Chương 19
Tác giả: Văn Vinh
Vừa từ trường học trở về, Trường đã vội tìm bà Nhàn:
– Thưa bác ... cháu muốn xin phép được vào ở trong ký túc xá.
Đang đọc báo ở salon, bà Nhàn ngẩng đầu lên nhìn Trường đầy ngạc nhiên:
– Sao? Bộ ở nhà bác cháu không thấy thoải mái ư?
Trường cắn vào môi mình trước khi đáp:
– Thưa, không phải như thế ạ.
– Vậy thì nguyên cớ gì cháu muốn rời khỏi nơi đây? Hay là cháu giận con Thiên Băng?
Trường không dám thừa nhận điều gì, anh phải tìm cớ để trình bày:
– Dạ, gần đây cháu và các bạn có cùng hoàn cảnh khó khăn đã nhận được chỗ dạy kèm tại tư gia cho một số gia đình để kiếm thêm. Công việc rất tốt nhưng giờ giấc đi lại có thể sẽ làm phiền cho bác, nên cháu muốn. .....
Bà Nhàn ngắt lời Trường bằng nụ cười phẩy tay:
– Ối ... cháu tôi sao mà khéo lo xa. Bác nuôi cháu luôn cũng còn được nữa là ... tạo điều kiện cho cháu biết tự lập. Được, cháu muốn tham gia dạy kèm với các bạn thì bác cũng không cản. Nhưng dù sao thì cũng không được đi nơi khác mà vẫn phải ở nhà bác. Bác sẽ đưa cho cháu một chiếc chìa khóa cửa riêng để cháu đi về tùy ý không sợ phải làm phiền.
Thế là ý định rời khỏi nhà bà Nhàn đã không thể thực hiện được vì bà đã quá tốt với Trường, và anh không thể phụ lòng tốt ấy vì một lý do đơn giản nào khác. Suốt mấy tháng trời sống tá túc tại đây về đời sống và vật chất hầu như bà Nhàn đều lo cho anh hết. Trường có đủ điều kiện để học tập hơn nhiều sinh viên khác, trái ngược với nỗi lo của anh khi còn ở quê. Nhưng dù có sung sướng bao nhiêu mà bị lệ thuộc và chịu đựng một người thì lòng cũng chẳng nghe thanh thản được. Nhất là gần đây Thiên Băng, luôn tỏ thái độ coi thường Trường, giống như anh là gánh nặng của mẹ cô.
– Cháu bằng lòng ở lại đây rồi phải không?
Nhìn nét mặt chờ đợi của bà Nhàn, Trường không dám lắc đầu:
– Bác đã tạo điều kiện cho cháu như vậy sao cháu có thể từ chối được.
Bà Nhàn bỗng với anh lại gần:
– Đến đây bác cháu mình trò chuyện một chút cho đỡ buồn.
Trường bước tới ngồi vào chỗ đối diện:
– Thưa bác ...
– Cứ tự nhiên đừng khách sáo. Bác chỉ muốn hỏi chuyện giữa cháu và con Thiên Băng nhà bác thôi. Sao? Dạo này hai đứa có thường trò chuyện với nhau hay không? Bác hy vọng hai đứa sẽ càng thân thiết hơn.
Hiểu mình đang bị đẩy vào thế phải phân tâm, Trường vội thành thật:
– Thưa bác ... cháu và Thiên Băng rất ít khi ngồi đối diện với nhau. Có lẽ cô ấy đang ghét cháu. Nhất là sau cái vụ ... ...
Bà Nhàn cướp lời Trường bằng một hơi thở dài:
– Cháu nhắc tới cái vụ đó bác lại thấy lo trong lòng. Tuy không tin con Thiên Băng nó hư hỏng nhưng bác phải đề phòng nó dữ lắm. Bác không cho nó nhiều tiền tiêu xài như trước, và quản lý giờ giấc nó nghiêm ngặt mỗi khi ra khỏi nhà.
Để bà Nhàn nói dứt, Trường mới dám tiếp lời:
– Theo cháu thì cách của bác chưa chặt chẽ lắm đâu.
– Thế chẳng lẽ bác phải xích chân nó vô một chỗ hay sao?
– Đúng như vậy đó. Má hãy nghe anh ta mà xiềng xích con lại đi.
Thiên Băng xuất hiện một cách bất thình lình làm cả hai người giật mình.
Trường rất ngượng song không thể im miệng:
– Thiên Băng đừng hiểu lầm ý tôi.
Bà Nhàn cũng nói chữa:
– Phải đó. Trường có ý tốt với con mà.
Thiên Băng ngồi buông người xuống ghế rồi ngửa cổ cười gằn:
– Không dám tốt với con đâu, chẳng phải con vừa nghe ảnh xúi má cột chân con lại sao?
Trường muốn giải thích nhưng bà Nhàn đã thay anh:
– Đừng nói vậy mà tội nghiệp cho thằng Trường. Đó là ví dụ của má. .... Song Thiên Băng nhún vai ra vẻ bất cần.
– Ví dụ thật hay giả con cũng không quan tâm. Điều con cần bây giờ là má cho con tiền để chuộc cái xe Dream về.
Đòi hỏi này làm bà Nhàn sửng sốt:
– Chiếc xe Dream sao phải dùng tiền chuộc? Bộ con vừa gây tai nạn gì hay sao?
Gương mặt Thiên Băng bây giờ mới lộ ra vẻ thiểu não:
– Vâng, con vừa quẹt phải một người đã khiến họ bị thương, họ đang giữ chiếc xe và bắt con phải bồi thường.
Bà Nhàn đặt một ngón tay lên ngực như để trấn an mình:
– Mô Phật ... Con vẫn còn nguyên vẹn như vầy là phước đức nhà mình rồi.
Chiếc xe cũng không hề hấn gì chứ con?
– Dạ, không sao cả má ạ. Má chỉ cho con 5 triệu là con đem chiếc xe về liền.
Thiên Băng vừa dứt lời thì bà Nhàn đã thảng thốt kêu lên:
– Những năm triệu lận ư? Chỉ va chạm nhẹ sao người ta đòi nhiều tiền quá vậy? Con có nghe lầm không con?
Thiên Băng phụng phịu với bà Nhàn:
– Chắc má tưởng con nghe lầm năm triệu với năm trăm ngàn à. Hổng dám đâu ... họ còn hẹn nội trong ngày hôm nay không đem tiền đến họ sẽ đem chiếc xe cho cảnh sát giao thông xử lý. Má ... chắc má không muốn con bị phiền hà lôi thôi chứ.
Ba Nhàn ngồi thừ ra hỏi ý kiến Trường:
– Theo cháu ... chuyện này là thế nào?
Tuy lòng không muốn xen vào chuyện của Thiên Băng nhưng Trường cũng không thể để bà Nhàn bị hố. Anh ngăn cản:
– Năm triệu bạc chẳng dễ gì làm ra được. Nếu Thiên Băng thật sự gây tai nạn cho người khác thì bác hãy đến tận nơi xem xét rồi hãy tính tới chuyện bồi hoàn sau. Cháu nghĩ mình có trách nhiệm thì họ cũng không làm khó.
Vừa nghe thấy vậy Thiên Băng liền trừng mắt với anh mà không hề vị nể:
– Anh biết gì mà bày đặt góp ý. Chẳng hiểu sao anh cứ thích xía vô chuyện của tôi.
Chất nóng trong người Trường bỗng bừng lên. Anh to tiếng lại với Thiên Băng:
– Cô mới là kẻ dở hơi không chịu nhận ra điều sai trái. Nếu cô không có chuyện thì tôi đâu có tốn công quan tâm tới.
Thiên Băng hất mặt lên:
– Ai mượn. Anh không cần phải vậy.
– Thiên Băng. Con không được hỗn với anh Trường như vậy. Má nói cho con biết tương lai con sẽ phải phục tùng nó.
Nghe mẹ chận đứng mình bằng câu nói ấy, Thiên Băng ngúng nguẩy xoay tròn người rồi khựng lại trước mặt Trường vừa châm biếm vừa khiêu khích anh:
– Không đời nào đâu má ơi! Ảnh là cái quái gì mà con phải tôn trọng, phục tùng? Chẳng qua ảnh chỉ là người ở đậu nhà mình để theo học đại học, làm sao với quàng tay kết thân với con được.
– Thiên Băng!
Bà Nhàn đã giơ tay lên toan đánh con, nhưng rồi từ từ bà phải hạ xuống.
– Con mà nói với thằng Trường như vậy là má sẽ không tha đâu.
Thiên Băng chẳng hề tỏ ra sợ mẹ một chút nào.
– Má đánh con thì sẽ bị đau tay và đau cả ruột nữa.
Bà Nhàn nhìn con gái rồi lắc đầu:
– Thiệt là hết biết với mày rồi. Nhưng thằng Trường có làm mất lòng gì con đâu hả Thiên Băng?
Thiên Băng khoanh tay mặt lạnh như nước đá:
– Vâng, ảnh không hề làm gì con cả, ảnh chỉ biến con thành mọt sách để gặm nhấm chữ nghĩa mà con chẳng thể nào nuốt trôi.
– Như thế là nó muốn tốt cho con đấy, Thiên Băng.
– Nhưng con không muốn cái tốt của ảnh.
– Vậy bây giờ con muốn điều gì nào?
Được mẹ hỏi, Thiên Băng hớn hở xòe bàn tay:
– Con chỉ muốn má cho con năm triệu đi chuộc xe về mà thôi.
Bà Nhàn lo âu nói:
– Má sẽ đi với con.
Thiên Băng giãy nảy lên:
– Không cần đâu. Má cứ đưa cho con tiền là được rồi.
Bà Nhàn chợt cảnh giác với con gái:
– Đâu có được. Má sẽ không yên tâm khi giao cho con số tiền lớn như thế đâu.
Thiên Băng bĩu dài môi:
– Năm triệu mà lớn ư? Con đã từng cầm lái chiếc Dream mấy chục triệu, chẳng lẽ nó không lớn hơn năm triệu hay sao?
– Nhưng má muốn có vài lời an ủi nạn nhân.
– Ôi, cần gì má phải an ủi họ cho phí lời. Họ cũng đâu phải người tốt.
Lời Thiên Băng làm bà Nhàn thắc mắc:
– Sao con biết họ không tốt?
– Thì ... thì nếu tốt họ chẳng đòi bồi thường năm triệu đồng khi vết ngã chẳng đáng gì.
Vốn thương con nên bác Nhàn đã nhẹ dạ bằng lòng:
– Thôi được rồi. Đền quách cho họ đi rồi đem xe về trình diện má. Chìa khóa đây con lên lầu mà lấy tiền.
Chộp xâu chìa khóa mà bà Nhàn vừa thảy ra, Thiên Băng mừng rỡ phóng tuốt lên lầu không kịp cám ơn mẹ. Thấy vậy, bà Nhàn buột miệng mắng:
– Con gái lớn rồi mà không ý tứ gì hết. Lần này tôi tha, lần sau tôi sẽ đánh đòn cô đấy!
Rồi quay sang Trường đang ngồi lặng thinh ở đó, bà xoa dịu cơn đau tự ái của anh:
– Cháu đừng buồn con Thiên Băng làm chi. Tuy đã bước sang tuổi mười tám nhưng nó còn con nít lắm.
Biết thân phận nên Trường đáp khẽ khàng:
– Cháu không dám buồn đâu bác à, vì thật sự cháu đã nhờ vả vào bác quá nhiều trong suốt thời gian qua.
– Ấy, đừng nói đến chuyện đó nghe Trường. Bởi bác và má cháu là chỗ bạn bè rất thân từ thời còn son trẻ, bác chỉ giúp cháu những gì trong khả năng của bác mà thôi, cháu cứ yên tâm đừng nghĩ ngợi ...
Trường nhếch môi, song nụ cười của anh tiềm ẩn một nỗi buồn mà bà Nhàn không thể hiểu:
– Cháu cũng đã cố gắng không nghĩ ngợi. Nhưng bây giờ tất cả đều khác ...
Bà Nhàn nhìn thẳng vào ánh mắt anh:
– Chẳng lẽ cháu cho rằng bác không còn tốt với cháu nữa ư?
– Trường cắn môi:
– Thưa ... cháu không dám nghĩ vậy.
– Trường à, cháu nên nói thẳng những khúc mắc trong lòng đi.
Được sự động viên, Trường toan mở cõi lòng thì Thiên Băng ôm tiền từ trên lầu đi xuống. Cô trả xâu chìa khóa cho mẹ, mặt hí hửng.
– Con cám ơn má thiệt là nhiều.
Bất ngờ với niềm vui của Thiên Băng nhưng bà Nhàn chưa kịp hỏi thì cô con gái cưng đã biến mất sau tiếng cười thật đắc ý.
Trường vội lay bà Nhàn:
– Bác ... bác đã quá tin Thiên Băng rồi.
Giây phút này bà Nhàn mới nghe trong bụng thấp thỏm. Bà đứng ngồi không yên:
– Chẳng lẽ con Thiên Băng lừa dối bác để lấy tiền.
Trường thở ra thật mạnh:
– Cầu mong cho cô ấy có chút lương tâm.
Nghe thấy vậy bà Nhàn vội hấp tấp bước về hướng cầu thang để lên lầu, song chỉ thoáng chốc đã quay nhanh xuống, mặt tái:
– Nguy rồi Trường ơi ... con Thiên Băng đã lấy của bác tới những mười lăm triệụ .....
Trường hốt hoảng cũng không kém gì bà.
– Mười lăm triệu lận cơ à. Cô ta sẽ làm gì với số tiền lớn như thế?
Bà Nhàn run cầm cập:
– Cháu hãy đuổi theo nó xem có thật là nó đem tiền đi bồi thường hay không.
Trường tỏ thái độ chần chừ:
– Cháu nghĩ không kịp đâu bác ạ. Thiên Băng không dễ gì để cháu bám đuôi đâu. Nhất là khi cô ấy đang lao đầu vào việc hít heroin, vào trong “cái chất trắng”.
– Ôi ... lẽ nào ... con tôị .... Bây giờ bà Nhàn mới choáng váng vật vã vì quá tin và thương con. Số tiền mà Thiên Băng lấy đi tuy không quá lớn để làm giảm đi sự giàu sang của bà, nhưng nó sẽ là động lực đẩy con bà xuống vực thẳm của sự hư hèn. Thiên Băng ... Thiên Băng ... má làm hại con rồi. Cơn hối hận làm bà Nhàn ngất xỉu trong vòng tay của con trai người bạn của mình.