Chương 17
Tác giả: Xuân Vũ
Ông Nhì rót trà ra tách ông Hương, hai người vừa nhấm nháp vừa bàn công chuyện, rồi đi quanh xem sự chưng dọn trong nhà lần chót.
Ông Hương ngắm nghía bộ chưn đèn bằng thau đã được lau vàng rực và nói:
- Bộ lư đồng này đã dùng đến ba đời rồi đó chú Nhì. Lâu lắm tôi mới có dịp đem ra chưng một lần . Lần này xong rồi để tới đám cưới và Tết luôn.
Ông Nhì trỏ chiếc bàn tròn bằng gỗ trắc, bốn chân là bốn con rồng ngậm trái châu và nói:
- Anh coi, tôi bắt sắp nhỏ chùi từng cái vảy rồng sạch bóng. Chốc nữa suôi gia hai bên ngồi ở đó, còn chiếc ghế kia để cho thằng rể. Nó theo lối tân thời , mình không nên để nó đứng suốt buổi nói chuyện, tội nghiệp.
Ông Hương gật:
- Đời bây giờ mình châm chước bớt lễ nghi, chớ hồi tôi với chú đi làm rể đã không được ngồi mà còn bị bắt làm công việc nặng như đứa ở trong nhà.
- Thời đó khác anh à! Bây giờ thằng chồng con Đèo, tôi miễn cho hết. Mình đày đoa. nó bao nhiêu, về sau nó hành hạ con gái mình bấy nhiêu.
Ông Nhì ra mé ao bẻ một mớ bông ngãi vàng đem vô cắm trong bình bông đặt ở giữa bộ tràng kỷ, là nơi để dành cho bà con hai họ ngồi bàn chuyện tiếp với hai bên suôi gia.
Ông Hương đi tới đi lui xem lại lần nữa các bức hoành phi, những đôi liễn sơn mài chữ vàng rực rỡ. Ở căn giữa treo tấm chấn do cô Sương thêu phỏng theo kiểu thợ Bắc, nhưng có chế biến với tài nữ công của cộ Cô phải bỏ ra sáu tháng ròng để hoàn thành tấm chấn này. Ý bà Hương là cho đàng trai biết sự khéo léo của con gái. Ở vùng này, người ta chỉ mua các loại tiền bàn, chấn, y môn đem về xài chớ không có ai thêu được như cô Sương.
Ông Nhì ngắm nghía một hồi rồi định dời chỗ cặp khuôn đóng kiếng lộng hai bài thơ Đường do ông Hương viết chữ Nho cho cô Sương thêu, để khi bên suôi trai ngồi thì ngó thấy.
Dù là bạn cố tri nhưng mình phải giữ tư thế của mình. Bên gái thường bị đàng trai coi rẻ, nhất là khi đàng trai có phần lấn lướt về sức học hoặc về tài sản. Ông Nhì còn muốn dời hai tấm khuôn thêu hình Rồng , Phượng, ở đầu hai cửa buồng qua chái nhà để lát nữa khách ngồi dùng cơm sẽ ngó lên. Nếu để ở chỗ cũ thì hơi khuất , ít người nhìn thấy. Nhưng ông Hương bảo cứ để ở đó là hơn. Muốn khoe ta cũng phải kín đáo, không nên lộ liễu.
Bây giờ chỉ cần thắp nến và đốt ba cây nhang là gian nhà sẽ tràn ngập không khí cổ kính thiêng liêng cho buổi lễ.
Cuối cùng hai ông ra bến nước xem lại chiếc cầu vừa mới bắc dành cho khách từ dưới ghe bước lên. Một tấm ván lung lay sẽ làm cho khách trợt chân. Một cử chỉ nhỏ sơ sót của đôi bên đều có ảnh hưởng đến tương lai của đôi trẻ.
Xong, hai người trở vào nhà ngồi uống trà và bàn chuyện tiếp. Ông Nhì hỏi:
- Nghe nói thằng nhỏ có sức học cao hả anh?
- Nó vừa đỗ tú tài.
- Con Sương chỉ học tới lớp ba trường làng, rồi làm sao hả ?
- Vợ chồng đâu có nói tiếng Tây mà chú sợ ! Nói về tài học thì nó giỏi tiếng Tây, con Sương giỏi chữ Nho, bù qua chế lại cũng được chớ mình có lép đâu !
Ông Nhì ngẫm nghĩ một hồi lại nói:
- Tôi sợ mình chưng dọn như vầy họ chê mình là "xưa" quá chớ !
- Không có đâu chú. Chúng tôi cùng học một thầy Nho mà. Nhưng dầu cho ảnh có theo tân thời thì theo, mình cứ giữ tục lệ Ông bà. Không có xưa làm sao có nay ?
Kiểm tra mặt tiền xong, hai ông đi ra sau bếp xem xét tiếp. Ông Nhì hỏi bà Hương:
- Bữa nay chị làm mấy món vậy chị ?
- Bảy món ăn tại bàn chính, còn tráng miệng thì không kể.
- Đâu chị kể em nghe coi.
Bà Hương nói:
- Ba nó muốn rước anh Năm Qúy nấu đồ Tây, nhưng tôi nói đồ Tây để dàng đãi đám cưới, còn bữa nay mình phải tự nấu nướng để ngườ ta biết cái gia chánh của mình. Nếu mướn thợ , người ta sẽ bảo nhà mình không biết nấu ăn.
- Món thứ nhứt là món gì vậy chị ?
- Thị kho tàu là gốc rồi!
- Món đó thì cũng được, chị có món gì đặc biệt không?
Cô Đèo vọt miệng:
- Cua biển xào dấm hồi hổm bác trai nói đó ba !
Bà Hương cười:
- Thịt kho tàu của bác khác của người ta, cháu à. Ướp thiệt kỷ, kho nước dừa xiêm miếng thịt vàng đều, mỡ rệu, để vô miệng là tan không phải nhai nghe cháu!
- Cha chả, tôi nghe phát đói bụng ! - Ông Nhì nuốt nước miếng rồi hỏi tiếp - Còn món thứ hai ?
Bà Hương trỏ ngoài ao, người lối xóm đang quần bắt cá nuôi:
- Cá éc chưng bún củ hành Tàu. Món thứ ba hủ hoa hầm nhưn đặc biệt.
- Là nhưn gì, chị ?
- Cá thác lác nạo lấy thịt, trộn với thịt heo nạc bằm nhuyễn và nấm mèo phơi khôné
- Tôi ăn cơm nhà này hoài mà nghe nhắc tới cũng thèm.
- Lần này khác chú à ! Chút nữa chú cầm khách rồi sẽ thấy !
- Mới có ba, còn bốn món nữa.
Bà Hương ngó vô bếp, thấy lửa to, bảo:
- Cho lửa riu xuống, bây chụm vậy thịt không kịp thấm nước dừa, còn nhưn hủ hoa thì nhảy ra ngoài hết, chút nữa múc ra, vỏ ruột hai nơi, khách sành ăn sẽ cười cho.
Thằng Tích cầm bập lá đập nước rầm rầm dưới ao, lùa cá nuôi vô hốc mương để mấy người lớn bao đăng lấy bội xúc. Nó ôm được một con cá chài, ném lên bờ như trái bầu rụng:
- Con này biết nói đó.
Mấy cô nhổ lông vịt rủ rỉ với nhau ở ngoài sàn nước:
- Dượng nó chắc ngộ trai lắm !
- Ờ ờ, người ta bận đồ Tây chớ không có đội khăn đóng như đám chồng con Đèo đâu.
- Cô Sương đi ra cho người ta coi chắc túm chưn bước không được.
- Bây nói lén tao cái gì đó hả ? - cô Sương ló đầu ra vọt miệng hỏi.
Bọn con gái cười rúc rích.
- Nhớ nghe ! Cười người bữa trước, bữa sau người cười cho mà coi ! - cô Sương ở trong bếp mặt mày đỏ lơ đỏ lưỡng bước ra vui vẻ đối đáp với đám con gái.
- Tụi em mừng cho cô chớ đâu có nói lén gì !
- Vịt này mập quá, nấu cháo mỡ đặc nồi đó cô ơi !
- Vịt tiềm thuốc Bắc chớ không có nấu cháo em à !
- Trời em muốn là con trai đi coi vợ để được đãi ăn cho đã !
Bà Hương kêu thằng Tích lên bảo:
- Con ra vườn lựa cam chắc hái một chục rưỡi có đầu, trái nào trái nấy bằng nhau, để nguyên cuống với lá nghe.
- Chi vậy bà ?
- Nửa chục để tráng miệng, còn một chục biếu khách cầm tay đáp lễ lúc ra về.
- Đáp lễ là sao bà ?
- Thôi đi đi, người ta gần tới rồi. Ý mà để việc đó cho mấy đứa con gái làm. Hái xong đem vô lột vỏ sáu trái rồi giẽ ra từng múi bóc chỉ thật sạch sắp trên dĩa bàn theo hình rẽ quạt nghe không ? Còn thằng Tích đi theo bà ra bồ lúa bà nhờ một chuyện nữa. Rồi chừng mày cưới vợ bà trả công cho !
- Dạ! - Thằng Tích hăng hái đi theo bà Hương ra bồ lúa.
Bà Hương bảo:
- Con leo lên giữa bồ móc cái việm vàng lên cho bà.
- Trời đất, bà có cả việm vàng lận sao bà ?
- Cái việm da màu vàng đựng cơm rượu chớ không phải vàng, con ơi! Ai mà bỏ vàng trong việm ?
Thằng Tích nhảy phóc lên bồ lúc, hai tay moi lia rồi bưng chiếc việm vàng nhỏ, đem ra mé bồ chuyền xuống. Bà Hương đỡ lấy để xuống đất, phủi lúa và bụi trên nắp, mở dây ràng rịt năm bảy chặng mới giở ra. Bà vừa giở vừa lầm thầm vái:"Ơn ai cho ổ cơm rượu ngon lành để tôi đãi khách lấy tiếng cho con gái tôi ". Ba ngày trước đây khi vùi việm cơm rượu vào lúa, bà cũng vái như vậy nên thánh thần phù hộ. Ổ cơm rượu lên men đều bốc hương ngọt dịu. Những viên cơm rượu tròn trịa, trắng phau, đều đặn nằm sắp lớp như những nàng công chúa đang ngủ say trong vườn thượng uyển.
Bà bảo thằng Tích vừa tuột xuống đất:
- Con vô bảo cô lấy cái keo kiểu nắp vuông , một cái muỗng lầu- một loại muỗng quý - và đôi đũa tre mới đưa con đem ra cho bà. Con đi chầm chậm đừng có chạy trợt té bể , đứt chân nghe không ? Ngày nay không nên đánh bể món gì trong nhà hết.
Thằng Tích "dạ" một tiếng rồi phóng mất. Nháy mắt nó trở ra với keo và muỗng. Bà Hương vò đầu nó:
- Đã bảo đừng có chạy, cũng chạy !
- Dạ, con chạy theo trâu, chạy đuổi chim, bắt cá quen rồi, đi chậm không được. Hễ bước ra là chạy. Đất khô hay ruộng lầy con đều chạy tuốt hết.
- Giỏi! Để rồi bà thưởng.
Thằng Tích lại phóng ào xuống ao tiếp tục đuổi bắt cá nuôi.
Bà Hương ngồi xuống, múc một chút nước cơm rượu nếm thử và gật đầu tỏ ý hài lòng. Từ đó tới giờ chưa lần nào ngon bằng. Quả là bà cậu giúp vận. Rồi bà gắp từng viên một với tất cả sự khéo léo của một bàn tay nữ công đầy kinh nghiệm, sắp vào lòng keo theo thứ lớp xoay tròn đến đầy nửa keo thì ngừng tay để múc từng muỗng nước sánh đặc rưới lên, cho đến nước xăm xắp những viên cơm rượu mới thôi.
Bỗng Tư Đèo chạy tới:
- Bác ơi! Người ta tới rồi !
- Vậy hả? - Bà Hương vội vàng đứng dậy - Quần áo tao lấm lem như thế này làm sao ra tiếp khách?
- Dạ không! Người ta gần tới. Bác trai biểu bác vô sửa soạn để ra tuồng.
Tư Đèo bưng việm cơm rượu, bà Hương ôm keo đi vô nhà.
Bà coi qua bếp núc, giao quyền cho Tư Đèo điều khiển rồi đi lên nhà trên, vô buồng nơi cô Sương đang trang điểm, với sự giúp sức của bà Nhì.
- Đeo bông gì cho nó hả chị ? - Bà Nhì hỏi.
- Nó còn con gái thì kẹp tóc, đeo bông toòng teng, chừng nào về nhà chồng hãy bới đầu đeo bông tai bèo nhận hột cẩm thạch.
- Còn áo màu gì ?
- Cái màu hường tôi mới lấy trong rương ra ủi hồi hôm treo ở đầu giường kia !
- Quần gì ?
- Quần sa teng trắng cũng ủi rồi đó.
- Đeo nữ trang gì thêm không ?
- Một chiếc kiềng cổ, tay trái chiếc cẩm thạch, tay phải chiếc xuyến vàng. Đừng đeo nhiều người ta nói mình khoe của, nhưng cũng nên thêm mấy vòng xơ men.
- Vòng xơ men là vòng gì chị, thuở nào tôi chưa được nghe.
Cô Sương đỡ lời mẹ:
- Đó là nữ trang tân thời. Con gái đi học trên tỉnh quận dùng nó để nhớ ngày. Hễ thứ hai thì đeo hai vòng, thứ ba, thứ tư thì đeo ba bốn vòng. Mỗi chiếc chột nhỏ như râu tôm đó thím.
- Còn trên tóc, giắt món gì , chị ?
- Bên trái giắt trâm. Tóc cài lược. Phía dưói dùng cái kẹp có hình hai quả trơn hoặc theo xưa thì dùng chiếc kẹp Phụng Kiều
- Không xài kẹp con bướm à ?
- Ba nó bảo con gái không được xài bất cứ thứ gì có hình con bướm, vì bướm có nghĩa bay bướm !
Bà Nhì vừa đeo nữ trang vừa thủ thỉ với cháu:
- Năm nay đám hỏi, năm tới đám cưới. Còn có mấy tháng nữa đâu. Con gái lần lượt về nhà chồng hết. Ngó đi ngó lại xóm này vắng teo.
Cô Sương xúc động rơm rớm nước mắt:
- Thím qua lại với má cháu. Mấy chị cháu ở xa, con cái đùm đề ít khi về.
- Không sao đâu, ở đây có chú thím.
- Cháu không muốn có gia đình sớm, vì không ai phụng dưỡng cha mẹ già.
- Thím cũng biết vậy, nhưng con gái lớn lên phảicó chồng. Đó là ý muốn của cha mẹ. Năm nay là năm tốt, xóm này gả cưới tới năm, sáu đám. Con được chỗ nơi tài đức song toàn, chú thím rất mừng cho cháu. Vợ chồng đẹp đôi, mà suôi gia cũng xứng.
Bỗng nghe tiếng lao xao bên ngoài. Bà Nhì rỉ tai cô Sương :
- Hình như người ta tới đó cháu.
Cô Sương ôm trụ giường và gục đầu vào vai bà Nhì. Bà Nhì gỡ nhẹ ra và bảo:
- Để thím đi coi!
Bà rón rén bước lại hé cửa nhìn ra. Cửa cái gồm bốn cánh đã mở rộng chờ đón khách từ sáng. Bà thấy một hàng người trịnh trọng đi vào.
Một chập, bà trở lại vỗ khẽ vai cô Sương :
- Họ đến thiệt rồi đó cháu.
Cô Sương vẫn gục đầu vào trụ giường. Bà Nhì lai. thỏ thẻ:
- Thằng chồng cháu đi đầu bưng khay hộp.
Tiếng "chồng" được nghe lần đầu tiên làm cô vừa thẹn thùng vừa hơi lọ Cái tiếng vừa xa lạ vừa thân mến. Cô nghe như có trăm ngàn con kiến bò khắp da thịt nóng ran.
- Cháu đứng dậy cho thím xem lại cái áo chút... Ờ, được rồi. Cái áo may vừa vặn quá. Cổ, tay vừa sít . Hai vạt thiệt ôm
Ông Hương đón khách vào nhà mời ngồi. Ông nói:
- Bữa nay anh chị hạ cố đến nhà tôi, thiệt là quý hoá vô cùng.
- Dạ, cũng nhờ bà Sáu hướng dẫn.
Bà Sáu phá tan cái không khí xã giao khách sáo bằng mấy câu nói bình dân:
- Hai anh quen nhau mấy chục năm trước chớ bộ nhờ tôi mới biết sao ? Tôi làm mai cho có vị vậy tôi, chớ hai anh đã hứa với nhau cho hai cháu nên vợ nên chồng từ hồi chúng nó còn trong bụng mẹ kia mà!
Câu nói làm mọi người thân mật gần gũi nhau ngaỵ Thảo nào trong vùng này ai cũng phục tài " bắc cầu Ô Thước của bà Sáu. Đám nào bà nhúng tay vào thì cũng kết thúc đẹp đẽ. Nghe bà mai nói vậy, ông Hương tiếp ngay:
- Chị nói đúng, tôi với anh Tư quen nhau từ thuở nhỏ học chữ thiên trời địa đất , quỳ gối xơ mít tới bây giờ là bốn năm chục năm.
Ông Tư nói:
- Đúng ra là trên năm chục năm!... Rồi lớn lên, cưới vợ, làm làng làm xã cũng tới lui với nhau luôn. Ảnh làm Hương Thân làng Minh Đức, tôi làm Hương Huấn làng Hương Mỹ cho nên người ta mới gọi tôi là Tư Huấn chớ tôi đâu phải tên Huấn.
Bà Sáu thay mặt chủ nhà rót trà mời hai người và nói:
- Cơ khổ hôn! Vậy mà lâu nay tôi tưởng chánh lục bộ, ghi tên anh như vậy chớ! Thôi, mời hai bên suôi gia uống nước rồi tôi nói chuyện. Để lâu nó nguội. Ủa Minh ! Cháu để khay hộp lên trường kỷ kia đi, rồi lại ngồi ở đây. Có ghế sẵn dành cho rể cưng đó cháu. Ủa, chị Hương đâu sao không ra ngồi cho cân xứng., bên trai có đủ má ba thì bên gái cũng phải đủ tía má, đừng để chim chích cánh không bay được.
- Má sắp nhỏ đang lo bếp núc. Chị dạy gì vợ chồng tôi xin bái lĩnh.
- Hứ, anh làm như tôi là nguyên soái vậy. Tôi mà dạy anh thì trời sập. Công việc của tôi là dắt cháu Minh đến đây xin phép anh chị Hương coi mắt cháu Sương., bây giờ chấm hết. Tôi giao cho mấy anh. Để tôi vô bếp với ông táo ông lò chớ ngồi ghế chạm uống nước trà tôi không quen. Còn cháu Minh, cháu cứ ngồi đó nghe cha mẹ nói chuyện. Muốn được vợ phải chịu khó một chút. Sốt ruột không được.!- Bà Sáu tả xung hữu đục làm cho không khí càng thân mật, vui vẻ, hai bên suôi gia bớt kiêng dè với nhau.
Nói xong bà đứng dậy đi vô trong thì gặp ngay bà Hương ở cửa buồng sắp bước ra. Bà lai. tía lia :
- Chị khỏi ra, chị Hương à. Để cho mấy ổng hát tích gì thì hát. Còn tôi với chị thì ra sau bếp diễn lớp :"Ông Táo kiện ông Lò "! - Rồi bà nắm tay bà Hương đi vô, vừa đi vừa rỉ tai - Con nhỏ đâu?
- Nó đang sửa soạn trong buồng.
- Để cho tôi vô đó chút được không?
- Dạ, mời chị đi với tôi! Con nhỏ nhát quá hà !- Bà Hương nói.
- Con gái thì vậy chớ sao. Phải già cái đầu như mình sao mà dạn được.
Bà Hương vừa mở cửa, bà Sáu đã bước thẳng tới Sương:
- Chèn ơi! Công Chúa Thoại Ba, tiểu thư của viên ngoại cũng không có sánh bằng. Thôi vậy đủ rồi. Đẹp lắm rồi. Xứ này tôi hứa chắc không có ai bì kịp mà. - Bà sà lai. ngồi bên Sương - Nghe cô nói nè con! Con gái lớn lên phải lấy chồng. Lấy chồng cho đáng tấm chồng. Nó vừa đậu bằng cao cấp ở trên Sài gòn, Mỹ Tho gì đó, cô không có biết, nhưng nó nhu mì dễ thương, chuyện gì chớ còn cái chuyện ăn hiếp vợ thì nó không có đâu. Nó học Tây mà ba má nó biểu bận áo dài bịt khăn đóng mang giày hàm ếch nó cũng nghe theo, không cãi một tiếng. Trang điểm vầy đẹp rồi. Thôi, tôi xin phép chị Hương dắt con nhỏ ra mời trà khách.
Cô Sương nghe tê tái cả người khi nghe bàn tay bà Sáu nắm vai cô:
- Đi con! Đi theo cô!... Chị Hương sắp sẵn giùm tôi mâm trà... Con ra rót trà mời khách rồi vô chớ không có việc gì nặng nề hết á! Bà vừa nhấc vai cô Sương đứng dậy vừa nhìn xuống chân - Đôi giày cườm thêu đầu phụng thiệt đẹp, vừa chân con quá.. Không cao gót, dễ đi, ít vấp, ít té. Trong nhà thì mặt đất bằng phẳng, ra khỏi cửa thì lông chông gai góc con ơi! Đừng ham cao gót.
Bà Hương đem mâm trà đặt vào tay con gái, trong lúc bà mai vẫn không ngớt miệng:
- Con bước ra với vẻ mặt tươi tỉnh nghe. Cứ dòm thẳng, mặc kệ ai liếc ngó mình. Nè , cô nhắc cho con nhớ: Nó ngồi đằng sau lưng ông già chồng con. Ừ nó đó. Con rót trà tay đừng có run ra ngoài mâm nghe.
Bà Sáu dìu Sương đi, tay mở cửa buồng:
- Ngó ra ngoài đó chút đi con. Đọ, thấy rõ chưa, đừng có khớp. Họ cũng người như mình. - Bà Sáu nói to lên - Nè, công chúa ra mắt các anh các chị.
Cả bàn chủ khách đang ngồi bàn tính công việc bỗng im bặt. Mọi cặp mắt đổ xô về phía cô Sương . Bà Sáu vẫn đi sau cô hộ vệ từng bước và bô lô cái miệng:
- Đừng có ngó hung, cháu tôi sợ nghe! Hễ nó sơ sót là tại mấy ông bà đó!
Cô Sương đi tới bàn. Bà Sáu nhắc:
- Cúi đầu chào đi con. Đây là ba má chồng tương lai của con. Còn đây là... là cái người cô nói với con trong buồng hồi nãy. Minh ! Con biết ai đây không? Đây là con gái cưng của ông bà Hương và con dâu cưng tươnglai của ba má con đó nghe. Mấy tấm chấn trên bàn và các bức tranh thêu lộng kiếng kia cũng đều do một bàn tay nó thêu đó nghen... Thôi, đủ lễ rồi con, cúi đầu một cái rồi vào! Có khó khiếc gì!
Bà Sáu lại hộ vệ cô Sương trở vào buồng. Bà rủ rỉ:
- Con không cần ngó nó. Đã có cô ngó giùm cho con rồi. Chẳng phải mới gần đây mà mấy năm trước nữa kia. Nó đi với con cũng xứng mà đứng lại cũng vừa, không chỗ nào chê được . Cô đã nói tốt là tốt. Tốt đôi, tốt phước, cái gì cũng tốt hết.
Cô Sương cảm thấy như qua một giấc chiêm bao ngắn, một cuộc vượt sôn đầy hồi hộp. Bà mai lại đi vào tiếp tục sứ mạng của mình. Hết khen cô dâu lại tô phết chú rể. Tiếng nói của bà ấm như sáo thổi, như chim hót. Bà hỏi cô Sương :
- Con thấy có được không ? Được quá phải không con ? Mấy cậu công tử vùng này làm sao có nổi sự học thức đó. Vừa đậu xong đã có nơi mời thỉnh làm việc rồi. Có mấy nhà muốn cô làm mối gả con cho nó, nhưng ông già nó nhứt định phải làm suôi với ba con. Con thấy thế nào ? Chịu thì nói cho cô biết. Còn không thì cũng cứ nói để cô chạy lo... đám khác cho nó. Nó mà ưng chỗ nào thì chỗ đó phải cắn câu ngaỵ.vậy là con ưng rồi. Mọi việc sẽ tiến hành êm xuôi dễ ợt thôi.
Thế là xong phần chính thức của đám hỏi.
Cơm nước dọn ra, hai bên đàng trai đàng gái ngồi quanh bàn ăn uống nói chuyện. Cô Sương đã "qua truông" lấy lại sự dạn dĩ. Cô thay áo ngắn màu xanh da trời , cổ trái tim có thêu bông bằng chỉ trắng ở cổ,tay và lai áo. Cô đi lên đi xuống rội thức ăn.
Đám con gái núp ở cửa nhà cầu ngó ra nhưng không thấy chú rể nên ức lắm. Chờ cô Sương trở vô, Tư Đèo chận ngang:
- Ảnh ngồi ở đâu chị ?
- Ở ngoài chớ đâu mà hỏi ! - cô Sương đỏ mặt đập vai Tư Đèo , rồi đi thẳng.
- Chị nhìn kỹ giùm em một chút nghe. ! - Đèo nói với theo.
- Mày có muốn dòm người ta thì bưng thức ăn ra mà dòm. Tao không ngó ai hết.
- Em muốn chị xem cho kỹ rồi vô đây nói cho tụi em nghe! Hí hí !...
Cô Sương bị chọc ghẹo nhưng rất thích. Chờ cô bưng món vịt tiềm trở ra, Đèo lại chận đường:
- Chị nhìn rõ nghe !
- Nhìn rõ rồi. Bàn tay trái có ba mụn cóc. Hỏi nữa thôi ?
- Xứng với chị không ?
- Xứng lám! Còn gì nữa hỏi luôn đi, con quỷ !
- Chị trở ra lần nữa, nói em chúc anh sớm sớm vầy duyên can lệ với chị nghe !
Cô Sương véo vai Tư Đèo:
- Sớm sớm nè ! Can lệ nè !
Đèo bị véo đau xuýt xoa lia lịa. Cô Sương nói:
- Rồi tới phiên mấy đứa bây, tao ngạo lại cho mày biết mấy cái mụn cóc !
- Mấy cái mụn cóc rụng hết rồi!
- Cóc,cóc, cóc nè ! - Bà Nhì đi ngang dọi đầu mấy cô lia lịa - Giỡn trửng om sòm khách người ta nghe người ta cười cho đó.
Đến xế chiều buổi lễ mới chấm dứt. Ông Hương bà Hương tiễn đưa đàng trai xuống tận bến. Chiếc xuồng của đàng trai đi khuất mọi người mới vào nhà.
... Ngồi trên xuồng, bà Sáu tiếp tục trổ tài ăn nói với chú rể:
- Nếu tui là con trai thì tui ưng con nhỏ liền, khỏi phải nói tới nói lui thêm một câu.
Ông Tư vui vẻ:
- Thì tôi có nói tới nói lui gì đâu chị Sáu ! Tôi đã ngắm nghía và hứa hẹn với ông già con nhỏ lâu rồi, chớ phải mới đây sao !
- Tôi cũng có gặp nó vài lần. Hồi nó còn để bánh bèo kia. Mới vắng có mấy năm mà nó lớn quá chừng. Vừa ngộ lại vừa đoan trang. Mình hạc xương mai, cử chỉ khoan thai thùy mị. Con gái ở vường mà tôi đố con gái ở thành ăn qua nó - Sẵn trớn bà Sáu nghênh mặt tuyên chiến luôn - Con gái ở thành chỉ được cái quần áo nhổm nha, phấn son loè loẹt thôi chớ đức hạnh thì thua gái vườn xạ Bị vì họ hiễm ba cái văn minh ở trển. Mình cứ theo ông bà mình ăn chắc mặc dày, mắm dưa làm gốc.
Minh nghe bà Sáu nói không hở miệng mà nhức tai. Minh rụt đầu vào hai gối nhưng bà Sáu nào có tha chọ Bà vỗ vỗ lưng Minh :
- Cháu đã chịu rồi chứ Minh ?
Minh không đáp. Bà Tư thay lời:
- Nó làm thinh là nó ưng rồi, chị không phải hỏi. Chị cứ lo việc của chị cho sớm
Minh bị Ốp từ mọi phía đành im lặng. Minh nghe bực bội, bứt rứt khó chịu nên tìm cách xoay sở. Minh nghiêng đầu ra be xuồng thò tay khoát nước. Nước tuôn bên mạng xuồg trào bọt trắng xoá. Minh vốc lên phả vào mặt, dội cả vào tóc, như muốn xoá tan cái hình ảnh cô dâu vừa mới in vào đầu chàng. Phải xoá ngay khi nó chưa khắc sâu.
- Bộ nước ngược sao xuồng đi chậm vậy chị ? - Bà Tư hỏi.
Bà Sáu chụp lấy trả lời liền:
- Nước đang ròng nên nó... vậy. Chịu khó chèo ngược khúc quanh là nước lớn, nước xuôi chèo khỏe re đó chị. Tại mình đi hơi gấp nên phải chịu mệt chút.
Minh nghe hai bà đối đáp với nhau một cách ý nhị thì càng xốn xang, nhưng không biết chống lai. cách nào. Chàng nhìn lên bờ, qua kẽ những bụi lá dừa nước thấp thoáng bóng người đi trên lộ. Chàng mường tương Emilie đang đạp xe trên đường ra bến Bắc Hàm Luông với chàng, tay nàng đè mép váy:"cấm nhìn!"
Minh không nghĩ mọi việc xảy ra nhanh chóng và bất ngờ đến thế. Minh không phương chống đỡ, trì hoãn hoặc tránh né. Tơ là đẹp, tóc tơ là duyên trai g1i, nhưng tơ vò thì rối rắm không gỡ được. Cuộn tơ ấy đang nằm trong lòng chàng. Nắng trưa như đổ lửa lên đầu. Chung quanh chàng mọi người đều hả hê, thoa? mãn về dung nhan lẫn cử chỉ của cô dâu, hơn nữa , hãnh diện vì gia đạo của đàng gái. Ai cũng góp một câu khen.
Bỗng bà Sáu nói với bà Tư:
- Anh chị Tư à! Lúc nãy anh chị Hương có nói với tôi là ảnh chỉ thách cưới gấp.
- Là ra ngoài ngày ?
- Ra ngoài ngày tức là qua sang năm, mà sang năm thì không được tuổi.
Ông Tư kêu lên:
- Cha chả! Vậy tôi lo sao kịp ?
Bà Sáu bảo:
- Ảnh chỉ không đòi phải làm rình rang. Bên trai tùy nghi mà bước tới. Còn nếu năm nay không xong thì phải chờ ba năm nữa họ mới cho cưới.
Ông Tư lại kêu lên. Nhưng bà Tư thì lai. bình tĩnh:
- Ở bển người ta đã mở hơi như vậy rồi, thì mình phải thính tai! Nhưng tôi thấy năm nay hay ba năm nữa cũng vậy thôi. Cưới sớm thì mình được dâu sớm chớ có hai. gì, phải không chị Sáu?
- Ờ, có dâu sớm thì có cháu sớm ẵm bồng với người ta lên chức bà nội sớm, phải không chị Tư ? - Rồi không để cho bà Tư nói gì thêm, bà Sáu tiếp ngay - Để mai tôi trở lại trả lời hễ ở bển định sao , bên này làm vậy !
Trời nắng chang chang mà Minh nghe lạnh buốt.