Chương 10
Tác giả: Tiền Giang
Bị áp lực từ nhiều phía, Hòang Tiến thấy mình không còn con đường nào để lựa chọn, ngòai việc hy sinh Tấn. Cả xã hội đang giơ nanh vuốt, dù có phép thần thông cũng không chống đỡ nổi. Một con người bị vùi dập, mất mát nhưng rồi mọi việc sẽ được chứng minh. Thời buổi này nói không ai nghe, phải làm họ mới tin. Không cao cờ để biết được thế “Thuận pháo hòanh xa phá trực xa,hy mã cuộc”, nhưng hai từ “Thí chốt” thì Tiến chả xa lạ gì. Chỉ có bằng cách này mới dập tắt được những lời đặt điều với mục đích bôi nhọ, xuyên tạc, nhằm hạ uy tín, bứng Tiến khỏi ghế chủ tịch. Kể ra làm như thế cũng có chút bất nhẫn, nhưng suy cho cùng cũng không có gì quá đáng. Từ một góc tối tăm nào đó, Tiến thấy Tấn là người kém tế nhị, không biết điều. Bản thân Tấn có cơ ngơi thu nhập khá nhưng chưa một lần tỏ ra hào phóng từ việc thủ trưởng làm nhà đến mua xe.
Một khi dứt khoát được tư tưởng, con người thường muốn hành động ngay tức khắc không cần điếm xỉa đến hậu quả. Hòang Tiến nhấc điện thọai:
-A lô! Vinh đấy à? Ngày mai bật đèn xanh nhé!
-Báo cáo anh hai! Ngày mai tết dương lịch, làm thế e không tiện.
-Chả tết nhất gì hết! Ông cứ nghe lời tôi. À, nhớ điều lực lượng thật mạnh đấy!
-Vâng! Tôi sẽ cho anh em tổ điều tra hình sự có mặt sớm. Nhưng báo cáo anh, viện trưởng đi vắng nên lệnh bắt và khám xét chưa ký được.
-Không có thì đưa lão Trần ký cũng được. Viện phó cũng có quyền mà!
-Vâng! Tôi sẽ cho anh em triển khai ngay.
-Mà này, phải dặn mấy đứa ghi vào lệnh bắt tội trạng cụ thể nhé!
-Thưa anh, biết ghép nó vào tội gì đây?
-Thì cứ ghi “Cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng”. Tội danh này có tính chung chung, muốn hiểu thế nào cũng được.
-Ngày mai anh có mặt chứ?
-Tôi sẽ trực tiếp chỉ huy nhưng không ra mặt. Cứ để các anh em làm đúng bài bản, chắc không có vấn đề gì đâu.
Quả nhiên, sáng hôm sau, đúng ngày tết dương lịch, trong lúc mọi người đang vui chơi nhậu nhẹt, mừng và buồn vì mình lớn thêm một tuổi nữa, thì kịch bản được dựng thành phim. Mặc dù là ngày lễ, Tấn vẫn đến trụ sơ ủy ban lên kế hoach cho các cổ đông rút cổ phần thì xe cảnh sát ập đến. Một điều tra viên trước đây từng làm việc chung với Tấn, mặt lạnh như tiền tuyên bố:
-Mời anh đứng lên nghe đọc lệnh bắt!
Qua giây phút sững sờ vì ngạc nhiên, Tấn hỏi :
-Xin các anh cho biết tôi bị bắt vì tội gì?
-Anh thông cảm, chúng tôi chỉ là ngươi thừa hành. Trong lệnh có ghi rõ tội của anh là cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng.
-Thật vô lý! Dựa vào văn bản nào các anh bảo là tôi cố ý làm trái?
Để gỡ rối cho nhân viên, Lê Vinh từ đầu đến giờ đứng ngòai hè vì không muốn chạm mặt với Tấn, phải bước vào can thiệp:
-Ông nên chấp hành lệnh và khiếu nại sau! Thực sự kể cả tôi là chỉ huy cũng chỉ biết có thừa hành lệnh trên mà thôi.
Tấn ngước nhìn Vinh, con người mới ngày nào chén chú, chén anh giờ lạnh lùng xa lạ. Tất cả đang làm việc như những robot. Chàng chợt hiểu là mình như con hổ, một chân đã dính vào bẩy, càng vùng vẫy càng chuốt lấy sự đau đớn. Tấn chán nản vứt cây bút đang cầm trên tay xuống bàn và bảo:
-Thôi được, các ông muốn làm gì thì tùy.Nhưng tôi sẽ khiếu nại việc này lên cấp trên.
Hoàng Tiến đậu xe Uwat cách nhà Tấn một đọan, trực tiếp chỉ huy cuộc lục soát. Tấn không hiểu họ tìm thứ gì mà xốc tung cả đồ đạt, truy từng mảnh giấy lộn. Người đi đường hiếu kỳ bu lại xem đông nghẹt cả quãng phố. Tấn vẫn ngồi yên không một phản ứng nào. Càng lúc Tấn càng hiểu được mặt trái của sự việc và một cơn uất trào dâng suýt làm chàng nghẹn thở. Khẩu súng colt 45 dắt dưới bụng bỗng cộm lên gây cảm giác đau nhói. Tấn đưa tay nắm lấy báng súng. Chàng biết, trong đó một viên đạn đã lên nòng.Mấy tháng nay, tình hình căng thẳng nên đi đâu, Tấn cũng mang nó theo trong người. Vị mặn của mồ hôi đã làm rỉ một bên nòng súng.
Máu du đãng ưa đánh nhau của thời đi học chợt nổi dậy. Nó hét vào tai Tấn:
-Mất hết rồi! Nỗi nhục này không lấy gì để rửa được. Phải rút súng ra để chứng minh mình vô tội. Chỉ cần một băng đạn đó, những kẻ chủ trương hãm hại anh sẽ phải trả giá đắc, tuy chúng không có mặt ở đây.
Tấn co chân toan đứng lên nhưng như có bàn tay vô hình vừa đặt lên vai kèm theo giọng nói hiền hòa của người cha đã quá cố:
-Không được manh động! Chân lý chỉ có thể chứng minh bằng lời nói và sự thật chứ không phải bằng hành động nóng vội. Ngòai những kẻ hãm hại con, xã hội còn có cả một bộ máy nhà nước và một hệ thống pháp luật vĩ đại. Phải thật bình tĩnh mới có thể chứng minh với mọi người cái đúng của mình. Trước mắt, con còn nhiều việc phải làm. Chả lẽ con không muốn gặp lại con người đó hay sao?
Tấn giật mình, lưng áo đẫm mồ hôi. Chàng thấy mình súyt phạm sai lầm lớn trong đường tơ kẽ tóc. Đọc bao nhiêu sách, không hiểu nổi ý nghĩa một chữ nhẫn, thật uổng công. Nếu Hàn Tín ngày xưa không chịu lòn trôn, lịch sử Trung Quốc làm gì có trận Cai Hạ? Trong lòng Tấn thóang chút mai mỉa bỡi sự so sánh quá đà.Nhưng đồng thời, chàng cũng biết rằng, những hòai bão mà mình ôm ấp từ thuở thiếu thời, vẫn cón nguyên đó, chưa tan:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh!
Không làm được điều tốt thì cũng không nên lưu lại cái xấu. Đây chẳng qua chỉ là một cái trouble bình thường mà bất cứ ai cũng có thể gặp. Tấn thầm nhủ, nỗi đau này phải chăng là ngọn lửa thử vàng?
-Các anh ghi thêm vào biên bản là tôi tự giác trả lại súng kèm theo giấy phép vì thấy không còn cần đến nữa.
Những người thừa hành nhiệm vụ giật mình vì không ngờ Tấn có súng cá nhân. Biên bản được kết thúc nhanh chóng. Tấn điềm nhiên bước ra xe, trước những cặp mắt đau buồn của người thân.
Tuấn hai tay chắp sau lưng đi tới đi lui không biết bao nhiêu lần. Thỉnh thỏang anh chàng lại thở dài khiếàn Linh, vợ Tuấn, sốt ruột bảo:
-Việc đâu còn có đó,thủng thẳng tính. Anh cứ rầu rĩ như vậy lỡ ngã bệnh thì sao?
-Không lo sao được? Nó bị bắt đã hai ngày rồi mà không thấy ai lên tiếng. Đến gõ cửa nào người ta cũng không tiếp. Chắc chắn vấn đề không đơn giản.
-Nhưng ảnh bị tội gì anh biết không?
Chẳng biết trút giận vào ai, Tuấn đâm cáu với vợ:
-Tội quái gì!Chỉ có cục khờ nói mãi không nghe. Làm việc gì cũng muốn đổ hết ruột gan,tâm huyết ra để cuối cùng chịu khổ một mình. Năm ngóai, nếu nó nghe lời anh dẹp quách đi thì đâu đến nỗi...
Tuy ngòai miệng trách móc nhưng thâm tâm Tuấn thương bạn khôn cùng. Nhớ ngày nào mới đặt chân nơi đất lạ quê người cả hai đứa đều mang trên người một số phận trôi dạt.Học hành bị gián đọan, nghề nghiệp không có, làng quê chìm trong khói lửa chiến tranh, cả Tấn lẫn Tuấn đều vô tư bơi về tương lai bằng một nghị lực khác thường. Ngày tháng trôi qua, hành trang của cả hai chất đầy kỷ niệm. Năm đệ nhất, năm bản lề của con đường học vấn, trong lúc mọi người vật vã ngày đêm với bài vở để cướp cho được mảnh bằng tú tài phần hai, cố chen vào cánh cửa hẹp của các trường đại học để khỏi phải khoát lên vai khẩu súng M16, nhận tấm thẻ bài và bị vứt ra vùng hỏa tuyến, thì hắn, con người mộng mơ không chút sợ sệt. Trong vòng không đầy năm tháng, hắn cho ra đời một lúc hai tập thơ. Tuấn được biên chế chính thức vào ban biên tập chỉ có hai người, kiêm cả công tác in ấn, và rồi cùng với Tấn lẻo đẻo đi giới thiệu thơ khắp các lớp đệ nhị cấp. Rồi những ngày thi cử, những năm mài đũng quần để trở thành nhà mô phạm, ở đâu, Tấn cũng hừng hực như ngọn lửa đang cháy. Con người hắn không đi bằng đôi chân mà bằng sự đam mê kỳ quái. Thích sách, vét đến đồng tiền cuối cùng để mua dù phải nhịn ăn. Sưu tập hình quý hiếm, sẵn sàng thủ dao lam đến các phòng văn hóa thông tin cắt trộm. Chướng mắt vì một gã học cùng lớp ưa khoe khoang võ nghệ húng hiếp bạn bè, lập tức cởi áo đánh nhau đến u đầu sứt trán. Bị bạn bè khích bác, học để thấy mình đứng đầu lớp cho bỏ ghét. Rồi cờ kiệu, thể dục thể thao... mỗi khi chạm tay đến cái gì là giống như bị thôi miên phải làm cho bằng được. Phải chăng đây là một khía cạnh của tính hiếu thắng và giờ nó đang làm hại Tấn. Nhưng tất cả những điều đó cũng chưa thể hiện hết con người của hắn, một cá tính hào phóng, không vụ lợi, rất căm thù sự phản phúc.
Trên đời có lẽ chỉ có Tuấn là hiểu Tấn sâu sắc hơn cả. Còn hiểu hơn câu nói của Quản Trọng nước Tần thời Chiến Quốc “Sinh ngã giả phụ mẫu, tri ngã giả Bảo Thúc”. Sinh ra ta là cha mẹ nhưng hiểu ta chỉ có Bảo Thúc Nha.Những rắc rối, phiền tóai vì Tấn mà có, được Tuấn xem như những nốt nhạc đệm. Đôi lần, Tuấn cố lái bạn đi theo con đường đơn giản, tránh va chạm vào gai nhọn của những đóa hồng, nhưng không kết quả. Nhìn bạn lao đao trong tình trường, chàng có cảm giác mình là một khán giả xem truyền hình, thấy Tấn lâm nạn trên màn ảnh mà không can thiệp được. Giữa hai người là một khỏang cách cộng với màn thủy tinh chỉ sờ được phía ngòai. Thế nhưng lần này, Tuấn thấy bằng bất cứ giá nào cũng không thể ngồi yên nhìn Tấn chịu khổ ải.
Vợ Tuấn lại hỏi:
-Hôm qua nay anh gặp ảnh chưa?
-Lúc sáng anh có mua thức ăn đem vào nhưng nó buồn bã không muốn ăn uống gì cả.
-Tình hình ảnh có dễ chịu hôn?
-Ở tù mà dễ chịu nỗi gì! Có điều nó được bố trí ở phòng đặc biệt nên cũng tạm ổn.
Nhìn đồng hồ thấy đã quá giờ hành chánh, Tuấn vọt đến nhà Ngàn, đại úy phó phòng điều tra công an tỉnh. Ông ta lỏng lẻo bắt tay Tuấn và chào không mấy thân thiện.
-Anh vào chơi!
Chờ chủ nhà làm xong thủ tục trà nước, Tuấn đi thẳng vào vấn đề:
-Chắc anh đã biết tôi là bạn của Tấn. Hôm nay tôi đến muốn biết sự việc của nó ra sao?
Ngàn chậm rãi châm thêm nước sôi vào bình trà. Dáng người ông ta thấp nhưng béo, hai má núng nính mỡ cái nhìn chậm nhưng sắc.
-Đến giờ tôi cũng chưa nhận được báo cáo tình tiết sự việc. Có lẽ phải sau một tuần tập họp đầy đủ dữ kiện mới bắt đầu xem xét .
-Chẳng lẽ trong thời gian đó nó phải chịu giam khơi khơi như vậy ?
-Điều đó anh phải thông cảm, biết làm sao hơn?
-Từ lúc khủng hỏang đến giờ, bao nhiêu khó khăn một tay nó tháo gở, các anh làm như thế, công việc còn lại ai giải quyết? Người ta đang làm việc cật lực đâu có hiện tượng bỏ chạy mà phải áp dụng biện pháp ngăn chặn? Theo tôi biết thì bao nhiêu đòan thanh tra của nhà nước đã làm việc, kết quả có vấn đề gì đâu.
Tỉnh đang lập đội đặc nhiệm thanh tra lại một lần nữa. Chờ có kết quả của họ mới giải quyết đựơc.
-Anh không có cách nào giúp nó hay sao?
-Nói anh đừng buồn, trong việc này bản thân tôi cũng không chủ động được. Chẳng biết ông Tấn mắc chỗ nào mà có người trong hàng ngũ lãnh đạo đã bảo thẳng vào mặt tôi là nếu không làm được vụ này nên cởi áo đi về cho xong.
Tuấn muốn buộc miệng hét lên: Vô lý quá thế còn công lý ở đâu? Nhưng vốn người điềm tĩnh biết có nói thêm cũng vô ích, chàng đứng lên chào Ngàn và buồn bã ra về.
Tấn được bố trí ở căn phòng đầu dãy, nơi đám tù nhân gọi là Thiên đường của Địa ngục. Sở dĩ họ gọi thế là vì phòng này xếp vào lọai ưu tiên có một cửa sổ nhỏ nhận ánh sáng mặt trời, trong khi các phòng khác ban ngày cũng tối đen như mực. Có lẽ đây là chút ân tình của mối quan hệ ngày nào. Tuy là phòng ưu tiên, tù nhân vẫn nằm trên bệ ciment và giam mình sau hai lần cửa sắt. Mùi nước tiểu xông lên nồng nặc khiến vừa bước chân vào Tấn đã thấy muốn buồn nôn. Trên bệ ciment,một người trạc trung niên ngồi co ro với bộ mặt nhăn rúm, áo quần xộc xệch, không buồn chào hỏi khi thấy Tấn bước vào. Cánh cửa sắt đóng đánh sầm sau lưng. Tấn ngồi bất động như một pho tượng, suy nghĩ miên man. Thăng trầm của cuộc đời thật khó mà lường. Lại một lần nữa thuyết định mệnh chợt hiện. Có bao giờ Tấn lại nghĩ là mình lâm vào hòan cảnh này. Về mặt xã hội, tuy chàng không có vai vế gì nhưng sự ỷ lại mình là con người lương thiện, trong sạch, khiến Tấn cho là sẽ không bao giờ phải đụng đến nanh vuốt của pháp luật. Đi học rồi dạy học, Tấn chỉ tiếp cận và giảng giải với học sinh về những nỗi oan khuất theo trí tưởng tượng và sự đối kháng có phân biệt thiện ác, phải trái. Cảnh cả nhà Vương Ông bị vu cáo, hãm hại, nàng Kiều phải bán thân và chịu lưu lạc, dễ quá, cứ đổ hết cho bọn đầu trâu mặt ngựa và một chế độ phong kiến thối nát đã chà đạp lên giá trị nhân bản của con người một cách không thương tiếc. Chị Sứ của nhà văn Anh Đức bị hành hạ dã man ư? Nếu không phải do bọn thực dân bán nước thì còn ai vào đây? Chí đến cái oan Thị Kính cũng được lý giải bằng một nhân vật Thị Màu lẳng lơ, dâm đãng và lắm mồm.
Cũng như lúc giao nộp súng, nếu không kiềm chế được Tấn đã hóa khùng. Đây là ngón đòn quá hiểm có thể làm người ta bị mất mạng như chơi. Những kẻ hạ thủ chắc giờ đang cười vui hớn hở, mở tiệc ăn mừng. Còn người thân của Tấn, trong đó có nàng, có lẽ đau buồn khôn xiết. Tất cả có vẻ như đã sụp đổ tan tành. Trong đầu Tấn vụt hiện mấy câu thơ:
Tình yêu, tiền tài, danh dự
Đột nhiên một sớm ra đi
Ta giống người ôm thánh giá
Vì đời chuốt tiếng thị phi.
Ngày hôm trước, Tấn vô tình được người quen của Thảo cho biết là nàng muốn gặp để nói điều gì đó. Trong chàng chợt lóe chút hy vọng: Cuối cùng nàng đã chịu tìm hiểu sự thật. Qua người bạn, Tấn hẹn sẽ đến vào tối mai, tức tết dương lịch. Nhưng thật oan nghiệt, có lẽ giờ này nàng đang thắc mắc trông chờ, và ngày mai, khi biết được sự thật phũ phàng, chút tình còn sót lại chắc cũng sẽ tan nhanh. Nhà tư tưởng A. Ben có lầm lẫn chăng khi viết: “Tình yêu cũng như danh dự, một lần mất đi không bao giờ trở lại”. Ôi bằng hữu! Ôi tình nhân! Tấn chợt muốn cười to trong nỗi đau vô bờ của mình:
Ngán ngẩm thay tình bằng hữu!
Đảo điên hai tiếng tình nhân!
Tất cả chỉ vì danh lợi
Trắng đen thay đổi bao lần!
Ngày xưa người trong lốt thú
Vẫn ngời đạo lý nhân luân!
Ngày nay ngôn từ hoa mỹ
Dối gian đánh mất linh hồn!
Trời nóng, căn phòng không một chút gió. Mồ hôi đượm quanh trán Tấn. Người bạn tù có lẽ buồn vì cô đơn nên bắt chuyện:
-Chú bị tội gì vậy?
Tấn nhìn người đối diện với đôi mắt không hồn. Tội gì ư? Biết trả lời sao bây giờ! Có lẽ đó là tội làm ảnh hưởng đến địa vị của người khác, tội làm ơn đối với những kẻ không đáng; tội sống không biết mình chỉ là cây sậy phải biết lựa chiều đón gió; tội quá đam mê công việc khiến đơn vị phình to như quả bóng làm mục tiêu cho những kẻ ganh tỵ; tội lỡ đọc nhiều sách nên làm kinh tế mà dại dột nói đến nhân, nghĩa, tín. Cũng có thể là tội không ý thức được sự tiến hóa của xã hội lòai người chẳng qua là sự lập lại hình ảnh của quần thể cá mập. Muốn tiêu diệt một con nào đó hãy làm nó chảy máu, đồng lọai sẽ xử lý ngay tức khắc. Tấn có linh cảm mình cũng đang bị chảy máu và những con cá mập đồng lọai đang lảng vảng chung quanh.
-Giờ thì chưa biết tội gì, nhưng rồi chắc họ cũng tìm cho bằng được. Không lẽ vô tội mà ở tù à? Còn anh thì sao?
-Tôi nóng chuyện vợ con nên lớn tiếng và bị địa phương quy tội làm rối, hành hung cán bộ.
-Anh vào đây lâu chưa?
Như có người để trút bầu tâm sự, ông ta kể lể:
-Gần một tuần rồi, ớn lắm ông ơi. May sao sáng nay được chuyển xuống phòng này, nếu không chắc chết quá. Ngày mới vào,tôi bị tống xuống phòng số bốn, ở chung với mấy tên xì ke chí rận đầy mình. Đếân giờ nghĩ lại còn thấy sợ. Phòng số ba hình như có mụ điên gào thét suốt đêm không cho ai ngủ. Phòng số hai nhốt bọn hình sự, cùm cả tay chân, đái ỉa tại chỗ. Chưa đầy một tuần mà tôi cứ ngỡ mình đã sống ở đây hơn mười năm rồi!
-Sao người nhà không bảo lãnh ông ra?
-Tôi cũng đang lo. À! Mà phòng này còn có một “xếp” nữa nhưng đang đi làm tạp dịch.
-Ủa! Sao xếp mà cũng ở đây?
-Chú mầy không biết gì cả! Gọi là xếp nhưng nó cũng là tù và đáng tuổi con tôi thôi. Nhờ ở tù lâu nên nó được làm xếp, quay sang bắt nạt những tù mới. Chút nữa, chú kiếm cho nó gói thuốc mới được yên thân.
Tấn hiểu đây là dạng đại bàng mà sách báo vụ án hay đề cập. Có nơi, bọn chúng đánh chết cả tù nhân mới. Chúng là bọn cường hào trong xã hội thu hẹp nhà tù. Chúng sống trên sự sống đau đớn của kẻ khác. Dưoi mắt nhà sinh vật học, đó là những con giòi đang phân hóa xác chết. Chàng chợt nhớ đến đọan kết của bài thơ:
Tình đời như thang thuốc đắng
Ta giờ biết trách hờn ai?
Như trong cơn mê chợt tỉnh
Còn chăng chỉ tiếng thở dài!