watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hồng Lâu Mộng-Hồi thứ ba mươi mốt - tác giả Tào Tuyết Cần Tào Tuyết Cần

Tào Tuyết Cần

Hồi thứ ba mươi mốt

Tác giả: Tào Tuyết Cần

Tập Nhân thấy mình khạc máu tươi ra đất thì lạnh hẳn một nửa người. Cô ta thường ngày nghe người ta nói: “Lúc trẻ mà thổ huyết, thì sẽ chết non, có sống chăng nữa, cũng là người bỏ đi”. Nghĩ vậy, những chuyện mong ước vẻ vang sung sướng mai sau, bất giác lạnh hẳn như đống tro tàn, nước mắt cô ta ở đâu lại ròng ròng chảy xuống. Bảo Ngọc thấy Tập Nhân khóc, bụng cũng chua xót, liền hỏi:
- Chị thấy trong người thế nào?
Tập Nhân cười gượng:
- Người tôi vẫn khỏe, có việc gì đâu?
Bảo Ngọc định lập tức sai người hâm rượu, lấy huyết sơn dương và thuốc viên lê động đến. Tập Nhân kéo tay lại, cười nói:
- Việc không cần mà cậu cứ làm nhộn lên, phiền đến mọi người, rồi họ lại oán tôi là nông nổi. Bây giờ không ai hay cả, cậu cứ làm ồn lên, người ta biết thì cậu và tôi đều không hay ho gì. Ngày mai cậu nên cho một đứa bé đi mời ông lang họ Vương cho tôi uống một thang thuốc là khỏi. Như thế thì không ai biết, chẳng hơn hay sao?
Bảo Ngọc nghe nói có lý, liền thôi không gọi ai, tự mình đến bàn, rót chén nước đưa cho Tập Nhân súc miệng.
Tập Nhân biết Bảo Ngọc không đành dạ, nếu không để cậu ta chăm sóc mình, chắc sẽ không nghe, lại làm bận rộn đến người khác, chi bằng cứ để mặc kệ đấy. Vì thế Tập Nhân ngồi tựa trên giường, mặc cho Bảo Ngọc phục dịch.
Trời vừa sáng, Bảo Ngọc không kịp rửa mặt chải đầu, vội mặc áo đi mời Vương Tế Nhân. Vương đến, hỏi cặn kẽ đầu đuôi, biết nguyên do bệnh này chẳng qua bị thương tổn chút ít thôi. Vương liền cho ít thuốc viên, chỉ bảo cách dùng, cách uống và xoa. Bảo Ngọc nhớ lấy, về trong vườn cứ theo thế điều trị.
Hôm ấy chính là tiết Đoan dương, người ta dùng cành ngải treo cửa và bùa dấu đeo tay. Đúng giờ Ngọ, Vương phu nhân sửa tiệc rượu mời mẹ con họ Tiết đến ăn tết. Bảo Ngọc thấy Bảo Thoa lãnh đạm, không trò chuyện với mình, biết là vì việc hôm nọ. Vương phu nhân thấy Bảo Ngọc buồn chán, cho là vì việc Kim Xuyến hôm trước, có ý bẽn lẽn, nên không muốn hỏi. Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc ngồi thừ ra đấy, cho là vì hôm nọ có lỗi với Bảo Thoa, trong bụng khó chịu, cho nên dáng người uể oải. Phượng Thư thì vì chiều hôm trước Vương phu nhân kể lại cho nghe chuyện Bảo Ngọc với Kim Xuyến, biết là Vương phu nhân không vui, khi nào mình còn dám cười nói, nên lẳng lặng theo Vương phu nhân, bảo gì làm nấy. Chị em Nghênh Xuân thấy ai nấy buồn tẻ, thì cũng không vui. Vì thế họ ngồi một lúc rồi tản đi mỗi người mỗi ngả.
Đại Ngọc xưa nay chỉ thích tan chứ không thích tụ, điều đó cũng có lý, Đại Ngọc nói: “Người ta có họp thì phải có tan, lúc họp thì vui, đến khi tan, thì tránh sao khỏi buồn? Đã buồn thì đâm ra thương nhớ, chi bằng không họp nữa là hơn. Cũng như đóa hoa, khi nở thì người ta yêu mến, đến khi tàn càng khiến người ta thương tiếc, chẳng thà đừng nở là hơn”. Vì thế khi người ta cho là vui, thì cô ta lại đâm ra buồn. Tính tình Bảo Ngọc lại chỉ muốn cho người thường họp mà đừng tan, hoa thường nở mà đừng tàn; đến khi tiệc tan hoa tàn, dù có thương tiếc muôn phần, cũng không thể kéo lại. Vì thế bữa tiệc hôm nay mọi người đều cụt hứng ra về, Đại Ngọc thì không sao, nhưng Bảo Ngọc lại rất buồn rầu, về buồng than dài thở vắn.
Vừa khi Tình Văn đem quần áo lại cho Bảo Ngọc thay, đánh rơi cái quạt xuống đất, làm gãy một nan xương.
Bảo Ngọc liền mắng:
- Đồ ngu! Đồ ngu! Không biết sau này làm ăn ra thế nào? Mai kia chị một mình đương lấy cơ nghiệp, không lẽ việc gì cũng không suy trước tính sau hay sao?
Tình Văn cười nhạt:
- Cậu Hai độ này đâm ra nóng nẩy quá, cũng nên nể mặt nhau một tí. Hôm nọ cậu đã đánh chị Tập Nhân, hôm nay lại xoi mói cả tôi. Muốn đấm đá ai là tùy ở cậu. Tôi chỉ đánh rơi một cái quạt thôi, có phải việc lớn lao gì cho cam. Khi trước biết bao nhiêu người đánh rơi đánh vỡ: nào bình pha lê, nào bát mã não, chẳng thấy cậu gắt bao giờ; nay có cái quạt mà cậu làm ra như vậy? Nếu không bằng lòng thì cậu đuổi ngay chúng tôi đi, tìm người khác giỏi thạo hơn đến hầu rồi cho chúng tôi ra, mỗi người mỗi ngả, chẳng hay hơn sao?
Bảo Ngọc nghe nói, tức run người lên, nói:
- Chị không phải lo, rồi cũng có ngày mỗi người mỗi ngả.
Tập Nhân ở bên kia nghe thấy, vội chạy ra nói với Bảo Ngọc:
- Tự dưng vô cớ, sao lại như thế? Tôi đã bảo mà, hễ vắng tôi lúc nào là y như có chuyện.
Tình Văn cười nhạt:
- Chị đã biết thế sao không đến mau, để cậu ấy khỏi phải sinh bực. Từ trước đến nay chỉ có một mình chị là biết hầu hạ cậu ấy thôi, còn chúng tôi có biết cái gì đâu. Chỉ vì chị hầu hạ khéo nên hôm nọ mới bị đá vào bụng! Chúng tôi vụng dại thế này, không biết rồi ra sẽ còn phạm những tội lỗi gì!
Tập Nhân nghe mấy câu ấy, vừa bực tức, vừa xấu hổ, muốn nói lại, nhưng thấy Bảo Ngọc giận quá tái mặt lại, nên đành phải dịu lời, nói:
- Em ơi! Hãy ra ngoài kia, đó là chúng tôi không phải với em đấy.
Tình Văn nghe thấy hai tiếng “Chúng tôi”, cho ngay là Tập Nhân muốn nói cô ta với Bảo Ngọc, trong bụng đâm ra ghen, liền cười nhạt mấy tiếng:
- Tôi chả biết ai là “Chúng tôi” cả, đừng để tôi phải hổ thẹn thay cho ai! Các người làm những việc thầm kín với nhau, giấu thế nào được tôi! Tôi cứ nói thẳng: ngay các cô nhà này cũng còn chưa với lên được, huống chi chị cũng như tôi, thế mà lại dám gọi “Chúng tôi” à?
Tập Nhân xấu hổ quá, tím bầm mặt lại, biết mình nói nhầm. Bảo Ngọc nói:
- Các chị đứng tức khí nhau nữa, ngày mai tôi sẽ cất nhắc chị lên.
Tập Nhân vội kéo tay Bảo Ngọc nói:
- Chị ta là người hồ đồ, phân trần phải trái làm gì. Vả chăng cậu xưa nay là người có lòng, những việc to hơn nữa cũng còn bỏ qua, sao hôm nay lại thế?
Tình văn cười nhạt:
- Tôi vốn là người hồ đồ, ai thèm nói chuyện với tôi.
Tập Nhân nói:
- Chị cãi nhau với tôi hay là cãi nhau với cậu Hai? Nếu là giận tôi thì chị chỉ nên nói tôi thôi, đừng đả động đến cậu ấy, nếu giận cậu ấy thì không nên nói ầm lên cho mọi người biết. Vừa rồi tôi muốn đến dàn xếp, khuyên giải cho êm cửa êm nhà, thế mà chị lại kiếm chuyện vặc nhau cả với tôi! Chị chẳng ra giận tôi, cũng chẳng ra giận cậu Hai, cứ bắt quàng bắt xiên, hết chuyện này sang chuyện nọ. Ý chị định thế nào? Thôi tôi không nói nữa, để phần chị nói.
Tập Nhân liền chạy ra ngoài.
Bảo Ngọc bảo Tình Văn:
- Chị không cần phải cáu kỉnh nữa, tôi đoán được bụng chị rồi. Tôi sẽ trình với bà: giờ chị đã lớn, nên cho chị về, chị có bằng lòng không?
Tình Văn nghe vậy, trong lòng đau xót, liền rơm rớm nước mắt, nói:
- Việc gì tôi phải về? Cậu ghét tôi, tìm cách đuổi tôi đấy thôi, như vậy sao đành?
Bảo Ngọc nói:
- Tôi chưa hề thấy có chuyện cãi cọ nhau như thế này bao giờ. Nhất định là chị muốn về. Tôi sẽ trình với bà cho chị về là yên chuyện.
Nói xong đứng dậy chực đi ngay.
Tập Nhân vội kéo Bảo Ngọc lại nói:
- Cậu định đi đâu đấy?
Bảo Ngọc nói:
- Tôi đi trình bà đây.
Tập Nhân cười nói:
- Cậu thật chẳng có ý tứ gì cả! Cậu đi trình sẽ làm chị ấy xấu hổ. Nếu quả chị ấy muốn về, thì hãy chờ khi hết hẳn cơn giận đã, lúc nào sẽ trình với bà cũng chưa muộn. Bây giờ cậu cho là việc chính, hấp tấp đi trình ngay, chẳng làm bà sinh nghi hay sao?
Bảo Ngọc nói:
- Bà không ngờ đâu, tôi sẽ nói rõ là chị ấy sinh chuyện để đòi về đấy thôi.
Tình Văn khóc lóc:
- Tôi sinh chuyện để đòi về bao giờ? Cậu giận tôi, kiếm chuyện để dọa nạt tôi. Cậu cứ đi mà trình: tôi thà đập đầu chết ngay ở đây, chứ không chịu ra khỏi nhà này.
Bảo Ngọc nói:
- Thế mới lạ chứ! Chị không về, lại cứ sinh chuyện lôi thôi mãi. Thế này tôi không chịu nổi, chị về đi cho yên chuyện!
Nói xong nhất định đi trình.
Tập Nhân thấy ngăn không nổi, đành phải quỳ xuống. Bọn Bích Ngân, Thu Vân, Xạ Nguyệt thấy mấy người cãi nhau dữ quá, đều cứ lẳng lặng đứng ở ngoài nghe. Sau thấy Tập Nhân quỳ xuống van xin, họ liền rủ nhau quỳ cả xuống. Bảo Ngọc vội đỡ lấy Tập Nhân dậy, thở dài một cái, ngồi phịch xuống giường, bảo mọi người đứng cả dậy; rồi nói với Tập Nhân:
- Bây giờ bảo tôi làm thế nào cho phải đây? Lòng tôi vỡ rạn cả rồi, có ai biết cho đâu?
Nói xong nước mắt tràn ra. Thấy Bảo Ngọc chảy nước mắt, Tập Nhân cũng khóc. Tình Văn đứng bên cạnh cũng khóc. Bỗng thấy Đại Ngọc đến, Tình Văn liền đi ra.
Đại Ngọc cười nói:
- Khéo chưa, ngày tết có việc gì mà khóc thế? Hay là tranh nhau ăn bánh chưng, rồi giận nhau đấy?
Bảo Ngọc và Tập Nhân đều cười. Đại Ngọc nói:
- Anh Hai ơi, chả đợi anh nói em cũng đã biết cả rồi.
Đại Ngọc lại vỗ vào vai Tập Nhân cười nói:
- Thưa bà chị dâu, cho em biết với, tất là hai anh chị đương cãi nhau, nếu chị nói với em, em sẽ dàn hòa giùm cho.
Tập Nhân đẩy Đại Ngọc ra nói:
- Thưa cô, cô nói nhảm gì thế? Tôi đây chỉ là một đứa con hầu thôi.
Đại Ngọc cười nói:
- Chị bảo chị là con hầu, nhưng em coi chị như là chị dâu.
Bảo Ngọc nói:
- Vạ gì mà em cứ hay khoác chuyện dở cho chị ấy. Thôi đừng như thế. Nếu ai nói câu ấy, em nên ngăn đi mới phải, thế mà bây giờ lại chính tự miệng em nói ra.
Tập Nhân cười nói:
- Cô ơi! Cô không biết bụng tôi, chỉ khi nào tắt thở, chết đi là xong chuyện!
Đại Ngọc cười nói:
- Chị mà chết thì không biết người khác thế nào, chứ tôi thì tôi cũng phải khóc đến chết thôi.
Bảo Ngọc nói:
- Chị mà chết thì tôi đi tu.
Tập Nhân nói:
- Cậu nên đứng đắn một chút. Sao lại nói nhảm thế.
Đại Ngọc giơ hai ngón tay lên, bĩu môi cười nói:
- Hai lần đi tu rồi đấy nhé! Từ giờ trở đi, tôi sẽ xem, liệu anh ấy làm hòa thượng mấy lần.
Bảo Ngọc biết Đại Ngọc lại nói móc mình câu chuyện hôm trước, nên chỉ cười thôi.
o0o
Một lúc Đại Ngọc đi rồi, có người đến nói: “Cậu Tiết mời”. Bảo Ngọc đi ngay, vì biết Tiết Bàn mời uống rượu, không thể từ chối được. Mãi chiều tan tiệc mới về. Bảo Ngọc đang ngà ngà say, lảo đảo về đến sân, thấy đã đặt sẵn cái giường tựa để hóng mát, lại có người nằm ngủ ngay đó. Bảo Ngọc tưởng là Tập Nhân, liền ngồi cạnh giường lay dậy hỏi: “Đỡ đau chưa?” Người kia vùng dậy nói: “Sao, lại còn gọi tôi làm gì?”.
Bảo Ngọc nhìn lại, không phải Tập Nhân, mà chính là Tình Văn. Bảo Ngọc kéo Tình Văn ngồi bên cạnh, cười nói:
- Chị càng ngày càng làm nũng quen thân. Sớm hôm nay chị đánh rơi cái quạt, tôi nói vài câu, thế mà chị dám cãi lại những lời như vậy. Chị nói tôi đã đành, chị Tập Nhân có bụng tốt đến can, chị lại vặc nhau cả với chị ấy. Chị nghĩ xem thế có đúng không?
Tình Văn nói:
- Nóng nực thế này, cứ lôi lôi kéo kéo làm gì thế! Lỡ ra người ta trông thấy thì còn ra làm sao nữa! Thân tôi vốn không đáng ngồi ở đây!
Bảo Ngọc cười nói:
- Đã biết là không đáng thì sao lại nằm xuống đây?
Tình Văn chẳng biết trả lời thế nào, cười khì một cái rồi nói:
- Cậu không đến đây thì được, chứ đã đến thì tôi không xứng đáng. Thôi tôi dậy để đi tắm rửa đây. Chị Tập Nhân và chị Xạ Nguyệt đã tắm rửa cả rồi, tôi sẽ gọi lại cho cậu.
Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi vừa mới uống rượu xong, cũng muốn rửa. Nếu chị chưa rửa, thì xách nước lại đây, hai chúng ta cùng rửa.
Tình Văn xua tay cười nói:
- Thôi! Thôi! Tôi chả dám đụng tới ông trẻ. Còn nhớ hôm nào chị Bích Ngân hầu cậu tắm rửa, chẳng biết làm những trò gì, cho đến hai ba giờ, chúng tôi không tiện vào đấy. Khi tắm xong, vào xem, thấy nước ở dưới đất, ngấm ướt cả đến chân giường, ngay trên chiếu cũng dầm dề cả nước, chẳng biết tắm rửa ra thế nào. Chúng tôi đã cười với nhau trong mấy hôm liền. Tôi chẳng hơi đâu đi lấy nước, mà cậu cũng không cần tắm chung với tôi. Hôm nay mát trời, tôi cũng không tắm đâu, để tôi đi múc một chậu nước đến cậu rửa mặt, chải đầu thôi. Vừa rồi Uyên Ương đem cho mấy thứ quả tươi ướp trong lọ thủy tinh kia, cậu bảo họ mang đến cho cậu ăn không hơn à?
Bảo Ngọc cười nói:
- Đã như thế, chị không tắm, thì đi rửa tay, mang thứ quả ấy đến cho tôi ăn.
Tình Văn nói:
- Đã bảo tôi là hạng ngu xuẩn, cầm cái quạt cũng đánh rơi gãy, đáng đâu lấy quả cho cậu ăn, lỡ ra đánh vỡ cả khay, thì lại càng to chuyện.
Bảo Ngọc cười nói:
- Các đồ vật cốt để cho người ta dùng thôi, chị thích đập cái gì cứ việc mà đập. Chị thích cái này, tôi thích cái kia, mỗi người đều có một ý thích. Ví như cái quạt cốt là để quạt, chị thích xé nó ra mà chơi thì cứ việc xé, nhưng đừng nhân lúc giận mà đem xé nó ra cho hả. Cũng như cái chén, cái khay, cốt để đựng các đồ vật, nếu chị thích nghe tiếng vỡ, thì cứ đập đi cũng được, đừng nên nhân khi tức giận mà đập. Thế cũng là biết yêu đồ vật đấy.
Tình Văn cười nói:
- Đã thế cậu đưa cái quạt đây cho tôi xé, tôi thích nghe tiếng xé lắm.
Bảo Ngọc đưa cái quạt cho Tình Văn. Quả nhiên “Xoạt” một tiếng, cái quạt bị xé ra làm đôi, rồi cứ “Xoạt xoạt” luôn mấy tiếng nữa.
Bảo Ngọc đứng cạnh cười nói:
- Tiếng xé hay đấy! Xé nữa mà nghe.
Xạ Nguyệt ở đâu chạy đến, trừng mắt nhìn, gắt lên:
- Ác nghiệt vừa vừa chứ!
Bảo Ngọc giật ngay lấy cái quạt ở tay Xạ Nguyệt, đưa cho Tình Văn. Tình Văn cầm lấy xé ra làm mấy mảnh, rồi hai người cười ầm lên.
Xạ Nguyệt nói:
- Thế là thế nào? Lại đem cái quạt của tôi ra làm trò đùa đấy à?
Bảo Ngọc cười nói:
- Chị mở cái hộp quạt của tôi ra chọn lấy một cái mà dùng. Quí hoá gì cái này?
- Đã thế thì mang hết cả quạt ra đây để tha hồ cho chị xé có được không?
- Chị vào mang cả ra đây.
- Không khi nào tôi làm trò tai ác như thế. Tay chị ta chưa què thì tự đi mà lấy.
Tình Văn cười rồi tựa vào giường nói:
- Giờ tôi mệt rồi, ngày mai lại xé.
Bảo Ngọc cười nói:
- Người xưa có câu “Nghìn vàng khó mua được một tiếng cười” mấy cái quạt có đáng là bao?
Bảo Ngọc vừa nói vừa gọi Tập Nhân. Tập Nhân thay quần áo chạy ra. Giai Huệ, một a hoàn nhỏ đến nhặt các mảnh quạt rách mang đi, rồi mọi người ngồi hóng mát ở đấy.
O0o
Trưa hôm sau, Vương phu nhân và chị em Bảo Thoa, Đại Ngọc đương ngồi ở trong buồng Giả mẫu, có người vào trình “Cô Sử đến”. Một lúc, Sử Tương Vân và nhiều a hoàn, vú bõ đi vào sân. Bọn Bảo Thoa, Đại Ngọc vội xuống thềm đón. Chị em bạn trẻ hàng tháng vắng mặt, bây giờ gặp nhau, tất nhiên là vui vẻ thân mật. Một lúc vào trong buồng, đi chào hỏi mọi người.
Giả mẫu liền bảo:
- Trời nóng nực thế này, cháu cởi bớt quần áo ngoài ra.
Tương Vân vội đứng dậy cởi áo.
Vương phu nhân cười nói:
- Chả thấy ai mặc như thế cả. Mặc vào để làm gì?
Tương Vân cười nói:
- Đó là thím Hai bảo cháu mặc đấy, chứ cháu có muốn mặc những thứ này đâu!
Bảo Thoa đứng cạnh cười nói:
- Dì không biết cô Sử thích mặc cả quần áo của người khác nữa kia đấy. Còn nhớ kỳ tháng ba, tháng tư năm ngoái, khi cô ấy ở đây, đã mặc áo, đi cả giày, đeo cả thắt lưng của cậu Bảo. Thoạt nhìn, giống hệt cậu Bảo, chỉ khác hai bên tai đeo hoa thôi. Cô ấy đứng tựa ở sau ghế, làm cụ tưởng lầm cứ gọi: “Bảo Ngọc, cháu lại đây. Cẩn thận không thì cái đèn treo trên kia rơi tàn vào mắt đấy”. Cô ấy cứ đứng cười, không đi. Sau mọi người không nhịn được, cười phá lên, cụ cũng cười nói: “Nó ăn mặc giả trai càng dễ coi hơn”.
Đại Ngọc nói:
- Việc ấy đã thấm vào đâu? Hồi tháng giêng năm trước cô ta sang đây ở được vài ngày, trời xuống tuyết. Hôm ấy bà và mợ đi lễ tổ về, bà cởi cái áo khoác lông vườn màu đỏ ra. Lừa lúc bà không trông thấy, cô ấy mặc ngay vào người, vừa rộng vừa dài, lại lấy cái khăn thắt ngang lưng, rồi ra sân sau cùng bọn a hoàn đập tuyết chơi, không ngờ trượt chân ngã, bùn lấm khắp người.
Nói xong mọi người nhớ lại chuyện ấy, đều cười ầm lên.
Bảo Thoa cười hỏi vú Chu:
- Cô bé nhà vú độ này còn hay quấy nữa không?
Vú Chu chỉ cười. Nghênh Xuân cười nói:
- Hay quấy đã đành rồi, nhưng tôi lại ghét cô ta hay nói nhiều quá. Có khi đi ngủ vẫn còn lảm nhảm, hết nói lại cười, không biết những chuyện nhảm ấy từ đâu đem đến.
Vương phu nhân nói:
- Có lẽ bây giờ cháu đã khá rồi. Độ trước nghe nói có người đến xem mặt, thế là cháu đã sắp sửa về nhà chồng rồi, lẽ nào lại còn như trước.
Giả mẫu hỏi:
- Thế lần này sang chơi, cháu định ở lại hay về ngay?
Vú Chu cười nói:
- Cụ không thấy cô ấy đã mang cả quần áo sang đây, khi nào lại không ở chơi mấy ngày?
Tương Vân hỏi:
- Anh Bảo có ở nhà không?
Bảo Thoa cười nói:
- Cô ấy chẳng nhớ ai, chỉ nhớ cậu Bảo thôi. Vì hai người thích chơi đùa với nhau, thế thì vẫn chưa đổi được tính hay quấy.
Giả mẫu nói:
- Bây giờ các cháu đã lớn rối đừng gọi tên tục nhau ra nữa.
Vừa nói xong, thì Bảo Ngọc chạy đến cười nói:
- Em Vân đã sang đấy à? Hôm nọ anh cho người đi đón, sao em không sang?
Vương phu nhân nói:
- Bà vừa nói xong, chúng nó lại gọi tên tục nhau cả rồi.
Đại Ngọc nói:
- Anh cô có cái gì đẹp để dành cho cô đấy.
Tương Vân hỏi:
- Cái gì đấy?
Bảo Ngọc cười nói:
- Em tin lời cô ấy à! Mấy hôm không gặp, đã thấy lớn lên rồi.
Tương Vân cười hỏi:
- Chị Tập Nhân có khỏe không?
Bảo Ngọc nói:
- Vẫn khỏe, cảm ơn em nhớ đến.
Tương Vân nói:
- Tôi mang cái vật đẹp này sang cho chị ấy đây.
Nói xong, Tương Vân giở cái khăn lụa, lấy ra một gói con. Bảo Ngọc nói:
- Lại cho cái gì đẹp đấy? Chi bằng em cho chị ta mấy cái nhẫn ngọc thạch thanh màu đỏ, như hôm nọ đã đưa sang đây ấy.
Tương Vân cười hỏi:
- Đây là cái gì?
Mở gói ra, mọi người xem, quả nhiên một gói bốn chiếc nhẫn màu đỏ là thứ nhẫn đã cho mang sang lần trước.
Đại Ngọc cười nói:
- Các chị em xem cô ta như thế đấy. Hôm nọ cho người đưa sang các thứ nhẫn cho chúng tôi, tại sao cô không đưa cả sang một thể, có tiện hơn không? Hôm nay cô lại tự mình mang sang. Tôi cứ tưởng là cái gì mới lạ kia, hoá ra vẫn là thứ nhẫn này. Cô thực là người hồ đồ.
Tương Vân cười nói:
- Chính chị mới hồ đồ, để tôi kể rõ đầu đuôi cho mọi người nghe, xem ai hồ đồ? Tôi đưa thứ gì cho các cô, thì sai người mang sang, không phải dặn dò, chỉ cần xem qua một lượt cũng đã biết ngay rồi. Nhưng nếu sai người ta đưa cái gì cho các chị a hoàn, là tôi phải dặn dò cẩn thận, thứ này đưa cho chị này, thứ kia đưa cho chị kia. Người sai đi mà biết được rành mạch còn khá, nếu gặp phải người vớ vẩn, không nhớ được rõ, cứ đưa bừa đi, tên nọ đánh ra tên kia, sẽ bị nhầm lẫn hết. Nếu bà già đi còn khá, nhưng hôm nọ tôi lại sai đứa bé con mang sang, làm thế nào mà dặn dò cho nó nhớ hết những tên họ của a hoàn bên này? Bây giờ chính tay tôi mang sang đưa cho họ, chẳng rành rọt hơn hay sao?
Tương Vân nói rồi bỏ gói nhẫn ra, bảo:
- Chị Tập Nhân một chiếc, chị Uyên Ương một chiếc, chị Kim Xuyến một chiếc, chị Bình Nhi một chiếc. Tất cả là bốn người. Thế thì bọn trẻ con nhớ rành mạch làm sao được?
Mọi người đều cười nói:
- Quả là rõ ràng.
Bảo Ngọc cười nói:
- Vẫn mồm mép liến thoắng, chẳng chịu thua ai.
Đại Ngọc cười nhạt:
- Nếu cô ấy nói không rành mạch thì đáng đeo con “Kỳ lân vàng” thế nào được?
Nói xong liền chạy đi chỗ khác. May sao mọi người không ai nghe thấy, chỉ có Bảo Thoa bĩu môi cười. Bảo Ngọc thấy thế, hối hận mình đã lỡ lời; thấy Bảo Thoa cười, cũng cười theo. Bảo Thoa thấy Bảo Ngọc cười, vội đứng dậy, lần đến nói chuyện với đại Ngọc.
Giả mẫu bảo Tương Vân:
- Uống nước trà xong, cháu đi nghỉ một lúc, rồi đến thăm các chị cháu. Ngoài vườn mát đấy, cháu sẽ đi chơi với các chị ấy.
Tương Vân vâng lời, gói bốn cái nhẫn lại, nghỉ một lúc, rồi đi thăm Phượng Thư. Bọn vú bõ, người hầu cùng đi theo. đến đó, mọi người cười một lúc, rồi sang vườn Đại Quan, vào thăm Lý Hoàn; ngồi một lát, lại sang viện Di Hồng tìm Tập Nhân. Tương Vân quay lại bảo bọn người hầu: “Các cô không phải theo tôi. Ai muốn đi thăm bà con cứ đi, để một mình Thúy Lũ theo hầu tôi là đủ”.
Mọi người vâng lời, để Tương Vân, Thúy Lũ ở lại đấy, rồi đi thăm bà con.
Thúy Lũ nói:
- Hoa sen này làm sao không nở?
Tương Vân nói:
- Chưa đến mùa.
- Cái hoa này cũng như hoa trong ao nhà ta, đó là hoa kép.
- Hoa ở đây không bằng hoa của nhà ta.
- Bên này có hoa thạch lựu bốn năm cành xúm xít lại, chùm nọ nằm chồng lên chùm kia, sao mà đẹp thế!
- Hoa cỏ cũng như người ta vậy. Khí mạch mà đầy đủ, thì càng lớn càng đẹp.
Thúy Lũ lắc đầu nói:
- Cô nói thế cháu không tin, nếu bảo rằng cây cối cũng như người ta, thì sao cháu không thấy người nào trên đầu lại mọc thêm một cái đầu nữa?
Tương Vân bật cười:
- Ta đã bảo em không nên nói nhiều, thế mà em cứ thích nói. Hỏi thế thì người ta trả lời làm sao được? Trong trời đất, vật gì cũng đều nhờ âm dương mà sinh ra, chính hay tà, kỳ hay quái, biến hoá đủ đường, cũng đều do âm dương thuận hay nghịch mà ra. Ngay những giống từ khi mới sinh, ít người trông thấy, rút cuộc đều cùng một lẽ cả.
- Nếu nói như thế thì từ khi có trời đất đều là âm dương cả à?
- Con bé này ngớ ngẩn quá! Càng nói càng bậy, thế nào lại “Đều là âm dương cả”. Vả lại, hai chữ âm dương chỉ là một, nghĩa là hết dương đến âm, hết âm đến dương, chứ không phải hết âm mới sinh ra dương, hay là hết dương mới sinh ra âm đâu.
- Thực là mơ hồ chán chết đi được! Thế nào là âm với dương? Chẳng có hình có bóng à? Cháu chỉ hỏi cô, cái hình dạng âm dương nó ra thế nào?
- Âm với dương chẳng qua là khí thôi. Nhờ có khí ấy, các vật mới thành hình chất. Ví như trời là dương, thì đất là âm; nước là âm, thì lửa là dương; mặt trời là dương, thì mặt trăng là âm.
- Phải đấy, bây giờ cháu hiểu rồi. Chẳng trách người ta gọi mặt trời là “Thái dương”, người xem số gọi mặt trăng là sao “Thái âm”, đó là lẽ thế đấy.
- A di đà phật! Bây giờ em mới hiểu ra.
- Những cái ấy có âm dương đã đành rồi, còn đến ruồi, muỗi, sâu, bọ, hoa cỏ, mảnh ngói, viên gạch cũng có âm dương cả sao?
- Cái gì mà chẳng có, ví như một lá cây cũng có âm dương khác nhau, mặt ngửa lên trời là dương, mặt úp xuống đất là âm.
Thúy Lũ gật đầu cười nói:
- Thế à! Bây giờ cháu mới hiểu. Cái quạt chúng ta cầm ở tay đây, thế nào là âm, thế nào là dương?
- Mặt phải là dương, mặt trái là âm.
Thúy Lũ gật đầu cườì, còn muốn tìm mấy thứ nữa để hỏi, nhưng chưa nghĩ ra. Chợt cúi đầu nhìn thấy Tương Vân đeo cái dây có con kỳ lân vàng, liền cầm lấy cười hỏi:
- Cái này có âm dương không hở cô?
- Muông chạy, chim bay, thì giống đực là dương, giống cái là âm, cái gì mà chẳng có.
- Thế thì con kỳ lân của cô đeo đó là đực hay cái?
- Tôi cũng không biết.
- Thế thì thôi vậy. Tại sao cái gì cũng có âm dương mà chúng ta lại không có?
Tương Vân sa sầm nét mặt nói:
- Đồ ngu! Thôi cút đi, càng hỏi càng nói tầm bậy.
- Cái đó có gì mà cô không bảo cho cháu biết. Cháu cũng hiểu rồi, cô đừng vặn vẹo cháu nữa.
- Em hiểu thế nào?
- Cô là dương, cháu là âm.
Tương Vân lấy khăn lụa bịt mồm cười. Thúy Lũ nói:
- Nói đúng mà cô lại cười à.
- Đúng lắm, đúng lắm!
- Người ta thường nói chủ nhà là dương, đầy tớ là âm, ngay những lẽ thường như thế, mà em cũng không hiểu hay sao?
- Em hiểu lắm rồi.
Hai người đi đến dưới giàn hoa tường vi, Tương Vân trỏ tay bảo:
- Em xem kìa, cái gì vàng lóng lánh như đồ trang sức của ai đánh rơi.
Thúy Lũ vội chạy đến nhặt lên tay, cười nói:
- Cái này sẽ phân biệt ra được âm dương!
Nói rồi cầm con kỳ lân của Tương Vân xem. Tương Vân muốn xem cái mới nhặt được, nhưng Thúy Lũ không chịu đưa, cười nói:
- Cái này là cái bảo bối, cô không xem được đâu! Lạ chưa? ở đâu mà đến đây? Xưa nay cháu không trông thấy ở ai có cái này cả.
- Đưa tôi xem nào.
Thúy Lũ xòe tay ra cười nói:
- Đây mời cô xem.
Tương Vân nhìn xem, thì ra một con kỳ lân vàng, so với con của mình đeo vừa to vừa có văn vẻ hơn. Tương Vân nâng lấy để vào lòng bàn tay, đứng ngẩn người ra, lặng lẽ không nói một lời. Chợt thấy Bảo Ngọc ở đầu kia đi tới, cười nói:
- Em đứng dưới ánh mặt trời này làm gì? Tại sao không đi tìm Tập Nhân?
Tương Vân vội giấu con kỳ lân đi và nói:
- Em định đến đây, chúng ta cùng đi một thể.
Nói xong, hai người cùng đi đến viện Di Hồng.
Tập Nhân đương ở dưới thềm, đứng tựa bao lan hóng mát, thấy Tương Vân đến, vội vàng ra đón, dắt tay nhau cười nói hàn huyên, rồi vào nhà mời ngồi. Bảo Ngọc liền nói:
- Em nên sang sớm là phải, anh có một cái đẹp lắm, chỉ để chờ em thôi!
Nói xong sờ vào người một lúc rồi kêu “Ái chà” một tiếng, hỏi Tập Nhân:
- Cái ấy của tôi, chị cất có phải không?
- Cái gì kia chứ?
- Con kỳ lân lấy được hôm trước ấy mà.
- Ngày nào cậu cũng đeo luôn trong mình, lại còn hỏi tôi?
Bảo Ngọc vỗ tay một cái nói:
- Thôi, tôi đánh rơi mất rồi, tìm ở đâu được bây giờ?
Rồi đứng dậy chực đi tìm.
Tương Vân nghe thấy thế, biết là của Bảo Ngọc đánh rơi, cười nói:
- Anh có con kỳ lân ấy từ bao giờ?
- Hôm nọ tình cờ người ta cho tôi, nhưng không biết đánh rơi ở đâu và từ lúc nào? Tôi thực là hồ đồ quá.
Tương Vân cười nói:
- Nó là đồ chơi, mà anh cũng hoảng lên như thế.
Liền đưa con kỳ lân ra cười hỏi:
- Anh xem, có phải con này không?
Bảo Ngọc trông thấy vui mừng khôn xiết.

-----------------------------
(1). Sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ.
Hồng Lâu Mộng
Lời giới thiệu
Hồi thứ nhất
Hồi thứ hai
Hồi thứ ba
Hồi thứ tư
Hồi thứ năm(1)
Hồi thứ sáu
Hồi thứ bảy
Hồi thứ tám
Hồi thứ chín
Hồi thứ mười
Hồi thứ mười một
Hồi thứ mười hai
Hồi thứ mười ba
Hồi thứ mười bốn
Hồi thứ mười lăm
Hồi thứ mười sáu
Hồi thứ mười bảy và mười tám
Hồi thứ mười chín
Hồi thứ hai mươi
Hồi thứ hai mươi mốt
Hồi thứ hai mươi hai
Hồi thứ hai mươi ba
Hồi thứ hai mươi bốn
Hồi thứ hai mươi lăm
Hồi thứ hai mươi sáu
Hồi thứ hai mươi bảy
Hồi thứ hai mươi tám
Hồi thứ hai mươi chín
Hồi thứ ba mươi
Hồi thứ ba mươi mốt
Hồi thứ ba mươi hai
Hồi thứ ba mươi ba
Hồi thứ ba mươi bốn
Hồi thứ ba mươi lăm
Hồi thứ ba mươi sáu
Hồi thứ ba mươi bảy
Hồi thứ ba mươi tám
Hồi thứ ba mươi chín
Hồi thứ bốn mươi
Hồi thứ bốn mươi mốt
Hồi thứ bốn mươi hai
Hồi thứ bốn mươi ba
Hồi thứ bốn mươi bốn
Hồi thứ bốn mươi lăm
Hồi thứ bốn mươi sáu
Hồi thứ bốn mươi bảy
Hồi thứ bốn mươi tám
Hồi bốn mươi chín
Hồi thứ năm mươi
Hồi thứ năm mươi mốt
Hồi thứ năm mươi hai
Hồi thứ năm mươi ba
Hồi thứ năm mươi bốn
Hồi thứ năm mươi lăm
Hồi thứ năm mươi sáu
Hồi thứ năm mươi bảy
Hồi thứ năm mươi tám
Hồi thứ năm mươi chín
Hồi thứ sáu mươi
Hồi thứ sáu mươi mốt
Hồi thứ sáu mươi hai
Hồi thứ sáu mươi ba
Hồi thứ sáu mươi tư
Hồi thứ sáu mươi lăm
Hồi thứ sáu mươi sáu
Hồi thứ sáu mươi bảy
Hồi thứ sáu mươi tám
Hồi thứ sáu mươi chín
Hồi thứ bảy mươi
Hồi thứ bảy mươi mốt
Hồi thứ bảy mươi hai
Hồi thứ bảy mươi ba
Hồi thứ bảy mươi tư
Hồi thứ bảy mươi lăm
Hồi thứ bảy mươi sáu
Hồi thứ bảy mươi bảy
Hồi thứ bảy mươi tám
Hồi thứ bảy mươi chín
Hồi thứ tám mươi
Hồi thứ tám mươi mốt
Hồi thứ tám mươi hai
Hồi thứ tám mươi ba
Hồi thứ tám mươi tư
Hồi thứ tám mươi lăm
Hồi thứ tám mươi sáu
Hồi thứ tám mươi bảy
Hồi thứ tám mươi tám
Hồi thứ tám mươi chín
Hồi thứ chín mươi
Hồi thứ chín mươi mốt
Hồi thứ chín mươi hai
Hồi thứ chín mươi ba
Hồi thứ chín mươi bốn
Hồi thứ chín mươi lăm
Hồi thứ chín mươi sáu
Hồi thứ chín mươi bảy
Hồi thứ chín mươi tám
Hồi thứ chín mươi chín
Hồi thứ một trăm
Hồi thứ một trăm lẻ một
Hồi thứ một trăm lẻ hai
Hồi thứ một trăm lẻ ba
Hồi thứ một trăm lẻ bốn
Hồi thứ một trăm lẻ năm
Hồi thứ một trăm lẻ sáu
Hồi thứ một trăm lẻ bảy
Hồi thứ một trăm lẻ tám
Hồi thứ một trăm lẻ chín
Hồi thứ một trăm mười
Hồi thứ một trăm mười một
Hồi thứ một trăm mười hai
Hồi thứ một trăm mười ba
Hồi thứ một trăm mười bốn
Hồi thứ một trăm mười lăm
Hồi thứ một trăm mười sáu
Hồi thứ một trăm mười bảy
Hồi thứ một trăm mười tám
Hồi thứ một trăm mười chín
Hồi thứ một trăm hai mươi