watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hồng Lâu Mộng-Hồi thứ tám mươi - tác giả Tào Tuyết Cần Tào Tuyết Cần

Tào Tuyết Cần

Hồi thứ tám mươi

Tác giả: Tào Tuyết Cần

Kim Quế nghe thấy nói thế, ngoảnh mặt đi, bĩu môi, khịt mũi, cười nhạt nói:
- Khi hoa ấu nở có mùi thơm đâu? Nếu bảo là hoa ấu thơm, thì các hoa thơm khác sẽ để nào chỗ nào? Thực là rất mực không thông.
Hương Lăng nói:
- Không những hoa ấu thơm, ngay đến lá sen, gương sen cũng đều có một mùi thơm mát. Nhưng mùi thơm ấy không thơm bằng mùi hoa, nếu khi thanh vắng, hoặc sáng sớm hay nửa đêm, ta chịu khó thưởng thức, thì cái mùi ấy cũng thơm mát như hoa. Ngay cả đến hoa ấu, hoa súng, lá lau, gốc sậy, nếu được hơi mưa móc vun tưới, thì cái mùi thơm mát ấy cũng làm cho người ta tỉnh táo nhẹ nhàng.
- Theo như cô nói, thì hoa quế, hoa lan thơm không ra gì à?
Hương Lăng đương lúc hăng, quên cả kiêng kỵ, thuận miệng nói luôn:
- Mùi thơm của hoa lan hoa quế thì hoa khác không thể bì được.
Nói chưa dứt câu thì a hoàn của Kim Quế tên là Bảo Thiềm trỏ ngay vào mặt Hương Lăng mắng:
- Cô đáng chết! Sao dám gọi tên mợ ra?
Hương Lăng chợt nghĩ ra, băn khoăn ngượng nghịu vội cười thưa:
- Tôi trót buột miệng, xin mợ đừng để ý.
Kim Quế cười nói:
- Có làm chuyện gì ấy. Cô thực cẩn thận quá. Nhưng tôi nghĩ chữ “Hương” vẫn không ổn, muốn đổi ra một chữ khác, không biết cô có bằng lòng hay không?
Hương Lăng cười nói:
- Sao mợ lại nói thế? Ngay thân tôi bây giờ cũng là thuộc về mợ rồi, đổi một chữ tên mà mợ lại hỏi tôi có bằng lòng hay không? Như thế tôi đâu dám nhận. Mợ xem chữ nào hay thì đặt tên cho tôi chữ ấy.
Kim Quế cười nhạt:
- Cô nói cũng đúng đấy, nhưng chỉ sợ chị Bảo để bụng thôi.
Hương Lăng cười thưa:
- Mợ chưa biết, lúc trước mua tôi về, cốt để hầu mẹ thôi, nên cô Bảo đặt cho tôi cái tên ấy. Về sau tôi sang hầu cậu và bây giờ có mợ về đây, lại càng không dính dáng gì đến cô ấy nữa. Vả chăng cô ấy là người hiểu đời thì việc ấy làm gì mà phải tức giận?
- Cô đã nói thế thì chữ “hương” không ổn bằng chữ “thu”. Vì mùa thu thì củ ấu, hoả ấu mọc nhiều, như thế chẳng có gốc tích hơn chữ “hương” hay sao?
- Thôi tôi xin nghe lời mợ.
Từ đấy Hương Lăng đổi tên là Thu Lăng. Bảo Thoa cũng chẳng để ý đến.
Tiết Bàn xưa nay vẫn có tính “được voi đòi tiên”. Hắn lấy được Kim Quế rồi, lại thấy a hoàn của Kim Quế là Bảo Thiềm có chút nhan sắc, đi đứng lẳng lơ đáng yêu, nên thường sai lấy nước pha trà, cố ý chọc ghẹo nó. Bảo Thiềm tuy đã biết mùi đời, nhưng lại sợ Kim Quế, nên không dám sỗ sàng, hãy để ý xem nét mặt Kim Qu thế nào đã. Kim Quế cùng dò biết ý ấy, nghĩ bụng: “Mình đương định bày binh bố trận làm hại Hương Lăng, chưa tìm được chỗ sơ hở, thì anh chàng đã lại lấm lét đến Bảo Thiềm. Mình hãy liều gán Bảo Thiềm cho hắn, thế nào hắn cũng thưa nhạt Hương Lăng. Thừa dịp ấy, ta sẽ gạt bỏ Hương Lăng, bấy giờ Bảo Thiềm là người của mình thì cũng dễ xử thôi”.
Chủ ý đã định, chị ta chỉ đợi thời cơ là ra tay.
Một hôm vào buổi tối, Tiết Bàn ngà ngà say, sai Bảo Thiềm cầm lấy chén, cố ý nắm tay Bảo Thiềm. Bảo Thiềm lại làm bộ lẩn tránh, rụt tay lại, hai bên cùng nhỡ tay. “Choang” một tiếng, chén nước rơi xuống đất, bắn ra cả người. Tiết Bàn có ý ngượng, nói đổ Bảo Thiềm cầm chén không cẩn thận.
Bảo Thiềm nói:
- Vì cậu đỡ chén không cẩn thận.
Kim Quế cười nhạt, nói:
- Giọng lưỡi của hai người đều khá cả đấy, chẳng ai dại đâu.
Tiết Bàn chỉ cúi đầu mỉm cười không nói. Bảo Thiềm thì đỏ mặt đi ra. Đến lúc đi ngủ, Kim Quế cố ý đuổi Tiết Bàn đi ngủ ở chỗ khác, càng đỡ bận thân. Tiết Bàn chỉ cười.
Kim Quế nói:
- Muốn làm gì thì cứ nói cho em biết, đừng có lén lút, chả ăn thua gì đâu!
Tiết Bàn nghe nói, mượn hơi men, quỳ ngay trên chăn, kéo Kim Quế cười nói:
- Em ơi, nếu em để Bảo Thiềm cho anh, thì em muốn gì, anh cũng xin vâng. Em muốn ăn óc người sống, anh cũng lấy được cho em.
Kim Quế cười nói:
- Cậu nói chẳng thông một tí nào. Cậu yêu ai cứ nói rõ ra, rồi lấy làm nàng hầu, đừng để ngoài trông thấy, đâm ra khó coi. Còn em thì có cần cái gì đâu?
Tiết Bàn nghe vợ nói thế, mừng quá, tạ ơn không ngớt. Đêm hôm ấy hắn cố làm trọn phận sự người chồng, hết sức chiều chuộng Kim Quế. Hôm sau hắn cũng không đi đâu, chỉ ở trong nhà đùa nghịch, lại càng bạo gan thêm. Đến buồi chiều, Kim Quế cố ý đi ra ngoài, để cho hai người ở nhà có dịp gần nhau. Tiết Bàn liền giở trò gạ gẫm. Bảo Thềm đã biết tám chín phần rồi, nên cũng giả cách nửa muốn nửa đừng, ngờ đâu Kim Quế để bụng rình, giữa lúc hai người đang giằng co, sắp vào cuộc, chị ta liền sai gọi a hoàn nhỏ là Tiểu Xả nhi đến.
A hoàn nhỏ này vẫn hầu Kim Quế từ lúc bé, vì bố mẹ nó mất sớm, không có người chăm nom, nên ai cũng gọi nó là Tiểu Xả nhi, chuyên làm việc vặt. Bấy giờ Kim Quế đã có ý định sẵn, gọi nó đến dặn:
- Mày đi bảo cô Thu Lăng vào buồng lấy khăn tay của tao ra đây, đừng nói là tao bảo mày.
Tiểu Xả nhi chạy một mạch đi tìm Thu Lăng nói:
- Cô Lăng, mợ bỏ quên cái khăn mặt ở trong buồng. Cô đi vào lấy ra đưa cho mợ có được không?
Hương Lăng gần đây hay bị Kim Quế hành hạ, không biết tại sao, nên tìm hết cách chiều chuộng để hòng lấy lòng Kim Quế. Vừa nghe nói thế, liền đi vào buồng lấy khăn mặt, không ngờ gặp lúc hai người đương co kéo nhau. Thu Lăng chạy đâm sầm vào, thấy thế xấu hổ quá, mặt mũi đỏ bừng lên, quay người tránh đi không kịp. Tiết Bàn cho là việc ấy đã công khai rồi, trừ Kim Quế ra, không sợ ai cả, vì thế cửa cũng không đóng. Khi Thu Lăng vào, hắn có xấu hổ đấy, nhưng cũng không để ý, Bảo Thiềm vốn là đứa đanh đá, giờ thấy Thu Lăng, giận không có chỗ nào trốn được, liền đẩy Tiết Bàn, chạy một mạch ra ngoài, miệng vẫn càu nhàu oán trách, nói là Tiết Bàn dùng sức cưỡng dâm. Tiết Bàn chật vật mới dỗ được Bảo Thiềm vào tay, lại bị Thu Lăng phá đám, cuộc vui biến thành cơn giận, đều trút cả lên người Thu Lăng. Hắn không cho ai phân trần, chạy ra ngoài quát mắng:
- Con đĩ chết đâm chết chém này! Tại sao lúc này mày lại dẫn thần xác đến đây làm gì?
Thu Lăng biết là việc không hay, ba chân bốn cẳng chạy mất. Tiết Bàn quay lại tìm Bảo Thiềm thì đã mất hút. Lúc đó hắn giận quá, chỉ làu nhàu mắng Thu Lăng. Sau khi ăn cơm chiều, Tiết Bàn rượu đã ngà ngà say, đến lúc tắm rửa, không ngờ nước hơi nóng, bị bỏng chân, liền cho là Thu Lăng có ý hại mình. Hắn trần truồng đuổi đá Thu Lăng mấy cái. Thu Lăng xưa nay chưa bị ức như thế bao giờ, nhưng đã đến nông nỗi này, không biết làm thế nào, đành chỉ than thân trách phận, rồi bỏ đi.
Kim Quế đã rỉ tai với Bảo Thiềm, đêm nay cho Tiết Bàn cùng Bảo Thiềm vào ngủ ở buồng Thu Lăng và bảo Thu Lăng sang ngủ hầu ở buồng mình. Lúc đầu Thu Lăng không chịu. Kim Quế bảo Thu Lăng cho mình là bẩn thỉu hoặc muốn rảnh thân, sợ đêm phải hầu hạ vất vả. Rồi chị ta mắng:
- Ông chủ đốn mạt của nhà mày hễ thấy người nào là yêu người ấy. Hắn đã chiếm mất a hoàn của ta, lại không cho mày sang đây thay, như vậy là ý định thế nào? Chắc là hắn muốn bắt ta chết đi thì mới thôi.
Tiết Bàn thấy thế, lại sợ làm ngáng trở đến việc mình với Bảo Thiềm, liền chạy lại mắng Thu Lăng:
- Con khốn nạn này! Mày không bước đi thì tao đánh cho tan xác bây giờ.
Thu Lăng không biết làm thế nào, đành phải mang chăn đệm đến. Kim Quế bảo Thu Lăng trải chiếu ngủ ở dưới đất. Thu Lăng đành phải nghe lời, vừa nằm xuống thì Kim Quế đã gọi pha nước, một lúc lại bắt bóp đùi, cứ thế mỗi đêm bảy, tám lần, không để cho Thu Lăng nằm ngủ yên được một lát.
Tiết Bàn với Bảo Thiềm như được ngọc báu, tất cả mọi việc đều bỏ mặc đấy. Kim Quế tức giận chỉ mắng thầm:
- Hãy cho mày sướng mấy hôm để dần dần trị được con kia rồi lúc đó đừng có trách tao!
Chị ta một mặt cố nhịn, một mặt tìm cách trị Thu Lăng. Độ được nửa tháng, chị ta giả cách ốm, nói là đau bụng quá đỗi, chân tay cứng đờ, chữa mãi không khỏi. Ai cũng cho là bị Thu Lăng chọc tức.
Chạy chữa mấy hôm, bỗng ở trong gối của Kim Quế rơi ra một hình nhân bằng giấy, mặt trên viết năm tháng ngày giờ sinh của Kim Quế, có năm cái kim cắm vào bụng, và các đầu khớp xương. Bấy giờ mọi người đều cho là việc lạ, đi báo Tiết phu nhân. Tiết phu nhân tay chân rụng rời, vội vàng chạy đến. Tiết Bàn lại càng rối rít, định tra khảo mọi người.
Kim Quế nói:
- Việc gì phải tra oan người ta? Có lẽ là cái bùa trừ tà của Bảo Thiềm đấy.
- Dạo này Bảo Thiềm có được mấy khi rỗi mà vào buồng mợ, sao lại đổ oan cho người ngay thẳng?
- Không phải Bảo Thiềm thì còn ai nữa. Chẳng lẽ tôi tự làm hại tôi à? Người khác thì ai dám vào buồng của tôi?
- Hiện giờ Thu Lăng ngày nào cũng ở gần mợ, chắc nó phải biết, cứ tra hỏi nó trước thì rõ.
- Tra hỏi ai? Ai chịu nhận? Theo ý tôi thì cứ giả vờ không biết, bỏ qua việc này đi là xong. Rút cuộc tôi chết thì cũng không quan hệ gì, người ta lại càng được lấy vợ khác đẹp hơn. Theo lương tâm mà nói, cũng chẳng qua vì ba người đều ghét tôi cả. - Chị ta vừa nói vừa khóc rống lên.
Tiết Bàn nghe vậy càng giận, tiện tay với lấy một cái dóng cửa, chạy thẳng đi tìm Thu Lăng, không cho nói câu nào đánh bừa vào đầu, vào mặt, vào khắp người Thu Lăng, cứ đổ riệt cho Thu Lăng làm việc ấy. Thu Lăng kêu oan. Tiết phu nhân chạy đến mắng át đi.
- Mày không hỏi rõ đầu đuôi mà đánh người ta. Ta xem con bé ấy hầu hạ mấy năm nay, có sơ suất bao giờ đâu. Khi nào nó dám làm việc mất lương tâm như thế? Mày hỏi cho ra trắng đen, rồi hãy giở lối đấm đá.
Kim Quế thấy mẹ chồng nói thế, sợ Tiết Bàn nể nang, đâm chùn, liền to tiếng khóc ầm lên, kể lể:
- Hơn nửa tháng nay anh cướp mất Bảo Thiềm của tôi đi, không cho nó vào buồng, chỉ có Thu Lăng ngủ với tôi thôi. Tôi muốn tra hỏi Bảo Thiềm thì anh bênh nó. Giờ anh lại đâm tức giận đánh Thu Lăng. Thôi cứ làm cho tôi chết đi, rồi anh kén người giàu sang xinh đẹp hơn mà lấy, việc gì anh phải bày ra cái trò đùa này?
Tiết Bàn nghe nói vậy lại càng tức thêm. Tiết phu nhân nghe Kim Quế nói câu nào cũng có vẻ độc ác, áp chế con mình, rất là bực. Ngờ đâu đứa con trơn hèn, bị nó áp chế cứ chịu nhũn đi như con chi chi ấy. Đã thế, lại còn tằng tịu với con a hoàn, để nó nói cho là cướp mất người của nó. Nó lại muốn được cái tiếng là người hòa nhã biết nhường chồng. Rút cục cái hình nhân ấy không biết ai làm ra. Câu tục ngữ nói rất đúng: “Quan thanh khó xử việc nhà”, bây giờ bố mẹ chồng cũng khó xử đoán được việc riêng của dâu con. Bà ta không biết làm thế nào, đành chỉ mắng Tiết Bàn:
- Cái của oan trái này, con chó còn có thể diện hơn mày! Ai ngờ mày cắm đầu đi mò cả con a hoàn hầu cận, để cho vợ mày nó bảo là cướp mất a hoàn của nó, liệu mày còn mặt mũi nào trông thấy người ta nữa? Mày không biết ai làm cái bùa ấy, cũng không hỏi cho ra nhẽ, đã đánh ngay người ta. Tao biết mày là đứa có mới nới cũ, mày phụ cả lòng tốt của người ta trước đây. Dù nó không ra gì, mày cũng không nên đánh nó. Tao sẽ bảo ngay người mối đến để bán nó đi, thế là mày được rảnh mặt.
Tiết phu nhân tức quá. lại bảo:
- Hương Lăng! Thu nhặt đồ đạc đi theo tao.
Rồi bà ta lại gọi người bảo:
- Lại tìm ngay người mối lại đây, bán nó đi lấy mấy lạng bạc, thế là nhổ được cái gai trong thịt, cái đinh trong mắt, để cho cả nhà được sống yên ổn!
Tiết Bàn thấy mẹ nổi giận, cứ cúi đầu xuống. Kim Quế nghe Tiết phu nhân nói mấy câu ấy, liền ngoảnh mặt ra ngoài cửa sổ khóc và nói:
- Bà muốn bán người thì cứ bán, không cần phải nói người nọ chọc người kia. Không lẽ chúng tôi lại là người hay ghen tuông không biết dung kẻ dưới tay sao? Tại sao nhổ gai trong thịt, nhổ đinh trong mắt? Ai là cái đinh, ai là cái gai? Nếu tôi mà ghen với con Thu Lăng thì đời nào tôi chịu cho con a hoàn của tôi làm nàng hầu.
Tiết phu nhân nghe nói tức quá, run người, nghẹn lên cổ họng nói:
- Thế là phép tác nhà nào đấy? Mẹ chồng nói ở trong nhà, thì nàng dâu cãi lại ở ngoài cửa sổ. Khen cho mày là con gái nhà đại gia đấy! Động tới là đối gia đối giảm. Mày nói cái gì thế?
Tiết Bàn tức quá giậm chân nói:
- Thôi đi, thôi đi! Người ngoài nghe thấy thì người ta cười cho đấy!
Kim Quế nghĩ bụng: “Không làm thì thôi, đã làm thì phải làm cho to chuyện” nên càng kêu ầm lên:
- Tôi không sợ ai cười cả. Con vợ lẽ nhà anh định triệt tôi, hại tôi, tôi lại còn sợ ai cười nữa? Chi bằng anh giữ nó lại, bán quách tôi đi! Ai chả biết nhà họ Tiết lắm tiền, việc gì cũng lấy của đè người, lại cậy có họ hàng thân thế, áp chế người ta! Sao anh không làm ngay đi, lại còn chờ gì nữa? Nếu chê tôi không ra gì, thì ai bảo các người mù mắt, năm lần bảy lượt đến nhà tôi?
Rồi chị ta vừa khóc vừa giãy giụa, vừa đánh tát mình. Tiết Bàn tức quá, nói cũng dở, khuyên cũng dở, đánh cũng dở, van xin cũng dở, đành cứ đi ra đi vào, thở vắn than dài, rồi tự trách mình vận hạn đen đủi!
Được Bảo Thoa khuyên ngăn, Tiết phu nhân đi về, cứ gọi người đến để bán Hương Lăng.
Bảo Thoa cười nói:
- Nhà ta đây chỉ biết mua người, chứ không bao giờ bán người. Mẹ giận quá đâm ra lẩn. Người ta nghe thấy chẳng chê cười hay sao? Nếu anh chị ghét bỏ nó, thì cứ giữ nó lại để hầu con. Con cũng đương thiếu người đây.
Tiết phu nhân nói:
- Giữ nó lại chỉ tổ bực mình thôi, chi bằng tống nó đi cho yên chuyện!
Bảo Thoa cười nói:
- Nó ở với con cũng thế thôi, không cho nó sang bên kia là được. Từ nay, cắt đứt nó với bên kia thì cũng như là bán vậy.
Hương Lăng chạy đến trước mặt Tiết phu nhân khóc lóc van xin ở lại hầu, không muốn đi đâu cả. Tiết phu nhân đành thôi.
Từ đó, Hương Lăng đến hầu Bảo Thoa, cắt đứt con đường tình duyên lúc trước. Tuy thế, cô ta cũng vẫn nhìn trăng buồn tủi, khêu đèn thở than. Hương Lăng đã ăn ở với Tiết Bàn mấy năm, nhưng vì chân huyết xấu, nên không có thai nghén gì, giờ lại bị uất ức nên đâm ra nghĩ ngợi, trong ngoài dày vò, không chịu nổi, sinh ra bệnh ráo huyết, ngày một gầy mòn, biếng ăn biếng uống, mời thầy chạy thuốc cũng không khỏi.
Sau đó Kim Quế vẫn to tiếng cãi lộn mấy lần. Tiết Bàn có khi mượn hơi men hung lên, cầm gậy định đánh, Kim Quế giơ người ra thách đánh, có lúc Tiết Bàn cầm dao muốn chém, Kim Quế liền chìa cổ ra, kỳ thực Tiết Bàn không dám to gan, chỉ làm ầm lên một lúc rồi thôi. Như vậy đã thành ra thói quen, làm cho Kim Quế càng lên nước, mắng chửi cả Bảo Thiềm.
Tính nết của Bảo Thiềm khác hẳn Hương Lăng, thực là củi khô gặp lửa. Nó đã ý hợp tâm đầu với Tiết Bàn, liền gạt Kim Quế ra một nơi. Gần đây Kim Quế lại hành hạ nó. Nó không chịu kém. Trước kia còn đối già đối non, sau Kim Quế tức quá chửi, đánh nó. Tuy nó không dám đánh lại nhưng nó hung lên, đập đầu định tự tử, ngày thì dao kéo, đêm thì dây thừng, giở hết mọi trò.
Tiết Bàn một mình không thể chiều chuộng được cả hai bên, đành cứ quanh co vớ vẩn; có khi trong nhà ầm ĩ quá, không biết làm thế nào, hắn đành lánh mặt ra ngoài cho rảnh.
Kim Quế lúc vui, không nổi nóng, lại tìm người đến đánh bài, gieo xúc sắc. Chị ta lại thích nhai xương đầu. Hàng ngày mổ gà vịt, bao nhiêu thịt cho cả người nhà, chỉ để xương đầu lại nhắm rượu, ăn chán rồi lại nổi nóng lại mắng chửi bâng quơ: “Đồ chó chết kia! Mày biết vui với con đĩ, thì tội gì ta lại không vui”. Mẹ con Tiết phu nhân cứ lờ đi như khôngnghe thấy gì. Tiết Bàn cũng không biết làm thế nào nữa, chỉ hối hận mình chỉ vì một lúc không nghĩ kỹ, lấy phải con yêu tinh ấy. Từ đó cả hai phủ Vinh, Ninh, người trên kẻ dưới, đều biết rõ câu chuyện, không ai là không phàn nàn.
Bảo Ngọc đã hết hạn một trăm ngày, được đi ra ngoài, cũng thường sang chơi, trông thấy Kim Quế hình dáng đi đứng không ra vẻ dữ tợn, cũng là một đóa hoa tươi, một cành liễu rủ, không kém gì các chị em, sao lại có cái tính như thế? Thực là việc lạ. Bảo Ngọc đâm ra buồn bực. Hôm đó sang thăm Vương phu nhân, gặp bà vú của Nghênh Xuân vào chào, nói:
- Tôn Thiệu Tổ người không đứng đắn, cô nhà ta cứ khóc, chỉ muốn có người sang đón về nhà chơi mấy hôm cho khuây khỏa!
Vương phu nhân nói:
- Mấy hôm nay ta cũng định cho người đi đón nó, nhưng vì có mấy việc không được như ý nên quên khuấy đi mất. Hôm trước Bảo Ngọc về, đã nói qua rồi. Ngày mai tốt ngày, ta sẽ cho người đi đón.
Đương nói chuyện thì Giả mẫu sai người đến bảo Bảo Ngọc:
- Sáng sớm mai phải đến miếu Thiên Tề lễ tạ.
Bảo Ngọc đang mong được đi chơi các nơi, thấy nói thế, mừng quá, suốt đêm không ngủ. Sáng sớm hôm sau, rửa mặt gội đầu, mặc áo quần xong, theo mấy bà già lên xe ra ngoài cửa thành phía tây, đến miếu Thiên Tề thắp hương lễ tạ. Miếu này đã xếp đặt đầy đủ từ hôm trước. Bảo Ngọc vốn tính nhút nhát, không dám đến gần những pho tượng mặt mày dữ tợn, vì thế vội vàng đốt tiền giấy, ngựa giấy, rồi vào nhà khách nằm nghỉ.
Khi ăn cơm xong, bọn bà già và Lý Quý theo Bảo Ngọc đi chơi các nơi một lúc, Bảo Ngọc thấy mệt, lại trở về nhà khách nghỉ. Các bà già sợ Bảo Ngọc lại ngủ, liền bảo đạo sĩ họ Vương ở miếu ấy đến tiếp chuyện. Đạo sĩ này thường đi bán thuốc rong các nơi, có mấy phương thuốc “hải thượng” để trị bệnh kiếm lời. Ở ngoài cửa miếu có treo biển: “Bán đủ các thứ thuốc cao đơn hoàn tán” Hắn thường đi lại quen thuộc với hai phủ Vinh, Ninh, người ta đặt tên riêng cho hắn là “Vương Nhất Niêm”. Ý nói là thuốc cao của hắn hay lắm, chỉ dán một miếng là khỏi bệnh.
Bảo Ngọc đương nằm nghiêng trên giường, thấy Vương Nhất Niêm vào, liền cười nói: “Ông đến đây rất may. Tôi nghe nói ông kể chuyện vui lắm, xin ông nói một chuyện cho chúng tôi nghe”.
Vương Nhất Niêm cười nói:
- Phải đấy. Cậu đừng ngủ, cẩn thận không có thì miến ở trong bụng nó giở quẻ đấy.
Cả nhà nghe vậy đều cười, Bảo Ngọc cũng cười, đứng dậy mặc lại áo, Vương Nhất Niêm bảo bọn đồ đệ: “Pha trà ngon lên đây”. Bồi Dính nói:
- Cậu tôi không uống nước trà ở nhà ông đâu, ngồi ở trong nhà này còn sợ mùi thuốc cao sặc lên đấy.
Vương Nhất Niêm cười nói:
- Không có chuyện ấy. Thuốc cao của tôi không để trong nhà này bao giờ. Biết chắc hôm nay cậu Hai đến đây, nên tôi đã xông hương thơm từ mấy hôm trước rồi.
Bảo Ngọc nói:
- Phải đấy. Ngày thường tôi nghe nói thuốc cao của thầy hay, thế thì chữa bệnh gì đấy?
- Nếu hỏi đến thuốc cao của tôi, nói ra thì dài lắm. Trong ấy có nhiều điều uẩn khúc, không nói hết được, tất cả có một trăm hai mươi vị thuốc, quân thần đúng mức, ôn lương đều dùng. Trong thì điều nguyên bổ khí, dưỡng vinh vệ(1), khai vị khẩu(2), yên thần định phách, chữa rét, chữa nóng, tiêu cơm hóa đờm, ngoài thì điều huyết mạch, dãn gân cốt, tiêu thịt thối, mọc da non, trừ phong, tán độc, hiệu nghiệm như thần, dán vào sẽ biết.
- Tôi không tin chỉ có một lá cao mà lại chữa được từng ấy bệnh? Tôi hãy hỏi thầy, có một thứ bệnh, dán cao có khỏi được không?
- Trăm bệnh nghìn bệnh, dán vào là khỏi ngay, nếu không khỏi cậu cứ vặt râu tôi, tát vào mặt tôi, phá miếu tôi đi. Cậu hãy kể cái bệnh cái bệnh ấy ra xem sao?
- Thầy đoán xem. Nếu đoán đúng thì dán cao sẽ khỏi.
Vương Nhất Niêm nghĩ một lúc, cười nói:
- Cái ấy khó đoán lắm, sợ thuốc cao của tôi không hiệu nghiệm.
Bảo Ngọc sai bọn Lý Quý:
- Các anh đi ra ngoài chơi. Trong này đông người càng sực mùi hôi thối.
Bọn Lý Quý đi ra, chỉ để một Dính Yên ở lại. Dính Yên đốt nén mộng điềm hương. Bảo Ngọc bảo ông ta ngồi gần bên cạnh. Vương Nhất Niêm rạo rực trong lòng, cười hì hì chạy đến gần, nói nhỏ:
- Tôi đoán ra được rồi! Chắc là cậu Hai có chuyện riêng gì trong phòng, muốn dùng thuốc để trợ hứng có phải không?
Nói chưa dứt lời, Bồi Dính đã quát:
- Đáng chết! Tát vào mồm ấy!
Bảo Ngọc vẫn chưa hiểu, liền hỏi:
- Thầy ấy nói gì thế?
Bồi Dính nói:
- Lão ta nói nhảm, tin gì được!
Vương Nhất Niêm sợ quá không chờ Bảo Ngọc hỏi lại, liền nói:
- Xin cậu cứ kể rõ bệnh ra.
Bảo Ngọc nói:
- Tôi hỏi thấy có thứ cao nào dán khỏi được bệnh ghen của đàn bà không?
Vương Nhất Niêm vỗ tay cười nói:
- Việc ấy thì chịu thôi, không những không có bài thuốc, mà tôi cũng không nghe ai nói đến bao giờ.
- Như thế thì thuốc cao ấy cũng chả ra cái gì.
- Không có thuốc cao chữa bệnh ghen, chỉ có thứ thuốc uống may ra chữa được. Nhưng phải dần dần chứ không thể khỏi ngay được.
- Thuốc gì? Cách uống thế nào?
Thuốc ấy gọi là thuốc “chữa ghen”: lấy một quả lê mùa thu hạng tốt, hai đồng cân đường, một đồng cân trần bì, ba bát nước, sắc đến khi lê chín thì được. Sáng nào cũng ăn một quả và cứ ăn đi ăn lại mãi thì khỏi.
- Như thế chả đáng bao nhiêu, chỉ sợ không chắc đã có công hiệu.
- Một thang không khỏi thì uống mười thang, hôm nay không khỏi thì ngày mai uống tiếp, năm nay không khỏi thì sang năm. Vì ba vị thuốc này đều nhuận phế khai vị, không hại đến người. Vừa ngọt lừ, khỏi ho, lại dễ uống. Uống đến khi một trăm tuổi, thế nào người cũng phải chết, chết rồi thì còn ghen vào đâu nữa? Bấy giờ là kiến hiệu đấy.
Bảo Ngọc và Dính Yên đều cười và mắng:
- Thật là đồ đầu trâu bẻm mép.
Vương Nhất Niêm nói:
- Chẳng qua tôi nói đùa cho cậu chủ quên ngủ trưa đấy thôi, chứ có quan hệ gì? Nói cho các cậu buồn cười là đáng tiền rồi. Tôi nói thật cho cậu biết, thuốc cao của tôi cũng là thuốc giả. Nếu thuốc thật thì tôi đã uống để thành thần tiên, khi nào lại phải đến ở đây sống vất sống vưởng.
Đương nói thì đến giờ làm lễ. Họ mời Bảo Ngọc ra rót rượu đốt vàng, cúng chúng sinh. Lễ xong, Bảo Ngọc mới vào thành về nhà.
Nghênh Xuân đã về nhà được lúc lâu, đã dọn cơm chiều cho bọn bà già và người nhà họ Tôn ăn xong, và cho họ về cả. Nghênh Xuân mới khóc nức nở, ngồi ở trong buồng Vương phu nhân, kể lể những nỗi uất ức: “Tôn Thiệu Tổ một mực ham gái mê say cờ bạc rượu chè, bao nhiêu đàn bà con gái ở trong nhà, bị nó hiếp dâm gần khắp lượt. Cháu mới khuyên nó vài ba lần, nó mắng cháu là hạng “đàn bà ghen tuông”. Nó lại nói cha cháu mượn của nhà nó năm nghìn bạc định ăn không, nó đến hỏi hai ba lần không trả. Nó lại còn trỏ vào mặt cháu nói: “Mày đừng có lên mặt bà với tao! Bố mày đã lấy của tao năm nghìn bạc, đem mày gạt cho tao đấy. Coi chừng tao đánh một trận, tống cổ xuống nhà dưới mà nằm! Ngày trước, ông mày còn sống, thấy nhà tao phú quý, nên chiều chuộng làm thân. Nói đúng ra thì tao với bố mày ngang hàng nhau, giờ lại dúi đầu tao, bắt tao tụt xuống một bực. Không thể có thông gia như thế được, để người ta nhìn vào lại cho là nhà tao chạy theo thế lợi”.
Nghênh Xuân vừa nói vừa khóc nức nở. Vương phu nhân và các chị em không ai là không chảy nước mắt.
Vương phu nhân đành phải lấy lời khuyên giải:
- Đã trót gặp phải đứa ngang ngược như thế thì còn làm thế nào được nữa. Ngày trước chú cháu đã từng khuyên cha cháu không nên gả cháu cho con nhà ấy, nhưng cha cháu nhất định không nghe. Cháu ơi! Thôi cũng là số phận cả.
Nghênh Xuân khóc nói:
- Cháu không tin là số cháu lại khổ đến thế này. Từ bé cháu mồ côi mẹ, may sang ở bên thím, được mấy năm yên thân, ngờ đâu lại đến nỗi này.
Vương phu nhân vừa khuyên giải vừa hỏi Nghênh Xuân muốn nghỉ ở đâu, Nghênh Xuân thưa: “Phải xa lìa chị em, lúc nào cháu cũng mơ màng, tưởng nhớ. Cháu nhớ cả cái nhà cháu ở trước kia. Nếu lại được về ở trong vườn dăm ba ngày thì chết cháu cũng vui lòng. Không biết lần sau về còn được ở lại nữa không?
Vương phu nhân vội khuyên bảo:
- Thôi cháu đừng nói nhảm. Vợ chồng trẻ, lời qua tiếng lại, cũng là chuyện thường, hà tất cháu phải nói những câu quái gở ấy.
Rồi bà ta sai người thu dọn ngay gian nhà ở Tử Lăng châu, bảo bọn chị em đến làm bạn để khuyên giải. Bà ta lại dặn Bảo Ngọc:
- Không được nói hở một tí gì với cụ. Nếu cụ biết việc này, là tự mày nói cả.
Bảo Ngọc vâng dạ xin nghe lời.
Đêm ấy Nghênh Xuân lại đến nhà cũ. Các chị em và a hoàn đi lại rất là thân thiết, ở luôn đó ba ngày, rồi mới sang bên Hình phu nhân. Trước hết đến chào Giả mẫu và Vương phu nhân, rồi mới từ biệt chị em, ai cũng xót thương quyến luyến. Nhờ có Vương phu nhân và Tiết phu nhân khuyên giải mới yên. Nghênh Xuân sang bên nhà Hình phu nhân, ở được vài ngày thì có người nhà họ Tôn sang đón về. Nghênh Xuân tuy không muốn đi, nhưng khốn nỗi Tôn Thiệu Tổ hung ác quá, đành phải miễn cưỡng cáo từ đi về. Hình phu nhãn vốn không để ý đến, nên cũng không hỏi vợ chồng ăn ở có hòa thuận và việc nhà có bận rộn không, chỉ hời hợt mấy câu bề ngoài thôi.
---------------------
1. Danh từ đông y, vinh là huyết, vệ là khí, tức là bổ khí huyết.
2. Danh từ đông y, tức là mở khẩu vị để ăn cho ngon cơm.
Hồng Lâu Mộng
Lời giới thiệu
Hồi thứ nhất
Hồi thứ hai
Hồi thứ ba
Hồi thứ tư
Hồi thứ năm(1)
Hồi thứ sáu
Hồi thứ bảy
Hồi thứ tám
Hồi thứ chín
Hồi thứ mười
Hồi thứ mười một
Hồi thứ mười hai
Hồi thứ mười ba
Hồi thứ mười bốn
Hồi thứ mười lăm
Hồi thứ mười sáu
Hồi thứ mười bảy và mười tám
Hồi thứ mười chín
Hồi thứ hai mươi
Hồi thứ hai mươi mốt
Hồi thứ hai mươi hai
Hồi thứ hai mươi ba
Hồi thứ hai mươi bốn
Hồi thứ hai mươi lăm
Hồi thứ hai mươi sáu
Hồi thứ hai mươi bảy
Hồi thứ hai mươi tám
Hồi thứ hai mươi chín
Hồi thứ ba mươi
Hồi thứ ba mươi mốt
Hồi thứ ba mươi hai
Hồi thứ ba mươi ba
Hồi thứ ba mươi bốn
Hồi thứ ba mươi lăm
Hồi thứ ba mươi sáu
Hồi thứ ba mươi bảy
Hồi thứ ba mươi tám
Hồi thứ ba mươi chín
Hồi thứ bốn mươi
Hồi thứ bốn mươi mốt
Hồi thứ bốn mươi hai
Hồi thứ bốn mươi ba
Hồi thứ bốn mươi bốn
Hồi thứ bốn mươi lăm
Hồi thứ bốn mươi sáu
Hồi thứ bốn mươi bảy
Hồi thứ bốn mươi tám
Hồi bốn mươi chín
Hồi thứ năm mươi
Hồi thứ năm mươi mốt
Hồi thứ năm mươi hai
Hồi thứ năm mươi ba
Hồi thứ năm mươi bốn
Hồi thứ năm mươi lăm
Hồi thứ năm mươi sáu
Hồi thứ năm mươi bảy
Hồi thứ năm mươi tám
Hồi thứ năm mươi chín
Hồi thứ sáu mươi
Hồi thứ sáu mươi mốt
Hồi thứ sáu mươi hai
Hồi thứ sáu mươi ba
Hồi thứ sáu mươi tư
Hồi thứ sáu mươi lăm
Hồi thứ sáu mươi sáu
Hồi thứ sáu mươi bảy
Hồi thứ sáu mươi tám
Hồi thứ sáu mươi chín
Hồi thứ bảy mươi
Hồi thứ bảy mươi mốt
Hồi thứ bảy mươi hai
Hồi thứ bảy mươi ba
Hồi thứ bảy mươi tư
Hồi thứ bảy mươi lăm
Hồi thứ bảy mươi sáu
Hồi thứ bảy mươi bảy
Hồi thứ bảy mươi tám
Hồi thứ bảy mươi chín
Hồi thứ tám mươi
Hồi thứ tám mươi mốt
Hồi thứ tám mươi hai
Hồi thứ tám mươi ba
Hồi thứ tám mươi tư
Hồi thứ tám mươi lăm
Hồi thứ tám mươi sáu
Hồi thứ tám mươi bảy
Hồi thứ tám mươi tám
Hồi thứ tám mươi chín
Hồi thứ chín mươi
Hồi thứ chín mươi mốt
Hồi thứ chín mươi hai
Hồi thứ chín mươi ba
Hồi thứ chín mươi bốn
Hồi thứ chín mươi lăm
Hồi thứ chín mươi sáu
Hồi thứ chín mươi bảy
Hồi thứ chín mươi tám
Hồi thứ chín mươi chín
Hồi thứ một trăm
Hồi thứ một trăm lẻ một
Hồi thứ một trăm lẻ hai
Hồi thứ một trăm lẻ ba
Hồi thứ một trăm lẻ bốn
Hồi thứ một trăm lẻ năm
Hồi thứ một trăm lẻ sáu
Hồi thứ một trăm lẻ bảy
Hồi thứ một trăm lẻ tám
Hồi thứ một trăm lẻ chín
Hồi thứ một trăm mười
Hồi thứ một trăm mười một
Hồi thứ một trăm mười hai
Hồi thứ một trăm mười ba
Hồi thứ một trăm mười bốn
Hồi thứ một trăm mười lăm
Hồi thứ một trăm mười sáu
Hồi thứ một trăm mười bảy
Hồi thứ một trăm mười tám
Hồi thứ một trăm mười chín
Hồi thứ một trăm hai mươi