P 13 - Chương 64
Tác giả: Daniel J. Boorstin
Các cộng đồng ngôn ngữ địa phương
Thắng lợi của sách in không bao lâu đã dẫn đến thắng lợi của các ngôn ngữ địa phương, để những ngôn ngữ này trở thành những ngôn ngữ quảng bá kiến thức khắp châu Âu. Các sách văn học in bằng ngôn ngữ địa phương đã định hình việc tư duy bằng hai cách khác hẳn nhau. Chúng phổ cập nhưng đồng thời cũng địa phương hóa. Bây giờ, khi các tác phẩm khoa học không chỉ xuất hiện bằng tiếng La tinh, mà còn bằng tiếng Pháp, ý, Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan, những cộng đồng hoàn toàn mới lập tức được gia nhập thế giới khoa học. Khoa học trở thành phổ cập hơn bao giờ hết. Nhưng khi tiếng la tinh, vốn là tiếng quốc tế của toàn thể cộng đồng trí thức châu Âu, nay bị thay thế bằng những tiếng quốc gia hay địa phương, kiến thức cũng có khuynh hướng trở thành quốc gia hay địa phương. Kiến thức được thu thập từ mọi nơi và mọi thời đại trong quá khứ nay được gói ghém vào những gói riêng chỉ được mở ra cho dân chúng của một nơi riêng biệt nào đó. Khi ngôn ngữ viết và giờ đây ngôn ngữ in trở thành phổ cập hơn, văn học có thêm những nội dung rộng rãi hơn về giải trí, tưởng tượng và mạo hiểm. Sự giải trí đã có thêm sự kính trọng.
Khó mà biết được có bao nhiêu phương ngữ hay thổ ngữ ở châu Âu trước thời đại máy in. Các nhà nghiên cứu ngày nay đã xác định có khoảng ba ngàn ngôn ngữ hiện vẫn đang được nói, không kể những thổ ngữ nhỏ. Vào cuối thời trung cổ, có thể còn có nhiều hơn con số ấy. Vào thế kỷ 12, khi một sinh viên từ Normandie đến đại học Paris, anh có thể không nghe được tiếng nói của một sinh viên từ Marseillies, vì thời ấy chưa có một tiếng Pháp chuẩn. Các sinh viên học ở đại học Heidelberg hay Bologna hay Salamanca hay oxford cũng gặp những vấn đề về ngôn ngữ như thế, vì chưa có một tiếng Đức, ý, Anh hay Tây Ban Nha chuẩn.
Trừ một số ngoại lệ như các ngôn ngữ Basque và uralic, các ngôn ngữ nói ở châu Âu mới đều thuộc về dòng ngôn ngữ Âu - Ấn và hình như đã xuất phát từ một ngôn ngữ được nói ở vùng Bắc Âu vào thời tiền sử, từ đó phát sinh ra bảy nhánh ngôn ngữ khác nhau. Cuối thời trung cổ, hầu hết các ngôn ngữ nói ở Tây Âu đều thuộc về một trong hai nhóm: Nhóm ngôn ngữ “Romance” được nói trong vùng thuộc biên cương của Đế quốc Rôma từ Biển Channel Anh xuống phía Nam Địa Trung Hải và từ sông Rhin, núi Alps và Biển Adriatic sang phía Tây tới Đại Tây Dương, nhóm ngôn ngữ này có nguồn gốc La Tinh và sau đã trở thành các tiếng Pháp, ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Nhóm các ngôn ngữ Germanic, từ Đại Tây Dương tới biển Baltic lên phía Đông Bắc và từ sông Rhin và núi Alps lên phía Biển Bắc và Bắc Băng Dương, nhóm ngôn ngữ này đã trở thành những tiếng Ai xơ len, Anh, Hà Lan - Flamand, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy. Vào thế kỷ 12, những ngôn ngữ văn học quốc gia mới này vẫn còn phân chia thành vô số thổ ngữ địa phương khác nhau.
Chúng ta có thể minh họa sự xuất hiện của những tiếng quốc ngữ chuẩn trên khắp châu lục bằng sự phát triển của tiếng Pháp. Trong vùng đất của nước Pháp ngày nay vào năm 1200 vẫn còn 5 thổ ngữ chính, được chia thành nhiều thổ ngữ nhỏ. Mỗi loại thổ ngữ này đều ăn rễ sâu trong đời sống hàng ngày, trong những sự kiện và tập tục dân gian của mỗi vùng. Trước khi có thể có một cộng đồng văn học tiếng Pháp, cần phải có một ngôn ngữ Pháp chuẩn và điều này đã xảy ra nhờ cả sự hưng thịnh lẫn sự suy tàn của đế quốc Rôma. Khi đế quốc Rôma ở thời cực thịnh, chỉ một thiểu số trí thức biết tiếng La tinh cổ điển, còn hầu hết dân chúng trên châu Âu chỉ biết đến thứ tiếng La tinh của văn nói rất thô kệch mà họ nghe từ những binh lính Rôma và những người buôn bán. Thứ tiếng nói thô kệch này kết hợp với những biến thể của ngôn ngữ địa phương và những thêm thắt từ ngôn ngữ của Celt và Frank cổ, đã trở thành một tiếng nói mà chắc chắn sự không làm vừa lòng Cicero hay Alcuin. Từ sự pha trộn của thứ tiếng La tinh này với những thêm thắt của từ vựng, trọng âm, ngữ điệu của địa phương, đã phát sinh các thổ ngữ nói khác nhau. Không có sự kiểm soát của một chính quyền đế quốc và với tình trạng giao thông nghèo nàn, dần dà với thời gian những thổ ngữ này càng trở nên khác biệt nhau hơn.
Trong khi Giáo hội và những trường đại học vẫn duy trì sự thống nhất của tiếng La tinh, thì ngôn ngữ hàng ngày lại tự do đi theo những đường lối đa dạng của mình. Charlemagne đã nhận ra tình hình này khi ông truyền rằng mọi bài giảng phải được giảng bằng ngôn ngữ Romance dân dã”. Sự tan rã đế quốc của Charlemagne đã khiến cho các thổ ngữ trở thành những ngôn ngữ chính thức. Bản văn đầu tiên bằng tiếng Pháp chuẩn là bản “Lời thề Strasbourg” năm 842, khi những lời thề kết ước liên minh của các đạo quân của Charles Đầu Sói cháu của Charlemagne với những đạo quân của anh mình là Louis người Đức được thề mỗi bên bằng thổ ngữ riêng của mình - một số bằng tiếng Teutonic tiền - Đức - ngữ, một số bằng tiếng Romance tiền - Pháp - ngữ.
Tại Pháp trong nhiều năm thế kỷ tiếp theo, hai thổ ngữ được nói nhiều nhất là langue d’ oil của vùng Ile de France và Paris ở miền bắc và tiếng langue d’ oc của vùng Provence ở miền nam. Những tên gọi này là do sự khác biệt của hai vùng khi dùng những từ để nói “có”. Cả hai thứ tiếng địa phương này đều sản sinh ra những nền văn học phong phú, chủ yếu là văn học truyền miệng. Thổ ngữ miền bắc và đặc biệt thổ ngữ Paris có tên là Francien, đã trội vượt, nghĩa là ngôn ngữ của Paris đã trở thành ngôn ngữ của nước Pháp. Với sắc lệnh Edit de Villers - Contterêts (1539), vua Francois I (1494-1547) đã đặt tiếng Francien làm ngôn ngữ chính thức duy nhất.
Máy in là liên minh mạnh nhất cho Francois I. Một trăm năm sau Gutenberg, việc in sách đã là một ngành kinh doanh phồn thịnh không chỉ ở Paris mà còn ở Lyons, Rouen, Toulouse, Poitiers, Bordeaux và Troyes. Bốn mươi thành phố đã có máy in. Bất cứ ở đâu có đại học, tòa án, hay một hội đồng tỉnh, đều có một thị trường bảo đảm cho sách in. Nhờ có sự gia tăng các sách in, số người biết đọc cũng gia tăng và kho văn học bằng tiếng địa phương cũng được phong phú thêm. Những người mua sách không còn chỉ là những giáo sĩ, luật sư và viên chức chính phủ, mà cả những nhà buôn giàu có và thậm chí một số thợ thủ công ở thành phố.
Tiếng quốc ngữ ở Pháp được một người biện hộ hùng hồn là Joachim du Bellay (1522-1560), thuộc một dòng dõi quí tộc. Ở tuổi 27, ông đã viết bản tuyên ngôn cho hội văn chương nổi tiếng có tên là Pléiade mà ông gọi là Bảo vệ và làm sáng tỏ tiếng Pháp (1549). Khi ông gặp Pierre de Ronsard (1524-1585), họ cảm nhận cùng lòng quý chuộng tiếng Pháp và điều lạ thường là cả hai điều điếc. Tự nhiên họ cảm thấy khó có thể theo đuổi sự nghiệp ở tòa án, vì thế họ dốc sức dốc lực trau giồi ngôn ngữ viết. Được gợi hứng bởi những bài sonnet bằng tiếng Ý của Petrarch, Bellay đã viết một số bài tình ca sonnet đầu tiên bằng tiếng Pháp và đến lượt sự thành công của ông trong tiếng Pháp đã gợi hứng cho những nhà thơ Anh như Edmund Spencer.
Theo Bellay, mọi ngôn ngữ bẩm sinh đều ngang hàng nhau. “Tất cả đều xuất phát từ một nguồn gốc duy nhất, đó là từ tính hay thất thường của con người và đã được hình thành từ một phán đoán duy nhất nhắm tới một mục đích duy nhất, đó là để biểu thị cho chúng ta những khái niệm và những sự hiểu biết của trí khôn”. Những thành tích của người Rôma có vẻ vĩ đại hơn của những dân tộc khác không phải vì ngôn ngữ của họ tốt hơn nhưng đơn giản hơn là vì họ có những người viết văn tài năng hơn. Một thời đại đã phát minh ra “máy in, chị em với các nghệ nữ và là nghề nữ thứ mười và phát minh này cũng không kém ngoạn mục hơn phát minh súng đại bác gây chết người, cùng với nhiều phát minh khác”, chắc chắn cũng phải có khả năng tạo ra một nền văn học vĩ đại.
Tại sao khoa học ở Pháp đã phát triển thua hẳn sự phát triển ở Hi Lạp và Rôma cổ đại? “Đó là vì việc học các ngôn ngữ Hi Lạp và La tinh...
Tại sao khoa học ở Pháp đã phát triển thua hẳn sự phát triển ở Hi Lạp và Rôma cổ đại? “Đó là vì việc học các ngôn ngữ Hi Lạp và La tinh. Vì nếu thời gian chúng ta dành cho những ngôn ngữ này mà đã được dành để học các khoa học, thì thiên nhiên chắc chắn không đến nỗi khô cằn để không sản sinh cho thời đại chúng ta những con người giống như Plato và Aristote… nhưng vì chúng ta hối hận đã rời bỏ chiếc nôi để trở thành người lớn, nên chúng ta lại trở thành trẻ con, và trong khoảng hai mươi hay ba mươi năm chúng ta chỉ làm có một điều duy nhất là học nói, người thì tiếng Hi Lạp, người kia tiếng La tinh và người khác tiếng Híp ri”.
Cũng giống người Rôma, người Pháp phải mạnh dạn phát minh ra các từ. “Vinh quang của dân Rôma… trong sự phong phú tiếng nói của họ cũng chẳng kém gì trong sự rộng lớn của các biên cương của họ”. Trước cuối thế kỷ 16, tiếng Pháp vừa mới phất lên đã triển nở thành một nền văn học xuất sắc - với thi ca của Ronsard, văn trào lộng của Rabelais, thần học của Calvin, tiểu luận của Montaigne và bản dịch trọn bộ Kinh thành bằng tiếng địa phương.
Nền văn chương bản ngữ hứa hẹn thoát ra khỏi vòng mô phạm. Người quấy rối giới độc quyền trí thức là Francois Rabelais, bản thân ông là một người thông thái và lang bạt khắp nơi. Sau một năm thử tại một tu viện Phan Sinh, ông trở thành một học giả về tiếng la tinh và Hi Lạp, luật pháp và khoa học, thử vào dòng Biển Đức, học y khoa tại Paris, giảng dạy về Galen và Hippocrates tại Montpellier, biên tập các sách y khoa cho các nhà xuất bản ở Lyons, được vua Francois I bảo trợ, bị bách hại vì lạc giáo và có những tác phẩm bị đại học Sorbonne kết án. Pantagruel (1532) và Gargantua (1534) chế giễu cái điên rồ của thói mô phạm rởm Hi Lạp và La tinh, của khoa chiêm tinh, thuật gọi hồn, ngành y khoa cổ truyền và thần học. Gargantua được giao phó cho nhà ngụy biện và tiến sĩ lớn Tubal Holofernes dạy dỗ, ông này đã bỏ ra năm năm, ba tháng để dạy cậu học thuộc bản chữ cái ABC từ cuối ngược lên. Ông đã bỏ ra mười ba năm, sáu tháng và hai tuần để dạy cậu văn phạm La tinh, rồi thêm ba mươi tư năm và một tháng nữa học những tác phẩm hùng biện La tinh để cậu cùng có thể đọc thuộc lòng ngược từ cuối lên đầu. Khi thầy giáo của cậu chết vì bệnh đậu, cha của Gargantua thấy rằng “lẽ ra con ông không nên học gì cả thì tốt hơn là học những sách loại ấy, thụ giáo những ông thầy như thế, vì kiến thức của họ chỉ là những điều vụn vặt và sự khôn ngoan của họ chỉ là cái vỏ bên ngoài, chỉ làm hư hỏng những tâm hồn tốt lành và cao quí và làm héo tàn cả bông hoa tuổi trẻ”.
Trong khi tiếng Pháp là di sản của một đế quốc đã tàn, thì tiếng Đức lại có một nguồn gốc xa xưa hơn nhiều. Các tiếng địa phương thuộc dòng Romance - Pháp, Tây Ban Nha. Bồ Đào Nha và Ý - tất cả đều phải cạnh tranh với tiếng địa phương của đế quốc Rôma và kho tàng văn chương La tinh. Các tiếng thuộc dòng Germanic, vì không phải di sản của một đế quốc đang suy tàn mà là những hạt giống của một nền văn minh đang ló dạng, nên có môi trường riêng của mình. Tiếng Đức phát sinh từ nhóm tiền - Germanic của các ngôn ngữ Âu - Ấn, có nguồn gốc sâu xa từ thời tiền sử. Vào thế kỷ 18, khi người ta khám phá ra những bản văn đầu tiên na ná giống tiếng Đức mới, thì những thổ ngữ địa phương vẫn còn tồn tại trong dân gian và không có một ngôn ngữ chuẩn nào chung cho những vùng của nước Đức ngày nay. Các thổ ngữ thuộc hai nhóm có thể phân biệt, tiếng Đức Thấp, hay Plattdeutsch, ở vùng đồng bằng phía bắc và tiếng Đức Cao, hay Hochdeutsch, ở những cao nguyên phía nam. Chính tại những tòa đại pháp trong đế quốc quốc Rôma Thánh vào thế kỷ 14 mà đã phát triển một ngôn ngữ viết khá đồng nhất, ngôn ngữ này dần dần thế chỗ của tiếng La tinh trong các văn kiện chính thức. Khi Martin Luther bắt đầu dịch bộ Kinh Thánh (1522-1534), ông đã chọn thổ ngữ Đức Cao được sử dụng tại tòa đại pháp của lãnh địa Saxony và thế là ông đã cung cấp qui tắc cho tiếng Đức chuẩn cận đại. Ông tạo sự trang trọng cho thổ ngữ đồng thời thiết lập một quốc ngữ. Chẳng bao lâu sau đã có bản dịch Công giáo cũng bằng tiếng địa phương để cạnh tranh với bản dịch Kinh Thánh của Luther.
Mỗi ngôn ngữ khác trong dòng các ngôn ngữ Germanic đều có một xuất xứ khác nhau. Nước Anh cũng là một vùng đất có nhiều ngôn ngữ. Khi Gutenberg đang in sách Kinh Thánh của ông, các văn kiện chính thức của chính quyền Anh ở Luân Đôn vẫn còn viết bằng tiếng Pháp. Thế mà, chỉ một thế kỷ rưỡi sau khi tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức, Shakespeare đã viết ra những vở kịch của mình và phép màu của nền văn học Elizabeth đã được mở ra.
William Caxton (1422-1491) là người có đóng góp rất lớn trong việc chuẩn hóa tiếng Anh. Sinh tại Kent, khi 16 tuổi ông may mắn được học việc với một nhà buôn vải giàu có sau này trở thành ngài thị trưởng Luân Đôn. Khi người bảo trợ này mất, ông mới 19 tuổi, ông chuyển tới Bruges, lúc đó là một trung tâm thương mại và văn hóa. Trong hai mươi năm tiếp theo Caxton trở nên giàu có nhờ ngành buôn vải và được chọn làm Đại diện Hiệp hội thương mại của nước Anh tại các nước Bỉ, Luxembourg và Hà Lan. Đến năm 50 tuổi, ông đã trở thành cố vấn tài chánh cho Bà Công tước Margaret của Burgundy, là em gái của vua Edward IV. Ông hài lòng với con đường thương mại, ông chuyển qua theo đuổi văn chương. Năm 1470 bà công tước khuyến khích Caxton dịch sang tiếng Anh một sưu tập truyện cổ về thành Troy từ tiếng Pháp. Lúc đầu ông phát hành bản dịch của ông bằng những thủ bản, nhưng lượng người yêu cầu quá nhiều khiến các người chép thủ bản không chép kịp để cung cấp, nên Caxton đi sang Cologne học nghề in, rồi trở về Bruges và lập nhà in riêng của mình. Những cuốn sách đầu tiên xuất xưởng in của ông là Recuell of the Historyes of Troy (1475) và The Game and Playe of Chesse (1476), là những cuốn sách in đầu bằng tiếng Anh. Hăng hái muốn in nhiều sách tiếng Anh hơn, ông trở về Luân Đôn, tại đây dưới sự bảo trợ của triều đình, ông đã lập một nhà in. Trong khoảng thời gian 15 năm tiếp theo, nhờ có tài sản lớn, ông đã xuất bản khoảng một trăm đầu sách. Những cuốn sách đó đã góp phần rất lớn vào việc chuẩn hóa ngôn ngữ viết và nói của thủ đô chính trị và tài chính để trở thành một tiếng quốc ngữ cho nước Anh. Cuốn sách đầu tiên được ghi nhận là in tại Anh là cuốn Dictes and Sayenges of the Phylosophers (1477) cũng là một bản dịch của ông từ tiếng Pháp.
Caxton phải đối diện với một quyết định lịch sử. Trước khi ông dịch sang tiếng Anh, ông phải quyết định rõ ràng “tiếng Anh” theo ông nghĩa là gì. Và vào thời đó đây là một vấn đề phức tạp hơn chúng ta tưởng hôm nay. Khi Caxton bắt đầu xuất bản, hầu như có bao nhiêu quận ở nước Anh thì có bấy nhiêu thổ ngữ. Ngôn ngữ cũng đa dạng và biến đổi như những uốn éo của đầu lưỡi người ta và các thổ ngữ không thể hiểu lẫn nhau.
Để in các sách của mình, Caxton đã chọn thổ ngữ của Luân Đôn và của tòa án. Ông đã xuất bản ít là hai mươi sách dịch của ông từ tiếng Pháp, La tinh hay Hà Lan. Danh sách các đầu sách của ông không chỉ gồm những tác phẩm tôn giáo phổ biến mà gồm hầu như mọi loại sách được biết đến thời đó - các tiểu thuyết hiệp sĩ, thi ca, các sách cẩm nang về khéo tay hay làm, các sách lịch sử, kịch tuồng, thần học, triết học và luân lý. Cuốn Từ vựng Anh - Pháp của ông (1480) là một trong những từ điển song ngữ đầu tiên. Và cuốn bách khoa Myrrour of the Worlde (1481) là cuốn sách bằng tranh đầu tiên được in ở Anh.
Caxton là “bà đỡ” cho sự triển nở của văn học Anh. Ông đã xuất bản cuốn Canterbury Tales và những bài thơ khác của Chaucer, các bài thơ của John Gower và John Lydgate và bản văn xuôi của Sir Thomas Malory về các truyện cổ Arthur, cùng với những bản dịch Cicero và các truyện ngụ ngôn Aesop.
Trước Caxton, sự chuẩn hóa tiếng Anh không được rõ ràng lắm và có thể ngôn ngữ văn chương của hòn đảo này là sự mô phỏng tiếng Pháp. Những quân xâm lăng người Germanic trên đảo Anh quốc đã mang đến đây ngôn ngữ Frisian của miền tây Germanic để trở thành tiếng Anh cổ. Nhưng sau cuộc chinh phục của người Norman, tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính thức ở tòa án. Chỉ dần dần tiếng Anh mới thay thế tiếng Pháp. Tuy nhiên, tiếng Anh lúc đó đầy những từ gốc La tinh và gốc Pháp. Tại Anh việc thiết lập một tiếng địa phương chuẩn có một ý nghĩa kép. Đó là thắng lợi của tiếng bản ngữ trên tiếng La tinh của thiểu số trí thức và đồng thời nó là thắng lợi của một tiếng địa phương của dân (tiếng Anh) trên tiếng địa phương của giới quí tộc ở Anh (tiếng Pháp). Văn học Anh bắt đầu trở thành sở hữu đặc thù của mọi người.
Tôn giáo đã mở đường và tạo động lực mạnh để chuẩn hóa ngôn ngữ nhằm mục đích truyền bá tin mừng của Kitô giáo. Bản Kinh thánh tiếng Pháp của Calvin và Kinh thánh tiếng Đức của Luther, cả hai đều ở giai đoạn đầu của thời đại máy in, đã giúp chuẩn hóa những ngôn ngữ đó. Tại Anh cũng vậy, Kinh thánh đòi hỏi một ngôn ngữ địa phương chung. John Wycliffe (1330-1384) muốn thông quyền sứ điệp Kinh thánh cho dân chúng, nên đã xuất bản một kinh thánh tiếng Anh cả trước khi nó được in thành sách. Thế nhưng số bản chép tay đã ra quá nhiều khiến người ta coi ông là một con người nguy hiểm và ông bị một hội đồng ở Luân Đôn kết án và sách của ông bị cấm ở Oxford và cũng không bao giờ đạt được số độc giả đông đảo như ông từng mong đợi. Vào thời của Caxton, đã có một tiếng Anh chung và cùng với phương tiện in ấn tuyệt vời, việc in một Kinh thánh bằng tiếng địa phương đã trở thành dễ dàng.
Bản dịch Kinh thánh gọi là King James Version, ngoài việc định hình và làm vững mạnh tiếng Anh mới, còn có một đặc trưng hiếm có. Có lẽ nó là kiệt tác duy nhất từng được viết bởi một ủy ban. (Là một bằng cớ khác chứng minh nó được thần hứng?). Công trình này là kết quả của một dự án dung hòa những khác biệt trong Giáo hội Anh quốc, để hiệp nhất giáo phái Puritans với những người khác. Sau khi được Vua James I ủng hộ, 47 nhà phiên dịch, gồm những chuyên viên Kinh thánh nổi tiếng thời đó, được chia thành sáu nhóm. Họ làm việc tại Westminster, Oxford và Cambridge về những phần khác nhau của Cựu ước và Tân ước được chia cho họ. Sau khi mỗi người làm xong phần được chỉ định cho mình, họ phải phê bình phần của những người khác. Sau đó một tổ đại diện gồm sáu người, họp nhau hàng ngày tại Hội trường Stationers ở Luân Đôn trong chín tháng, tổng hợp các công việc của họ để đi tới xuất bản 1611. Họ dựa vào các tác giả cổ điển và Đông phương mới nhất, nhưng sẵn sàng theo những bản dịch cũ nhất nếu những bản đó thỏa đáng. Tuy trong tập thể này không có thiên tài văn chương cá nhân nào, nhưng sản phẩm của họ đã làm lu mờ mọi tác phẩm của thiên tài văn chương trong tiếng Anh.