Cõi Ất Dậu
Tác giả: Phan Cung Việt
1. Mẹ sinh tôi vào giờ đói, ngày đói, tháng đói, năm đói. Đã thế lại còn giờ ất, ngày ất, tháng ất, năm ất. Bấy giờ có con gà như con gà rừng bỗng đập cánh gáy lênnhững tiếng như quát, như khóc, rồi trầm xuống giai điệu như có thơ có nhạc. Tôi bước qua cửa tử ất Dậu, khởi thủy là một chú gà con đỏ hỏn, như chó như lợn bao tử. Lại như thi sĩ đồng trinh giáng thế, như tráng sĩ giẫm lên xác người chất đầy các ngả đường.
Thật chẳng còn gì để mà nói nữa!
***
2. Tôi vội vã tìm lên phía núi Trúc (gần Bách Thảo), một địa chỉ xuất bản sách uy tín, cầm cuốn tuyển thơ đồ sộ mới toanh về. Được nhận hai cuốn tác giả, cho tôi, Lại Công Vấn và em trai Lại Công Đắt. Tôi sinh ất Dậu, năm đói chết người, còn chú Đắt sau đó hai năm. Tôi một đời lặn lội thân cò, học đại học văn rồi lao vào làm thơ thì chỉ được chọn một bài. Chú Đắt học toán, là tiến sĩ toán học, giàu sang nhẹ nhàng như một bài thơ, chỉ coi thơ là một trò chơi ất ơ, thì được chọn những ba bài. Hỏi, thì được nói: “Cầm về đi. Thời nay in cho là may rồi”. Hỏi nữa thì được nói: “Ông đa tài, viết cả văn. Trừ hai xuất thơ là phải”.
Cầm về vội khoe với anh bạn cùng làm ở Sở. Anh này lứa chú Đắt, đời những thành đạt nhẹ nhàng như một bài thơ.
Anh chỉ một bài, trong khi chú em anh nghiệp dư những ba bài. Không công bằng. Không được!
- Thôi ông ạ. Cuộc đời như cây mía đầy mắt. Tuổi ất Dậu chúng tôi là cái mắt sâu. Các ông là phần mềm, phần ngọt...
Anh bạn cười rất lạ, hiện hậu nhưng không ra tán đồng, không ra phản ứng. Cái lứa sau đến nụ cười cũng rất khác. Cười giả, cười nhạt cũng đã thấy sướng.
Sau đó có liên hoan bún ngan theo “mốt”,mừng sinh nhật anh bạn lứa em cũng giàu sang phú quý, xê dịch hai, ba tuổi gì đó, không lợn thì chó. Từ đầu năm 2001, các công sở làm ăn được đua nhau mừng sinh nhật mấy anh cuỗm được nhiều tiền, bằng một hình thức rất dân tộc và đơn sơ là bún ngan. Lối thường trực thoắt trở thành góc chợ quê bún mắm tôm, gọi cửa hàng đem vào, bún ngan, rau thơm bày nham nhở. Đang ngơ ngác ở cổng không biết nên vục vào ăn hay biến thì có tiếng gọi rất lạ:
- Vấn ơ!! Lại Công Vấn ơ!...
Chưa kịp định hình thì thấy một thằng người lạ hoắc, kính trắng áo đen, mái tóc thưa nhuộm lâu ngày bạc phếch như lông bò xứ sở xa xôi nào, không rõ tuổi tác, thần sắc... đưa bàn tay như lưu manh vỗ đet vào vai:
- Trông cứ như lý trưởng!
- Lý trưởng cái con... Mày là ai?
- Trướng đây mà!
- “Biến” lâu rồi cơ mà?
- Về rồi.
- Về hẳn à?
- Khô... ông...!
Thằng Trường bây giờ là ông tây nói giọng tây thứ thiệt, chứ không phải giả cầy. Thằng bạn trí lự, mắt lúc nào cũng nheo cười sau cặp kính, tinh quái nhưng không hề xoi mói. Hồi cùng lứa đầu xanh tuổi trẻ về cùng cơ quan, một lần Trướng ghé sát cặp kính vào tai tôi.
- Cùng ất Dậu đấy nhé! Liệu mà sống với nhau!
Trướng làm việc giỏi. Hồi tình hình lộn xộn, khó khăn đủ thứ, một lần Trướng xin phép đi công tác Hải Hòng, rồi mất tích. Hóa ra Trướng ta sung vào đội thuyền nhân đưa vợ con di tản Hồng Kông. Lần ấy thuyền gặp nạn, cá mập xơi gần hết, cả cặp vợ chồng ca sĩ nào đó. Trướng thoát nạn. Chẳng hiểu vợ con có thoát được không, người ta không hỏi, không nói về gia cảnh của một thằng di tản. Chỉ biết “thằng Trướng di tản rồi”. Thế là đủ!
Ngồi cùng mẹt bún ngan thời mới ở công sở sau hơn hai chục năm xa, tôi thấy Trướng là một người lạ hoắc. Không ra già không ra trẻ. Không ra tây không ra ta. Không ra trí thức không ra lưu manh cao bồi. Không ra giầu sang, không ra thất cơ lỡ vận... Tóm lại là một thằng người tạp phí lù lạ nhất hành tinh. Chỉ để lại di vết ở anh “Trướng ất Dậu” xưa chút tình, chút ma mãnh mà khờ khạo của người đồng tuế. Tôi gắp miếng tiết ngan thâm xịt bỏ vào bát Trướng, mừng Trướng trở về thăm Tổ quốc. Trướng ngượng nghịu: “Cám ơn”. Tôi đế vào vô duyên “Thanh-kiu”. Trướng đẩy cặp kính trắng hếu, tay cầm đôi đũa ngượng nghịu như không quen nữa:
- Bên Mỹ, tớ lái xe đi làm xa đến trăm cây số...
- Làm gì?
- Tạp phí lù. Làm báo thì từ chân Tổng biên tập đến tay đưa báo. Công nghệ tin học thì từ giám đốc phần mềm đến việc khiêng máy, bán máy, ăn cắp máy... Rồi quán ăn, bưng bê, rửa bát, giặt bàn, đủ cả...
Bất chợt Trướng vươn cái cổ cò xuống đĩa rau thơm, cười hồn nhiên, phô hai hàm răng khập khễnh: “Bên ấy cũng có món húng này ông ạ. Chỉ tuyệt nhiên không có món thịt chó. Tớ từng làm đủ thứ hàng ăn. Xả thịt nấu nướng đủ loại con vật. Duy không thịt chú cẩu nào. Bên Tây họ trừ chó...”
Đang nói hồn nhiên thì quặt sang chuyện khác, như người lẩn thẩn:
- Tuổi ất Dậu thì dù gà què ăn quẩn cối xay xem ra thành đạt như các ông, hoặc phiêu bạt đến xứ sở thần tiên nào như cánh tớ, thì vẫn khổ như kiếp chó ông ạ. Người ta trừ chó ra là đúng đấy!...
Nói rồi Trướng đẩy thẳng cặp kính lên, kính và mặt đều trắng hếu, trơ ra vô cảm như tượng. Đến lượt tôi phải hích anh ta một cái:
- Về hẳn chứ?
- Chưa biết!
- ở hẳn chứ?
- Chưa biết!
- Làm gì nữa để sống?
- Chưa biết!...
Trước mắt tôi lúc này rõ ràng là anh bạn Trướng ất Dậu đáng thương, còm nhom như một thầy dòng đọc lên những câu kinh mơ hồ “chưa biết”. Hoặc giả một chú chim lạ lạc loài bay hết cả vòng trái đất mà chưa tìm được chốn đỗ đến mức phải kêu lên những tiếp “khiếp... khiếp”...
Bất chợt Trướng thò đôi đũa run run gắp lên miếng gan ngan rồi cứ thế mà soi mãi trước cặp kính như thể người ở hành tinh kỳ dị nào lần đầu mới nhìn thấy. Miếng gan ngan vàng ệch như chính mầu da anh Trướng vậy.
***
3. Đoàn ma đói năm ất Dậu xộc vào nhà tôi lúc nửa đêm. Tiếng thanh la não bạt như diêm vương đi bắt người.
Thiếu một thằng ất Dậu nữa. Trốn đâu ra mau. Tìm mấy chục năm nay!
- Chẳng có ai ất Dậu ở đây cả. Xin các quan!
Mở mắt thì thấy hai thằng bạn thân cùng tuổi ất Dậu học với nhau bốn năm ở bậc đại học đi đầu đoàn người. Đó là thằng Định và thằng Hải, cả hai đều học giỏi, tài hoa.
Một thằng nói:
- Cho tao vại bia!
Thằng kia nói:
- Cho tao chén rượu!
Thằng Định gầy nhom, đầu đội khăn xếp, cũng kính trắng, dưới lại com lê giầy đen. Nó chết hơn hai chục năm nay rồi. Vào đời làm việc giỏi, đẹp duyên với một cô vừa trí thức vừa nghệ sĩ. Chỉ tội thể chế ganh ghét, cô vợ cũng ghét bỏ, chàng đâm nghiện bia rượu. Bán hết sách vở nhà cửa, cuối cùng phải bán trộm đến cả cái phích nước cơ quan. Bị kỷ luật đuổi việc cho đến ngày thân tàn ma dại, đắp chiếu chết trong một túp lều, thò hai bàn chân vàng như bôi nghệ.
Thằng Hải vẫn đẫy người như hồi đi học. Bây giờ là ma rồi, nó bận bộ y phục mầu điều như nhà sư. Hồi đi học nó ghét thơ kinh khủng. Vào đời đến quá tuổi “tri thiên mệnh” qua chiến trường khói lửa rồi, mọi thứ gần đủ rồi, nó trở chứng yêu thơ đến phát rồ phát dại. Nó bảo: “Làm thân con gà năm đói thì chỉ làm thơ mới sống được”. Nó chán tất cả, tiền bạc, chức tước, tình ái, hạnh phúc, chỉ có thơ, từ câu lục bát cho đến trường ca. Cuối cùng thơ không cứu được nó, nàng thơ cũng hắt hủi nó. Một buổi nó tìm ra bãi cỏ ven hồ, nhìn trời đất rồi đọc vang lên mấy câu thơ vô vọng nào đó, nhảy xuống hồ tự tử...
***
4. Khi người đàn ông tóc hoa râm da mồi mà ngổ ngáo như thanh niên, tự xưng là Đinh Văn Dậu, táp vào nửa căn hộ của người đàn bà quá lứa tên là Miến, thì người ta chỉ biết ông ta từ Thái Bình lên, bỏ vợ con đi phiêu bạt tứ chiếng.
Trình chứng minh thư nhân dân để làm hôn thú hẳn hoi thì chính tên là Đinh ất Dậu. Sau chạm húy hoặc để che ất Dậu đi cho dễ làm ăn, nên gọi nôm là Đinh Văn Dậu.
Dậu khoe văn vẻ rằng nhà mình ở cột ki-lô-mét đầu tiên của đất Thái Bình, nơi ngày xưa cái ông Võ An Ninh đã chụp bức ảnh nổi tiếng năm 1945 về nạn người chết đói. Nơi ấy dạo trước mọc lên cây xăng đầu tiên, gọi là “Cây xăng Đinh Văn Dậu”. Xe cộ đi qua ai cũng biết.
Bấy giờ ông Dậu còn là trưởng phòng vật tư hét ra lửa của một tỉnh vùng lúa. ít lâu nghe nói cây xăng ấy là “cây xăng tham nhũng”, tự dưng bốc cháy. Chủ của nó bị khởi tố và trốn đi đâu mất tích.
Người đàn ông mất tích có mặt khắp nơi, tự xưng là giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn, một ngày táp vào đời cô Miến. Dậu cười nói hềnh hệch, mở mồm là tiền và xe, lời và lãi... Tóc bạc da mồi, áo quần hôi hám bẩn thỉu. Mà tuyên bố:
- Tôi sẽ đổi đời cho cô Miến!
Lại nói:
- Đây có nhiều cô quá tuổi. Tôi sẽ mở cửa tất!
Nghe nói đàn ông Thái Bình có kiểu táo tợn như vậy.
Một ngày ông Dậu kéo về nhà cô Miến một lũ bủng beo như tù trốn trại. Hóa ra ông Dậu gom người ở bễne bến tàu về nhà cô Miến dựng lên cái gọi là “Cơ quan ma”. Lũ này mở miệng là “báo cáo xếp”. Rồi cũng họp giao ban phân công việc này việc nọ. Chỉ tội cô Miến lỡ thì ba chân bốn cẳng lo bữa ăn theo xuất lính trại.
Hóa ra ông Dậu xua bọn này lên mạn ngược, nhận làm một đoạn đường núi khỉ ho cò gáy nào đó. Bặt tin hàng năm rồi nghe đâu đổ bể, lũ quét trôi cả đoạn đường làm dối, làm ẩu, chủ thầu là Đinh Văn Dậu bị khởi tố. Chỉ tội cô Miến.
Một ngày ông Dậu xuất hiện. Hôi hám và đờ đẫn, chỉ khoác độc chiếc áo dày sụ. Về với cô Miến ban đêm, sáng mai lại đi ngay như ma. Kẻ thóc mách được dịp mồm mép: “Tù trốn trại”. Điện thoái réo các nhà chung quanh như có lệnh bắt. Đêm từ hộp nhà cô Miến nghe tiếng đàn ông ho như ai bóp cổ, rồi tiếng ngáp nửa chừng như có bàn tay đàn bà bít lấy mồm. Sau đó “người ma” lại mất tích. Cô Miến đóng cửa chờ đợi trong vô vọng. Chẳng hiểu cái ông Đinh Văn Dậu ấy đi đến đâu rồi. Người ta xì xầm: “Ông ta bảo tuổi ất Dậu đã khổ, gặp phải cô Miến cũng ất xung nữa,thành ra việc gì cũng đổ bể”. Người ta còn nói: “Đáng đời con trống già hợm của”.
Bên này bức vách là nhà thơ Lại Công Vấn, cũng bạn đồng tuế ất Dậu với nhau. Không muốn cũng cứ nghe rõ mồn một.
Thật sợ cho những gì khởi đầu bằng ất. Thật khổ cho cõi ất Dậu. Cả ma, cả người và những thứ chưa được thành người.
Xóm Mổ Hương, 1/7/2001