Hồi thứ năm mươi
Tác giả: Tào Tuyết Cần
Bảo Thoa nói:
- Cần phải định thứ tự, để tôi viết ra.
Nói xong, liền bảo mọi người rút thăm. Người bắt đầu chính là Lý Hoàn, rồi theo thứ tự mà rút.
Phượng Thư nói:
- Đã thế tôi cũng đọc một câu.
Mọi người đều cười nói:
- Thế thì càng hay.
Bảo Thoa viết một chữ “phượng” ở trên chữ “Đạo Hương lão nông”. Lý Hoàn giảng nghĩa đầu bài cho Phượng Thư nghe.
Phượng Thư nghĩ một lúc, cười nói:
- Chị em đừng cười tôi nhé, tôi chỉ có một câu nôm na thôi, còn sau không biết gì hết.
Mọi người đều cười nói:
- Càng nôm na càng hay. Chị cứ đọc ra đây, rồi đi làm việc của chị.
Phượng Thư cười nói:
- Khi tuyết xuống thế nào cũng có gió bấc. Đêm qua nghe gió bấc thổi, tôi có một câu: “một đêm gió bấc ào ào”, được hay không, tôi cũng chẳng cần.
Mọi người nhìn nhau cười nói:
- Câu này tuy nôm na, nhưng chưa nói hết ý. Đó chính là biết cách mở đầu bài thơ đấy. Không những hay, mà còn để lại rất nhiều ý tứ cho người làm sau. Vậy cứ lấy câu này làm đầu, Đạo Hương lão nông tiếp luôn đi.
Phượng Thư cùng thím Lý và Bình Nhi lại uống hai chén rượu rồi đi.
Lý Hoàn viết:
Một đêm gió bấc ào ào(1),
Rồi đọc câu của mình:
Cửa ngoài còn thấy tuyết giào giạt bay.
Thương thay thân trắng bùn dây,
Hương Lăng:
Tiếc thay ngọc lại rắc đầy khắp nơi.
Muốn cho cỏ héo lại tươi,
Thám Xuân:
Còn như mầm lụa tưới hoài công thôi.
Rượu quê giá đã lên rồi,
Lý Ỷ :
Được mùa kho thóc khá dồi dào thay.
Gió lay ống sậy, gió bay,
Lý Văn:
Giời kia ló mặt, sao này quay chuôi.
Hàn sơn xanh đã kém mùi,
Tụ Yên:
Nước chiều gặp lạnh đọng rồi không dâng.
Trên cành liễu, bám lưng chừng,
Tương Vân:
Chuối kia lá rách, đong chăng được nào.
Đỉnh vàng mùi xạ ngạt ngào,
Bảo Cầm:
Vạt tay áo lụa ủ vào kim điêu.
Trước song sáng lấn gương treo,
Đại Ngọc:
Mùi thơm quyện lẫn hạt tiêu trên tường.
Vẫn còn ngọn gió tạt ngang,
Bảo Ngọc:
Ai người tỉnh giấc mơ màng là ai
Nơi nào tiếng sáo hoa mai?
Bảo Thoa:
Nhà nào đương thổi mấy bài ngọc tiêu?
Cua buồn trục đất sắp xiêu,
Lý Hoàn cười nói:
- Để tôi đi xem rượu nóng cho các chị thôi.
Bảo Thoa nhắc Bảo Cầm đọc tiếp, Tương Vân đứng ngay lên đọc:
Đuổi nhau rồng đánh tan vèo đám mây.
Chiếc thuyền bến nội về đây,
Bảo Cầm:
Bá kiều roi trỏ chốn này tặng thơ.
Áo cừu cho tướng nơi xa,
Tương Vân đâu có chịu kém. Vả lại, không ai nhanh bằng cô ta, nên đều trừng mắt nhìn cô ta đọc:
Áo bông này thiếp gửi đưa tới chàng.
Tổ xây kiến khéo lo lường,
Bảo Thoa khen hay luôn miệng, rồi đọc tiếp:
Cành kìa lá nọ xem nhường lung lay.
Sáng trong nhẹ bước đường mây,
Đại Ngọc:
Uốn lưng thoăn thoắt múa may giữa trời.
Đòi khi trà đắng thưởng chơi,
Đại Ngọc vừa đọc vừa đẩy Bảo Ngọc bảo đọc tiếp. Bảo Ngọc đương mải nhìn Bảo Cầm, Bảo Thoa, Đại Ngọc hùa nhau đấu với Tương Vân, rất lấy làm thú, còn nghĩ gì đến thơ nữa. Bây giờ bị Đại Ngọc đẩy, mới đọc:
Rắc đầy hoa muối nhớ lời ca xưa.
Câu buông, tơi khoác trên bờ,
Bảo Cầm:
Tiếng tiêu văng vẳng vọng qua rừng nào.
Voi quỳ nghìn ngọn núi cao,
Tương Vân:
Một đường rắn lượn ngoằn ngoèo đằng xa.
Hoa này lạnh mới chồi hoa,
Bảo Thoa cùng mọi cười đều khen hay. Thám Xuân đọc tiếp:
Màu này nào sợ sương sa kém màu.
Trong nhà sẻ lạnh xôn xao,
Tương Vân đương khát, vội đi uống nước, bị Tụ Yên đọc cướp:
Cú già trên núi nghẹn ngào buồn tênh.
Trên thềm lên xuống lượn quanh,
Tương Vân vội vất chén nước xuống, đọc luôn:
Nước ao mặc sức bập bềnh khắp nơi.
Trong veo khi mới sáng trời,
Đại Ngọc:
Đến đêm khuya lại tơi bời bay cao.
Lòng thành biết lạnh đâu nào.
Tương Vân:
Điềm lành sua nóng tan vào từng mây.
Nằm khèo ai hỏi ta đây,
Bảo Cầm vội đọc:
Chơi ngông có bạn rủ ngay đi cùng.
Dây lưng trắng đứt trên không,
Tương Vân:
Lụa giao chợ bể chớ mong sánh cùng.
Đại Ngọc ngắt ngay Tương Vân:
Vẻ buồn che kín lầu hồng,
Tương Vân đọc cướp:
Giỏ bầu nghèo xác nhớ ông Nhan Hồi.
Bảo Cầm cũng không chịu thua, đọc ngay:
Trà pha nước mới gần sôi,
Tương Vân thấy thế, rất lấy làm thú, vừa cười vừa đọc:
Lá tươi nấu rượu lá đời nào khô?
Đại Ngọc cười đọc:
Chổi đâu sư muốn quét chùa,
Bảo Cầm cười đọc:
Đàn vui đâu để trẻ khua gậy tìm.
Tương Vân cười ngặt nghẽo, định đọc luôn một câu.
Mọi người cười hỏi:
- Cô định đọc câu gì đây?
Tương Vân đọc:
Hạc trên lầu đã ngủ yên,
Đại Ngọc ôm bụng cười rồi đọc to:
Quen người, mèo cũng ủ rền nệm nhung.
Bảo Cầm:
Trong trăng sóng bạc trập trùng,
Tương Vân:
Thành mây thấp thoáng vầng hồng trên cao.
Đại Ngọc:
Hương mai hãy nhấm xem nào,
Bảo Thoa cười khen hay rồi đọc:
Rượu pha nước trúc nhấp vào càng say.
Bảo Cầm:
Uyên ương lưng ướt đầm dây,
Tương Vân:
Kìa chim phỉ thúy dính đầy cả đuôi.
Đại Ngọc:
Tiếng đâu như gió thổi ngoài,
Bảo Cầm:
Tiếng đâu sầm sập như trời đổ mưa.
Tương Vân gục xuống, cười rũ rượi. Mọi người thấy ba người này đối chọi nhau, không ai nghĩ đến làm thơ, chỉ nhìn mà cười. Đại Ngọc lại giục Tương Vân đọc luôn nữa và bảo:
- Mày đến lúc tài cùng lực kiệt rồi sao? Tao xem mày còn nỏ mồm nữa thôi?
Tương Vân cứ gục vào lòng Bảo Thoa cười mãi. Bảo Thoa đẩy dậy, nói:
- Mày có giỏi gieo hết cả vần nhị tiêu tao mới phục.
Tương Vân đứng dậy cười nói:
- Không phải làm thơ đâu, tôi đọc liều đấy thôi.
Mọi người cười nói:
- Chính là tự cô nói ra đấy!
Thám Xuân nghĩ mình không thể đọc chen vào chỗ nào được nữa, liền viết ra rồi nói:
- Chưa kết thúc đâu.
Lý Văn cầm lấy đọc một câu:
Sớm nay hỏi đã vui chưa?
Lý Ỷ đọc kết một câu:
Mượn thơ để chúc Đường Ngu thanh bình.
Lý Hoàn nói:
- Thôi đủ rồi! Tuy chưa làm hết vần nhưng gò ép mãi, nặn thêm ra lại không hay.
Nói xong, mọi người lại bình phẩm một lần nữa, có thơ Tương Vân là nhiều hơn. Họ đều cười nói:
- Đó là công lao của miếng thịt hươu đấy.
Lý Hoàn cười nói:
- Cứ theo từng câu mà cắt nghĩa, đều liền mạch cả, chỉ có Bảo Ngọc là hỏng thôi.
Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi vốn không biết làm thơ liên cú, phải nơi nới cho tôi mới được.
Lý Hoàn cười nói:
- Không lẽ lần nào họp thi xã cũng nới cho chú, khi chú bảo vần khó, khi làm dở bài, nay lại bảo không biết làm liên cú. Hôm nay nhất định tôi phải phạt chú. Tôi vừa trông thấy những cây hồng mai trong am Lũng Thúy rất đẹp, muốn bẻ một cành để cắm lọ, nhưng tôi ghét Diệu Ngọc, không muốn gặp cô ta. Bấy giờ chú phải đến đấy lấy một cành mang về thưởng chơi.
Mọi người đều nói:
- Cách phạt này vừa nhã lại vừa thú!
Bảo Ngọc thấy thế cũng thích, nhận lời đi ngay. Tương Vân, Đại Ngọc đều nói:
- Ngoài ấy lạnh lắm, anh uống một chén rượu nóng rồi hãy đi.
Lúc đó Tương Vân đã hâm sẵn bình rượu rồi. Đại Ngọc cầm lên rót đầy một chén lớn. Tương Vân cười nói:
- Anh uống chén rượu này của chúng tôi, nếu không lấy được hoa về, sẽ lại phạt thêm!
Bảo Ngọc uống ngay một chén, rồi đi ra ngoài tuyết.
Lý Hoàn sai người đi theo. Đại Ngọc ngăn lại nói:
- Không cần. Có người nữa đi theo sẽ không lấy được hoa đâu.
Lý Hoàn gật đầu nói: “Phải đấy”.
Rồi sai a hoàn mang đến một cái bình vẽ một mỹ nhân nhún vai, đổ nước vào để chờ cắm cành mai, lại cười nói:
- Nếu mang về, ta phải làm bài thơ vịnh hồng mai mới được
Tương Vân nói:
- Tôi làm trước một bài.
Bảo Thoa cười nói:
- Hôm nay không cho cô làm nữa! Cô cướp mất cả để người khác ngồi không thì chẳng có thú gì. Khi nào Bảo Ngọc về sẽ bắt phạt cậu ta cứ nói là không biết liên cú. Đã vậy bắt cậu ta phải làm bài thơ này.
Đại Ngọc cười nói:
- Phải lắm. Tôi không có ý định ấy. Những người vừa rồi không liên cú được nhiều, bây giờ phải làm thơ hồng mai.
Bảo Thoa cười nói:
- Phải lắm. Vừa rồi các cô Hình, cô Lý không được thi tài, và lại là khách. Cô Cầm, cô Tần và cô Vân làm tranh mất nhiều, chúng ta không ai nên làm nữa, cứ để cho các cô ấy làm mới phải.
Lý Hoàn nói:
- Cô Ỷ không quen làm thơ lắm, nên để cho em Cầm làm thôi.
Bảo Thoa đành phải nhận lời, rồi nói:
- Thế thì dùng ba chữ “hồng mai hoa” làm vận, mỗi người làm một bài thất ngôn: cô Hình làm vần “hồng”, cô Lý làm vần “mai” cô Cầm làm vần “hoa”.
Lý Hoàn nói:
- Nếu tha cho Bảo Ngọc, tôi không phục.
Tương Vân nói:
- Có một đầu bài hay lắm, bắt anh ấy làm.
Mọi người hỏi: “Đầu bài gì?”
Tương Vân nói:
- Bắt anh ấy làm bài thơ “Đến thăm Diệu Ngọc xin cành hồng mai”, như thế chẳng thú lắm hay sao?
Mọi người đều nói: “Thú đấy!”
Nói chưa dứt lời thì Bảo Ngọc hớn hở cầm cành hồng mai về. Bọn a hoàn vội ra đỡ lấy cắm vào lọ, mọi người đều đến ngắm nghía. Bảo Ngọc cười nói:
- Bây giờ chị em thưởng ngoạn đi, không biết mất bao nhiêu hơi sức mới xin được đấy!
Thám Xuân đã mang một cốc rượu ấm đến. Bọn a hoàn đi lấy nón, áo tơi rồi đập tuyết đi. Người hầu ở các nhà đều mang thêm quần áo đến. Tập Nhân cũng sai người mang cái áo khoác da cáo còn rung rúc đến. Lý Hoàn sai người mang một khay khoai luộc, hai mâm cam, quất và trám đưa cho Tập Nhân. Tương Vân nói lại cho Bảo Ngọc biết đầu bài thơ vừa rồi, và giục làm ngay, Bảo Ngọc nói:
- Xin các chị em đừng hạn vần, để tôi chọn lấy.
Mọi người đều nói:
- Anh muốn làm vần nào thì làm.
Mọi người vừa nói, vừa ngắm cành mai. Cành cao gần hai thước, bên cạnh có một nhánh đâm ngang dài độ hai, ba thước. Nhánh ấy lại có nhiều nhánh nhỏ đâm ra, nhánh như ly cuộn tròn, nhánh như giun nằm thẳng, nhánh khẳng khiu như cái bút, nhánh rườm rà như rừng cây. Thật là hoa khoe son phấn, hương lấn huệ lan. Mọi người xem đều khen ngợi. Ngờ đâu Tụ Yên, Lý Văn, Bảo Cầm đã làm xong thơ, viết ra cả rồi. Mọi người theo thứ tự xem chữ hồng, chữ mai, chữ hoa. Đầu tiên là bài Hồng mai hoa của Hình Tụ Yên.
Kìa đào kia hạnh chửa đâm bông.
Mai đã ngoài sương cợt gió đông,
Đại Dĩu(2) hồn bay xuân khó biết,
La Phù(3) ráng phủ mộng chưa thông.
Cuống xanh đuốc rợi tô màu đẹp,
Rượu choáng tiên dìu vượt quãng không.
Nhìn kỹ sắc này hồ dễ có,
Ở hàng băng tuyết nhạt pha nồng.
Lý Văn:
Bạch mai biếng vịnh, vịnh hồng mai,
Đón khách say hoa, trổ mọi tài.
Mặt lạnh nổi hằn dây những máu,
Lòng chua thành bụt giận gì ai.
Uống nhầm viên thuốc xương thay hẳn,
Ăn trộm đào tiên kiếp đổi rồi.
Giang Bắc, Giang Nam xuân chói lọi,
Bướm ong thôi chớ đắn đo hoài.
Bảo Cầm:
Cành lá lơ thơ hoa chói màu,
Chị em trang điểm khéo đua nhau.
Cửa cong sân vắng trời tan tuyết,
Nước chảy non cao ráng dọi đầu,
Mộng kín lạnh lùng vang sáo ngọc,
Chèo tiên ngào ngạt lướt sông Ngâu.
Dao đài kiếp trước là ai đấy,
Sắc tướng này xem có khác đâu.
Mọi người xem xong, đều cười khen ngợi và cho bài cuối cùng hay hơn. Bảo Ngọc thấy Bảo Cầm trẻ hơn cả lại có tài nhanh nhẹn. Đại Ngọc, Tương Vân mỗi người rót một chén rượu nhỏ mừng Bảo Cầm, Bảo Thoa cười nói:
- Cả ba bài đều có câu hay. Ngày thường các chị trêu tôi chán rồi, bây giờ lại trêu đến em nó.
Lý Hoàn lại hỏi Bảo Ngọc:
- Chú đã làm xong thơ chưa?
Bảo Ngọc vội nói:
- Tôi đã làm xong rồi, nhưng khi xem ba bài này lại sợ quá quên mất cả. Để tôi nghĩ lại xem.
Tương Vân nghe nói, liền cầm cái đũa đồng gõ vào lồng ấp cười nói:
- Tôi gõ hết hồi mà anh không làm xong thì lại phải phạt đấy.
Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi có thơ rồi.
Đại Ngọc cầm bút cười nói:
- Anh đọc đi, em viết hộ.
Tương Vân gõ một cái, cười nói:
- Thế là hết một hồi rồi.
Bảo Ngọc cười nói:
- Có thơ rồi, em viết đi.
Mọi người nghe Bảo Ngọc đọc:
Thơ chửa làm xong rượu chửa mời.
Đại Ngọc viết rồi lắc đầu cười nói:
- Câu mở đầu thường lắm.
Tương Vân lại nói:
- Đọc nhanh lên!
Bảo Ngọc cười đọc:
Tìm xuân, hỏi chạp tới bồng lai.
Đại Ngọc, Tương Vân đều gật đầu cười nói:
- Cũng hơi có tứ đấy.
Bảo Ngọc lại đọc:
Cần chi Đại Sĩ lưng bình móc,
Xin hẳn Sương Nga một nhánh mai.
Đại Ngọc viết rồi lấc đầu nói:
- Chỉ khéo vặt đấy thôi.
Tương Vân lại gõ một cái, Bảo Ngọc cười đọc:
Gạt tuyết đỏ đi đời bớt lạnh,
Kéo mây tía xuống bụi thêm mùi.
Nhà thơ ai tiếc thân gầy guộc,
Áo dính đầy rêu trước phật đài.
Đại Ngọc viết xong, Tương Vân đương bàn thơ, thấy mấy a hoàn chạy đến nói:
- Cụ đến đấy!
Mọi người vội ra đón, cười nói:
- Sao người cao hứng thế?
Nói xong, trông đằng xa thấy Giả mẫu khoác áo che tuyết đội mũ bằng lông chuột, ngồi trên kiệu nhỏ, che dù xanh, bọn Hổ Phách, Uyên Ương và năm sáu a hoàn, cầm dù đỡ kiệu đi đến. Bọn Lý Hoàn vội chạy ra đón. Giả mẫu bảo họ đứng lại, nói:
- Thôi, các cháu cứ đứng ở đấy được rồi.
Giả mẫu xuống kiệu cười nói:
- Ta trốn mẹ mày và cháu Phượng đến đây. Tuyết xuống nhiều, ta ngồi kiệu không sao, chứ không nên để cho mẹ con nó phải dầm tuyết.
Mọi người vâng dạ, đều cầm lấy áo tơi và đỡ Giả mẫu xuống.
Giả mẫu vào trong nhà, cười nói:
- Hoa mai đẹp nhỉ! Các cháu chỉ biết vui lấy một mình ta không tha cho đâu!
Lý Hoàn sai người lấy một cái nệm da chó sói đến trải giữa. Giả mẫu ngồi xuống cười nói:
- Các cháu cứ việc chơi đùa ăn uống. Mùa này ngày ngắn, ta không muốn ngủ trưa. Đánh một hồi bài, chợt nghĩ đến các cháu, nên ta lại đây để góp vui.
Lý Hoàn lại mang cái lồng ấp đến. Thám Xuân lấy riêng đũa chén, rót rượu ấm mời Giả mẫu. Giả mẫu uống một hớp, hỏi:
- Ở mâm kia có những thứ gì đấy?
Mọi người liền bưng lại, nói:
- Đây là món gà gô om rượu.
Giả mẫu nói:
- Được rồi, xé một miếng đùi mang lại đây.
Lý Hoàn vâng lời đi rửa tay, xé một miếng mang đến.
Giả mẫu nói:
- Các cháu cứ ngồi xuống, coi như ta không đến đây mới được, nếu không ta sẽ về ngay.
Mọi người nghe nói, mới theo thứ tự ngồi xuống. Lý Hoàn ngồi ở tận bên dưới. Giả mẫu hỏi:
- Các cháu chơi gì đấy?
- Chúng cháu đang làm thơ.
- Làm thơ chẳng bằng làm mấy câu đố đèn để ra giêng chơi.
Mọi người vâng lời.
Cười nói một lúc, Giả mẫu nói:
- Chỗ này ẩm ướt, các cháu đừng ngồi lâu, sợ bị cảm lạnh. Nhà cháu Tư ấm hơn, chúng ta đến xem bức vẽ của nó xem cuối năm liệu có xong được không.
Mọi người cười nói:
- Cuối năm nay xong thế nào được? Có lẽ đến tiết đoan ngọ sang năm mới xong.
- Như thế sao được? Thật lại tốn công hơn là làm cái vườn này.
Nói xong, Giả mẫu ngồi vào kiệu, mọi người đi theo, qua Ngẫu Hương tạ, đi vào một con đường hẹp, hai bên đông tây đều là cửa đi ra phố, trên cửa lầu, trong ngoài đều có biển đá. Đi vào cửa tây, có biển phía ngoài khắc hai chữ xuyên vân, biển bên trong khắc hai chữ độ nguyệt. Lên đến thềm, vào cửa giữa hướng nam, Giả mẫu xuống kiệu. Tích Xuân ra đón. Đi qua dãy hành lang, đến buồng ngủ Tích Xuân. Dưới mái treo cái biển có chữ Noãn Hương ổ, đã có mấy người đứng mở bức rèm da vượn màu đỏ, hơi ấm bốc ngay lên mặt.
Mọi người vào trong nhà, Giả mẫu không ngồi, hỏi ngay Tích Xuân:
- Vẽ đến đâu rồi?
- Trời lạnh lắm, keo rắn lại không chảy, sợ vẽ không đẹp nên cháu phải cất đi.
- Cuối năm nay thế nào cũng phải xong, cháu đừng giở lối lười ra; hãy mang ra vẽ đi cho ta.
Nói chưa dứt lời, thấy Phượng Thư mặc áo nhung màu tía, cười hì hì đi vào, nói:
- Hôm nay bà lẻn đi một mình, chẳng nói cho ai biết, làm cháu phải đi tìm mãi!
Giả mẫu thấy Phượng Thư, trong bụng mừng lắm, nói
- Ta sợ cháu rét, nên không cho cháu biết. Cháu thật là con ma khôn, cũng biết tìm đến đây. Cứ lý ra có phải hiếu kính ở chỗ ấy đâu.
Phượng Thư cười nói:
- Có phải là cháu hiếu kính mà đi tìm bà đâu? Vì cháu đến đó, thấy im lặng như tờ, hỏi bọn hầu nhỏ, chúng không chịu bảo, cháu đành phải vào vườn tìm. Đương lúc nghi hoặc thấy có hai sư cô đến, cháu mới hiểu là các sư cô chắc lại đến đòi tiền sớ hay tiền hương đèn hàng năm gì chăng, chả vì cứ cuối năm là bà tiêu nhiều, nên phải đi trốn nợ. Cháu hỏi sư cô, quả thế thật. Cháu đã giả tiền lễ hàng năm cho họ về rồi. Thế là chủ nợ đã đi bà không cần phải trốn nữa. Cháu đã nấu sẵn gà gô non, mời bà về xơi cơm chiều, nếu để chậm sợ quá lửa mất.
Phượng Thư nói một câu làm mọi người lại cười ầm lên.
Phượng Thư không chờ Giả mẫu trả lời, cứ sai người khiêng kiệu đến. Giả mẫu cười, vịn tay Phượng Thư bước lên kiệu, dẫn mọi người, cười nói ra đến cửa Đông, nhìn lên xem bốn mặt đều trắng xóa như trát phấn, dát bạc. Trông thấy Bảo Cầm mặc áo cừu thêu đàn le, đang đứng đợi ở sau sườn núi, sau lưng có một a hoàn, bưng cái lọ cắm cành hồng mai. Mọi người đều cười nói:
- Thảo nào thiếu hai người, thì ra họ đến chờ ở đây, lại cũng đi kiếm hoa mai rồi!
Giả mẫu mừng quá, cười nói:
- Các cháu hãy nhìn xem, trên sườn núi tuyết này, có dáng người như thế, ăn mặc quần áo như thế, đằng sau lại có hoa mai như thế liệu giống cái gì?
Mọi người đều cười nói:
- Giống bức tranh Diễm tuyết đồ của Cừu Thập Châu(4) treo ở nhà cụ.
Giả mẫu lắc đầu, cười nói:
- Bức vẽ ấy đâu có quần áo như thế này? Người cũng không được đẹp như thế!
Nói chưa dứt lời, thấy phía sau Bảo Cầm có một người mặc áo da vượn màu đỏ đi đến. Giả mẫu hỏi:
- Lại cô ả nào nữa đấy?
- Chúng cháu ở đây cả, chắc là cậu Bảo Ngọc.
- Ta càng ngày càng sinh lóa mắt.
Hai người đi đến, chính là Bảo Ngọc và Bảo Cầm. Bảo Ngọc cười bảo bọn Bảo Thoa, Đại Ngọc:
- Tôi vừa đến am Lũng Thúy, cô Diệu Ngọc gửi biếu chị em mỗi người cành mai, tôi đã sai người đưa đến nhà rồi.
Mọi người đều cười nói:
- Cám ơn cậu có lòng nghĩ đến chúng tôi.
Mọi người ra khỏi cửa vườn, đến buồng Giả mẫu. Ăn cơm xong, lại chuyện trò một lúc. Chợt thấy Tiết phu nhân đến, nói:
- Tuyết xuống nhiều quá! Suốt ngày không đến thăm cụ được. Hôm nay sao người không cao hứng? Đáng lẽ người nên đi thưởng tuyết mới phải.
Giả mẫu cười nói:
- Sao lại không cao hứng? Tôi đã đến chỗ chị em chúng nó thưởng tuyết một lúc rồi.
Tiết phu nhân cười nói:
- Chiều hôm qua tôi định đến mượn dì nó cái vườn một ngày, bày vài bàn rượu, mời cụ hôm nay đến đó thưởng tuyết. Nhưng thấy người đã đi nghỉ rồi, tôi lại nghe cháu Bảo nói là người không được khoan khoái. Vì thế tôi không dám quấy rầy. Nếu biết thế này, tôi phải đến mời người mới phải.
Giả mẫu cười nói:
- Bây giờ là tháng mười mới bắt đầu có tuyết, sau này còn nhiều, sẽ còn làm phiền đến bà dì, lúc ấy cũng chưa muộn.
Tiết phu nhân cười nói:
- Được như vậy cũng bõ lòng thành kính của tôi.
Phượng Thư cười nói:
- Chỉ sợ dì lại quên chăng? Chi bằng bây giờ dì cân ngay năm mươi lạng bạc giao cho cháu, khi nào có tuyết, cháu sẽ sắm sửa tiệc rượu. Như thế, người không phải để ý đến và cũng không quên được nữa.
Giả mẫu cười nói:
- Đã vậy bà dì cứ giao hẳn cho nó năm mươi lạng và nó sẽ chia đôi mỗi người một nửa. Hôm nào có tuyết, tôi giả cách người khó ở để lấp liếm cho xong chuyện. Như thế bà dì không phải bận lòng, mà tôi và cháu Phượng sẽ được hưởng món lộc đó.
Phượng Thư vỗ tay cười nói:
- Hay lắm! Bà nói rất hợp ý cháu.
Mọi trời đều cười.
Giả mẫu cười nói:
- Hừ! Không biết xấu! Cứ định nhờ bão bẻ măng. Sao mày chẳng nói: bà dì là khách, đến ở nhà ta, chúng ta nên bày tiệc mời bà dì mới phải, lẽ nào để bà dì tốn tiền! Mày lại còn giở mặt ra đòi bà dì năm mươi lạng bạc, thật không biết xấu hổ!
Phượng Thư cười nói:
- Bà tinh lắm, cháu mới nói thử đấy thôi. Nếu bà dì nhẹ dạ bỏ ra năm mươi lạng bạc, bà sẽ chia ngay cho cháu đấy. Bây giờ bà đắn đo biết là không ăn thua gì, nên trở mặt đem cháu ra làm bung xung, nói những câu ra vẻ đứng đắn. Thế thì bây giờ cháu cũng không lấy bạc của bà dì nữa, cháu sẽ ứng tiền ra làm tiệc rượu mời bà đến ăn, rồi lại gói thêm năm mươi lạng bạc nữa đem biếu bà, coi như bà phạt cháu hay ôm đồm những việc không đâu. Thế có được không?
Mọi người nghe nói cười lăn ra.
Nhân nói tới việc Bảo Cầm bẻ cành mai dưới tuyết, đẹp hơn trong tranh, Giả mẫu lại hỏi tỉ mỉ về ngày sinh tháng đẻ cùng tình cảnh gia đình của Bảo Cầm. Tiết phu nhân biết ý, có lẽ lại muốn dạm hỏi cho Bảo Ngọc đây, trong bụng cũng rất vui, nhưng đã trót hẹn gả cho nhà họ Mai rồi; vì Giả mẫu chưa nói rõ, nên tự mình cũng không tiện nói ra, cứ nửa kín nửa hở nói với Giả mẫu:
- Tiếc rằng cháu nó kém phúc! Cha cháu mất năm trước rồi. Từ bé cháu vất vả nhiều, theo cha đi khắp đó đây, hễ nó buôn bán ở đâu là đem gia quyến đi theo. Năm nay chơi tỉnh này một năm, sang năm chơi tỉnh khác mấy tháng, vì thế trong nước mười phần cháu đi tới năm sáu. Mấy năm trước đây, cha cháu đã hứa gả cháu cho con quan hàn lâm họ Mai. Năm sau cha cháu mất, rồi mẹ cháu lại bị bệnh suyễn…
Chưa chờ dứt câu, Phượng Thư đã thở dài giậm chân nói:
- Thực không may! Tôi đang định làm mối cho cô ấy, đã lại nhận lời người khác mất rồi!
Giả mẫu cười hỏi:
- Cháu muốn làm mối cho ai?
- Bà không cần phải nghĩ nữa. Trong bụng cháu đã nhằm sẵn rồi. Hai người ấy xứng đôi lắm. Nhưng bây giờ đã có người khác hỏi, nói cũng vô ích, thà chẳng nêu ra cho xong.
Giả mẫu cũng biết ý Phượng Thư, thấy đã gả cho người khác nên không nói nữa. Mọi người lại nói chuyện phiếm một lúc mới về.
Hôm sau tạnh tuyết. Ăn cơm xong, Giả mẫu lại dặn Tích Xuân:
- Bất cứ lạnh hay ấm, cháu phải vẽ đi, cuối năm chưa xong cũng được. Có điều cần nhất là cháu phải theo đúng cảnh Bảo Cầm cùng a hoàn và hoa mai, mà vẽ thêm vào đấy.
Biết là khó, Tích Xuân cũng vẫn phải nhận lời. Một lúc, mọi người đến xem, thấy Tích Xuân đang ngồi thừ người ra. Lý Hoàn cười bảo mọi người:
- Chúng ta hãy nói chuyện với nhau, để cho cô ấy nghĩ. Hôm nọ cụ bảo phải làm mấy bài thơ đố đèn, về đến nhà không ngủ được, tôi đã đặt hai câu đố về “Tứ thư”. Còn cô Ỷ và cô Văn mỗi người cùng đặt hai câu.
Mọi người đều cười nói: “Cái đó cần phải làm. Chị hãy nói trước để chúng tôi đoán”.
Lý Hoàn cười đọc:
- Quan âm vị hữu thế gia truyền(5), đố một câu ở trong “Tứ thư”.
Tương Vân liền đọc câu:
- Tại chỉ ư chí thiện(6)
Bảo Thoa cười nói:
- Cô hãy nghĩ nghĩa ba chữ thế gia truyền đã rồi hãy đoán.
Lý Hoàn cười nói:
- Nghĩ nữa đi.
Đại Ngọc cười nói:
- Tôi đoán nhé. Có phải là câu “tuy thiện vô trưng”(7) hay không?
Mọi người đều cười nói:
- Câu ấy phải đấy.
Lý Hoàn lại đọc:
- Cỏ xanh ao nọ gọi tên gì?
Tương Vân nói:
- Nhất định là “lau sậy” có đúng không?
- Cô đoán tài đấy. Còn câu của cô Văn là “Nước trôi bên đá dòng càng lạnh”, đố tên một người xưa.
Thám Xuân cười hỏi:
- Có phải là Sơn Đào(8) không?
- Đúng đấy.
Lý Hoàn lại nói:
- Câu đố của cô Ỷ là một chữ “huỳnh” (đom đóm), đoán ra một chữ.
Mọi người đoán một lúc, Bảo Cầm nói:
- Chữ này ý tứ rất sâu. Không biết có phải chữ “hoa” là hoa cỏ không(9)?
Lý Ỷ cười nói: “Phải đấy”.
Mọi người hỏi: “Đom đóm với hoa có liên can gì với nhau?”
Đại Ngọc cười nói:
- Hay lắm! Đom đóm không phải là cỏ hóa ra à?
Mọi người hiểu ý, đều cười nói: “hay”
Bảo Thoa nói:
- Những câu này tuy hay đấy, nhưng không hợp với ý cụ. Chi bằng chúng ta tìm những vật gần gũi dễ trông thấy để người nhã hay người tục đều thưởng thức được cả mới vui.
Mọi người đều nói
- Cũng nên làm câu đố những vật gì gần gũi dễ thấy mới phải.
Tương Vân nghĩ một lúc, cười nói:
- Tôi đặt một khúc hát “điểm giáng thần”(10) thật là một vật tục, các chị thử đoán xem. - Nói xong liền đọc:
Suối khe nỡ bỏ mà đi,
Bụi hồng nào có thú gì mà chơi ?
Hão huyền danh lợi một đời.
“Việc sau” thôi thế thì thôi còn gì.
Mọi người đều không hiểu, nghĩ một lúc, có người đoán là ông sư, có người đoán là đạo sĩ, có người đoán là con rối. Bảo Cầm cười một lúc rồi nói:
- Không đúng cả. Tôi đoán trúng rồi, nhất định là con khỉ nuôi để làm trò chơi.
Tương Vân cười nói: “Đúng đấy”.
Mọi người nói:
- Câu đầu đúng, nhưng câu cuối cùng cắt nghĩa thế nào?
Tương Vân nói:
- Con khỉ nào để chơi mà chẳng chặt đuôi?
Mọi người đều cười nói:
- Nó đặt câu đố cũng lắt léo kỳ quái quá!
Lý Hoàn nói:
- Hôm qua bà dì nhân nói cô Cầm trải đời nhiều, đi đây đi đó cũng nhiều, cô cần phải làm câu đố. Vả chăng làm thơ cô lại hay, tại sao không biên mấy câu đố để cho chúng tôi đoán?
Bảo Cầm nghe nói, gật đầu mỉm cười, đang nghĩ. Bỗng Bảo Thoa đọc ngay một bài:
Gỗ đàn gỗ tử chạm trồng lên.
Thợ giỏi nào đây xếp đặt nên?
Mưa gió lưng trời dù tạt lại.
Chùa đâu nghe được tiếng chuông rền?
(Là một vật gì?)
Mọi người đang đoán, Bảo Ngọc cũng lại đọc một bài:
Tiên tục hai nơi khéo viển vông,
Ngọc đâu hòa nhịp vẳng trên không.
Tiếng loan tin hạc nghe cho kỹ.
Cũng thở than đi đáp tấm lòng.
Đại Ngọc cũng đọc một bài:
Ngựa tốt cần chi phải buộc thừng?
Lên thành xuống trại dáng hung hăng,
Gió mây chuyển động tùy tay chủ,
Núi cưỡi lưng ngao cũng khó bằng.
Thám Xuân cũng có một bài, định đọc, thì Bảo Cầm chạy đến cười nói:
- Từ bé tôi đã đi nhiều nơi, đã xem nhiều cổ tích. Tôi chọn mười nơi, làm ra mười bài hoài cổ. Thơ tuy quê, nhưng ghi lại được việc trước, và ám chỉ được mười vật thường trông thấy, các chị thử đoán xem.
Mọi người nghe xong, đều nói:
- Thế càng hay lắm. Sao không viết ra cho chị em xem?
--------------------------
1. Nguyên văn mỗi câu năm chữ. Muốn đọc dễ hiểu, chúng tôi xin dịch ra thể lục bát.
2. Núi Đại Dĩu cao tuyệt vời có nhiều hồng mại và bạch mai.
3. Cát Hồng đời Tấn tu tiên ở núi này.
4. Ông tên là Cửu Anh, người quận Thái Thương, nhà Minh, có tài vẽ, nhất là vẽ nữ sĩ, thì thần thái rất sinh động.
5. Đây là câu đố, chưa rõ nghĩa là gì.
6. Chữ ở sách Đại học, nghĩa là cốt ở chỗ làm điều lành.
7. Chữ trong sách Trung dung. Nghĩa là: tuy làm điều lành nhưng không có báo ứng.
8. Sơn Đào người đời Tấn. Theo nghĩa chữ Hán, “sơn” là núi, “đào” là sóng. Có nghĩa là nước ở trong núi. Đúng với nghĩa câu đố “nước ở bên đá chảy ra”.
9. Theo chữ Hán, chữ “hoa” trên là bộ “thảo”, dưới là chữ “hóa”. Tục truyền giống đom đóm là do cỏ mục hóa ra, tức là chữ “thảo” và chữ “hóa”, cho nên đố chữ “huỳnh”, đoán chữ “hoa” là đúng.
10. Tên điệu hát.