P 14 - Chương 71
Tác giả: Daniel J. Boorstin
Xét lại quá khứ
Xét lại những quan điểm của người xưa về trái đất là việc hứa hẹn nhiều phần thưởng. Các vua chúa ở Châu Âu đã sẵn sàng, thậm chí hăng hái, tài trợ những nhà thám hiểm như Colômbô, Magellan, hay Cabot để có thể khám phá những đất mới và tuyên bố chủ quyền mới của mình. Nhưng để xét lại quá khứ thì họ chỉ có thể thua thiệt. Dại gì mà bỏ đi những truyền thuyết đã được xác nhận để đổi lấy những sự kiện chưa có gì là chắc chắn ?
Quá khứ là cái có ở mọi nơi và chẳng có ở nơi nào, nên vẫn là một mảnh đất vô chủ đầy cạm bẫy mà không có lằn ranh nào để phân xử cho những cuộc tranh giành. Những vị vua khôn ngoan hài lòng thấy dòng dõi mình được che đậy kín đáo và an toàn sau bức màn thần thoại. Có gì mà không thể bị lật tẩy bởi những nhà học giả gan lì ?
Và máy in lại làm tăng thêm những nguy cơ. Không lạ gì Cosimo de' Medici đã có một sự kiểm soát đặc biệt (1537-74) đối với việc chép sử, hay Nữ hoàng Elizabeth đã gây rắc rối (1599) cho người chép sử quá tự do mô tả cuộc lật đổ vua Richard II tiền nhiệm của bà. Một quá khứ nhìn dưới những lăng kính đa dạng sẽ mở ra một tương lai đầy biến đổi.
Nước Ý thời Phục Hưng đã là tổng hành dinh châu Âu đầu tiên để khai thác quá khứ. Bồ Đào Nha là thế nào đối với những nhà thám hiểm địa lý, thì nước Ý đối với những nhà khai thác lịch sử cũng vậy. Trong khi thánh Augustinô đã vẽ ra những ranh giới cho tương lai Kitô giáo, thì nhà nhân bản kiêm thi sĩ người ý Francesco Petrarch (1304-1374) là người tiên phong cho việc khám phá quá khứ. Ông được gợi hứng đi vào ý nghĩa mới của lịch sử giữa những phế tích ngoạn mục của đế quốc Rôma mà cũng sẽ gợi hứng cho Gibbon bốn thế kỷ sau. Trong cả thời Trung Cổ, những phế tích đồ sộ này đã không mấy kích thích tính tò mò của những dân cư, học giả, hay khách du lịch. Người ta ít đặt ra những câu hỏi về ai xây dựng chúng, chúng được xây dựng như thế nào và những người xa xưa ấy đã sinh sống ra sao. Chúng chỉ đơn giản là những Kỳ Quan của Thành Phố Rôma, như một tác giả vô danh ở giữa thế kỷ 12 đã mô tả chúng, chủ yếu chỉ là những khung cảnh của thần thoại ngoại giáo và truyền thuyết thần linh.
Khi Petrarch lần đầu tiên viếng thăm Rôma năm 1337, ông trải qua nhiều giờ thích thú rảo bộ quanh những phế tích với một thầy dòng Phanxicô tên là Colonna làm người hướng dẫn. Đối với ông, những phế tích này là chìa khóa giúp ông hiểu những nếp sống kỳ lạ mà ông đã tái tạo lại trong một lá thư dài gởi cho Colonna và trong một bài thơ về Scipio Africanus mô tả Rôma trong những ngày hoàng kim của nó. Những câu nói khắc trên đá trở thành những thông điệp rõ ràng của quá khứ và ông xem xét tỉ mỉ những thủ bản cổ để tìm ra những đầu mối khác. Mỗi khi có một cổ vật nào được tìm thấy, nó đều được đem đến cho Petrarch để ông cắt nghĩa. Ông coi bộ sưu tập lớn các đồng tiền Rôma như là một phòng triển lãm chân dung của những hoàng đế Rôma và ông sẵn lòng tặng một sưu tập cho hoàng đế Charles IV để vị hoàng đế này nhìn thấy khuôn mặt của những vị hoàng đế Rôma để bắt chước.
Khi hoàng đế Charles IV của Đế Quốc Thánh Rôma bối rối vì một tài liệu cổ muốn chứng minh “nước Áo” không thuộc lãnh thổ của ông, ông đã tìm đến Petrarch và ông này đã chứng minh tài liệu kia là giả mạo. “Tôi không biết ai viết ra văn kiện đó”, Petrarch kết luận năm 1355, “nhưng tôi hoàn toàn chắc rằng người viết không phải là một học giả mà là một cậu học sinh, một người viết ngu dốt, một người muốn nói dối nhưng không biết làm, cho khéo - nếu không hắn đã không mắc phải những sai lầm ngốc nghếch như thế”. Petrarch nhận xét rằng trong văn kiện giả mạo đó, hoàng đế Ceasar đã xưng mình là “chúng tôi” (trong khi thực ra ông luôn xưng mình ở số ít), ông xưng mình là “Augustus” (mặc dù tên này chỉ được dùng lần đầu tiên bởi những người kế vị ông) và ông đề ngày tháng văn kiện là “Thứ sáu năm thứ nhất triều đại của chúng tôi” (mà không nhắc gì đến ngày nào tháng nào).
Việc giả mạo là một nghệ thuật rất phát triển thời Trung Cổ. Các lãnh chúa tranh giành nhau các vị vua vừa lên ngôi, vì muốn tạo uy tín cho mình nhờ những tài liệu cổ, nên rất ham tìm kiếm những văn kiện xác định uy quyền của mình. Việc sử dụng những tài liệu bằng chữ viết ngày càng gia tăng đã làm phát sinh nhu cầu có những dấu xác nhận “tính xác thực” và tội giả mạo theo luật hình sự Rôma được giới hạn vào những trường hợp liên quan tới thừa kế hay quyền sở hữu. Giả mạo các văn kiện để xác nhận một quyền bính thường được coi là hành vi đạo đức hay ái quốc. Trước khi việc giả mạo các văn kiện lịch sử có thể được coi là hành vi đáng xấu hổ, thì cần phải tin rằng quá khứ lịch sử không phải là sự thêu dệt tùy ý những chuyện thần thoại hay truyền thuyết mà có một thực tại xác định vững vàng. Sự dũng cảm hoài nghi cái quá khứ bịa đặt sẽ là một triệu chứng của một ý thức lịch sử đang xuất hiện.
Người tiên phong trong phê bình lịch sử là một người có cá tính hay nóng giận, dễ nêu ra thật nhiều những câu hỏi rắc rối hơn là cung cấp những câu trả lời thoả mãn.
Lorenzo Valla (1407-1457), biệt danh là đứa trẻ khó trị trong giới trí thức, là một tông đồ của Sự Thật trong Lịch Sử. Sinh ra tại Rôma, con của một luật sư làm việc tại toà án của giáo hoàng, trước khi 30 tuổi ông đã bắt đầu chọc giận giới học thức. Ông chỉ trích phái Khắc Kỷ, bênh vực phái Epicure và nhạo báng thứ tiếng La tinh thô thiển của Bartolus (1314-1357), một người có thế giá về luật Rôma. Bị trục xuất khỏi đại học Pavia, ông tạm thời lánh về Milan, rồi về Genoa, trước khi tới định cư ở miền Nam trong chức vụ thư ký hoàng gia và sử gia cho vua Alfonso của Aragon, lúc đó đang tranh chấp quyền cai trị vương quốc Napoli.
Những nhu cầu chính trị của vua Alfonso là cơ hội tốt để Valla thi thố tài năng phê bình lịch sử nổi tiếng của ông. Chống lại vua Alfonso, giáo hoàng Eugenius IV tuyên bố quyền binh thế tục của mình trên khắp đất Ý. Lời tuyên bố của giáo hoàng dựa trên một tài liệu gọi là Quà Tặng của Constantinô, chứa trong một văn kiện cổ theo đó để Constantinô Đại Đế quyết định trao cho Giáo hoàng Sylvester I (314-335) và những người kế vị quyền cai trị Rôma và toàn thể Đế Quốc phương Tây. Quà này được coi là phần thưởng cho Giáo hoàng Sylvester vì đã làm phép lạ chữa bệnh phong cho Constantinô và vì đã giúp Constantinô theo đạo Kitô. Trong thời Trung Cổ, tài liệu này đã là kho vũ khí mạnh nhất của các giáo hoàng chống lại các vị vua và hoàng đế. Bây giờ Valla có cơ hội giống như Petrarch một thế kỷ trước đó để phục vụ cả người bảo trợ mình lẫn chính nghĩa của lịch sử. Khảo luận về Quà Tặng của Constantinô của Valla năm 1440 đã chứng minh hết sức thuyết phục rằng văn kiện kia là giả mạo, khiến những người muốn bênh vực quyền lợi của giáo hoàng từ đó về sau không còn dám trưng dẫn văn kiện đó nữa. Dựa vào kiến thức sâu rộng của ông về sự thay đổi tập tục của người La tinh, Valla chứng minh rằng văn kiện đó không thể nào là xác thực. Người giả mạo quá dốt không biết rằng vào thời Constantinô “diadema” không phải là một vương miện bằng vàng mà là một băng vải thô và “tiara” là một từ chưa được sử dụng. Ông phát hiện ra dòng chữ nào cũng đầy những yếu tố mâu thuẫn về thời gian, cùng với những từ mượn từ tiếng Hip ri mà các thư ký của Constantinô không bao giờ biết.
Đây chỉ là một trong những phê bình của Valla đánh vào những tiếng đồn của sự chính thống. Ông còn phê bình triết gia Boethius của phái Khắc Kỷ và duyệt lại những giải thích của các triết gia Kinh Viện bằng cách giản lược chín phạm trù của Aristốt thành ba phạm trù. Ông cũng nhấn mạnh rằng “Kinh Tin Kính Các Tông Đồ” không thể do các Tông Đồ soạn ra. Tòa án Dị giáo kết tội ông lạc giáo ở 8 điểm và ông suýt bị lên giàn thiêu nếu không được vua Alfonso, người bảo trợ ông cứu thoát nạn.
Tinh thần phê bình cũng đã phục vụ mọi Kitô hữu trong cuộc chiến của họ chống lại người Hồi giáo. Bản dịch Kinh Koran của John ở Segovia đã phân biệt văn bản nguyên thủy với những bản văn có những thêm thắt sau này của phương Tây. Sàng Lọc Kinh Koran (1460) của học giả lỗi lạc Nicholas ở Cusa (1401-1464) đã phân tích những yếu tố lịch sử khác nhau từng đi vào trong sách thánh, để chứng minh rằng bản văn hiện tại là một sản phẩm không phải do linh hứng mà là do những sự kiện của con người.
Lịch sử hiện đại không chỉ phát triển trong những thái độ tiêu cực nhưng cũng phát triển trong sự phấn khởi tích cực. Sự phồn vinh ngày càng lớn của các thành phố ý và nền văn học bằng thổ ngữ ý đang triển nở cung cấp những đề tài thế tục cho mảng văn học - tường thuật hùng ca. Các bài quốc ca mới đầu tiên đã được viết như là lịch sử.
Các tác phẩm về Florence và ý đã mở ra một chương mới trong lịch sử của lịch sử. Các thành phố bang độc lập vừa ra đời đã thu hút những sử gia ghi chép lại cuộc đấu tranh vì sự vĩ đại, ca ngợi những con người anh hùng của họ và vạch ra hướng đi cho tương lai. Leonardo Bruni (1368-1444) viết Lịch Sử Dân Florence (Venice 1476), mô tả lịch sử của thành phố từ quá khứ huyền thoại của nó. Sự vĩ đại của Florence, ông nói, đến từ Nước Cộng Hòa Florence và tinh thần tự do của nó. Rôma cũng thế, đã phồn vinh như một nước cộng hòa và “đế quốc Rôma bắt đầu suy tàn khi lần đầu tiên của Caesar rơi xuống như một thảm họa trên thành phố”. Và vận mệnh của các thành phố Ý lại huy hoàng trở lại khi cả thành phố ấy xuất hiện như những nước cộng hòa tự do. Flavio Biondo ở Forli (1392-1463) trong khi làm nổi danh Florence và nước Ý, đã cung cấp một lược đồ lịch sử sẽ thống trị tư tưởng lịch sử của châu Âu cho nhiều thế kỷ tiếp theo. Bằng cách chia cắt sự vĩ đại của thời cổ đại với triển vọng của nước ý hiện đại, ông đã xếp một trăm năm sau sự sụp đổ của thành phố Rôma thành một thời kỳ “ở giữa” duy nhất. Đôi khi được gọi là sử gia trung cổ đầu tiên, nhưng đúng hơn có thể gọi ông là sử gia cận đại có ý thức đầu tiên. Vì hình như ông là người đã phát minh ra khung lịch sử ba thời kỳ: cổ đại, trung cổ và hiện đại. Tuy bản thân ông không bao giờ dùng thuật ngữ “Trung Cổ” (Medium aevum), nhưng ông là người đã tạo sự thống nhất lịch sử mới cho một ngàn năm sau khi Rôma sụp đổ. Tư tưởng phương Tây sẽ không bao giờ thoát ra khỏi đường lối chia cắt toàn thể lịch sử quá khứ của châu Âu thành một thời cổ vinh quang và một thời tái sinh hiện đại, với một thời kỳ ở giữa gồm sự phân hoá và suy đồi. Các nhà chép sử châu Âu đã duy trì ba phạm trù hạn chế này và thậm chí xuất khẩu nó sang cho các nhà chép sử châu Á, để chính những người này không ngần ngại nói đến một “thời trung cổ” ở Ấn Độ hay Trung Hoa.