P 13 - Chương 60
Tác giả: Daniel J. Boorstin
Xã hội
Người cô độc thiếu thốn tình bạn - Paul Valery (1927).
"Người ta phải khám phá ra lịch sử trước khi có thể khai thác nó. Những thông điệp của quá khứ đến với ta trước tiên qua những nghệ thuật của trí nhớ, rồi qua chữ viết và sau cùng, bùng nổ qua sách in. Kho di tích không thể nghi ngờ của trái đất trở thành cái gì vượt hẳn ra ngoài một kho huyền thoại hay một sổ liệt kê những điều đã biết. Các thế giới mới trên bộ và trên biển mở ra những viễn tưởng về sự tiến bộ và sự mới mẻ. Xã hội, đời sống hàng ngày của con người trong cộng đồng, đã trở thành một khung cảnh để khám phá những cái mới mẻ và đa dạng".
Mở rộng những cộng đồng tri thức
… xây dựng một thư viện mà ranh giới của nó là cả thế giới - Erasmus, cách ngôn (1508).
Những thuật giúp trí nhớ đã bị mất
Trước khi có sách in, trí nhớ đã chi phối đời sống và kho tàng tri thức bí truyền và hoàn toàn xứng đáng với cái tên được đặt cho ngành in sau này, là “nghệ thuật bảo tồn mọi nghệ thuật” (ars artium omnium conservatrix). Trí nhớ của cá nhân và cộng đồng đã chuyển tải tri thức qua thời gian và không gian. Suốt nhiều thiên niên kỷ, trí nhớ của cá nhân đã thống trị việc giải trí và thông tin, sự bảo tồn và hoàn thiện các nghề thủ công, sự thực hành thương mại và các ngành nghề. Nhờ trí nhớ và trong trí nhớ, kết quả của việc giáo dục được thu hoạch, bảo tồn và lưu giữ. Trí nhớ là một khả năng kinh ngạc mà mọi người phải luyện tập, bằng những cách thức và vì những lý do mà chúng ta đã quên mất từ lâu.
Người Hi Lạp thời cổ đại đã mặc vào cho trí nhớ một hình dáng thần thoại. Nữ thần Trí nhớ (Mnemosyne) là một người Titan, con gái thần uranus (Trời) và Gaea (Đất) và là mẹ của tất cả chín Nghệ nữ (Muses). Theo truyền thuyết, chín chị em Nghệ nữ này là Nữ thần Thi ca (Calliope), Lịch sử (Clio), chơi Sáo (Enterpe), Kịch nghệ (Melpomene), Khiêu vũ (Terpischore), chơi Đàn (erato), Thánh ca (Polythymnia), Thiên văn (urania) và Hài kịch (Thalia). Khi chín cô công chúa của vua Pierus thách đố chín nữ thần này về ca hát, các cô đã bị hóa thành những con chim ác là, chỉ biết lặp đi lặp lại những âm thanh đơn điệu nhàm chán.
Mọi người đều cần đến nghệ thuật Trí nhớ và cũng giống như các nghệ thuật khác, Trí nhớ có thể luyện tập. Khả năng trí nhớ có thể được hoàn thiện và những người giỏi trí nhớ đều được ca tụng. Chỉ tới thời đại gần đây, việc “luyện trí nhớ” mới bị người ta khinh bỉ và trở thành một bửu bối của các tay lang băm. Các nghệ thuật giúp trí nhớ truyền thống đã phát triển tại châu Âu suốt nhiều thế kỷ, theo những tài liệu rất hấp dẫn được sử gia Frances A. Yates ghi lại.
Người phát minh ra nghệ thuật giúp trí nhớ có lẽ là một thi sĩ trữ tình Hi Lạp tên là Simonides Ceos (khoảng 556-468? Trước CN). Ông cũng là người đầu tiên làm thơ để lấy tiền. Những nguồn gốc này đã được kể lại trong tác phẩm về hùng biện của Cicero, bản thân cũng nổi tiếng về khả năng trí nhớ. Một hôm nhân một bữa tiệc tại nhà của Scopas ở Thessaly, Simonides được thuê tới hát một bản ca trữ tình để ca tụng chủ nhà. Nhưng chỉ một nửa bài thơ của Simonides là ca tụng chủ nhà, còn nửa kia ông dành để ca tụng hai thần sinh đôi Castor và Follux. Scopas tức giận đã quyết định chỉ trả nhà thơ một nửa số tiền đã thỏa thuận. Trong khi nhiều khách mời vẫn còn đang dùng tiệc, người ta nhắn cho Simonides rằng có hai thanh niên đang ở ngoài muốn ông đi ra ngoài. Khi ra ngoài, ông không thấy ai cả. Những người bí mật đó dĩ nhiên là hai thần Castor và Pollux, họ đã có cách của mình để trả công cho Simonides về phần thơ ca tụng họ. Bởi vì ngay lúc Simonides rời bàn tiệc để ra ngoài, mái nhà đã sập xuống và chôn vùi tất cả những khách dự tiệc khác. Khi thân nhân đến kiếm xác những người thân để chôn cất, họ không thể nhận diện được những người chết. Thế là Simonides đã dùng trí nhớ tài tình của mình để chỉ cho những người thân đang than khóc biết xác nào là người nào. Ông làm được điều này nhờ nhớ lại chỗ mà mỗi người đã ngồi khi ăn tiệc. Thế là nhờ biết được chỗ ngồi mà ông nhận diện được các xác chết.
Chính kinh nghiệm này đã gợi ý cho Simonides thuật giúp trí nhớ cổ điển nhờ đó ông được tiếng là người phát minh ra thuật giúp trí nhớ. Cicero là người đã coi trí nhớ như là một trong năm phần chính yếu của tài hùng biện, đã cắt nghĩa điều Simonides đã làm.
Ông suy luận rằng những ai muốn luyện tập khả năng này phải chọn ra những chỗ và tạo những hình ảnh trong trí khôn mà họ muốn nhớ lại rồi cất giữ những hình ảnh này vào các chỗ, để cho thứ tự của những chỗ này sẽ mô tả chính sự vật và chúng ta sẽ dùng những chỗ và những hình ảnh tương ứng như một tấm bảng bằng sáp và những chữ được viết trên đó.
Thuật trí nhớ của Simonides đã được người châu Âu thời Trung cổ tuân theo, dựa trên hai khái niệm đơn giản là chỗ và hình ảnh. Những khái niệm này là những thuật giúp trí nhớ vững bền cho các nhà hùng biện, triết gia và khoa học gia châu Âu.
Một tiểu luận (khoảng 86-82 trước CN) có tên là Ad Herrenium của một thầy dạy hùng biện người Rôma đã trở thành một sách giáo khoa chuẩn và được ưa chuộng đặc biệt vì có người nghĩ là do Cicero viết ra. Quintilian (khoảng 35-95 C.N), cũng người Rôma, một tác giả lớn khác về hùng biện, đã biến những quy luật giúp trí nhớ trở thành cổ điển. Ông mô tả kỹ thuật “kiến trúc” để khắc ghi vào trí nhớ một chuỗi những vị trí. Hãy nghĩ đến một tòa nhà lớn với rất nhiều phòng, Quintilian nói và hãy đi qua các phòng đồng thời nhớ lại tất cả những đồ trang trí và đồ dùng trong trí tưởng tượng của bạn. Rồi hãy tạo cho mỗi ý tưởng cần nhớ một hình ảnh và khi bạn đi trở lại các phòng, đến đâu thì hãy để lại từng ý tưởng theo thứ tự này trong trí tưởng tượng của bạn. Ví dụ, nếu bạn tưởng tượng một thanh kiếm trong phòng khách, một cái neo tàu trong phòng ăn, về sau bạn sẽ nhớ bạn phải nói trước tiên về chiến tranh, rồi về hải quân… Phương pháp này ngày nay vẫn đang được sử dụng rất hiệu quả.
Vào thời trung cổ, các biệt ngữ kỹ thuật đã được khai triển dựa trên sự phân biệt cơ bản giữa trí nhớ “tự nhiên” do bẩm sinh mà chúng ta có được không phải do tập luyện và trí nhớ “nhân tạo”, mà do chúng ta có thể phát triển.
Có những thuật ngữ khác nhau để nhớ các sự vật và các từ. Và có những quan niệm khác nhau về địa điểm mà người sinh viên phải ở trong khi luyện trí nhớ và những chỗ nào là tốt nhất để làm nơi chứa các chỗ và các hình ảnh để nhớ. Một số thầy giáo khuyên học sinh tìm một nơi yên tĩnh vì ở đó những ấn tượng trong trí của họ về những nơi để nhớ không bị yếu đi bởi tiếng ồn và những người đi lại xung quanh. Và tất nhiên một người giỏi quan sát và đi lại nhiều sẽ có khả năng nhiều hơn để tạo ra cho mình những chỗ trí nhớ. Thời ấy, người ta có thể thấy những sinh viên hùng biện đi đi lại lại trong một tòa nhà trống, vẻ đăm chiêu tập trung để ghi nhớ hình thù và đồ đạc của mỗi căn phòng để đưa vào trong trí tưởng tượng của họ những chỗ làm nơi lưu giữ trí nhớ.
Người ta kể rằng Seneca (55 trước C.N - 37 C. N), một thầy dạy hùng biện nổi tiếng, có tài lặp lại những bài diễn văn dài mà ông chỉ nghe một lần nhiều năm trước. Ông thường gây ấn tượng cho học sinh khi yêu cầu mỗi người trong số hai trăm học sinh trong lớp đọc lên một câu thơ, rồi ông sẽ đọc lại tất cả các câu thơ của họ theo thứ tự từ câu cuối tới câu đầu. Thánh Augustine, cũng là một bậc thầy hùng biện, đã kể lại sự thán phục của ông đối với một người bạn có khả năng đọc thuộc toàn tác phẩm bằng thời của Virgil - từ câu cuối ngược lên câu đầu.
Những điều tài tình và những xảo thuật của trí nhớ “nhân tạo” rất được ca ngợi. Aeschylus nói, “Trí nhớ là mẹ của sự khôn ngoan”. Và Cicero cũng nói, “Trí nhờ là kho báu và người giữ gìn mọi sự”. Vào thời vàng son của trí nhớ, trước khi ngành in phát triển, khả năng trí nhớ cao là một nhu cầu đối với những người diễn kịch, thi sĩ, ca sĩ, thầy thuốc, luật sư và linh mục.
Những kiệt tác trữ tình ca đầu tiên của châu Âu đã được tạo ra nhờ việc truyền khẩu, nghĩa là nhờ sự lưu trữ của trí nhớ. Tác phẩm Illiad và Odyssey đã được lưu truyền bằng miệng mà không cần dùng chữ viết. Homer gọi thi sĩ là “ca sĩ” (aoidos). Và các ca sĩ trước thời Homer hình như chỉ hát một bài thơ duy nhất, ngắn vừa đủ để hát cho một cử tọa vào một dịp nào đó. Tập tục này còn tồn tại ở nước Serbia Hồi giáo, mà học giả người Mỹ Milman Parry mô tả, có lẽ gần với thói quen của thời Homer cổ đại. Theo ông, lúc đầu độ dài của bài thơ được giới hạn vào sự kiên nhẫn của thính giả và khả năng trí nhớ của ca sĩ. Nhưng dần dần một ca sĩ kiểu Homer có khả năng kết hợp những bài hát dài hàng giờ để thành những bản trường ca với một mục đích to lớn hơn, một đề tài rộng hơn và một cấu trúc phức tạp hơn.
Các sách thủ bản thời xưa ở vùng Địa Trung Hải được viết trên những tờ chỉ thảo được dán chung rồi cuộn lại. Mỗi lần mở sách ra rất bất tiện và mở nhiều lần sẽ làm rách mất những phần chữ viết trên sách. Vì các trang giấy không được đánh số, nên rất khó trích dẫn và vì thế người ta phải nhờ đến trí nhớ.
Luật pháp cũng được giữ lại bằng trí nhớ trước khi nó được ghi thành văn bản. Trí nhớ tập thể của cộng đồng chính là kho lưu trữ văn bản pháp lý đầu tiên của nhân loại. Các nghi thức tôn giáo cũng được lưu giữ bằng trí nhớ và các giáo sĩ là những người gìn giữ đặc biệt. Các nghi lễ và kinh nguyện tôn giáo thường lặp đi lặp lại cũng là một cách để giúp cộng đồng nhớ và thuộc lòng.
Cho tới khi máy in xuất hiện, các kỹ thuật luyện trí nhớ đã phát triển thành vô số những hệ thống khác nhau. Sau Gutenberg, những lãnh vực của đời sống trước đây được chi phối bởi trí nhớ nay được chi phối bởi sách in. Vào cuối thời trung cổ, với một thiểu số người trí thức, các sách thủ bản đã trở thành một dụng cụ hỗ trợ và đôi khi thay thế cho trí nhớ. Nhưng sách in đã trở thành dễ mang hơn, chính xác hơn, tiện tra cứu hơn và tất nhiên phổ cập hơn. Bất cứ gì được một tác giả viết ra, in thành sách, thì cũng được biết đến bởi các thợ in, các người đọc bản bông và bất cứ ai đọc được sách. Giờ đây người ta có thể tham chiếu những luật văn phạm, những bài diễn văn của Cicero, những bản văn thần học, những văn kiện pháp lý và luân lý, mà không cần nhớ trong đầu óc mình. Sách in sẽ là một kho chứa mới của trí nhớ, cao gấp vô vàn lần kho trí nhớ vô hình trong đầu óc mỗi người.
Với sự xuất hiện của máy in, người ta bắt đầu nhìn thấy sự tàn lụi dần của trí nhớ. Năm 1580 Montaigne tuyên bố rằng “một trí nhớ tốt thường đi đôi với một phán đoán kém”. Và các nhà bình luận chua thêm, “Không gì phổ biến cho bằng một thằng ngốc với một trí nhớ mạnh”.
Trong những thế kỷ sau khi có máy in, sự quan tâm của người ta đã chuyển từ kỹ thuật trí nhớ sang tính bệnh học của nó. Vào cuối thế kỷ 20, sự quan tâm về trí nhớ đã được thay thế bởi sự quan tâm đến chứng mất ngôn ngữ, chứng hay quên, chứng cuồng loạn, sự thôi miên và tất nhiên, tâm phân học. Sự quan tâm sư phạm về nghệ thuật giúp trí nhớ được thay thế bằng sự quan tâm về nghệ thuật học tập, ngày càng được mô tả như một tiến trình xã hội.
Và cùng với sự kiện này là một sự quan tâm đổi mới về các nghệ thuật quên. Khi Simonides đề nghị dạy cho tướng Themistocles của Athen về nghệ thuật nhớ, Cicero kể lại rằng vị tướng này đã từ chối. Ông nói, “Đừng dạy tôi nghệ thuật nhớ, nhưng xin dạy tôi nghệ thuật quên, vì tôi nhớ những điều tôi không muốn nhớ, nhưng tôi không thể quên những điều tôi muốn quên”.
Nghiên cứu về việc quên đã trở thành ranh giới khoa tâm lý học hiện đại, trong đó các qui trình của trí khôn trước tiên được nghiên cứu một cách thực nghiệm và được đo lường. Hermann Ebbinghaus (1850-1909) nhận định, “Tâm lý học đã có từ lâu đời, nhưng lịch sử thực sự của nó thì ngắn”. Ông đã có những thí nghiệm đơn sơ nhưng rất hiệu quả mà William James gọi là “anh hùng”, được mô tả trong Memory: A Contribution to experimental Psychology (1885) (“Trí nhớ: Một đóng góp cho tâm lý học thực nghiệm) và đặt nền móng cho khoa tâm lý học thực nghiệm hiện đại.
Ebbinghaus đã chế ra những nguyên liệu vô nghĩa cho thí nghiệm của ông. Những vần vô nghĩa. Bằng cách lấy bất kỳ hai phụ âm nào và đưa ra một nguyên âm vào giữa, ông chế ra khoảng hai ngàn ba trăm từ dễ nhớ (và dễ quên), rồi đặt chúng thành những chuỗi. Để làm những thí nghiệm này, các vần có lợi thế là không có sự liên tưởng. Trong hai năm, ông tự thí nghiệm trên mình để trắc nghiệm những khả năng ghi nhớ và lặp lại những vần này. Ông ghi lại tỉ mỉ những kết quả, những lần cần thiết để nhớ và những khoảng cách giữa các lần thử. Ông cũng thí nghiệm về việc “học lại”. Các cố gắng của ông sẽ có ít lợi ích nếu ông không có niềm say mê thống kê.
Ebbinghaus hi vọng rằng, không chỉ những nhận thức của cảm giác đơn thuần mà chính những hiện tượng của trí khôn cũng có thể được “thí nghiệm và đo lường”. “Đường cong sự quên” của Ebbinghaus biểu thị sự quên trong tương quan với thời gian. Các kết quả của ông chứng minh rằng hầu hết việc quên xảy ra ngay sau khi “học được”.
Bằng cách bất ngờ này, thế giới nội tại của tư tưởng bắt đầu được vẽ thành đồ thị nhờ những dụng cụ của toán học mới. Nhưng các nhà khám phá khác trong truyền thống Tân Plato vẫn duy trì mối quan tâm tới những bí nhiệm của trí nhớ. Bản thân Ebbinghaus nói rằng ông đã nghiên cứu “sự tái xuất hiện không chủ ý của những hình ảnh trong đầu óc từ bóng tối của trí nhớ ra ánh sáng của ý thức”. Một số nhà tâm lý học khác vẫn cố ý đi sâu vào “bóng tối” của vô thức đó, nhưng dù vậy họ vẫn tuyên bố rằng họ đã phát minh ra một “khoa học” mới.
Các nhà sáng lập khoa tâm lý học mới càng ngày càng quan tâm hơn tới sự quên như là một qui trình của đời sống hàng ngày. Nhà tâm lý học lỗi lạc William James (1842-1910) nhận xét:
Trong việc sử dụng trí khôn cho đời sống thực tiễn hàng ngày, quên là một chức năng cũng quan trọng như là nhớ… Nếu chúng ta nhớ mọi cái, chúng ta sẽ thường cảm thấy khổ sở cũng như chúng ta không nhớ gì hết. Chúng ta sẽ cần một thời gian cũng dài bằng thời gian thực sự trải qua để nhớ về một khoảng thời gian và chúng ta không thể nào suy nghĩ nhanh hơn được. Mọi thời gian nhớ lại đều chịu sự… rút ngắn, và sự rút ngắn này là do sự bỏ sót một số lớn các sự kiện lấp đầy thời gian đó. “Thế nên chúng ta đạt tới kết quả nghịch lý là, theo lời Ông Ribot, “một điều kiện để nhớ là chúng ta phải quên. Nếu không hoàn toàn quên một số rất nhiều các tình trạng ý thức và tạm thời quên một số lớn, chúng ta không thể nhớ được gì…
Trong thế kỷ mà kho kiến thức của loài người và những sự kiện đáng nhớ của cộng đồng được gia tăng, ghi lại và phổ biến nhiều hơn bao giờ hết, cần phải quên đi rất nhiều để giữ cho đầu óc được lành mạnh.
Nhưng điều gì xảy ra cho những ký ức “được quên đi”. Trong thế kỷ 20, phạm vi của trí nhớ lại một lần nữa được biến đổi, được khám phá như một miền bao la của vô thức. Trong cuốn Tâm bệnh lý hàng ngày (1904), Sigmund Freud (1856-1939) bắt đầu hàng ngày ví dụ đơn sơ, như quên những tên riêng, những từ nước ngoài và thứ tự các từ. Nghệ thuật giúp trí nhớ từng làm cho Sigmund Freud nổi danh vừa có những tham vọng khoa học của Simonides vừa có cái hấp dẫn huyền bí của những nhà Tân Plato. Hiển nhiên, người ta luôn luôn kinh ngạc trước những huyền nhiệm của các giấc mơ. Giờ đây Freud khám phá ra thế giới các giấc mơ cũng là một kho báu bí mật chứa đầy những ký ức. Cuốn Giải thích giấc mơ (1900) của Freud cho thấy khoa tâm phân học có thể được dùng như một nghệ thuật và một khoa học của trí nhớ như thế nào.
Những người khác, được gợi hứng bởi Freud còn tìm được thêm nhiều ý nghĩa mới nữa nơi trí nhớ. Trí nhớ ngấm ngầm, hay vô thức, trở thành một nguồn mới cho ngành trị liệu, nhân học và xã hội học. Câu chuyện Oedipus không phải là kinh nghiệm của từng người đó sao? Những ẩn dụ thần thoại của chính Freud nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta được kế thừa nơi tâm hồn những kinh nghiệm tập thể và cổ xưa. Carl Jung (1875-1961) đã phổ biến khái niệm về cái “vô thức tập thể”. Giờ đây, Freud và các học trò cũng như các đối thủ của ông đã tái khám phá, hay có lẽ tái xây dựng lại những thánh đường của trí nhớ.