Võng mắc vào biển
Tác giả: Phan Cung Việt
Biển đêm. ở cửa biển du lịch mới được khai phá này tựa như một đảo hoang. Biển thẫm đen như vục xuống tầng rất sâu với những tiếng trầm “oàm... oàm” rất kỳ lạ. Gió se se mát lạnh khác với mọi cửa biển khác. Triều rút rất nhanh, để lại những cọc đủ tầng đủ loại người ta cắm xuống để dùng cho công việc chài lưới và kinh doanh hàng quán, như trận địa thủy chiến thuở nào. Hàng cây mới đủ độ cứng cáp trước sóng gió trên mép bờ được dùng để buộc những chiếc võng dù. Đứng trong bờ nhìn mơ hồ cứ ngỡ một đầu dây võng được mắc vào biển. Gió giao qua lại, chúng hệt đàn chim về ngủ trước biển. Cách mắc võng như thể chúng đan cánh vào nhau.
Giọng trầm của người đàn ông chủ quán:
Anh nằm võng nghỉ cho mát!
Lại nói:
- Tối nay anh ngủ với em bé nhé!
Thường gặp ai, chủ quán cũng đon đả mời chào câu thứ nhất. Còn khi ánh lân tinh của biển hòa cùng ánh đèn điện tù mù từ quán hắt ra soi lên mặt ông khách nào đấy thấy được thì mới có câu mời thứ hai. Nói rồi thức thì tiếng sóng biển đêm vỗ lên oàm oạp một cái, xóa đi tất cả.
Tôi tên là Hấn, còn có biệt danh người đời đặt cho là “Cáo Hấn”. Suốt một đời xê dịch vất vả, được đồng đội đồng chí gọi là “cáo”, cũng chẳng hay ho gì. Thuở bé tôi hiền lành vô sự, ông bà nội ngoại vì thương yêu mà gọi vui là “Cá trưa chợ” tức là lờ đờ, ngây dại. Vào đời chẳng hiểu sao lại hóa “cáo”. ở cơ quan từ lâu lắm, có anh tổng kết mấy câu xanh rờn, chẳng ra yêu chẳng ra ghét.
- Thế giới “cáo” nhất là Phương Đông. Phương Đông “cáo” nhất là Châu á. Châu á “cáo” nhất là Việt Nam. Việt Nam “cáo” nhất là Bộ T. (tức bộ tôi làm việc). Bộ T. “cáo” nhất có “Cáo Hấn”.
Tôi tự thấy mình hiền khô, thậm chí có nét đần độn. Chẳng hiểu sao người ta lại đặt cho cái tên ranh ma vậy?
Toàn “cáo nhất” cả. Tôi cũng chẳng hiểu bản thân mình thế nào nữa.
Đi làm, chẳng rõ là quan hay dân, người ta dành hẳn cho tôi một phòng riêng, có điều hòa, điện thoại, máy vi tính tất tật... nhốt “Cáo Hấn” vào đó!
Trước cửa quán tôi ngồi lúc này có bốn năm cánh võng mắc xen vào nhau, quây quần rất đẹp. Chiếc võng ở giữa có người nằm, cuộn tròn đu đưa như một cánh dơi. Tôi đoán chắc là một cô gái, thuộc quán ông chủ. Người nằm võng vẻ nôn nao, một chốc lại nhổm dậy, nhìn ra biển rồi lại nhìn vào quán, cốt để tỏ khuôn mặt mình. Đúng là cô gái trẻ đẹp, có bộ ngực rất gợi, nhọn như hai hòn núi sót lại ngoài biển.
Bất chợt cô gái cất tiếng hát. Trước biển đêm, tiếng hát hoang dại thiết tha, đôi tai tôi bị thu hút lạ lùng không sao tả được.
Bài hát tôi thuộc từ nhỏ, do mẹ tôi hát vào đêm mưa. Lời bài hát như sau:
... Ai bước đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng
Ôi ngày tháng em mơ hình bóng chàng...
Từ xa đường vắng
Qua mùa đông rớt, đến mùa thu chết
Rơi theo lá vàng...
Điệp khúc vút lên:
...Người ơi còn biết em nhớ mong!
Tình xưa còn đó xa xôi lòng
Nhờ bóng chim quyên, nhờ gió đưa duyên
Chim theo gió bay về
Chàng quên hết lời thề...
Lại đến đoạn:
... áo đan hết rồi
Chưa quên dáng người
Chàng ngày nào tìm đến...
Còn nhớ năm xưa
Kề má say sưa
Nhưng năm tháng xa dần
Mùa thu chết bao lần!...
Cô gái cứ hát đi hát lại mãi không chán, theo nhịp võng đưa. Tôi xúc động bàng hoàng bởi nhiều lẽ, chất “cáo” biến mất, trở lại người xưa “lờ đờ cá trưa chợ”, mắt lại đỏ như cá, gieo mình vào chiếc võng bên cạnh cô gái, chạm cả vào đùi cô. Cô gái cứ hát, mê mẩn đến không biết gì. Tôi nghển cổ lên thì thấy chiếc võng bên kia quẫy lên như cá, một chốc thì có cái đầu người đàn ông cạo trọc hếu ngẩng lên, miệng há hốc, tựa cái đầu lâu người. Một chốc thì thấy cái đầu lâu như vùi hẳn vào tóc vào ngực cô gái. Cô gái cứ hát, một chốc thì xen câu nói tỉnh bơ, như là nói với riêng tôi:
- Anh đừng sợ. Đấy là anh Ngố, người xã này.
- Sao lại gọi là Ngố?
- Chính tên là Vâm, đi bộ đội đặc công về bị tâm thần, gọi là “Ngố Vâm”. Chúng em quen gọi là Ngố.
- Thế sao anh ta lại ở đây? Mất tiền không?
- Chừng năm nay rồi. Buổi tối nào, anh ta cũng đến đây nghe em hát. Chỉ nghe độc bài này thôi. Rồi ngủ ở đây luôn, mưa gió cũng mặc, cứ ngủ trên võng.
- Cô cho anh ta ngủ?
- Vâng. Cứ nghe hát là anh ta hiền khô, ngủ như trẻ con. Không thì hung dữ, quần đảo suốt đêm, có khi gây án mạng ấy chứ...
- Rồi sao nữa em?
- Nghe say quá, mỗi lần đổ cả vào người em, là anh ta ngủ. Quen rồi. Em phải “từ thiện” với anh ta đấy!
Biển vào đêm sâu lại vỗ lên, oàm oạp như tiếng quái vật, như tiếng đệm hoang dại cho tiếng cô gái hát. Cô gái càng hát càng mê hồn, nhất là những câu tỏ thân phận mình. Cuộc đời kỳ lạ không thể nói ra được. Hai bên tiếng hát của cô gái là hai đối cực, là hai thằng đàn ông khác nhau, một bên là “Cáo” - Cáo Hấn, một bên là “Ngố” - Ngố Vâm... Tôi day mình thức ngủ...
Trong mơ tôi nghe mẹ tôi hát. Nhưng mẹ tôi và cô gái cũng là hai “cực người”. Cô gái là người của gió sương giữa thời buổi kinh tế thị trường. Mẹ tôi là người của đạo Nho xưa, ông dạy chữ Nho, làm thuốc nổi tiếng. Mẹ là con gái nhà lành. Có lần nằm võng mẹ tôi kể:
- Cạnh vườn nhà ông bà có dinh cụ Thượng. Cụ Thượng có nhiều hầu gái trẻ đẹp, không nhớ hết tên. Đêm đêm các cô gái hầu thay nhau vào nâng giấc cho cụ Thượng. Có những cô đẹp không được cụ “dùng” đến thì đêm đến tủi phận, mắc võng ngoài vườn, hát những câu bẽ bàng xa vắng. Các cô hát đến mức làm cho mẹ vàcác dì ở bên này vườn thuộc lòng cả bài. Mẹ hát chính là vì thương cảm cho thân phận các cô gái đẹp ấy. Cũng là để nhớ tuổi thơ sống cùng ông bà, trong khu vườn lạ lùng ấy...
... Ai bước đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng...
Tôi mở mắt bàng hoàng. Cô gái đã ngưng hát mà sao tiếng hát vẫn quấn quýt đầy cánh võng. Biển trở mình mỗi lúc mạnh lên. Cô gái giật mình, đưa tay bê “cái đầu lâu” đặt vào võng bên, nghển đầu sang phía tôi. Tôi cũng nghển đầu lên:
- Anh không ngủ được à?
- Vâng! Tên em là gì?
- ở nhà gọi là Hảo, đến đây cải đi là Hiền. Còn anh? Cho em biết tên để sau còn nhớ nhau...
- Cáo. Tên anh là “Cáo”...
Cô gái ngẩng cao đầu, cười lên một tiếng rất lạ, lộ chiếc răng khểnh và đôi mắt long lanh. Khuôn ngực giờ đây mới căng hết sức trẻ:
- Anh không đùa đấy chứ? Sao anh lại tìm đến mãi tận đây?
- Còn em?
- Quê em ở Hoành Bồ. Em đến đây được một năm rồi. Hoành Bồ không có biển.
Rồi giọng cô chùng hẳn xuống, như biển vục xuống quãng sâu nhất, khác hẳn khi cô hát:
- Mai em về quê rồi, chấm dứt những “ngày sương gió”... Em về đi học nghề may!
Tôi có chút bàng hoàng. Cô gái ghé sát đầu tôi, tóc rất thơm:
- Em hát cho anh nghe rồi. Anh “thơm” em đi!...
Biển dào lên, đầy những ánh lân tinh ma quái.
Những chiếc võng nhất loạt bị gió biển đánh thức, như một đàn chim sắp vỗ cánh bay đi.
Hương Mổ vui buồn, 25/8/2001