Chương 75
Tác giả: Dương Nhạn Sinh - Bạo Thúc Diễm - Chu Chính Thư
Khi Lưu Tú dựng nhà Đông Hán, các thế lực cát cứ trong nước còn rất nhiều. Ông ta muốn bình định thiên hạ, đi đến thống nhất trở lại, quả thật rất khó khăn. Khi xưa đối thủ của Lưu Bang chỉ có một Hạng Vũ, còn đối thủ của Lưu Tú lại rất nhiều, và Xích Mi chưa phải là vấn đề sau cùng phải giải quyết.
Đối đãi với Xích Mi, Lưu Tú áp dụng cách tiếp nhận sự đầu hàng của chúng, sắp đặt yên ổn làm thượng sách. Đối với các hoàng đế quân phiệt ôm binh cát cứ, Lưu Tú áp dụng thủ pháp đánh bại từng người một, mềm rắn kết hợp. Các thế lực cát cứ đó chủ yếu có bọn Lưu Vĩnh, Bành Hoằng, Tần Phong, Lữ Phương, Khôi Hiệu, Công Tôn Thuật, Điền Mậu.
Lưu Tú quyết định, trước hết giải quyết thế lực cát cứ mặt đông. Bởi vì mối đe dọa ở mặt tây tạm thời nhỏ hơn một chút, mà đe dọa ở mặt đông lớn hơn. Quyết sách đã định, Lưu Tú sai Cái Diên dẫn đại quân tập trung tấn công đánh Lưu Vĩnh. Lưu Vĩnh ở trong thành Tiều Dương lương thực cạn kiệt, khiến ông ta trụ lại không nổi, trong lúc ra khỏi thành rốt cuộc bị giết. Trương Bộ cùng các tướng lĩnh dưới quyền khác cũng lần lượt bị tiêu diệt. Bình định Lưu Vĩnh có ý nghĩa quyết định đối với việc củng cố Quan Đông của Lưu Tú.
Sau đó, tin thắng trận bốn phía truyền về, Tần Phong ở miền Nam, Bành Hoằng ở Hà Bắc bị tiêu diệt. Toàn bộ Trung Nguyên về cơ bản bị Lưu Tú khống chế. Tương đối khó đối phó là Công Tôn Thuật ở Ba Thục và Khôi Hiệu ở Tây Bắc. Lúc đầu Lưu Tú vận dụng sách lược khuyên hàng Công Tôn Thuật, đánh Khôi Hiệu, nhằm phân hóa liên minh liên kết giữa hai người bọn họ. Lưu Tú mấy lần viết thư cho Công Tôn Thuật, Công Tôn Thuật vẫn không chịu đầu hàng. Tuy rằng tiến đánh Khôi Hiệu phải trả một giá rất đắt, nhưng chung quy vẫn phải gặm cho được khúc xương khó gặm này.
Phá xong Khôi Hiệu, Lưu Tú bèn tập trung ưu thế binh lực để đối phó Công Tôn Thuật, Công Tôn Thuật tự cho rằng mình là căn cứ theo lời nói trên Sấm ngữ mà làm hoàng đế, có thiên mệnh giúp đỡ, vì thế chẳng xem Lưu Tú vào đâu. Lưu Tú sau khi bình định Khôi Hiệu, không tiếp tục khuyên hàng Công Tôn Thuật nữa, mà sai Ngô Hán các tướng soái lĩnh đại quân tiến đánh Thành Đô. Công Tôn Thuật đích thân mặc giáp ra trận, nhưng lại bị bắn rơi xuống ngựa. Cây đổ thì hồ ly tan, khu vực Ba Thục cuối cùng được bình định.
Lữ Phương ở xa mãi biên thùy, tuy rằng chẳng có đe dọa trực tiếp gì đối với Lưu Tú, nhưng đại bộ phận các khu vực trong nước đã bình định xong, còn lại ông ta là tai họa cuối cùng. Do ông ta ở biên thùy cấu kết với Hung Nô, quân Hán muốn đánh ông ta cũng không phải dễ. Nhiều năm sau, Lữ Phương tự hiểu ra rằng mình không thể nào thắng được quân Hán, thế là ông ta lúc thì ngả về Hán triều lúc lại ngả sang Hung Nô. Khi ông ta ngả về Hán triều, Lưu Tú đã từng lấy lễ để đối đãi phong vương cho ông ta. Nhưng ông ta sau cùng lại ngả sang Hung Nô.
Dưới sách lược thành công đánh bại từng người một của Lưu Tú, thế lực cát cứ lần lượt bị quét sạch, Hán triều lại được thống nhất trở lại. Thủ pháp đánh bại từng người một, ở mỗi thời kỳ, mỗi khu vực đều có thể vận dụng một cách thành công, trong thương chiến hiện đại, tình huống nhờ đó thành công cũng không phải là hiếm thấy.
Trung Quốc có một công ty sản xuất thuốc tiến hành đàm phán liên doanh với công ty S của Mỹ, phía công ty Trung Quốc vận dụng thủ pháp đánh bại từng người một, khiến đàm phán đã thu được thành công.
Mới đầu, phía công ty Mỹ đề xuất lấy bản hợp đồng do họ đưa ra làm cơ sở, trong đó lại đề xuất lấy bản quyền sáng chế, bản quyền kỹ thuật hạng mục riêng biệt và bản quyền thương hiệu của phía công ty Mỹ làm cấu thành chủ yếu để liên doanh và mua cổ phần.
Luật sư Triệu của phía Trung Quốc trước hết tách riêng vấn đề văn bản hợp đồng với các vấn đề khác để tiến hành thảo luận. Ông ta nói: "Đàm phán phải lấy bản hợp đồng của phía Trung Quốc là cơ sở, bởi vì trong bản hợp đồng của phía Mỹ có một số chỗ mơ hồ không rõ ràng, có một số chỗ lại mâu thuẫn với pháp luật Trung Quốc".
Đại diện phía Mỹ Jack đề nghị luật sư Triệu lấy ví dụ.
Luật sư Triệu chỉ rõ: "Hợp đồng trước hết phải xác định rõ ràng đương sự là ai, trong văn bản của quý công ty, có lúc là công ty S, có lúc là nhà máy sản xuất thuốc S.E. Thế rốt cuộc do ai đứng ra gánh vác trách nhiệm pháp luật?" Lại nói: "Luật xí nghiệp liên doanh Trung Quốc với nước ngoài" của nước tôi qui định, hình thức của doanh nghiệp liên doanh chỉ có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn, loại công ty này không có quyền phát hành cổ phiếu. Trong bản hợp đồng của quý công ty lại đề xuất muốn phát hành và tự do chuyển nhượng cổ phiếu, điều này hiển nhiên là trái với pháp luật nước tôi".
Những ví dụ đưa ra không ít. Jack tiếc rằng đành phải đồng ý lấy bản hợp đồng của phía Trung Quốc làm cơ sở.
Sau đó, luật sư Triệu mới tập trung bàn đến vấn đề thương hiệu. Ông ta cho rằng: "Thương hiệu của phía Mỹ đã đăng ký ở Trung Quốc, về lý đáng ra được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, bản hợp đồng này không có liên quan với thương hiệu của phía Mỹ. Bởi vì hai bên đã xác nhận, trong sản phẩm của xí nghiệp liên doanh sau này, 45% do phía Mỹ bán ra nước ngoài, 55% do phía Trung Quốc tiêu thụ trong nước. Bộ phận mà phía Trung Quốc tiêu thụ trong nước không có sử dụng thương hiệu Mỹ, bộ phận bán ra nước ngoài, phía Mỹ muốn dùng thương hiệu gì, hoàn toàn tôn trọng nghe theo. Như vậy, thương hiệu Mỹ làm bản quyền mua cổ phần hiển nhiên không thích hợp, không thể bắt xí nghiệp liên doanh trả tiền cho thương hiệu của phía Mỹ".
Jack thấy thương hiệu mua cổ phần hết hy vọng, bèn quay sang bản quyền sáng chế. Luật sư Triệu lập tức trả lời: "Theo tôi biết, bản quyền sáng chế của các ông đại bộ phận đã hết hạn, làm bản quyền mua cổ phiếu e không thích hợp. Tuy nhiên, nếu sử dụng bồi thường bản quyền sáng chế thì có thể nghiên cứu thêm".
Phía Mỹ xem chừng chống đỡ không nổi nữa, liền muốn giữ vững tuyến phòng thủ cuối cùng. Jack nói: "Hợp đồng yêu cầu phía Mỹ bảo đảm tính tiên tiến về kỹ thuật của xí nghiệp liên doanh, điều này phía Mỹ không có cách gì bảo đảm. Bởi vì nhân tố để xí nghiệp đạt đến tiêu chuẩn quốc tế là rất nhiều phương diện, phía Mỹ không thể nào khống chế từ một mặt được". Ý nghĩa của câu này là, anh không thể để bản quyền sáng chế của tôi làm bản quyền trong mua cổ phần, tính tiên tiến của sản phẩm sau này cũng không thể do tôi chịu trách nhiệm được.
Luật sư Triệu thấy ông ta đề cập đến vấn đề tính tiên tiến của sản phẩm, liền trả lời riêng về vấn đề này. "Tính tiên tiến kỹ thuật cần phải đảm bảo chắc chắn. Tuy nhiên thứ nhất, phía Mỹ cần phải bảo đảm tính tiên tiến của sản phẩm trong thiết kế, thứ hai, hai bên đều áp dụng biện pháp, cố gắng nỗ lực lớn nhất bảo đảm xí nghiệp đạt đến tiêu chuẩn quốc tế”.
Sự chặt chẽ về logic, cộng thêm giải quyết lần lượt từng vấn đề một, khiến đàm phán thu được thành công thuận lợi. Nếu như để lộn chung tất cả các vấn đề phức tạp rối tinh đó vào một, càng gỡ càng rối, vấn đề đương nhiên không thể nào giải quyết nổi. Xem ra, biện pháp lần lượt đánh bại từng người một thật là rất công hiệu.