Chương 11
Tác giả: Thanh Châu
Đạm ngừng lại một lát để xem cái tên người đàn ông mà nàng vừa mới nói ra đó là làm cho Giáo ngạc nhiên chút nào chăng. Nhưng Giáo không tỏ vẻ gì khác cả. Khi người ta yêu thì người ta tưởng cái tên của người mình yêu cũng vang lên trong lòng kẻ khác như chính ở lòng mình. Giáo vẫn im lặng để nàng nói tiếp.
- Phan trở nên một người bạn thân nhất trong đám bạn bè quen biết xưa cũ của tôi, bởi chàng là một người có nhiều ý tưởng khác thường, bởi chàng hoạt bát và có lẽ: bởi vì chàng đẹp trai hơn tất cả. Vả lại, Phan và tôi có nhiều chỗ giống nhau: chúng tôi cùng mồ côi sớm, chúng tôi cùng dư dật, chúng tôi có được cuộc đời tự do hơn hết cả, bởi thân nhau như thế, nên chúng tôi thường nói đến những đàn bà mà Phan để ý, một cách tự nhiên như hai người bạn đàn ông vậy. Tôi thường phỏng đoán xem người thiếu nữ nào hợp với Phan hơn, và có hy vọng được chàng
chọn làm bạn trăm năm sau này. Nhưng một ngày kia, chỉ trong độ nữa giờ thôi, tất cả mọi việc đều thay đổi. Ngày đó chúng tôi đương cùng các bạn ở chơi trong đồn điền của bà Hân. Đột nhiên Phan nói với tôi rằng từ trước đến nay chàng chỉ coi tôi như một người bạn trai của chàng thôi. Nhưng chàng bỗng thấy như một lớp màn mở hé ra để lộ cho chàng thấy suốt linh hồn tôi. Chàng tìm thấy ở tôi người đàn bà lý tưởng. Và từ cái phút ấy chàng chỉ ao ước, hy vọng một điều là lấy được tôi làm vợ.
Giáo mỉm cười nhìn Đạm:
- Tôi không lấy gì làm lạ chút nào. Một người như chị, chị có... Đạm ngắt lời Giáo, không để chàng nói tiếp:
- Anh Giáo ạ, thực tình tôi rất lấy làm cảm động, và sung sướng. Nhưng tôi chưa quen với những thứ hạnh phúc lớn lao như vậy bao giờ. Cái tình chói lọi của Phan, chàng giải nó ra như là váng nước, làm hoa mắt kẻ nghèo khổ là tôi lúc đó. Tôi không dám nhận. Phan đi khỏi đời tôi từ lúc đó.
Giáo bực tức kêu lên:
- Làm sao chị lại không dám nhận?
Một nỗi phẫn uất đàn ông nổi lên ở lòng chàng. Chàng nghĩ đến cái bẽ bàng đau đớn của một bạn đàn ông khác khi tỏ tình yêu một cách chân thật mà không được người yêu trả lại.
Giọng nói của Giáo, Đạm nghe như một lời oán trách nặng nề. Nàng vội xua tay cầu khẩn:
- Anh Giáo, tôi cần phải nói hết ngọn nguồn thì anh mới hiểu được. Tại sao tôi lại có thể từ chối một mối tình cần thiết cho đời tôi như vậy được? Anh đã biết Phan, thì hẳn anh không còn lạ: Phan là một người để tâm đến cái đẹp tới bậc nào chắc anh đã rõ. Vậy tôi có quyền gì bắt người chồng như Phan suốt đời phải chịu ngắm một người vợ không nhan sắc như tôi đây? Vâng, tôi hiểu lắm, người ta thường bảo là “ái tình mù mắt”. Nhưng cái ái tình của kẻ đã thành vợ chồng không mù mắt bao giờ. Ồ tôi đã ở cạnh những cặp vợ chồng mới lấy nhau, và tôi đã rõ khi họ bắt đầu không mơ mộng nữa, thì họ đối đãi với nhau ra thế nào rồi. Tôi hiểu rằng Phan lúc đó có thể yêu tôi thực tình được lắm, nhưng sau này, thì chàng đã không còn tìm ra sự gì lạ nữa ở tôi, khi chàng nhận ra rằng tôi không xinh đẹp, mà tôi lại ăn ở suốt đời với chàng. Phan có thể thờ dài nhè nhẹ, và nhìn đi nơi khác. Khi đó, liệu tôi có chịu nổi được không? Mà khi đã cáu giận, ghen tức, thì “nhan sắc” của tôi lại càng khiến cho Phan ghê sợ, lánh xa. Anh Giáo, anh cứ nghĩ xem, tôi chịu làm sao được?
Giáo nhìn Đạm chăm chú như nhìn một người có bệnh, và chàng thong thả nói:
- Khi tôi khuyên chị nên đi chơi xa cho khuây khỏa, tôi tưởng mình là có lý. Nhưng tôi có ngờ đâu câu chuyện của chị lại “ly kỳ” đến thế.
- Anh Giáo, xin đừng nói với tôi như nói với một người có bệnh. Anh hãy coi tôi xấu thực không? Và một cái mắt xấu như tôi có thể nào ở cạnh một người như Phan được suốt đời?
Bác sĩ Giáo bật cười đứng lên châm một điếu thuốc nữa hút:
- Chị Đạm, nếu tôi cứ thực tình mà nói như tôi nói cùng một người bạn đàn ông, thì tôi sẽ có thể nói được nhiều câu sống sượng. Nhưng tôi lại là một người đàn ông đương nói chuyện với một người đàn bà. Mà người đàn bà đó lại là người mà tôi kính trọng, yêu quý, và mến phục từ lâu, một người đàn bà đáng quý. Vậy tôi cũng cứ xin hỏi thực, cứ kể ra thì chị không đẹp như những người đàn bà thường được tiếng là đẹp ở chung quanh chúng ta. Nhưng chính chị lại không mấy người bì kịp. Nhân tiện tôi cũng nên nói để chị rõ rằng, đã có một thời, tôi muốn đi bộ hàng chục cây số để được nhìn mặt chị; bởi khi nào vắng chị lâu thì tôi ước ao được gặp, mà khi chị đi rồi tôi thường lại tiếc than.
- Nhưng anh Giáo ạ, đó là vì anh không phải chịu cái khổ hình ngồi đối diện suốt đời với tôi, nên anh mới nói thế.
- Không, chị đừng tưởng vậy, bao giờ tôi cũng thấy tôi được vui sướng trong lòng hơn, khi tôi được ngồi với chị một bàn ăn.
- Ồ thôi đi ông Đốc! Chỉ được cái “nịnh đầm” là giỏi không ai bằng.
Hai người cùng cười. Trong một phút Giáo và Đạm như quên được câu chuyện nghiêm trang cùng thắc mắc.
- Tôi nghĩ cũng lạ cho anh Phan, làm sao anh ấy lại không nhận ra rằng chị nói dối. Một người như chị có bao giờ quen dối trá? Tôi chắc chị không có thể lừa dối được một người mà chị đã yêu một cách hoàn toàn. Anh Phan thật đáng trách, còn chị nữa, chị cũng xứng đáng với cái đau khổ mà chị phải chịu bây giờ, chứ đừng tưởng là trời ở bất công đâu. Sống mà không tin tưởng, không dám yêu thương, đó là một điều không xứng đáng với những tâm hồn cao đẳng.
Đạm cuối đầu suy nghĩ.
- Tôi biết như vậy rồi anh Giáo ạ. Bây giờ tôi đã được trời mở mắt rồi.
- Chị đã tự dối lòng mình, lại thiếu cả lòng thành thực đối với người đàn ông đã đem lòng yêu quý chị. Chị đã thấy lầm chưa? Cứ nói theo cách tầm thường nhất, thì dẫu có là một kẻ say mê cái đẹp, Phan cũng phải chán ngấy vì những cái nhan sắc thông thường của mọi người rồi anh ấy cũng như một anh nhà bếp đã chán ngấy những món ăn béo ngấy mà mình nếm thử hàng ngày rồi. Anh ấy tất phải thèm những vị thanh đạm: nếu chị cho câu ví ấy là thô tục thì tôi xin lỗi.
Đạm tủm tỉm cười không đáp lại.
- Nhưng đằng này chị lại là người đàn bà lý tưởng của anh ấy. Giữa lúc Phan tìm ra được sự yêu đương tin tưởng ở chị, thì chị làm tan vỡ mất cái mộng thăm tươi nhất của một đời người. Chị làm thương tổn lòng tự ái của người đàn ông kiêu ngạo. Cũng may mà anh ấy không cưới ngay một người đàn bà nào đó để báo thù chị, như những kẻ thất tình tầm thường vẫn hay làm. Trái lại, những tác phẩm sau cùng của anh, nhờ vậy lại càng làm cho người ta rõ thêm cá tính của anh. Mỗi lần tôi nghĩ đến rằng trước kia anh Phan là một thanh niên lỗi lạc, tài hoa như thế, mà đến ngày nay, vì phải trải qua một thử thách cay đắng như thế, xin thú thực, nếu chị là đàn ông, thì tôi không thể nào tha thứ cho chị được.
- Những lời anh vừa nói đó có khác gì những hình phạt làm cho tôi càng thêm đau đớn. Nhưng anh ạ, cái đau đớn đó, có ích cho tôi lắm. Bây giờ tôi cần phải nói thêm cho anh rõ là khi tôi còn ở Cao Miên, khi tôi đứng trước tượng đá trong đền Đế thiên Đế thích, thì tôi đã nhìn dĩ vãng bằng con mắt khác rồi. Lúc đó tôi đã hiểu là dẫu sao, sống ích kỷ, sống một mình, như tôi đã sống tuy là tự do đấy nhưng đó là cái tự do buồn thảm hơn là một cuộc đời tù hãm nữa. Tôi chợt hiểu rằng tôi đã khiến Phan cũng phải chịu sống trong sa mạc đìu hiu. Tôi nhìn những nụ cười vô tư của các pho tượng đá, và hình như tôi nghe được một lời khuyên mới khôn ngoan, đầy ý nghĩa: “Yêu tức là quên mình đi, tức là sống đó”.