Chương 3
Tác giả: Dương Nhạn Sinh - Bạo Thúc Diễm - Chu Chính Thư
Tần Vương Doanh Chính sau khi giải quyết xong vụ tranh giành quyền lực với Lã Bất Vi, lập tức bước vào cuộc chiến tranh thống nhất 6 nước. Bắt đầu từ năm 230 trước Công nguyên, các nước Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề lần lượt bị tiêu diệt, chỉ trong vòng 10 năm, đến năm 221 trước Công nguyên Tần Vương Doanh Chính đã hoàn thành thống nhất đại nghiệp. Việc thống nhất của Tần là một sự kiện lớn trong lịch sử Trung Quốc, có ảnh hương sâu rộng tới đời sau.
Sau khi thống nhất 6 nước, Tần Vương Doanh Chính cho rằng việc dùng tiếp cách gọi "Vương" đã không thể hiện được sự uy nghiêm của ông ta. Thông qua sự bàn bạc của quần thần, Tần Vương quyết định hợp tất cả cách gọi tam hoàng ngũ đế trong truyền thống thời cổ thành một cách gọi mới về người thống trị cao nhất - cách gọi "hoàng đế' ra đời. Doanh Chính là vị hoàng đế đầu tiên nên gọi là Thủy Hoàng Đế, các đời sau thì lần lượt gọi theo đời thứ hai, đời thứ ba... Đồng thời, một chế độ lấy hoàng đế làm trung tâm cũng tương ứng xuất hiện. Ví dụ hoàng đế tự xưng là "trẫm", mệnh của hoàng đế gọi là "chế”, lệnh gọi là "chiếu”, đại ấn gọi là "tỉ"... Hoàng đế có địa vị và quyền lực tối cao, quan lại chủ yếu của cả nước do hoàng đế bổ nhiệm, quân đội phải do hoàng đế đích thân điều động.
Sau khi Tần thống nhất, Tần Thủy Hoàng áp dụng hàng loạt biện pháp để xây dựng chế độ thống nhất trong phạm vi cả nước. Trên diện chính trị, Tần Thủy Hoàng đi đầu trong việc đặt ra chế độ "Tam công", "Cửu khanh" trung ương lấy hoàng đế làm trung tâm. Các chức quan này đều do hoàng đế bổ nhiệm, hơn nữa cấm cha truyền con nối. Ở địa phương, bãi bỏ chế độ phân phong từ đời Chu đến nay, chia cả nước thành 36 quận (sau này mở rộng thành 40 quận), dưới quận là huyện. Các quan ở quận, huyện cũng do hoàng đế bổ nhiệm và cấm cha truyền con nối.
Chế độ này được thực tiễn chứng minh có nhiều tính ưu việt. Chế độ phân phong thời Chu, anh em con cháu cùng dòng họ trên danh nghĩa là tăng cường khống chế đất đai, kết quả lại đánh lẫn nhau, chư hầu cát cứ, Thiên tử muốn quản lý cũng không quản lý được. Nhà Tần bãi bỏ phân phong, lập quận huyện có lợi cho tập quyền trung ương, tránh được phân chia và cát cứ.
Ngoài chế độ chính trị, Tần Thủy Hoàng còn hạ lệnh để tất cả các hộ dân trong cả nước khai báo đăng ký đất đai, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tiểu nông. Tần Thủy Hoàng hạ lệnh thống nhất văn tự, hệ thống đo lường, tiền tệ và đường sá, dỡ bỏ chướng ngại của sáu nước. Để mở rộng hơn nữa vùng đất đã thống nhất, ông ta cho nối liền tường thành của các nước Tần, Triệu, Yên xây thời Chiến quốc, hình thành nên Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng. Tần Thủy Hoàng còn sai quân đi thống nhất vùng Lĩnh Nam Bách Việt, xây đường trong hẻm núi tăng cường mối liên hệ với vùng dân tộc thiểu số Tây Nam. Những chính sách này có tác dụng thúc đẩy rất tích cực đối với sự tiến bộ về giao lưu văn hóa, kinh tế và sự hình thành một nhà nước đa dân tộc thống nhất.
Để thống nhất ông ta ra lệnh "đốt sách" và "chôn nhà Nho". Thừa tướng Lý Tư cho rằng chế độ thời cổ không còn phù hợp với hiện tại, các bộ "Kinh điển" như "Thư kinh", "Thượng thư”... truyền lại từ thời cổ đại sẽ gây tác dụng không tốt, ít nhiều làm hỗn loạn lòng dân nên đề nghị cho đốt. Tần Thủy Hoàng chấp thuận đề nghị này. Năm thứ hai từ khi đốt sách, nghe nói có một số phương sĩ, nho sinh phản đối việc làm phi nghĩa của ông ta, Tần Thủy Hoàng hạ lệnh điều tra, kết quả tìm ra hơn 460 người, tất cả đều bị "khanh sát" (chôn sống).
Hai sự kiện này tuy nói là làm theo cờ hiệu tư tưởng thống nhất nhưng khách quan mà nói nó đã gây tác hại bất lợi của chủ nghĩa chuyên chế văn hóa.
Nói tóm lại, sự nghiệp thống nhất của Tần Thủy Hoàng là một cống hiến to lớn trong lịch sử Trung Quốc, ảnh hưởng của nó đối với đời sau là không thể đo đếm.
Thống nhất và chia cắt, tập quyền và phân quyền trên phương diện chính trị là hai hình thức thống trị khác nhau. Nhìn từ góc độ lịch sử Trung Quốc, thống nhất và tập quyền là hình thức chủ yếu, chia cắt và phân quyền là thứ yếu. Áp dụng bất kỳ hình thức thống trị nào hoàn toàn là do cơ sở kinh tế cụ thể và bối cảnh lịch sử hiện thực quyết định, không thể do con người làm ra, đất nước làm ra, mong muốn làm ra một cách giáo điều. Trong thương trường thời hiện đại, hai hình thức thống nhất tập quyền và độc lập phân quyền đều có tính hợp lý của nó, tất cả cùng phải dựa vào thời cơ, dựa vào hoàn cảnh, xem xét và phân tích tình hình cụ thể. Do thế giới bước vào thời kỳ tư bản lũng đoạn, thêm vào đó là sự phát triển của khoa học kỹ thuật cao, con người cảm thấy trái đất nhỏ đi, xây dựng một thị trường rộng lớn thống nhất đã trở thành ước muốn ngày càng mãnh liệt của mọi người, là trào lưu của sự phát triển kinh tế thế giới. Trước tình hình đó, tư duy của mọi người không những chỉ bó hẹp ở tầm vi mô của công ty mình mà cần phải phóng tầm mắt ra xa, suy nghĩ đến sự hình thành và tác dụng của cách thức một thị trường thống nhất trên phạm vi toàn thế giới.
Italia trên bản đồ châu âu nhìn giống như một chiếc ủng cắm thẳng vào Địa Trung Hải. Từ thời cổ La Mã đến nay, nơi đây đã có truyền thống lâu đời về buôn bán với nước ngoài. Nó đóng vai trò quan trọng là cầu nối kinh tế giữa ba châu âu, á và Phi. Kinh tế đối ngoại chiếm một tỉ lệ cực kỳ lớn trong nền kinh tế nước này, là một trong những cột trụ quan trọng của kinh tế Italia.
Từ thập kỷ 90, đặc biệt là từ năm 1992 đến nay, cộng đồng các quốc gia châu âu thực hiện thống nhất thị trường lớn. Một khi toàn bộ thị trường lớn thống nhất hình thành thì hàng hóa, vốn, nhân viên, nhân công... tất cả đều sẽ tự do lưu động. Để nâng cao sức cạnh tranh tổng thể, đáp ứng nhu cầu của sự hình thành thị trường lớn thống nhất, Italia trên cơ sở quan hệ buôn bán với nước ngoài từ lâu đời cố gắng thực hiện chiến lược xuất khẩu "một con rồng". Không làm như vậy Italia sẽ mất đi ưu thế của mình trên thị trường lớn thống nhất. Tại sao vậy? Bởi vì trong số hàng xuất khẩu của Italia thì phần lớn là hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các quốc gia khác (ví dụ Anh, Đức...) từ thập kỷ 90 trở lại đây đều đã có những bước tiến mạnh mẽ với mục tiêu quốc tế hóa các tập đoàn doanh nghiệp, chỉ riêng Italia vẫn rất thiếu các tập đoàn doanh nghiệp quốc tế hóa lớn có sức cạnh tranh cao. Trong số 100 nhà doanh nghiệp lớn trên thế giới, Italia chỉ có 2. So sánh điểm này với các quốc gia khác là tương đối lạc hậu.
Để thích ứng với nhu cầu của thị trường thống nhất mà trong đó có thể cạnh tranh với các tập đoàn doanh nghiệp quốc tế hóa lớn, Italia đã cho xây dựng các xí nghiệp liên doanh nhiều hình thức, hợp tác gắn liền với sản xuất và tiêu thụ. Nhìn từ góc độ quốc gia, dùng chính sách khuyến khích phát triển chiến lược "hệ thống xuất khẩu” tức là khuyến khích xây dựng hệ thống hoàn chỉnh một con rồng: Sản xuất, tiêu thụ, phục vụ trên trường quốc tế.
Thực tiễn chứng minh, cách làm này là cực kỳ đúng đắn. Phát huy ưu thế tổng thể, tạo ra khả năng tác chiến hiệp đồng mới có thể đứng ngang hàng với các tập đoàn công ty đa quốc gia của các nước khác trên thị trường lớn thống nhất, đứng vững ở vị trí bất bại.