watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Những phát hiện về vạn vật và con người-P 14 - Chương 69 - tác giả Daniel J. Boorstin Daniel J. Boorstin

Daniel J. Boorstin

P 14 - Chương 69

Tác giả: Daniel J. Boorstin

Khai mở quá khứ

Thái độ của con người có tính mục đích bẩm sinh, vì chỉ con người mới biết hướng dẫn thái độ của mình bằng sự hiểu biết những gì đã xảy ra trước khi họ sinh ra và bằng sự linh cảm về những gì sẽ xảy ra sau khi họ chết, như vậy, chỉ con người tìm ra con đường của mình bằng một ánh sáng chiếu dọi nhiều hơn là dải đất họ đứng trên đó. - P.B.Meawar và J.S.Medawar - Khoa học và Đời sống (1977)

Khai sinh của lịch sử

Các học giả Ấn Độ luôn thắc mắc tại sao nền văn hóa của họ cổ xưa như thế, giàu những công trình điêu khắc và kiến trúc, những tác phẩm văn học thần thoại và lãng mạn như thế, lại thiếu những tác phẩm lịch sử có giá trị phê bình. Một số cho rằng có lẽ những tác phẩm lịch sử Ấn Độ cổ xưa viết bằng tiếng Phạn có thể đã bị hủy diệt hoàn toàn, cũng không hiểu vì lý do gì. Một giải thích khác có thể hợp lý hơn cho rằng chúng không bao giờ tồn tại. Và có nhiều bằng chứng cho lối giải thích này trong ấn giáo và trong quan điểm của giới Bà La Môn.

Ấn giáo là tôn giáo của các chu kỳ. Các tôn giáo thời sau quan tâm tới việc Tạo thành. Họ hỏi thế giới lần đầu tiên đã được hình thành khi nào, thế nào và tại sao và từ đó họ đi tới những suy tư về mục đích của Tạo thành và cứu cánh của con người. Nhưng Ấn giáo thì quan tâm hơn tới Tái sinh. Một quan niệm mới về lịch sử đòi phải có niềm tin vào những hành động duy nhất, sáng tạo và ảnh hưởng tới toàn vũ trụ. Trong khi Ấn giáo có nhiều tài liệu thánh, nó lại không có một Sách Thánh để thuật lại một câu chuyện thực duy nhất.

Kết quả là người ta có cả một cánh rừng bao la các chân lý đa dạng của Ấn giáo, nhưng không có một con đường duy nhất dẫn tới Chân lý. Tính chất mê hoặc của các chu kỳ trong Ấn giáo quyến rũ người tín đồ Ấn giáo vượt qua chu kỳ đắp đổi của các mùa, vượt qua nhịp điệu sinh tử của mỗi người hay mỗi thế hệ, để đi vào một vũ trụ không cùng của những chu kỳ không cùng, những chu kỳ trong chu kỳ rồi lại trong chu kỳ. Chu kỳ cơ bản là kalpa, một “kiếp”, bằng “một ngày của Brahma”, một vị thần sáng tạo trong Tam vị. Mỗi kiếp kéo dài 4.300 triệu năm trái đất. Một “đêm của Brahma” cũng dài bằng ấy. Một “năm của Brahma” gồm 360 ngày đêm như thế và Brahma sống một trăm năm như thế.

Mỗi kiếp đánh dấu một cuộc tái sinh của thế giới. Trong mỗi đêm của kiếp, thế giới lại một lần nữa được nhập vào Brahma để ngày hôm sau tái sinh thành một thế giới mới. Mỗi kiếp gồm 14 tiểu chu kỳ, gọi là manvantara, kéo dài 306,720,000 năm, khi một thần Manu mới được dựng nên và tái tạo lại loài người. Mỗi Manvantara gồm 71 thế đại gọi là mahayugas và cứ một ngàn mahayugas làm thành một kiếp. Mỗi mahayugas gồm có một chu kỳ bốn yuga, lần lượt kéo dài 4,800 “năm”, 3,600 “năm”, 2,400 “năm” và 1,200 “năm”. Mỗi yuga tiếp theo sau sẽ suy đồi về văn minh và luân lý hơn yuga trước, cho tới khi cuối cùng thế giới bị hủy diệt bởi lũ lụt và lửa để chuẩn bị tái sinh sang một chu kỳ mới. Sự thay đổi trên trái đất rất chậm khiến con người không thể nhận ra được.

Tác phẩm lịch sử đáng kể duy nhất còn sót lại của văn học chữ Phạn là cuốn Dòng Sông của các Vua, do thi sĩ người Kashmir tên là Kalhana ở thế kỷ 12, không kể cho chúng ta điều gì về những phần đất khác của ấn Độ và nêu lên bài học đạo đức là con người phải chịu khuất phục những mãnh lực siêu nhiên. Ký Sự Tích Lan là truyện kể về Phật giáo tại Tích Lan. Mối quan tâm chính của những người ấn Độ theo ấn giáo trong quá khứ không phải là sự hưng thịnh và suy đồi của những đế quốc trong lịch sử nhưng là những vị vua của một thời đại thần thoại vàng son. Sự kiện này gây bối rối cho những sử gia hiện đại muốn xác định niên biểu của Ấn Độ trước khi có các ông vua Hồi giáo, vì họ phải xác định nó dựa vào những truyện dân gian, những di tích tản mác đó đây và những bài viết của các du khách ngoại quốc. Các câu truyện tiểu sử rất hiếm. Các vị vua Ấn Độ thời cổ rất xác tín về sự chóng tàn của các công trình của họ khiến họ thường không ghi khắc các thành tựu của họ trên những tượng đài. Sự kiện thiếu các tài liệu lịch sử cho thấy không chỉ sự kiện người ấn cổ quan tâm tới cái siêu nhiên vĩnh cửu, mà còn cho thấy ý thức phổ biến của họ rằng đời sống xã hội là cái gì bất biến và lặp đi lặp lại. Tại nơi mà người ta không thấy có khác biệt giữa quá khứ và tương lai, việc tìm kiếm lịch sử có vẻ là vô ích. Trong một xã hội không nhìn sự thay đổi, thì có gì để cho các sử gia ghi lại? Khi những sự kiện thực được ghi lại, chúng thường được chuyển thành thần thoại để mang lại cho chúng một ý nghĩa phổ quát và vĩnh cửu.

Sau thế kỷ 11, khi những người Hồi giáo đến Ấn Độ, các ghi chép về quá khứ của Ấn Độ nhận được một hình dạng mới. Kinh Koran tuyên bố, “Chúng tôi kể cho các bạn câu chuyện của các vị Tông đồ, để kiện cường tâm hồn các bạn và đem đến cho các bạn Chân lý, một lời động viên và một điều ghi nhớ cho các tín hữu”. Đối với người Hồi giáo, ý nghĩa có trong các biến cố không phải do những gì con người thực hiện được, mà là do những gì Thượng Đế muốn. Lịch sử không phải một tiến trình mà là một sự hoàn thành. Tại Ấn Độ cũng thế, lịch sử Hồi giáo trở thành lịch sử chính thức, được viết để ca tụng vị vua tốt lành. Như một sử gia lớn người Hồi giáo viết về Ấn Độ vào giữa thế kỷ 14.

Lịch sử là sự hiểu biết về những sự kiện và truyền thống của các tiên tri, giáo chủ, giáo sĩ và của các vĩ nhân của tôn giáo và chính quyền. Nghiên cứu về lịch sử là điểm độc đáo của những nhà tôn giáo và chính quyền nổi tiếng vì phẩm chất tuyệt vời của họ hay vì những hành vi anh hùng của họ. Những con người thấp hèn, những kẻ xằng bậy, những người tầm thường không rõ nguồn gốc và thuộc thành phần bần cùng, không có dòng dõi hay dòng dõi thấp hèn, những con người lang thang và biếng nhác la cà - tất cả những hạng người này không có gì liên quan tới lịch sử.

Tất nhiên, lịch sử Hồi giáo trở thành lịch sử của người Hồi giáo mà thoi, của những vị tiên tri vĩ đại của họ, những thánh nhân và những nhà cai trị Hồi giáo. Đi tới đâu, Hồi giáo đều mang lối gạn lọc Hồi giáo này tới đó.

Một thể văn chương Ả Rập, gọi là thể văn chương “ngày chiến đấu”, đã có từ trước thời Môhamét. Hồi giáo đã gán một ý nghĩa đặc biệt cho thể tiểu sử, biến tất cả những tiểu sử sau này trở thành chỉ là những chú thích phụ cho tiểu sử của các Vị Tiên Tri. Vì trong Hồi giáo không thể có cái mới, mà chỉ có sự hoàn thành kinh Koran, các tiểu sử Hồi giáo không thể có giá trị của một kiến thức mới. Theo tư tưởng Hồi giáo, lịch sử trở thành “một khoa đàm thoại” đơn thuần, giúp ích cho sự khôn ngoan chính trị và tài năng xã hội, một nguồn tài liệu để minh họa chứ không phải để chứng minh. Vì thế nhà chép sử tự xưng là người sưu tập các câu truyện của các cuộc thánh chiến và các thành công của Hồi giáo. Vì Môhamét là tột đỉnh của lịch sử, nên đương nhiên không có chỗ cho ý tưởng về tiến bộ. “Lịch sử” là một ngành của cánh chung học, dạy cho biết con người lữ hành thế nào tiến về Ngày Phán Xét. Khoa lịch sử của người Hồi giáo trở thành một dụng cụ của đức tin, không phải một chìa khóa để mở ra những nhãn giới mới.

Trong tất cả các nền văn hóa hiện đại, văn hóa Trung Hoa cho chúng ta một quá khứ liên tục, lâu dài nhất và là tài liệu phong phú nhất về quá khứ của họ.

Điều này càng khiến chúng ta ngạc nhiên tại sao Trung Hoa đã không phát triển được một ý thức mới về lịch sử. Cách thức người Trung Hoa gạn lọc quá khứ của họ, tuy không giống với người Ấn Độ, nhưng cũng không giúp làm thức tỉnh dân chúng đối với sự thay đổi xã hội và sức mạnh của con người biến đổi cơ chế xã hội. Khổng giáo ăn rễ sâu trong việc thờ cúng tổ tiên, nên đã khích lệ người ta giữ những gia phả. Người Khổng giáo tham khảo quá khứ không phải để học xem có thể thay đổi cơ chế thế nào, mà là để tìm ra cái lý tưởng trong quá khứ mà họ phải phục hồi và rập khuôn theo các nhân đức của người xưa.

Rồi, bắt đầu thời quân chủ ở thế kỷ 2 trước C.N, Tư Mã Thiên (145-87 tr.C.N) đã thiết lập khuôn mẫu cho việc chép sử ở Trung Hoa cho suốt hai ngàn năm tiếp theo. Cha của ông là quan coi Thiên văn của hoàng cung, dưới triều Hán, với nhiệm vụ trông coi lịch và các sự kiện chính thức của triều đại. Khi Tư Mã Thiên thừa kế chức vụ này vào năm 108 tr.C.N, triều đại Hán đã bắt đầu cuộc thống nhất toàn thể Trung Hoa. Ông tiếp nối cố gắng của cha mình để đưa mọi tài liệu của mọi dân tộc của Trung Hoa vào một công trình duy nhất. Công trình này đã trở thành một thành tựu vĩ đại của triều đại mới đầy tham vọng, đi theo một Khởi Đầu mới, được đánh dấu bằng một cuộc “cải cách” lịch mà Tư Mã Thiên đã giúp khai trương.

Chỉ một lời nói bất cẩn đã đủ làm ông mất mạng. Một lần sau khi tướng Li Ling bị thua một cuộc đại chiến đẫm máu, “Hoàng đế cảm thấy không buồn ăn và cũng không thiết tha gì tới việc ngự triều”. Các tướng lãnh khác qui tụ trong một hội nghị tại hoàng cung để than phiền về cuộc thất trận và để đổ lỗi cho Li Ling. Nhưng Tư Mã Thiên lại cho rằng Li Ling đã không có lỗi trong cuộc thua trận. Khi Tư Mã Thiên được triệu vào hội nghị hoàng cung, ông đã (theo nguyên văn lời ông) “lợi dụng cơ hội để đề cao công trạng của Li Ling... với hi vọng Hoàng Thượng có cái nhìn cởi mở hơn và chấm dứt những lời nói giận dữ của các quan khác”. Vì những lời nói vô ý này, ông bị ném vào tù, bị kết tội “khi quân”, và bị xử trảm. Tư Mã Thiên giải thích, “Gia đình tôi nghèo và không có tiền đút lót để thay đổi bản án”.

Tư Mã Thiên xin hoãn hành quyết để ông có đủ thời giờ hoàn thành bộ lịch sử của mình. Hoàng đế không muốn mất một con người tài năng và kiên quyết như thế, nên đã chuẩn y. Ông bị đuổi về một cách nhục nhã, nhưng đã hoàn thành bộ lịch sử của ông, để trở thành mẫu mực cho mọi tài liệu lịch sử lớn về quá khứ của Trung Hoa cho tới hết thời quân chủ năm 1911. Trước ông, mỗi nước ở Trung Hoa có lịch sử riêng của mình, nên không thể biết được biến cố nào xảy ra đồng thời với những biến cố tại các nước khác. Tư Mã Thiên đã thống nhất tất cả lại theo một chuỗi niên biểu duy nhất dựa theo niên lịch của nhà Chu, là triều đại đang cai trị. Ông cũng chia khung lịch sử của ông một cách mới dựa theo 5 chủ đề: Lịch sử Cơ Bản hay tiểu sử của các vị vua cai trị các nước lớn, các Bảng Niên Biểu, các Khảo Luận về các đề tài chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, Các Triều Đại Kế Vị và Tiểu sử các danh nhân không phải những nhà cai trị. Phong các của Tư Mã Thiên đã khiến ông trở thành một tác giả cổ điển, nhưng các học trò của ông thay vì ganh đua tinh thần của ông, đã bắt chước hình thức của ông. Người tiếp nối trực tiếp của ông Phan Ku (32-92 C.N) đã làm cho kiểu mẫu của Tư Mã Thiên trở nên đóng băng trong khuôn mẫu cứng nhắc của Khổng giáo, không để hé một lối nhỏ nào cho việc giải thích.

Thời nhà Tống đã có một cuộc hồi sinh tinh thần sống động của Tư Mã Thiên trong một thời kỳ ngắn ngủi. Nhưng cuộc phục hưng của Tân-Khổng giáo chính thống vào thời nhà Minh (1368-1644) lại làm cho quá khứ bị khô cứng trong khuôn mẫu của Tư Mã Thiên. Sự sụp đổ của nhà Minh và cuộc chinh phục của người Mãn Châu đã mở ra được một chút lối ra, nhưng những cố gắng đáng kể để viết một lịch sử phê bình ở thế kỷ 18 chỉ là những ngoại lệ hiếm hoi. Các kỹ thuật phê bình trong việc viết sử và sự trỗi dậy của ý thức lịch sử phải đợi những ảnh hưởng của phương Tây.

Câu truyện về lịch sử ở phương Tây thì hoàn toàn khác hẳn. Việc tìm hiểu quá khứ ở phương Tây cũng ngoạn mục như việc khám phá ra những lục địa của Tân Thế Giới và việc khám phá ra những đại dương. Ở đây cũng thế, câu truyện bắt đầu với tinh thần tìm tòi của người Hi Lạp. Bởi vì người Hi Lạp có cái nhìn về quá khứ khác hẳn với cái nhìn của người Trung Hoa hay ấn Độ. Các truyện thần thoại Hi Lạp là mảng văn học rõ rệt nhất còn sống sót của người Hi Lạp, nhưng không phải là nét đặc trưng rõ nhất của cách mà người Hi Lạp nhìn về quá khứ.

Một trong những phát minh lớn nhất của Hi Lạp là ý tưởng về lịch sử. Từ ngữ La tinh Historia (lịch sử) bắt nguồn từ một từ Hi Lạp là historiê, có nghĩa là “sự truy tìm”, hay “biết nhờ sự truy tìm”.

Ý nghĩa nguyên thủy của nó còn được duy trì trong thuật ngữ “lịch sử thiên niên” để nói về việc truy tìm thiên nhiên. Và khái niệm truy tìm đặc trưng Hi Lạp này đã mang lại kết quả trong thời đại ánh Sáng của vùng Ionia. Chúng ta vẫn nghĩ rằng các nhà khoa học hiên đại là những người thừa kế tinh thần đó, nhưng cả những nhà chép sử hiện đại cũng thế. Có lẽ nó là một phó phẩm của việc họ nghiên cứu y học, nghĩa là quan sát hoạt động của cơ thể trong tương quan với môi trường, khí hậu và chế độ ăn uống, dẫn đưa người Hi Lạp tới việc muốn tìm hiểu về các phong tục khác nhau của các cộng đồng con người. Hecataeus ở Miletus (5550-489), một trong những sử gia tiên phong được biết đến nhiều nhất của Hi Lạp, đã soạn những cuốn gia phả và nghiên cứu những truyền thuyết của các gia tộc lớn trong thần thoaị. Ông nhất mạnh, “Những gì tôi viết ra đây là những gì tôi cho là có thực. Vì các câu truyền của người Hi Lạp thì nhiều lắm và theo ý tôi, rất mực cười”. Hecataeus đi đây đó rất nhiều, nên ông đã nhận thấy những phong tục của các dân rất đa dạng và nhận ra có mối tương quan giữa nơi người ta sinh sống với cách họ phổ quát của người Hi Lạp về mối tương quan giữa địa lý và lịch sử.

Các yếu tố của tinh thần lịch sử được chiếu sáng một cách đặc biệt trong hai tác phẩm văn học Hi Lạp khác nhau. Herodotus và Thucydides, cả hai cùng sống vào thế kỷ 5 trước C.N., sẽ trở thành những ông tổ, hay đúng hơn, những quan thầy của các sử gia hiện đại.

Herodotus (480-425 tr. C.N.) sinh tại Halicarnassus, một thành phố Ionia nằm trên bờ biển Tây nam Tiểu á, là vùng đất từng được người Lydia cai trị và sau được người Ba Tư cai trị, nên ông có lợi thế là sống ở vùng ngoại vi của nền văn hóa Hi Lạp. Ở xa những trung tâm định cư Athen hay Sparta, ông hằng ngày tiếp xúc với những người không phải gốc Hi Lạp. Sống trên đảo Peloponnesus, những người Hi Lạp có thể nhìn những “dân man di” (người ngoại quốc) với thái độ chế giễu và khinh bỉ, nhưng Herodotus sinh ra dưới sự cai trị của người man di, lại hi vọng học hỏi được điều gì nơi họ.

Trong khi người Hi Lạp có cả một kho thần thoại phong phú để cắt nghĩa nguồn gốc nếp sống và phong tục của mình, thì họ lại không có những truyện thần thoại như thế về người Lydia và người Ba Tư. Herodotus đã có một dự án tìm hiểu về địa lý và phong tục của những người không phải Hi Lạp. Ông đi khắp vùng Tiểu á, các đảo trên biển Aegee, Ai Cập, Syria và Phoenicia, Thrace, Scythia và đi suốt về phía Đông tới Babylonia, dọc đường ông để ý tới các trung tâm đô thị. Năm 445 tr.C.N., khi ông đến Athen và đã trở thành bạn thân của Pericles và Sophocles, ông quyết định thay đổi kế hoạch nghiên cứu nhân chủng của mình thành một lịch sử các cuộc Chiến Tranh Ba TƯ (500-449) và vì thế ông đã đi thăm lại các miền đất chiến và các lộ trình của các quân đội. Không có những tài liệu đương đại, không có những hồi ký của các vị tướng, không có những tài liệu của phòng quân sự, ông phải thu thập các câu truyện của mình từ những câu chuyện truyền miệng, những cuộc di hành và việc quan sát.

Ông quan sát thấy phong tục của các địa phương rất khác nhau và nhận thấy rằng người ta tự nhiên thích những phong tục của nơi mình trưởng. Khi Darius hỏi những thần dân Hi Lạp của mình rằng họ muốn ông cho họ bao nhiêu tiền nếu họ chịu ăn thịt xác chết của cha mẹ họ thay vì chất đống để hỏa thiêu, không có món tiền nào có thể cám dỗ được họ. Rồi ông gọi một ít người Indian tới, những người này có tục lệ ăn thịt cha mẹ đã chết của họ, ông hỏi họ muốn ông cho họ bao nhiêu tiền nếu họ chịu thiêu xác cha mẹ họ thay vì ăn thịt. Nhưng những người này không chịu chấp nhận một giá nào cho một trọng tội như thế. Và Herodotus kết luận, ở bất cứ đâu, tục lệ luôn luôn là vua.

Trong thế hệ tiếp theo sau đó, Thucydides (460-400 tr.C.N.), trong cuốn Lịch sử Cuộc Chiến Tranh Peloponnesus, đã thu hẹp tiêu điểm của mình vào lịch sử chính trị. Chúng ta không biết gì về tiểu sử của ông, trừ sự kiện cha của ông có một tên của người xứ Thrace, ông được thừa hưởng một mỏ vàng ở Thrace và ông bị trục xuất khỏi Athen và lưu đầy trong 20 năm. Cũng như Herodotus, Thucydides có lợi thế là một người ngoài Hi Lạp. Năm 431 khi cuộc chiến quyết định của Athen bắt đầu bùng nổ, ông mới là một thanh niên và đã quyết định ghi lại lịch sử cuộc chiến và ông còn sống sau khi chiến tranh kết thúc, tác phẩm của ông đã không bao giờ hoàn tất. Khi cuốn sách của ông được xuất bản sau khi ông mất, nhiều người khác đã cố gắng hoàn tất nó.

Các sử gia Hi Lạp khác theo sau Herodotus và Thucydides không được một tầm cỡ như hai ông. Việc truy tìm lịch sử theo nghĩa hiện đại, việc tìm tòi đường lối hiện thực của lịch sử, với mục đích làm phong phú hiểu biết về quá khứ, dã không lôi cuốn đông đảo người Hi Lạp trong thời đại lớn của họ. Thời Đại ánh Sàng của Ionia, không giống thời đại ánh Sáng của Châu Âu, không có nhiều tác phẩm lịch sử, dù nó đã sản sinh ra một nền văn học tưởng tượng phong phú và những tác phẩm thế kỷ về sinh vật học, toán học, thiên văn học và y học. Lý do một phần là ở hiện tượng thiên tài bùng nổ của Hi Lạp trong lãnh vực thi ca, anh hùng ca và bị kịch là những thể văn hình như thỏa mãn nhu cầu cảm xúc của họ và một phần là ở niềm say mê cái phổ quát triết học của họ với những tư tưởng chói lọi của Plato. Và chúng ta cũng thấy rằng, ngay cả Arisốt, người yêu thích những cái biệt loại cũng không muốn dành cho lịch sử một địa vị tôn kính.
Những phát hiện về vạn vật và con người
Giới thiệu
P 1 - Chương 1
P 1 - Chương 2
P 1 - Chương 3
P 2 - Chương 4
P 2 - Chương 5
P 2 - Chương 6
P 3 - Chương 7
P 3 - Chương 8
P 3 - Chương 9
P 4 - Chương 10
P 4 - Chương 11
P 4 - Chương 12
P 4 - Chương 13
P 4 - Chương 14
P 5 - Chương 15
P 5 - Chương 16
P 5 - Chương 17
P 5 - Chương 18
P 5 - Chương 19
P 6 - Chương 20
P 6 - Chương 21
P 6 - Chương 22
P 6 - Chương 23
P 6 - Chương 24
P 6 - Chương 25
P 6 - Chương 26
P 7 - Chương 27
P 7 - Chương 28
P 7 - Chương 29
P 7 - Chương 30
P 7 - Chương 31
P 7 - Chương 32
P 7 - Chương 33
P 8 - Chương 34
P 8 - Chương 35
P 8 - Chương 36
P 8 - Chương 37
P 9 - Chương 38
P 9 - Chương 39
P 9 - Chương 40
P 9 - Chương 41
P 9 - Chương 42
P 9 - Chương 43
P 10 - Chương 44
P 10 - Chương 45
P 10 - Chương 46
P 10 - Chương 47
P 10 - Chương 48
P 10 - Chương 49
P 11 - Chương 50
P 11 - Chương 51
P 11 - Chương 52
P 11 - Chương 53
P 12 - Chương 54
P 12 - Chương 55
P 12 - Chương 56
P 12 - Chương 57
P 12 - Chương 58
P 12 - Chương 59
P 13 - Chương 60
P 13 - Chương 61
P 13 - Chương 62
P 13 - Chương 63
P 13 - Chương 64
P 13 - Chương 65
P 13 - Chương 66
P 13 - Chương 67
P 13 - Chương 68
P 14 - Chương 69
P 14 - Chương 70
P 14 - Chương 71
P 14 - Chương 72
P 14 - Chương 73
P 14 - Chương 74
P 14 - Chương 75
P.14 - Chương 76
P.15 - Chương 77
P.15 - Chương 78
P.15 - Chương 79
P.15 - Chương 80
P.15 - Chương 81
P.15 - Chương 82
P.15 - Chương Kết