Chương 87
Tác giả: Dương Nhạn Sinh - Bạo Thúc Diễm - Chu Chính Thư
Thời Hoán Hoàn Đế, hoạn quan Trương Nhượng thế lực cực lớn, em trai là Trương Sóc làm huyện lệnh Dã Vương, ỷ thế anh trai, lộng hành bạo ngược, không có tính người, thậm chí sát hại cả phụ nữ có thai.
Thế nhưng hắn lại sợ một người, đó là Hiệu úy Lý Ưng. Lý Ưng quản lý vùng gần kinh thành, Trương Sóc cũng nằm trong địa phận do ông quản hạt. Quả nhiên những việc nghịch đạo, vô lương của Trương Sóc bị cáo đến tai Lý Ưng. Trương Sóc sợ quá vội đến trốn ở nhà anh trai. Lý Ưng đem theo quân đến bắt Trương Sóc áp giải về phủ, sau khi luận tội tuyên án tội chết và cho thi hành án. Việc này đối với Trương Nhượng như là: đánh chó dọa chủ, nên ông ta tìm cách tâu với nhà vua, xin trị tội Lý Ưng. Lý Ưng bị triệu vào cung, Hoàn Đế quát: "Tại sao xử chém Trương Sóc mà không tấu thưa". Lý Ưng bình tĩnh đáp: "Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Vệ Thành Công bị bắt đưa về kinh thành, quyển "Xuân Thu” do chính Khổng Tử viết có xác nhận chuyện này, sách "Lễ Ký” cũng nhắc đến công tộc phạm tội, lại còn bình luận thêm có thể khoan hồng nhưng quan chủ quản chấp pháp không nghe. Ngày trước Khổng Tử làm quan nước Lỗ, làm việc trong 7 ngày đã cho giết Thiếu Chính Mào". Lý Ưng sở dĩ phải viện đến kinh điển Nho gia và điển tích là vì thời bấy giờ tư pháp quan thường lấy các loại sách đó làm tiêu chuẩn để định tội. Thấy hoàng đế không có vẻ phản đối, Lý Ưng liền tiếp: "Thần làm việc 10 ngày mới định xong tội, tự cảm thấy chậm trễ, không ngờ lại bị khép vào tội làm quá nhanh. Thần biết tội của mình ở đâu, biết không tránh được cái chết, nhưng xin hoàng thượng cho thần 5 ngày để trừ khử nốt bọn đầu sỏ gây tội ác, sau đó thần sẽ xin chịu tội, đây là nguyện vọng lớn nhất của thần, mong bệ hạ soi xét".
Mặc dù biết Trương Nhượng tâu lời xúc xiểm, nhưng Lý Ưng không sợ hãi, trước khi chết còn xin được đi trừ khử bọn gây tội ác. Thái độ đó làm hoàng đế cũng không biết trách cứ vào đâu nên đành tha cho, Lý Ưng trước khi đi còn quay lại nói với Trương Nhượng: "Đây là quả báo của em trai ông, xử như thế có gì là quá đâu?"
Từ đó hoạn quan to, nhỏ, đều sợ hãi, đến cả ngày lễ cũng không dám ra khỏi cửa, hoàng đế hỏi nguyên do thì bọn chúng nước mắt lã chã đáp: "Sợ Hiệu úy". Đương nhiên, Lý Ưng rốt cuộc vẫn bị bọn hoạn quan hãm hại. Nhưng, từ việc này có thể thấy rằng, Lý ưng một mặt chí công vô tư, một mặt dùng lời lẽ hợp đạo lý biện minh, khiến cho hoàng đế và hoạn quan không thể bắt bẻ được, có như vậy mới thoát được họa. Cách dùng lời lẽ giảng giải đến chân tơ, kẽ tóc, không để sơ hở cho đối phương phản bác, cũng được gọi là trí mưu. Đương nhiên loại mưu này phải kết hợp với lòng dũng cảm cao độ, là mưu trí hành động trước để kiềm chế đối phương.
Ngày nay, thời gian là tiền bạc, hiệu suất là sinh mệnh. Không có một công ty, xí nghiệp nào mà lại không chú trọng tới hai mặt này. Cái quý giá của họ là dám đi trước thiên hạ. Đối với thời gian, họ luôn có tư tưởng chạy đua và những dự kiến trước rủi ro có thể gặp. Nhưng họ tuyệt nhiên không sợ mà luôn hành động trước để kiềm chế nó, đi trước thời gian, đi trước người khác.
Chủ nhiệm bộ phận khai thác sản phẩm của công ty Kpali, Mỹ là một người như vậy. Có lần ông tuyên bố, công ty trong vòng 12 tháng phải cho ra đời 6 loại sản phẩm mới. Nhiều người cho rằng điều này là không thể. Thế mà khi sắp hết thời hạn 12 tháng, 6 loại sản phẩm mới này đã ra đời. Có người nói rằng, nếu không tận dụng thời gian thì thậm chí 5 năm cũng chẳng làm được nhiều như vậy.
Còn có một lần, phó giám đốc công ty nghe được tin đối thủ của công ty đang nghiên cứu chế tạo một loạt máy quay cỡ nhỏ 8mm. Ông lập tức đi tìm kỹ sư của công ty nói: "Đối thủ của chúng ta nghe nói là đã có loại máy mới rồi". Người kỹ sư này vội vã vào phòng nghiên cứu, không ăn, không ngủ và sản phẩm mà anh cho ra đời sau 24 giờ là một phương pháp hoàn toàn mới có thể dùng để sản xuất máy quay hiện đại gấp nhiều lần của đối thủ.
Cũng có một trường hợp tương tự như vậy ở Ý. Vào tháng 12 năm 1978 hãng hàng không của Ý có chiếc máy bay chở khách DC bị rơi vỡ tan ở Địa Trung Hải. Giám đốc công ty vội gọi điện cho giám đốc hãng Boeing đưa ra yêu cầu đặc biệt: "Có thể nhanh chóng cung cấp một chiếc Boing chở khách 722 không?". Theo thông lệ để giải quyết một vụ mua bán phải mất 2 năm. Nhưng hãng Boeing đã điều chỉnh lại kế hoạch cho phù hợp với tình huống đặc biệt, giải quyết mọi thủ tục bán máy bay cho Ý trong vòng một tháng. Phía Ý rất cảm động, họ hủy bỏ hợp đồng đặt hàng với các đối tác khác mà chuyển hướng sang mua 9 chiếc máy bay chở khách Boeing cỡ lớn 747, giá cả đạt tới 0,575 tỉ đô la.
Hành động mạnh mẽ, nhanh chóng, sách lược này luôn giúp cho các công ty giành được uy thế, thu về lợi nhuận. Mỗi công ty, xí nghiệp cũng nên có tác phong và thói quen này.