watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hồng Lâu Mộng-Hồi thứ bảy mươi lăm - tác giả Tào Tuyết Cần Tào Tuyết Cần

Tào Tuyết Cần

Hồi thứ bảy mươi lăm

Tác giả: Tào Tuyết Cần

Vưu Thị tức giận đi ra, định đến thăm Vương phu nhân, nhưng các bà già theo hầu khẽ nói:
- Thưa mợ, không nên đến đó vội. Vừa rồi có mấy người nhà họ Chân đến, có mang theo ít đồ đạc, không biết là việc gì giấu kín. Mợ vào sợ không tiện chăng?
- Hôm nọ thấy ông nhà nói: xem trong giấy báo, thấy nói nhà họ Chân phạm tội, hiện đương bị tịch biên gia sản và triệu về Kinh trị tội. Sao lại còn có người đến nữa?
- Đúng đấy. Mấy người đàn bà mới đến, mặt cắt không còn máu, hớt hơ hớt hải, chắc là có việc gì phải giấu chăng.
Vưu Thị nghe nói, không đến nữa, quay vào nhà Lý Hoàn, gặp lúc thầy thuốc đến xem mạch xong. Mấy hôm nay Lý Hoàn đã tỉnh táo, ôm chăn tựa gối ngồi trở trên giường, đương muốn có người đến chơi để nói chuyện phiếm. Thấy Vưu Thị đi vào, không được tươi tỉnh như lúc nãy, cứ ngồi thừ ra, Lý Hoàn hỏi:
- Chị đến đấy à, đã ăn gì chưa? Chắc đói rồi thì phải.
Liền gọi Tố Vân:
- Xem có thứ điểm tâm gì mới đem đến đây.
Vưu Thị ngăn lại nói:
- Không cần, không cần. Thím đau ốm luôn, làm gì có thức ăn mới? Tôi cũng không đói.
- Hôm trước có người biếu ít chè rất ngon. Tôi bảo nó pha một bát chị uống nhé.
Nói xong sai đi pha.
Vưu Thị ngồi ngẩn ra không nói gì. Bọn a hoàn và đàn bà theo hầu hỏi:
- Hôm nay trưa rồi, mợ chưa rửa mặt. Giờ nhân tiện mợ rửa nhé!
Vưu Thị gật đầu. Lý Hoàn sai Tố Vân đi lấy hộp trang điểm của mình ra. Tố Vân lại mang phấn của nó ra cười, nói:
- Mợ cháu không có cái này, nếu mợ không chê bẩn xin dùng tạm một chút.
Lý Hoàn nói:
- Ta không có, mày cũng nên đến chỗ các cô mà lấy, sao lại tự tiện lấy của mày ra. May là chị ấy đấy, phải người khác, lại không giận à?
Vưu Thị cười nói:
- Có can gì việc ấy? Ta đến đây luôn, của ai mà chả dùng. Bây giờ còn sợ gì bẩn nữa.
Nói rồi ngồi xếp bằng trên bục, con Ngân Điệp chạy lại tháo vòng tay và nhẫn, lấy cái khăn lớn che nửa người cho nước khỏi bắn vào quần áo. A hoàn nhỏ là Sao Đậu bưng nước nóng lên. Đến trước mặt Vưu Thị, nó chỉ khom lưng xuống bưng chậu nước.
Ngân Điệp cười nói:
- Mày chẳng tinh ý tý nào. Nói gà ra cáo. Mợ đối xử rộng rãi với chúng ta, muốn sao được thế, mày đâm nhờn quen. Ra ngoài, trước mặt mọi người, mày cũng làm qua loa cho xong chuyện à?
Vưu Thị nói:
- Mày mặc nó. Ta rửa xong thì thôi. Tất cả lớn bé trong nhà chúng ta, chỉ biết bề ngoài, giả cách lễ phép đấy thôi, rút cuộc việc gì cũng muốn làm cho xong chuyện.
Lý Hoàn nghe thấy thế, biết ngay chị ta đã biết chuyện đêm qua, liền cười nói:
- Câu nói của chị có ý nhị đấy. Thế thì ai làm việc cho xong chuyện.
Vưu Thị nói:
- Thím lại còn hỏi tôi, có họa thím ốm chết rồi hay sao mà không biết.
Chợt có người vào báo:
- Cô Bảo đến chơi.
Hai người đều nói:
- Mời vào!
Bảo Thoa đi vào. Vưu Thị vội lau mặt, đứng dậy mời ngồi, hỏi:
- Sao tự nhiên lại một mình cô đến. Các chị em khác đâu cả?
- Đúng đấy, tôi cũng không gặp họ. Hôm nay mẹ tôi yếu, trong nhà có hai người hầu gái đều ốm chưa khỏi, những người khác thì không tin cậy được. Đêm hôm nay tôi phải sang bên ấy trông nom mẹ lôi. Tôi định đến trình cụ và dì tôi, nhưng nghĩ việc này cũng chẳng quan hệ gì, nên thôi không nói, đợi mẹ tôi khỏi thế nào tôi sẽ lại sang. Vì thế tôi sang nói để chị biết.
Lý Hoàn nghe nói, nhìn Vưu Thị. Hai người cùng cười.
Một lúc, Vưu Thị rửa mặt gội đầu xong, mọi người uống trà. Lý Hoàn cười nói với Bảo Thoa:
- Tôi sẽ sai người sang hỏi thăm bà dì, xem người yếu ra làm sao. Tôi cũng đương ốm, không thể sang tận nơi hỏi thăm được. Cô cứ việc đi, tôi sẽ sai người sang trông nhà hộ. Một vài hôm, thế nào cô cũng về, đừng để tôi phải mang lỗi đấy.
Bảo Thoa cười nói:
- Việc gì mà chị mang lỗi? Đó là thường tình của người ta, chị có phải thả bọn trộm cướp ra đâu. Cứ ý tôi, chị cũng không phải cất thêm người sang nữa, cứ mời cô Vân về đây ở với chị vài ngày, lại chẳng đỡ việc hay sao?
Vưu thị nói:
- Cô Vân bây giờ đi đâu?
Bảo Thoa nói:
- Tôi vừa bảo bọn họ đi mời cô Thám Xuân cùng đến đây luôn. Tôi cũng sẽ nói rõ với cô ấy.
Đương nói thì có người báo:
- Cô Vân và cô Ba đã đến.
Mọi người mời nhau ngồi xong, Bảo Thoa nói đến việc mình phải ra ngoài ở. Thám Xuân nói:
- Hay lắm. Dì khỏi sẽ trở lại, hoặc không trở lại cũng chẳng sao.
Vưu Thị cười nói;
- Nói mới lạ chứ? Sao lại đuổi cả bà con đi?
Thám Xuân cười nhạt:
- Đúng đấy. Rồi thế nào cũng có người đuổi, chị để tôi đuổi trước đi! Chỗ bà con với nhau, không cần phải ở rịt với nhau một chỗ mới là tử tế. Chúng ta là chỗ bà con thân thiết đấy, nhưng ai mà chẳng như giống gà đen mắt, chỉ chực nuốt sống nhau thôi.
Vưu Thị cười nói:
- Hôm nay sao tôi đen đủi thế? Đi đến chỗ nào cũng đụng phải chị em các cô cáu gắt.
Thám Xuân nói:
- Ai bảo chị đâm đầu vào bếp lửa làm gì? - Lại hỏi luôn: - Ai đã mắc lỗi với chị thế. Cô Tư chắc không khi nào gây chuyện với chị. Thế là ai chứ?
Vưu Thị cứ ậm ừ trả lời cho qua.
Thám Xuân biết là Vưu thị sợ sinh chuyện, không dám nói nhiều, liền cười nói:
- Chị đừng làm bộ thực thà nữa. Trừ khi triều đình trị tội, ngoài ra không ai chém được đầu mình. Chị không cần phải sợ rụt đầu rụt cổ như thế. Tôi nói cho chị nghe này: hôm qua tôi vừa mới đánh con vợ thằng Vương Thiện Bảo, vẫn còn mắc tội đấy. Nhưng dù sao họ cũng chỉ nói vụng khi vắng mặt tôi thôi, chẳng lẽ lại lôi tôi ra đánh à?
Bảo Thoa hỏi:
- Tại sao lại đánh mụ ta?
Thám Xuân kể lại đầu đuôi sự việc đêm qua. Vưu Thị thấy Thám Xuân nói ra hết, cũng đem việc lúc nãy của Tích Xuân ra nói. Thám Xuân nói:
- Tính khí cô ta xưa nay vẫn kiêu kỳ quá, chúng tôi không thể địch với nó được. - Rồi lại nói với mọi người: - Hôm nay chẳng thấy động tĩnh gì, hỏi ra thì chị Phượng lại ốm. Tôi sai người đi các nơi dò xét xem tình hình vợ Vương Thiện Bảo. Trở về họ trình rằng: mụ ta bị một trận đòn rồi bị mắng là hay sinh chuyện.
Vưu Thị, Lý Hoàn đều nói:
- Có thế mới được.
Thám Xuân cười nhạt:
- Cách che mắt người ta như thế, ai chẳng biết làm? Hãy chờ xem sao.
Vưu Thị và Lý Hoàn ngồi im không nói gì. Một lúc, bọn a hoàn vào mời đi ăn cơm. Tương Vân và Bảo Thoa về nhà sắp xếp quần áo.
Vưu Thị cáo từ Lý Hoàn sang bên Giả mẫu. Giả mẫu còn nằm trên giường. Vương phu nhân đương kể lại việc nhà họ Chân vì sao bị tội, hiện giờ đã bị tịch biên gia sản, và giải về kinh trị tội. Giả mẫu nghe nói, trong bụng rất là khó chịu. Thấy Vưu Thị đến, liền hỏi:
- Chị ở đâu đến đây? Không biết chị em con Phượng ốm, giờ đã khỏi chưa?
Vưu Thị vội trình:
- Hôm nay đều đã đỡ rồi.
Giả mẫu gật đầu thở dài:
- Chúng ta đừng bàn tán việc nhà người ta nữa, hãy bàn việc thưởng trăng rằm tháng tám đi.
Vương phu nhân cười nói:
- Đã sắp sẵn cả rồi, nhưng không biết cụ định chọn chỗ nào cho đẹp? Chỉ sợ ở trong vườn đêm khuya gió lạnh thôi.
Giả mẫu cười nói:
- Mặc nhiều áo vào thì sợ gì? Ở đó mới là chỗ thưởng trăng, sao lại không ra đó chơi?
Trong lúc nói chuyện, bọn đàn bà khênh bàn ăn đến. Vương phu nhân và Vưu Thị vội đến so đũa xới cơm. Giả mẫu thấy mấy món ăn của mình đã bầy đủ rồi, lại còn có hai hộp lớn, đựng mấy món ăn nữa, đó là lệ cũ, các phòng dâng thêm thức ăn. Giả mẫu nói:
- Ta đã bảo nhiều lần, bỏ lệ này đi, có chị vẫn không nghe. Giờ có được như trước nữa đâu.
Uyên Ương cười nói:
- Cháu cũng đã nói nhiều lần. Chẳng ai nghe cả, nên đành phải chịu.
Vương phu nhân cười nói:
- Chỉ là những đồ ăn thường thôi. Hôm nay con ăn chay, không có món gì đem dâng cụ, miến và đậu phụ thì cụ lại không thích dùng, nên chỉ mang đến một món rau dút, dưa chua ngâm dấm và tương ớt.
Giả mẫu cười nói:
- Ta lại thích ăn món ấy.
Uyên Ương nghe nói đưa đĩa rau ra bày ở trước mặt Bảo Cầm, mời đủ mọi người, rồi mới ngồi xuống. Giả mẫu bảo Thám Xuân cùng ngồi xuống ăn.
Thám Xuân cũng mời khắp lượt, rồi mới ngồi đối diện với Bảo Cầm. Thị Thư vội đi lấy bát đũa. Uyên Ương lại trỏ mấy món ăn nói:
- Hai món này không hiểu là món gì, bên ông Cả mang biếu đấy. Bát này là măng nấu với tủy gà, đó là của ông ở nhà ngoài đem đến biếu.
Giả mẫu nếm qua mấy miếng rồi bảo người mang những món ấy về, nói rằng “ta đã ăn rồi, từ nay không cần phải ngày nào cũng mang đến biếu. Ta muốn ăn thứ gì, tự khắc cho người đến lấy”. Bọn đàn bà vâng lời mang ra.
Giả mẫu lại bảo:
- Mang cháo lên đây ăn một ít vậy.
Vưu Thị bưng một bát đến, nói là cháo gạo cẩm.
Giả mẫu cầm lấy ăn nửa bát, rồi bảo:
- Đem bát cháo cho cháu Phượng ăn.
Lại sai đem bát măng và quả chua cho Đại Ngọc và Bảo Ngọc ăn. Bát thịt này thì cho chắt Lan. Rồi nói với Vưu Thị:
- Ta đã ăn rồi, chị cũng ăn đi thôi.
Vưu Thị vâng lời, chờ Giả mẫu súc miệng rửa tay xong, xuống đất đi dạo, nói chuyện với Vương phu nhân, mới xin phép ngồi ăn. Thám Xuân, Bảo Cầm đứng dậy cười nói:
- Chúng em xin thất lễ chị.
Vưu Thị cười nói:
- Chỉ còn một mình tôi ngồi ăn cỗ to không quen.
Giả mẫu bảo Uyên Ương, Hổ Phách đến tiếp, Vưu Thị nói:
- Đúng! Đúng! Cháu cũng đang định nói.
Giả mẫu cười nói:
- Nhiều người ăn càng vui. - Nhân trỏ Ngân Điệp: - Con bé này khá, lại đây ngồi ăn với chủ mày một thể. Bao giờ chúng bay xa ta, lúc ấy lại sẽ có khuôn phép.
Vưu Thị nói:
- Em lại đây mau, đừng giả vờ nữa.
Giả mẫu chống tay đứng xem, thấy người mang cơm đến cho Vưu Thị vẫn cơm gạo thường, liền hỏi:
- Mày mê à? Sao lại lấy thứ cơm ấy cho mợ mày?
Người kia thưa:
- Cơm của cụ hết rồi. Hôm nay thêm một cô, nên thiếu.
Uyên Ương nói:
- Từ nay đều phải “đo đầu mà làm mũ”, không thể để thừa một tí gì.
Vương phu nhân nói:
- Mấy năm nay hạn lụt thất thường, gạo ở trại không nộp đủ số. Mấy thứ gạo ngon lại càng khó khăn lắm, nên đều nấu đủ ăn thôi, sợ một mai thiếu không mua đâu ra.
Giả mẫu cười nói:
Phải đấy. Đàn bà khôn khéo không có gạo cũng không nấu được thành cháo.
Mọi người đều cười. Uyên Ương quay lại bảo bọn đàn bà hầu ở cửa ngoài:
- Đã thế, các chị đi lấy thêm phần cơm của cô Ba lại đây cũng vậy.
Vưu Thị cười nói:
- Tôi ăn từng này đủ rồi, không cần phải đi lấy nữa.
Uyên ương nói:
- Mợ ăn đủ rồi, còn tôi không biết ăn à?
Bọn đàn bà nghe nói, vội đi lấy ngay. Một lúc Vương phu nhân cũng đi ăn cơm. Vưu Thị thì ngồi hầu chuyện Giả mẫu sang đầu canh một. Giả mẫu nói:
- Trời tối rồi, chị cũng về đi thôi.
Vưu Thị cáo từ ra về. Đến ngoài cửa thứ hai, lên xe. Ngân Điệp ngồi bên cạnh. Bọn đàn bà bỏ rèm xuống, rồi dẫn lũ hầu nhỏ kéo ra trước, đứng chực ở cửa chính bên kia.
Vì cổng hai phủ chỉ cách nhau một quãng đường, hàng ngày đi lại luôn, không cần phải sắp sẵn gì cả. Vả lại, giữa lúc đêm tối, người qua lại tấp nập, nên các bà già chỉ dẫn lũ a hoàn nhỏ, đi mấy bước là sang ngay. Những người đứng ở hai cổng, ngăn không cho ai qua lại. Xe Vưu Thị không cần phải đóng ngựa, chỉ sai bảy tám đứa đẩy là nhẹ nhàng đến ngay bậc hè.
Tới nơi, những người đẩy xe lùi ra ngoài con sư tử đá, các bà già vén rèm lên. Ngân Điệp xuống trước dắt Vưu Thị. Bảy tám đứa lớn nhỏ cầm đèn lồng soi sáng rõ như ban ngày.
Vưu Thị thấy bốn, năm cái xe lớn đỗ dưới hai con sư tử, biết ngay là những người đến đánh bạc, liền bảo Ngân Điệp:
- Mày xem đấy, có ngần ấy người ngồi xe thôi, không biết bao nhiêu người cười ngựa nữa. Vì họ buộc ngựa vào chuồng cả, nên ta không trông thấy. Không biết các bà vợ đã bỏ ra bao nhiêu tiền cho họ chơi cái món ma mãnh này.
Nói xong đến nhà khách. Vợ Giả Dung dẫn bọn đàn bà và a hoàn cầm đuốc ra đón. Vưu Thị cười nói:
- Ngày thường ta muốn rình xem họ đánh bạc thế nào, nhưng chưa có dịp. Hôm nay nhân tiện ta đến gần cửa sổ xem sao.
Bọn đàn bà vâng lời, cầm đèn dẫn đường. Lại sai một người đến trước, khẽ bảo những tên hầu nhỏ ở đấy không được nhớn nhác sợ sệt. Rồi cả bọn Vưu Thị khe khẽ đến dưới cửa sổ nghe những tiếng “tam”, “tứ” reo ầm ĩ, xen lẫn “ngũ”, lục” cáu gắt om sòm.
Giả Trân lâu nay có tang, không được đi chơi, cũng không cả nghe đàn nghe hát, lòng rất trống trải, nên tìm cách để giải buồn. Ban ngày thì hắn mượn cớ tập bắn, mời mấy vị con nhà thế gia cùng các bạn bè giàu có đến bắn thi. Rồi nói đổ là nếu bắn bừa cũng vô ích, không những không giỏi, lại đâm hỏng kiểu; phải lập lệ thưởng phạt, đặt cược đánh đố, mọi người mới chịu cố gắng. Hắn bèn dựng một cái bia ở giữa đường thẳng dưới lầu Thiên Hương, hẹn nhau mỗi ngày sau bữa cơm sáng đến đó bắn bia. Giả Trân không tiện ra mặt, cho Giả Dung đứng làm chủ chứa. Đám này đều là hạng trẻ tuổi, lại con nhà giàu quen lối sống phóng túng, chỉ lo những việc chó săn gà chọi, hỏi liễu tìm hoa. Vì thế họ bàn nhau, mỗi ngày thay phiên thết nhau một bữa cơm chiều. Ngày nào cũng giết lợn giết dê, mổ gà mổ vịt chẳng khác gì thi của báu ở đất “Lâm Đồng”(1) ai cũng khoe khoang nhà mình có đầu bếp giỏi và nấu nướng khéo.
Chưa đầy nửa tháng, Giả Xá, Giả Chính nghe thấy, nhưng không biết rõ ẩn tình bên trong, lại nói:
- Như thế mới phải, văn đã kém tất phải tập võ, huống chi mình lại là dòng dõi con nhà quan võ nữa.
Rồi bảo Bảo Ngọc, Giả Hoàn, Giả Tôn, Giả Lan, cứ sau bữa cơm, phải đến tập bắn với Giả Trân một lúc mới được về.
Giả Trân không phải chú ý vào việc này, tập bắn được vài ngày, dần dần mượn cớ nghỉ bắn để dưỡng sức, rồi cứ đến buổi tối lại giở trò bài bạc, ai thua phải thết rượu; sau dần đánh bằng tiền. Ròng rã ba bốn tháng trời, hắn công nhiên đánh bài lá, gieo xúc xắc, tung tiền đầu. Người nhà cũng nhờ đó kiếm được tý chút. Vì họ chỉ mong được như thế, nên trở thành sòng bạc. Người ngoài đều không ai biết cả.
Gần đây, em ruột Hình phu nhân là Hình Đức Toàn rất mê đánh bạc. Hắn cũng ở trong cuộc. Lại có Tiết Bàn là người thích cúng tiền cho người nhất, lẽ nào không hăng say. Hình Đức Toàn tuy là em ruột Hình phu nhân, nhưng ý nghĩ và việc làm lại khác hẳn. Hắn chỉ biết rượu chè cờ bạc, đắm liễu say hoa, tiêu tiền bừa bãi, đối với mọi người, coi ai cũng như ai. Thấy thế, những kẻ nghiện rượu thì thích, nhưng người không nghiện thì không hay gần gụi. Hấn bất chấp trên dưới hay thầy trò, đều như nhau cả, không phân biệt là sang hay hèn, vì thế ai cũng gọi hắn là “cậu Cả ngốc”. Tiết Bàn cũng là “anh chàng ngốc” có tiếng. Nay hai người cùng ở một chỗ, đều thích sát phạt nhau, nên họ họp riêng, đánh ở trên giường phía ngoài. Ngay đấy lại có mấy người đánh cá ngựa ở trên cái bàn lớn. Trong nhà thì có một bọn chơi hơi nhã hơn, cùng nhau đánh mạt chược và bài cẩu.(2) Bọn hầu nhỏ phục dịch ở đây, đều là trẻ con dưới 15 tuổi. Người lớn không được vào.
Vưu Thị lẻn đến cửa sổ nhìn trộm, thấy trong đó có hai đứa trẻ con hầu rượu, chừng mười sáu mười bảy cũng đều son phấn trang điểm lòe loẹt như hoa như gấm vậy. Tiết Bàn đánh thua, trong bụng đương khó chịu, sau gỡ lại được, trừ bỏ hồ rồi, còn được một ít, hắn lấy làm vui sướng lắm. Giả Trân nói:
- Hãy nghỉ tay, đi ăn đã rồi sẽ đánh. Còn hai bàn kia thì sao?
Bàn đánh bài cẩu cũng đi ăn, chỉ còn bàn đánh cá ngựa là đương giở cuộc chưa ăn được, nên bày một bàn sẵn. Hắn sai Giả Dung đợi tiếp bàn sau. Ngay đấy Giả Trân ngồi tiếp. Tiết Bàn hứng lên ôm một đứa hầu bé ngồi uống rượu, rồi sai nó mang rượu mời cậu “cậu Cả ngốc”.
Cả Ngốc đương thua, không còn bụng dạ nào nữa, mới uống hai chén đã thấy say, liền cáu mắng đứa hầu rượu:
- Chỉ biết xoắn xuýt với người được, không để ý đến người thua. Hạng nhãi con chúng bay chuyên việc hầu hạ, ngày nào cũng ở đây, thì ai mà chúng bay không được nhờ ơn? Bây giờ ta mới thua có mấy lạng bạc, chúng bay đã ra vẻ nhìn người ba bảy đứng rồi. Chẳng lẽ từ nay trở đi, chúng bay không có việc gì nhờ đến tao nữa hay sao?
Mọi người thấy hắn đã chếnh choáng say, đều nói:
- Đúng! Đúng! Quả thật chúng nó vẫn quen cái thói ấy.
Rồi mắng hai đứa kia:
- Còn không đi rót rượu xin lỗi à?
Hai đứa hầu nhỏ giở ngay trò ra. Chúng quỳ xuống dâng rượu nói:
- Chúng cháu là người hàng họ. Thầy chúng cháu thường dạy: Không kể xa gần thân sơ, cứ xem người có tiền thì xoắn xuýt lấy như ông tiên trên trời. Khi tiền hết, thì bỏ đấy không cần nhìn đến. Vả lại chúng cháu còn ít tuổi chưa quen làm cái nghề này. Xin ông rộng lượng tha cho chúng cháu.
Cậu Hình nghe vậy, lòng dịu hẳn đi, nhưng vẫn làm ra vẻ thịnh nộ, không nhìn đến. Mọi người thấy vậy lại khuyên:
- Chúng nó trẻ con nói thực đấy. Cậu vẫn quen thương hương tiếc ngọc, sao hôm nay lại như vậy? Cậu không uống, khi nào chúng dám đứng lên.
Cậu Hình nói:
- Nếu các vị không khuyên giải, tôi sẽ không nhìn đến chúng nữa.
Rồi cậu ta uống một hơi cạn chén. Sau lại rót một bát nữa. Rượu vào, nhớ đến chuyện cũ, cậu Hình mới thổ lộ chân tình, đập bàn nói với Giả Trân:
- Chẳng trách chúng coi tiền hơn hết. Bao nhiêu con nhà đại gia sang trọng, đụng đến tiền, dù anh em ruột thịt cũng xa nhau. Cháu ơi! Hôm qua tôi cãi nhau với bà thím nhà cháu, cháu có biết không?
- Cháu không nghe thấy!
Hắn ta thở dài:
- Cũng chỉ vì tiền thôi! Ghê lắm!
Giả Trân biết hắn giận nhau với Hình phu nhân, nên mỗi khi bị Hình phu nhân ruồng bỏ, là hắn lại điều nọ tiếng kia, nhân khuyên:
- Thưa cậu, cậu cũng hay phung phí quá, nếu cứ để mặc cậu thì bao nhiêu tiền cậu tiêu cũng hết.
- Cháu ơi, cháu chưa biết tình cảnh nhà họ Hình chúng ta. Khi bà cụ mất, ta còn bé, chưa biết gì. Có ba chị em gái, thì bà thím anh là cả, khi bà ấy đi lấy chồng, mang hết cả của cải trong nhà đi. Giờ dì hai cũng đi lấy chồng rồi, nhưng cũng túng thiếu. Dì ba còn ở nhà. Tất cả những tiền bạc chi tiêu, đều do người hầu thân là vợ Vương Thiện Bảo nắm giữ. Ta có đến lấy ít tiền tiêu cũng không phải là lấy của nhà họ Giả. Tiền của nhà họ Hình cũng đủ cho ta tiêu, nhưng không ngờ lại chẳng được đồng nào! Thật không biết giãi tỏ với ai cho hết nỗi bực được!
Giả Trân thấy hắn say rượu nói lôi thôi, sợ người ngoài nghe thấy không tiện, liền tìm lời khuyên ngăn.
Vưu Thị đứng ngoài nghe thấy mồn một, khẽ cười bảo Ngân Điệp:
- Mày nghe đấy. Đó là cậu em của bà cả bên phủ bắc đang bực bội với bà ta đấy. Chị em ruột mà còn thế, trách sao được những người ngoài.
Vưu Thị muốn nghe nữa, gặp lúc những người đánh “cá ngựa” nghỉ để uống rượu. Có người hỏi: “Vừa rồi người nào có lỗi với ông cậu thế? Chúng tôi không nghe rõ. Hãy nói lại xem ai phải ai trái?” Hình Đức Toàn kể lại việc hai đứa bé không chịu nhìn ngó đến mình, mà cứ xoắn xuýt với người được bạc. Người kia liền tiếp:
- Tức thật! Không trách ông cậu nổi giận là phải. Tao hỏi chúng mày: ông cậu chẳng qua mới chỉ thua mất mấy đồng tiền, chứ có thua mất cả cái “con c...” của ông ấy đâu. Tại sao chúng bay lại lờ ông ấy đi?
Cả bọn nghe vậy đều cười ầm lên. Hình Đức Toàn cũng cười sặc cả cơm ra.
Vưu Thị đứng ngoài nghe vậy hậm hực khẽ mắng:
- Mày nghe xem, cái bọn chết đâm vô liêm sỉ ấy! Vừa bỏ xương đầu, đã ngậm ngay lông đít. Còn nốc rượu vào, chưa biết họ còn thở ra bao nhiêu câu đểu nữa cơ!
Liền về nhà cởi đồ trang sức đi ngủ.
Đến canh tư, đám bạc mới tan. Giả Trân vào buồng Bội Phượng. Hôm sau trở dậy, có người vào trình: Dưa và bánh dẻo đã sắp đủ cả, chúng con chờ lệnh ông cho biếu các nơi.
Giả Trân dặn Bội Phượng: “Em nói với mợ sai người đi biếu. Ta còn bận việc khác”.
Bội Phượng vâng lời đi trình Vưu Thị, rồi sai người đi biếu.
Sau đó Bội Phượng lại đến nói:
- Cậu hỏi mợ hôm nay có đi chơi đâu không? Cậu nói nhà ta đương có tang, không nên ăn tết ngày rằm, nhưng tối hôm nay thì được. Chúng ta có thể ăn dưa, uống rượu vui chơi qua loa.
Vưu Thị nói:
- Ta cũng không muốn đi đâu! Nhưng bên kia mợ Cả lại ốm, mợ Hai cũng chưa dậy được, nếu ta không đi thì không có ai. Hơn nữa, chẳng ai rỗi cả thì vui cái gì.
- Cậu bảo hôm nay đã từ chối mọi người rồi, đến mười sáu họ mới đến, và mời mợ đến uống rượu.
- Mời ta, ta chẳng có cỗ đâu mà mời lại.
Bội Phượng cười rồi đi, một lúc lại đến nói:
- Mời mợ đến ăn cả bữa cơm chiều nay. Thế nào mợ cũng phải về sớm. Cậu lại bảo tôi đi hầu mợ nữa.
- Đã thế thì ăn cơm sớm rồi đi.
- Cậu bảo là cơm sáng cậu ăn ở ngoài kia, xin mời mợ cứ ăn đi.
- Hôm nay ngoài kia có ai?
- Nghe nói có hai người ở Nam Kinh mới đến, không biết là ai.
Đang nói chuyện thì vợ Giả Dung chải đầu, thay quần áo xong, cũng đến đó. Một lát, cơm bưng lên, Vưu Thị ngồi trên, vợ Giả Dung ngồi dưới, hai mẹ con cùng ăn; ăn xong, Vưu Thị thay quần áo đi sang bên phủ Vinh, đến chiều mới về.
Quả nhiên Giả Trân giết một con lợn, thui một con dê, sắp một bàn các thứ rau quả, bày ở Tùng Lục đường trong vườn Hội Phương, dẫn vợ con nàng hầu đến đấy, bày ra tiệc rượu, tìm thú thưởng trăng. Vào khoảng canh một, gió mát trăng trong, cả khoảng trời lấp lánh như bạc. Giả Trân muốn đố rượu. Vưu Thị cho bọn Bội Phượng bốn người cùng vào dự tiệc, ngồi một dãy ở phía dưới chơi hột, đánh toan. Uống rượu một lúc, Giả Trân đã ngà ngà say, cao hứng lên, sai lấy một cái tiêu trúc, bảo Bội Phượng thổi, Văn Hoa hát, âm điệu du dương, rung động tâm hồn mọi người. Hát xong lại làm tửu lệnh cho mãi tới khoảng canh ba. Giả Trân đã say mềm, mọi người đương mặc thêm áo, thay chén uống rượu nữa. Chợt nghe thấy từ chân tường bên kia có tiếng thở dài, ai nấy nghe rõ mồn một, đều rợn tóc gáy. Giả Trân quát to: “Ai ở bên kia?” Hỏi dồn mấy tiếng, không có ai trả lời. Vưu Thị nói:
- Chắc là tiếng người ở bên kia tường cũng chưa biết chừng.
Giả Trân nói:
- Nói nhảm! Không có nhà người hầu nào ở gần tường cả. Bên ấy lại liền ngay với từ đường thì làm gì có người?
Nói chưa dứt lời, một cơn gió thổi tạt qua. Thấp thoáng như ở trong từ đường có tiếng cánh cửa mở đóng, rồi thấy hơi gió rùng rợn, có vẻ lạnh lùng, ánh trăng lúc đó cũng tờ mờ, không sáng tỏ như trước nữa. Thấy vậy ai nấy đều rởn tóc gáy. Giả Trân hết hẳn say, tuy ngoài mặt trấn tĩnh hơn mọi người, nhưng trong bụng rất khiếp sợ, không còn hứng thú gì nữa. Hắn gắng gượng ngồi lại một lúc, rồi cũng về buồng nằm nghỉ.
Hôm sau là ngày rằm, Giả Trân dẫn con cháu đến từ đường làm lễ. Xem xét khắp nhà thờ, vẫn thấy y nguyên như trước, không có dấu tích lạ lùng gì. Giả Trân cho là sau khi rượu vào, thần hồn nát thần tính, nên không nhắc việc ấy nữa. Làm lễ xong, đóng cửa khóa kín cẩn thận.
Sau bữa cơm chiều, vợ chồng Giả Trân mới sang phủ Vinh, thấy Giả Xá, Giả Chính đương ngồi nói chuyện ở trong phòng cho Giả mẫu vui. Giả Liễn, Bảo Ngọc, Giả Hoàn, Giả Lan đều đứng hầu ở dưới. Giả Trân đến nơi, đi chào một lượt, nói mấy câu chuyện, rồi mới xin phép ngồi né xuống cái ghế nhỏ ở cạnh cửa. Giả mẫu cười hỏi:
- Mấy hôm nay em Bảo anh bắn có khá không?
Giả Trân vội đứng dậy cười thưa:
- Khá lắm rồi, không những cách bắn trông đẹp mà giương cung cũng khỏe thêm.
- Thế cũng đủ rồi, cẩn thận kẻo quá sức có hại đấy.
Giả Trân vội “dạ” luôn mấy tiếng. Giả mẫu lại nói:
- Bánh dẻo anh cho mang sang biếu hôm qua ngon đấy, dưa thì trông ngoài cũng đẹp, nhưng bổ ra lại chẳng ra sao cả.
Giả Trân vui cười thưa:
- Bánh dẻo là do người đầu bếp mới đến làm ra, cháu đã nếm thử, thấy ngon, mới dám mang sang biếu cụ. Dưa thì năm ngoái còn khá, không biết năm nay sao lại dở thế?
Giả Chính nói:
- Có lẽ vì năm nay mưa nhiều quá.
Giả mẫu cười nói:
- Bây giờ trăng đã sáng rồi, chúng ta hãy đi lễ đã.
Nói xong, đứng dậy vịn vào vai Bảo Ngọc, dẫn mọi người cùng vào trong vườn.
Lúc này cửa chính ở trong vườn đã mở rộng, treo đèn sừng dê. Trên đài thưởng trăng ở Gia Ấm đường đã thắp hương đốt nến, bày các thứ hoa quả, dưa bánh. Hình phu nhân và một lũ khách đàn bà đã chực lâu ở đấy. Thật là đèn rọi trăng trong, hơi thơm hương ngát, mịt mù lộng lẫy, không thể tả ra hết được. Dưới đất rải thảm gấm để lạy. Giả mẫu rửa tay dâng hương, lễ xong, mọi người cùng vào lễ. Giả mẫu nói:
- Thưởng trăng ở trên núi tốt hơn.
Rồi bảo lên nhà hoa lớn ở trên núi. Mọi người nghe nói, bày các thứ ở đấy. Giả mẫu vào ngồi nghỉ tạm ở Gia Ấm đường uống nước, nói chuyện.
Một lúc có người vào trình: “Đã sắp sửa xong cả”. Giả mẫu vịn vào một người đi lên núi. Vương phu nhân nói:
- Sợ đá có rêu trơn, xin cụ ngồi lên ghế trúc, để kiệu đi.
Giả mẫu nói:
- Đường rộng và bằng phẳng, lại ngày nào cũng quét dọn, đi dạo một lúc cho dãn gân cốt chẳng hơn ư?
Giả Xá, Giả Chính đi trước dọn đường, hai bà già cầm hai cái đèn lồng sừng dê. Uyên ương, Hổ Phách, Vưu Thị đi gần lại đỡ Giả mẫu. Bọn Hình phu nhân đi theo sau. Quanh co không đầy một trăm bước, đã đến sườn núi chính, ở đấy có một tòa nhà rộng thoáng. Vì làm ở trên sườn núi cao, nên gọi là “Đột bích sơn trang”(3) Trên đài, trước nhà bày bàn ghế, ở giữa lại đặt một cái bình phong lớn, ngăn làm hai gian. Bàn ghế đều dùng kiểu tròn cả, lấy nghĩa là đoàn viên. Giả mẫu ngồi giữa, bên trái có Giả Xá, Giả Trân, Giả Liễn, Giả Dung, bên phải có Giả Chính, Bảo Ngọc, Giả Hoàn, Giả Lan, ngồi quây quần; còn phía dưới vẫn để không.
Giả mẫu cười nói:
- Trước kia còn chưa biết là ít người, bây giờ xem ra nhà ta thật ít người quá. Nghĩ lại mấy năm về trước, ăn tết trông trăng đêm rằm, trai gái có hàng ba, bốn mươi người, vui nhộn biết bao! Hôm nay sao lại ít quá, bảo bọn cháu gái ra ngồi ở bên kia vậy.
Rồi sai người đến bàn của Hình phu nhân ở sau bình phong mời Nghênh Xuân, Thám Xuân và Tích Xuân ra. Giả Liễn, Bảo Ngọc đứng dậy, nhường các chị em ngồi trước, rồi mới theo thứ tự ngồi xuống.
Giả mẫu sai bẻ một cành hoa quế mang đến, bảo một người đàn bà ở sau bình phong đánh trống, truyền hoa đến tay ai, người ấy phải uống một chén rượu và phải nói một câu chuyện vui. Bắt đầu từ Giả mẫu, rồi đến Giả Xá, cứ thế lần lượt truyền đi. Trống đánh hai hồi vừa hay đến tay Giả Chính, ông ta phải uống một chén rượu. Các anh chị em đều khe khẽ người nọ kéo người kia, người kia bấm người nọ, ai cũng mỉm cười xem câu chuyện vui như thế nào.
Giả Chính thấy Giả mẫu đương vui, cũng phải làm cho vui thêm, ông ta sắp nói, Giả mẫu lại cười bảo:
- Nếu câu chuyện không được người ta cười thì anh phải phạt đấy.
Giả Chính cười, thưa:
- Con chỉ biết có một câu chuyện, nói ra không ai buồn cười thì cũng đành xin chịu phạt vậy.
- Anh cứ nói đi.
- Một anh chàng con nhà nọ rất sợ vợ.
Mới nói câu ấy, mọi người đã cười ầm lên. Vì họ chưa nghe Giả Chính nói chuyện vui bao giờ. Giả mẫu cười nói:
- Chắc chuyện này hay đấy.
Giả Chính cười thưa:
- Nếu hay, thì mời cụ xơi trước một chén.
Giả Chính lại nói tiếp:
- Anh chàng sợ vợ này, xưa nay không dám đi ra ngoài một bước. Hôm ấy là ngày rằm tháng tám, chàng ta ra phố mua các thứ, gặp ngay mấy người bạn cố sống cố chết kéo hắn về nhà uống rượu. Không ngờ chàng ta uống say quá, lăn ra ngủ ngay. Hôm sau tỉnh dậy, hối không kịp, đành phải về nhà nhận tội. Lúc ấy người vợ đương rửa chân, bảo chàng ta: “Đã thế thì anh phải liếm chân tôi, tôi sẽ tha cho”. Chàng ta đành phải liếm chân vợ, rồi bụng thấy tởm tởm, muốn nôn. Chị vợ nổi giận định đánh, và nói: “Anh lại hỗn xược thế à!” Chàng ta khiếp quá vội quỳ xuống kêu nài: “Không phải là chân mợ bẩn đâu, vì hôm qua tôi trót uống nhiều rượu, ăn nhiều nhân bánh dẻo quá nên hôm nay thấy lợm giọng”.
Câu chuyện làm cho Giả mẫu và mọi người cười ầm lên. Giả Chính lại rót một chén rượu nữa mời Giả mẫu. Giả mẫu cười nói:
- Đã thế thì bảo người mang rượu nóng lại đây, đừng làm khổ các anh nữa.
Mọi người đều cười ầm lên.
Lúc đó lại đánh trống, bắt đầu từ Giả Chính truyền đi, vừa đến Bảo Ngọc thì tắt trống. Vì có Giả Chính ngồi đấy, Bảo Ngọc đã khép nép không yên, nay cành hoa lại đến tay, liền nghĩ: “Mình nói chuyện không vui thì bảo là không lém lỉnh, câu chuyện cười cũng không biết nói, còn biết cái gì, nói hay ra lại bảo những chuyện đúng đắn chẳng thấy đâu, chỉ quen lối bẻm mép thôi, cũng có lỗi, chi bằng ta không nói là hơn.”
Rồi đứng dậy từ chối nói:
- Con không biết nói, xin cho cái khác.
Giả Chính nói:
- Đã thế thì hạn cho chữ “thu” con phải làm một bài thơ tức cảnh. Làm hay ta thưởng; không hay thì mai liệu hồn đấy!
Giả mẫu bảo:
- Làm tửu lệnh đương vui, sao lại bày ra làm thơ?
Giả Chính cười thưa:
- Nó làm được thơ đấy.
Giả mẫu nói:
- Đã thế thì làm đi.
Rồi sai người mang bút giấy đến.
Giả Chính nói:
- Nhưng không được dùng những chữ đệm lót như “thủy”, “tinh”, “băng”, “ngọc”, “ngân”, “thái”, “quang”, “minh”, “tố” v.v... Phải theo ý của mình để ta xem mấy năm nay mày học hành ra sao?
Bảo Ngọc nghe nói, chọc đúng vào tim mình, liền nghĩ ngay bốn câu, viết ra giấy đưa lên. Giả Chính xem xong gật đầu không nói gì. Giả mẫu biết là không đến nỗi dở lắm, liền hỏi:
- Thế nào?
Giả Chính muốn cho Giả mẫu vui lòng, nói:
- Nó cũng khá đấy. Chỉ có cái là không chịu học và đặt câu chưa được nhã.
- Thôi được, nó đã lớn gì cho lắm. Định bắt nó làm tài tử chăng? Cũng cần khen nó để sau này nó cố lên.
- Phải đấy.
Liền quay lại bảo bà già:
- Đi ra gọi bọn hầu nhỏ, bảo lấy hai cái quạt của ta mang ở Hải Nam về, thưởng cho Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc cúi đầu tạ, lại ra chỗ ngồi làm tửu lệnh.
Giả Lan thấy Bảo Ngọc được thưởng, cũng đứng dậy làm một bài đưa trình Giả Chính. Giả Chính xem xong lấy làm vui mừng, liền giảng nghĩa luôn cho Giả mẫu nghe. Giả mẫu rất là sung sướng, vội bảo Giả Chính cũng phải thưởng cho nó.
Mọi người trở về chỗ ngồi, lại bắt đầu làm tửu lệnh. Lần này hoa đến tay Giả Xá, ông ta đành phải uống rượu và nói chuyện vui:
- Một nhà có một đứa con rất là hiếu thuận. Không may bà mẹ bị bệnh, tìm thầy chạy thuốc các nơi không được. Người con mời ngay một bà biết châm cứu đến. Bà này không biết xem mạch, chỉ bảo là bệnh tâm hỏa, châm một mũi là khỏi thôi. Người con sợ quá, hỏi: “Tim mà gặp phải sắt thì chết, châm thế nào được?” Bà lang nói: “Không cần phải châm vào tim, chỉ châm vào bên hông là được rồi”. Người con nói: “Hông cách tim xa, châm vào đó khỏi thế nào được?” Bà lang nói: “Không việc gì đâu. Anh không biết thiên hạ làm bố mẹ, nhiều tim rất là thiên lệch.”
Mọi người nghe nói đều cười lên. Giả mẫu cũng phải uống nửa chén rượu, ngồi một lúc rồi cười bảo:
- Nếu ta được bà lang ấy châm cho một cái thì cũng tốt đấy.
Giả Xá nghe vậy, biết là mình nói sỗ sàng để Giả mẫu nghi ngờ, liền đứng dậy cười, dâng chén mời Giả mẫu rồi nói lảng sang chuyện khác. Giả mẫu cũng không tiện nhắc, lại làm luôn tửu lệnh. Không ngờ cành hoa truyền đến tay Giả Hoàn. Gần đây Giả Hoàn học đã hơi tiến, nhưng cũng giống Bảo Ngọc, không thiết gì việc chính, mỗi khi làm thơ, chỉ thích những ma quỷ hão huyền. Thấy Bảo Ngọc làm thơ được thưởng, hắn đã ngứa ngáy, nhưng trước mặt Giả Chính, không dám lỗ mãng. May sao cành hoa lại đến tay mình, hắn lấy giấy bút viết một bài tứ tuyệt trình lên. Giả Chính xem xong, cũng lấy làm lạ. Nhưng xét trong bài thơ, vẫn có ý không thích đọc sách, Giả Chính tỏ ý không vui, nói:
- Thế mới biết là anh nào em ấy, mở mồm ra là rặt những câu bất chính. Sau này chỉ là những kẻ hạ lưu, không chịu đi vào khuôn khổ. Người xưa có chữ “nhị nan”(4), hai đứa chúng bay cũng có thể gọi là “nhị nan” được đấy, nhưng không phải như nghĩa chữ “nan” của người xưa nói, mà phải giảng chữ “nan” là “nan dĩ giáo huấn(5) mới đúng. Thằng anh thì nghiễm nhiên coi mình như Ôn Phi Khanh,(6) Tào Đường sống lại.
Mọi người nghe vậy đều cười.
Giả Xá nói:
- Đem thơ lại cho ta xem. - Rồi khen luôn mồn: - Cứ ý tôi, thì bài thơ này thực có chí cốt. Tôi nghĩ nhà chúng ta đây không giống như những nhà bần hàn, phải ngồi trước cửa sổ khi tuyết xuống hoặc lấy đom đóm thay đèn để học, hòng một mai bẻ quế trên cung trăng, mới được mở mày mở mặt. Con cháu ta không cần phải dùi mài cho lắm, chỉ cần đọc ít sách, hiểu biết hơn người, khi có thể làm quan được thì ra làm quan, còn chệch đi đằng nào. Việc gì mà phải hao công tốn sức, lại thành ra anh chàng ngốc chữ. Tôi thích bài thơ của nó, vì không mất cái khí khái nhà công hầu chúng ta!
Liền quay lại, sai người về lấy những đồ chơi của mình đem thưởng cho Giả Hoàn, rồi gõ vào đầu hắn, cười nói:
- Từ nay cháu cứ làm thơ như thế này, bước đường “thế tập”(7) chắc không chệch khỏi tay cháu.
Giả Chính vội ngăn:
- Chẳng qua nó làm liều mấy câu đấy thôi, sao anh lại nói đến việc mai sau.
Ông ta rót rượu, lại bắt đầu làm tửu lệnh. Giả mẫu nói:
- Các anh về đi thôi. Ngoài ấy chắc còn có bọn gia khách chực hầu, cũng không nên sơ suất với họ. Hơn nữa đã quá trống canh hai rồi, các anh nên về để chị em chúng nó vui chơi một lúc.
Giả Xá, Giả Chính nghe nói, mới thôi tửu lệnh, rồi đứng dậy. Họ cùng dâng chung một chén rượu, rồi dẫn bọn con cháu đi ra.
--------------------------
1. Chuyện Mục công nước Tần định xâm chiếm các nước chư hầu, hẹn gặp nhau ở đất Lâm Đồng, đem mỗi nước hai thứ của báu đến thi để định được thua.
2. Trong nguyên bản nói cách đánh bạc như Thương Tân Khoái, công phiên… xét không cần thiết lắm, nên chúng tôi đổi ra là mạt chược và bài cẩu.
3. Nhà làm nhô lên sườn núi.
4. Đời Đông Hán có hai anh em họ Trần: anh là Nguyên Phương, em là Quý Phương đều có tài học bằng nhau, khó phân được anh hơn hay em hơn, do đó có chữ “nan huynh nan đệ”.
5. Khó mà dạy bảo.
6. Nhà thơ lớn đời Đường.
7. Đời này nối đời khác làm quan.
Hồng Lâu Mộng
Lời giới thiệu
Hồi thứ nhất
Hồi thứ hai
Hồi thứ ba
Hồi thứ tư
Hồi thứ năm(1)
Hồi thứ sáu
Hồi thứ bảy
Hồi thứ tám
Hồi thứ chín
Hồi thứ mười
Hồi thứ mười một
Hồi thứ mười hai
Hồi thứ mười ba
Hồi thứ mười bốn
Hồi thứ mười lăm
Hồi thứ mười sáu
Hồi thứ mười bảy và mười tám
Hồi thứ mười chín
Hồi thứ hai mươi
Hồi thứ hai mươi mốt
Hồi thứ hai mươi hai
Hồi thứ hai mươi ba
Hồi thứ hai mươi bốn
Hồi thứ hai mươi lăm
Hồi thứ hai mươi sáu
Hồi thứ hai mươi bảy
Hồi thứ hai mươi tám
Hồi thứ hai mươi chín
Hồi thứ ba mươi
Hồi thứ ba mươi mốt
Hồi thứ ba mươi hai
Hồi thứ ba mươi ba
Hồi thứ ba mươi bốn
Hồi thứ ba mươi lăm
Hồi thứ ba mươi sáu
Hồi thứ ba mươi bảy
Hồi thứ ba mươi tám
Hồi thứ ba mươi chín
Hồi thứ bốn mươi
Hồi thứ bốn mươi mốt
Hồi thứ bốn mươi hai
Hồi thứ bốn mươi ba
Hồi thứ bốn mươi bốn
Hồi thứ bốn mươi lăm
Hồi thứ bốn mươi sáu
Hồi thứ bốn mươi bảy
Hồi thứ bốn mươi tám
Hồi bốn mươi chín
Hồi thứ năm mươi
Hồi thứ năm mươi mốt
Hồi thứ năm mươi hai
Hồi thứ năm mươi ba
Hồi thứ năm mươi bốn
Hồi thứ năm mươi lăm
Hồi thứ năm mươi sáu
Hồi thứ năm mươi bảy
Hồi thứ năm mươi tám
Hồi thứ năm mươi chín
Hồi thứ sáu mươi
Hồi thứ sáu mươi mốt
Hồi thứ sáu mươi hai
Hồi thứ sáu mươi ba
Hồi thứ sáu mươi tư
Hồi thứ sáu mươi lăm
Hồi thứ sáu mươi sáu
Hồi thứ sáu mươi bảy
Hồi thứ sáu mươi tám
Hồi thứ sáu mươi chín
Hồi thứ bảy mươi
Hồi thứ bảy mươi mốt
Hồi thứ bảy mươi hai
Hồi thứ bảy mươi ba
Hồi thứ bảy mươi tư
Hồi thứ bảy mươi lăm
Hồi thứ bảy mươi sáu
Hồi thứ bảy mươi bảy
Hồi thứ bảy mươi tám
Hồi thứ bảy mươi chín
Hồi thứ tám mươi
Hồi thứ tám mươi mốt
Hồi thứ tám mươi hai
Hồi thứ tám mươi ba
Hồi thứ tám mươi tư
Hồi thứ tám mươi lăm
Hồi thứ tám mươi sáu
Hồi thứ tám mươi bảy
Hồi thứ tám mươi tám
Hồi thứ tám mươi chín
Hồi thứ chín mươi
Hồi thứ chín mươi mốt
Hồi thứ chín mươi hai
Hồi thứ chín mươi ba
Hồi thứ chín mươi bốn
Hồi thứ chín mươi lăm
Hồi thứ chín mươi sáu
Hồi thứ chín mươi bảy
Hồi thứ chín mươi tám
Hồi thứ chín mươi chín
Hồi thứ một trăm
Hồi thứ một trăm lẻ một
Hồi thứ một trăm lẻ hai
Hồi thứ một trăm lẻ ba
Hồi thứ một trăm lẻ bốn
Hồi thứ một trăm lẻ năm
Hồi thứ một trăm lẻ sáu
Hồi thứ một trăm lẻ bảy
Hồi thứ một trăm lẻ tám
Hồi thứ một trăm lẻ chín
Hồi thứ một trăm mười
Hồi thứ một trăm mười một
Hồi thứ một trăm mười hai
Hồi thứ một trăm mười ba
Hồi thứ một trăm mười bốn
Hồi thứ một trăm mười lăm
Hồi thứ một trăm mười sáu
Hồi thứ một trăm mười bảy
Hồi thứ một trăm mười tám
Hồi thứ một trăm mười chín
Hồi thứ một trăm hai mươi