watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tấm Lụa Đào-Chương 26 - tác giả Xuân Vũ Xuân Vũ

Xuân Vũ

Chương 26

Tác giả: Xuân Vũ

Sương nói với các cô học trò:
- Bữa nay lớp học bắt đầu, chị cho các em biết trước một chương trình gồm các món gia chánh. Có ba phần:
-Các món ăn chánh gồm một trăm món dùng để ăn thường, đải tiệc lớn, tiệc nhỏ.
-Các món bánh mứt, kẹo gồm bảy mươi món bánh mứt ta, Tàu và Tây
-Các món chè ,cháo , gỏi, bì , giò gồm năm mươi món v.v..
Cộng chung trên ba trăm món. Học hết phải mất một năm rưỡi. Vừa học vừa hành để ăn thử hoặc để bán lấy tiền mua vật liệu học. Muốn thành tài đứng ra nấu nướng cho một bữa tiệc lớn, các em phải kiên nhẫn.
Học trò toàn gồm các cô con gái nhà khá giả đến đây thụ huấn được Sương xin phép cha mẹ chồng cho ăn ở luôn trong nhà.
Khi chưa xuất giá, Sương cũng đã mở lớp tai. gia và học trò của Sương đã làm rạng rỡ danh thầy trong khắp vùng quanh đây.
Sương nói tiếp:
- Riêng về môn thêu thùa, vá máy thì chương trình như sau:
-May quần áo bà ba, sơ mi tay cụt tay dài, quần tây cụt, quần tây dài.
-Áo dài đàn ông ,đàn bà
-Áo dài tân thời , đồ cưới
-Áo thắt chỉ các loại
Muốn học hết phải một năm. Còn về môn thêu thì gồm có:
- Thêu bông hoa, thêu chữ Nho
- Các loại thêu bằng chỉ màu, thêu bắt mũi
- Thêu tấm chấn và tiền bàn.
Muốn học hết cũng mất một năm rưỡi, hai năm.
Một cô học trò mười sáu tuổi nói:
- Em học hoài, không kể là mấy năm, chừng nào hết nghề của chị thì thôi.
Một cô khác lại nói:
- Em sợ chị dạy tụi em được ít bữa rồi chị bỏ tụi em bơ vơ chớ !
- Sao bỏ được ?
- Ảnh rước chị lên trên tỉnh với ảnh chớ sao !
Sương đỏ mặt. Một cô khác lại chêm vào:
- Dám lắm đó. Hổng lẽ ảnh rước chị không đi ?
- Ảnh đi mới co mấy tuần lễ mà coi bộ chị rầu rĩ ốm o rồi đó.
Các cô học trò nói không sai mấy. Từ hôm chia tay với chồng tới nay, Sương cảm thấy buồn ghê gớm. Ông Tư bà Tư luôn luôn nhắc nhở cho nàng dâu thấy sự quan tâm của ông bà:
- Ba má có dặn nó khi nhận việc xong thì tìm phố mướn để ba má đưa con lên. Chồng đâu thì vợ đó.
Sương an tâm, nhưng để cho cha mẹ chồng thấy mình không phải là một kẻ vô tích sự, và cũng để lấp những lổ hổng thời giờ, nàng mới xin ông bà Tư cho mở lớp này. Ông bà được danh lẫn lợi nên đã đồng ý ngaỵ Ngoài ra hai chị em Mẫn Thiệp cũng được dịp trau dồi nữ công trước khi về nhà chồng.
Sương đưa vở cho học trò chép. Kẻ thì ngồi ở bàn nhà trên. Người kê lên góc ván nhà ngang, kẻ lại xuống bếp để có hơi ông táo, chớ không có bàn ghế như ở nhà trường. Còn tối thì chia nhau ngủ ở các bộ ván hoặc vào buồng của Mẫn và Thiệp. Ở nhà không có con trai lớn nên không có sự nam nữ thọ thọ bất thân.
Sương vào buồng nằm tìm sự im lặng. Không khí vắng vẻ gợi cho nàng những đêm sầu tư lẫn hạnh phúc, cái hạnh phúc đến trễ và không trọn vẹn. Vết thương ở bắp chân cũng là vết thương trong tim nàng. Tại sao trong giây phút mà chàng trút nguồn sống rào rạt cho nàng thì chàng lại gọi tên người khác? Và những tiếng Pháp ? Một cô đầm nào chăng ? Nàng bật dậy móc những bức thư trong rương ra. Nàng chỉ nhìn những dòng chữ rồi nước mắt trào ra làm mờ cả trời đất.
Đã bao nhiêu lần nàng định đưa cho Bảo xem và nhờ Bảo truyền cho ba má những nỗi tủi nhục, đau đớn của nàng. Đã bao nhiêu lần nàng cảm thấy bị phản bội, bỏ rơi, và nàng muốn trở về với cha mẹ. Tấm lụa đào treo trên đầu cửa buồng trước đây trông rực rỡ là thế mà nay nó chỉ mang tới cho nàng nỗi quạnh hiu và xót xa, mai mỉa.
Nhưng rồi cũng có lúc nàng nghĩ những bức thư kia chỉ là một sự đùa chơi chốc lát, cũng như những anh chị nàng trước đây. Ai cũng viết và nhận thư tình nhưng cuối cùng đều lập gia đình theo phong tục ông bà và ăn ở hoà thuận nhau.
Một người có tài như chàng sống giữa đám đông làm sao tránh được những chuyện này nọ. Sự kêu tên cô đầm lai nào đó chẳng qua là một thói quen chưa bỏ được của chàng. Nàng bắt tội chàng gay gắt và cũng chính nàng bào chữa cho chàng. Một trong những điều gia huấn có câu trai năm thê bảy thiếp , gái chính chuyên một chồng . Hơn nữa sách thánh hiền còn dạy trinh nhi bất lượng , nghĩa là điều sai quấy không cần nghĩ tới, mình chỉ nên làm bổn phận của mình cho đầy đủ, tự nhiên người sai thấy đó sẽ sửa mình.
Sương thiếp đi trong giấc điệp không mơ mộng. Nàng cảm thấy mình cao thượng hơn lên với ý nghĩa của câu chữ do cha nàng dạy cho từ bé.
Bỗng có tiếng đập cửa:
- Chị Sương ơi ! Có học trò mới tới.
- Ở đâu tới vậy ?
- Dạ không biết.
- Để chị tiếp.
Sương lật đật ngồi dậy, bới đầu tóc, xốc lại áo rồi bước ra.
Nhác trông cô học trò, Sương giật mình. Đây là một cô gái thành thì chớ không phải ở miệt vườn quanh đây. Quần áo cô ta bình thường nhưng mặt mũi xinh đẹp văn minh. Tóc quăn tự nhiên hai bên thái dương và trước trán. Nàng ta lễ phép:
- Em tên là Lệ, ủa Lan, nhà ở trên Tân Hoà, nghe nói chị mở lớp dạy nữ công, nên ba má cho em xuống học.
- Em định học môn gì ? Nấu ăn hay thêu thùa ?
- Dạ, em thích cả hai.
- Tân Huề chớ không phải Tân Hoà , chị Sương ạ ! - một cô học trò xen vào - chị nói chị Ở Tân Huề sao tôi không biết ? Tôi ở Tân Huề đây nè.
Cô gái tên Lan nhanh nhẩu đáp:
- Tôi gốc ở Tân Huề nhưng đi học trên quận nên chị không biết cũng phải.
- Chị học trên quận thì còn thì giờ đâu mà học nữ công ?
- Em thôi học lâu rồi, ở nhà buôn bán lặt vặt, nay ba má em sắp làm lễ vu quy cho em nên cho em học một ít nghề khéo trước kho về làm dâu cho người ta khỏi mang tiếng là cha mẹ không biết dạy con.
Sương thấy cô gái ăn nói trôi chảy thì mừng thầm nhận được học trò tốt. Sương hỏi:
- Em học hết trường quận chưa ?
- Dạ em có lên trường tỉnh một năm rồi gia đình đơn chiếc nên phải ở nhà.
Sương càng mừng rỡ:
- Nói vậy thì em vừa làm học trò vừa làm thầy chị luôn.
- Dạ , em đâu dám vậy, thưa chị.
Sương tự nhiên bảo:
- Chị nói thiệt mà. Vì trong mấy chục món bánh chị sắp dạy , có những tiếng chị học rồi quên, bây giờ đọc cũng không hiểu được.
Sương đi vào buồng lấy sách ra lật lật và bảo cô học sinh đọc và cắt nghĩa giùm. Rồi gặng hỏi:
- Mà em tên thật là gì ? Lệ hay Lan ?
- Em tên là Lan. Hồi nãy em nói lộn tên em gái em. Vì hồi nhỏ em dùng khai sanh của nó để đi học nên ai cũng quen miệng kêu em là Lệ, về nhà mới trở lại tên Lan. Do đó em cứ lộn hoài.
Sương đưa sách cho Lan. Lan đọc một hơi, nào là:
arbre de Noẻl: cây thông đêm giáng sinh
biscuit champagne: bánh sâm banh
croissant au beurre: bánh sừng bò
puits d'amour: bánh giếng ái tình
Đám học trò bỏ chép bài bu lại, nghe đến đó, cười ngặt nghẽo:
- Bánh gì có bánh ái tình, nghe lạ vậy chị Sương ? - Một cô hỏi.
- Đây là tên bánh thôi em à !
- Bánh ái tình là bánh làm sao ?
- Bộ ai ăn bánh này phải cảm người làm bánh chắc ?
- Vậy chị nên dạy tụi em món bánh này trước nhất để đãi mấy anh có tánh be he chơi.
Mỗi trò vui vẻ góp một câu nhộn và cười ngã nghiêng với nhau. Sương cũng hơi ngượng nhưng vui. Nàng bảo:
- Có loại bánh này thật chớ không phải chị đặt ra đâu. Cách làm thế này: Đổ kẹo lên khay cán mỏng ra như bánh tráng của mình rồi cuốn tròn lại dựng lên, nền làm bằng báng ga-tô như hình cái giếng. Ở dưới đáy giếng có một trái tim hồng làm bằng cà rem. Người ăn cứ bẻ ra cho đến lúc lộ trái tim ra thì lấy dao cắt. Có bao nhiêu thực khác thì cắt thành mấy phần.
Lan tiếp:
- Dạ trong sách nói riêng cái trái tim kia cũng là một món bánh khác tên là crème chantilly hay gọi là gâteau d'antigone cũng được.
Một trò lại bảo:
- Trái tim thuộc về ai thì một người thôi chớ, cắt ra như vậy chẳng hoá ra là chia sẻ tình cảm hay sao? Ai chịu !
Câu nói vô tình chạm tới bà thầy. Nàng bảo:
- Đây là việc ăn bánh ngọt chớ không phải chuyện tình cảm em à!
Sương nhận cô học trò đọc được tiếng Pháp trôi chảy thì mừng lắm. Sương nói:
- Hồi trước chị chỉ học tới nửa quyển Mille Mots rồi nghỉ ở nhà học chữ Nho.
- Min mô là bánh gì ?
Sương cười:
- Bánh thì Mille Feuilles còn Mille mots là một ngàn chữ Tây chớ không phải tên bánh. Thí dụ như Mère : mẹ, Père : cha , Peau : da, Chair : thịt, Canard : vịt, Coq : gà, Maison : nhà, Porte : cửa, Feu: lửa... Chị chỉ nhớ có bấy nhiêu , còn trả lại cho thầy hết.
- Còn chữ Nho chị biết tới một ngàn chữ không ?
- Chắc hơn
- Đến mấy ngàn ?
- Chị học hết Tam thiên tự , chị có thể dịch một ít tiếng Tây ra tiếng Tàu.
- Chị dịch thử coi.
- Père : phụ, Mère : mẫu, Peau : bì , Chair : nhục, Coq : kê, Maison :gia ; Porte :môn; Feu :hoả.
- Mà chị viết có được không ?
- Được chớ. Bữa nào chị viết cho các em xem. Bây giờ chép bài đi rồi học nấy canh cua, mai học làm bánh bò !
- Chị dịch tiếng gà , sao không dịch chữ vịt - Một cô hỏi.
- Để chị nhớ lại coi . Tiếng Quảng Đông gọi vịt là ạp , còn chữ Nho ít dùng nên chị không nhớ.
Thằng Bảo nãy giờ đứng trong buồng nghe ké, ngứa lỗ tai, bèn nhảy ra góp tiếng:
- Để em dịch giùm cho! - Rồi nó đọc luôn:
Chiều chiều vịt nước kêu chiều
Bâng khuâng nhớ bạn, chín chiều ruột đau
Tây nó nói là:
Xoà xoà, ca na lố, kêu xoà
Bẳng xế a mí nớp phoà ảnh tết tê man
(Soir soir canard l'eau (kêu) soir
Penser ami neuf fois intestin mal ) (tiếng Tây bồi )
Lan và các cô che miệng cười rần. Sương hỏi:
- Em mới đi trường làng , tiếng Tây ở đâu mà em học giỏi vậy Bảo ?
Bảo không mắc cở chút nào, hứng thú nói luôn:
- "Năm khi mười hoa. " em cũng dịch ra được là " Xanh căng đít coọc bô!" Hề hề. Thầy em không có dạy nhưng em học lóm của ông Bảy nhà binh. Bữa đó có ông Cò ghé ngang, vì trong làng không tìm được ai biết nói tiếng Tây nên hương chức bắt ông Bảy nhà binh ra làm thông ngôn. Ông Bảy dẫn ông Cò vô chợ, nghe giọng hát ru con vang ra từ trong phố, ông Cò dừng lại nghe hồi lâu rồi hỏi ông Bảy đó là nghĩa gì, ông Bảy bèn trâm tiếng Tây như vậy đó. Tại em thấy ông Tây mặt mũi râu ria lạ lùng nên chạy theo coi và nghe ông Bảy nói một hơi dòn rụm.
Lan lắc đầu:
- Chị cũng phục em luôn! Một câu dài như vậy mà em nhớ không sót một chữ. Thật là sáng dạ !
Lan đọc các thứ tên bánh Tây xong rồi đọc những vật liệu dùng làm bánh : nào vanille, chocolat, sucre, beurrẹ.
Hôm sau Sương đưa cho Lan một mẩu giấy và nhờ đọc giùm xem có phải tên bánh không. Lan cầm lấy và nhìn sửng sốt hồi lâu mới hỏi:
- Ở đâu mà chị có cái tên... ủa cái chữ này ?
- Tên bánh lạ phải không em ?
- Dạ không..khộ.ông phải tên bánh mà là tên người.
- Ủa, vậy sao ?
- Mà là tên một người con gái. Nhưng ở đâu mà chị có vậy ?
- Chị chép trong thư, ủa trong sách. Chị không biết tiếng Tây nên hễ gặp là chép ra để hỏi em. Chắc đây là tên một cô đầm hả em ?
- Dạ đây là tên Tây, chắc chắn là tên của một cô gái nhưng không biết có phải là đầm hay không.
Sương lại hỏi tiếp:
- Nếu tên đầm sao còn kèm một dọc tiếng Việt theo sau ?
- Dạ, đời bây giờ người mình đặt tên Tây cho con nhiều lắm chị à. Nhứt là ở trên tỉnh.
- Lý Lệ Lan hay Loan gì đó ! Để chị vô buồng chép kỹ đem ra cho em coi.
- Chị đưa cả cuốn sách cho em đọc được không ?
- Ồ! Chị quên, cuốn sách chị cho một người bạn mượn rồi. Nhưng chị còn nhớ rõ mấy tiếng Việt Nam . Và hình như còn có một tiếng Tây khác sau tiếng Tây kia. Lilan hay Ly Lan gì đó.
- Lilian ! - Lan thốt như máy.
- Ờ đúng đó ! Mà sao em biết giỏi vậy ?
- Da... Đó là tên đôi của người Pháp thường dùng.
Sương cười hồn nhiên:
- Lâu nay chị cứ tưởng là tên bánh chớ !
Lan chớp chớp mắt và nói:
- Chị cũng có thể chế ra một thứ bánh và lấy đó làm tên bánh cũng rất đẹp, như các tên bánh Tây khác: Renaissance, Feuilles Printemps, Madeleine, Bras de Vénus.
-Ủa, em cũng biết nhiều thứ bánh Tây nữa sao ?
- Em chỉ đọc trong sách chớ không thấy mà cũng không biết làm! - Rồi Lan nói luôn - Để vài bữa em về nhà lấy đồ đạc, sẵn dịp em đem mấy quyển sách xuống cho chị xem và dạy chúng em làm.
Sương vui vẻ:
- Hễ em dịch tiếng Tây ra tiếng Việt được thì chị dạy các em làm cũng được.
Tấm Lụa Đào
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương Kết