P -2 Mẹ Tôi
Tác giả: Phan Cung Việt
1
Rẻo đất Nghi Xuân của đại thi hào Nguyễn Du chồi ra biển cả như một chiếc sừng trâu. Người già bảo: Sừng trâu có mấy đốt thì tổ tiên từ xưa đã theo thế mà đặt ra các xã ấp. Có người lại bảo: Chiếc sừng trâu đó chính là chiếc tù và thổi ngoài biển cả. Lại kể: Nó kể bao chuyện cổ tích, huyền thoại, từ các bài hát đồng dao của trẻ con, cả điệu ví điệu dặm và các trường ca, tráng ca. Biết bao nhiêu vui buồn từ chiếc sừng trâu kỳ lạ đó hòa vào biển cả. Lúc thường đã hấp dẫn, còn lúc sóng to biển động thì nó càng réo rắt, động cả đất trời...
Trong căn nhà lá nằm giữa bãi cát trắng cạnh hàng dương ven biển, ở tận chóp cái sừng trâu kỳ lạ, là một gia đình ấm cúng, có bố mẹ và năm người con. Tất cả đều chăm chỉ làm lụng, yêu biển cả, mắt thường nhìn ra biển. Cha bảo: Chị cả tuổi Tỵ, cầm tinh con Rắn, nhưng đây là rắn biển. Anh hai tuổi Ngọc, tức ngựa biển. Anh ba tuổi Dậu, tức gà biển. Anh tư tuổi Hợi, tức lợn biển. Cô em út tuổi Sửu, tức trâu biển... Rắn biển là rắn nhưng nó có nét dẻo dai bươn chải hơn rắn đất, rắn ao chuôm. Ngựa biển cũng vậy, nó đã có mặt trong những trang sách, câu thơ khác thường. Còn gà biển thì đương nhiên rồi, nó gáy trước biển cả, tức là trước bình minh... Cứ thế mà suy ra lợn biển, trâu biển... và cả dòng họ có tiếng biển sau cùng này. Người mẹ thì hay kể về những gì sau cùng, tức con trâu biển, cô con gái út của mẹ. Mẹ bảo: Hãy nhìn con nghé hoa, với những cái xoáy lông của nó. Dáng nó khỏe, đậm đà khác thường. Đậm mà không thô, vẫn có gì đó duyên dáng. Và tiếng kêu “nghé ọ” của nó vang lên trước biển, mỗi chiều tà và bình minh. Những tiếng kêu đó như trở thành nốt nhạc lạ của biển cả, phát ra từ chiếc tù và sừng trâu...
Mẹ còn bảo: Tuổi Sửu đậm cả dáng và tình, nhưng cũng đầy sóng gió như biển vậy. Con trâu nhẫn nại gánh vác, nhiều khi ôm đồm như muốn gánh vác tất cả, bởi thế không tránh khỏi vất vả... Những lúc như thế, con “nghé con” của mẹ chạy lon ton từ con đường cát xào xạo len qua hàng dương. “Nghé hoa” cười rất tươi, hai má tắm nắng biển đỏ như hai trái hồng, tay ôm bó lá dương khô nhỏ xíu về cho mẹ nhóm bếp... Mỗi lần như vậy, mẹ cười bảo: “Cả nhà xem kìa. Con “Nghé hoa” sớm thương mẹ, biết lo cho mẹ. Rõ là vất vả từ bé”...
Những lúc như thế, “Nghé hoa” cũng cười. Hai má lúm đồng tiền rõ như là “cái xoáy” xinh đẹp của nghé hoa... Tiếng cười vô tư, như tiếng bọt sóng vỡ ra tí tách ngoài mép biển...
Hôm trời lặng sóng yên, anh chị đặt cái nong lớn trên bãi cát, cùng nắm sao đêm và những vật sáng lân tinh từ sóng biển dào lên. “Nghé hoa” ngồi giữa, được cưng nhất. Anh chị thi nhau đố:
Đố nhé, những con gì thường dậy sớm nhất nhà nào?
- Con gà gáy sáng.
- Chưa phải.
- Còn có con trâu đi cày từ sáng sớm...
Tất cả reo lên. Chiếc tù và sừng trâu của biển như thổi lên một hồi rõ dài. Chuyện xoay sang anh ba, tuổi gà biển.
Nhưng chuyện “con gà biển” lại sớm về với chuyện trâu. Mẹ kể, hồi bé xíu, “Con gà biển” này đã nổi tiếng về trí tưởng tượng. Năm ấy giặc đánh rất ác liệt. Đạn bắn réo từ biển, bom thả phía bờ sông. Có lần đạn réo dữ lắm, anh ba chạy từ bờ sông về, không chút sợ hãi, ôm chầm lấy mẹ: “Mẹ ơi, trâu khôn quá. Hễ nghe tiếng đạn là cả đàn chui tọt xuống hầm”. Cả nhà cười, như quên cảnh bom đạn kia. Những chuyện như thế như xóa đi cảnh gian nan cơ hàn của tuổi thơ. Riêng chuyện “trâu chui xuống hầm” còn theo mãi cho đến ngày anh ba trở thành một nhà văn Quân đội. Đúng là anh đã trưởng thành lên từ trí tưởng tượng kỳ lạ của mình.
Năm tháng qua đi. Trong ngôi nhà lá nghèo trước biển cả kia, mấy anh chị em lớn nhanh như thổi. Bom đạn rồi cũng đến lúc ngừng. Trên cánh đồng gió Lào cát trắng, giữa những rừng dương, một tiếng hát thường vút lên, có tiếng đệm của hàng dương và chiếc tù và biển kia, qua bức phên liếp, lộng vào nhà. Đó là bài hát về “Con trâu sắt”. Thực ra đó là bài hát về chiếc máy cày mầu đỏ, một thời những tưởng làm thay việc con trâu... Bây giờ đi qua những hàng dương cát trắng, vẫn như nghe vọng về tiếng hát một thời, hòa trong sóng, gọi lại dai dẳng kỷ niệm vui buồn... Cho đến khi nó mất hút vào biển cả trầm hùng.
Riêng rẻo đất chiếc sừng trâu, nó đã hóa chiếc tù và biển như thế nào, thì chỉ có tuổi thơ của năm chị em trong nếp nhà lá nhỏ xíu trước biển kia mới kể ra được.
2
Nói sao hết cái náo nức trước mỗi phiên chợ. Chợ làng, chợ tổng, chợ huyện. Chợ làng chẳng có tên. Chợ tổng từ xưa gọi là chợ Bơ. Chợ huyện cũng chẳng có tên, nhưng vì chợ đặt ngay ở làng Tiên điền của đại thi hào Nguyễn Du, nên người ta cứ đặt thêm tên vào: Chợ Tiên Điền, chợ Thơ... Nhất là hôm nào biết mẹ sẽ đi chợ, thì ôi thôi, ngày nào như cũng có tết. Suốt đêm, mấy đứa không ngủ được, sóng biển réo đầy phía rặng phi lao. Nhắm mắt là thấy cả đàn lợn đủ mầu chạy khắp nhà, khắp vườn. Mẹ thương lắm. Nhất là cái Thương, út nhất nhà, cũng mơ mộng nhất. Ngay hồi chiều, mẹ bảo:
Mai mới có chợ Bơ. Hay là sang mua tạm bên bà Chắt Trì con lợn đất, cho em nó đỡ mong.
Tất cả mở mắt, đồng thành:
- Lợn đất không đẹp. Chờ mua lợn mầu, mẹ ạ.
Vùng Nghi Xuân lắm nắng lắm gió từ xưa có tiếng làm lợn cho trẻ con chơi. Nghi Xuân nghèo lắm. Nhưng càng nghèo khổ thì càng lắm ước mơ. Hình như những giấc mơ đẹp ấy gửi cả vào những chú lợn béo tốt. Thực ra người ta còn làm cả đàn con giống. Nhưng lợn nổi hơn cả.
Thực ra, nghề làm lợn cũng có phân cấp. Chợ làng chỉ bán những chú lợn làm bằng đất sét của nhà bà Chắt Trì, lấy từ đất bãi sông. Những chú lợn ấy thô, dễ vỡ. Chợ Tổng tức là chợ Bơ có khá hơn, có những chú lợn bằng bột nhuộm phẩm, gọi tên là cu gừng cu nghệ, nhưng vẫn còn thô. Được cái đàn lợn đã lắm mầu, bày đầy trên mẹt nan tre. Đến chợ huyện, tức chợ Tiên Điền thì những chú lợn ấy đã đến mức hoàn chỉnh. Chúng được nhuộm đủ màu tươi, dáng thanh, rất dễ thương. Cách bày biện cũng đã khác, không phải trên mẹt tre, mà trên những tấm vải nhựa màu trải rộng. Những chú lợn ở chợ huyện này trông dáng vẻ cũng khác, oai vệ và điệu đàng hơn, không nghệt ra như lũ lợn đất ở chợ làng...
Sáng nay đã mưa xuân, mẹ đi chợ huyện từ sớm, đến chiều về thì mang cả đàn lợn bốn con về theo cho cả bốn anh chị em. Mưa xuân ướt cả tóc mẹ, áo mẹ. Nhưng mẹ rất vui. Mẹ bày cả bốn chú lợn bốn màu lên nền nhà. Những chú lợn như chạy được ngay. Bởi là hàng tết, nên mấy chú lợn bột được nhuộm thứ phẩm rất đẹp, đẹp hơn cả tranh vẽ. Bé Thương được chọn đầu tiên, nó chọn chú lợn đỏ thắm. Mấy đứa còn lại cứ nhắm mắt như chơi trò ú tim. Tôi nghĩ đến mấy chú lợn đất cũ, nằm trong góc nhà, bèn nói:
- Đừng quên những chú lợn đất cũ, dù chúng xấu xí. Để anh dắt chúng ra, nhập đàn với những chú lợn màu này, cho chúng vui. Lợn cả mà!
Tất cả reo lên. Đàn lợn như ụt ịt ầm lên cả nền nhà. đẹp nhất vẫn là những chú lợn bột nhuộm phẩm màu. Chúng cao giá hẳn lên, khi đặt cạnh những chú lợn đất. Mẹ nhìn tôi, cười, như có một ý vui nào đó. Mưa xuân lay phay ngoài cửa sổ.
3
Đê sông La thật đẹp. Đẹp nhất vào những đêm trăng. Dòng sông như dải lụa vàng, viền quanh những phiến đá trắng bến sông, những bãi cỏ biếc xanh. đã thành lệ từ thuở nảo thuở nào, đêm đẹp trời, những chiếc nong lớn vẫn được đặt lên mặt đê. Cả nhà ngồi đếm sao, trò chuyện.
Mẹ bao giờ cũng nói trước. Mẹ đố:
- Đố các con nhé. Con trâu đang gặm cỏ dưới trăng kia, bạn thân nhất của nó ở đây là những gì nào?
Chị Phương nhanh nhẩu và bộc trực:
- Bờ đê và bãi cỏ mẹ ạ.
Mẹ bỗng nhổm dậy, mắt nhìn đăm chiêu lên đốm lửa sáng trên Rú Hồng. Đúng rồi, con gái mẹ nhanh nhẩu và thông minh quá. Nó xứng đáng là con chim đầu đàn rồi.
Anh Tùng hay chơi cùng đám bạn, bảo:
- Con dế!
Mẹ hiểu. ý Tùng muốn nói con dế ở bờ đê, những đêm ăn sương, những buổi phiêu lưu đánh nhau cùng châu chấu, bọ ngựa..., với tiếng kêu vang của nó... hẳn là bạn thân nhất của chú trâu kia. Mẹ xúc động. Con trai mẹ cũng thông minh nhưng ưa sự cụ thể. Nhất định lớn lên nó sẽ sống vững, sống tốt.
Trong khi Việt đang trầm ngâm, muốn tìm ra một điều gì hay hơn anh chị mình, thì anh đức, như một cầu thủ tiền đạo, nói như đinh đóng cột:
- Vầng trăng!
Đúng quá, chẳng phải bàn cãi gì nữa. Đức là vậy, nói chỉ có đúng trở lên. Hãy tưởng tượng vầng trăng gác lên chiếc sừng trâu!
Thương bé nhất nhà. Cô gái út bao giờ cũng được hưởng sự chuẩn bị trước của các anh chị. Vả lại, bé có nét hồn nhiên riêng. Nó đưa hai tay chỉ lên con diều giấy bay trên bãi mía dưới bến sông, và nói to lên:
- Cánh diều!
Cả nhà reo lên trên bờ đê. Hẳn ông bà và bố đang ở trong nhà kia cũng giật mình trước phát hiện của bé Thương. Đúng quá rồi, con trâu gặm cỏ bờ đê và cánh diều giấy là đôi bạn thân nhất, trong số những người bạn thân ở trên kia. Mẹ lặng đi, không nói gì. Hẳn mẹ đang nghĩ đến một điều gì đó, từ cuộc đời của mẹ, từ những gì có thật của mỗi người vùng quê này. Con trâu cày bừa nặng nhọc, cánh diều giấy đêm trăng đã làm bạn với nhau từ bao đời nay...
4
Chẳng ai ngờ rằng hồi trẻ mẹ từng nuôi lợn, mà lại còn là người nuôi lợn giỏi.
Mẹ là con gái cưng của một thầy thuốc Đông y vào loại giỏi nhất vùng. Nhà đông con, nhiều các anh chị, ai cũng chiều mẹ. Sức yếu, mẹ lại đi học rất sớm, đêm trăng thường cùng các bạn gái ra ngồi chơi trên bờ đê con sông La dịu dàng, biếc xanh. Đến tuổi thanh nữ, mẹ đẹp duyên cùng bố tôi, một chàng trai nghèo xã trên làm nghề dạy học. Mẹ được gọi là “bà giáo” từ đấy.
Đêm trước, trong tiếng ho thúng thắng, mẹ nói với chúng tôi: “Mẹ sẽ ra chợ, tìm mua một con lợn thật đẹp”. Cả năm anh chị em mở tròn mắt nghe mẹ nói. Gió lạnh thổi qua phên liếp thưa. Hôm sau mẹ làm như thế thật. Mẹ ra chợ Bơ từ rất sớm, đến trưa người ta đưa về cho mẹ một chú lợn trắng rất đẹp. Chúng tôi reo lên. Riêng tôi thì nhìn kỹ chú lợn da trắng hồng, có đốm đen rất đẹp ở bụng, mõm ngắn. đó là chú lợn đực, ngây thơ hết mức.
Đứng bóng, bà con từ phiên chợ Bơ trở về, kháo nhau: “Bà giáo thật dở hơi. Nhà nghèo, lại không chịu nuôi lợn nái. Lại đi tìm chú lợn đực đẹp dáng nhất chợ về nuôi”.
Bác phụ huynh có dáng lực điền khuân mấy khúc tre già, xếp lên nhau, che chắn lại thành cái chuồng tạm. Chú lợn bột được thả vào đấy. Cả đàn con của mẹ, đẹp như đàn lợn vẽ, đứng quanh chuồng. Chỉ khi nhìn cảnh ấy mẹ mới cười. Nhất là khi chập tối mẹ huơ lên ngọn đèn dầu, soi tỏ mặt chú lợn và gương mặt từng đứa con của mẹ.
Đêm ngồi ăn nồi khoai luộc thay cơm, bác phụ huynh tốt bụng chân thành nỏi mẹ: “Sao bà giáo không nuôi lợn nái?” Mẹ trả lời xa vời: “Tôi đã có cảđàn con”. Bác phụ huynh: “Thì bà giáo lấy công làm lãi, đập cái này vào cái kia”. Mẹ lại trả lời: “Cảnh đàn bà đông con thật khổ. Như con lợn nái ấy mà bác”. Về sau mẹ còn phân trần thêm: “Thôi thì nuôi chú lợn đực cho nó nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Giầu đâu đến mình”.
Mẹ là con thầy thuốc, mẹ đem những hiểu biết của mình về sức khoẻ con người, để chăm đàn con, chăm luôn cả chú lợn. Mẹ là bà giáo, lấy cái sạch sẽ tinh tươm làm chính. Mẹ thức khuya dậy sớm kỳ cọ chuồng, che chắn gió cho chú lợn. Mẹ lấy cái tình để nuôi nó trong sự sạch sẽ, kham khổ. Những nắm rau muống, người và lợn chia nhau, hái trên rẻo đất hạn hán nứt nẻ chân chim. Đàn con của mẹ bớt cả suất cơm khoai của mình cho chú lợn. Chú lợn trắng đốm đen như hiểu điều ấy, chịu ăn, ít kêu khi đói, trông rất ngoan.
Nhiều đêm thấy mẹ thắp lên ngọn đèn, vào tận chuồng, vuốt ve trò chuyện với chú lợn, như với người. Sáng ra, da chú lợn hồng lên, với những túm lông xoáy rất đẹp, như trong huyền thoại. Những lúc như thế chú nằm lim dim. đêm khuya qua vách liếp nghe rõ tiếng mẹ, như bài hát đồng dao về lợn, như bài hát ru dành cho chú lợn. à... à... ngoan nhỉ. Con lợn có béo, cỗ lòng mới ngon. Hiền, nhưng không ngu đần đâu, nhỉ. Chỉ có lũ ác mới ngu thôi. à... à... ngủ đi. Tết sắp đến rồi đấy...
Tiếng mẹ ru lợn lạ nhất trên đời, khiến chúng tôi thiu thiu ngủ.
Đó là một buổi buồn vui, chúng tôi không bao giờ quên. Mới tảng sáng. Chúng tôi không hay biết gì. Chạy ra chuồng, dưới ánh ngọn đèn dầu, thì đã thấy bác phụ huynh quen biết cùng một người nữa khiêng chú lợn đi. Chú bị buộc hai chân trước sau, lắc lư như đánh võng, bằng một sợi dây dài. Bác thều thào: “Bà giáo nhờ tôi bán, để mua gạo cho các cậu ăn. Bà ấy không muốn nhìn thấy cảnh này. Bà đã đi chợ Bơ từ sớm...” Chú lợn bị trói chặt, quẫy lân một cái, rồi khuất sau lối cửa. Chúng tôi, đàn con của mẹ, đứng như trời trồng, thành một đội hình để tiễn biệt chú lợn. Mãi sau này tôi mới hay rằng: Có những cuộc chia ly thật lạ, người ta tránh mặt, không muốn nhìn thấy, như những con vật nuôi mà người ta yêu quý...