng đeo mắt của ông.
Đại tướng Jodl trình bày tình hình. Chúng tôi theo dõi dễ dàng các điểm giải thích trên một bản đồ mênh mông phủ kín mặt bàn. Các con số sư đoàn, quân đoàn, trung đoàn thiết kỵ, được liệt kê không ngơi. Chỗ này quân Nga tấn công nhưng đã bị đẩy lui. Chỗ kia họ đã chọc thủng được phòng tuyến và tạo một túi thật sâu, mà hiện nay ta đang cố phản công. Tôi thật ngẩn ngơ khi thấy Fuhrer thuộc lòng nhiều chi tiết quá – Số chiến xa có sẵn tại chỗ này hay chỗ nọ, số lượng xăng dự trữ, tầm quan trọng của lực lượng tăng cường v.v… Ông kể các con số mới, ra lệnh điều quân, căn cứ vào tấm bản đồ, cứ thế không ngừng. Tình hình rất trầm trọng. Hiện tại, ngoại trừ vài chỗ lồi lõm, mặt trận gần như chạy dài theo biên giới Hung-Gia-Lợi và Lỗ-Ma-Ni. Được kinh nghiệm báo trước, tôi tự đặt vài câu hỏi âu lo: liệu những sư đoàn vừa được nhắc nhở còn có thể chiến đấu được không? Hỏa lực, bãi đậu xe của họ ra sao? Có bao nhiêu chiến xa, súng ống đã bị phá hủy hay thất lạc từ khi gởi xong bản báo cáo mà hiện nay đang được đem ra làm căn bản thảo luận?
- Hôm nay không có quyết định nào thật quan trọng, - vài sĩ quan tham mưu thì thầm bên tai tôi.
Những lời nói đó nhắc nhở với tôi rằng tại đây, trên tột đỉnh của quân đội, người ta chỉ tính bằng đơn vị quân đoàn hoặc liên quân.
Khi đến phiên đại diện không quân thuyết trình, tôi nhận thấy có một cái gì sai lạc, thiếu sót. Fuhrer đứng ngay dậy và bằng giọng khô khan, yêu cầu viên sĩ quan giải thích chính xác hơn. Người ta nói rằng trước đây không quân rất được cưng chìu, nay thì điểm tình cảm bị sút giảm. Thật vậy, bài thuyết trình của viên sĩ quan tham mưu có vẻ vô vị, thiếu nhiệt thành. Một cử chỉ đột ngột, Fuhrer ngắt lời và quay lưng về phía viên sĩ quan. Đại Tướng Jodl đưa mắt ra dấu bảo tôi ra ngoài, bởi vì bây giờ người ta bắt đầu bàn luận đến tình hình các mặt trận khác.
Trong phòng kế bên, tôi bắt chuyện với một vài sĩ quan tham mưu trẻ. Vừa nhấm nháp ly rượu ngọt do các binh sĩ hầu cận mời, chúng tôi nói về Mặt trận Miền Đông. Tại Varsovie, quân đội bí mật của Ba-Lan vừa phát động cuộc nổi dậy: nhiều trận đánh đẫm máu xảy ra trong thành phố: càng về phía Nam, tình thế càng tệ hơn; tin tức về khu vực này thảy đều tai hại.
Chúng tôi không thể nói tất cả chuyện đó cho Fuhrer, một trong những sĩ quan nói với tôi. Chúng tôi phải tìm cách giải quyết êm đẹp tình trạng đó mà Fuhrer không biết.
Ba ngày sau, người ta quên bảo tôi ra ngoài khi cuộc thuyết trình về các mặt trận khác bắt đầu. Sĩ quan có trách nhiệm báo cáo không dám dấu tình trạng tệ hại tại khu vực này. Hitler vừa ngồi xuống đã nhảy chồm lên.
- Tại sao tôi không được báo cáo sớm hơn? - Ông ta vừa hét vừa ném thật mạnh các cây bút chì khiến chúng lăn long lóc và rơi xuống đất.
Bối rối, tất cả đều giữ im lặng, trong khi Fuhrer để cho cơn giận bùng nổ, lần lượt Đại Tướng Jodl, Bộ Tổng Tư Lệnh tối cao Không quân phải đón nhận. Phần tôi, tôi cố thu người lại thật nhỏ, ít ra là trong phạm vi có thể được. Tôi cảm thấy khó thở, muốn đi ra chỗ khác. Các người trách nhiệm phải chịu xát xà phòng trước một cử tọa đông đúc đến thế sao? Đột nhiên, Hitler trở lại bình tĩnh và quay về phía một Tướng lãnh khác để đặt vài câu hỏi chính xác.
- Chúng ta còn quân trừ bị trong khu vực đó không? Liệu có thể đưa một tàu đạn dược đến kịp không? Gần đó có đơn vị công binh nặng nào không?
Và đó là lúc bắt đầu công việc vá víu tạm bợ thật khó khăn và tế nhị. Bằng cách sử dụng tất cả lực lượng trừ bị, các biện pháp đầu tiên đã thành hình nhằm mục tiêu cứu vãn chỗ nguy cấp nhất, lần này dù hay dù dở, mọi chuyện lại được dàn xếp xong. Vào buổi chiều, tôi gặp nhiều sĩ quan quen biết từ lâu. Tất cả đều bi quan. Tin tức không có gì đáng vui, đó là sự thật. Một tia nắng mặt trời duy nhất chiếu trên quang cảnh hoàng hôn ảm đạm này: Lúc đó, có phần chán nản, tôi thơ thẩn theo các lối đi trong vườn và đột ngột gặp Hanna Reitsch. Cô báo tin là vừa đưa Tướng Von Greim về Tổng Hành Dinh, đây là một trong các Tướng lãnh Không quân chính yếu, cô cũng mời tôi đến thăm trại. Vào nửa đêm, sau bảng “tình hình tối”, tôi mò mẫm tìm đến doanh trại dành cho các quan khách đặt biệt. Trong một căn phòng rộng, một loại living room, Hanna giới thiệu tôi với Tướng Von Greim – khuôn mặt dịu dàng và dễ có cảm tình, nét mặt rành rẽ, mái tóc trắng như tuyết. Lập tức bỏ rơi các lời giáo đầu tầm thường, câu chuyện của chúng tôi hướng đến hai vấn đề mà có thể xem là cùng một bản chất: vấn đề Chiến tranh và vấn đề Không quân. Tôi ngơ ngẩn khi thấy trong giờ phút này mà ông Tướng còn châm biếm đùa cợt được! Ông giải thích lý do được triệu dụng về G.Q.G: Fuhrer muốn cách chức Thống chế Goering và giao quyền chỉ huy Không quân cho Von Greim. Tuy nhiên Goering còn giữ quyền quản trị nhân sự, trong khi Von Greim đòi có toàn quyền. Hiện tại vấn đề còn để đó, Hitler chưa quyết định gì cả. Với vẻ giận dữ đặc biệt, Von Greim chỉ trích Bộ Tham mưu Không quân kịch liệt, nhất là Goering.
- Không quân đã ngủ quên trên chiến thắng. Tôi đồng ý là rất xứng đáng trong những năm 1939-1940 nhưng Không quân đã không nghĩ đến ngày mai. Những lời tuyên bố của Goering: Không lực của chúng ta là vô địch, nhanh nhất, can đảm nhất thế giới – những câu nói đó không đủ mang lại chiến thắng sau cùng, - Von Greim nói một cách chua chát.
Và rồi ông mô tả một bức tranh bi quan của tình hình không quân Đức. Hiện nay tôi không nhớ được hết các chi tiết, tôi chỉ còn nhớ rằng ông Tướng nhìn thấy một tia hy vọng, có thể nói là hy vọng độc nhất: các phi cơ săn giặc phản lực sắp được đem ra sử dụng. Rất có thể nhờ loại máy bay này chúng tôi đẩy lui được các cuộc oanh tạc không ngừng của Đồng minh và tái chiếm ưu thế không quân, ít ra cũng trong một vài khu vực. Nhưng tôi tự hỏi liệu với một chút thiện chí, người ta có cung cấp kịp thời cho phi công chúng tôi các loại máy bay đó không. Tôi biết là cuộc nghiên cứu loại phi cơ này đã hoàn tất năm 1942. Liệu trong lịch sử cuộc chiến tranh này, một lần nữa lại có một chương trong vô số chương mang danh “quá chậm” nữa hay không.