P 6 - Chương 21
Tác giả: Daniel J. Boorstin
Sự dũng cảm của Colômbô là ở chỗ ông chọn con đường thẳng trên biển để đến những miền đất "đã biết" theo một hướng đã biết... Ngược lại, những chuyến hành trình của người Bồ Đào Nha quanh châu Phi và tới Ấn Độ đều dựa trên những khái niệm phỏng đoán, những tin đồn và những gợi ý đầy rủi ro .
Trong số những người được khích lệ nhiều nhất phải kể đến các nhà hàng hải Bồ Đào Nha, những người đã được ngành địa lý trao phó một vai trò lớn trong lịch sử. Nằm ở phía cực tây bán đảo Ibêria, quốc gia này đã có đường biên giới mới của mình từ rất sớm, giữa thế kỷ 13. Bồ Đào Nha không có cửa trông ra biển Địa Trung Hải, nhưng được ưu đãi bởi những con sông dài dễ qua lại và những bến cảng sâu mở ra đại dương. Các thành phố mọc hai bên bờ sông đổ vào Đại Tây Dương. Vì vậy dân Bồ Đào Nha bẩm sinh hướng ra bên ngoài, xa khỏi những trung tâm cổ điển của nền văn minh châu Âu, phía tây hướng về đại dương còn bí ẩn, phía nam hướng về một đại lục mà đối với người châu Âu cũng còn đầy bí ẩn.
Thành tựu của người Bồ Đào Nha là một công trình khám phá có tổ chức dài hạn và là một thành tựu hiện đại hơn, cách mạng hơn những thành tích nổi tiếng hơn của Colômbô. Bởi vì Colômbô đã đi theo con đường được hướng dẫn bởi nhiều nguồn tài liệu thời cổ và trung cổ, là những thông tin tốt nhất của thời dại ông và nếu ông thành đạt mục đích của mình, là ông xác nhận giá trị của những thông tin đó. Như vậy trong đầu óc của ông không có sự mơ hồ nào về những phong cảnh trên đường tới châu Á hay về hướng phải theo. Chỉ có biển là chưa được biết rõ. Sự dũng cảm của Colômbô là ở chỗ ông chọn con đường thẳng trên biển để đến những miền đất "đã biết" theo một hướng đã biết nhưng không biết chính xác con đường này có thể xa bao nhiêu.
Ngược lại, những chuyến hành trình của người Bồ Đào Nha quanh châu Phi và tới ấn Độ theo hi vọng của họ, đều dựa trên những khái niệm phỏng đoán, những tin đồn và những gợi ý đầy rủi ro . Họ trông chờ gặp được những miền đất mới trên đường để lấy lương thực và nước uống. Lộ trình của họ có thể phải xuyên qua những vùng được cho là có nguy hiểm chết người, rất xa phía dưới xích đạo. Vì vậy, những khám phá của người Bồ Đào Nha đòi hỏi một kế hoạch tiệm tiến, có hệ thống và từng bước, để tiến sâu vào những miền đất lạ. Cuộc chinh phục miền Indies của Colômbô là một đòn mạnh bạo mà nhiều thập niên sau người ta mới hiểu hết tầm quan trọng của nó. Các nhà du hành Bồ Đào Nha bắt tay vào một công trình kéo dài một thế kỷ rưỡi, họ đã từ lâu hình dung ra ý nghĩa thực sự của nó và sự thành tựu của nó đã được biết ngay lập tức. Thành tựu to lớn nhất của Colômbô là một cái gì ông đã không hề hình dung trước, một sản phẩm phụ do những mục tiêu của ông phát sinh, một hậu quả do những sự kiện không ngờ trước. Thành tựu của người Bồ Đào Nha là sản phẩm của một mục tiêu rõ ràng đã định từ trước, đòi hỏi sự tài trợ lớn của quốc gia. Đây là một kiểu mẫu lớn cho các cuộc thám hiểm thời cận đại.
Người Bồ Đào Nha đã có thể có một kế hoạch dài hạn là vì họ đã thực hiện một cuộc mạo hiểm trên bình diện hợp tác quốc gia. Những thiên anh hùng ca thời xưa ca tụng sự dũng cảm và kỳ tích của những cá nhân anh hùng, như Ulyxê, Aeneas, hay Beowulf. Thiên anh hùng ca Bồ Đào Nha trên biển không thể ca ngợi một cá nhân anh hùng nào đó, mà phải ca ngợi những con người anh hùng, Thiên anh hùng ca Lusiads của Camoens mở đầu bằng lời ca tụng "những người hùng đã bỏ quê hương Bồ Đào Nha lại sau lưng, để mở một con đường tới Ceylon và đã đi xa mãi, vượt qua ngàn biển cả, nơi chưa từng có ai qua lại". Trong khi các bài hùng ca xưa ca ngợi một người hùng thần thánh, thì các bài hùng ca cận đại ca ngợi những dân tộc anh hùng.
Các lộ trình mạo hiểm cũng trải rộng hơn nhiều. Các con đường biển không còn đóng khung trong những lộ trình quen thuộc trong một vùng biển khép kín như Địa Trung Hải. Những con đường mới xuyên qua biển cả mênh mông và chúng dẫn đi khắp nơi.
Phân cách với châu Phi chỉ bằng một eo biển nhỏ, người Bồ Đào Nha hoàn toàn không bị chi phối bởi thiên kiến chủng tộc hay óc địa phương. Tổ tiên của họ là những người Celtic, Ibêri và người Anh. Họ pha trộn dòng giống của mình với người Á và Phi. Bồ Đào Nha trở thành một tiểu châu Mỹ kiểu mẫu, một nơi đón nhận mọi loài người Kitô, Do thái và Hồi giáo. Những đặc tính khác nhau về thể chất, tâm lý, tính khí, truyền thống, thẩm mỹ và văn học đã làm giàu lẫn cho nhau, tạo ra những năng lượng thật phong phú và vốn tri thức đa dạng để giúp họ đi tới đại dương bao la rồi lại trở về được quê hương.
Khả năng về lại được quê hương là điều cốt yếu để một dân tộc có thể làm giàu mình, làm đẹp mình và chiếu sáng mình ở những nơi xa xôi. Nó là điều có tính quyết định đối với những nhà khám phá và nó giúp cắt nghĩa tại sao việc đi ra ngoài biển cả, việc mở ra những đại dương lại đánh dấu cho một kỷ nguyên mới của loài người.
Thế nhưng, để khai thác những lợi thế đa dạng đó của mình, người Bồ Đào Nha cần có một người lãnh đạo... một người có thể tập hợp nhân lực, tổ chức các nguồn tài lực và vạch ra đường hướng. Không có lãnh đạo, tất cả những lợi thế kia sẽ chỉ là vô dụng. Hoàng tử Henry Nhà Hàng Hải chính là con người đó. Nơi ông là một sự kết hợp kỳ lạ của một trí tuệ anh hùng, đại đảm, một trí tưởng tượng bao la, với một cá tính của một hiền nhân ẩn dật. Lạnh lùng đối với các cá nhân, nhưng ông lại sôi nổi với những lý tưởng lớn. Tính kiên cường và tài tổ chức của ông đã trở thành yếu tố nòng cốt cho công trình khám phá đầu tiên của thời cận đại.
Xét về mặt lịch sử, không đáng ngạc nhiên bao nhiêu nếu nhà mạo hiểm tiên phong của thời cận đại chưa từng đích thân có mặt trong một chuyến thám hiểm nào. Các cuộc mạo hiểm lớn ở châu Âu thời trung cổ - thập tự chinh - đòi hỏi sự liều mạng và mối đe dọa của người ngoại giáo. Thám hiểm thời cận đại phải là một cuộc đấu trí, một nỗ lực tưởng tượng của ai đó, trước khi nó trở thành một cuộc mạo hiểm trên đường biển. Cuộc mạo hiểm lớn của thời cận đại - cuộc thám hiểm - trước tiên phải được thực hiện bằng trí tuệ. Nhà thám hiểm tiên phong là một con người suy tư đơn độc.
Những tính cách của con người từng làm cho cuộc mạo hiểm đơn độc này thành hiện thực thì không mấy hấp dẫn. Theo các nhà viết tiểu sử của ông, Henry nhà Hàng Hải sống đời sống như một thầy tu và vẫn độc thân cho tới lúc chết. Cả đời ông luôn bị giằng co giữa thập tự chinh và thám hiểm. Cha ông, Vua Joan I, là người sáng lập triều đại Aviz, đã chiếm ngai vàng của Bồ Đào Nha năm 1385. Trong trận chiến quyết định ở Aljubarrota, với sự hỗ trợ của các xạ thủ người Anh, Joan đã đánh bại Vua của Castille và nhờ đó đảm bảo nền độc lập và thống nhất của Bồ Đào Nha. Joan đã củng cố liên minh của mình với người Anh bằng việc kết hôn với con gái của John of Gaunt tên là Philippa of Lancaster, một phụ nữ đạo hạnh và quyết đoán. Bà đã sinh cho vua sáu người con trai, người con thứ ba là Henry, sinh năm 1394.
Để mừng ngày ký hiệp ước hữu nghị với Castille năm 1411, vua Joan theo tập tục hiệp sĩ thời đó định tổ chức một vòng thi đấu kéo dài suốt một năm. Các hiệp sĩ khắp châu Âu được mời tới dự và các cuộc cưỡi ngựa quyết đấu có thể tạo cơ hội cho ba người con trai lớn của vua vừa tới tuổi thành niên được nhận tước hiệu hiệp sĩ. Nhưng ba hoàng tử này đã khuyên vua cha không nên tổ chức vòng thi đấu quá tốn kém này. Bù lại, họ xin vua cho họ có cơ hội thể hiện lòng dũng cảm Kitô giáo bằng cách tổ chức một cuộc thập tự chinh để đánh chiếm Ceuta, một căn cứ địa Hồi giáo và là trung tâm thương mại ở đất Phi châu đối diện với Gibraltar. Ở đó, vua cũng có thể đền tội vì những hành vi đẫm máu của mình trước kia. Hoàng tử trẻ Henry đã giúp lập kế hoạch cho cuộc viễn chinh này và nó đã là sự kiện hình thành cuộc đời của ông.
Hoàng tử Henry lúc này mới 19 tuổi, được giao trách nhiệm đóng một tàu chiến ở thành phố Oporto phía tây bắc Bồ Đào Nha. Sau hai năm chuẩn bị, cuộc thập tự chinh chống lại Ceuta được mở đầu trong vùng hào quang của những phép lạ và điềm lành.
Hạm đội Bồ Đào Nha tấn công pháo đài ở Ceuta ngày 24 tháng 8, 1415, trong một trận chiến không cân sức. Được trang bị đầy đủ vũ khí và quân trang và được sự hỗ trợ của các xạ thủ người Anh, quân Bồ Đào Nha đã vây hãm và tiêu diệt toàn thể quân Hồi. Chỉ trong một ngày, quân thập tự chinh Bồ Đào nha đã chiếm được căn cứ địa Hồi giáo và đưa hoàng tử Henry lên đài vinh quang. Phía Bồ Đào Nha chỉ có tám binh sĩ tử trận, trong khi trên các đường phố xác quân Hồi chất đống. Buổi chiều quân Bồ bắt đầu cướp phá thành phố và những chiến lợi phẩm họ thu được thì quá sức tưởng tượng. Đây là cơ hội đầu tiên để Henry thoáng thấy sự giàu có ghê gớm còn đang giấu ẩn ở châu Phi. Những của cải chiếm được ở Ceuta là những của cải đã được những đoàn thương gia mang về từ miền nam sa mạc Sahara châu Phi và từ miền đông Indies. Ngoài những nhu cầu yếu phẩm thông thường như gạo, lúa mì và muối - quân Bồ Đào Nha còn tìm thấy những kho lương thực đặc sản như ớt, quế, gừng, đinh hương và rất nhiều thứ gia vị khác. Các nhà cửa ở Ceuta đều trải những thảm gấm đắt tiền mua từ phương Đông. Thêm vào đó là vô vàn trân châu, ngọc ngà và vàng bạc.
Quân Bồ Đào Nha để lại đó một đội quân đồn trú nhỏ rồi về nước. Khi hoàng tử Henry được phái trở lại Ceuta để dẹp những đợt tấn công mới Hồi giáo, ông dành nhiều tháng trời học hỏi về những đoàn thương gia Phi châu. Dưới sự cai trị của người Hồi giáo, Ceuta sầm uất với khoảng hai mươi tư ngàn cửa tiệm vàng, bạc, đồng, vải lụa và gia vị, tất cả đều do các đoàn thương gia mang đến. Nay Ceuta đã trở thành một thành phố Kitô giáo, những đoàn thương gia không đến nữa. Người Bồ Đào Nha giờ đây có trong tay một thành phố chết, không mang lại lợi tức gì. Hoặc họ phải hòa hoãn với các bộ tộc ngoại giáo chung quanh, hoặc họ phải chinh phục tiếp những phần đất nằm sâu trong đất liền.
Tuy hoàng tử Henry không thực sự xây dựng một viện nghiên cứu hàng hải, nhưng ông là người gom góp tất cả những chất liệu nòng cốt. Ông sưu tầm sách vở, họa đồ, quy tụ các thuyền trưởng, hoa tiêu và các nhà hàng hải, các thợ đóng tàu, thợ mộc và các thợ thủ công khác, để hoạch định những cuộc đi biển và chuẩn bị cho những chuyến thám hiểm ngày một xa hơn...
Hoàng tử Henry thu thập những thông tin về các miền đất bên trong là nguồn gốc đưa những kho báu tới Ceuta. Ông đã nghe được các câu chuyện về một kiểu buôn bán kỳ lạ, "buôn bán câm", dành cho những người không hiểu được ngôn ngữ của nhau. Các đoàn lái buôn Hồi giáo đi từ Marốc xuống phía nam qua dãy núi Atlas sau hai mươi ngày thì đến được bờ sông Senegal. Tại đây, các nhà buôn Marốc đặt xuống riêng từng đống muối, xâu chuỗi ngọc trai của Ceutan và những hàng hóa rẻ tiền khác. Sau đó họ rút đi không cho ai nhìn thấy. Những người dân bộ lạc bản xứ sống gần những mỏ đào vàng đi ra bờ sông và đổ những đống vàng bên cạnh những đống hàng hóa của người Marốc. Rồi họ cũng rút đi không cho ai nhìn thấy, để cho các nhà buôn Marốc tùy ý nhận số vàng để đổi lấy một đống hàng nào đó của họ, hay bớt đi số lượng hàng của một đống cho cân xứng với giá trị của đống vàng. Rồi người Marốc lại rút đi và quy trình cứ tiếp diễn như vậy. Người Marốc đã thu được vàng của họ theo hệ thống trao đổi này. Những câu chuyện buôn bán kỳ lạ như thế đã kích thích những niềm hy vọng của hoàng tử Henry. Nhưng ông đang là một chiến binh thập tự chinh, vì thế ông đã tổ chức một chiến thuyền Bồ Đào Nha và tuyên bố ý định chiếm Gibraltar từ quân vô đạo. Nhưng chiến dịch này đang diễn tiến thì bị vua Joan ngăn cấm và hoàng tử Henry giận dỗi về nước. Thay vì trở về sống ở hoàng cung để gánh vác trách nhiệm triều đình, ông bỏ xuống xa phía nam, xuyên qua Algarve tới tận mũi Mũi Saint Vincent là mũi cuối của lãnh thổ Bồ Đào Nha và là mũi cực tây nam của châu Âu. Các nhà địa lý thời xưa đã coi mỏm đất này là một chỗ huyền bí, là ranh giới với vùng biển xa lạ. Marinus và Ptolêmê đã đặt tên cho nó là Promontorium Sacrum, mỏm đất thánh và người Bồ Đào Nha đã chuyển tên gọi này thành Sagres để đặt tên cho một làng gần đó.
Du khách tới Bồ Đào Nha hôm nay có thể thấy một chiếc hải đăng giữa các phế tích của pháo đài từng được hoàng tử Henry dùng làm căn cứ địa trong 40 năm. Tại đây, ông khởi xướng, tổ chức và chỉ huy các đoàn thám hiểm về phía lãnh thổ huyền bí. Trong chuyến thám hiểm đầu tiên thời cận đại của ông, từ chỗ này ông đã cho xuất phát liên tục hàng loạt chuyến thám du vào những miền đất lạ.
Chính tại Sagres, hoàng tử Henry đã được mệnh danh là Nhà Hàng Hải. Tại đây ông đã dành hết tâm huyết và nghị lực của người lính thập tự chinh để đưa vào công cuộc thám hiểm thời cận đại. Cung điện của hoàng tử Henry là một thứ Phòng Thí Nghiệm Nghiên Cứu và Phát Triển thời ban đầu.
Hoàng tử Henry đã biết được số mệnh của mình qua những nhà chiêm tinh. Số mệnh đó được định nơi các ngôi sao, nói rằng "vị hoàng tử này có số mệnh đi vào những cuộc chinh phục vĩ đại và cao cả và nhất là đi vào những cuộc khám phá những điều bí ẩn không ai biết tới". Từ những miền đất lạ mới khám phá, ông sẽ đưa hàng hóa về để làm giàu cho nền thương mại Bồ Đào Nha.
Hoàng tử Henry đã biến Sagres thành một trung tâm trắc địa, hàng hải và đóng tàu. Ông biết rằng chỉ có thể khám phá ra những miền xa lạ nếu phân định rõ ràng được ranh giới những miền đã biết. Và vì thế cần phải có dụng cụ.
Theo phương pháp của các họa đồ portolano, ông thu thập những kinh nghiệm lẻ tẻ của các người đi biển để lấp đầy những vùng bờ biển còn chưa biết. Một người Catalan gốc Do thái quê ở Majorca tên là Jehuda Cresques, con của nhà trắc địa Abraham Cresques, được đưa tới Sagres, ở đây ông trông nom việc thu gom và sắp xếp lại các sự kiện địa lý do những nhà thám hiểm biển của hoàng tử Henry mang về.
Hoàng tử Henry khích lệ và rồi yêu cầu các nhà thám hiểm đường biển của mình giữ những nhật ký hải trình và họa đồ chính xác và ghi chú kỹ cho những người theo sau họ những gì họ đã thấy ở các bờ biển. Hoàng tử Henry ra lệnh cho họ ghi chép chính xác mọi chi tiết rồi gởi về Sagres, để khoa trắc địa có thể trở thành một khoa học lũy tích. Thế là những thủy thủ, du khách và những nhà bác học từ khắp nơi đồ về Sagres, mỗi người đem đến thêm những sự kiện mới hay những thông tin mới về các sự kiện. Ngoài những người Do thái, còn có những người Hồi giáo, Ả Rập, người Ý từ Genoa và Venice, người Đức và Scandinavi và sau đó, theo đà tiến triển của công cuộc thám hiểm, còn có những người thổ dân của các bộ lạc vùng bờ biển tây châu Phi. Tại Sagres cũng có những tư liệu của các nhà du hành lớn mà người anh của hoàng tử Henry là Pedro đã thu thập được trong vòng hành trình lớn của ông tới các cung điện của châu Âu (1419-28). Tại Venice, Pedro đã nhận một bản tường thuật các cuộc hành trình của Marco Polo kèm theo một bản đồ "vẽ lại tất cả những phần của trái đất đã được mô tả, nhờ đó hoàng tử Henry đã tiến xa được rất nhiều".
Cùng với những sự kiện này, người ta lại có những dụng cụ mới nhất và những kỹ thuật mới nhất về ngành hàng hải. Hồi đó chiếc la bàn đi biển đã phổ biến rồi, nhưng người ta còn e ngại dùng nó vì họ tin nó có sức ma thuật, tương tự như thuật gọi hồn. Mới chỉ một thế kỷ trước đó, việc sử dụng đá nam châm đã khiến Roger Bacon gặp rắc rối vì bị coi là những tiểu xảo huyền bí. Tại Sagres, chiếc la bàn cũng như các dụng cụ khác được trắc nghiệm dựa vào hiệu năng của nó là có giúp cho người đi biển ra xa ngoài khơi hơn rồi có thể tìm đường trở về nhà được không.
Khi những nhà hàng hải của hoàng tử Henry đi xa hơn những nơi mà các người Âu châu trước kia đã từng đến, họ đã gặp những vấn đề mới phát sinh, đó là việc xác định vĩ độ, lúc đó chỉ có cách tốt nhất là đo độ cao của mặt trời lúc giữa trưa. Thay vì dùng dụng cụ đo độ cao thiên thể rất phức tạp và đắt tiền, các nhà hàng hải của hoàng tử Henry đã sử dụng một dụng cụ đơn sơ hơn là cây đo chữ thập - một cây nhỏ gọn có ghi độ với một thanh chữ thập có thể di động theo đường chân trời và mặt trời để đo góc của mặt trời lúc lên cao. Cộng đồng những người từ khắp nơi tới Sagres đã giúp chế ra thước đo độ, những bảng toán học mới và những dụng cụ mới, hợp thành một bộ thiết bị thám hiểm của hoàng tử Henry.
Tại Sagres và cảng Lagos gần đó, các thí nghiệm về đóng tàu đã sản xuất ra một loại tàu mới nhờ đó những chuyến thám hiểm của hoàng tử Henry và những cuộc thám hiểm lớn về đường biển trong thế kỷ tiếp theo mới có thể thực hiện được. Thuyền buồm nhỏ caravel là một thuyền lớn được thiết kế để có khả năng đưa các nhà thám hiểm trở về. Loại thuyền ba buồm barca là loại thuyền lớn có buồm chính thẳng góc với thuyền hay tàu lớn hình vuông của người Venice có trọng tải đến sáu trăm tấn hay nhiều hơn. Tàu càng lớn thì lợi tức càng nhiều vì chở được nhiều hàng hơn.
Tàu dùng để thám hiểm có vấn đề riêng của nó. Nó không phải tàu chở hàng, nó phải đi rất xa trong những vùng biển lạ và khi cần, nó phải có khả năng chạy ngược gió. Tàu thám hiểm chỉ có công dụng nếu nó có thể đi và trở về. Hàng hóa quan trọng của nó là các tin tức, những tin tức này có thể giữ trong một gói nhỏ, thậm chí được nhớ trong óc của một người, nhưng dứt khoát nó phải là một sản phẩm về được tới nhà. Tàu thám hiểm không cần lớn, nhưng nó phải dễ điều khiển và thích hợp để quay trở về. Tự nhiên người đi biển có khuynh hướng ra khơi xuôi gió, nên cũng có nghĩa là họ phải trở về ngược gió. Các tàu buôn tốt nhất cho việc thương mại trên biển Địa Trung Hải thì không thích hợp cho các cuộc thám hiểm ngoài đại dương xa lạ mênh mông.
Tàu buồn caravel của hoàng tử Henry được thiết kế đặc biệt cho những nhu cầu nói trên của nhà thám hiểm. Ông đã lấy ý tưởng từ kiểu tàu caravos của người ả Rập thời xưa, là những tàu lớn một buồm có khả năng chuyên chở một đoàn thủy thủ lên tới 30 người và 70 con ngựa. Rồi ông cũng lấy ý tưởng từ một kiểu tàu nhỏ hơn và dễ điều khiển, gọi là thuyền buồn caravela, vẫn được dùng trên sông Douro ở miền bắc Bồ Đào Nha. Các nhà đóng tàu của hoàng tử Henry đã sản xuất chiếc tàu caravel nổi tiếng, bằng cách kết hợp giữa kiểu tàu chở hàng caravos của người Ả Rập với kiểu tàu caravela của sông Douro do tính năng dễ điều khiển của nó.
Những con tàu nhỏ caravel độc đáo này đủ sức chở một đoàn thủy thủ cỡ 20 người cùng vật dụng thám hiểm. Họ thường ngủ trên boong tàu, trừ khi thời tiết xấu mới xuống trong khoang. Tải trọng của tàu là khoảng 50 tấn, dài khoảng 23 mét, bề ngang thân tàu khoảng 8 mét và có hai hay ba buồm tam giác. Nhà hàng hải lão luyện người Venice Alvise da Cadamosto (1432-1511) vào năm 1456 đã gọi đó là "những tàu đi biển tốt nhất", sau chuyến thám hiểm châu Phi của ông trên một chiếc tàu caravel do hoàng tử Henry tổ chức. Tàu caravel đã trở thành tàu tiêu chuẩn của nhà thám hiểm. Ba chiếc tàu của Colômbô - Santa Maria, Pinta và Nina - đều thiết kế theo kiểu tàu caravel và chiếc Santa Mari chỉ lớn bằng 1 phần 5 những chiếc tàu lớn Venice có buồm thẳng góc thời bấy giờ. Tàu caravel chứng tỏ tàu lớn hơn chưa chắc đã tốt hơn.
Những cuộc thám hiểm châu Phi của hoàng tử Henry sẽ cho thấy tàu caravel có khả năng trở về nhà một cách bảo đảm mà các loại tàu trước đó không có. Phần chìm của tàu không sâu giúp nó thám hiểm được những vùng biển cạn gần bờ và cũng giúp nó dễ dàng đi vào bãi cạn để sửa chữa. Trong thuật ngữ hàng hải, khả năng trở về nhà đồng nghĩa với khả năng chạy ngược gió và về điều này thì tàu caravel thật tuyệt vời. Điều này có nghĩa là trong điều kiện gió ngược, tàu caravel có thể chạy nhanh hơn những loại tàu buồm khác. Các thủy thủ biết mình ở trên một chiếc tàu có khả năng đưa mình về nhà bảo đảm và nhanh hơn, sẽ cảm thấy an tâm, vui vẻ và sẵn sàng chấp nhận những cuộc hành trình xa và nguy hiểm hơn.
Tuy hoàng tử Henry không thực sự xây dựng một viện nghiên cứu hàng hải, nhưng ông là người đã gom góp tất cả những chất liệu nòng cốt. Ông đã sưu tầm sách vở, họa đồ, quy tụ các thuyền trưởng, hoa tiêu và các nhà hàng hải, các thợ đóng tàu, thợ mộc và các thợ thủ công khác, để hoạch định những cuộc đi biển, để đánh giá những khám phá và chuẩn bị cho những chuyến thám hiểm ngày một xa hơn vào những vùng biển xa lạ. Công trình mà hoàng tử Henry đã bắt đầu sẽ không bao giờ chấm dứt.