Văn Vinh
Chương 11
Tác giả: Văn Vinh
Cơn bệnh đột xuất của Trường kéo dài suốt cả tuần nhưng anh không thể nán lại được mà phải gượng dậy để thu xếp chuẩn bị trở lên thành phố. Trước sự kiện này bà Hải rất lo lắng, bởi những lúc mê sảng Trường cứ rú lên như thể đang gặp điều gì kinh khiếp lắm! Và khi tỉnh giấc tâm thần luôn để lộ sự sợ hãi khác thường. Bà Hải đã tra gạn hỏi han con, song có lẽ vì không muốn mẹ lo âu nên Trường lại lắc đầu viện cớ là bị bệnh nằm mơ thấy ác mộng.
Và đó cũng là một cơ may cho Toàn được mẹ giao trách nhiệm hộ tống Trường lên thành phố mà không cần phải xin xỏ.
Thằng Toàn vui phơi phới trấn an nỗi lo âu của bà Hải.
– Có con đưa anh Trường đi má an tâm.
Bà Hải nhìn đứa con nhỏ đầy hồ nghi:
– Liệu má có thể tin tưởng được con không?
Toàn nhanh nhẩu:
– Dạ ... được chứ ạ. Con sẽ hộ tống anh Trường lên tới tận nhà bác Nhàn bình yên vô sự rồi tự mình quay về.
Bà Hải vẫn chưa tin được thằng con mà bà cho rằng không chín chắn:
– Má chỉ sợ ...
Toàn vội khều anh ra hiệu bảo Trường tiếp lời giùm. Hiểu ý, Trường cất tiếng:
– Má đừng lo gì hết. Cứ cho thằng Toàn đi với con để nó có cơ hội được học hỏi nhiều điều.
Lời đề nghị của Trường có hiệu nghiệm ngay lập tức. Cả hai nhìn thấy nét vui vẻ trên gương mặt mẹ:
– Con nói cũng phải. Song cái thằng này con phải luôn quản lý nó, đừng để nó tự giải quyết vấn đề gì.
Trường gật đầu cho mẹ an tâm:
– Con sẽ đuổi nó về ngay ngày hôm sau.
Toàn khiếu nại:
– Như vậy làm sao học hỏi và tiếp thu túi khôn của nhân loại. Ít ra, cũng cho con ở nán lại vài ba ngày ...
Bà Hải thoáng phân vân:
– Chỉ sợ làm phiền phức bác Nhàn thôi.
– Con sẽ cố ăn thật ít để bác ấy đỡ tốn gạo. – Toàn nói tếu . .... Đến giờ phải lên đường, anh em Trường cố tránh không gây cho mẹ sự ngậm ngùi chia tay nhưng bà Hải vẫn khóc khi hai đứa con xốc hành lý đi ra cửa. Trời hôm nay quang đãng chứ không xấu như mấy ngày hôm trước. Toàn khỏe mạnh nên phải kham hai giỏ đồ thật nặng, song nó không dám phân bì với anh.
Chuyến đi Sài Gòn hôm nay với thằng Toàn thật lý thú đến không ngờ. Nó háo hức suốt cả đêm, thậm chí còn mơ thấy trước nơi sắp đến nữa.
Một chiếc xe đổ dốc từ mạn Đà Lạt xuống đón anh em Trường vừa lúc bọn con gái trong xóm ập ra vẫy chào trước ánh mắt đầy lưu luyến của nhỏ Dung.
Chiếc xe lăn bánh chạy thật nhanh, thoáng chốc tất cả đã bị đẩy lùi và mất hút.
Ngồi bên anh, Toàn khẽ bảo:
– Sao anh không nói với Dung một câu?
Trường nhìn thẳng lên phía trước:
– Biết nói gì bây giờ?
Toàn chớp mắt:
– Trời . .... chẳng lẽ em phải hướng dẫn anh vấn đề này?
Trường liếc khẽ sang phía Toàn:
– Mày nói hơi quá đáng, chỉ thích làm chuyện tài khôn.
Câu chuyện của anh em Trường nổ ra ngay trên xe. Toàn bạnh miệng:
– Em không dám qua mặt anh. Nhưng thấy anh đối xử với nhỏ Dung em bất mãn thế nào ấy.
– Tao đâu có làm gì tệ bạc.
– Anh lạnh nhạt với nó.
– Vậy theo mày muốn mặn nồng thì phải thế nào?
Toàn trợn mặt lên vì khó lòng giải thích:
– Em ... đâu ... biết . .... – Thế mà cũng bày đặt đòi dạy tao.
– Em dạy anh hồi nào?
– Mới vừa xong, còn chối hả.
– Ôi, đó là em góp ý mà.
Nhưng Trường không chịu, gắt:
– Má bảo phải lo cho mày là đúng lắm. Vắt mũi chưa sạch mà rành ba chuyện người lớn ghê. Như vậy đầu óc đâu mà tiếp thu kiến thức nữa.
Thằng Toàn phụng phịu như trẻ nhỏ:
– Nói chuyện với anh còn chán hơn phải nhai môn lịch sử, chẳng có tí gì mới mẻ.
Vì đang ngồi trên xe nên Trường chỉ có thể lừ mắt với đứa em khiến Toàn im lặng không dám nói năng thêm gì nữa. Chiếc xe vẫn tiếp tục lăn bánh đưa anh em Trường mỗi lúc một xa. Bởi chưa được khỏe nên Trường cảm thấy chóng mặt vì độ lắc của chiếc xe, anh phải nhắm mắt để chống lại cơn choáng cứ nôn nao trong bụng. Lúc này Trường bỗng nhớ lại cô gái thi rớt đại học ngồi chung xe bữa nọ. Chẳng biết cô ta có tiếp tục học ôn để thi vào năm tới hay bỏ dở về quê lấy chồng rồi? Tự nhiên Trường nghe cảm giác buồn cười, một cô gái khá đáo để chứ không phải loại hiền. Vậy cớ sao anh ta lại nhớ tới làm chi không biết? Nếu gặp lại chắc chắn Trường không dám lên tiếng chào đầu tiên.
– Anh đang cười gì vậy anh Trường?
Trường khẽ hé mắt nói vừa đủ cho thằng Toàn nghe:
– Nhớ lại chút kỷ niệm đó mà.
Thằng Toàn hơi nhăn trán:
– Với nhỏ Dung hay với người nào?
Trường chau mày:
– Bộ ngoài nhỏ Dung ra mày tưởng tao không quen với ai là con gái sao?
Thằng Toàn cười toe toét chiếc miệng:
– Em đâu dám nghĩ “sư huynh” như vậy. Mà bạn gái của anh có đẹp hơn nhỏ Dung không?
– Tao không dám chú ý đến điều ấy!
– Vậy thì làm sao anh co thể so sánh được để chọn “vợ” hả anh Trường?
Co tay cốc mạnh lên đầu thằng Toàn một cái để cảnh cáo. Trường còn mắng nó thêm:
– Trước sau gì mày cũng nói tào lao. Hãy liệu mà giữ mồm khi đặt chân vô nhà bác Nhàn đó! Đừng để người ta đánh giá mình chẳng ra sao.
Thằng Toàn đưa tay lên xoa đầu, mặt nhăn nhó:
– Phải giữ kẽ quá chừng như thế thì còn gì là thú nữa. Biết vậy em chẳng thèm đi, ở nhà có lẽ sướng hơn.
Nhìn nét tiu ngỉu của thằng em Trường bỗng nghe tội nghiệp. Dẫu sao nó cũng còn quá con nít chưa thoát khỏi sự hiếu động vốn có của lứa tuổi vị thành niên. Anh vỗ về nó bằng mắt.
– Thôi đi ông tướng. Con trai mà dỗi ai coi cho được. Tao chỉ dặn chừng mày chứ có làm gì khó đâu. Thiên Băng con gái của bác Nhàn cũng là siêu quậy đó! Mày là gặp cô ả không chừng hợp gu kết bè thì khổ tao.
Nghe thấy vậy thằng Toàn quên ngay sự khó chịu trong lòng, nó chồm qua phía Trường:
– Nếu quả đúng như anh nói thì chuyến đi này của em cũng không đến nỗi quá chán ngắt đâu.
Trường cười cho thằng em được vui:
– Tất nhiên. Lên thành phố làm sao buồn được.
Rồi anh đưa cho nó một miếng kẹo mè xửng nhai cho đỡ buồn. Cả hai lại im lặng cho đến khi có một hành khách xuống xe ở quãng đường giáp ranh với Sài Gòn. Trường bảo em:
– Sắp tới rồi. Một lát xuống xe phải cẩn thận kẻo mất đồ như chơi đó!
Toàn không nén nổi hồi hộp:
– Liệu mấy thằng ăn cắp có tài biến hóa như những nhà ảo thuật không hả anh?
– Cũng ngang cơ. Mình mà lơ mắt đi một cái thì đồ đạc của mình đã vào tay chúng.
– Nhanh thế hả? Vậy thì những gì quý giá anh cầm đi em không dám nhận đâu.
Những hành khác ngồi gần đó nghe Toàn nói phì cười nhưng không ai lên tiếng. Lúc này Toàn thấy cổ họng mình thật khát nên rỉ nhỏ với anh:
– Lát nữa xuống xe kiếm nước uống đi anh Trường.
Trường được một phen dọa nó. Anh nhắc:
– Mày không nhớ lúc trước đã từng dặn tao là đừng uống nước dọc đường sao.
Trong lúc thằng Toàn trố mắt ra, anh lại tiếp:
– Nước sâm, nước mía, nước trà đá ... thậm chí thức nào cũng đều đáng ngờ cả.
– Vậy mình phải nhịn khát cho tới lúc đến nhà bác Nhàn ư?
Trường gật đầu:
– Ừ ... cũng như lần đầu tao lên thành phố vậy. Ráng chịu khó chút đi Toàn à.
Nhưng có lẽ cơn khát của thằng Toàn đã gia tăng cực độ rồi, nó cảm giác không còn chút nước bọt nào để nuốt:
– Tại anh cho em ăn kẹo mè xửng nên mới ra nông nỗi này.
Trường tự vuốt mũi cười ruồi:
– Để xem sức chịu đựng của mày có đáng biểu dương không.
Thằng Toàn trợn mắt lên:
– Thì ra anh chơi khăm em.
Trường khoa tay:
– Tao không xấu bụng như vậy đâu. Việc cho mày ăn kẹo chỉ là . .... vô tình ...
Nhưng thằng Toàn cứ trút tội cho Trường:
– Vô tình mà làm khổ người khác thế này. Không uống nước được thì kiếm mua trái cây gì chua nhấm nháp cho đỡ khát chứ.
Tời đây thì Trường không hù thằng Toàn nữa, anh đồng ý để cho nó khỏi lu loa đến lúc được xuống xe. May sao, vừa đặt chân xuống đường đã có một chiếc xe đẩy trái cây trờ tới mời mọc:
– Mua sơri đi mấy em.
Nhìn đống sơri đỏ au trước mặt nước miếng của thằng Toàn chẳng biết từ đâu kéo ra làm nó nuốt không kịp. Nó thò tay lủm đại một trái trước với câu nói khôn khéo:
– Để thử coi có ngon không đã nghen.
Người bán hàng tỏ ra dễ dãi:
– Em cứ việc ... miễn là mua mở hàng cho chị một ký là được rồi.
Thưởng thức xong trái sơri thằng Toàn bắt đầu nhả hột rồi mới bắt đầu công việc hỏi và trả giá. Vì sợ mua hớ nên mãi một hồi lâu nó mới giao tiền để nhận bọc trái cây có vị chua hấp dẫn mọi người. Trường nhìn nó lắc đầu:
– Không ngờ thằng này cũng sành sỏi việc mua bán ghê.
Thằng Toàn cười tự hào:
– Ở nhà em chẳng từng đi chợ thay cho má nhiều lần là gì. Anh yên chí, em chỉ sợ bị móc túi chứ không sợ mua hố.
Nói rồi nó bỏ vào miệng một lúc tới mấy trái sơri nhai ngấu nghiến ngay ngoài phố. Vì trời không nắng lắm nên Trường không cho thằng Toàn kịp dừng chân nghỉ mà xốc hành lý bắt nó phải đi ngay. Cách nhau khoảng vài bước chân, thằng Toàn cố rướn người la oai oái:
– Từ từ đã anh Trường. Phải để cho em ngắm phố phường một chút chứ.
Nhưng Trường không cho nó có thời gian:
– Muốn ngắm thì chớ lúc khác. Còn bây giờ đồ đạc lỉnh khỉnh thế này, đi mau về nhà bác Nhàn thôi.
Tuy xách nặng nhưng thằng Toàn vẫn đảo mắt nhìn lung tung:
– Sao không vẫy một chiếc xích lô ngồi lên mà đi bộ làm chi cho mệt?
Trường bắt buộc phải quay lại:
– Hà tiện một chút mà cũng cự nự hả? Nhà bác Nhàn gần đây chứ có xa lắm đâu mà phải đi xích lô.
Thằng Toàn không còn cớ để kêu ca, nó đành lẽo đẽo theo Trường thỉnh thoảng lại nhăn nhó ra vẻ mỏi tay lắm! Thành phố với thằng Toàn thật hấp dẫn, nó chỉ muốn ném mọi thức đang cản trở nó để được tung tăng khắp mọi nơi cho thỏa lòng. Song phía trước Trường cứ luôn thúc giục:
– Mau lên ... sắp tới rồi.