Chương XXI
Tác giả: Otto Skorzeny
Ngày 30 tháng giêng 1945 một mệnh lệnh do Himmler ký đã chấm dứt vai trò lãnh đạo cảm tử quân của tôi. Thật vậy, tôi được giao phó nhiệm vụ, cùng với các "đơn vị đặc biệt" lập một đồn đầu cầu phía Đông sông Oder, gần Schwedt, và cố thủ bằng mọi giá để giúp chuẩn bị một "cuộc phản công sắp đến, sẽ phải xuất từ vùng đầu cầu này".
Sau nhiều khó khăn không tưởng tượng được, tôi tập họp thành công một số đơn vị khá dị dạng, để bố trí chặt chẽ địa điểm chỉ định, tôi cũng kiếm được một hỏa lực pháo binh tối thiểu và nhất là tái võ trang phần nào tinh thần binh sĩ. Đây chính là cả một sự sụp đổ chắc chắn, không thể cứu vãn được, không tránh được. Tất nhiên, phản công không còn là vấn đề nữa. Trở thành Tư lệnh Sư đoàn, tôi hết sức cố gắng trong vô vọng, tổ chức các cuộc tấn công hạn chế, nhưng liên tục, gây rối loạn sự sắp xếp, bố trí của các đơn vị Nga sô, chúng đang sắp sửa giáng cho chúng tôi đòn tối hậu. Chẳng bao lâu vùng đầu cầu của tôi trở thành một hòn đảo trong làn sóng hỗn độn gồm hằng triệu thường dân ty nạn và vô số đào binh. Tuy nhiên chúng tôi đứng vững cho đến ngày 28 tháng 2, ngày mà một công điện của Hitler, cho gọi tôi về Bá-linh. Lòng quặn đau, tôi giã biệt các "đơn vị đặc biệt" của tôi mà tôi không bao giờ còn được gặp lại.
Trong những tháng kế tiếp, sự tan rã của sức đề kháng quân sự của Đức đã được xác nhận. Tôi trải qua sự bối rối, chán nản, những cảnh tàn bạo xảy ra khắp nơi - đó là những kỷ niệm đau lòng mà tôi không mấy khi thích gợi lại. Ngày 10 tháng 4 năm 1945, tôi đang ở Áo, tại kinh thành Vienne, lúc đó gần như đã bị bao vây. Sáng hôm đó, đài phát thanh Đức loan báo:
- Bá-linh sẽ đứng vững mãi, Vienne sẽ được giải thoát!
Vài phút sau, quả đại bác đầu tiên của Nga sô rơi vào một công viên ngay trung tâm Bá- linh. Tại Vienne, tôi thấy rõ là tình thế đã tuyệt vọng: thành phố nơi chôn nhau cắt rốn của tôi đã bị quân Nga chiếm đóng, ngoại trừ một vài khu vực vẫn còn cầm cự như phép lạ.
Ngày 30 tháng 4 - lúc đang rút lui, cùng với một đơn vị nhỏ về phía dãy núi Alpes - tôi được tin Adolf Hitler đã chết. Thế là hết.
Ngày 6 tháng 5, Thủy sư Đô Đốc Doenitz, lãnh đạo tân Chính phủ đọc tuyên cáo chấm dứt thù nghịch. Từ hôm đó, tất cả các cuộc chuyển quân đều bị cấm chỉ. Nhưng tôi quyết định rút vào vùng núi Alpes với số binh sĩ và sĩ quan còn lại, vào vùng "Tauern". Lẽ tất nhiên, chiến khu Bavière (1) pháo đài sau cùng của những kẻ trung kiên cuối cùng không hề có, nó chỉ có trên giấy tờ mà thôi.
Và chúng tôi - Radl, Hunke, 3 binh sĩ và tôi - đang ở trong một căn nhà gỗ nhỏ bên trên thung lũng Radstalt. Chúng tôi biết một đơn vị Mỹ vừa chiếm đóng địa phương này. Vì tin rằng mình đang bị cơ quan tình báo Mỹ lùng kiếm, tôi báo cho đơn vị quân đội Mỹ biết là tôi sẽ đầu hàng tại đây trong vài ngày nữa. Hiện tại hãy tận hưởng không khí thanh bình đang tràn ngập cảnh vật. Không một tiếng trả lời . . .
Nhưng tôi không thể ở mãi trong căn lều này. Tôi lại gởi một điệp văn cho đơn vị quân đội Mỹ, yêu cầu cung cấp một chiếc xe vào ngày 15 tháng 5, lúc 10 giờ sáng để tôi có thể đi đến Salzbourg. Thật vậy, tôi có ý định đến gặp Bộ Tham mưu Sư đoàn Mỹ đóng tại thành phố ấy để nộp mình làm tù binh chiến tranh.
Trưa ngày 15 tháng 5, chúng tôi đến Salzbourg. Thoạt tiên chẳng ai thèm chú ý đến chúng tôi. Khi chúng tôi nhấn mạnh lời yêu cầu, người ta lại chuyển chúng tôi đến một địa phương kế cận, nơi đây, một Tiểu đoàn trưởng chấp nhận cho chúng tôi đầu hàng. Trước tiên, viên thông ngôn hỏi tên họ tôi. Kế đó, tôi phải nộp tất cả đồ vật trong các túi áo quần, người ta lục soát tôi...
Hiện tại, chiến tranh đã thật sự chấm dứt đối với chúng tôi. Tôi tin rằng đã làm hết bổn phận, cũng như bao nhiêu người khác, binh sĩ của tôi đã lăn xả vào các trận chiến khốc liệt, trên tất cả các trận tuyến - tất cả điều đó để rồi đi đến chỗ bại trận. Hiện tại, dù xảy ra thế nào đi nữa cũng đành chịu - Thế Chiến quốc, thế Xuân thu; gặp thời thế, thế thời phải thế! - Tôi chỉ còn là một tù nhân.
Dịch xong tại Đàlạt
mùa thu 1965
(1) Miền Tây nước Đức, dân số gần 10 triệu người, Thủ đô là Munich.