Chương 3
Tác giả: Alberto Moravia
Vào lúc mới gặp Battista, tôi đang ở trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và không biết làm sao thoát ra được. Khó khăn của tôi là ở chỗ vào thời ấy, tôi vừa mua một căn hộ, mặc dù tôi không có đủ tiền để trả và cũng không biết xoay đâu ra đủ tiền để trả. Trong hai năm đầu tiên của chúng tôi, Emilia và tôi, chúng tôi sống trong một căn phòng cho thuê, trong một nhà trọ, đồ đạc có sẵn. Có lẽ không một người phụ nữ nào ngoài Emilia, chịu đựng được sự thu xếp tạm bợ này, nhưng, trong trường hợp của Emilia, sự chấp nhận của nàng là một bằng chứng lớn nhất của tình yêu mà một người vợ có thể dành cho chồng mình. Emilia đúng là một người vợ nội trợ bẩm sinh, nhưng trong nỗi tha thiết của nàng về vấn đề nhà cửa, có một cái gì đó trên cả thiên hướng thông thường tự nhiên của mọi người đàn bà. Tôi muốn nói rằng có cái gì đó giống như một mối đam mê sâu đậm, mãnh liệt, một nỗi khát khao vượt lên trên cả bản thân nàng và dường như bắt nguồn từ những tổ tiên xa xưa của nàng. Emilia xuất thân từ một gia đình nghèo. Khi tôi bắt đầu quen biết nàng, Emilia chỉ là một cô thư ký đánh máy và tôi nghĩ rằng mối quan tâm tha thiết của nàng đối với nhà ở là một phương tiện vô thức bỉêu đạt những khát vọng không thành của nhiều thế hệ những người không được thừa hưởng di sản, những người thường xuyên không tạo dựng nổi cho riêng mình một nơi ăn chốn ở, cho dầu khiêm tốn thôi. Tôi không biết phải chăng nàng đã có ảo tưởng rằng, qua cuộc hôn nhân với tôi, giấc mơ nhà cửa của nàng sẽ trở thành hiện thực, nhưng tôi nhớ trong một lần hiếm hoi tôi trông thấy nàng khóc là khi tôi buộc phải thú thật với nàng, vừa ngay sau khi đính hôn, rằng tôi chưa đủ sức để mang lại cho nàng một ngôi nhà, và để bắt đầu, chúng tôi buộc phải bằng lòng với một căn phòng cho thuê có sẵn đồ đạc. Đối với tôi, những giọt lệ chóng khô ấy là một biểu hiện không những của một nỗi thất vọng cay đắng nhìn thấy giấc mơ lùi mãi vào tận tương lai xa vời vợi, mà còn là biểu hiện quyền lực của giấc mơ ấy, điều đối với nàng là lẽ sống hơn là một ước mơ.
Và như thế, trong hai năm đầu tiên ấy, chúng tôi sống trong một căn phòng trọ tầm thường, nhưng Emilia đã giữ gìn, chăm chút cho nó được trật tự, ngăn nắp, sáng ngời và sạch sẽ làm sao! Rõ ràng là nàng muốn tự đánh lừa mình bằng cách tin rằng nàng có một cái nhà riêng cho mình, và bằng cách nâng niu cái mớ soong chảo tồi tàn mượn của bà chủ trọ như thể muốn truyền vào chúng tấm lòng say mê công việc nội trợ của mình.
Khi nào cũng có hoa cắm trong chiếc lọ con trên bàn giấy của tôi, các giấy tờ của tôi luôn luôn được sắp đặt với một vẻ ngăn nắp đáng yêu như luôn mời gọi tôi ngồi vào bàn làm việc và đảm bảo cho tôi luôn được yên tĩnh, không bị quấy rầy, bộ đồ trà luôn sẵn sàng trên một chiếc bàn con có phủ khăn bàn với một hộp bánh quy dòn, không bao giờ có một chiếc áo lót hay một vật gì chướng mắt như thế vương vãi đâu đo không đúng chỗ,trên sàn nhà hoặc trên lưng ghế, chẳng hạn, như thường thấy ở những nơi ăn ở chật hẹp, tạm bợ tương tự. Thường sau khi cô gái giúp việc đã lau qua căn phòng, thế nào Emilia cũng lau lại một lần thứ hai, tỉ mỉ, kỹ lưỡng, đến nỗi tất cả những vật gì có thể sáng ngời và lóng lánh đều sáng ngời và lóng lánh lên, ngay cả cái nắm đấm bằng đồng nhỏ xiú trên khung cửa sổ hay cái vạch gỗ khó thấy nhất trên sàn nhà, đêm đến, nàng cương quyết sửa sọan lấy giường ngủ, không cần đến sự trợ giúp của cô hầu gái, đặt chiếc áo ngủ bằng vải mỏng của nàng một bên, bộ đồ ngủ của tôi ở bên kia, cẩn thận kéo các tấm trải giường xuống, sắp lại cho ngay chiếc gối đôi, sáng ra, nàng thường dậy trước tôi, xuống bếp của bà chủ trọ làm bữa ăn sáng, đặt lên khay, tự tay mang lên cho tôi, nàng làm tất cả các công việc ấy một cách lặng lẽ, không lôi kéo sự chú ý của ai, nhưng với một vẻ tập trung, chăm chú, một sự mê say, cuốn hút vào công việc, một đam mê sâu xa không thể hé lộ cho người ngoài thấy được. Tuy nhiên, bất chấp những cố gắng cảm động ấy của nàng, căn phòng trọ vẫn là căn phòng trọ, và cái ảo giác nàng tự tạo lấy cho mình cũng như cho tôi không bao giờ được trọn vẹn, và do đó, thỉnh thoảng, vào những lúc quá mệt hay chán nản, nàng thường than vãn một cách nhẹ nhàng, thật vậy, hoặc hầu như một cách thản nhiên, theo đúng tính cách của nàng, nhưng không bao giờ với vẻ chua chát lộ rõ, mà chỉ hỏi tôi rằng nếp sống qua ngày, hèn mọn này sẽ còn tiếp tục đến khi nào. Tôi biết rõ cái nỗi phiền muộn thật sự đằng sau lời than trách nhẹ nhàng ấy và tôi luôn bận tâm lo lắng với ý nghĩ sớm hay muộn, bằng cách này hay cách khác, tôi phải làm cho nàng mãn nguyện.
Cuối cùng, tôi quyết định mua một căn hộ, không phải vì tôi đã đủ sức để làm việc đó, quả thật tôi vẫn còn chưa có đủ tiền, nhưng bởi vì tôi hiểu Emilia đang đau khổ biết bao, và biết đâu, một ngày nào đó, sự đau khổ ấy sẽ vượt quá sức chịu đựng của nàng. Tôi đã để dành được một khoản tiền nhỏ trong hai năm ấy, cộng vào đó, tôi mới vay thêm được một ít, và như thế, tôi có thể đóng được đợt trả góp đầu tiên. Thế nhưng tôi không có được cái cảm giác mừng vui của một người chồng vừa chuẩn bị được cho vợ một mái ấm, trái lại, tôi cảm thấy lo lắng và đau khổ, bởi vì tôi hiểu không biết được tôi sẽ xoay sở ra sao khi vài tháng sau, đợt đóng tiền lần thứ hai lại đến. Vào lúc đó, quả thật tôi tuyệt vọng đến mức cảm thấy oán hận Emilia với nỗi đam mê không dứt được của nàng. Một cách nào đó, nàng đã buộc tôi phải bước cái bước liều lĩnh và nguy hiểm ấy.
Dầu sao đi nữa, niềm vui cùng cực của Emilia khi tôi báo cho nàng biết vấn đề đã giải quyết xong, và về sau này, những cảm xúc mới mẻ và lạ lùng của ànng khi chúng tôi lần đầu tiên bước vào căn hộ hãy còn trống trơn chưa có đồ đạc đã làm cho tôi phần nào quên đi những phiền muộn của mình. Trước đây tôi có nói rằng đối với Emilia, lòng mê say nhà cửa có nét đặc trưng của lòng đam mê, nay tôi phải nói thêm rằng, vào dịp này, mối nhiệt tình ấy dường như liên quan đến, hoặc hoà lẫn vào tình yêu nhục thể, cứ như thể là c cuối cùng tậu được một căn hộ cho nàng đã làm tôi trở nên không những đáng yêu hơn mà còn, xét về ý nghĩa thể chất, gần gũi và thân mật, say đắm hơn. Chúng tôi đi xem xét căn hộ, và để bắt đầu, Emilia cùng tôi rảo quanh các căn phòng lạnh lẽo, trống trơn. Tôi giải thích cho nàng về công dụng của từng phòng và chỉ cho nàng cách sắp xếp đồ đạc theo ý tôi. Cuối cùng, tôi bước đến bên một cái cửa sổ với ý định mở ra và chỉ cho nàng xem quang cảnh bên ngoài mà, có lẽ nàng rất thích, Emilia đến gần bên tôi, tựa sát toàn thân vào người tôi, thì thầm bảo tôi hãy hôn nàng. Đây là điều hoàn toàn mới mẻ đối với nàng, vốn xưa nay kín đáo và hầu như hay e thẹn trong những biểu hiện của tình yêu.
Kích thích bởi những điều lạ này, và cũng bởi giọng nói của nàng, tôi hôn nàng như nàng muốn, và trong suốt thời gian nụ hôn kéo dài – một trong những nụ hôn cuồng nhiệt nhất, say đắm nhất mà chúng tôi đã từng trao cho nhau – tôi cảm thấy càng lúc nàng càng dán chặt thân người vào tôi, như mời gọi tôi, và đọan, một cách cuồng nhiệt, nàng giật toang chiếc váy, mở khuy áo sơ mi, và cọ bụng nàng vào bụng tôi. Nụ hôn chấm dứt, bằng một giọng nói trầm nhẹ như hơi thở êm ái, ngọt ngào, nàng thì thào vào tai tôi – hay dường như như thế - bảo tôi hãy yêu nàng và cùng lúc, với tất cả sức nặng của thân người, nàng kéo tôi ngã xuống sàn nhà. Chúng tôi làm tình ngay trên sàn nhà, trên những phiến gạch lát bụi bặm, bên dưới chiếc cửa sổ tôi vừa định mở ra. Trong cơn ân ái cuồng nhiệt đến thế, tôi không những nhận ra được tình yêu nàng dành cho tôi, mà đặc biệt hơn nhiều, còn ý thức được sự tuôn tràn của lòng đam mê của nàng đối với nhà ở biểu hiện một cách tự nhiên và bất ngờ qua con đường tình yêu nhục thể.
Trong cuộc yêu đương ấy, diễn ra ngay trên sàn nhà nhơ nhớp, trong ánh sáng mờ nhạt của căn hộ trống rỗng, nàng đã tự hiến dâng, không phải cho chồng nàng mà cho kẻ đã ban cho nàng ngôi nhà. Và những căn phòng trần trụi, âm vang tiếng động ấy với mùi sơn và thạch cao mới đã khuấy động lên được điều gì đó trong tận thâm sâu của lòng nàng, mà không một lần mơn trớn âu yếm nào của tôi cho đến nay có đủ sức khơi dậy được.
Từ lần viếng thăm căn hộ trống ấy cho tới ngày chúng tôi dọn đến, hai tháng đã trôi qua. Trong khoảng thời gian ấy, mọi hợp đồng cần thiết đã được hoàn tất, tất cả đều đứng tên Emilia, bởi vì tôi biết rằng điều đó làm nàng vui thích. Trong khi đó, chúng tôi cùng nhau đi nhặt nhạnh số đồ đạc ít ỏi mà với khả năng rất eo hẹp, tôi có thể sắm được. Cùng lúc, khi cảm giác mãn nguyện đầu tiên đã qua đi, tôi cảm thấy, như đã nói ở trên, cực kỳ lo ngại cho tương lai, và có lúc thật sự tuyệt vọng. Thật tình mà nói, hiện nay tôi đang kiếm được tiền, đủ để chúng tôi sống một cách giản dị, và ngay cả chúng tôi cũng có để dành được ít xu, nhưng rõ ràng những khoản tiền tiết kiệm ít ỏi ấy không đủ để trả tiền đợt đến cho căn hộ. Sự tuyệt vọng của tôi lại càng sâu đậm hơn vì tôi không thể giãi bày cùng Emilia để khuây khoả bớt đi, tôi hoàn toàn không muốn làm hỏng niềm vui của nàng. Bây giờ, tôi hồi tưởng lại thời gian ấy như một giai đoạn đầy lo âu, và theo một cách nào đó, đã làm giảm bớt tình yêu của tôi đối với Emilia. Tôi thật không thể không nhận thấy rằng nàng chẳng hề bận tâm tìm hiểu làm sao tôi có thể kiếm ra được nhiều tiền như thế, mặc dù nàng biết rất rõ hoàn cảnh của chúng tôi. Điều này hơi có vẻ lạ lùng đối với tôi và đã lắm khi làm tôi hầu như cảm thấy tức giận. Dạo này, Emilia luôn bận tíu tít và hớn hở, không còn nghì đến điều gì khác ngoài việc đi rảo quanh các cửa tiệm, lùng kiếm đồ đạc để bày biện trong căn hộ, và hằng ngày, với cái giọng bình thản nhất, báo cho tôi biết một thứ gì đó nàng vừa mua được. Tôi tự hỏi không biết làm sao mà Emilia, vốn yêu tôi biết bao, lại không đoán ra được những lo âu độc địa đang dày vò tôi, nhưng tôi lại nghĩ rằng nàng cho rằng một khi tôi đã kiếm đủ tiền để mua căn hộ, tất nhiên tôi cũng xoay đủ tiền để mua những thứ cần thiết khác.
Vào giai đoạn ấy, tôi hoang mang bối rối đến mức ngay cả hình ảnh tôi tự tạo dựng lấy về mình cũng thay đổi theo. Cho đến lúc ấy, tôi vẫn tự cho mình là một kẻ trí thức, một nhà văn kịch trường – tôi muốn nói "nghệ thuật kịch trường" – mà tôi mê say và tự cảm thấy có một thiên hướng tự nhiên ràng buộc tôi vào. Cái hình ảnh "tinh thần" ấy – như tôi có thể gọi như thế - cũng có ảnh hưởng đến cái hình ảnh "thể chất". Tôi tự hìnhd dung là một chàng trai trẻ mà dáng mảnh khảnh, đôi mắt cận thị, vẻ bồn chồn, nét mặt xanh xao và trang phục chểnh mảng là những dự báo cho những vinh quang trong văn nghiệp mà số mệnh đã dành cho tôi.
Nhưng vào lúc đó, dưới sức ép của những lo âu dằn vặt luôn dày vò cắn xé tôi, hình ảnh đầy hứa hẹn và hào nhoáng ấy đã nhường chỗ cho một hình ảnh khác hẳn, hình ảnh của một kẻ cùng khốn đang vùng vẫy trong một cái bẫy đáng nguyền rủa, kẻ cùng khốn ấy, vì quá yêu vợ, đã tự vắt kiệt hết sức lực của mình và lâm vào cảnh phải vật lộn, có trời biết khi nào mới thôi với những công việc khổ sai hèn mọn của cái nghèo. Tôi cũng tự cảm thấy thay đổi cả về ngoại hình, tôi không còn là một thiên tài trẻ tuổi và chưa được ai biết đến của nghệ thuật kịch trường, tôi chỉ là một tay nhà báo chết đói, tay cộng tác viên của những tạp chí rẻ tiền và những nhật báo hạng hai, hoặc tệ hơn nữa, là một nhân viên gầy giơ xương của một hãng tư hay một cơ quan nhà nước . Gã đàn ông ấy giấu vợ những lo âu của hắn vì không muốn làm nàng phiền muộn, hắn chạy rông đầu đường, cuối phô tìm kiếm việc làm nhưng thường chỉ hoài công, hắn thường nửa đêm giật mình thức giấc vì chợt nhớ đến những món nợ phải trả. Thật tình, hắn chẳng nghĩ đến hoặc thấy cái gì khác ngoài tiền. Ấy là một hình ảnh đầy xúc động, nhưng thiếu phần vẻ vang và tư cách, hình ảnh của một nhân vật đau khổ ước lệ của văn học, mà tôi căm ghét, vì sợ rằng, một cách chậm rãi và vô tình, cùng với năm tháng trôi qau, cuối cùng tôi sẽ không tránh khỏi giống hệt nhân vật ấy, dù tôi không mong muốn tí nào. Nhưng vấn đề là thế này: tôi đã không lấy một người phụ nữ có thể hiểu và chia sẻ những tư tưởng, sở thích, cũng như những tham vọng của tôi, ngược lại, vì say mê sắc đẹp của nàng, tôi đã lấy một cô đánh máy ít học, mà tâm trí, theo tôi, đầy những thành kiến và tham vọng của tầng lớp xuất thân. Với người vợ thứ nhất, tôi có thể đương đầu với những nỗi long đong của một cuộc đời nghèo túng, trong một căn phòng cho thuê, trong hy vọng có ngày gặt hái được những thành công tất yếu trong nghệ thuật kịch trường, nhưng với người vợ thứ hai, tôi phải cung cấp cho nàng ngôi nhà mơ ước của nàng. Và để trả giá, tôi nghĩ một cách tuyệt vọng đến việc phải từ bỏ, có lẽ vĩnh viễn, những tham vọng văn chương quý giá của mình.
Một nhân tố khác vào lúc đó cũng đã góp phâ`nó làm tăng thêm cảm giác về nỗi thống khổ và sự bất lực của tôi trước những khó khăn của cuộc sống vật chất. Như một thanh sắt bị nung mãi trên lửa, cuối cùng, tôi tự cảm thấy mềm đi, oằn xuống, chất liệu tinh thần của tôi bị nung chảy, oằn xuống dưới sức nặng của những phiền muộn đang đè nặng lên. Tôi không thể nào tránh được cái cảm giác ghen tị với những kẻ không phải gánh chịu những phiền muộn như vậy, những kẻ giàu có và những kẻ được hưởng nhiều đặc ân. Lòng ganh tị này, như tôi nhận thấy, luôn đi kèm với một cảm giác chua chát không hẳn nhắm vào một cá nhân hay một trường hợp cụ thể nào nhưng, trái lại, bao quát hết, như một quan niệm sống. Thật ra, trong những ngày tháng khó khăn ấy, tôi dần dà cảm thấy rằng nỗi tức giận và sự chịu đựng cảnh nghèo hèn của tôi đã biến thành ý thức phản kháng chống lại sự bất công, không phải sự bất công giáng xuống riêng thân phận tôi, nhưng là sự bất công mà những kẻ như tôi phải gánh chịu. Tôi hoàn toàn ý thức được sự biến đổi thần lặng của lòng căm hờn chủ quan của tôi thành những tư tưởng và tâm trạng khách quan, thôi thúc trong nội tâm của tôi, chi phối mọi giao tiếp xã hội của tôi. Tôi cũng nhận thấy trong tôi dần phát sinh mối thiên cảm đối với những đảng phái chính trị tuyên bố chống lại cái xấu xa ô nhục trong xã hội mà tôi xem như phải chịu trách nhiệm về những phiền muộn đang vây bủa tôi, một xã hội – cứ xét theo trường hợp riêng của tôi thì rõ – vốn luôn cứ để mặc cho những đứa con ngoan nhất phải lụn bại dần đi, trong khi lại ưu đãi những đứa tệ hại nhất. Thường thường, và nhất là nơi những người chất phác, kém học hơn, quá trình đó diễn ra trong vô thức, trong chỗ thâm sâu tăm tối của ý thức, nơi mà, bằng một phương thuật huyền bí, lòng ích kỷ được biến thành lòng nhân ái, lòng căm thù biến thành tình yêu, sự sợ hãi biến thành lòng can đảm. Nhưng đối với tôi, vốn quen tự quan sát và nghiên cứu lấy chính mình, toàn bộ sự việc rất là rõ ràng và minh bạch, cứ như là tôi đang quan sát việc đó xảy ra ở một ai khác. Tôi cũng luôn biết rõ rằng mình đang bị đày đoạ bởi những vấn đề vật chất chủ quan và tôi đang biến những động cơ hoàn toàn cá nhân thành lẽ chung của xã hội. Tôi chưa bao giờ mong muốn gia nhập một đảng phái chính trị nào, giống như mọi người ở giai đoạn hậu chiến này, lý do là vì tôi không thể bắt chước nhiều người khác tham gia hoạt động chính trị vì những động cơ riêng tư , tôi chỉ muốn sự tham gia của tôi phải đặt trên cơ sở của niềm tin có tính trí tuệ, điều mà thật tình tôi không có. Do đó, tôi thật sự cáu giận khi cảm thấy những ý tưởng, những buổi chuyện trò, và toàn bộ cung cách ứng xử của tôi đều trôi nổi bềnh bồng trên giòng chảy của những quyền lợi của tôi, chậm chạp thay đổi màu sắc tuỳ theo những khó khăn của từng giai đoạn. Tôi tự nghĩ một cách giận dữ "Hoá ra, như vậy, ta cũng chẳng khác gì mọi người cả, phải chăng vì cái túi rỗng của ta mà ta bắt chước mọi người mơ ước tới sự cải tạo của cả loài người?"
Nhưng đấy chỉ là một cơn giận dữ bất lực, và một ngày nọ, vào lúc tôi đang cảm thấy tuyệt vọng và hoang mang hơn khi nào hết, tôi đã để cho một người bạn mấy lâu nay thường hay lân la bắt chuyện thuyết phục và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Liền ngay sau đó, tôi đã xử sự không phải như một chàng trai trẻ mà thiên tài chưa được thừa nhận nhưng như một tay nhà báo chết đói hay một viên chức gầy giơ xương, một hình ảnh mà tôi sợ đến chết khiếp. Nhưng sự việc đã dĩ lỡ. Tôi đã vào đảng và không còn rút lui được nữa. Khi tôi báo cho Emilia biết bước đi mới mẻ này của tôi, phán xét của nàng thật là đặc trưng "Như vậy, chỉ những người Cộng sản mới giao việc cho anh, những người khác, họ sẽ tẩy chay anh ngay". Tôi không có đủ can đảm để bảo cho nàng biết rằng chắc chắn tôi đã không là một đảng viên Cộng sản nếu tôi đã không mua căn hộ xa xỉ kia để làm nàng vui lòng. Câu chuyện coi như chấm dứt.
Sau cùng thì chúng tôi cũng dọn đến ở căn hộ mới, và đúng ngày hôm sau, bằng một tình cờ tiền định, tôi gặp Battista và, như tôi đã kể ở trên, ngay lập tức được hắn mời tham gia viết kịch bản cho một trong những cuốn phim của hắn. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và vui mừng, tôi nghĩ tôi sẽ viết bốn hoặc năm kịch gì bản, đủ để thanh toán tiền nợ căn hộ, rồi sau đó sẽ toàn tâm toàn ý quay lại với các bài báo, nhất là với các vở kịch yêu dấu của tôi. Cùng lúc, tình yêu của tôi dành cho Emilia đã trở lại, mạnh mẽ hơn bao giờ hết và đôi khi tôi đi đến chỗ tự trách mình với một nỗi niềm ân hận chua xót nhất vì đã nghĩ xấu về nàng và đã phán xét là nàng ích kỷ và vô tình. Cái khoảng khắc trời quang mây tạnh này chỉ có kéo dài một thời gian ngắn ngủi. Hầu như ngay sau đó bầu trời cuộc đời tôi đã bị kéo đầy mây ngay trở lại. Thoạt tiên đó chỉ là một cụm mây nhỏ, nhưng đã nhuôm một màu ảm đạm.