Hồi thứ một trăm lẻ hai
Tác giả: Tào Tuyết Cần
Vương phu nhân sai người đến gọi Bảo Thoa. Bảo Thoa vội vàng đến hỏi thăm sức khỏe. Vương phu nhân nói:
- Em Ba con sắp đi lấy chồng, con là chị dâu, phải dặn dò, bảo ban nó, cũng là tình chị em. Vả lại nó là con bé hiểu biết, ta xem con cũng hòa hợp với nó. Nhưng nghe nói thằng Bảo nghe em nó sắp đi, cứ khóc mãi. Con cũng phải khuyên nó mới được. Hiện nay ta cứ nay ốm mai đau, chị Hai con thì ba bữa khỏe, hai bữa ốm, con có hiểu việc đôi chút, cũng nên nhìn ngó công việc, đừng chỉ lặng thinh, sợ làm mất lòng người ta. Việc nhà sau này con đều phải lo cả.
Bảo Thoa vâng lời. Vương phu nhân lại nói :
- À, còn một việc nữa, chị Hai con hôm qua đem con gái nhà mụ Liễu đến, nói cho vào hầu các con.
- Hôm nay chị Bình mới đưa đến, nói là theo ý của mẹ và chị Hai.
- Phải đấy. Chị Hai con nói với ta, ta thấy điều đó cũng không quan hệ gì, bác đi không tiện. Nhưng có một điều, ta thấy con bé ấy, bộ dạng mặt mày không phải là người yên phận lắm đâu Trước đây vì bọn a hoàn ở nhà Bảo Ngọc cứ như là yêu tinh, ta mới đuổi đi mấy đứa. Con cũng đã biết điều đó, cho nên mới dọn về nhà ở. Giờ đây đã có con, cố nhiên là không phải như trước nữa. Ta nói với con, chẳng qua phải để ý một chút đấy thôi. Trong nhà các con, chỉ có con bé Tập Nhân còn có thể dùng được.
Bảo Thoa vâng lời, lại nói vài câu nữa rồi về. Sau khi ăn cơm, Bảo Thoa sang nhà Thám Xuân, cố nhiên là ân cần khuyên giải, không cần phải nói kỹ.
Ngày hôm sau, Thám Xuân định lên đường, lại qua từ giã Bảo Ngọc. Bảo Ngọc cố nhiên là khó lòng chia tay. Thám Xuân lại đưa chuyện cương thường đại thể ra nói, ban đầu Bảo Ngọc cúi đầu làm thinh, sau lại đổi buồn làm vui, hình như có ý tỉnh ngộ. Thấy vậy, Thám Xuân yên lòng, từ biệt mọi người, ngồi kiệu lên đường.
Trước kia bọn chị em đều ở trong vườn Đại Quan, nhưng từ khi Giả Phi chết rồi, vườn cũng không sửa sang lại nữa. Đến khi Bảo Ngọc cưới vợ, Đại Ngọc chết. Tương Vân, Bảo Cầm về
Nhà, trong vườn ít người, tiết trời lại lạnh, nên bọn chị em Lý Hoàn, Thám Xuân, Tích Xuân đều dời về chỗ cũ. Nhưng gặp lúc hoa nở trăng trong, họ vẫn hẹn nhau vào vườn dạo chơi như trước. Nay Thám Xuân đi rồi, Bảo Ngọc thì từ lúc ốm không ra khỏi cửa, càng chẳng có ai cao hứng nữa. Vì thế, trong vườn vắng vẻ chỉ có mấy người ở đấy trông nom.
Hôm nọ, Vưu thị qua đưa Thám Xuân lên đường, vì trời đã chiều, muốn khỏi phải đi xe, liền qua cái cửa trong vườn năm kia mở thông sang phủ Vinh mà về. Chị ta cảm thấy lâu đài còn nguyên như cũ, mà cảnh vật rất đỗi thê lương, một dãy tường hoa chẳng khác gì nương vườn trồng trọt, trong lòng buồn bã, hình như áy náy vì việc gì . Khi về đến nhà, người chị ta phát nóng. Gắng gượng một vài ngày rồi cũng phải nằm xuống. Ban ngày còn nhẹ, đến đêm người nóng lạ thường. Nói mê nói sảng liên miên. Giả Trân vội vàng mời thầy xem bệnh. Thầy thuốc nói vì bị cảm, nay bệnh đã truyền vào túc dương minh vị kinh (1) cho nên mới nói nhảm như thấy cái gì, phải hạ thì mới yên được.
Vưu thị uống luôn hai thang không bớt chút nào, mà lại phát điên lên. Giả Trân cuống quít, liền bảo Giả Dung:
- Con đi ra ngoài kia xem có thầy thuốc giỏi thì mời mấy người đến xem.
- Ông thầy này trước đây là đắt khách nhất đấy, chỉ sợ bệnh mẹ con không thể chữa bằng thuốc được.
- Nói nhảm! Không uống thuốc thì không lẽ cứ để mặc đấy à?
- Không phải con nói không chữa, nhưng vì hôm trước mẹ đi sang phủ tây, rồi sau về qua vườn. Khi về đến nhà thì người phát nóng, không khéo gặp phải ma quái gì đấy. Ngoài kia có ông Mao Bán Tiên là người phương Nam, bói rất linh ứng, chi bằng mời ông ta đến bói xem, nếu đoán ra việc gì thì theo ông ta mà làm; nếu không ăn thua, sẽ mời thầy thuốc giỏi khác.
Giả Trân nghe nói, lập tức cho người mời vào. Mao Bán Tiên đến, ngồi trong thư phòng uống nước xong, liền hỏi:
- Quý phủ gọi tôi, không hiểu hỏi việc gì? Giả Dung nói:
- Mẹ tôi bị bệnh, xin thầy bói cho một quẻ.
- Đã thế thì lấy nước sạch rửa tay, bày hương án ra, để tôi bói một quẻ xem.
Một lúc người nhà bày đặt xong, ông ta kéo cái ống thẻ ở trong bọc ra, đến trước hương án, kính cẩn vái một cái, trong tay lắc ống thẻ, miệng khấn: “Thái cực lưỡng nghi, hun đúc giao cảm, sinh ra đồ thư mà biến hoá vô cùng. Thần thánh xuất hiện, nên thành tâm cầu thì thế nào cũng ứng. Nay có tín chủ Giả mỗ, nhân vì mẹ đau, thành tâm xin các vị Phục Hy, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử, bốn vị thánh nhân, chứng giám ở trên, thành cảm thiêng liêng, có dữ báo dữ, có lành báo lành, xin trước ba hào nội tượng”.
Ông ta móc tiền trong ống gieo lên trên khay và nói:
- Thiêng lắm, hào thứ nhất là “giao”. - Lại cầm ống lắc một cái nữa, đổ ra nói: - “đơn” - đến hào thứ ba lại là “giao” (2)
Ông ta nhặt tiền lên, miệng khấn: “Nội hào đã cho, nay xin ba hào ngoại tượng, để xong một quẻ”. Khi gieo xong rồi thì ra quẻ “đơn chiết đơn” (3)
Mao Bán Tiên cất ống và thẻ, tiền đi, ngồi xuống, nói:
- Mời ngồi, mời ngồi để tôi xem cho kỹ, quẻ này là quẻ “Vị tế” (4) “thế hào” là hào thứ ba, “ngọ hoả” gặp lúc hao tài tốn của, nhất định là có việc gì xúi quẩy. Nay ngài hỏi bệnh cho mẹ dung thần là hào đầu, thật là hào “phụ mẫu”, động sinh ra “quan quỉ”, trên năm hào lại có một tầng “quan quỉ” nữa, cho nên theo tôi thì bệnh bà nhà ta khá nặng đấy. Nhưng còn may, còn may, giờ đây còn nước “tý hợi ngưng đọng”, “dần mộc” động sinh ra hoả, trên “thế hào” động sinh ra "tứ tôn", trở lại “khắc quỉ”. Vả lại "nhật nguyệt sinh thần", cách hai ngày nữa, tý thủy “quan quỉ”, đụng chỗ không thì đến ngày tuất sẽ khỏi. Nhưng trên hào “phụ mẫu” “biến quỉ”, chỉ e ông cụ nhà ta cũng có quan ngại ít nhiều. Ngay cả “thế hào của bản thân, kiếp cũng quá nặng đến ngày thủy vượng thổ suy cũng không tốt.
Ông ta nói xong, liền vểnh râu ngồi yên.
Giả Dung ban đầu thấy ông ta giở trò ma, trong bụng nhịn không được, chỉ muốn cười, sau nghe ông ta giảng lý trong quẻ rất rõ ràng, lại nói sợ cha mình cũng không yên, liền hỏi:
- Thầy đoán rất tài, nhưng không biết mẹ tôi bị bệnh gì?
- Cứ như quẻ này, “thế hào” thủy hoả khắc nhau, tất nhiên là hàn hỏa ngưng kết. Nếu muốn đoán cho rõ ràng, bói cỏ thi (5) cũng không rõ lắm, phải dùng "đại lục nhâm", thì mới đoán được đúng.
- Thầy cũng đều biết cả à?
- Cũng biết ít nhiều.
Giả Dung liền xin ông ta xem cho một quẻ và báo ra một giờ. Ông ta liền vẽ lên cái khay, bày các thần tướng ra mà tính thì là bạch hổ trong cung tuất. Quẻ này gọi là “phách hoả”. Bạch hổ tức là hung tướng, nếu gặp vượng khí sẽ bị dẹp lại không thể làm hại. Nay lại gặp "tử thần" "tử sát", và thời lệnh giam hâm thành ra hổ đói, tất sẽ làm hại người. Cũng như phách thần bị kinh sợ mà tiêu tán, cho nên gọi là "phách hoá" (6). Quẻ này đoán rằng con người bị mất vía, lo phiền liên miên, bị bệnh thì sẽ chết, kiện thì bị lo sợ. Cứ tượng mà xét thì ngày chiều hổ tới nên nhất định mắc bệnh vào lúc chiều tối. Trong tượng lại nói: “Phàm ai mà bói đúng quẻ này thì nhất định là nơi vườn cũ có hổ nấp làm dữ, hoặc là có hình dáng, có tiếng động". Nay ngài vì cha mẹ mà bói, đúng vào câu: hổ ở dương thì đàn ông phải lo, ở âm thì đàn bà phải lo. Quẻ này rất là hung dữ, nguy hiểm!
Giả Dung nghe chưa xong, trên mặt thất sắc nói:
- Thầy nói rất đúng, nhưng so với quẻ trước, xem ra không hợp lắm, như thế có can gì không?
- Ngài đừng có vội, để tôi thong thả xem lại đã.
Ông ta cúi đầu xuống, lầm rầm một lúc rồi nói:
- May lắm, có cứu tinh rồi! Tính ra thì ở cung “Tỵ”, có quỉ thần giải cứu, gọi là "phách hoá hồn quý", trước lo mà sau mừng, không can gì đâu, cần phái cẩn thận ít nhiều là được.
Giả Dung trả tiền bói rồi tiễn ông ta ra.
Giả Dung vào nhà thưa với Giả Trân :
- Bệnh mẹ mắc phải là do hồi chiều tối ở bên vườn vì gặp “phục thi bạch hổ” nào đó.
- Mày nói mẹ mày hôm trước đi qua vườn mà về, khéo không lại gặp cái gì ở đấy cũng nên. Mày có nhớ việc thím Hai mày vào vườn về rồi bị ốm không? Thím ấy tuy không thấy gì, nhưng sau bọn a hoàn và bà già đều nói lúc đó trên núi có một vật gì lông lá xồm xoàm, mắt như cái đèn lồng to tướng lại biết nói nữa. Nó đuổi thím Hai, làm thím Hai về rồi khiếp mà sinh ốm.
- Con vẫn còn nhớ. Con còn nghe Bồi Dính bên nhà chú Bảo nói, chị Tình Văn thì làm thần hoa phù dung ở trong vườn, khi cô Lâm chết thì giữa trời có tiếng âm nhạc, nhất định cô ta cũng trông coi hoa gì rồi đấy. Trong vườn nhiều yêu quái như thế thì nguy thật! Trước kia, người nhiều, dương khí thịnh, đi lại luôn không ngại gì, nay gặp lúc vắng vẻ mà mẹ đi qua đó, không biết lại giẫm phải hoa gì cũng nên, không thì cũng lại gặp phải vị nào rồi đấy? Quẻ ấy bói cũng đúng đấy.
- Thế ông ta bảo có can gì không?
- Cứ như ông ta nói thì đến ngày tuất sẽ khỏi. Chỉ mong sao cho khỏi được hai ngày hoặc chậm lại hai ngày thì hay.
- Thế là thế nào?
- Nếu ông ta mà đoán đúng thì sợ cha cũng không được yên.
Đang nói chuyện thì nghe bên trong nhà kêu:
- Mợ đòi ngồi dậy sang bên vườn, bọn a hoàn giữ không được.
Giả Trân chạy vào yên ủi thì nghe Vưu thị miệng nói lảm nhảm:
- Người mặc áo đỏ đến gọi ta! Người mặc áo xanh đến đuổi ta.
Bọn a hoàn đứng đấy vừa sợ vừa buồn cười.
Giả Trân liền sai người đi mua ít vàng giấy, đưa vào vườn đốt. Quả nhiên đêm ấy Vưu thị đổ mồ hôi, bệnh giảm được đôi phần. Đến ngày tuất, dần dần khoẻ hẳn. Từ đó, một đồn mười, mười đồn trăm, ai cũng nói trong vườn Đại Quan có quỉ. Bọn coi vườn sợ quá. không còn dám sửa sang cây cối, vun tưới cỏ rau gì cả. Trước thì ban tối không ai dám qua lại, đến nỗi chim muông lấn người, gần đây, thậm chí ban ngày cũng hai ba người cầm khí giới mới dám đi. Cách đó ít lâu, quả nhiên Giả Trân cũng ốm, nhưng không mời thầy thuốc chữa nữa, nhẹ thì đến vườn đốt vàng xin khất, nặng thì bói toán cầu cúng. Giả Trân khỏi thì bọn Giả Dung nối tiếp nhau ốm. Mấy tháng trời liên tiếp như vậy, làm cho cả hai phủ đều sợ. Từ đó, nghe tiếng chim kêu, gió thổi, và từng gốc cây ngọn cỏ, người ta cũng cho là yêu tinh cả. Các khoản cho thầu trong vườn nhất thiết bỏ hết, tiền chi tiêu hàng tháng, các phòng đều phải tăng thêm, làm cho phủ Vinh càng
chật vật. Bọn coi vườn không còn mơ ước gì nữa, ai cũng muốn bỏ đó mà đi, thường bịa ra những chuyện yêu quái để đòi dời ra. Sau đó họ đóng chặt cửa vườn lại, không ai dám vào, làm cho lầu cao gác rộng, quán ngọc đài dao đều trở thành nơi chim muông nương đậu.
Anh ngoại Tình Văn là Ngô Quý nhà ở ngay trước cửa vườn. Từ khi Tình Văn chết, nghe nói cô ta làm thần hoa, cho nên cô vợ anh ta cứ tối đến là không dám ra khỏi cửa. Hôm đó, Ngô Quý đi ra mua đồ vật, cô vợ anh ta bị cảm sẵn, ban ngày uống lầm thuốc nên đến đêm Ngô Quý về nhà, thì thấy vợ đã chết nằm trên giường. Người ngoài thấy mụ ta là người không đứng đắn, liền bịa chuyện nói là yêu quái leo tường ra hút hết tinh cho nên chị ta chết. Giả mẫu nghe nói, hoảng sợ, liền sai một số người vây kín lấy phòng ở của Bảo Ngọc, chia canh tuần phòng nghiêm ngặt. Bọn a hoàn nhỏ, đứa thì nói thấy người mặt đỏ, đứa thì nói thấy người con gái rất đẹp, bàn tán không ngớt, làm cho Bảo Ngọc luôn luôn khiếp sợ. May được Bảo Thoa vững vàng, nghe bọn a hoàn nói nhảm, liền doạ đòi đánh, nên những lời nói bịa đặt ấy cũng ngày một đỡ. Khốn nỗi, người ở các phòng đều sợ người, sợ quỉ, nơm nớp không yên, nên phải thêm người canh đêm, do đó, sự ăn tiêu càng tốn.
Chỉ có Giả Xá không tin lắm, bảo:
- Cái vườn yên tĩnh như thế, làm gì có ma quỉ.
Ông ta liền chọn ngày gió mát, ấm trời, dẫn một số người nhà cầm khí giới, vào vườn dò xem có động tĩnh gì không. Mọi người khuyên, ông ta không nghe. Khi vào vườn, quả nhiên âm khí ghê người. Giả Xá mạnh dạn tiến vào, nhưng bọn người đi theo thì đều so đầu rụt cổ. Trong đó, có một anh trẻ tuổi, bụng đã khiếp sợ, bỗng nghe “soạt” một tiếng, ngoảnh nhìn thì thấy một vật gì năm sắc chói lọi hay qua. Anh ta khiếp quá, kêu cái “ái chà” một tiếng, hai chân mềm nhũn, liền ngã ngay xuống. Giả Xá ngoảnh lại hỏi thì anh ta hồi hộp thưa:
- Chính mắt cháu trông thấy một con yêu tinh mặt vàng râu đỏ, áo tía xiêm xanh chạy vào hốc núi sau rừng cây.
Giả Xá nghe nói cũng hơi chột dạ, liền hỏi:
- Chúng bay đều thấy cả à?
Có mấy người cùng nói hùa theo:
- Sao lại không thấy, nhưng vì có ông lớn ở đấy, chúng con không dám kinh động, còn giữ vững tinh thần được.
Giả Xá nghe nói sợ hãi, cũng không dám đi nữa vội vàng trở về, dặn bọn hầu nhỏ không được nhắc đến, cứ nói đi xem khắp nơi chẳng thấy có gì. Thực ra thì trong bụng ông ta cũng tin, định đến phủ Chân Nhân mời pháp sư đến đuổi ma. Ngờ đâu bọn người nhà dầu không có chuyện chúng cũng còn bịa ra, huống gì bây giờ chúng thấy Giả Xá cũng sợ, nên chẳng những không giấu mà lại còn bịa đặt ra nhiều điều làm cho ai nghe cũng phải lè lưỡi.
Giả Xá chẳng biết làm thế nào, đành phải mời đạo sĩ đến vườn hoá phép trừ tà. Đạo sĩ chọn ngày tốt, trước hết lập một đàn tràng ở điện "Tỉnh thân ", trên hay tượng Tam thanh; hai hên bày hình ảnh hai mươi tám vị sao và bốn đại tướng là Mã, Triệu, Ôn, Chu; bên dưới bày tranh ba mươi sáu thiên tướng. Hương hoa đèn đuốc bày khắp cả nhà. Chuông trống và các đồ pháp bảo bày
la liệt hai bên. Các thứ cờ cắm theo màu sắc năm phương. Ty đạo kỷ sắp đặt bốn mươi chín vị đạo sĩ làm người chấp sự, để riêng một ngày làm lễ tĩnh đàn. Ba vị pháp quan hành hương lấy nước xong, rồi mới nổi hiệu trống lên. Các vị pháp sư đều đội mũ thất tinh, mặc áo pháp y cửu cung bát quái, đi giày đằng vân, tay cầm hốt ngà, liền dâng biểu mời các vị thánh. Lại đọc một ngày kinh Động Nguyên, để trừ tai, đuổi tà, và tiếp phúc, rồi sau đó ra bảng triệu tướng. Trên bảng viết: đại pháp sư, linh bảo phù lục diễn giáo ba cõi Thái ất, Hỗn nguyên, Thượng thanh, ra lệnh cho các thần ở địa phương đều đến nghe lệnh sai khiến”.
Ngày hôm ấy, các người trên dưới ở hai phủ, cậy có pháp sư bắt yêu, đều vào vườn xem, ai cũng nói:
- Pháp lệnh lớn thật! Gọi thần sai tướng rầm lên như thế, bất luận yêu quái nhiều hay ít cũng đều sợ chạy hết.
Mọi người đều chen nhau đến trước đàn. Đạo sĩ nhỏ dựng cờ và phướn lên đứng theo năm phương, chờ chực hiệu lệnh của pháp sư. Ba vị pháp sư, một vị tay cầm bảo kiếm và bưng nước phép; một vị cầm cờ đen có vẽ thất tinh và một vị cầm roi đánh yêu quái bằng gỗ đào, đều đứng ở trước đàn. Bỗng thấy pháp khí dừng lại rồi thì bên trên đánh ba tiếng lệnh, trong miệng pháp sư đọc câu thần chú, cờ năm phương bày rải rác ra xung quanh. Pháp sư bước xuống đàn, gọi người nhà dẫn đi đến các chỗ lầu gác, đình, đài, nhà cửa, hiên phòng, cho đến chân núi, bến nước, rảy nước phép, rồi dùng gươm chỉ vẽ một chốc, trở về đánh luôn mấy tiếng lệnh, đem cờ thất tinh tung lên. Các đạo sĩ thì đem cờ và phướn nhóm lại một chỗ. Pháp sư lại cầm roi đánh
yêu quái đánh luôn ba cái vào giữa khoảng không. Bọn người nhà đều cho là bắt được yêu quái, giành nhau lại xem. Khi đến tận nơi thì chẳng thấy hình dáng tiếng tăm gì cả. Chỉ thấy bọn pháp sư gọi các đạo sĩ đưa bình.lọ đến bắt yêu quái nhốt lại, dán giấy lên trên. Pháp sư dùng bút son viết bùa sai người mang về giữ lại ở một cái tháp trong chùa rồi hạ đàn và làm lễ tạ thần tướng. Giả Xá kính cẩn tạ ơn các pháp sư.
Anh em Giả Dung sau đó cứ cười mãi, nói :
- Bày biện một cách đồ sộ như thế, bọn mình cứ tưởng là bắt được yêu quái cho nhìn một tý xem ra làm sao, ai ngờ lại có thế thôi, biết họ có thật bắt được yêu quái không?
Giả Trân nghe nói, mắng :
- Đồ ngu! Yêu quái khi nhóm lại thì thành hình, khi tan ra thì thành khí, hiện nay có biết bao nhiêu thần tướng ở đây, yêu quái còn dám hiện hình ra à? Cốt sao thu lấy khí yêu, không cho nó quấy nhiễu nữa, thế là pháp lực đấy.
Mọi người nửa tin nửa ngờ, hãy chờ xem không thấy hiệu nghiệm gì rồi sẽ nói.
Bọn người dưới biết là yêu quái bị bắt, trong bụng hết nghi ngờ, nên không sợ sệt như trước nữa, về sau quả nhiên chẳng có ai nhắc đến. Bọn Giả Trân khỏi bệnh, bình phục như cũ đều cho là nhờ có thần lực của pháp sư. Riêng có một tên hầu nhỏ cười và nói:
- Trước kia ma quái như thế nào, tôi cũng chả biết, còn như hôm theo ông lớn vào vườn, thì rõ ràng là một con gà trống rừng bay qua, thằng Thuyên khiếp sợ, mù mắt, nói như chuyện thật? Bọn chúng tôi nói dối dùm cho nó, ông lớn cho là thật, làm chúng mình được xem một đàn tràng vui nhộn.
Mọi người nghe nói, nhưng chẳng ai dám tin. Rút cục vẫn không ai vào ở trong vườn.
Một hôm Giả Xá rảnh việc, đang định gọi người dọn vào trông nom trong vườn, sợ đêm hôm có quân gian trốn núp ở đó. Vừa muốn truyền lời ra gọi, bỗng thấy Giả Liễn đi vào hỏi thăm sức khoẻ và thưa:
- Hôm nay con sang bên nhà cậu Cả, nghe có tin bịa đặt nói là chú Hai bị quan tiết độ hạch về tội không chịu xem xét để bọn tuỳ thuộc thu thuế lương gạo quá nặng, tâu xin cách chức.
Giả Xá nghe xong, giật mình, nói:
- Có lẽ là tin bịa đặt thôi? Hôm trước chú Hai viết thư về, nói Thám Xuân ngày nọ đến nơi, chọn ngày giờ tốt đưa em mày tới miền biển, dọc đường gió yên sóng lặng, cả nhà không cần lo nghĩ. Lại còn nói quan tiết độ nhận làm bà con, thết tiệc chúc mừng, lẽ nào đã làm bà con rồi lại còn hặc nhau? Hãy khoan nói gì cả, con cứ đến bộ lại dò cho rõ ràng rồi về nói với ta.
Giả Liễn tất tưởi ra đi, chưa đến nửa ngày đã về, thưa lại:
- Con vừa đến bộ lại dò xem thì quả nhiên chú Hai bị hặc. Bản tâu dâng lên, may nhờ ân đức của hoàng thượng, không giao xuống bộ, liền xuống chiếu chỉ nói: "Không xem xét bọn quan dưới thu thuế lương gạo quá nặng, làm hại nhân dân, tội đáng cách chức. Nhưng nghĩ rằng mới làm quan ngoài, chưa quen việc cai trị nên bị bọn quan dưới che giấu. Vậy chỉ giáng ba cấp, gia ân cho vẫn làm chức viện ngoại bộ công như trước và truyền phải về kinh ngay". Tin này là đúng đấy. Lúc con đang nói chuyện ở bộ lại thì có một viên tri huyện ở Giang Tây được đưa vào bệ kiến cũng vừa đến đó. Nói đến chú Hai nhà ta, ông ta rất là cảm kích. Ông ta nói chú Hai là một vị quan rất tốt, nhưng dùng người không đúng. Bọn người nhà ở ngoài rêu rao lừa dối, khinh rẽ viên chức ở dưới, làm chú Hai mang tiếng. Quan tiết độ biết đã lâu, ngài cũng nói. Chú Hai là người tốt, không hiểu sao bây giờ ông ta lại hặc. Chắc là quan tiết độ thấy tệ quá, sợ sau này xảy ra vạ lớn, cho nên mượn việc không xét người dưới mà hặc để giảm nhẹ tội, cũng chưa biết chừng.
Giả Xá ngắt lời bảo Giả Liễn:
- Con hãy đi trình với thím Hai. Khoan trình với bà là được.
Giả Liễn liền đi ra trình lại với Vương phu nhân.
(1) Một danh từ Đông y, nghĩa là đường kinh lạc từ dạ dày đi xuống chân.
(2) Thầy bói dùng ba đồng tiền gieo xuống khay: ngửa cả ba đồng là “giao”, sấp một đồng là “đơn”, sấp hai đồng là “sách”, sấp ba đồng là “trùng”, rồi theo đó mà tính ra là quẻ gì.
(3) “Đơn chiết đơn” là cách tình các quẻ đơn trong kinh Dịch.
(4) Tên một quẻ trong kinh Dịch.
(5) Bói cỏ thi là đếm cây cỏ thi để mà bói theo phép kinh dịch.
(6) Các chữ như thế hào, bạch hổ, phách hoả, tử thần, tử sát, v.v.. đều là danh từ riêng trong phép bói toán đời xưa.