Hồi thứ năm mươi ba
Tác giả: Tào Tuyết Cần
Bảo Ngọc thấy Tình Văn mạng xong áo, thì đã kiệt sức rồi, liền sai a hoàn nhỏ thay nhau đến đấm cho cô ta. Độ ăn xong bữa cơm thì trời đã sáng. Bảo Ngọc chưa đi vội, sai người mời thấy thuốc ngay. Một lúc, thầy thuốc họ Vương đến xem mạch, có ý ngờ, hỏi:
- Hôm qua đã khá kia mà, sao hôm nay mạch lại phù hư vi xúc(1) thế này? Có phải ăn uống nhiều quá không? Nếu không thì do nghĩ quá, tinh thần mỏi mệt. Bệnh ngoại cảm thì nhẹ thôi, nhưng sau khi ra mồ hôi mà không biết điều dưỡng thì bệnh nặng chứ không phải vừa đâu.
Thầy thuốc kê đơn. Bảo Ngọc xem thấy đã rút bớt những vị sơ tán, lại thêm những vị ích thần dưỡng huyết như phục linh, địa hoàng, đương quy. Bảo Ngọc vừa sai người đi sắc thuốc, vừa thở dài:
- Bây giờ làm thế nào đây? Nếu có mệnh hệ nào thì tội ở ta cả.
Tình Văn nằm ở trên gối, nói:
- Cậu Hai ạ! Cậu cứ làm việc của cậu đi! Tôi mắc phải bệnh lao đâu mà sợ?
Bảo Ngọc không biết làm thế nào, đành phải đi vậy.
Đến trưa Bảo Ngọc kêu người mệt, cáo từ ra về. Bệnh Tình Văn tuy nặng thực, nhưng may xưa nay chị ta là người chỉ dùng sức lực chứ không hay dùng đến trí óc, ăn uống lại thanh đạm, không bao giờ no quá hoặc đói quá. Hơn nữa, lối bí truyền trong nhà họ Giả là: không cứ người nào, hễ hơi bị cảm gió ho khan một tí là phải nhịn cơm, rồi sau mới uống thuốc. Vì thế khi Tình Văn bắt đầu ốm, đã nhịn đói hai, ba ngày, rồi lại uống thuốc điều dưỡng cẩn thận, cho nên tuy có nhọc mệt, nhưng được tẩm bổ trong mấy ngày, dần dần, cũng đỡ. Độ này các chị em trong vườn dầu ăn cơm ở buồng mình, thổi nấu rất tiện, Bảo Ngọc muốn có canh có riêu đều sẵn cả.
Sau khi chôn cất mẹ xong, Tập Nhân đã về. Xạ Nguyệt liền đem việc Trụy Nhi ăn cắp, việc Tình Văn đuổi nó đi, kể lại đầu đuôi cho Tập Nhân nghe. Tập Nhân không nói gì chỉ bảo: “Chị ấy cũng nóng nảy quá.”
Vừa qua, Lý Hoàn bị cảm, Hình phu nhân đau mắt, nên bọn Nghênh Xuân, Tụ Yên sớm tối hầu hạ thuốc thang; em thím Lý lại đón thím ấy và Lý Văn, Lý Ỷ về nhà mấy hôm. Bảo Ngọc thấy Tập Nhân thường buồn rầu nhớ mẹ, Tình Văn lại chưa khỏi hẳn, vì thế chẳng ai nghĩ đến việc thi xã cả, mấy kỳ bỏ qua không họp.
Sang tháng chạp, gần hết năm, Vương phu nhân và Phượng Thư bận sắm sửa đồ tết. Vương Tử Đằng được thăng chức Đô Kiểm Điểm chín tỉnh. Giả Vũ Thôn được bổ chức Đại Tư Mã, bàn bạc quân cơ, tham dự triều chính.
Giả Trân mở cửa nhà thờ, sai người quét dọn, bày các đồ thờ và rước thần chủ ra. Lại quét dọn nhà trên, lấy chỗ treo ảnh tổ tiên. Bấy giờ hai phủ Vinh, phủ Ninh, trong ngoài trên dưới, đều bận rộn tíu tít cả.
Hôm đó trong phủ Ninh, Vưu Thị đương cùng vợ Giả Dung sửa soạn đồ thêu và lễ vật đem sang tết Giả mẫu, thì a hoàn bưng vào một cái khay đựng những thỏi vàng nhỏ để làm món mừng tuổi và nói:
- Hưng Nhi trình mợ: một gói vàng vụn hôm nọ là một trăm tám mươi ba lạng sáu đồng bảy phân, màu sắc không đều nhau, đúc được tất cả hai trăm hai mươi thỏi nhỏ.
Nói xong, nó đưa khay vào. Vưu thị xem một lượt, thấy cái thì kiểu hoa mai, cái kiểu hoa hải đường, cái kiểu “bút đĩnh như ý”(2), cái kiểu “bát bảo liên xuân”(3). Vưu thị sai cất đi và bảo “Hưng Nhi mang những thỏi bạc đến đây mau.”
A hoàn vâng lời đi ra.
Một lúc Giả Trân vào ăn cơm, vợ Giả Dung tránh đi một nơi. Giả Trân hỏi Vưu thị:
- Tiền thưởng tế xuân của chúng ta đã lĩnh chưa?
- Hôm nay tôi đã sai thằng Dung đi lĩnh rồi.
- Nhà ta tuy không phải chờ mấy lạng bạc ấy mới có tiêu, nhưng ít nhiều cũng là ơn vua. Đi lĩnh ngay mang về đây, rồi đưa sang bên cụ để mua đồ lễ, tỏ lòng trên đội ơn vua, dưới nhờ phúc tổ. Chúng ta cúng tổ hàng vạn bạc cũng không sợ, nhưng không bằng mấy lạng bạc này, vừa có thể diện lại được thấm nhuần ơn vua. Ngoài một vài nhà như chúng ta ra, còn những nhà thế tập nghèo kiết, nếu không có số bạc này, thì lấy gì mà cúng tổ tiên và ăn tết? Thực là ơn vua rộng rãi, nghĩ rất chu đáo.
- Đúng đấy.
Họ đương nói chuyện, thì một người vào trình: “Cậu Cả đã về.”
Giả Trận bảo: “Gọi vào.”
Giả Dung xách một cái túi nhỏ bằng vải vàng đi vào. Giả Trân hỏi:
- Tại sao mày đi mất cả ngày?
- Hôm nay không lĩnh ở bộ Lễ, lại lĩnh ở kho Quang Lộc Tự, nên phải đến đó. Các vị ở đó đều hỏi thăm sức khỏe cha. Lâu ngày không được gặp, các ông ấy rất nhớ.
- Họ nhớ gì ta! Giờ đã đến cuối năm rồi, nếu không nhớ đồ tặng, thì cũng nhớ bữa chén của ta đấy thôi.
Giả Trân nhìn vào cái bọc vải vàng trên có bốn chữ niêm phong “Ơn vua lâu dài”. Một bên có dấu của bộ Lễ. Lại có một hàng chữ nhỏ viết: Ninh Quốc Công là Giả Diễn, Vinh Quốc Công là Giả Pháp đời đời được lĩnh thưởng để tế xuân, tất cả là hai phần, thành bao nhiêu lạng bạc, ngày... tháng... năm... chức hậu bổ thị vệ long cẩm úy là Giả Dung đã nhận đủ. Viên tự thừa giữ việc này ký tên đóng dấu.
Giả Trân ăn cơm xong, súc miệng, đi giày, đội mũ, bảo Giả Dung mang theo gói bạc đến trình Giả mẫu và Vương phu nhân, lại sang trình Giả Xá và Hình phu nhân, rồi mới về nhà.
Lấy bạc ra rồi, Giả Trân sai đem bỏ cái túi vải vào lư hương lớn ở nhà thờ đốt đi. Lại bảo Giả Dung:
- Mày sang thím Hai xem, tháng giêng này bên ấy đã định ngày mời uống rượu tết chưa? Nếu định ngày rồi, phải bảo thư ký kê rõ vào giấy mang về đây, để đến khi chúng ta mời, khỏi bị trùng. Năm ngoái không để ý đến việc này, thành ra mấy nhà mời trùng nhau. Người ta có cho là chúng ta vô ý đâu, lại bảo hai nhà đã bàn định sẵn, sợ tốn kém mời vờ đấy thôi.
Giả Dung vội vâng lời đi ngay. Một lúc cầm về cái giấy kê ngày bên ấy mời uống rượu tết. Giả Trân xem xong, bảo:
- Đưa cho Lại Thăng xem, nếu mời người ta uống rượu, phải tránh những ngày đã kê trên này.
Giả Trân ngồi ở trên nhà trông cho bọn hầu nhỏ khênh dọn bình phong, lau chùi bàn ghế và đồ thờ bằng vàng bạc. Bỗng thấy đứa hầu nhỏ cầm một cái thiếp và quyển sổ vào trình:
- Tên quản lý họ O ở Hắc Sơn thôn đã đến.
Giả Trân nói:
- Thằng già chết chém này sao hôm nay mới đến?
Giả Dung vội cầm lấy thiếp và sổ mở ra đưa lên. Giả Trân chắp hai tay ra sau lưng nhìn vào tay Giả Dung, thấy trong thiếp hồng viết: “Con là quản lý O Tiến Hiếu, cúi đầu chúc ông bà và các cô các cậu mạnh khỏe. Xuân mới được mọi sự tốt lành, bình an, vinh quý, thăng quan tiến chức, vạn sư như ý.” Giả Trân cười nói:
- Người nhà quê mà nói có văn vẻ đấy.
Giả Dung cũng cười nói:
- Không cần gì văn, chỉ cốt lời chúc tốt lành thôi.
Rồi hắn giở sổ ra xem, thấy viết:
Hươu to 30 con, hươu nhỏ 50 con, hoẵng 50 con, lợn xiêm 20 con, lợn đồ 20 con, lợn nhớn 20 con, lợn rừng 20 con, lợn nhà ướp 20 con, dê rừng 20 con, dê non 20 con, dê đồ 20 con, dê ướp 20 con, cá chép 200 con, các loại cá 200 cân, gà, vịt, ngỗng còn sống mỗi thứ 200 con, gà rừng, thỏ mỗi thứ 200 đôi, tay gấu 20 đôi, gân hươu 20 cân, hải sâm 50 cân, lưỡi hươu 50 cái, lưỡi bò 50 cái, trùng trục khô 20 cân, hạt thông, hạt đào, hạt mận mỗi thứ 2 túi, tôm to 50 đôi, tôm khô 200 cân, than hoa tốt nhất 1000 cân, than vừa 2000 cân, than củi 30.000 cân, gạo tám tiến 2 gánh, gạo cẩm 50 hộc, gạo nếp trắng 50 hộc, gạo ré muộn 50 hộc, các thứ hoa màu mỗi thứ 50 hộc, gạo thường 1000 gánh, rau dưa khô một xe, các thứ lúa gạo súc vật bán đi, tính thành tiền là 2.500 lạng. Ngoài ra còn biếu riêng cậu cả mấy giống này để chơi: hươu sống 2 đôi, thỏ trắng 4 đôi, thỏ đen 4 đôi, gà cẩm kê sống 2 đôi, vịt tây 2 đôi.
Giả Trân xem xong nói: “Cho nó vào”. Một lúc thấy O Tiến Hiếu vào, quỳ lạy ở ngoài thềm. Giả Trân sai người đỡ hắn dậy, cười nói:
- Chú hãy còn khỏe nhỉ.
- Nhờ ơn đức của ông, con hãy còn đi được.
- Con chú lớn rồi, sao không bảo nó đi cho.
- Không dám giấu gì ông: con đi quen rồi, nếu không đi buồn không chịu được. Các cháu đứa nào mà chẳng muốn đến xem phong cảnh nơi đế đô. Nhưng vì chúng còn trẻ tuổi, sợ đi đường có sự gì thất thố. Để mấy năm nữa sẽ cho chúng đi, con mới yên tâm.
- Chú đi mất mấy ngày?
- Thưa ông, năm nay tuyết xuống nhiều quá, sâu đến bốn, năm thước, hôm nọ mới trời ấm tuyết tan, vì thế đường khó đi phải chậm lại mất mấy ngày. Đi mất một tháng hai ngày. Năm hết tết đến, con sợ ông nóng ruột, nên phải đi gấp cho kịp.
- Ta đã nói mà, sao hôm nay chú mới đến? Ta vừa xem đơn thì ra năm nay chú lại định giở ngón bớt xén thì phải?
O Tiến Hiếu vội bước đến gần nói:
- Thưa ông, năm nay mùa màng xấu quá. Từ tháng ba đến hết tháng tám mưa luôn, không lúc nào tạnh được năm, sáu ngày. Đến tháng chín có một trận mưa đá, một vùng gần hai ba trăm dặm, người, nhà cửa, súc vật, lương thực bị hại hàng nghìn hàng vạn, nên mới có thế này. Con không dám nói man.
Giả Trân cau mày nói:
- Ta tưởng ít ra chú cũng phải mang nộp 5000 lạng bạc, chứ có ngần ấy thì làm được cái gì. Bây giờ chỉ còn có tám, chín trại thôi, năm nay có đến hai trại kêu bị hạn, bị lụt, chú lại bớt xén, định không cho ta ăn nữa hay sao?
O Tiến Hiếu nói:
- Ruộng đất của ông còn khá đấy, chứ chỗ anh em con ở cách chỗ con chỉ độ một trăm mẫu, thì lại kém xa. Họ trông nom tám trại thuộc phủ bên kia, so với trại của con trông nom còn rộng gấp mấy lần, thế mà những món đưa đến chẳng qua chỉ đáng hai, ba nghìn lạng bạc thôi, cũng vì bị mất mùa.
- Thực vậy. Bên ta còn có thể được, vì không có việc gì đặc biệt phải tiêu nhiều, chẳng qua chỉ để dùng trong một năm thôi. Ta tiêu rộng tý nào tốn tý ấy, bớt được chừng nào đỡ chừng ấy. Vả chăng những lệ thường hàng năm như tết nhất, mời mọc, ta chịu dày mặt một chút là xong, bì sao được với phủ bên kia. Ở bên ấy số hoa lợi vẫn như cũ, mà mấy năm nay lại nhiều việc phải tiêu đến tiền, nhất định không thể thiếu được, phải bù ra rất nhiều, nếu không lấy ở các người thì còn hỏi vào đâu?
- Bên ấy có nhiều việc, nhưng có xuất lại có nhập. Nhà vua và quý phi chẳng lẽ lại không chu cấp cho hay sao?
Giả Trân nghe nói, cười bảo Giả Dung:
- Chúng mày nghe đấy, nó nói có đáng buồn cười không?
Giả Dung vội cười nói:
- Các chú là người ở nơi rừng sâu bể thẳm, biết đâu được những việc ấy? Chẳng lẽ quý phi lại lấy tiền ở kho nhà vua ra cho chúng ta à? Dù người có muốn chăng nữa, cũng không làm chủ được. Kể ra thì thời nào tiết ấy cũng có thưởng đấy, nhưng chẳng qua chỉ cho một ít vóc nhiễu, đồ cổ, đồ chơi. Có chăng cũng chỉ được một trăm lạng vàng, đáng giá hơn một nghìn lạng bạc, thấm vào đâu? Trong hai năm nay, năm nào mà chẳng phải bù ra mấy nghìn lạng bạc. Năm đầu, quý phi về thăm nhà, kể cả việc làm vườn hoa, chú tính xem phải tiêu hết bao nhiêu thì đủ biết. Vài năm sau nếu người lại về thăm nữa, có lẽ đến nghèo xác mất!
Giả Trân cười nói:
- Vì thế bọn người nhà quê là người thực thà, họ chỉ biết việc bề ngoài chứ biết đâu được bên trong. Lấy hoàng bá làm dùi khánh, chỉ đẹp dáng bề ngoài, bên trong thì đắng ngắt.
Giả Dung vừa cười, vừa nói với Giả Trân:
- Quả là bên ấy cũng kiệt thật. Hôm nọ con nghe thấy thím Hai bàn khẽ với Uyên Ương phải ăn cắp những đồ của cụ đem đi cầm.
Giả Trân cười nói:
- Đó là thím Phượng giở trò ma đấy thôi, lẽ nào lại kiết đến thế? Chắc là thím ấy biết công việc phải tiêu nhiều, tất phải bù vào nhiều, nhưng không biết nên bớt món tiền nào, mới bày ra cách này, muốn người ta biết là mình kiết đến như thế. Ta đã tính rồi, chưa đến nỗi túng thiếu lắm đâu.
Nói xong liền sai người tiếp đãi O Tiến Hiếu tử tế.
Giả Trân lại sai người mang lễ vật của O Tiến Hiếu đem đến để lại mấy thứ cúng tổ, rồi chọn mỗi thứ một ít cho Giả Dung mang sang biếu phủ Vinh. Lại bớt đủ số cho nhà dùng, còn thừa thì theo thứ tự chia ra từng phần, để ở dưới thềm, sai người gọi con cháu trong họ đến để nhận phần. Sau đó, phủ Vinh cũng đưa đến nhiều lễ vật cúng tổ và biếu Giả Trân. Giả Trân trông cho người nhà bầy biện đồ thờ xong, rồi đi giày, khoác áo da, sai người trải một cái thảm da chó sói ở trên thềm, chỗ có ánh mặt trời, để sưởi nắng, và xem con cháu đến lĩnh phần. Thấy Giả Cần cũng đến lĩnh. Giả Trân gọi lại bảo:
- Sao mày cũng đến đây? Ai gọi mày đến?
Giả Cần buông thõng tay thưa:
- Cháu nghe nói bác gọi chúng cháu đến lĩnh phần, cháu đến chứ không ai gọi cả.
Giả Trân nói:
- Những thứ này là ta định để cho chú bác anh em không có công ăn việc làm. Hai năm trước, mày chưa có việc, ta cũng đã cho rồi. Bây giờ mày đã được làm công việc ở phủ bên kia, trông nom bọn hòa thượng, đạo sĩ ở miếu, ngoài tiền lương hàng tháng, số tiền phát cho bọn hòa thượng cũng qua tay mày, thế mà mày vẫn còn đến lĩnh phần. Sao tham quá thế? Mày thử nghĩ xem: mày ăn mặc có khác gì bọn người sẵn tiền trong tay không? Trước mày nói không có việc làm, bây giờ thì thế nào? Vẫn còn kém trước nữa à?
Giả Cần nói:
- Vì nhà cháu nhiều miệng ăn, phải tiêu nhiều.
Giả Trân cười nhạt:
- Mày lại cứ chống chế mãi với ta! Mày tưởng ta không biết những việc mày làm ở trong miếu à! Ở đấy, mày làm ông lớn, không ai dám trái lời. Trong tay có tiền, lại ở xa chúng ta, mày tha hồ làm vương làm tướng, đêm nào cũng tụ tập những bọn vô lại, cờ bạc trai gái đủ thứ, nên mới xác như vờ, lại còn dám đến đây lĩnh phần nữa à? Mày chẳng lĩnh được gì đâu, có lĩnh trận đòn thì lĩnh! Để xong tết, ta sẽ bảo chú Hai đuổi mày đi.
Giả Cần đỏ mặt, không dám nói gì. Có người đến trình:
- Bên Bắc phủ vương đem câu đối và túi đến.
Giả Trân sai Giả Dung ra tiếp và nói là mình đi vắng. Giả Dung đi ra.
Giả Trân đuổi Giả Cần đi, xem mọi người lĩnh phần xong, rồi về nhà ăn cơm với Vưu thị. Hôm sau lại càng bận việc.
Đến ngày hai mươi chín tháng chạp, các thứ bày biện đầy đủ. Trong hai phủ, chỗ thờ thần cửa, câu đối, bài treo, đều sơn lại một màu bóng loáng. Bên phủ Ninh, từ cửa ngoài, nghi môn, nhà khách, noãn các, nhà trong, cửa thứ ba, cửa nghi môn trong, cửa cấm vào đến chính đường, suốt một dãy các nhà chính đều mở toang cả. Dưới thềm, hai bên đốt hai hàng nến to và cao đỏ chói như hai con rồng vàng. Hôm sau Giả mẫu ngồi kiệu bát cống dẫn những người có phong cáo theo phẩm cấp, mặc triều phục vào cung làm lễ triều hạ. Ăn yến xong, trở về, đến noãn các bên phủ Ninh, xuống kiệu. Những con cháu không theo vào chầu, đều xếp hàng đứng chực trước cửa, để Giả mẫu dẫn vào nhà thờ.
Bảo Cầm lần đầu được vào xem nhà thờ họ Giả, để ý ngắm nghĩa mãi. Nhà thờ này dựng ở bên tây phủ Ninh, trong một cái vườn riêng phía trong hàng rào sơn đen, có năm gian cửa lớn, trên treo bức hoành viết bốn chữ Giả thị tôn tử(4), bên cạnh viết “Diễn thánh công Khổng Kế Tông viết”, hai bên có đôi câu đối:
Lấm đất óc gan, muôn họ thấm nhuần ơn bảo dưỡng.
Ngập trời công đức, trăm năm nghi ngút lễ chưng thường.
Đó cũng là chữ viết của Diễn Thánh công. Đi vào trong sàn, giữa có đường mai võng lát đá trắng, hai bên đều là tùng bách um tùm, trên nguyệt đài bầy những đỉnh vạc bằng đồng cổ. Trước nhà bái đường treo bức hoành vàng chạm chín con rồng, viết chữ Tinh huy phụ bật(5). Đó là chữ của đức vua trước viết. Hai bên có đôi câu đối:
Sự nghiệp sáng soi cùng nhật nguyệt,
Công danh truyền mãi đến nhi tôn.
Cũng là chữ vua viết.
Trước năm gian chính điện, treo bức hoành sơn xanh vẽ rồng uốn khúc, viết bốn chữ Thận chung truy viên(6). Bên cạnh lại có đôi câu đối:
Con cháu từ đây nhờ phúc đức,
Nhân dân giờ vẫn nhớ Vinh Ninh.
Đều là chữ vua viết cả.
Bên trong đèn đuốc sáng trưng, trượng thêu màn gấm, tuy có bày thần chủ, nhưng trông không rõ.
Những người họ Giả chia bên “chiêu” bên “mục”(7) xếp hàng đứng yên. Giả Kính chủ tế, Giả Xá bồi tế, Giả Trân dâng rượu, Giả Liễn, Giả Tôn dâng lụa, Bảo Ngọc bưng hương, Giả Xương, Giả Lăng rải thảm tế, giữ cái lư đốt văn. Bọn nhạc công tấu nhạc. Ba lần dâng rượu, hương bái xong, đốt lụa rót rượu. Lễ xong, âm nhạc ngừng lại, lui ra. Mọi người theo Giả mẫu đến trước chỗ bày ảnh ở trên chính đường, màn gấm treo cao, bình phong căng rộng, hương bay nghi ngút, nến thắp sáng trưng. Chính gian giữa, treo hai bức chân dung của Vinh Quốc công và Ninh Quốc công, đều mặc áo mãng bào đeo đai ngọc; hai bên lại có mấy bức chân dung của các vị liệt tổ.
Bọn Giả Hành, Giả Chỉ đứng xếp hàng từ cửa trong ra mãi đến ngoài thềm chính đường. Ngoài bạo cửa là chỗ Giả Kính, Giả Xá; trong bạo cửa là chỗ đàn bà đứng. Bọn người nhà và hầu bé đều đứng ngoài nghi môn. Cứ một món ăn dâng lên đến cửa nghi môn, là bọn Giả Hành, Giả Chỉ đỡ lấy, theo thứ tự đưa đến tay Giả Kính. Giả Dung là cháu trưởng chi trưởng, nên được đứng với đám đàn bà ở trong bạo cửa. Mỗi lần Giả Kính đưa món ăn đến trao cho Giả Dung, Giả Dung đưa lại cho vợ, vợ hắn lại đưa cho Phượng Thư và Vưu Thị; khi đưa đến trước bàn thờ, thì Vương phu nhân nhận lấy đưa cho Giả mẫu. Giả mẫu đặt lên bàn thờ. Hình phu nhân đứng ở phía tây bàn thờ, ngoảnh mặt sang phía đông, cùng Giả mẫu dâng cỗ lên. Đến khi dâng cỗ và chè rượu xong, Giả Dung mới lui ra ngoài, đứng hàng đầu chỗ bọn Giả Cần.
Lúc này Giả Kính đứng đầu hàng người có tên theo chữ “văn” ở bên. Giả Trân đứng đầu hàng người có tên theo chữ “ngọc” ở bên, cuối nữa là Giả Dung đứng đầu hàng người có tên theo bộ “thảo đầu”. Bên tả hàng “chiêư”, bên hữu hàng “mục”. Trai ở bên đông, gái ở bên tây. Khi Giả mẫu thắp hương lạy rồi, mọi người đều quỳ xuống làm cho năm gian nhà lớn, ba gian bái đường, hiên trong hiên ngoài, thềm trên thêm dưới, hai dãy thềm đỏ đều như hoa như gấm, chật ních không chỗ nào hở. Ngoài nhạc vàng vòng ngọc khẽ chạm leng keng và giày dép sột soạt khi đứng khi quỳ ra, còn đều im lặng như tờ. không một tiếng động.
Một lúc lễ xong, bọn Giả Kính, Giả Xá lui ra đi sang phủ Vinh, chờ làm lễ mừng Giả mẫu. Bên phòng Vưu thị, dưới đất trải đầy thảm đỏ, giữa nhà để một chậu than lớn tráng vàng. Trên giường chính giữa trải một cái nệm da vượn đỏ mới, đặt một cái gối dựa màu đỏ thêu kiểu vân long bổng thọ(8); ngoài nệm ngồi lại có cái bao bằng da cáo đen đặt ở trên và cái nệm ngồi bằng da cáo trắng. Vưu thị mời Giả mẫu ngồi lên đó. Hai bên lại trải nệm da, mời mấy bà bác bà thím ngang hàng với Giả mẫu cùng ngồi. Bọn Hình phu nhân thì ngồi ở một cái giường nhỏ cũng trải nệm da, có bức vách chắn ngang. Ở hai bên, có mười hai cái ghế sơn chạm đối mặt nhau, đều trải nệm lông chuột đen, dưới mỗi cái ghế có một lò sưởi bằng đồng, để cho chị em bọn Bảo Cầm ngồi. Vưu thị pha trà dâng Giả mẫu, vợ Giả Dung dâng mời các bà ngang hàng với Giả mẫu, sau Vưu thị lại dâng mời Hình phu nhân, vợ Giả Dung lại dâng bọn chị em. Phượng Thư, Lý Hoàn thì đứng ở ngoài chực sẵn.
Dâng nước trà xong, bọn Hình phu nhân đứng dậy hầu Giả mẫu uống. Giả mẫu cùng chị em nhiều tuổi nói chuyện phiếm mấy câu rồi sai sắp kiệu. Phượng Thư vội đỡ Giả mẫu lên. Vưu thị cười nói:
- Cháu đã sắp sẵn cơm chiều để mời bà xơi rồi. Hàng năm bà không hề hạ cố đến các cháu. Bây giờ dùng cơm chiều rồi bà hãy về. Nếu không thì chẳng hóa ra các cháu không bằng thím Phượng hay sao?
Phượng Thư đỡ Giả mẫu, cười nói:
- Mời bà về nhà xơi cơm, mặc kệ chị ấy.
Giả mẫu cười nói:
- Bên này chị còn phải soạn sửa cúng tế tổ tiên, bận rộn lắm rồi, giữ ta ở lại để thêm bận à? Vả chăng hàng năm ta không ăn ở đây, các chị cũng cứ mang sang biếu, vậy cứ biếu đi, ta không ăn hết, để dành đến ngày mai, như thế chẳng ăn được nhiều hơn ư?
Mọi người nghe vậy đều cười. Giả mẫu lại dặn: “Đêm đến phải cắt người đèn hương cẩn thận, không được sơ suất đấy”, Vưu thị vâng lời, Giả mẫu đi ra ngoài, đến trước noãn các, bọn Vưu thị tránh ra sau bình phong, bọn hầu nhỏ mới dẫn phu kiệu đến mời Giả mẫu lên kiệu. Vưu thị cũng theo bọn Hình phu nhân đến phủ Vinh.
Kiệu ra khỏi cửa ngoài. Dọc đường, bên đông bầy nghi trượng và nhạc khí của phủ Ninh, bên tây bày nghi trượng và nhạc khí của phủ Vinh. Những người đi đường đều phải lùi lại, không được qua đấy.
Về đến phủ Vinh, cửa lớn, cửa chính cũng đều mở suốt vào tận phía trong. Giả mẫu không xuống kiệu ở noãn các nữa, mà đi qua nhà khách, vòng sang phía tây, đến thẳng nhà chính. Mọi người xúm theo đến gian giữa nhà Giả mẫu, cũng có nệm gấm màn thêu, mọi thứ đều mới cả, ở giữa để lò lửa đốt hương tùng bách và cây bách hợp. Giả mẫu vào ngồi, bọn bà già trình: “Các cụ bà đến làm lễ”. Giả mẫu đứng dậy định ra đón, thấy mấy bà chị em nhiều tuổi đến nơi. Mọi người cầm tay nhau cười và mời nhau một lúc. Họ uống trà xong rồi đi. Giả mẫu đưa ra đến cửa nghi môn mới về chỗ ngồi. Bọn Giả Kính và Giả Xá dẫn các con em đến. Giả mẫu cười nói:
- Cả năm làm phiền các người rồi, thôi đừng làm lễ nữa.
Một bên trai, một bên gái, tốp này đến tốp khác, lũ lượt vào làm lễ; bên tả bên hữu đều đặt ghế đối nhau, rồi cứ theo thứ tự lớn bé ngồi nhận lễ. Bọn hầu nhỏ và a hoàn trong hai phủ cũng theo thứ tự trên dưới đứng làm lễ. Sau đó phân phát tiền thưởng tết, túi và thỏi vàng, thỏi bạc cho mọi người. Bữa tiệc hợp hoan bày ra, trai ngồi bên đông, gái ngồi bên tây; uống rượu đồ tô(9), ăn canh hợp hoan(10), quả cát tường(11) và bánh như ý, xong rồi Giả mẫu vào trong nhà nghỉ, mọi người mới đi ra.
Tối hôm ấy, các nơi thờ phật và thờ vua bếp đều thắp hương cúng lễ. Ngoài sân nhà chính của Vương phu nhân, bày vàng hương ngựa giấy cúng trời đất. Cửa giữa vườn Đại Quan treo đèn lồng, rọi sáng hai bên, các ngả đường lại đều có giồng cây đèn. Kẻ trên người dưới đều ăn mặc như hoa như gấm. Suốt đêm, tiếng cười nói ồn ào, pháo nổ không dứt. Đến canh năm ngày hôm sau. Giả mẫu cùng mọi người theo phẩm tước mặc triều phục, bày toàn bộ nghi trượng vào cung chào mừng và chúc thọ Nguyên Xuân. Ăn yến xong, Giả mẫu trở về phủ Ninh tế tổ, rồi mới về nhà. Nhận lễ mừng xong, Giả mẫu thay áo đi nghỉ. Bạn bè đến mừng tết đều không tiếp, chỉ ngồi nói chuyện với Tiết phu nhân và thím Lý, hoặc đánh cờ, đánh bài với bọn Bảo Ngọc và chị em Bảo Thoa, Bảo Cầm, Đại Ngọc.
Vương phu nhân và Phượng Thư ngày nào cũng bận về mọi khách đến uống rượu tết, nhà trong nhà ngoài, chỗ nào cũng bày bàn rượu, bạn bè đi lại không ngót. Bận rộn suốt bảy, tám ngày mới xong.
Lại sắp đến tết nguyên tiêu, hai phủ Vinh, Ninh đều thắp đèn kết hoa. Ngày mười một, Giả Xá mời Giả mẫu, hôm sau Giả Trân lại mời Giả mẫu. Vương phu nhân và Phượng Thư, ngày nào cũng có người mời uống rượu tết.
Đến chiều hôm rằm, Giả mẫu sai người bày mấy bàn tiệc ở phòng khách lớn, thuê một bọn con hát, treo đầy đèn hoa các màu, dẫn các con cháu trai gái hai phủ Vinh, Ninh đến ăn tiệc. Giả Kính xưa nay không uống rượu, ăn mặn, vì thế không mời. Đến ngày mười bảy, tế tổ xong, Giả Kính liền ra ngoài thành tu đạo. Trong mấy hôm ở nhà, ông ta cũng chỉ ngồi yên lặng trong gian nhà kín, không hỏi đến việc gì.
Giá Xá lĩnh đồ thưởng của Giả mẫu xong, cáo từ ra về. Giả mẫu biết ông ta ở đấy cũng không tiện, nên để mặc cho về.
Giả Xá về đến nhà, cùng bọn gia khách thưởng đèn uống rượu, đàn sáo rộn tai, gấm thêu hoa mắt, cuộc vui của ông ta khác hẳn bên này.
Giả mẫu cho bày hơn mười bàn rượu ở nhà khách, bên cạnh mỗi bàn đặt một cái kỷ. Trên kỷ đặt lư hương, bình hoa, đốt hương bách hợp của vua ban; lại có những chậu cảnh nhỏ dài độ tám tấc, rộng bốn năm tấc, cao hai ba tấc, trong chồng núi giả, đều trồng cỏ hoa tươi tốt; lại có khay chè sơn hay những bộ chén rót nước trà ngon hạng nhất. Một loạt đều làm bằng gỗ đàn tía chạm trổ, viền rèm lụa đỏ, đính ngọc, thêu hoa và đề thơ. Nguyên cái rèm này là do tay cô gái Cô Tô, tên là Tuệ Nương thêu ra. Vì cô ta cũng là con nhà thư hương thế hoạn, rất giỏi nghề vẽ, chẳng qua ngẫu nhiên thêu thùa vài thứ để chơi, chứ không phải thứ đem ra ngoài bán. Những hoa thêu trên, theo cành cây hoa lá của các nhà danh họa từ đời Đường, Tống, Nguyên, Minh để lại, nên cách thức, màu sắc đều đậm đà, tinh xảo không một ai có thể sánh kịp. Mỗi một cành hoa bên cạnh lại có một bài thơ, từ, ca, phú của người xưa và đều thêu chữ nổi bằng nhung đen. Hơn nữa cả từ nét ngoặc, nét chấm, to, nhỏ, liền, cách, đều giống hệt như chữ viết, không phải lối thêu chữ bán rao có thể sánh kịp. Cô ta không vì nghề này kiếm lợi, nên tiếng đồn khắp nơi, ít người mua được. Rất nhiều nhà danh gia thế hoạn cũng không có của này. Vì vậy đời sau gọi là nàng Tuệ Tú. Gần đây, có những kẻ trục lợi, cũng bắt chước lối thêu của cô ta để lừa người kiếm tiền. Tuệ nương đến mười tám tuổi thì chết, nên sau không tìm đâu ra bức thêu nào như vậy. Nhà nào có một vài bức, đều giữ gìn rất cẩn thận. Có một số nhà văn “múa rối”, nhân tiếc sắc đẹp của nàng, liền tung tin rằng nàng thêu chữ chưa hết vẻ đẹp, so sánh đường kim thêu với chữ “Tú” có vẻ hơi vội vã. Rồi cùng mọi người bàn bạc, đem đổi chữ “Tú” thành chữ “Văn”, nên người đời mới gọi là “Tuệ Văn”. Nếu phải là bức thêu của nàng Tuệ Văn thì giá đắt vô ngần. Trong phủ Giả có ba bức, năm ngoái đã tiến vua hai bức, chỉ còn lại cái rèm này có mười sáu dải, Giả mẫu cất giữ rất cẩn thận, không hay bày ra nhà khách, chỉ để trong phòng riêng, khi cao hứng bày tiệc rượu mới đem ra dùng.
Trong các bình cổ nhỏ có đủ các màu đều cắm cây tuế hàn tam hữu(12) và hoa ngọc đường phú quý(13). Hai bàn phía trên là chỗ ngồi của Tiết phu nhân và thím Lý; bên đông bày riêng một tiệc có cái giường nhỏ chân thấp chạm quỳ long hộ bình(14) có đủ cái tựa lưng, gối dài, nệm da. Trên giường bày một cái kỷ nhỏ, sơn son thếp vàng rất đẹp, và nhẹ. Trên kỷ bày chén trà, ống nhổ, khăn mặt và cái hộp kính.
Giả mẫu nằm nghiêng trên giường, cười nói với mọi người một lúc, lại đeo kính nhìn lên sân khấu rồi nói với Tiết phu nhân và thím Lý:
- Tha lỗi cho tôi già rồi mình mẩy hay đau, để tôi vô phép nằm nghiêng tiếp chuyện.
Lại sai Hổ Phách ngồi lên giường, cầm cái nắm tay “mỹ nhân”(15) đấm đùi. Cạnh giường không đặt bàn rượu, chỉ có một cái kỷ cao, trên bày giá cao, lọ cao và lư hương, ngoài ra lại có một cái bàn nhỏ cao rất xinh trên bày bát đũa. Bên cạnh bày một bàn rượu cho Bảo Cầm, Tương Vân, Đại Ngọc, Bảo Ngọc cùng ngồi. Khi đồ ăn mang lên, đều đưa Giả mẫu xem trước, món nào thích để lên trên bàn nhỏ nếm một ít, còn lại đưa ra bàn bốn người ngồi gần đấy, như thế cũng xem như ngồi một bàn với Giả mẫu. Phía dưới mới là chỗ của Hình phu nhân và Vương phu nhân; dưới nữa là chỗ ngồi của bọn Vưu Thị, Lý Hoàn, Phượng Thư và vợ Giả Dung; bên tây là chỗ ngồi của Bảo Thoa, Lý Văn, Lý Ỷ, Tụ Yên và chị em Nghênh Xuân. Trên xà nhà, hai bên treo từng chùm đèn pha lê. Trước mỗi bàn rượu đặt một cây đèn sơn đen hình lá sen rũ xuống, trên lá sen cắm sáp. Cây đèn này là của bên Tây Dương, làm bằng pha lê, có thể quay vặn được. Lúc này, đèn xoay lá sen cho ánh sáng hắt ra ngoài để xem hát được rõ. Bao nhiêu cánh cửa và cửa sổ đều được lấy xuống và treo vào đó bằng các đèn hoa trong cung cho. Trong thềm, ngoài thềm và giàn hoa hai bên hiên đều treo đèn lồng, đèn pha lê, đèn che lụa, hoặc thêu, hoặc vẽ bằng lụa, bằng giấy, thứ gì cũng có. Mấy bàn ở trên hiên là chỗ ngồi của Giả Trân, Giả Liễn, Giả Hoàn, Giả Tôn, Giả Dung, Giả Cần, Giả Vân, Giả Xương, Giả Lăng.
Giả mẫu sai người đi mời các người trong họ. Nhưng bọn họ có người đã già, không thích ồn ào, có người đi vắng, có người ốm đau, muốn đến cũng không đến được. Lại có người ghen giàu thẹn nghèo không chịu đến, có người thì ghét Phượng Thư, tức giận không đến; lại có người e lệ nhút nhát, không quen chỗ đông người. Vì thế họ tuy to, nhưng về phía đàn bà chỉ có mẹ Giả Lam là họ Lâu dắt Giả Lam đến, về phía đàn ông chỉ có Giả Cần, Giả Vân, Giả Trong và Giả Lăng đến, bốn người hiện đương giúp việc cho Phượng Thư. Kể ra người không đông mấy, nhưng tiệc nhỏ trong gia đình cũng đủ náo nhiệt lắm rồi.
Vợ Lâm Chi Hiếu dẫn sáu người đàn bà, cứ hai người một khênh ba cái bàn nhỏ đến, mỗi bàn trải một tấm thảm đỏ, trên để những tiền đồng mới đúc xâu bằng dây đỏ. Vợ Lâm Chi Hiếu bảo mang hai cái đặt ở cạnh bàn rượu của Tiết phu nhân và thím Lý, còn một cái đặt ở cạnh giường Giả mẫu. Giả mẫu nói: “Để ở giữa nhà kia”. Những người đàn bà ấy đã quen khuôn phép nhà này, họ đặt bàn xuống, rút dây đỏ đi, rồi bỏ tiền ra để ở trên bàn.
Lúc đó, đương hát vở Tây lâu hội(16). Khi sắp tan hát, đứa đóng vai Vũ Thúc Dạ giận dỗi bỏ đi, đứa đóng vai Văn Báo liền nói đùa: “Anh giận bỏ đi mặc anh. Hôm nay đúng ngày rằm tháng giêng, trong nhà cụ ở phủ Vinh ăn tiệc, tôi còn phải cưỡi ngựa này, đến xin mấy thứ quả để ăn mới được”. Câu nói ấy làm cho Giả mẫu cười ầm lên. Bọn Tiết phu nhân đều nói: “Thằng ranh con này đáng thương thật!” Phượng Thư liền nói:
- Nó mới có chín tuổi thôi.
Giả mẫu cười nói:
- Nó khéo nói đấy!
Rồi gọi một tiếng “thưởng”. Liền có ba người đàn bà cầm sẵn các cái giỏ nhỏ, chạy mau đến bàn, mỗi người bốc tiền bỏ vào một giỏ rồi chạy ra trước sân khấu nói:
- Cụ, bà dì, và các bà trong họ thưởng cho Văn Báo mua quả ăn đây.
Nói xong họ vất tiền lên sân khấu, chỉ nghe thấy tiếng “loảng xoảng”, tiền rơi khắp nơi. Giả Trân và Giả Liễn đã sai bọn hầu nhỏ sắp sẵn những thúng tiền lớn khênh ra.
-----------------------
1. Phù hư vi xúc: danh từ mạch lý của Đông y, ý nói khí huyết suy nhược.
2. Một thứ đồ chơi làm bằng vàng bạc hay ngà voi, có chạm cỏ chi, hoặc đám mây, để mừng tặng nhau.
3. Tiếng của nhà Phật, là tám thứ quý báu.
4. Nhà thờ họ Giả.
5. Sao Phụ bật sáng ngời.
6. Cẩn thận việc về sau, tưởng nhớ người đã khuất.
7. Theo điển tế tự của Trung Quốc thời trước, trong nhà thờ thủy tổ ở giữa, hai bên hàng chiêu ở bên tả, hàng mục ở bên hữu, chiêu thuộc hàng cha, mục thuộc hàng con.
8. Rồng mây chúc thọ.
9. Một thứ rượu nấu bằng cỏ đồ tô, uống vào ngày nguyên đán để trừ dịch khí.
10. Canh nấu bằng hoa hợp hoan, một thứ hoa màu đỏ, sớm nở tối cụp, tượng trưng cho sự đoàn kết.
11. Quả ăn vào được phúc lành.
12. Ba người bạn trong mùa rét: tùng, bách, mai.
13. Hoa mẫu đơn.
14. Giống thú trông giống con rồng, có một chân đỡ lấy cái bình phong.
15. Một cái dùi nhỏ bằng gỗ bọc da hình như nắm tay người con gái, dùng để đấm mình.
16. Tên vở kịch của Viên Vu Lệnh nhà Thanh soạn, diễn điển Vu Quyên cùng Mục Tố Huy khi tan khi hợp.