Chương XIV
Tác giả: Otto Skorzeny
Khi trở lại Friedenthal tôi thấy các sĩ quan của tôi đã dấn thân vào các xô xát đầu tiên của một trận chiến tranh thật sự chống lại hệ thống thư lại tại cơ quan trung ương Waffen SS. Chiến tranh đã bùng nổ nhân khi thiết lập các hồ sơ “cấp số” và “vũ khí” – hồ sơ bắt buộc phải có đối với mỗi đơn vị - trong đó chúng tôi đã liệt kê tỉ mỉ nhu cầu. Với trí óc u mê của các chiến binh thuần túy chúng tôi tin là các yêu cầu sẽ được thỏa mãn hết. Cơ quan Trung ương báo cho chúng tôi biết là đề nghị được chấp thuận. Tràn trề hy vọng, chúng tôi nghiên cứu bản văn huấn lệnh chung cuộc, để thiết lập Tiểu đoàn khinh binh thứ 502 đặt dưới quyền chỉ huy của “chỉ huy trưởng các toán xung kích” Otto Skorzeny. Nhưng đến hàng chót của huấn lệnh chúng tôi giật nảy mình khi đọc: Tuy nhiên, cơ quan Trung ương Waffen SS đã minh xác rằng đơn vị sắp được tổ chức sẽ không thể đòi hỏi cung cấp vật liệu lẫn biệt phái nhân viên.
Thoạt tiên, chúng tôi không biết nên khóc hay cười. Sau đó một lúc, chúng tôi quyết định nhìn vụ này dưới khía cạnh thuần túy khôi hài, và tìm mọi cách để xoay ngược lối xếp đặt tai hại này: vét sạch các cơ xưởng mà không hề biết xấu hổ, và tuyển mộ người từ khắp các đơn vị của Lục quân. Cứ như thế, chúng tôi tập họp dần dần binh sĩ xuất thân từ đủ loại binh chủng: bộ binh, không quân, hải quân và Waffen SS, điều này, tuy vậy không ngăn cản được chúng tôi đào tạo một đơn vị hoàn toàn thuần nhất.
Đến tháng 2 năm 1944, lãnh vực thực sự của chúng tôi - các cuộc hành quân cảm tử - trở nên rộng lớn hơn vì có sự sáp nhập của một đơn vị mà công chúng vẫn gán cho một cái tên chế diễu "quân đội bí mật". Thoạt tiên tôi được lệnh phụ trách một khía cạnh đặc biệt của cuộc chiến đấu trên biển. Từ khi Bắc Ý, dưới sự lãnh đạo của ông Duce, chiến đấu trở lại cạnh chúng tôi, dây liên lạc giữa quân đội Đức và Ý lại được thắt chặt. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ đó, tôi được dịp nghiên cứu tại chỗ nỗ lực đáng kể của một trong những đơn vị ưu tú của Ý: Hải đội Mas Flottila thứ 10, lúc đó đặt dưới quyền chỉ huy của hoàng tử Borghese.
Đơn vị này đã hoàn thành nhiều "vũ khí thứ cấp" nhằm vào các cuộc đột kích chống hạm đội Đồng minh. Trong số các chiến cụ được mang ra trình bày với tôi, tôi đặc biệt chú trọng đến một loại khinh tốc đỉnh được nhồi đầy thuốc nổ, chỉ do một người duy nhất điều khiển; khi đến gần mục tiêu, tài công sẽ nhẩy xuống nước. Cũng trong cùng mục đích đó, người Ý còn xử dụng một loại thủy lôi kiểu đặc biệt do quân nhân mặc áo lặn điều khiển và như vậy, có thể mang theo các đầu đạn khổng lồ cho đến chiến hạm địch. Với các vũ khí này, cảm tử Ý, nhờ lòng can đảm vô biên, đã thực hiện thành công hai cuộc đột kích hấp dẫn nhắm vào các chiến hạm Đồng minh. Lần thứ nhất, trong cảng Alexandria, lần thứ hai trong vũng tàu đậu chính tại Gibraltar. Mặt khác, hải đội "Mas Flottila thứ 10" còn gồm một đơn vị người nhái, đó là những tay bơi lội kỳ lạ, họ lặn xuống nước bơi gần đến tầu địch, gắn các khối chất nổ vào hông tầu; họ mang các chân vịt bằng cao su, nhờ đó, có thể đạt được, trên cũng như dưới mặt nước, những tốc độ đáng kể bằng một sức cố gắng tối thiểu. Mang chân vịt loại này, một Đại úy Đức đã một mình đánh đắm được một thương thuyền 50.000 tấn của Đồng minh.
Một hôm, tôi nhận được lệnh tiếp xúc với phó Đô đốc Heye, Tư lệnh các đơn vị đặc biệt mà Hải quân Đức vừa thành lập. Do ý muốn của Himmler, những quân nhân ưu tú nhất của tiểu đoàn tôi phải tham dự khóa huấn luyện "cảm tử quân" này.
Những ý tưởng căn bản mà phó Đô đốc trình bầy đã làm tôi kinh ngạc. Ngoại trừ tiềm thủy đỉnh, tàu vớt mìn và khinh tốc đỉnh, hải quân Đức chưa đủ sức xuất hiện và chiến đấu với hạm đội Đồng minh trong những trận chiến có đội hình. Như vậy, hạm đội đã phải giữ tình trạng thụ động nếu không nói là hoàn toàn bất lực. Trong khi đó nhiều quân nhân hải quân đầy nhiệt tâm và ưa chiến đấu đã đòi hỏi sứ mạng mới. Để xử dụng các động năng quí giá này, phó Đô đốc Heye và cộng sự viên của ông đã làm việc cật lực để cung cấp cho những người này các vũ khí bí mật, đặc biệt hữu hiệu. Lẽ dĩ nhiên, họ lợi dụng được kinh nghiệm của người Ý trong cùng một lĩnh vực. Trước hết chúng tôi thử dùng tất cả những gì có sẵn. Tất cả chúng tôi đều biết là không nên phí thì giờ. Chiến tranh sắp chấm dứt. Do đó, các kỹ sư của Hải quân đề nghị dùng thủy lôi thường: người ta lấy chất nổ ra, gắn phía trước một nắp tròn bằng kính, trang bị một hệ thống định hướng, và kèm dưới bụng một thủy lôi thứ hai có chất nổ. Như vậy, loại thủy lôi do người điều khiển đã sẵn sàng để sử dụng với một tầm hoạt động thực hành vào khoảng 10 hải lý.
Chúng tôi ý thức được tính cách đơn sơ vả thiếu sót của những "tên mọi đen", danh hiệu mật mã để gọi thứ khí cụ này. Nhưng chúng tôi nhận thấy ngay là một lần nữa, có thể trông đợi vào yếu tố bất ngờ. Lần thử đầu tiên loại khí giới mới này đã mang lại cho chúng tôi thành công hoàn toàn. Vào lúc hừng đông của một ngày đẹp trời mùa hạ, 20 người thuộc "Đơn vị hải quân đặc biệt" đã hạ thủy các "tên mọi đen" nhắm về phía Bắc đầu cầu hải quân Đồng minh tại hải cảng Anzio. Trong vài phút, họ đến nơi, không bị phát giác và trông thấy mục tiêu, đó là một khu tập trung vô số chiến thuyền và thương thuyền. Bằng cần điều khiển, họ phóng ra các thủy lôi bên dưới, vài phút sau nhiều tiếng nổ kinh hồn vang lên ngay hạm đội địch: một tuần dương hạm bị thiệt hại nặng nề, một tàu phóng ngư lôi bị chìm, hơn 30.000 tấn thương thuyền bị chìm hoặc thiệt hại - đó là bảng kết toán của hành động do một số ít chiến sĩ gan dạ thực hiện. Bảy chiến sĩ trở về được ngay, mang theo khí cụ chuyên chở thủy lôi, sáu người khác lần được vào bờ bên trong đầu cầu Đồng minh, vượt qua khu vực địch quân suốt đêm và trở lại vị trí xuất phát. Bảy người còn lại đã hy sinh trong những lớp sóng dồn. Tiếp theo đó, các cuộc đột kích trong vùng biển Địa trung hải và biển Manche, cũng đem lại nhiều thành tích khác, mặc dù kém quan trọng hơn. Lẽ tất nhiên, địch quân nhận biết ngay các nắp kính của loại "thủy lôi biến chế", họ ý thức được rằng sự xuất hiện của chúng có nghĩa là mối nguy hiểm chết người. Ngay khi thám sát viên thấy một thủy lôi biến chế của chúng tôi, tất cả chiến thuyền địch đồng loạt khai hỏa các vũ khí phụ. Nhiều lần chúng tôi lừa được quân Anh, Mỹ: lúc gần sáng - phải cần gió thuận và thủy lưu thích hợp - chúng tôi thả các thủy lôi biến chế không mang theo gì cả để chúng nổi trên mặt nước. Mỗi lần như vậy, đối phương bắn ào ạt vào các mục tiêu vô hại đó. Nhờ kế "nghi binh" này, nhiều "tên mọi đen" thật, từ các hướng khác, có thể tiến gần mục tiêu và phóng các thủy lôi mang dưới bụng mà không bị phát giác.
Mặt khác, chúng tôi cũng sử dụng càng ngày càng nhiều loại ca-nô chứa đầy chất nổ - tên mật mã lả "thấu kính" - được điều khiển từ xa theo các nguyên tắc đã áp dụng cho loại chiến xa tí hon nổi tiếng "Goliath", chứa đầy chất nổ. Một sự sắp xếp khéo léo đã làm gia tăng rất đáng kể hiệu năng của các "thấu kính": đúng lúc chiếc ca nô chạm mục tiêu, khối chất nổ được thả ra, chìm xuống nước dọc theo hông tàu và chỉ phát nổ dưới một chiều sâu nào đó, lỗ hổng bị phá vỡ bên sườn luôn làm thiệt hại lớn lao cho chiến thuyền địch. Nhờ các "thấu kính", chúng tôi tổ chức được nhiều cuộc đột kích thành công tại Địa trung hải và nhất là để chống lại các cuộc tập trung hải lực của Đồng minh ở bờ biển Normandie. Về phần các tiềm thủy đỉnh bỏ túi, được người Nhật sử dụng lần đầu tiên, và người Anh sử dụng một lần duy nhất tại Thụy Điển, chúng tôi có nhiểu kiểu và xử dụng trong nhiều cuộc đột kích tốn kém. Cho đến khi chiến tranh chấm dứt, cơ sở kỹ thuật của hải quân còn cố gắng hoàn thiện loại khí giới này, tuy nhiên kết quả là không làm cho hữu hiệu hơn và đặc thù hơn (được?).
Ngay từ mùa xuân 1944, chúng tôi đã tự hỏi cuộc đổ bộ sắp đến của Đồng minh lên phía Tây Âu châu sẽ xẩy ra tại địa điểm nào. Chúng tôi biết sẽ có cuộc đổ bộ và chúng tôi cảm thấy nó gần kề rồi. Vào tháng năm, tôi có dịp xem các không ảnh những hải cảng phía Tây nam Anh quốc, và cũng giống như mọi người, tôi điên đầu đoán không ra ý nghĩa của những khối mầu xám hình chữ nhật, neo suốt dọc các bến tầu. Mãi về sau, chúng tôi mới biết đó là các bộ phận tiền chế của một hải cảng nhân tạo dành cho cuộc đổ bộ sắp đến.
Cũng vào thời kỳ đó, chúng tôi cũng đã bắt đầu tự hỏi làm thế nào để đóng góp vào sự khuấy phá các đợt đổ quân tăng cường và các sự sắp xếp vị trí lực lượng của Đồng minh, vài ngày sau cuộc đổ bộ: Trước hết tôi được Bộ tư lệnh Hải quân thông báo mật các địa điểm mà hải quân suy đoán là có thể mở cuộc đổ bộ. Trên một danh sách gồm 10 địa điểm chạy từ bán đảo Contentin, Cherbourg được ghi hàng đầu như là địa điểm có thể có cuộc đổ bộ; tôi cũng khám phá thấy ở đó có những chỉ dẫn về bờ biển, bãi cát, có thể cho phép một cuộc đổ bộ của Đồng minh. Căn cứ trên danh sách này, chúng tôi hoạch định một kế hoạch đặc biệt, thích ứng với điều kiện đặc thù của 10 địa điểm ấy. Chúng tôi đã đề nghị di chuyển ngay vài "Đơn vị hải quân đặc biệt" đến dãy bờ biển này để chuẩn bị các cuộc hành quân chống các trung tâm truyển tin và chỉ huy của địch. Chúng tôi dự liệu chôn trước các khối chất nổ và khi cần, điều khiển cho nổ từ xa bằng máy vô tuyến, một kiểu mới vẫn được gắn trên phi cơ của chúng tôi.
Lẽ tất nhiên chúng tôi phải trình kế hoạch và phải được sự chấp thuận của Bộ tư lệnh quân đội Đức tại chiến trường miền Tây. Sau nhiều lần yêu cầu trả lời, chúng tôi được các công sở bị công việc tràn ngập hoàn toàn, trả lời như sau: Trên nguyên tắc, kế hoạch do các chuyên viên của đơn vị cảm tử thuộc quyền Thiếu tá Skorzeny thiết lập, đã dựa trên các ước tính tình hình rất đúng và kế hoạch đó có thể thực hiện được. Thế nhưng - cũng giống như mọi khi, bao giờ cũng có chữ nhưng - chúng tôi không thể cấp các phương tiện cần thiết vì như thế sẽ làm cho các đơn vị quân đội Đức đồn trú dọc theo bờ biển chú ý. Tất cả các biện pháp loại này, nếu được thi hành, sẽ gây hậu quả làm mất niềm tin của quân sĩ và làm cho bức tường Đại tây dương trở nên tuyệt đối tầm thường. Vì lý do đó, chúng tôi buộc lòng phải bác bỏ toàn bộ kế hoạch nói trên. Ký tên không rõ (như thường lệ) - Không còn bình luận gì được nữa.....
Lẽ tự nhiên, chúng tôi cũng đã thử sáng tạo các loại vũ khí mới trong lĩnh vực hàng không. Từ ít lâu nay, phi đoàn chiến đấu thứ 200 đã có nhiều kinh nghiệm. Một vài phi công cũng đã nghĩ đến các cuộc hành quân tự sát, nghĩa là đề nghị tình nguyện lao cùng phi cơ chứa đầy bom và chất nổ xuống mục tiêu chỉ định, thông thường là các chiến hạm. Nhưng hình như Fuhrer đã bác bỏ vì các lý do triết lý: thật vậy, theo ông sự hy sinh đó không tương ứng, vừa với tính cách dân da trắng, vừa với tâm tính của dân tộc Đức. Theo ý ông, chúng tôi không nên bắt chước các quân nhân tình nguyện đi tìm cái chết của Nhật bản.
Một vài tuần trước cuộc đổ bộ của Đồng minh, tôi có dịp làm quen với nữ phi công Hanna Reitsch và cuộc tiếp xúc đầu tiên này đã mở cho tôi những chân trời mới lạ. Với một vẻ điềm tĩnh kỳ lạ nơi một phụ nữ mảnh mai, trước hết cô bảo với tôi rằng một người yêu nước thật sự không nên đánh giá quá cao mạng sống của mình khi số phận đất nước bị đe dọa, tiếp theo đó cô giải thích những ý nghĩ thầm kín của cô, có lẽ những biến chuyển sẽ dồn dập xảy đến một cách bi thảm khiến chúng ta bắt buộc phải kêu gọi những người "tình nguyện đi tìm cái chết". Nhưng trong viễn cảnh đó, bổn phận của chúng ta là tìm cách tối thiểu giúp các phi công thoát thân. Về điểm này có lẽ Hanna Reitsch có lý: tôi có thể nhận thấy sau đó niềm phấn khởi và tinh thần hăng hái của các quân nhân tình nguyện gia tăng gấp đôi ngay sau khi người ta thông báo một cơ may, dù rất nhỏ, có thể trở về bình an vô sự.
Vài ngày sau cuộc tiếp xúc đó, tôi được phép viếng thăm một địa điểm thí nghiệm các vũ khí bí mật "V" tại Peenemunde trên đảo Usedom, trong biển Batique. Hiện tại, tôi nghĩ rằng viên kỹ sư hướng dẫn tôi lúc đó chưa chỉ cho tôi xem tất cả, bởi vì vào thời kỳ này, người ta đang thí nghiệm "một vũ khí trả đũa". Ngược lại, tôi được phép nghiên cứu thật kỹ một chiếc V1 và tham dự cuộc phóng một trong những hỏa tiễn này. Đúng lúc đó tôi có ý tưởng làm thử, với trái bom bay này, những gì chúng tôi đã thực hiện với loại thủy lôi của hải quân: nghĩa là dùng một người lái hỏa tiễn.
Sau nhiều cuộc thảo luận dằng dai với các cấp chỉ huy và chuyên viên bộ Không lực, tôi thành công bằng cách nhấn mạnh rằng Fuhrer muốn bắt đầu ngay các cuộc thí nghiệm và phải thông báo cho ông kết quả cuộc thí nghiệm ngay lập tức. Thật ra, cái được gọi là ý muốn của Fuhrer chỉ là chuyện do tôi bịa đặt. Tuy nhiên, mưu kế của tôi đã quét sạch các chống đối của những ông này - lạ hơn nữa là trước đó mấy tháng, Hanna Reitsch cũng có ý tưởng như tôi, nhưng đã thất bại hoàn toàn trước sức đề kháng mãnh liệt của đám thư lại. Người ta cung cấp cho tôi địa điểm, máy móc, kỹ sư, cơ khí viên mà tôi cần. Và 15 ngày sau - một thời gian kỷ lục - các cuộc thí nghiệm đầu tiên khởi sự.
Một chiếc V1, do một phi công lái, được móc vào bụng một chiếc Henkel 111 như một cọng rơm. Đến độ cao chừng 1000 thước, chiếc V1 tách rời ra và bằng tốc độ 600 cây số một giờ đã bỏ chiếc Henkel to lớn với tốc độ 300km/giờ lại đằng sau như đứng yên trên không. Viên phi công lượn vài vòng lớn, rồi giảm tốc độ và tìm cách đáp xuống. Lần đầu tiên, anh ta bay ngược gió dọc theo chiều dài của phi đạo, và cách mặt đất 50 thước.
- Lạy trời, - chúng tôi thầm thì. - Hắn ta chưa giảm đủ tốc độ - miễn sao cho mọi sự êm xuôi.
Viên phi công lượn vòng và đáp xuống lần thứ nhì. Lần này, hình như anh ta muốn đáp thật, chiếc V1 gần như chạm mặt đất, chỉ cách hai hay ba thước. Nhưng không - có lẽ anh ta thay đổi ý định vào phút chót. Đáng lẽ đáp xuống, anh ta bay lên lại, từ từ và lượn một vòng thứ ba, trở lại trên phi đạo và rồi biến cố đã xẩy đến: anh ta vẫn chưa đáp được xuống mặt đất, cố thử, tiến đến đầu phi đạo, nhảy lên một ngọn đồi - chúng tôi còn thấy bụng của nó chạm ngọn cây, trước khi nó biến mất sau đỉnh đồi. Một lúc sau, hai cột bụi mù bốc cao báo hiệu tai nạn đã xẩy ra.
Cùng với hai y tá, tôi nhẩy lên một thiết vận xa và đi sâu vào cánh đồng hướng về phía chiếc V1 bị rơi. Từ xa chúng tôi đã thấy các mảnh vụn của chiếc V1, nơi này một cánh, nơi kia một cánh, ở giữa là động cơ, may thay không bị cháy. Cách đó mười thước, viên phi công nằm co quắp - anh ta cử động cánh tay một cách yếu ớt. Trước khi bị bể tan, anh ta đã đẩy được nắp kính và bắn ra ngoài. Lúc đó anh ta không thể nói gì và được chúng tôi đưa về bệnh viện. Chúng tôi thử tìm cách giải thích tai nạn bằng cách nghiên cứu luống đất bị cày thật sâu. Theo chỗ chúng tôi biết, viên phi công có ý định đáp trong cánh đồng. Nhưng tại sao?
Các chuyên viên kỹ thuật mất công mò mẫm, dò xét từng mảnh kim khí, họ không khám phá được điều gì có thể giúp chúng tôi vén màn bí mật. Hôm sau chúng tôi thử lại với một phi công khác. Mọi chuyện đều giống y như chuyến bay thử đầu tiên: chiếc V1 tách khỏi phi cơ mẹ, lần này viên phi công lượn thêm vài vòng và tìm cách đáp, nhưng không chạm được phi đạo và bị bể tan gần như cùng một chỗ cũ. Phi công lại bị thương nặng và cũng không nói được. Hanna Reitsch tỏ ra rất rầu rĩ. Chúng tôi biết sau hai lần thất bại vừa qua, cơ sở kỹ thuật sẽ cấm, dù là tạm thời, theo đuổi cuộc thí nghiệm. Hôm sau nữa, các phi công đã khá hơn và có thể nói chuyện được. Họ nói lờ mờ về sự rung chuyển cần lái, nhưng họ không cho chúng tôi các lời giải thích nào có giá trị về nguyên nhân của hai tai nạn giống nhau.
Nhưng vài ngày sau, Hanna Reitsch đến thăm tôi cùng với viên kỹ sư phụ trách chế tạo chiếc V1 biến cải và một kỹ sư của Bộ Không quân. Trước vẻ ngạc nhiên của tôi – tôi chờ được báo tin là ý định của mình bị vĩnh viễn xếp vào loại “ đề nghị lố lăng” – Hanna tuyên bố đã tìm được nguyên nhân của các tai nạn. Tại văn phòng nhân viên trung ương, cô đã tham khảo các phiếu lý lịch cá nhân của hai viên phi công bay thử, và khám phá ra rằng cả hai chưa hề có cơ hội lái loại phi cơ bay mau như thế. Chắc chắn phải có một số kinh nghiệm nào đó mới chế ngự được một loại máy bay nhỏ với tốc độ lớn như vậy. Hiện tại, Hanna Reitsch và hai viên kỹ sư đều cho rằng Bộ Không quân đã sai lầm khi kết luận nguyên nhân của hai tai nạn trên là sự sơ sót trong khi chế tạo. Để chứng minh lòng tin tuyệt đối của họ vào chiếc V1 có thể lái được của tôi, cả ba người đề nghị sẵn sàng bay thử trên những chiếc sắp được chế tạo xong. Đề nghị thật quyến rũ – tuy nhiên còn có vấn đề nan giải: lệnh cấm tiếp tục các cuộc thí nghiệm. Tôi biết rằng Bộ Không quân sẽ không nhượng bộ. Nhưng Hanna Reitsch và hai viên kỹ sư đã bị dự án của tôi quyến rũ rõ rệt, lệnh cấm đối với họ không quan trọng mấy; họ bất cần, miễn là được tôi chấp nhận. Tôi bối rối, làm sao đây?
- Cô hãy nghe tôi, Hanna, - tôi bảo, - nếu có chuyện gì xảy ra cho cô, chính Fuhrer sẽ cắt đầu tôi.
Nhưng họ vẫn nài nỉ, với tất cả nhiệt tình, và tôi bắt đầu thấy mềm lòng. Hanna biết cách khéo léo tìm chỗ yếu của tôi, nhất là bằng cách kêu gọi ý thức bổn phận của tôi, và gợi câu thành ngữ cổ điển: một quân nhân chân chính có lúc phải nhận trách nhiệm trái lệnh thượng cấp. Cuối cùng tôi đành nhượng bộ, miễn cưỡng. Chúng tôi hy vọng “nắm” được viên chỉ huy phi trường bằng cách bảo rằng Bộ Không quân đã cho phép miệng tiếp tục các cuộc thí nghiệm.
Hôm sau, khi Hanna Reitsch khép chặt nắp kính trên chiếc V1, tim tôi đập dữ. Tuy nhiên, mọi chuyện xảy ra rất tốt đẹp: ngay khi chiếc V1 tách khỏi phi cơ mẹ, Hanna biểu diễn vài vòng lượn bay bướm, và rồi cô tiến gần phi đạo với một tốc độ điên cuồng. Mồ hôi lạnh chảy dọc sống lưng tôi – chiếc V1 chạm đất, một đám bụi bốc cao, và chạy cho đến cuối phi đạo. Chúng tôi chạy nhào đến và vui sướng giúp đưa ra khỏi phi cơ một phụ nữ rạng rỡ vì hài lòng.
- Quả thật cừ khôi, - cô nói, vẻ hân hoan rõ rệt.
Tiếp theo đó, đến phiên hai kỹ sư thử loại máy bay của tôi. Bộ ba đã thực hiện tất cả 20 chuyến bay thử và cả 20 lần đáp đều thành công. Không còn nghi ngờ gì nữa – kỹ thuật chế tạo rất hoàn hảo.
Buổi chiều, khi tôi báo cáo lên Thống chế không quân Milch, ông ta tái mặt.
- Hành động điên cuồng này đáng đưa anh ra pháp trường, - ông tuyên bố giọng bi thảm mà không ý thức rằng điều tiên tri đen tối này đã đến hơi chậm.
Tuy nhiên tôi cũng xin được ông cho phép tiếp tục các cuộc thí nghiệm và bắt đầu đào tạo phi công. Ngày hôm sau, cơ xưởng của chúng tôi bắt đầu chế tạo máy bay hàng loạt, một vài chiếc đầu được dùng để thí nghiệm và hoàn thiện thêm, sau cùng, phi cơ sẵn sàng để chiến đấu. Trong khi chờ đợi, tôi chọn lựa 30 cựu phi công trong số người thuộc “đơn vị đặc biệt” của tôi, bên cạnh đó, Không quân phái cho tôi 60 phi công tình nguyện và họ mới vừa đến Friedenthal – chúng tôi có thể bắt tay vào việc được rồi.
Tôi đã yêu cầu cơ quan phụ trách nhiên liệu của Bộ Không quân cung cấp 5 thước khối xăng cho mỗi chiếc phi cơ của tôi. Thế mà không ngờ rằng chúng tôi đã không đủ lý lẽ để vượt qua trở ngại này. Nhiều tuần lễ trôi qua, một lần chúng tôi nhận được 10 rồi 15 thước khối. Nhưng đợt cung cấp qui mô như đã được hứa thì vẫn chưa thấy đến. Tôi chạy từ văn phòng này đến văn phòng kia mòn gót giày, khắp nơi tôi chỉ nhận được các lời hứa hẹn mơ hồ hoặc là các lời từ chối vì bất lực. Mùa thu năm 1944, tôi bỏ rơi dự án. Như thế công trình kỹ thuật và ngay cả công cuộc chuẩn bị chiến thuật của chúng tôi đã trở thành vô ích. Chúng tôi còn dự trù phóng một chiếc V1 gắn vào giữa một chùm phi đạn không người lái, làm cho chiếc V1 này như chìm trong một khối. Hiện tại, không nên nghĩ đến điều đó nữa. Tôi chỉ còn giữ lại các phi công Không quân biệt phái, và tôi có thể nói rằng, dù bị coi như là “thấp hèn”, họ vẫn thi hành phận sự cho đến phút cuối cùng.
Vào đầu mùa đông năm 1944, tôi lại có cơ hội, nếu không phải là để phụ trách khai thác khả năng của V1 thì ít ra cũng là để bàn luận đến nó. Được gọi đến bản doanh của Himmler để minh xác một vài chi tiết liên quan đến vai trò của tôi trong cuộc phản công tại vùng Ardennes, và do lời yêu cầu của ông ta, tôi cũng đã trình bày tình trạng nghiên cứu khoa học của các chuyên gia kỹ thuật thuộc Không và Hải quân trong việc phát triển các vũ khí bí mật. Khi tôi trình bày rằng hiện người ta đang nghiên cứu khả năng phóng một hỏa tiễn V1 từ một tiềm thủy đỉnh, Himmler đứng bật ngay dậy, tiến về phía một bản đồ thế giới vĩ đại đặt gần bàn giấy và ngắm nghía thật lâu.
- Vậy thì ta có thể tiên liệu một cuộc oanh kích vào New York bằng V1? - Ông hỏi.
- Chắc chắn như vậy, ít ra là về lý thuyết. Nếu các kỹ sư có thể chế tạo một giàn phòng ráp nối dễ dàng và mau lẹ trên sân một tiềm thủy đỉnh lớn, loại tiếp liệu…
Himmler, luôn luôn là người có các quyết định đột ngột, ngắt lời tôi:
- Tôi sẽ nói ngay việc này với Fuhrer và Thủy sư Đô Đốc Doenitz. Trong một tương lai gần, New York phải bị V1 của ta oanh kích. Phần anh, Skorzeny, tôi yêu cầu anh tích cực đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở kỹ thuật để cho sự phối hợp V1 và tiềm thủy đỉnh được hoàn tất sớm chừng nào tốt chừng đó.
Thành thật mà nói, tôi không bao giờ chờ đợi một niềm phấn khởi tức thời như vậy, vì nhiều lý do, tôi tính rằng ông Reichsfuhrer SS đã có một quan niệm sai lầm về vấn đề này. Mặt khác, tôi tò mò muốn biết quan niệm của hai người khác có mặt trong cuộc tiếp xúc – Bộ trưởng Kaltenbrunner và vị chỉ huy cũ của tôi, Schellenberg, nay đã trở thành người lãnh đạo tất cả các cơ sở an ninh tình báo của Đức, từ khi Canaris bị thất sủng. Thế nhưng ông thứ nhứt giữ hoàn toàn im lặng, ông thứ hai chỉ gật gật đầu tán đồng, không những lúc Himmler nhìn ông mà cả khi ông Reichsfuhrer SS quay lưng lại. Tôi biết rằng ông ta luôn luôn lo âu tránh né một sự phát biểu quan điểm rõ rệt trước khi được biết rõ lập trường của cấp chỉ huy. Ông ta gọi thái độ thiếu can đảm này là “sự tế nhị ngoại giao”. Trong thực tế, bằng cách hành động như vậy, không bao giờ ông ta bị lầm lỗi. Mặc kệ - nếu các ông này sợ liên minh, tôi liều:
- Thưa Reichsfuhrer, tôi bắt buộc xin ông lưu ý đến mức độ chính xác chưa đầy đủ của loại V1. Như ông đã biết, bộ phận định hướng gắn ở đầu mũi phi đạn phải được điều chỉnh mỗi lần trước khi phóng – trong khi bay, ta chưa có thể sửa hướng đi của phi đạn. Lúc này mức độ chính xác của V1 chỉ được thể hiện trong vòng 8km, nghĩa là phi đạn sẽ rơi vào một nơi nào đó trong một vòng bán kính 8km chung quanh mục tiêu. Tầm sai lạc còn lớn hơn nếu phi đạn được phi cơ phóng đi, chẳng hạn do một chiếc Henkel 111 – chúng ta hiện phóng các bom bay qua Anh quốc trong những điều kiện như thế; phi cơ của chúng ta cất cánh tại các căn cứ của ta ở Hòa-Lan.
Có lẽ sự lạc hướng sẽ còn lớn hơn nếu V1 được phóng từ một tiềm thủy đỉnh. Ngoài việc không thể định hướng trên mặt biển phẳng lặng, vào ban đêm, sức nhắm rất ít, còn phải kể thêm sự tròng trành lắc lư của tiềm thủy đỉnh: nếu chú ý rằng gia tốc không đáng kể của phi đạn trong khi trượt trên giàn phóng, một động tác nhỏ của tiềm thủy đỉnh sẽ đóng vai trò kinh khủng. Tóm lại, cũng không chắc là phi đạn có rơi được vào thành phố hay không dù là thành phố rất lớn.
Được khích lệ bởi sự im lặng của Himmler, tôi trình bày tiếp:
- Và chưa phải là hết: không lực không dám bảo đảm cho các tiềm thủy đỉnh tham dự chiến dịch, một sự che chở trên không phận địa điểm phóng phi đạn. Theo tin tình báo, bờ biển phía đông Hoa Kỳ được canh phòng quá chặt chẽ bằng các đợt tuần tiễu trên không phận và bằng một hệ thống trạm ra đa cực kỳ chặt chẽ.
Tôi có cảm tưởng Himmler không hề chú ý đến lời tôi nói, có vẻ như đang theo đuổi ý nghĩ riêng, bởi vì, thình lình ông dừng lại trước mặt tôi.
- Tôi tin rằng, - ông tuyên bố, - đây là một khả năng mới, hơn thế nữa, là cơ hội tuyệt diệu để tạo ảnh hưởng quyết định trong chiều hướng của cuộc chiến. Đây là lúc đến phiên dân Mỹ trực tiếp cảm thức hậu quả của các cuộc oanh tạc ngay trên đất nhà của họ. Cho đến nay dân Mỹ tin rằng họ tránh được tất cả mọi cuộc tấn công – Xứ sở của họ ở quá xa chiến trường. Theo ý tôi sự xúc động do một cuộc oanh kích New York tạo ra sẽ làm giảm lập tức tinh thần dân Mỹ. Đám dân đó không bao giờ chịu đựng nổi thử thách căng thằng thần kinh do bom bay tạo ra. Vả chăng tôi luôn luôn tin rằng dân Mỹ không có khả năng chống đỡ các đòn trực tiếp nhất là khi họ không chờ đợi điều đó.
Tôi thật không rõ ý nghĩ của người khác đối với lời khẳng quyết này, nhưng phần tôi, tôi vẫn hoài nghi. Chắc chắn tôi không có gì chống đối một cuộc không tập các thành phố Mỹ - Sự triệt hạ càng ngày càng dữ dội các thành phố của chúng tôi, số lượng nhà cửa sụp đổ điêu tàn, số người thương vong càng ngày càng lớn đủ biện minh cho ý muốn trả đũa của chúng tôi rồi. Nhưng tôi sợ rằng hiệu quả tâm lý mà V1 tạo ra trong dân chúng Mỹ sẽ hoàn toàn trái ngược với ước đoán của Himmler, và vì những người khác vẫn giữ thái độ câm nín, tôi liều một lần nữa:
- Thưa Reichsfuhrer, tôi tin rằng một chiến dịch như vậy e sẽ mang lại hậu quả trái ngược. Chính quyền Mỹ đã đặt nền tảng của hệ thống tuyên truyền trên khẩu hiệu: Đức quốc đe dọa an ninh của chúng ta. Đến nay nếu New York bị V1 oanh kích, dân Mỹ sẽ thấy rằng mối đe dọa đó là có thật. Mà trong tập thể dân chúng Mỹ, thành phần gốc Anh chiếm đa số. Và dân Anh đã cho chúng ta thấy, đến lúc tổ quốc lâm nguy, khả năng đề kháng của họ lên cao không ngờ.
Thấy Himmler tỏ vẻ chăm chú nghe, tôi bạo dạn hơn:
- Nhờ phi đạn V1, ta có thể giáng một đòn khủng khiếp vào tâm lý dân Mỹ, nhưng với điều kiện là phóng thật trúng vài đầu đạn vào một vài đích định trước. Theo ý tôi, mục tiêu phải đạt được sẽ như sau: Đài phát thanh Đức sẽ loan báo một ngày và nếu có thể, một giờ trước rằng một tòa nhà nào đó phải được xác định rõ, nằm trong trung tâm New York sẽ bị V1 phá hủy. Đó mới là một đòn chí tử - hiểu theo cả hai nghĩa: vật chất và nhất là tinh thần.
Vì Himmler có vẻ thích thú, tôi trình bày vắn tắt tình hình nghiên cứu của các nhà bác học nhằm gia tăng độ chính xác của V1. Vào thời đó, công việc được tổ chức theo hai chiều hướng: một mặt, người ta tìm cách hoàn thiện một bộ phận đính hướng bằng làn sóng Hertz – bộ phận này sẽ cho phép thay đổi hướng bay lúc phi đạn đang bay. Các máy phát sóng điều khiển sẽ được đặt gần địa điểm phóng phi đạn. Mặt khác, người ta thí nghiệm biến cải nguyên tắc đó: bộ phận định hướng sẽ được điều khiển bởi máy phát sóng đặt gần mục tiêu và chỉ tác động trong vài phút. Mặc dù sự biến cải này có vẻ dễ thực hiện, chúng tôi vẫn vấp phải hai khó khăn, một, có tánh cách kỹ thuật – vấn đề sức mạnh của máy phát sóng – và một có tánh cách thực hành: làm sao chúng tôi có thể đặt máy vào chỗ thích hợp cho đúng lúc? Nhiệm vụ này chỉ có thể giao cho các điệp viên; thế nhưng cho đến nay chúng tôi không đánh lừa nổi màn lưới phản gián của Mỹ. Mới đây, vài nhân viên của tôi đã đổ bộ bằng tiềm thủy đỉnh lên bờ Đại Tây Dương của Hoa Kỳ, họ bị bắt tức khắc.
Vẻ ưu tư, Himmler lắng nghe tôi, mắt vẫn không rời khối lục địa Bắc Mỹ nặng nề trên bản đồ thế giới. Sau cùng ông thừa nhận, với vẻ tiếc rẻ rõ ràng, lúc này một cuộc oanh tạc New York bằng phi đạn V1 còn khó khăn quá và mạo hiểm quá. Dầu vậy, không muốn rút lại lệnh đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị, ông chỉ yêu cầu tôi thông báo các kết quả đạt được và nhất là các khám phá mới mà các nhà bác học có thể thực hiện trong lãnh vực đang bàn luận. Rồi câu chuyện xoay qua một đề tài khác.