P 10 - Chương 46
Tác giả: Daniel J. Boorstin
Từ động vật tới con người
Andreas Vesalius (1514-1564) không phải một thiên tài phổ quát, ông luôn luôn chỉ chú tâm vào đề tài chính của mình. Ông sinh ra ngay bên trong tường thành phố Brussels, từ đó có thể nhìn thấy quả đồi nơi các kẻ tử tù bị tra tấn và hành quyết. Hồi còn bé, chắc hẳn ông từng nhìn thấy những thi thể bị bỏ lại trên đồi cho diều hâu rỉa thịt. Cha của ông làm thái y cho vua Charles V và gia đình ông nổi tiếng về nghề thuốc. Khác với Paracelsus, Vesalius được học ở những trường y khoa danh tiếng nhất thời bấy giờ. Ông đậu trung học ở Đại học Louvain năm 1530, rồi đi học ở Đại học Paris, ở đây ông thụ giáo với giáo sư Sylvius, người theo học thuyết của Galen. Khi chiến tranh giữa Pháp và Đế quốc Rôma bùng nổ, Vesalius vì là dân của nước thù địch, nên bị trục xuất khỏi Paris. Trở về Louvain, ông đậu bằng cử nhân y khoa năm 1537, rồi đi đến Padua, là trường y khoa nổi tiếng nhất châu Âu. Tại đây ông dự khóa thi hai ngày và đậu bằng tiến sĩ y khoa hạng giỏi. Chắc hẳn ông rất thông thạo các môn học qui ước, bởi vì ở tuổi 23, chỉ hai ngày sau khi đậu kỳ thi, ông đã được chọn giữ chức khoa trưởng khoa giải phẫu học.
Khi Vesalius đảm nhận chức vụ giáo sư, ông đã đem đến cho khoa giải phẫu một ý nghĩa mới. Vì ông không còn coi nhiệm vụ chính của ông là giảng cách sách giáo khoa của Galen nữa. Khi dạy môn giải phẫu, ông đã thay đổi phương pháp mà các giáo sư khác vẫn dùng. Không giống các giáo sư trước ông, ông không đứng cao trên bục giảng để chứng kiến một nhà phẫu thuật với bàn tay vấy máu đang moi những bộ phận ra khỏi thi thể. Ngược lại, chính Vesalius tự tay mô xẻ thi thể và lấy các cơ quan ra. Để giúp các sinh viên, ông chuẩn bị một số trợ giúp giảng dạy gồm bốn bức vẽ giải phẫu lớn, khá chi tiết để cho sinh viên thấy cấu trúc của thân thể khi không có sẵn thi thể trước mắt. Mỗi bộ phận được dán nhãn tên kỹ thuật riêng. Thêm vào đó là một bộ từ vựng liệt kê tên của các bộ phận bằng tiếng Hi Lạp, La tinh, Ả Rập và Híp Ri.
Chỉ nguyên việc sử dụng các họa đồ cũng đã là điều mới mẻ vào thời ấy rồi. Vào thế kỷ 16, những sách giáo khoa của Galen tuy đã được hiệu đính và biên tập kỹ lưỡng, nhưng vẫn không có hình vẽ. Một số giáo sư giải phẫu hàng đầu thậm chí còn cấm sinh viên sử dụng các hình vẽ, vì họ cho rằng đó không phải những tài liệu chính truyền của Galen.
Sáu Bảng Giải Phẫu (Tabulae Anatomicae Sex, Venice, 1538) của Vesalius là cố gắng đầu tiên để tạo cho những bài giảng của Galen một hình thức cụ thể đập vào mắt. Ngày nay chúng ta thấy ngạc nhiên tại sao một kỹ thuật đơn sơ như thế mà phải phát minh ra. Nhưng nghĩ kỹ chúng ta thấy không phải điều đáng ngạc nhiên. Bởi vì trong nhiều thế kỷ, cả trong những trường y khoa danh tiếng nhất châu Âu mà có môn giải phẫu, thì cơ hội được nhìn thấy các cơ quan bên trong cơ thể con người vẫn rất hiếm hoi.
Sau Sáu Bảng Giải Phẫu, Vesalius vẫn còn cả một quãng đường dài phải đi, bởi vì những bảng của ông đã âm thầm làm bước nhảy vọt từ giải phẫu động vật sang giải phẫu người. Ví dụ, những bảng giải phẫu này cho thấy một rete mirabilie, một “mạng lưới kỳ diệu”, ở hạ não của con người, là nơi mà theo Galen, “hồn sống” của con người biến đổi thành “hồn động vật”. Nhưng trong khi mạng lưới này có trong các loài động bật có móng, thì lại không thấy có trong con người. Những “mạch máu lớn” trong các bảng vẽ của Vesalius thì cũng chỉ có trong các loài có móng. Bảng vẽ hình thù quả tim, các nhánh động mạch, vị trí của thận và hình thù của gan được vẽ bản văn giáo khoa của Galen là của một con vượn chứ không phải con người.
Vesalius đã lợi dụng mọi cơ hội, hợp pháp cũng như bất hợp pháp, để cơ thể thu thập những mẫu cơ thể người cho việc giải phẫu của mình. Bằng nhiều cách, ông đã có được một bộ xương người ở Louvain. Về sau, ông đã quen với một thẩm phán ở tòa đại hình quan tâm tới công trình nghiên cứu của ông và vị thẩm phán này đã chấp nhận cho ông xác của những tử tội bị hành quyết. Không những thế, ông này còn có thể hoãn giờ hành quyết để Vesalius có thể sẵn sàng khi hành quyết xong là có ngay xác để mổ lúc còn tươi.
Trong khi giảng giải theo sách giáo khoa của Galen, Vesalius đã nhận thấy quá nhiều chỗ Galen mô tả về cơ thể người nhưng thực ra là cơ thể động vật. Ông dễ dàng đi đến kết luận là khoa giải phẫu “người” của Galen thực ra chỉ là một tổng hợp các phát biểu của Galen về động vật nói chung. Vesalius ghi nhận vào năm 1539 như một sự khám phá, “Tôi nghiêm túc suy nghĩ tới khả năng việc phẫu thuật có thể được dùng để kiểm chứng lý thuyết”. Thế là ông quyết định soạn một bộ sách giải phẫu mới hoàn toàn dựa trên những quan sát của ông về cơ thể người.
Những nghiên cứu giải phẫu học của ông đạt tới chóp đỉnh trong cuốn sách đã mang lại danh tiếng cho ông trên khắp châu Âu. Đó là cuốn Cấu Trúc Cơ Thể Người (De Humanis Corporis Fabrica) thường được gọi tắt là Fabrica, một cuốn sách in khổ lớn rất đẹp dày 663 trang, xuất bản tháng 8 năm 1543, cùng năm với cuốn De Revolutionibus của Copernic. Tựa đề của Vesalius De Humanis Corporis Fabrica cho thấy ông quan tâm cả về cấu trúc lẫn chức năng.
Chỉ trong vòng một nửa thế kỷ, giải phẫu học của Vesalius đã giữ ưu thế tại các trường y khoa ở châu Âu. Việc nghiên cứu giải phẫu học ở phương Tây sẽ không bao giờ còn như cũ nữa. Những gì ông nói về quả tim hay bộ não không quan trọng cho bằng con đường mà ông đã mở ra cho các sinh viên tương lai để học về mọi cơ quan của cơ thể con người. Phê bình Galen mà thôi không đủ. Cần phải có sự say mê mới trong việc thực hành giải phẫu so sánh thật nhiều. Không có cách nào khác để người thầy thuốc có thể chắc chắn mình không mô tả những điều bất bình thường.
Sau khi xuất bản Fabrica, Vesalius tuy còn trẻ nhưng đã đột ngột rời bỏ công việc nghiên cứu giải phẫu để chuyển sang hành nghề bác sĩ và được chọn làm bác sĩ cho triều đình vua Charles V. Vì sự phóng túng và say sưa là những tật thường xuyên ở triều đình, nên Vesalius trở nên quan tâm tới các bệnh về mật, các rối loạn dạ dày tá tràng và các chứng bệnh mãn tính, là những chứng phổ biến trong hoàng cung. Ông còn sống thêm 20 năm nữa, nhưng ông đã hoàn thành công trình của mình trước đó rồi.