Chương 6
Tác giả: Alberto Moravia
Như vậy tôi bắt đầu sống như một kẻ mang trong mình một mầm bệnh tiềm ẩn mà không dám đến gặp bác sĩ, nói cách khác, tôi cố gắng không suy nghĩ nhiều về thái độ của Emilia đối với tôi hay về công việc của tôi. Tôi biết một ngày nào đó tôi phải đối mặt với vấn đề này, nhưng bởi vì biết rằng điều đó là không tránh được, tôi cố gắng đẩy lùi nó lại, càng xa càng tốt. Chút nghi ngờ mong manh đã làm tôi e ngại và, một cách vô ý thức, sợ hãi những suy nghĩ ấy. Và thế là tôi tiếp tục duy trì mối quan hệ với Emilia theo lối đó, mối quan hệ mà trước đây tôi cho là không chịu đựng được, và bây giờ, khi tôi đang e sợ điều tệ hại nhất, tôi lại cố tự thuyết phục – một cách vô vọng – rằng đó là mối quan hệ rất bình thường: ban ngày là những trao đổi lạnh nhạt, bât chợt, nước đôi, và ban đêm, thỉnh thoảng là những cuộc làm tình, với rất nhiều bối rối và một chút độc ác về phía tôi và dửng dưng, lạnh nhạt về phía nàng. Trong thời gian này, tôi vẫn làm việc cần mẫn, hầu như điên cuồng, mặc dù ngày càng miễn cưỡng và với một nỗi chán chường ngày càng sâu đậm. Nếu tôi có được lòng can đảm để thừa nhận tình hình vào lúc đó, chắc chắn tôi đã từ chối làm việc và chối bỏ tình yêu, bởi vì đối với tôi, cả hai đã mất hết sức sống. Nhưng tôi đã không có được lòng can đảm ấy, và có lẽ, tôi đã tự đánh lừa mình bằng cách tin rằng thời gian sẽ tự dàn xếp ổn thoả mọi chuyện và giải quyết những vấn đề của tôi mà không đòi hỏi một nỗ lực nào nơi tôi. Thời gian quả thật đã giải quyết những vấn đề ấy, nhưng không theo hướng tôi mong muốn. Ngày tháng trôi qua, trong bầu không khí chờ đợi, buồn nản, tẻ ngắt trong đó Emilia luôn tìm cách xa lánh tôi và tôi chỉ muốn xa lánh công việc.
Kịch bản tôi viết cho Battista đã gần kết thúc, và cùng lúc, Battista đề cập đến một công việc mới cho tôi, quan trọng hơn nhiều so với lần trước, và bảo cũng muốn tôi có phần chia chác trong đó. Battista, giống như mọi nhà sản xuất khác, là một người hối hả, ăn nói nước đôi, và những gợi ý thường chỉ ở mức độ như "Này Molteni, xong kịch bản này, là ta bắt tay vào một kịch bản khác liền nhé, một kịch bản quan trọng đấy". Hoặc "Này, Molteni, hãy sẵn sàng nhé, ít hôm nữa, tôi sẽ có một đề nghị cho ông đấy", hoặc, rò ràng hơn "Đừng ký với ai đấy nhé, Molteni, trong nửa tháng nữa, tôi sẽ có một hợp đồng cho ông đấy". Vì vậy, tôi biết rằng sau kịch bản đầu tiên tương đối tầm thường này, Battista sắp dành cho tôi một kịch bản khác quan trọng hơn nhiều, và tất nhiên, tôi sè được trả công hậu hĩnh hơn nhiều. Tôi phải thú nhận rằng, dù càng lúc càng ghê tởm công việc này, điều đầu tiên tôi nghĩ đến, theo bản năng, là căn hộ và số tiền nợ còn lại, và tôi thật sự vui mừng với lời chào mời của Battista. Nói chung, công việc của giới làm phim là như vậy; ngay cả khi ta không yêu công việc, mọi đề nghị mới đều thú vị và nếu không có đề nghị nào, ta lại cảm thấy hoang mang và e sợ rằng mình đã bị gạt ra.
Nhưng tôi không nói gì với Emilia về đề nghị mới này của Battista, do hai lý do: thứ nhất, tôi chưa biết tôi sẽ có nhận đề nghị đó hay không, thứ hai, tôi biết rằng Emilia chẳng hề quan tâm tới công việc của tôi và tôi thích không nói điều đó với nàng hơn là lại nhận được sự lạnh nhạt, thờ ơ của nàng, điều mà, một cách mâu thuẫn, tôi vẫn khăng khăng cho là không có gì quan trọng. Tôi mơ hồ cảm thấy hai điều này có liên hệ với nhau: tôi chưa dứt khóat nhận lời với Battista rõ rằng là vì tôi tin rằng Emilia không còn yêu tôi nữa, trái lại, nếu nàng yêu tôi, tôi đã nói cho nàng biết công việc đó, và nói cho nàng biết tức là thật sự chấp nhận công việc.
Một buổi sáng, tôi đi gặp tay đạo diễn cùng làm chung kịch bản đầu tiên tôi viết cho Battista. Tôi biết hôm nay là lần cuối tôi đến đây, vì chỉ còn vài trang cuối nữa, ý tưởng này làm tôi sung sướng, cuối cùng thì công việc nặng nề này sắp chấm dứt và tôi lại sắp trở thành ông chủ của chính mình, ít ra trong chiều nay. Vả lại – điều này cũng thường xảy ra – hai tháng chúi mũi vào công việc đã làm tôi chán ngấy đến tận cổ các nhân với và cốt truyện phim. Tôi biết rằng tôi lại sắp phải xáp chiến với một lũ nhân vật khác, với một cốt truyện khác, không kém phần quay quắt, nhưng lúc này, tôi sắp thoát ra khỏi tay lũ thứ nhất và cái viễn cảnh đó là một điều khuây khoả đáng kể.
Lòng hy vọng sắp được giải thoát làm cho sáng hôm nay tôi có hứng khởi làm việc trong suốt, đầy sáng tạo một cách khác thường. Để hoàn tất kịch bản, còn hai, ba điểm không quan trọng lắm cần phải đẽo gọt lại, tuy nhiên, để giải quyết chúng, chúng tôi do dự đến mấy ngày. Nhưng, trong trào dâng của cảm hứng, tôi đã thành công dẫn dắt cuộc tranh luận theo đúng hướng, và tuần tự giải quyết những khó khăn lớn nhất. Vì vậy, chỉ sau vài giờ làm việc, chúng tôi biết rằng kịch bản đã thực sự hoàn thành. Và cuối cùng, giống như một mục tiêu, mấy lâu nay tưởng chừng vô vọng, không đạt đến được, bỗng hiện ra sau một khúc quanh, tôi hạ bút viết một câu trong lời thoại, và bỗng ngạc nhiên la lớn "Kìa, chúng ta chấm dứt ở đây được rồi!" Gã đạo diễn, lúc bấy giờ đang đi đi lại lại trong phòng chờ tôi viết, tiến lại bên tôi, nhìn qua vai tôi và thốt lên, giọng đầy ngạc nhiên, hầu như sửng sốt "Ông nói đúng, chúng ta có thể chấm dứt ở đó được rồi1" Vậy là tôi viết cái từ "HẾT" vào cuối trang giấy, xếp cuốn vở lại và đứng lên.
Trong một hồi lâu, chúng tôi không nói gì nhưng cùng nhìn lên trên bàn viết, nơi để chiếc cặp bây giờ đã đóng lại, trong đó có tập kịch bản nay đã hoàn tất, trông như hai người leo núi mệt đứt hơi đứng nhìn cái hồ nhỏ hay mỏm đá đã làm cho họ tốn biết bao công sức mới lên đến nơi được. Đoạn gã đạo diễn thốt lên "Thế là đã xong!"
"Vâng" tôi nhắc lại "thế là xong".
Gã đạo diễn này tên là Pasetti, người gầy xương xẩu, tính chi li mẹo mực, bề ngoài trông có vẻ tươm tất, có cái dáng dấp của một nhà toán học tỉ mỉ hoặc một kế toán viên hơn là một nghệ sĩ. Hắn trạc tuổi tôi, nhưng như thường thấy trong công việc viết kịch bản, quan hệ giữa hắn và tôi có kẻ trên người dưới, bởi vì đạo diễn luôn luôn có uy quyền lớn hơn mọi cộng tác viên khác. Sau một lúc, hắn nói tiếp, với cái vẻ vui vẻ lãnh đạm, vụng về rất đặc trưng của hắn "Ricardo ạ, tôi phải nói, đúng, tôi phải nói rằng ông giống một con ngựa đã thuộc đường về chuồng. Tôi đã nghĩ rằng chúng ta cần ít nhất bốn ngày nữa để là1m xong chỗ này, vậy mà bây giờ, chỉ trong hai tiếng đồng hồ, chúng ta đã giải quyết tất. Có phải hình ảnh những xấp bạc sắp lĩnh đã mang lại cảm hứng cho ông đấy chăng?"
Tôi không ghét Pasetti, dù hắn có cái vẻ tầm thường, trì độn đến mức khó tin và giữa hai chúng tôi, đã phát sinh một mối quan hệ đúng mực, hắn, một kẻ nghèo tưởng tượng kém khí lực nhưng biết được những hạn chế của mình, và tính vốn khiêm tốn, còn tôi, một kẻ năng nổ, giàu trí tưởng tượng, nhạy cảm đến mức bệnh hoạn, và đa đoan hệ lụy. Hưởng ứng câu nói đùa của hắn, và bắt chước cái giọng hài hước ấy, tôi đáp "Tất nhiên, ông nói đúng đấy, là vì tiền đấy". Đốt một điếu thuốc, hắn nói tiếp "Nhưng cuộc chơi chưa xong đâu nhé, chúng ta đã làm xong phần chính nhưng vẫn cần phải rà lại toàn bộ đối thoại. Bạn chưa được thảnh thơi tận hưởng vinh quang đâu".
Tôi lại không thể không nhận thấy cái khuôn mặt rỗng tuếch trong lời nói của hắn, và tôi kín đáo liếc nhìn đồng hồ. Đã gần một giờ trưa. Tôi nói "Không sao, tôi xin sẵn sàng phục vụ để chữa lại những chỗ cần thiết".
Hắn lắc đầu, đáp "Tôi biết công việc của tôi. Tôi sẽ bảo Battista giam đợt tiền cuối cùng của ông lại, cho đến khi ông không chịu đựng được nữa mới thôi".
Để thúc đẩy các cộng sự làm việc, điều đáng ngạc nhiên nơi Pasetti là hắn có cái lối riêng của hắn, hài hước mà vẫn quyền uy. Hắn biết vừa khen ngợi vừa khiển trách, vừa tâng bốc vừa chê bai, vừa van nài vừa ép buộc. Và theo đường hướng như vậy, hắn có thể được xem như là một đạo diễn giỏi, vì trong công việc của một người đạo diễn, đến hai phần ba là có một hiểu biết sâu sắc để khiến kẻ khác làm theo mệnh lệnh của mình. Như thường lệ, tôi lại phải van nài hắn "Không, ông cứ nói với ông ta trả đủ cho tôi đi, tôi hứa với ông là sẽ sẵn sàng phục vụ hoàn chỉnh bất cứ đoạn nào ông thấy cần".
"Nhưng ông làm gì với số tiền ấy kia chứ?" hắn hỏi, pha trò một cách vụng về. "Chẳng bao giờ thấy đủ với ông – mà nào thấy ông có nhân tình, nhân ngãi gì đâu, bài bạc cũng không, con cái cũng không…"
"Tôi cần đóng tiền trả góp cho căn hộ" tôi đáp lại một cách nghiêm túc, mắt nhìn xuống, hơi khó chịu về sự tò mò ít tế nhị đó.
"Ông còn phải trả nhiều không?"
"Hầu như toàn bộ số tiền".
"Tôi đánh cá là vợ ông vẫn mè nheo ông cho đến khi ông đòi xong hết món nợ này chứ gì. Tôi như nghe bà ấy bảo: Này Ricardo, nhớ đòi hết chỗ tiền còn lại đấy nhé!"
"Vâng, chính vợ tôi đấy" tôi nói dối "Nhưng ông biết đàn bà mà. Nhà cửa đối với họ là điều cực kỳ quan trọng".
"Tôi thừa biết ra rồi" hắn bắt đầu nói về vợ hắn, vốn giống hắn như đúc, và là người mà hắn xem như một tạo vật kỳ quặc, đỏng đảnh, đồng bóng, tóm lại, một người đàn bà, đúng theo nguyên nghĩa. Tôi tỏ vẻ chăm chú nghe, bụng vẫn nghĩ đến chuyện khác. Cuối cùng, hắn kết luận một cách rất bất ngờ "Mọi việc vẫn tốt đẹp đấy…nhưng tôi biết các nhà viết kịch bản các ông, các ông cùng một rập cả. Vừa nhận xong tiền là các ông biến, khó lòng mà gặp lại các ông. Không, không, tôi sẽ bảo Battista giam tiền của ông lại!"
"Tôi van ông đấy, ông Pasetti ạ, xin ông cứ làm như tôi xin ông đi!"
"Được rồi, để tôi xem lại, nhưng đừng có tin tưởng quá đấy".
Tôi lại liếc trộm đồng hỗ. Tôi đã cho hắn cơ hội để tỏ rõ quyền uy, và cá đã cắn câu, tôi có thể ra về được rồi. Tôi mở lời "Tốt, tôi rằng vui mừng đã hoàn tất công việc này, hay đúng hơn, phần chính của công việc như ông nói. Bây giờ có lẽ tôi ra về được rồi".
Pasetti kêu lên, theo cái cách hào hứng, sôi nổi của hắn "Chưa đâu, chưa đâu. Chúng ta còn phải uống mừng thành công của cuốn phim đã chứ. Phải đấy, bắt buộc đấy. Không phải cứ xong kịch bản là ông có thể rút đep như vậy được đâu!"
Tôi đành bấm bụng trả lời "Nếu chỉ là vài ly thôi, tôi xin đồng ý".
"Vậy thì, mời bạn đi theo lối này. Nhà tôi hẳn rất vui lòng chạm ly cùng chúng ta đấy".
Tôi theo hắn, bước ra khỏi phòng làm việc, đi dọc theo một hành lang dài và hẹp, trần trụi, quét vôi trắng, sực nức mùi nấu nướng và áo quần trẻ em. Hắn đi trước tôi vào phòng khách, gọi với vào "Luisa, Moteni và anh vừa dựng xong kịch bản. Bọn anh định uống mừng thành công của cuốn phim đây".
Bà Pasetti rời chiếc ghế bành đứng lên và bước đến đón chúng tôi. Bà người nhỏ nhắn, đầu khá lớn, hai giải tóc đen mướt đóng khung hai bên khuôn mặt trái xoan, dài và tái nhợt. Đôi mắt bà lớn, màu nhạt, trông có vẻ vô hồn. Đôi mắt ấy chỉ sinh động lên khi có chồng bà bên cạnh; hơn thế nữa, bà không bao giờ rời mắt khỏi khuôn mặt của chồng, cho dù chỉ trong giây lát thôi, y hệt như một con chó quyến luyến chủ. Khi không có chồng bên cạnh, đôi mắt của bà thường nhìn xuống, vẻ khiêm tốn phục tùng. Dáng người mảnh dẻ, bà sinh liền bốn đứa con trong vòng bốn năm. Với vẻ vui cười gượng gạo như mọi khi, Pasetti nói "Hôm nay mình uống rượu mừng. anh đi pha cốc tai đây"
"Đừng pha cho em, Gino" bà Pasetti nói "anh biết là em không uống rượu"
"Cứ uống, em ạ".
Tôi ngồixg một chiếc ghế bành bằng gỗ đánh bóng có phủ vải hoa, trước một lò sưởi bằng gạch đỏ và bà Pasetti ngồi ở một cái ghế tương tự phía bên kia. Khi đưa mắt nhìn quanh, tôi nhận thấy phòng khách này là một bản sao chính xá của chủ nhân nó, với toàn bộ đồ gỗ có bọc vải theo kiểu nông thôn, căn phòng sáng bóng, sạch sẽ và ngăn nắp, nhưng đồng thời, ảm đạm như ngôi nhà một viên kế toán hay thư ký nhà băng tính tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Tôi chẳng có việc gì để làm ngoài việc ngồi nhìn quanh vì bà Pasetti tỏ ra chẳng thiết tha gì đến việc chuyện trò với tôi. Bà ngồi đối diện với tôi, mắt nhìn xuống, hai tay đặt trong lòng, hoàn toàn bất động. Trong lúc đó, Pasetti đi về cuối phòng, đến bên một cái tủ cực kỳ xấu xí, một loại bàn hợp giữa máy thu thanh và quầy rượu, hắn cúi xuống hai lần, làm nổi bật cái dáng khẳng khiu của đôi chân dài, với những cử chỉ cứng ngắc, lấy ra hai chai rượu, một chai vermouth và một chai gin, ba chiếc ly và một bình lắc rượu. Hắn đặt tất cả trên một chiếc khay, mang đến đặt lên chiếc bàn con trước lò sưởi. Tôi nhận thấy cả hai chai rượu đều còn dấu khằn và còn đầy nguyên, rõ ràng chẳng mấy khi Pasetti tự cho phép mình thưởng thức cái món rượu mà hắn sắp pha cho chúng tôi. Cái bình lắc rượu còn mới tinh, sáng ngời. Pasetti bảo là hắn đi kiếm nước đá và bước ra ngoài.
Chúng tôi ngồi im lặng trong một lúc lâu, đoạn, để cho có chuyện nói, tôi lên tiếng "Cuối cùng, chúng tôi cũng hoàn tất kịch bản".
Không ngẩng nhìn lên, bà Pasetti đáp "Vâng, Gino cũng nói thế".
"Tôi tin chắc rằng kịch bản ấy sẽ được dựng thành một phim hay đấy".
"Tôi cũng tin thế, nếu không, Gino đã không nhận lời làm đạo diễn".
"Bà có biết cốt truyện không?"
"Có, Gino có kể cho tôi biết".
"Bà có thích không?"
"Gino thích, vậy, tôi cũng thích chứ"
"Hai ông bà luôn luôn đồng ý với nhau chứ?"
"Gino và tôi ấy à? Vâng, luôn luôn là như vậy".
"Vậy trong hai người, ai là người chỉ huy?"
"Tất nhiên là Gino rồi"
Tôi để ý thấy bà Pasetti cố gò ép để nhắc đến tên Gino mỗi lần mở miệng nói. Tôi nói năng thoải mái và bông lơn bao nhiêu thì bà lại nghiêm trang bấy nhiêu. Đoạn, Pasetti bước vào với xô đá và nói "Bà nhà gọi ông đấy, Ricardo ạ".
Chẳng vì một lý do rõ rệt nào, bỗng dưng tôi cảm thấy tim tôi se lại khi chợt nhớ tới nỗi bất hạnh triền miên của mình. Một cách máy móc, tôi đứng lên và dợm bước ra cửa thì Pasetti nói thêm "Điện thoại ở trong bếp, nhưng nếu muốn, ông có thể nói ở đây cũng được".
Điện thoại nằm trong một chiếc tủ nhỏ bên cạnh lò sưởi. Tôi nhắc ống nghe và nghe giọng Emilia "Em rất tiếc, nhưng trưa nay, anh phải đi ăn đâu đó ở ngoài thôi, em phải về nhà mẹ".
"Nhưng sao em không cho anh biết trước?"
"Em không muốn quấy rầy anh trong lúc anh đang làm việc".
"Được thôi, anh đi ăn ở tiệm vậy".
"Chiều nay chúng mình sẽ gặp nhau lại, anh nhé"
Emilia cúp máy, và tôi bước về lại bên Pasetti. "Ricardo", hắn nói ngay lập tức "Ông không ăn cơm trưa ở nhà phải không?"
"Không, tôi đi ăn tiệm".
"Nào, ở lại dùng bữa với chúng tôi, có gì ăn nấy, tất nhiên, nhưng chúng tôi vui lắm đấy".
Một cảm giác chán chường tràn ngập lòng tôi khi nghĩ đến nỗi phải đi ăn thui thủi một mình ở tiệm, có lẽ vì tôi đang háo hức định thông báo cho Emilia biết về việc vừa hoàn tất kịch bản. Lẽ ra, tôi cũng không nên làm như thế, vì, như đã nói, nàng chẳng hề quan tâm đến những gì tôi làm, nhưng có lẽ điều đó đã từng là thói quen trước đây của tôi. Lời mời của Pasetti làm tôi vui thích và tôi đã nhận lời gần như với lòng biết ơn. Trong lúc đó, Pasetti đã khui hai chai rượu, và với cung cách của một dược sĩ cân đo các liều lượng thuốc men hơn là của một tay sành rượu, hắn rót rượu gin và rượu vermouth vào một cái bình đong rồi mới chuyên hết vào trong cái bình lắc. Bà Pasetti, như thường lệ, không rời mắt khỏi chồng. Sau cùng, khi Pasetti đã lắc kỹ cái món cốc tai ấy, và chuẩn bị rót ra ly, bà nói "Cho em đúng một giọt thôi. Và cả anh nữa, Gino ạ, đừng uống nhiều quá, có hại đấy".
"Nhưng có phải ngày nào cũng hoàn tất một kịch bản đâu?"
Hắn rót đầy hai ly, trong chiếc thứ ba, hắn rót một tí, theo lời yêu cầu của bà vợ. Cả ba chúng tôi cầm ly và nâng lên chúc mừng "Chúc mừng một trăm kịch bản như thế này nữa!" Pasetti nói. Hắn chỉ nhúng môi vào ly rượu rồi đặt lại xuống bàn. Tôi uống một hơi cạn ly của tôi. Bà Pasetti nhấm từng hớp một, đoạn đứng dậy "Tôi phải xuống xem anh bếp cho chúng ta ăn cái gì đây…Xin mạn phép ông"
Bà Pasetti bước ra, Pasetti ngồi vào chiếc ghế phủ vải hoa của vợ và chúng tôi bắt đầu tán gẫu. Hay đúng hơn, chính hắn nói, nhiều nhất là về kịch bản, và tôi lắng nghe, biểu lộ sự tán thưởng bằng vài câu khe khẽ, ít cái gật đầu, và bằng cách uống rượu. Ly của Pasetti luôn còn nguyên, hầu như chưa hết một nửa, phần tôi, tôi đã ba lần cạn ly. Chẳng rõ vì sao, tôi bỗng dưng cảm thấy khốn khổ và tôi uống với hy vọng cơn chếnh choáng sẽ xua tan cái cảm giác ấy đi. Nhưng tửu lượng của tôi vốn cao và món cốc tai của Pasetti quá nhẹ và pha quá nhiều nước. Vì vậy, ba hay bốn ly đó chẳng có hiệu quả gì khác, mà chỉ làm tăng thêm cảm giác đau khổ của tôi. Tôi tự hỏi "Sao ta khốn khổ thế này?" và tôi chợt nhớ ra rằng mối đau đầu tiên mới cách đây không lâu là giọng nói của Emilia tôi vừa nghe qua điện thoại, lạnh lùng, chừng mực, lãnh đạm và nhất là khác biết bao so với cái tên gọi Gino thần bí trong các câu nói của bà Pasetti. Nhưng tôi không thể phân tích một cách cặn kẽ hơn những ý tưởng của tôi vì bà Pasetti đã xuất hiện ở cửa và mời chúng tôi qua phòng ăn.
Phòng ăn của Pasetti cũng giống như văn phòng và phòng khách của hắn, ngăn nắp, rẻ tiền, đồ đạc bằng gỗ đánh bóng đỏm đáng, bộ đồ ăn bằng đất sành tô màu, chai lọ, ly tách bằng thuỷ tinh dày màu xanh, khăn bàn và khăn ăn bằng vải gai không hồ. Chúng tôi ngồi ăn trong căn phòng bé tí mà cái bàn ăn gần như chiếm hết chỗ, đến nỗi mỗi lần bưng thêm món ăn, người hầu gái không tránh khỏi làm phiền người này hoặc người khác. Chúng tôi bắt đầu yên lặng ăn, làm như không quan tâm đến điều đó. Người hầu gái bắt đầu thay các món ăn và, để khơi lại câu chuyện, tôi hỏi Pasetti vài câu về các dự tính tương lai của hắn. Hắn trả lời tôi bằng cái giọng lạnh lùng, tỉ mỉ, nhạt nhẽo như thường lệ. Trong cái giọng nói đó, tính khiêm tốn và trí tưởng tượng nghèo nàn dường như làm hắn phải cân nhắc từng từ ngữ hay từng thay đổi nhỏ nhất của giọng nói. Tôi lại ngồi im, không biết nói gì thêm bởi vì tôi cũng chẳng quan tâm gì đến những dự tính tương lai của Pasetti, hoặc nếu có chăng nữa, thì cái giọng nói tẻ nhạt đều đặn của hắn đủ làm cho tất cả trở nên chán ngắt. Nhưng trong lúc tôi đưa mắt lơ đãng, buồn chán nhìn hết vật này đến vật khác, cái nhìn của tôi bỗng dừng lại nơi khuôn mặt của bà vợ Pasetti, bà ta cũng đang lắng nghe, tay đỡ lấy cằm và đôi mắt, như thường lệ, vẫn dán chặt vào người chồng. Khi nhìn vào khuôn mặt bà, tôi bỗng kinh ngạc về nét biểu lộ qua đôi mắt của bà – tình tứ, cảm động, một pha trộn giữa sự khúm núm thán phục và lòng biết ơn không bờ bến, lòng say đắm về thể chất và vẻ nhút nhát u buồn. Nét biểu lộ ấy làm tôi kinh ngạc, phần nào vì cái cảm xúc đàng sau sự biểu lộ ấy đối với tôi quả thật rất huyền bí. Pasetti vốn nhạt nhẽo, gầy gò, tầm thường đến thế và rõ ràng là thiếu những điểm có thể làm vui lòng một người đàn bà, lại là đối tượng của một sự quan tâm ân cần đến thế. Tôi tự nhủ rằng mọi tên đàn ông cuối cùng đều tìm được người đàn bà đánh giá hắn cao và yêu hắn. Đánh giá những cảm xúc của người khác trên cơ sở những cảm xúc của riêng mình là một sai lầm, và tôi cảm thấy có thiện cảm với bà Pasetti, với lòng tận tuỵ của bà đối với người đàn ông của đời mình và tôi thấy mãn nguyện cho Pasetti là người, như tôi đã nói, đã mang lại cho tôi một tình bạn khá mỉa mai, bất chấp cái tầm thường trong tính cách của hắn. Nhưng bất chợt, khi tôi vừa quay đi nhìn nơi khác, tôi bỗng sững người vì một ý tưởng không biết xuất phát từ đâu, hay đúng hơn, từ một nhận thức rất đột ngột "Trong đôi mắt này là cả một mối tình trọn vẹn của người phụ nữ này cho chồng mình…Hắn ta hài lòng về chính bản thân hắn và về công việc hắn làm, bởi vì vợ hắn yêu hắn. Nhưng với tôi, đã qua từ lâu lắm rồi một nét biểu lộ như thế trong ánh mắt của Emilia. Emilia không yêu tôi, nàng không yêu tôi nữa".
Ý tưởng đó khơi dậy trong tôi một nỗi đau thầm kín, tôi có cảm giác như bị một cú choáng mạnh, đến nỗi mặt tôi nhăn dúm lại và bà Pasetti lo ngại hỏi phải chăng tôi ăn phải một miếng thịt quá dai. Tôi trấn an bà, thịt rất mềm. Trong lúc đó, làm ra vẻ vẫn lắng nghe Pasetti liên tục nói về những dự tính tương lai của hắn, tôi thầm cố gắng phân tích cảm giác đau đớn đầu tiên đó, vừa buốt nhói vừa khó hiểu. Đoạn, tôi chợt hiểu rằng, đã từ một tháng nay, tôi tìm mọi cách tập cho quen với tình huống khó chịu ấy, nhưng thật ra, tôi đã không đạt được ý muốn, tôi không thể sống bên cạnh Emilia đã hết yêu tôi, và với cái công việc mà, vì Emilia không còn yêu tôi nữa, tôi không còn ham thích nữa. Và tôi bất chợt tự nhủ "Ta không thể tiếp tục mãi như thế này, ta cần nghe Emilia giải thích rõ ràng, một lần cho xong hết…Nếu cần thiết, ta sẽ chia tay nàng và bỏ ngang công việc…"
Tuy nhiên mặc dù nghĩ đến những điều đó với một quyết tâm tuyệt vọng, tôi hiểu rằng tôi không thể nào tin tưởng vào những điều đó, trên thực tế, tôi vẫn chưa chịu tin hẳn rằng Emilia không còn yêu tôi nữa, cũng như tôi không có đủ can đảm để xa nàng, bỏ ngang công việc làm phim và trở lại với cuộc sống độc thân thui thủi. Nói cách khác, tôi có cái cảm giác ngờ vực đau đớn hoàn toàn mới lạ khi thấy mình đối mặt với một sự kiện mà trong tâm trí tôi, tôi đã cảm thấy là rất rõ ràng, không còn nghi ngờ gì nữa. Vì sao Emilia không còn yêu tôi nữa và thái độ lạnh nhạt đó của nàng đã dần diễn ra như thế nào? Tình thật, tôi đã có thể tin rằng Emilia không yêu tôi nữa, nhưng tôi không biết tại sao và sự tình đã xảy ra theo những dun dủi nào. Và để biết chắc hoàn toàn, tôi cần được Emilia giải thích cặn kẽ, tôi phải tìm tòi, xem xét. Tôi phải khoắng lưỡi dao điều tra tàn nhẫn vào sâu trong vết thương mấy lâu nay tôi cố tình làm ngơ, xem như không biết đến. Ý tưởng này làm tôi sợ hãi, nhưng tôi hiểu rằng chỉ sau khi đạt đến cái đích chua xót sau cùng ấy của cuộc tìm hiểu, may ra tôi mới có đủ can đảm để chia tay với Emilia, như thoạt tiên, tâm trí não nề của tôi đã thôi thúc.
Trong lúc đó, tôi vẫn tiếp tục ăn, uống và lắng nghe Pasetti nói, nhưng hầu như không biết mình đang làm gì. Cuối cùng, bữa ăn chấm dứt. Chúng tôi quay lại phòng khách, tôi lại phải chịu đựng những thủ tục linh tinh khuôn sáo: cà phê với một hay hai viên đường, ly rượu mùi với lời từ chối chiếu lệ, cuộc chuyện trò vớ vẩn qua giờ. Sau cùng, thấy đã đến lúc có thể cáo từ mà không ra vẻ vội vã quá, tôi đứng dậy. Nhưng chính vào lúc đó, đứa con gái lớn của Pasetti được bà vú ẵm vào chào bố mẹ trước khi đi dạo mát. Đó là một đứa bé tóc đen, da tái xanh với đôi mắt lớn, thuộc loại bé con rất bình thường, như bố mẹ của em vậy. Tôi nhớ lại lúc ngắm nhìn cảnh cô bé chìa má ra để được mẹ hôn, tôi chợt nghĩ "Ta sẽ không bao giờ có được cái hạnh phúc ấy, Emilia và ta sẽ chẳng bao giờ có được một mụn con". Và sau đó, một ý tưởng khác hiện ra càng cay đắng hơn "Cái cảnh này mới hèn hạ, tầm thường làm sao. Ta đang giẫm phải vết chân của những người chồng không được vợ yêu và ganh tị với một cặp vợ chồng rất tầm thường đang nựng nịu con cái…đúng như mọi người chồng tầm thường nào khác ở vào vị trí của ta". Ý tưởng đau đớn đó làm phát sinh trong tôi một cảm giác bực bội trước cảnh âu yếm tôi đang chứng kiến. Một cách đột ngột, tôi lên tiếng cáo từ, Pasetti tiễn tôi ra cửa, miệng cắn chặt chiếc tẩu. Tôi có cảm giác là sự rút lui vội vã của tôi làm vợ chồng hắn ngạc nhiên và bất bình, có lẽ bà mong tôi nán lại để tán thưởng màn biểu lộ tình mẫu tử cảm động của bà.