KÝ ỨC VỐN BUỒN NHỚ VÀ SẦU THƯƠNG CHO CHÍNH NÓ
Tác giả: Dương thu Hương
Khi chủ tịch mở mắt, đã ba giờ chiều.
Ông chưa bao giờ ngủ một giấc trưa dài và nặng nề đến thế. Những giấc mơ ngắn, hãi hùng, xen lẫn những hình ảnh, những ý tưởng còn đọng lại sau câu chuyện về người tiều phu khiến giấc ngủ ấy đẩy ông tụt xuống một vùng sâu. Ông có cảm tưởng vừa tham dự một cuộc nhảy dù đêm mà trong đó ông là gã lính dù nhút nhát bị cưỡng bức lao qua cửa máy bay để buông mình vào một không gian tối tăm đầy hù doạ.
- Thật tồi tệ..
Ông lẩm bẩm rồi bước ra ngoài hiên. Nắng đổ dài quá nửa sân, một thứ nắng trong suốt, vàng nhạt, không mảy may hơi ấm. Những cành mai rung trong gió. Ông ngơ ngẩn nhìn chúng, vẫn như đang chòng chành giữa những cơn mơ vừa qua và hình ảnh mảnh sân chùa trước mắt. Mảnh sân cách ông chưa đầy sải tay, với những hàng gạch vuông, với nắng quái ngã qua mái ngói phía tây. Từ ngôi chùa bên kia sân, tiếng gõ mõ lẫn tiếng đọc kinh vọng ra. Có thể phân biệt giọng của vị sư già và giọng lảnh lói hơn, của sư nữ. Ông lắng nghe hồi lâu tiếng tụng kinh như để tin chắc rằng giấc mơ đã hoàn toàn qua và giờ đây, ông sống trong hiện thực. Cậu lính trẻ phục phịch đang ngủ say trong chiếc võng mắc bên chái hiên đầu chùa, gương mặt đỏ hồng. Tuy còn trẻ, cậu ta cũng đã ngáy, tiếng ngáy khá to. Cả tiếng ngáy ấy nữa, cũng là hiện thực, một hiện thực mạnh mẽ hiển nhiên kéo ông khỏi những giấc mơ miên man, những giấc mơ khiến tâm hồn ông chìm đắm như con tầu bị bẻ hết buồm lái, bị nhấn xuống đáy bùn.
- Ối...Thôi chết rồi...
Cậu lính trẻ đột nhiên vùng dậy, kêu to :
- Xin lỗi, con ngủ quên đi mất.
- Không sao. Chính tôi cũng ngủ quên. Hôm nay thật mát trời.
- Vâng. Xin chủ tịch chờ cho vài phút. Con xin pha trà ngay.
Chàng lính hối hả cuốn võng, rồi đi cắm nước. Phòng quản trị đã thay chiếc ấm điện mới và từ nay cậu ta sẽ không còn phải hì hục đun nước trong gian bếp nhà chùa. Ông nhìn cậu ta, lặng lẽ. Công việc của một ngày quanh đi quẩn lại chỉ thế thôi. Bỗng nhiên, ông nhớ tới tuổi trẻ của mình, không khỏi tò mò :
« Làm sao cậu ta có thể chịu nổi suốt đời thứ công việc tẻ nhạt này ? Một thứ công việc chẳng mảy may thích hợp với tuổi hai mươi ? Phải chăng, vì một niềm sùng kính mà con người phải hy sinh những đam mê khác ? Hoặc chính họ là những người chẳng có đam mê nào đáng giá hơn là đứng trong một đội quân được trả lương để làm một thứ công việc tẻ nhạt suốt cuộc sinh tồn ? »
Nhưng rồi ông vội vã xua đuổi những thắc mắc ấy vì chúng quả là bất tiện. Ông yêu chàng lính trẻ này, có thể là một cảm tình muộn màng và không chờ đón, tuy nhiên nó vẫn luôn luôn là niềm trìu mến đích thực. Ông không muốn có những ý nghĩ xúc phạm đến cậu ta.
- Thưa chủ tịch, mời người vào phòng dùng trà.
- Cảm ơn. Chú pha trà gì vậy ?
- Dạ, trà ướp nhài, như hôm trước.
- Tốt, tôi vào đây.
Ông quay vào phòng, không gian đã thoang thoảng hương nhài. Ấm chè vừa pha toả khói. Rót đầy một chén, ông nhấm nháp từng ngụm nhỏ. Hồi còn ở chiến khu Việt - Bắc, ông cho trồng một bụi nhài ngay sát chân nhà sàn. Bụi nhài ấy mọc nhanh hơn cỏ, chỉ sau một năm đã lan rộng như tấm chiếu đơn. Những chiều hè oi nồng cũng như những đêm mưa rả rích, hương nhài bốc lên ngây ngất. Những bông hoa nhỏ xíu kia, vì sao chúng cho một mùi thơm nồng nàn đến như vậy ? Nhiều đêm, ông đứng bên cửa sổ, nhìn ra khoảng rừng tối đen, thở hít đầy lồng ngực làn khí của rừng đêm hoà với hương nhài. Rồi đến khi có nàng, ông thường gặp hoa nhài hơn, bởi nàng thích cài hoa nhài và hoa ngọc lan trên tóc.
« Ta có nàng trong tay vào năm 1953, khi ấy nàng đã hơn hai mươi tuổi. Từ buổi trưa bắt gặp nàng cùng cô bạn ngồi chia nhau chùm vả trên cây, ta còn phải đợi chờ thêm hai năm nữa. Hai năm trông ngóng, mỏi mòn. Ta đâu có yêu một đứa trẻ vị thành niên ? Về luật đời, ta chẳng mảy may phạm lỗi. Ông lão tiều phu kia còn kết hôn với một cô gái trẻ hơn nàng, cô ta mười tám tuổi. »
Chén trà đã cạn, chỉ sót lại một cánh nhài khô dưới đáy. Chủ tịch chăm chú nhìn cánh hoa héo và chợt hồi nhớ cảm giác ghen tuông của thời đã qua. Ghen tuông, kì cục thay, một thứ yếu đuối bất khả thú nhận.
Ông mường tượng lại không gian lạ lùng đêm ấy, mùi thuốc Ca-ra-ven lẫn mùi thuốc Gaulois ông đốt liên tục thứ nọ xen lẫn thứ kia một cách lộn xộn, và ông cũng hút một cách máy móc, bất tri kì vị. Ông nhớ lại chiếc gạt tàn đất nung đầy ắp đọt thuốc, và mớ tài liệu mà ông lật giở hết trang nọ đến trang kia nhưng không đọc nổi một dòng. Đêm đầu tiên họ làm tình. Đêm đầu tiên tấm thân nõn nà của nàng hiển lộ trước mắt ông, không áo chàm, cũng không áo cánh tân thời, cũng không cả chiếc xu-chiêng may bằng vải phin trắng sợi thưa dếch dác. Chỉ da thịt thuần khiết, vẻ đẹp thuần khiết do thiên nhiên tác tạo. Người xưa bảo : « Trong ngọc, trắng ngà », ông nghe vậy nhưng chỉ tới đêm ấy mới hiểu rõ ý nghĩa từng câu từng chữ. Nhan sắc của nàng đích thực là châu báu. Ông nhớ tiếng nàng cười, dưới ánh sáng mờ mờ của cây đèn nơi góc phòng, hàm răng nàng ánh lên như ngọc. Đấy là khoảnh khắc mà dĩ vãng lẫn tương lai chẳng còn tồn tại, không gian tiêu biến như cõi mộng, và tất thảy những rào cản giữa hai sinh thể rơi xuống. Nàng ở trong ông, tan hoà trong da thịt của ông, nhào quyện trong tâm hồn ông. Mãi mãi. Mãi mãi...
Nhưng cũng thật lạ lùng, vì sao ông lại ghen tuông như vậy ? Trên đường đi của mình, ông đâu thiếu những cuộc gặp gỡ, ông đâu thiếu hơi ấm đàn bà ? Tuy chẳng phải là một gã đàn ông trăng gió, nhưng ông cũng là người từng trải. Vậy mà ông vẫn không tránh khỏi thứ tình cảm thông tục rất đỗi thấp kém này. Sau cuộc làm tình, ông nói với nàng rằng ông cần đọc gấp một mớ tài liệu, rồi ông ra khỏi căn phòng. Nhưng ngồi dưới ánh đèn, ông lật từng trang giấy và mường tượng xem ai là kẻ « đã từng » với nàng ? Ai là người đầu tiên được chiếm cứ tấm thân mỹ miều, tươi thắm ấy ? Ông biết nàng là sơn nữ, cuộc sống của sơn dân phóng khoáng như nước suối, mây rừng. Trai gái đến tuổi trưởng thành được tự do luyến ái. Đối với người châu Á thì dân miền núi chính là thứ người « Âu hoá » trước hết và đầu tiên. Một cô gái khoẻ mạnh, xinh đẹp như nàng, hẳn phải được biết bao chàng trai dòm ngó. Đặc biệt, là những chàng trai đã lớn lên trong cùng một bản, bên cùng một dòng suối, một cánh rừng...
« Ta đã không tránh được thứ tình cảm rất đỗi tầm thường ấy. Cũng thật là khó hiểu, một gã đàn ông đã qua hai mươi năm tuổi trẻ ở phương tây, và người đàn bà đầu tiên trong cuộc đời ta là người tóc vàng, da trắng. ».
Bất giác, ông buông tiếng thở dài :
« Từ cuộc làm tình đầu tiên đến nay đã hơn nửa thế kỉ. Nói một cách chính xác, đã xấp xỉ sáu mươi năm. Không ai đo dược chiều dài của thời gian, vì nó co giãn theo những kỉ niệm của con người.»
Rót tiếp chén thứ hai, ông nhìn thấy người đàn bà đầu tiên trong làn hơi nước bốc trên miệng chén trà.
« Goá phụ. Người đàn bà trong ngõ hẻm. Cô thợ mũ dày dạn và lỗ mãng, người thày tình ái của ta ... »
Gương mặt chị ta giờ đây nhù nhoà như khói, nhưng hơi thở hổn hển và những tiếng hét đứt quãng của chị ta trong những cuộc làm tình không bao giờ ông có thể quên. Họ đều là dân thuê nhà trong một ngõ cụt, sát phố Saint John, nơi một bồn phun nước nhưng chẳng còn nước đứng han rỉ giữa đám bồ công anh già cỗi. Chị ta hơn ông khá nhiều tuổi, chồng làm bưu tá vừa chết được vài năm. Ba đứa con trứng gà trứng vịt suốt ngày bị nhốt trong nhà. Ngày ấy, ông tròn hai mươi. Chắc hẳn, tuổi trẻ tự nó toát ra vẻ quyến rũ giống như một con cầy hương toát ra chất xạ để lôi cuốn bạn tình. Một buổi chiều, người đàn bà goá gặp ông cùng trên đường quay về ngõ nhỏ, nơi ông thuê căn phòng áp mái, còn chị ta sống trong một căn buồng dành cho người ở, thông lưng với một ga-ra cũ. Chị ta làm thợ khâu, trong một xưởng nhỏ sản xuất các loại mũ ngủ. Hình như đấy là nghề cổ truyền của gia đình, và chị ta đã làm thợ từ thuở mười ba . Họ im lặng đi song song với nhau một đoạn đường, rồi đột nhiên goá phụ mỉm cười hỏi ông :
- Sao, công việc tốt đẹp chứ ?
- Cảm ơn , tôi hy vọng như vậy.
Ông trả lời, trong lòng buồn rười rượi vì đã rạc cẳng tìm việc hơn hai tháng mà chưa thấy mảy may tia hy vọng.
- Tốt.
Người đàn bà tiếp lời, sau đấy chị ta hạ giọng :
- Đêm nay, lúc một giờ, cửa nhà tôi mở. Anh đến chứ ?
Ông sững sờ, chưa biết đối đáp ra sao, người đàn bà đã nắm lấy khuỷu tay ông, bóp mạnh và đồng thời lặp lại :
- Đừng quên nhé. Một giờ đêm nay.
Rồi chị ta rẽ vào nhà mình. Ông đi tiếp một đoạn nữa, tới căn nhà cuối cùng trong ngõ cụt, leo lên tầng trời thứ bẩy. Ở đấy, ông uống nước lã và ăn khúc bánh mì khô cứng còn lại từ hôm trước. Nước lã, bánh mì xuông, chẳng bơ sữa cũng không thịt cá, vậy mà máu vẫn rạo rực. Bộ phận cứng nhất trong cơ thể ông không chờ được đến nửa đêm, đã dựng lên như cột buồm khiến ông phải đi đi lại lại trong phòng, chẳng thể làm một việc gì khác. Tim ông đập dồn vì phấp phỏng còn lý trí nhếch mép cười nụ cười cay đắng. Ông đã từng mường tượng, ông đã từng mơ ước, ông đã từng dàn cảnh bao nhiêu lần cho cuộc làm tình đầu tiên của cuộc đời mình, và bây giờ nó đến, trong sự suồng xã của bức bối, bần hàn. Chẳng có công chúa trong mộng, cũng không phải hoàng tử của lòng em. Chỉ đơn thuần là một người đàn bà goá cần lấp đầy giường chiếu. Hồi ấy, tuy trẻ tuổi, nhưng ông cũng đã thầm chua chát cho số phận mình. Ông chưa bao giờ hình dung người đầu tiên chiếm lĩnh tấm thân trai trẻ của ông lại là chị ta, một bà goá gấp đôi tuổi ông và dẫu tóc vàng da trắng nhưng không mảy may nhan sắc. Dầu vậy, ông vẫn chờ đợi với nỗi bồn chồn của kẻ chưa từng biết mùi đời chuẩn bị nếm bữa cỗ đầu tiên. Rồi tới giờ hẹn. Ông đi đến khuôn cửa đã mở sẵn ấy, không nói nổi một lời. Người đàn bà cũng không nói một lời, kéo ông vào căn buồng riêng, chính là chiếc ga-ra cũ được dán giấy hoa loè loẹt bốn bên, được trang bị một chiếc giường cổ , rộng thênh thang, gần như chiếm toàn bộ diện tích căn phòng. Điều ấy khẳng định rằng ông bưu tá phải là người ngoại cỡ...
« Thật lạ lùng, chẳng có gì số phận kiêng dè, chẳng con đường nào mà nó tha dẫn con người bước đến. »
Cũng thật lạ lùng là ông gần như quên gương mặt goá phụ, nhưng lại nhớ như in hình ảnh gian buồng bé nhỏ, chiếc giường cổ lỗ với những cây trụ sắt vĩ đại đội quả cầu bên trên. Người ta có cảm giác rằng chiếc giường vững trãi, đen xì như máy phóng đá này đã tồn tại từ tời trung cổ và còn tiếp tục tồn tại nhiều thế kỉ nữa. Ông nhớ như in tấm vải trải giường kẻ sọc lớn mầu nâu, tấm chăn phủ mầu cà-phê sữa. Ông nhớ cách thức chị ta dạy ông ái ân, hai cánh tay cô thợ mũ nóng rực nhưng các thớ thịt lại mềm nhão và hai bàn tay thô nháp, đầy vết chai khiến nhiều lúc ông đau điếng khi những vuốt ve trở nên điên cuồng. Ông nhớ cử chỉ dứt khoát và đôi khi hung bạo khi chị ta lột phăng chiếc váy ngủ qua đầu, đoạn vung tay ném xuống sàn. Ông nhớ cốc sữa nóng chị ta mời ông uống, tiếng chiếc thìa khua lanh canh trong đêm khuya khoắt khiến ông sợ hãi vì những đứa bé ngủ cách họ có một bức tường...Tất thảy những chi tiết trong bài thực hành tình dục vỡ lòng. Tuổi hai mươi của ông đã được ghi dấu như thế.
« Điều đáng sợ hãi hơn cả chính là lòng ghen tị chị ta khuấy lên trong khu. Lòng ghen tị của những người đàn bà khiến cho đến giờ ta còn hổ thẹn. »
Cái ngõ nhỏ ấy đầy ắp những đàn bà thiếu vắng đàn ông. Nào là vợ lính không đủ tiêu chuẩn đi theo chồng, nào là quả phụ trong những cuộc chiến tranh thực dân liên miên từ châu Phi sang châu Mỹ, nào là đám đàn bà Ý chạy trốn xứ sở của mình, những người phụ nữ tóc đen nhánh thường bị riễu cợt là « bọn Rita... » Có quá nhiều lý do khiến cho những chiếc giường lạnh lẽo. Goá phụ của ông bưu tá đã túm chặt lấy người tình nhân hai mươi tuổi như kẻ chết đuối vớ được mảnh bè. Thoạt tiên, chị ta còn e dè, nhưng sau đó, chị ta cư xử với ông như cai ngục với tù nhân, như nông phu với mảnh ruộng của gã. Rồi những người đàn bà khác, trẻ trung hơn, xinh đẹp hơn, dạn dĩ không kém bắt đầu so gươm với kẻ mau chân chạy trước mình. Họ dấy lên những cuộc tranh chấp ghen tuông quanh chàng trai Á đông tươi dòn như trái táo. Ông hổ thẹn. Ông không thể chấp nhận người ta coi mình như một con mồi. Ông lẳng lặng tìm một căn gác xép ở quận khác. Và một đêm, ông xách hành lý ra đi.
*
- Thưa chủ tịch, người dùng trà xong chưa để con dọn.
- Cảm ơn, tôi xong rồi.
Cậu lính bưng khay trà ra ngoài, và ông quen lệ kéo tập tài liệu xuống trước mặt. Quen lệ, ông lật các trang giấy, trong lúc thầm riễu cợt mình :
« Ta lật những trang giấy này chẳng khác chi lật những trang tài liệu đêm năm xưa. Con người nhiều khi giống như cỗ máy. Những cử chỉ máy móc chiếm một phần lớn thời gian. Cuộc sống thực sự cũng như phần nổi của đảo băng, luôn luôn nhỏ bé.»
Nhưng rồi một ý nghĩ khác ập đến tức khắc, như ngọn triều ném trả vào vách đá :
« Nhưng cái phần bé nhỏ ấy mới đích thực là cuộc sống. Nếu cái phần nhỏ bé ấy chẳng tồn tại, kiếp nhân sinh sẽ chẳng còn ý nghĩa mà chỉ là âm bản của tấm ảnh, nơi sự vật hiện lên dưới dạng các bóng ma. »
Sự so sánh ấy bỗng gợi cho ông nhớ lại căn buồng tối, nơi ông từng sống bằng nghề rửa ảnh, cái nghề buồn chán và bạc bẽo, suốt ngày bị giam cầm trong bóng tối, suốt ngày ngửi mùi muối bạc, vào buổi chiều bước ra khỏi chốn ngục tù bé nhỏ ấy thì mắt loá và lưng đau.
« Ồ, không, căn buồng tối xưa kia là nơi ta tự chọn để kiếm miếng bánh hẩm hiu cho qua ngày. Đây mới chính là tù ngục với cả một đội quân canh giữ. Tại sao ? Tại sao ta để chúng dồn ta đến nông nỗi này ?»
Cuối cùng, ông chẳng thể lãng quên, cũng không có khả năng lẩn trốn. Ông buộc phải quay lại với những giấc mộng hãi hùng vừa trải nghiệm trong giấc ngủ trưa. Ông không thể thoát khỏi nàng. Nàng đang đứng đâu đó, ngay sau lưng ông. Bóng nàng trùm lên ông, trong hình dáng yêu kiều và lạnh lẽo. Ông có cảm giác như nàng vừa bước lên từ vùng băng giá, từ một miền mênh mông tuyết trắng, nơi những dòng sông đóng băng trong suốt như thuỷ tinh; nơi những rừng cây khô trụi in lên bầu trời hoang đám cành đen sì, cong queo như lũ rắn; nơi từng bầy quạ vừa bay vừa thả tiếng kêu ai oán như gióng hồi chuông tập hợp những hồn ma...Lạ lùng thay, nàng chưa từng một lần bước chân qua cõi biên thuỳ, nàng bị cầm tù trong tay áo của ông, nàng dâng hiến cuộc đời cho một hạnh phúc phù dù để sau đó bị ném thẳng xuống địa ngục. Vậy mà trong những giấc mơ của ông, nàng trở thành kẻ đồng hành miên viễn. Bất kể nơi đâu ông từng sống, đều có hình bóng nàng. Ông thấy nàng trên con tầu vượt biển, ông thấy nàng trong con hẻm thành Paris, ông thấy nàng ngơ ngẩn trên những hè phố Hương cảng :
―...Người yêu dấu, biết bao giờ lại trông thấy nhau...‖
Câu hát ấy vang lên giữa thinh không, va đập vào tim ông. Càng ngày, ông càng thấy tâm hồn mình giống như vách núi ven bờ đại dương ngày động bão, nơi những ý nghĩ qua lại, đối chọi không ngưng nghỉ tựa những cơn sóng đập liên hồi vào vách đá, trong một cuộc giao tranh trường kì không phân giải.
― Lẽ ra, ta đã có thể hạnh phúc với nàng. Lẽ ra ta không nên lùi bước trước bọn chúng. Những kẻ đã từng leo lẻo mồm gọi ta là bậc trưởng thượng, là anh cả, và ta đã từng coi chúng như những người đồng chí, những đàn em thân thiết, những kẻ cùng chia xẻ nắm cơm, theo đúng nghĩa của từ copain. Té ra, mọi sự ―đã từng chỉ là những lầm tưởng. Vào một thời khắc nào đấy, mọi giá trị đều lật ngược, tựa hồ ta đã tin tưởng vào những tấm phim âm bản của cuộc sống, cho tới thời khắc chúng hiện hình.
Vào ngày ông đề nghị Bộ chính trị công khai hoá quan hệ của ông với người vợ trẻ, những bộ mặt tươi cười của đám đàn em nhất loạt sa sầm xuống :
- Thưa chủ tịch, lẽ ra người không bao giờ nên đề cập tới vấn đề này. Đó là một tabou, nếu có thể nói một cách chính xác...
Kẻ cất tiếng trước tiên là Thuận, anh ta khá thạo tiếng Pháp, và danh từ tabou anh ta sử dụng chỉ có nửa số người ngồi họp hiểu được thôi. Nhưng những kẻ không hiểu danh từ ấy thì diễn đạt thẳng thừng những ý tưởng của họ một cách thô baọ và xuồng xã.
Tiếp theo Thuận là Sáu. Y giương mắt nhìn ông như tỏ vẻ ngạc nhiên, trong điệu bộ của một vai tuồng , rồi bỗng nhiên nhếch mép :
- Chuyện đàn bà ...Tôi nghĩ rằng chủ tịch nêu vần đề này lên chỉ để làm hài lòng cô Xuân, và đấy là mục tiêu duy nhất. Chắc chắn yêu cầu này do cô Xuân đề xuất...Hoặc có khả năng do gia đình cô ta xúi bẩy. Còn chủ tịch của chúng ta thừa đủ thông minh để hiểu rằng đó là điều không thể chấp nhận.
- Đương nhiên đó là điều bất khả. C’est sur.
Thuận nhấn mạnh, buột miệng buông ra một câu tiếng Pháp, theo thói quen.
Chờ cho cảm giác khó chịu của số người không quen nghe ―ngôn ngữ của kẻ thù trôi qua, Ba Danh lên tiếng:
- Cho dù là cô Xuân, chúng ta cũng không thể khoan nhượng. Người đàn bà chỉ nghĩ tới mái nhà của họ, quyền lợi của bản thân họ, còn chủ tịch phải coi trọng quyền lợi của dân tộc trên mọi thứ quyền lợi khác. Cuộc cách mạng của chúng ta thắng lợi là do toàn dân nhất tề tin tưởng dưới sự lãnh đạo của người. Hình ảnh của người mang lại sức mạnh cho dân tộc. Chúng ta không thể để hình ảnh ấy bị bôi nhọ.
- Thế nào là bôi nhọ ?...Chúng ta không nên dùng những danh từ nặng nề hoặc thái quá.
Tô lên tiếng phản kháng.
Ngay tức khắc, Sáu quay sang áp đảo anh ta :
- Không cần phải kiêng dè, không cần so đo chữ nghĩa. Chúng ta đang đứng trước vấn đề sinh tồn của cách mạng . Lợi ích cách mạng đang bị đe doạ, chúng ta phải tìm mọi cách bảo vệ lợi ích đó. Vì thế, giờ đây chẳng phải lúc chơi chữ hay chọn từ.
- Các đồng chí không nên gay gắt. Đâu sẽ có đó, mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách êm thấm với sự đồng thuận của tất thảy mọi người.
Thuận can giải, và anh ta giơ cánh tay lên phác một cử chỉ trịnh trọng như muốn thay lời kết thúc của diễn từ:
- Tôi cho rằng tất thảy chúng ta đều nhất trí : Việc công nhận cô Xuân là điều không thể có, thậm chí không thể nghĩ đến. Tôi hy vọng rằng với tinh thần trách nhiệm cao cả trước toàn thể dân tộc, chủ tịch cần chấp nhận quyết định này. Chúng ta không có con đường thứ hai.
- Chủ tịch là vị cha già của dân tộc.
Sáu tiếp lời, và hai mép y nhếch lên trong một nụ cười thâm thuý:
- Vị cha già dân tộc, là mái nhà che chở cho nhân dân. Từ bao năm nay dân chúng đã quen với hình ảnh này. Chủ tịch cần nhắc cho cô Xuân nhớ lại điều ấy, nếu cô ấy còn tiếp tục đòi hỏi được công khai chấp nhận.
Vào lúc đó, ông thấy lưỡi ông dính bết vào hàm. Mồ hôi ông chảy dọc sống lưng và đôi chân ông lạnh toát như bị chườm nước đá. Những gương mặt quen thuộc bỗng nhiên hoá thành một đám mặt nạ cao-su phập phồng, méo mó, lồi lõm. Lẽ nào ông tìm được sự cảm thông và niềm tin cậy nơi những hình nhân dị dạng kia ?... Những gì ông vẫn tin tưởng đinh ninh chỉ là nhầm tưởng. Cả một bức tường thành sụt lở trong tim. Tâm hồn ông rỗng không, óc não ông tê bại. Ông thấy mình bỗng nhiên trở thành kẻ cấm khẩu. Ông không thể mấp máy đôi môi. Nhưng một khoảnh khắc trôi qua và bản năng thức tỉnh. Một cảnh báo mơ hồ lướt tới khiến ông rùng mình. Ông phải tự trấn tĩnh một hồi trước khi có thể cất tiếng:
- Nếu bộ chính trị đã nhất trí, đương nhiên tôi phải chấp hành. Nhưng các đồng chí đừng quên rằng cô Xuân là người thân thiết của tôi, chúng tôi đã có hai mặt con, và những đứa trẻ ấy là máu huyết của chính tôi.
- Chủ tịch cứ yên tâm. Những người thân của chủ tịch sẽ được cư xử đàng hoàng. Miễn là họ yên tâm sống trong hậu trường của cách mạng.
Người nói lời cuối chính là Thuận, kẻ nổi tiếng chín chắn và nho nhã trong bộ chính trị. Kẻ cũng được tiếng là người đàn ông đạo đức, có nghĩa rằng so với các đồng chí khác anh ta chẳng phải là kẻ đa thê. Thuận chỉ có một người vợ. Với người đàn bà này, anh ta có năm đứa con.
....Ông không còn nhớ đoạn kết của cuộc họp ấy ra sao. Phần cuối của bản án tử hình. Trái tim ông bị đem lên đoạn đầu đài và ở đó lưỡi gươm đao phủ hạ xuống. Dấu ấn sau chót ghi khắc vào tâm hồn ông là cảm thức về sự bất lực của chính mình. Lần đầu tiên, ông chợt nhận ra ông chỉ là một pho tượng gỗ khổng lồ nhưng mọt ruỗng. Những đồng chí thân thiết ẩn núp sau lưng ông để kiếm chác quyền năng. Họ mới thực chất là những ông chủ, những kẻ trục lợi tàn bạo, vô lương. Tất thảy bọn họ đều được sống mãn nguyện cái phần người ở dưới rốn. Hơn phân nửa bọn họ đều có hai vợ và cả mớ nhân tình. Người có vẻ cảm thông nhất với ông chính là Tô, bởi anh ta đã từng hiểu cuộc sống bị thiến hoạn. Vợ Tô vốn mắc chứng hoang tưởng trầm uất từ thời thiếu nữ. Sau khi sinh nở, chị ta trở thành tâm thần phân liệt, phải điều trị tại bệnh viện và nhà an dưỡng dành riêng cho gia đình các uỷ viên bộ chính trị. Ít nhất, Tô cũng đã chịu thiếu thốn gối chăn một thời gian, trước khi anh ta có quan hệ lén lút với một cô đào hát trong đoàn tuồng Liên khu năm và có với cô này một đứa con trai. Nhưng Tô là thiểu số tuyệt đối, thêm nữa bản tính anh ta nhu nhược và cả nể. Suốt đời, Tô là kẻ sắm vai. Anh ta đã thành con rối gỗ từ rất lâu, thành con rối gần như tự nguyện.
Người được tiếng đứng đắn nhất, cao giọng đạo đức nhất, thái độ quyết liệt nhất trong cuộc họp hôm ấy chính là Thuận, kẻ đã từng là cánh tay đắc lực của ông một thời gian dài:
― Nhưng anh ta chưa bao giờ thiếu thốn chuyện gối chăn. Anh ta chỉ có một người vợ, nhưng với người đàn bà này anh ta có năm đứa con, và dù trong chiến tranh hay trong cuộc sống thời bình, đời sống tình dục của người đàn ông này là liên tục.
Ông nhớ lại bữa liên hoan trên chiến khu Việt bắc. Hôm ấy, nhà bếp được lệnh mổ bò. Rượu cần ê hề vì dân bản cung cấp. Sau bữa cơm, mọi người đều chếnh choáng, vui vẻ. Chợt có tiếng la hét, chửi rủa, khóc lóc của một người đàn bà từ khu gia đình vọng tới. Cùng với thứ tiếng động bất nhã và náo loạn của chị ta là tiếng xôn xao, giọng đàn ông xen lẫn giọng đàn bà. Hoảng hốt, chánh văn phòng chạy sang hỏi han. Lát sau, anh ta quay lại báo cáo rằng vợ thủ kho đau đẻ. Người đàn bà này xấu nết nên càng đau, chị ta càng hò tên anh chồng ra mà chửi. Những người xung quanh xúm lại khuyên can. Giờ cơn đau tạm lắng, hội phụ nữ đã cử người dìu chị ta xuống trạm y tế.
Câu chuyện làm bùng nổ những trận cười ròn rã xen lẫn các giai thoại tiếu lâm vừa cổ vừa kim.
Lúc ấy, ông cất tiếng hỏi:
- Ở đây có cô nào chửi chồng khi đau đẻ không đấy ?
- Không có đâu ạ.
Các phu nhân nhất loạt đáp lời. Một người bạo dạn hơn nói tiếp:
- Mà nếu có muốn chửi thì cũng phải nghiến răng chửi thầm cho đỡ tức thôi ạ.
- Cô có lẽ là người thành thực nhất.
Ông mỉm cười tán thưởng, đoạn tiếp tục chọc ghẹo:
- Nhưng tại sao lại bực tức với người chung chăn chung gối ?
- Là vì....vì...
Người đàn bà ấp úng, nửa muốn trả lời, nửa còn dùng dắng. Lúc ấy, ông nghe tiếng Thuận cười phá lên, rồi chính anh ta đáp thay thiếu phụ kia :
- Là vì lúc sướng thì có cả đôi, lúc khổ lại mỗi một thân một mình phải chịu. Đó là cảm thức trước sự bất công của đất trời. Đó là cơn phẫn nộ đòi lợi quyền trước Tạo Hoá.
- Chú quả là người có tài diễn giảng.
Ông lên tiếng ngợi khen, đoạn quay sang vợ Thuận :
- Chú ấy biết nói như thế, hẳn phải biết cư xử như một ông chồng lý tưởng. Tôi nghĩ có đúng không ?
- Dạ ...
Vợ Thuận cũng lại ấp úng như người đàn bà kia, chị ta đưa mắt nhìn chồng và lúc ấy anh ta lại cất tiếng cười ha hả, lần này, với một nỗi khoái trá không che đậy :
- Thưa chủ tịch, trên lĩnh vực này thì người khá ngây thơ. Lý thuyết và thực tiễn luôn luôn luôn luôn là hai đường thẳng song song không bao giờ giao cắt. Nhà tôi vừa mới day dả tôi cả đêm qua vì chuyện phạm luật.
- Phạm luật ? Luật nào ?
Ông cất tiếng hỏi một cách thành thực vì không rõ trong cuộc sống đôi lứa, người ta đề ra những thứ luật gì. Suốt cuộc đời ông, những người đàn bà lướt qua như cơn mưa bóng mây, tạm bợ như quán trọ, mơ hồ như giai nhân trong chuyện Liễu trai, nên thực tình, cuộc sống gia đình đối với ông còn là một lục địa chưa khai phá. Trong khi ông đưa mắt nhìn Thuận thì mặt vợ anh ta đã đỏ gắt như quả gấc chín, còn Thuận đang cười nụ cười mở rộng nhất mà anh ta có thể. Sau đó, anh ta thủng thẳng cắt nghĩa :
- Rất nhiều luật lệ, nhưng chẳng luật lệ nào đứng vững nổi trước tuổi trẻ và những thôi thúc của thân xác. Ví dụ, thời xưa các cụ dạy vợ đẻ xong phải kiêng đủ một trăm ngày, đó là lý thuyết chính thức. Nhưng tôi không tin có ông chồng nào nhịn qua ba tuần lễ. Sau lưng các bà vợ, tôi hỏi vụng mười ông chồng, cả mười ông đều thú nhận là phạm luật. Rồi các bác sĩ đề ra luật : Khi vợ chửa tới tháng thứ chín tuyệt đối cấm đến gần giường, tôi, tôi hành động jusqu’ au bout. Hôm sau cô ấy đi đẻ, đêm trước tôi còn gỡ.
- Anh có thôi đi không, đồ yêu quái.
Vợ Thuận thét lên, có vẻ như sắp khóc vì hổ thẹn. Cả đám người cười lăn cười lộn, vẻ đồng tình ra mặt. Ông vội vã can :
- Thôi, thôi... Khi phụ nữ đã lên tiếng, ấy là mệnh lệnh. Tôi đề nghị các chú chuyển sang đề tài khác.
« Một thời để nhớ, một thời để thương, một thời để thù hận ... »
Một câu văn cũ rích bỗng nhiên quay lại. Ông chợt thấy trong đó những lo-gic thường hằng. Đúng là đã có một thời. Một thời để nhớ.
Một thời đã qua, thời của những kẻ sống trong rừng, hát cùng một khúc quân ca, bước trong cùng một đội hình, chia nhau một bát cơm và cùng có chung niềm tin tưởng. Thời khốn khổ và mộng mơ, khi người ta có thể nói với nhau tất thảy mọi chuyện một cách dễ dàng. Thời mà người ta tưởng chừng tình thân ái là những sợi dây liên kết chặt chẽ, bất chấp mọi ngáng trở, bất chấp thời gian.
« Nhưng từ đâu nảy sinh ra thứ thù nghịch này ? Lòng ghen tị được che giấu hay quyền lực bị tổn thương ?»
Hai giả thuyết ấy đặt ra trước ông như hai ngả đường, ngả nào cũng đầy rắn rết. Bao nhiêu năm đã qua, ông vẫn không hiểu một cách tận tường nguyên nhân sự phản trắc tập thể này. Phải chăng nhan sắc nàng gợi lên trong lòng những người đồng chí của ông mối ghen tuông, hay việc ông yêu nàng khiến cho quyền lực tập thể bị thương tổn. ?
Trước khi gặp Xuân, tổ chức kháng chiến đã quyết định tìm cho ông một người đàn bà, tương lai sẽ là « mẹ già dân tộc ». Việc ông từ chối quyết định của họ , tiếp theo đó mối tình giông bão với người con gái miền núi kia chính là cây búa đập tan cái hình mẫu tượng đài mà những người đồng chí đã dựng sẵn cho ông.
« Nhưng vì sao họ tự phong cho họ thứ quyền hành của ông mai bà mối ? Tất thảy mọi chuyện diễn ra vừa có vẻ như trò chơi ngớ ngẩn lại vừa giống một thứ ma trận bày ra để dẫn ta tới cửa mồ ?»
Ông không còn nhớ chính xác, nhưng vào khoảng mùa đông năm bốn mươi bảy hoặc mùa xuân năm bốn mươi tám, văn phòng lên báo cáo :
- Bộ chính trị đã họp bàn vắng chủ tịch, để quyết định một nữ đồng chí bên hội phụ nữ sang phục vụ người.
- Tại sao không cho tôi biết nội dung cuộc họp đó ?
- Dạ, vì chủ tịch đảm đương trách nhiệm tối cao lãnh đạo cuộc kháng chiến, Trăm công ngàn việc đợi chờ người. Vì thế, chủ tịch chẳng còn thời gian lo chuyện riêng tư. Bộ chính trị phải đứng lên sắp xếp.
- Ồ, nhưng vấn đề tình cảm giữa hai con người không thể giải quyết một cách đơn giản và máy móc như thế. Các chú phân công, nhưng người nữ kia chẳng có chút luyến ái nào thì sự sắp xếp này chính là cực hình đối với cô ta.
- Xin chủ tịch đừng lo, được phục vụ người là vinh dự.
- Nhưng tôi, tôi cũng là một con người, tôi phải xúc động thật sự mọi chuyện mới có thể tốt đẹp.
- Dạ, các uỷ viên bộ chính trị đều nói thực hiện nghị quyết này là để bảo đảm sức khoẻ cho chủ tịch. Theo sách Hải thượng lãn ông nếu âm dương không giao hoà thì mọi chứng bệnh sẽ kéo đến. Sức khoẻ của người chính là vận mệnh dân tộc, tương lai của non sông. Tập thể tổ chức văn phòng có nhiệm vụ chăm lo cho sức khoẻ của người.
- Tôi hiểu, nhưng không thể vì lý do ấy mà giải quyết mọi sự một cách tuỳ tiện.
- Thưa chủ tịch, bên hội phụ nữ đã làm công tác tư tưởng với đồng chí Thu. Đồng chí ấy thuận tình coi việc phục vụ người là phục vụ cách mạng.
- Ồ...
- Thưa chủ tịch, văn phòng được thông báo là bắt đầu từ thứ bảy tuần này.
- Không cần vội vàng đến thế. Mấy năm nay tôi sống chay tịnh có sao đâu ?
Ông đáp, nỗi bực bội xâm chiếm tâm can. Nhưng chánh văn phòng đã vội vã đi ra. Tiếng bước chân anh ta hấp tấp nghiến trên cây cầu thang đầu hồi. Ngay lúc đó, cần vụ bước vào mời ông sang hầm tướng Long đàm đạo. Cuộc gặp này đã vào lịch từ hai tuần trước nên ông lên đường tức khắc, nhưng cảm giác bực dọc vẫn đeo đuổi. Sự khó chịu này gần giống cảm giác bất mãn năm xưa, ông từng có với người goá phụ trong ngõ cụt phố Saint John, khi chị ta săn đuổi và vây hãm ông một cách lộ liễu trước tất thảy láng giềng.
Vừa bước chân vào hầm tướng Long, ông đã hỏi luôn chuyện đó. Anh chàng này giả tảng như không nghe thấy gì, lúi húi pha trà. Rồi lát sau, thủng thẳng đáp :
- C’ est provisoire.
Ông hiểu rằng người ta tìm cho ông một giải pháp tạm thời, nhưng dẫu sao đó vẫn là một sự áp đặt. Ông thấy quyền tự do của mình bị thương tổn.
Cuối tuần đó, vào chiều thứ bẩy, ông chợt thấy bóng đàn bà xuất hiện. Theo thường lệ, cứ thứ bẩy là mọi người rút về khu gia đình trừ đội cận vệ. Lán của họ dựng cách ngôi nhà sàn của ông vài chục bước chân, đứng bên này gọi to bên kia nghe thấy. Ông hầu như đã quên câu chuyện « nữ đồng chí phục vụ cách mạng » nên vô cùng ngạc nhiên khi thấy một người đàn bà đang trên đường tiến đến khu lán. Lúc ấy, bữa cơm chiều đã xong, bầu trời phía tây chỉ còn lại những ráng mây vàng rực toả thứ ánh sáng không mầu sắc xuống các vòm lá đen thẫm của cây rừng. Trong thứ ánh sáng ấy, và trong không gian hiu quạnh ấy, dáng người đàn bà càng có vẻ yếu ớt, lẻ loi. Ông tự hỏi :
« Ai nhỉ ? Ai có thể đến đây vào lúc này ? »
Về nguyên tắc, đội cận vệ không được quyền tiếp đón người thân trong khu vực cấm. Nếu gia đình lên thăm, họ sẽ được phép nghỉ và gặp gỡ người thân ở khu vực « Trạm trung chuyển » hoặc gọi một cách văn chương hơn : « Nhà hạnh phúc ». Ngôi nhà ấy cách đây ít nhất cũng một dòng suối với hai ngọn đồi. Tò mò, ông tiếp tục nhìn qua khung cửa sổ, theo rõi cái bóng người đang chúi đầu bước. Hình như chị ta còn mang xách vật gì đó khiến dáng đi vừa lật đật vừa nghiêng vẹo. Một dáng đi lao đao, vất vả. Dáng đi ấy gợi nên một thứ tình cảm không chút đáng tôn vinh là lòng thương hại. Lòng thương hại đối với một người đàn ông đã tồi tệ, nhưng với một người đàn bà, sự tồi tệ ấy được nhân hai.
- Ồ, chuyện tầm phào.
Ông tự nhủ một cách khó chịu, vẻ như khó chịu với chính mình. Rồi ông cúi đầu xuống mớ tài liệu. Nhưng một linh cảm mơ hồ mách bảo rằng người đàn bà có dáng đi liêu xiêu kia liên quan tới chính ông chứ không phải với những chàng cận vệ. Lúc ấy, ông mới sực nhớ ra « giải pháp tạm thời » mà tướng Long đã nói, và tức khắc một tiếng kêu thốt lên trong trái tim ông :
- Khốn khổ, đó chính là người đàn bà mà họ đã dành cho ta.
Buông mớ tài liệu xuống, ông ngồi đờ đẫn.
Chắc chắn Hội phụ nữ không còn người nào trông ra hồn mà sống độc thân. Tất cả đều « thuyền có lái, gái có chồng ». Hoa khôi phải kể đến cô Vân, vợ Vũ. Tiếp đến là cô vợ hai của Sáu và cô Tường Vi, chuyển từ đoàn văn công trung ương về. Hai người này được đặt biệt danh là « Nhị vị thục nữ ». Sau đó kể đến « Tam nương thục nữ » cô Lan, cô Huệ, cô Nhi ; ba người đàn bà nổi tiếng khắp chiến khu vì dáng vẻ yểu điệu và tài nội trợ. Những cuộc đón tiếp khách quốc tế, những cuộc liên hoan trọng thể đều phải nhờ đến họ : Họ trưng bầy hoa lá, họ làm bánh trái và các món ăn thị thành, họ dạy các thiếu nữ khác cách trang sức và chính họ cũng là những mỹ nhân trong những bộ áo dài lộng lẫy mà mặc dù cuộc kháng chiến gian nan nhưng họ vẫn cố đem theo. Sau ba mỹ nhân này có thể kể đến vợ Thuận và các phu nhân của chính phủ. Tuy còn đang ở trên rừng nhưng đám nữ nhân này cũng khá đỏm dáng. Người ta cũng chiều chuộng họ mà chuyển một lượng khá dồi dào vải vóc, lụa là, gương lược từ vùng tạm chiếm lên đây , cùng với thứ xa xỉ phẩm dành riêng cho ông :thuốc Ca-ra-ven và thuốc Gaulois.
Về việc này, ông tuyên bố :
« Đấy là thói quen. Ở tuổi tôi, thói quen mạnh hơn người ta tưởng. »
Những người đàn bà dựa vào đấy mà vòi vĩnh :
« Dù ở trên rừng, chúng tôi cũng vẫn là phụ nữ . »
Chính ông ủng hộ bọn họ. Dăm kẻ bực mình nói sau lưng ông :
« Ông ấy đã sống với Tây hai mươi năm, thích uống rượu Tây nên cũng nịnh đầm ...như Tây vậy. »
Vào những buổi liên hoan, ông thấy những người đàn bà kín đáo xịt nước hoa lên cổ áo hay lên những chiếc nơ sa-tanh gài trên tóc. Mùi thơm cũng như nụ cười của họ khiến rừng núi bớt âm u.
Bấy giờ, ông cố điểm lại những người đàn bà từng nhìn thấy, không ai có dáng đi xiêu vẹo kia, cũng chẳng ai tên là Thu...Rõ ràng là tất thẩy đám đàn bà nhan sắc đều đã thuộc phần người khác. Còn lại « nữ đồng chí phục vụ cách mạng » này ắt hẳn là phần xương xẩu nhất còn sót lại trong Hội phụ nữ, là cá thể mà những người đàn ông tuy có thiếu thốn cũng đành quay mặt đi. Điều ấy chẳng còn ngờ vực.
« Dẫu sao cô ta cũng đã đến đây. »
Ông buông tiếng thở dài rồi đứng lên, sửa sang lại quần áo cho chỉnh tề. Lúc ấy, cần vụ bước vào báo cáo :
- Thưa chủ tịch, nữ đồng chí bên hội phụ nữ đã đến.
- Cảm ơn. Chú có thể nghỉ được.
Ông đáp.
Và cậu ta lỉnh đi nhanh như biến.
Đứng nhìn theo chàng trai một cách ngẩn ngơ, ông thầm hỏi :
« Ta sẽ phải nói với cô ta những gì đây, cho đúng phép ? Bởi người đàn bà này không do ta chọn. Nếu là cuộc gặp gỡ bắt buộc của định mệnh thì nó còn tồi tệ hơn nhưng gì đã trải qua với cô thợ khâu Paris. Bởi nó kèm theo một điều kiện tiên quyết khiến cho cả hai bên bắt buộc ngại ngùng : một cuộc làm tình chẳng có tình, cũng không phải sự đồng thuận giải phóng các nhu cầu thân xác mà chỉ đơn thuần là hành động cách mạng. Điều này vừa giả dối, vừa phi nhân. »
Ý nghĩ ấy khiến ông ngán ngẩm. Nhưng ông vẫn nhớ ông là chủ nhà và có một vị khách đang tới. Ông đứng dậy, bước ra đầu hồi, đón cô ta. Người đàn bà, như ông dự đoán, vừa đặt chân lên bậc thang thứ nhất cây cầu thang. Từ trên cao, ông nhìn thấy đỉnh đầu của cô ta trước hết. Một cái đầu nhỏ bé, tóc thưa thớt rẽ sang hai bên, rồi túm lại phía sau bằng chiếc cặp ba lá nhôm sáng loáng.
« Tóc cô ta thưa như tóc một bà già tám mươi tuổi. Thật khốn khổ. Ta chưa từng thấy người phụ nữ nào tóc thưa đến nỗi nhìn rõ cả mảng da đầu. Mà da đầu cô ta không trắng, nó có mầu nâu.»
Ý nghĩ ấy lướt nhanh. Ông nhớ lại thời ở Paris, ông thường gặp những bà lão rụng gần như hết tóc, phơi cái sọ đỏ hồng. Những bà già đã qua từ lâu cái tuổi còn xúc động hay ham muốn ; cũng không đủ khả năng để làm bất cứ việc gì hữu ích nên suốt ngày họ chậm rãi dạo bước trên hè phố hoặc thơ thẩn quanh công viên, quanh các bồn phun nước để ngắm cây cối hoặc cho chim ăn. Họ luôn luôn đội mũ vải hoặc mũ len, chỉ những ngày quá đỗi nóng nực, họ mới lột những tấm lá nguỵ trang xuống, và thiên hạ mới nhìn thấy cái đầu trơ trụi thảm thương của họ : Dấu vết tuổi già, bản án bất khả kháng của thời gian !
« Người đàn bà này còn trẻ, cớ sao cô ta lại rụng tóc nhanh như vậy ? Có thể do khí hậu rừng, do ăn nước suối, do cuộc sống gian lao. Nhưng những điều kiện tồi tệ ấy được phân phát chung cho tất cả. Tại sao những người đàn bà khác vẫn có quyền « phơi mớ tớc dài óng ả », nói theo giọng văn vẻ của một thi sĩ loại ba ?»
Nhưng lúc ấy vị khách đã vượt qua nấc thang cuối cùng, ngẩng đầu lên. Bắt gặp ánh mắt của ông, toàn thân cô ta đột nhiên co rúm. Từ đôi vai hẹp cho đến cặp đầu gối củ lạc đều khép lại trong cơn ngượng ngùng. Không hiểu sao, chính ông cũng ngượng ngùng khi chứng kiến sự sợ hãi không thể che giấu của người đàn bà, và cảm thấy cuộc gặp gỡ này gần như một hành vi tàn nhẫn.
- Thưa chủ tịch...
Môi cô ta lật bật mãi mới buông ra mấy lời ấp úng.
Ông vội đáp :
- Mời cô vào nhà chơi.
- Dạ...
Người đàn bà đáp trong hơi thở hổn hển. Vừa vào nhà, cô ta vội vàng gỡ chiếc túi dết trên vai mắc vào tay ghế, rồi đặt mớ chiếu và chăn vẫn cắp dưới nách xuống sàn. Ông liếc nhìn, thấy ngay một chiếc gối trắng, kẹp giữa một chiếc chăn bông đơn trấn thủ, cả hai được bó gọn trong chiếc chiếu cá nhân, quấn nhiều vòng dây dù :
« Sợi dây kia sẽ được dùng để treo màn cho chủ nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Ắt hẳn tổ chức đã dặn dò cô ta một cách kĩ lưỡng rằng phải mắc chiếc màn ở chái nhà phía trước, nơi được che chắn bởi những tấm mành tre rộng, thả từ áp mái xuống tận sàn. Ở đây, không có chiếc gối thứ hai, không có chiếc chăn thứ hai, không có chỗ dành cho người thứ hai. Thế nên cô ta phải ôm theo đủ thứ. Sự chuẩn bị chu đáo, gọn gàng như tiểu đội đột phá khẩu chuẩn bị bộc phá trước lúc công đồn. Tội nghiệp. »
Ông thầm nghĩ, hình dung cảnh người đàn bà ôm mớ chăn chiếu kia lội qua con suối, vượt qua hai quả đồi :
- Cô mới đi đường, hãy ngồi nghỉ đã.
Ông nói, đoạn đi pha ấm trà mới. Nước đun từ ba giờ chiều không còn đủ độ nóng nên những lá chè nổi lềnh phềnh. Ông phải lắc hồi lâu, nước mới ngả sang màu vàng nhạt :
- Mời cô uống nước. Tôi vừa nhận được đường phèn dân gửi cho.
Ông lấy chiếc bình thuỷ tinh đựng đường phèn Quảng Ngãi, đặt lên bàn :
- Cô ...cô...
- Thưa chủ tịch, em tên là Thu, Minh Thu, bởi bên hội còn có chị Bích Thu nữa.
- A... Hoá ra bên ấy còn cô Bích Thu nữa.
Ông nhắc lại một cách máy móc trong khi cố lục tìm trí nhớ xem đã từng gặp những nữ đồng chí tên Thu lần nào chưa nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy dấu vết. Trong lúc ấy, người đàn bà uống trà. Cô ta có vẻ khát thật sự sau một đoạn đường tuy không phải là quá dài song so với sức vóc cô ta hẳn đã là một cố gắng. Cổ tay cô ta vừa nhỏ vừa gầy giống cổ tay đứa bé, cần cổ cũng phơi những sợi gân dài một cách bối rối vì không thể giấu giếm dưới chiếc cổ sơ-mi cánh nhạn màu xanh lơ. Khi cô ta ngồi trước mặt ông, ông càng thấy rõ lớp tóc mỏng dán vào da đầu, để lộ ra những vệt nâu nhạt. Da cô cũng có mầu nâu, nhưng không phải thứ da bánh mật mà dân gian ca tụng « Da bánh mật, quật chết trâu ». Da cô vừa nâu vừa tái, thứ da thiếu hồng cầu.
Ông không dám nhìn cô lâu, biết cô đang run như giẽ, còn ông, con tim ông tràn ngập nỗi ngao ngán lẫn lòng trắc ẩn. Trắc ẩn cho ai ? Có lẽ sự thương hại này dành cho cả hai phía, người phụ nữ tội nghiệp kia và cho chính ông. Cuộc sống quả là trò đùa tàn nhẫn. Một lớp tuồng bất khả dò đoán. Hoặc là một tai nạn giao thông ?
Quay mặt ra phía cửa sổ, ông nhìn ánh tà dương đang chuyển sang màu tím nhạt , cất tiếng bâng quơ :
- Bên hội phụ nữ có trồng được nhiều rau không ?
- Báo cáo chủ tịch, vườn của chúng em có đủ loại : Rau cải xanh, cải cúc, bắp cải , su hào. Cà tím lẫn cà chua năm nay tốt lắm.
Người đàn bà tội nghiệp túm được câu hỏi vơ vẩn ấy như kẻ đang lạc đường tìm thấy lối ra. Cô ta đáp một cách hào hứng, lưu loát.
- Thế a ? Các cô khá thật.
- Dạ. Các chị lãnh đạo giỏi xoay sở lắm. Chúng em phải cử người xuống tận vùng ráp ranh mua hạt giống rau.
- Thế cô có xuống vùng giáp ranh lần nào không ?
- Thưa chủ tịch...
Cô ta ngước mắt nhìn ông với nỗi hoảng loạn, và tức khắc ông nhận ra sai sót không thể tha thứ của mình. Người được cử xuống vùng giáp ranh, hoặc luồn vào vùng tạm chiếm phải là những người đầy năng lực, ngoài sức khoẻ, sự tháo vát, trí thông minh còn cần đến một ngoại diện hấp dẫn. Đấy là những tiêu chuẩn bất khả đối với người đàn bà đang ngồi co ro trên chiếc ghế mộc trước mắt ông :
- A, tôi hỏi thế thôi. Tổ chức có phân công mới đi được.
- Vâng.
- Tất thảy chúng ta đều phải phục tùng mệnh lệnh của cách mạng, và sự phân công của tổ chức.
- Vâng ạ.
- Cô Thu...
Chỉ chút xíu nữa là ông buông ra một câu hỏi ngu ngốc :― Cô Thu bao nhiêu tuổi nhỉ ?..
Ấy là bởi trong đầu ông đang còn dội lên những câu hỏi thường trực đối với đám nhi đồng: ― Cháu Hồng mấy tuổi nhỉ ? Lại đây nhận kẹo rồi chia cho các bạn; hoặc là :― Cháu Thanh lên mấy nhỉ ? Nhận quà rồi có để dành cho bố mẹ hay không ?Hoặc là :― Cháu Quý năm nay lớn vọt lên đấy, lại đây múa bài con Công cho các chú các bác xem nào.
Những câu hỏi ấy đang còn đóng đinh vào óc não ông bởi chủ nhật trước, ông vừa sang phát kẹo cho lũ trẻ. Chủ tịch hắng giọng giả như một cơn ho làm tắc nghẽn câu nói :
- Cô Thu.....Cô Thu có thường xuyên nhận được tin nhà hay không ?
- Dạ. Nhà em chẳng còn ai ngoài người chị ruột. Nhưng chị ấy đã theo chồng sang đất Thái làm ăn lúc bố mẹ em chết nên không liên lạc được. Đối với em, cách mạng là gia đình.
- Tốt. Cách mạng là gia đình lớn , là mái nhà chung của tất thảy chúng ta.
Ông đáp. Tự thấy mình nhạt nhẽo. Những lời lẽ sáo mòn nhất mà đã từ lâu ông không còn dùng nữa, ngay trong những cuộc họp với đám cán bộ tuyên huấn. Chúng giống bã rau, bã đậu được nấu lại, thứ thức ăn dành riêng cho bò hay lợn. Nhưng người đàn bà lại tỏ vẻ hài lòng. Cô ta ngước nhìn ông, chớp chớp đôi mắt, chẳng rõ để làm duyên hay để biểu thị sự hoan hỉ :
― Cô ta chẳng những xấu mà còn có bộ điệu của một kẻ ngu ngốc. Chắc chắn trong đầu cô ta không có mảy may một ý tưởng nào, ngoài những gì được người khác nhồi nhét cho..
Chân tay ông bỗng rã rời :
― Ta sẽ phải ôm người đàn bà kia hay sao ? Trong một khoảnh khắc nữa ta sẽ phải thực hiện những hành vi tình ái với cô ta ? Điều ấy sẽ không tránh khỏi. Ta cần giải phóng cơ thể khỏi những dồn nén. Ta cần phải giữ trí óc minh mẫn vì cuộc kháng chiến còn lâu dài. Như thế, không có cách gì hơn là phải tiêu diệt những ước vọng của một người đàn ông bình thường. Phải chôn vùi thế giới cảm giác vì ta là hiện thân của tinh thần trách nhiệm. Việc của ta là cáng đáng gánh nặng giang sơn. Nếu thời xưa, đã có kẻ vì trách nhiệm với non sông phải kết hôn với Chung Vô Diệm thì giờ đây, ta cũng phải noi gương cổ nhân mà hành sự.
Nhưng khi mớ lý giáo ấy chấm dứt, tinh thần ông vẫn không mảy may suy xuyển. Ngay cả thứ mà người thường gọi là dồn nén, bình thường vẫn hiển hiện, nhưng lúc này lại biến mất tăm.
― Thật lạ lùng. Bỗng nhiên ta chẳng còn một chút xung năng tình dục. Hoàn toàn rỗng không. Hoàn toàn vô cảm.
Ông biết gã đàn ông nơi bản thể của ông vô cùng cường tráng, và nhu cầu tình dục của gã lớn hơn mức bình thường. Nhiều lần, ông nói thẳng với đám đàn em :
― Tôi chỉ là Cha già từ đỉnh đầu xuống rốn. Còn dưới rốn, tôi vẫn là Anh.
Câu nói ấy được truyền đi như một giai thoại.
Tuy nhiên....Tuy nhiên...
Đứng trước người phụ nữ này, bỗng nhiên cái phần dưới rốn của ông cũng hoá thành Cha già nốt.
Ông sửng sốt :
― Tồi tệ thật. Kim đồng hồ chỉ số sáu. Đó là điều mà chẳng ai ngờ đến. Khi ta sống một mình, nó vẫn hung hăng lồng lộn như con ngựa chiến, vậy mà giờ đây nó lại chụm bốn vó đầu hàng. Kì quái. Chẳng lẽ người đàn bà kia có khả năng tiêu diệt tình dục của bất cứ đối tượng nào trước mặt cô ta ?
Ông thầm hỏi.
Lời giải đáp đến ngay tức khắc :
―Điều ấy chẳng cần hồ nghi. Nếu không, ắt hẳn cô ta đã có chồng. Trên chiến khu, đàn ông đông gấp mười lần đàn bà. Người phụ nữ có quyền chọn bạn tình chứ chẳng phải đàn ông có quyền kén vợ. Rõ ràng là khả năng huỷ diệt ái tình của người đàn bà này rất lớn. Phải chăng đó là cái cớ mà họ chọn cô ấy cho ta ?
Bỗng nhiên, ông giận dữ. Những ý nghĩ rời rạc nện từng nhát búa lên sọ ông:
― Lũ người này tồi tệ thật,
Lý do nào cho phép chúng hành xử với ta như thế ?
Quyền năng nào khiến chúng áp đặt với ta một sự đã rồi.?
Máu dồn lên mặt khiến ông có cảm giác nóng bức. Ông vội rót một chén trà, uống từng ngụm nhỏ, để ghìm cơn giận, thói quen đã có từ lâu. Trong lúc ấy, cô Minh Thu đã uống cạn mấy chén liền, đang ngồi chờ đợi với vẻ nhẫn nhịn của một con chó chầu ngoài sân nhà chủ. Cơn giận dữ khiến ông quên phắt sự hiện diện của người đàn bà bé nhỏ, dúm dó dưới tấm sơ-mi xanh lơ. Cơn giận dữ khiến ông sải những bước dài quanh phòng, tách trà trên tay, mắt nhìn thẳng vào khoảng không gian thù nghịch. Rồi khi ông chợt nhận ra sự bất nhã của mình, ông vội vã quay lại :
- Xin lỗi cô Thu nhé. Tôi đang có nhiều việc phải nghĩ.
- Dạ....Thưa chủ tịch....
Cô ta đáp lí nhí, mặt cúi gằm.
Ông đặt chén trà xuống bàn, kéo ghế ngồi sát người đàn bà :
- Tôi xin lỗi ...Thu nhé....
Ông cố tình xưng hô một cách thân mật. Nhưng chính lúc ấy, con tim ông lại sôi lên vì một cơn cuồng nộ bất thần:
― Tại sao ta phải diễn màn tuồng thảm hại này ? Tại sao ta không nói thẳng cho cô ta biết rằng bộ máy sinh dục của ta giờ đây trở thành vô năng vì nó bị uy hiếp ? Rằng chính cô ta đã tiêu diệt mọi ham muốn nơi người đàn ông. Rằng bất cứ gã đàn ông nào cũng sẽ trở thành kẻ liệt dương hoặc tâm thần khi phải lên giường với cô ta ...
Nhưng trong lúc óc não ông sôi sục những lời rủa xả thì vẻ mặt ông lại nhu thuần như mặt kẻ ngồi thiền, và ông hạ giọng ngọt ngào :
- Tôi thật lòng xin lỗi Minh Thu. Hôm nay, người tôi khó ở. Có lẽ tôi bị sốt từ chiều qua mà chưa kịp uống thuốc.
- Dạ ...thưa....
Người đàn bà lúng búng đáp, mặt càng cúi gằm xuống. Bất chợt, những giọt nước mắt lã chã theo nhau chảy trên sống mũi cô ta. Cô Minh Thu giơ tay áo quệt. Ông vội vã đứng lên, định bụng tìm một tấm khăn tay sạch cho cô. Nhưng rủi thay, chiếc khăn tay duy nhất còn khô ông đang dùng. Những chiếc khác ngâm xà-phòng trong chậu. Ông đành đứng im lặng nhìn người đàn bà tội nghiệp mỗi lúc mỗi nức nở một cách hờn tủi. Vì chẳng mang theo khăn tay, cô cúi xuống, lôi trong túi dết ra một chiếc áo lót, chắc hẳn là áo ngủ, để lau mũi.
― Ta chưa từng gặp người đàn bà nào vô duyên đến thế.
Ông thầm nghĩ, khi nhìn những giọt nước mắt lăn dọc theo sống mũi cô Thu. Một cái mũi nhỏ, đã hớt lại vẹo đầu. Sự lệch lạc của số phận. Đối với người phương Đông tin vào nhân tướng học, cái mũi vừa tượng trưng cho sự nghiệp vừa tượng trưng cho kẻ hôn thú. Người đàn ông nào có cái mũi lệch vẹo ắt hẳn phải lấy thứ đàn bà đần độn, xấu xí hoặc nếu có vài phần nhan sắc thì chỉ là cô đầu, con hát hay gái chuộc từ lầu xanh. Người đàn bà nào có cái mũi lệch vẹo sẽ chẳng thể kiếm được tấm chồng, hoặc nếu có, ắt chẳng phải đấng lang quân tử tế :
― Chắc chắn ta không thể là đấng lang quân tử tế của cô Minh Thu được. Chẳng có đức ông chồng tử tế nào có thể nhìn vợ như nhìn một chiếc bắp cải bầy trong gian hàng thực phẩm như ta lúc này. Những bức tranh tĩnh vật còn khiến ta muôn phần cảm động hơn.
Thời trước, mỗi khi bước chân vào bảo tàng Louvre, ông cảm thấy một mối xúc động lạ lùng khi đứng trước những bức tranh, cho dù ông chẳng được học hội hoạ.
― Nhưng người đàn bà này....quả tình là nỗi bất hạnh, cho chính cô ta và cho ai sẽ phải lên giường với cô ta. Những người khác, có thể lỗ mãng, hung bạo. Có thể ngang ngược, cương cường. Có thể nhu thuận, hiền dịu. Nhưng họ đều toát ra mùi của đàn bà, họ gợi cho người đàn ông niềm hứng khởi. Nếu chẳng phải những đam mê cháy bỏng thì cũng là mối cảm tình nồng ấm. Lỗ mãng như cô thợ khâu mũ, cũng có những dáng nét để người ta xếp cô ta vào phái nữ.
Ông ngẫm nghĩ.
Cô thợ khâu mũ có mớ tóc dầy như bờm ngựa, màu vàng rơm. Khi cô ta thả tóc, tấm lưng được che kín bởi một thác vàng óng ánh. Ông đã từng vuốt ve mớ tóc ấy, tò mò ngắm những sợi tóc loăn xoăn mảnh hơn cả tơ tằm. Một lần, sau cuộc làm tình ông trở về gian gác xép, bất ngờ tìm thấy trong vạt áo mấy sợi tóc của cô. Táy máy, ông thử lấy một sợi buộc vào chiếc đồng hồ quả quýt, rồi đung đưa như đung đưa con lắc, hoàn toàn không ngờ rằng sợi tóc mảnh mai ấy lại có thể treo được một vật nặng hơn nó cả ngàn lần.
Rồi một gương mặt khác, một gương mặt kiêu ngạo với đôi mày xếch quay về. Con tim ông bật lên tiếng chào thầm kín:
― A, chào em...cố nhân.
― A...đó là nàng, người đồng chí!
Người đàn bà đưa mắt nhìn ông đầy hăm doạ, rồi đột ngột cô ta phá lên cười.
Ông mỉm cười theo, vì những cử chỉ ấy đích thực là của cô, người đã từng khiến con tim ông điên đảo, dẫu sự điên rồ ấy cũng chỉ là một cơn sốt chóng qua :
― Chào em, người thân mến, đồng chí thân mến.
Bởi cô đích thị là đồng chí, theo đúng ý nghĩa danh từ chỉ những ai cùng bước chung trên một con đường, theo đuổi chung một mục đích. Gương mặt vuông, tia nhìn vừa quyết liệt vừa thách thức, lời lẽ nảy lửa, thói quyết đoán gần như bạo chúa, tất thảy những nét nổi bật trong tính cách cô, mẫu người tiêu biểu của cách mạng. Cách mạng gầm thét trên hành tinh này bởi có những con người như cô. Những cá thể vừa sáng suốt vừa mù loà, bởi tất thảy sự hăng hái, cuồng nhiệt của họ bị dẫn dắt bởi cảm hứng chiến thắng, cảm hứng chủ đạo của các kiếm sĩ thời xưa khi dấn thân nơi trận mạc. Cảm hứng chiến thắng này là thứ ma lực đưa dẫn họ suốt cuộc hành trình, và họ dấn thân trên mọi nẻo đường tranh đấu, đinh ninh rằng cuộc dấn thân của họ là vì một mục đích chung, nhưng thực chất họ chỉ đi tìm cơ hội làm dịu bầu máu sôi sục của tuổi trẻ, để thoả mãn cơn khát quyền lực, cho dù họ vẫn mượn những mục đích chung để biện minh cho hành động của mình.
― Thôi, không bàn cãi nữa, tôi cho rằng đã đến lúc quyết định.
― Thôi, không lý lẽ dài dòng. Cách mạng đang chờ chúng ta. Giờ là lúc lên đường!
Ông nhớ cách nói nhát gừng của cô, thường là lời cuối cùng của cuộc họp vì những người đàn ông không muốn tranh cãi khi hai má cô đã đỏ rực lên và đôi mắt long lanh giận dữ.
Trong cuộc sống chung ngắn ngủi của họ, cô cũng thường cắt ngang lời ông khi bực tức, với thái độ độc đoán hệt như vậy. Ông nhớ cách cô vung tay lên để biểu thị quyền uy tối thượng của mình, cách cô chồm đến hôn ông thay một lời xin lỗi khi nhận ra mình sai. Và cách cô làm tình. Bao giờ cô cũng là người đi trước, và cô thường cưỡi lên ông với vẻ khoan khoái của một kị sĩ lành nghề trên lưng con tuấn mã trung thành .
― Ồ, ngay cả với cô ấy nữa, ta cũng tìm thấy những nét đáng yêu. Khi cô ấy bực tức mím môi lại, nốt má lúm đồng tiền hiện lên khiến cho những lời lẽ áp đặt kia hoá thành trẻ thơ và ta không thể phản kháng. Sau khi tuyên bố những lời lẽ quá khích hay bày đặt ra những chương trình bạo động, cô ấy biết cách rút lại các ý kiến sống sượng của mình bằng cách phá lên cười. Nụ cười thành thực ấy vừa như tự riễu cợt mình vừa như để xin lỗi người khác và sau rốt, xí xoá đi mọi chuyện.
Trong lúc ông chìm đắm với những hồi ức, cô Minh Thu đã nén được cơn nức nở. Cô ngồi thẳng lưng lên, môi mím chặt. Gương mặt cô không còn thảng thốt hay sợ hãi mà trở nên lầm lì. Bàn tay cô vẫn giữ khư khư chiếc áo lót, đã bị vo viên thành một nắm và chắc chắn ướt đầm nước mắt. Không nhìn ông, cô nhìn thẳng vào bức tường đối diện được dựng thuần bằng gỗ.
Lúc đó, bóng tối bắt đầu tràn ngập. Chủ tịch chợt sực tỉnh, lên tiếng:
- Cô Minh Thu đã bình tâm chưa ?
- Thưa chủ tịch, tôi đã bình tâm.
- Tốt lắm. Chờ tôi thắp đèn. Như thế, chúng ta sẽ thoải mái hơn.
- Vâng.
Ông hơi ngạc nhiên vì giọng nói của cô thay đổi. Nó có vẻ rắn rỏi, dứt khoát thậm chí bất cần đời. Ông thắp một lúc hai ngọn đèn, đặt lên bàn :
- Cô Minh Thu đã muốn đi ngủ chưa ?..
- Thưa chủ tịch, giờ ngủ của tôi là tám rưỡi.
- Tốt lắm. Tôi có thể tìm ra thứ gì đó để đãi khách bây giờ. Ít ra, tối nay cũng là tối thứ bẩy.
Ông đi tìm thứ gì đó khả dĩ đãi khách, nhưng trong tủ của ông chẳng có gì hơn ngoài thuốc lá, và hộp sữa Con chim.
Trong khi ông đi đục hộp sữa, cô Minh Thu đã ra đầu hồi lấy thêm củi chất vào bếp lửa. Lúc nhìn thấy người đàn bà ôm mớ củi quay vào, lòng ông chợt nhen lên một mối động tâm. Một thứ tình cảm phức tạp và mơ hồ tràn ngập tâm hồn ông. Có lẽ đó là sự thương cảm, nỗi buồn, niềm hoài nhớ những hạt mầm hạnh phúc vừa nẩy nở đã nhanh chóng chết thiêu chết rụi trong một cuộc sống lênh đênh , đầy biến động và gian khổ. Cũng có thể đó là sự thấu hiểu cõi người, sự thông cảm trước tha nhân, kẻ cũng bị kết án chung thân bất hạnh như ông, dẫu rằng nguyên cớ khác nhau.
Hoặc có lẽ ....bởi sương đêm bắt đầu toả vào không gian hơi lạnh. Cảm thức về nỗi mịt mù của trời đất đã khơi dậy những mù mịt trong cõi tâm linh ? Có lẽ, và có lẽ...
Ông không còn biết nữa, nhưng khi người đàn bà khom lưng xuống chất củi vào bếp, đoạn vươn cần cổ gầy gò ra thổi lửa khiến những đốm than hồng bay tứ tung, ông bỗng thấy thương cô ta như thương một kiếp đoạ đầy. Ông đưa cốc sữa cho cô Minh Thu và nói :
- Cô uống sữa đi. Rồi tôi đưa đèn cho mắc màn. Hy vọng rằng lần sau, tôi hết sốt, tình hình sẽ khá hơn.
Lần sau, ấy là thứ bẩy tuần sau.
Ông trở về sau một quãng đường dài khảo sát địa hình chiến dịch. Quần áo ông lấm lem bụi đường. Mồ hôi đọng khiến da râm ran ngứa ngáy. Lần ấy nữa, ông cũng quên rằng đây là ngày thứ bẩy, cái mốc thời gian quy định để có một người đàn bà đến phục vụ ông dưới danh nghĩa phục vụ cách mạng. Thành ra, khi đặt chân lên cầu thang bập bùng ánh lửa, ông thốt lên tiếng hỏi :
- Cậu nào trên ấy đấy ?..Sao đốt lửa sớm làm vậy ?
Không ai trả lời.
Cậu cần vụ ghé tai ông, thì thầm :
- Có lẽ đó là người bên hội phụ nữ.
- A...
Ông sực nhớ . Cậu cần vụ hỏi luôn :
- Con có cần ở lại chuẩn bị nước tắm không ạ ?
- Có chứ.
Ông đáp thẳng thừng vì cậu ta vẫn chuẩn bị nước nóng cho ông tắm từ lâu nay. Chiếc nồi đun nước khá to, bằng đồng nặng chịch, và thùng gỗ chứa nước cũng rất lớn, tay trai tráng mới có thể vần đi vần lại. Sau hai ngày đi đường, được tắm sạch sẽ, được thay đồ mới đối với ông là hạnh phúc. Một hạnh phúc bé nhỏ, song le vẫn là hạnh phúc.
Khi họ vào nhà, cô Minh Thu đã ngồi bên bếp, hí hoáy đan. Cái tư thế tuyệt đối cổ điển của một người vợ chờ chồng. Ông cảm thấy vừa hẫng hụt, vừa khó chịu nhưng vẫn phải tươi cười đáp lại lời chào của người đàn bà. Cậu cần vụ săm sắm bước vào gian nhà tắm, đoạn quay ra :
- Thưa chủ tịch, đã có nước nóng trong đó. Bây giờ, con chỉ lo chuẩn bị quần áo cho người là xong.
- Cảm ơn.
Ông quay lại hỏi người đàn bà :
- Chiếc thùng cao thế, làm sao cô vần nổi ?
- Dạ, em làm được.
- Cảm ơn...Nhưng lần sau cứ để cho cần vụ làm. Cậu ấy còn đang tuổi bẻ gẫy sừng trâu.
- Thưa vâng.
Ông bước vào phòng tắm, trút bộ quần áo đầy bụi lẫn mồ hôi, bất giác buông tiếng thở dài. Ngoài kia, cậu lính trẻ đã rút lui, tiếng chân bước trên cầu thang vọng lại. Khi cậu ta đã đi xa, chỉ còn lại là tiếng lửa reo, tiếng nhựa gỗ sôi bọt xèo xèo và tiếng than nổ lép bép. Trong cái không gian quen thuộc của ông, lâu nay chỉ mình ông ngự trị giờ có một người đàn bà xa lạ đang ngồi gẩy từng mũi len. Điệu bộ lóng ngóng kia chứng tỏ cô ta chưa bao giờ cầm kim đan, và đây là bài học vỡ lòng nữ công của mấy chị lãnh đạo. Họ dàn cảnh. Đạo diễn nghiệp dư và diễn viên đặc biệt tồi. Ông thấy tội nghiệp cho họ, cho cô Minh Thu, cho chính ông.
― C’ est la vie. Toujour meme comédie !
Gáo nước đầu tiên bất cẩn dội vào mắt khiến mắt ông cay xè. Ông vội lau mắt bằng chiếc khăn khô, tự nguyền rủa mình lơ đễnh. Rồi chờ cho cơn đau dịu đi, ông mới tiếp tục tắm, vừa tắm vừa nhớ lại lời hứa với người đàn bà. Có vẻ như tình hình không sáng sủa hơn. Nhất là sau một chặng đường dài mệt nhọc :
« Gay go thật. Số phận không mỉm cười với cô ta. Người đàn bà này sinh ra vào giờ nào mà xúi quẩy đến như vậy ? »
Ông thầm nghĩ. Và một nỗi sợ hãi thực sự khiến ông hốt hoảng :
« Nhưng ta không thể đẩy cô ta vào sự tủi nhục đến hai lần. Dẫu sao cô ta cũng là một con người, một người đàn bà. Sự nhục nhã có thể buộc con người tìm đến cái chết ... »
Thời trẻ, ông đọc không ít những chuyện hậu cung. Ông thuộc không ít những cái chết bởi chén vàng đựng thuốc độc, bởi đoản đao cắt họng, hay lụa trắng treo thây lơ lửng trên lầu. Từ hoàng hậu, phi tần , tới cung phi, nữ bộc...biết bao người đàn bà đã tìm cái chết để rửa mối nhục thất tình ...Mà đa phần họ đều là những mỹ nhân. Cô Minh Thu chẳng phải là mỹ nhân, đã đành, nhưng lại nhận sứ mạng « phục vụ cách mạng ». Mặc cảm ắt sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Chẳng cần giầu trí tưởng tượng cũng biết rằng sau buổi tối thứ bẩy tuần trước, cô đã phải thú nhận với cấp lãnh đạo : « Báo cáo, tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. ». Các bậc liền chị đã họp bàn, tìm biện pháp giúp đỡ đàn em suốt một tuần lễ. May mắn cho họ là ông đi khảo sát địa hình chuẩn bị chiến dịch nên họ có cơ dàn cảnh : « Nàng chuẩn bị nước thơm cho chàng tắm và ngồi đan bên bếp lửa... ».
Thật tội nghiệp cho kiếp người !
Nhưng cho dù than thở cho ông hay cho cô ta, ông vẫn không quên rằng lát nữa, ông sẽ phải « động phòng », theo lối nói cổ. Mà cái phần dưới rốn của ông vẫn chưa chịu ngẩng đầu lên. Nỗi lo thất bại chen lẫn nỗi lo sợ trước những phản ứng có thể xảy ra đối với kẻ bị làm nhục khiến ông mất bình tĩnh. Nhưng chính lúc ấy, những thao tác của sự kì cọ đem lại cho ông giải pháp xưa cũ nhưng luôn luôn hiệu nghiệm. Ông tự ve vuốt mình. Trong bóng tối, chỉ có ông với ông thôi. Những động tác quen thuộc giúp cho ông trở nên cân bằng và bình tĩnh. Ông mường tượng lại người đàn bà dâm dục nhất ông từng gặp trong đời, cô nàng mắt xếch. Ông mường tượng cảnh cô cưỡi trên bụng ông, da thịt cô, hơi thở của cô , mái tóc đen óng như than xoã trên vầng trán, lấp lánh dưới ánh đèn..
Và tuổi trẻ của ông quay trở lại...
*
Tiếng chuông điện thoại réo inh ỏi khiến ông giật mình, bừng tỉnh cơn suy tưởng. Ông định đứng lên nhưng cậu cần vụ đã chạy vụt vào phòng, nhấc máy :
- Thưa chủ tịch, thủ trưởng Vũ.
- Cảm ơn, cậu để đó cho tôi.
Ông cầm ống nói áp lên tai, nghe hơi thở khúc khắc ở bên kia đầu dây :
- Chú làm sao vậy ? Viêm phế quản à ?
- Không, em vừa bị cảm chiều qua.
- Cẩn thận. Dẫu chú trẻ hơn tôi nhiều, nhưng cũng đã qua tuổi tráng niên. Chớ đùa với Tạo hoá.
- Em biết. Anh Cả có khoẻ không ?
- Bình thường. Sau khi chú về, tôi cho người mang thêm ít tiền phúng gia đình tiều phu. Họ chuẩn bị phong bì quá sơ sài.
Ông nghe tiếng cười của Vũ bên kia đầu dây, rồi tiếng đáp :
- Chúng ta luôn luôn quên những tiểu tiết. Chúng ta luôn luôn lơ đãng trước những con tính cụ thể. Nhưng chính các thứ tiểu tiết, và những bài tính tầm thường kiến tạo nên đời sống.
- Nhất trí. Dạo này chú có khuynh hướng trở thành triết gia của chủ nghĩa thực nghiệm. Liệu chú có tính chuyển sang ban tuyên huấn hay không ?
- Ấy chớ.
Ông nghe Vũ cười phá lên với vẻ riễu cợt quen thuộc :
- Ấy chớ, xin anh Cả tha cho em.
Ông cũng cười, và tức khắc chuyển đề tài :
- Hà nội thế nào ?
- Ngày mai sẽ có gió mùa đông bắc. Anh đừng quên trời sẽ còn rét khá lâu.
- Tôi không quên : Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba là rét nàng Bân.
- Vâng. Chính thế nên em phải gọi điện cho anh. Gió bấc về, trên ấy sẽ rét trước. Anh chớ đi dạo trong rừng, bất thần mưa ập xuống dễ bị cảm hàn.
- Tôi sẽ nhớ.
- Em phải đi ngay bây giờ. Họ vừa báo có cuộc họp đột xuất trong văn phòng trung ương, kèm theo bữa ăn tối...Chắc ăn xong sẽ họp luôn...
Anh Cả nhớ giữ gìn.
- Chú cũng vậy. Cho tôi gửi lời thăm cô Vân. Chú thật may mắn có được cô ấy, vừa đẹp người vừa đẹp nết.
- Ô....cảm ơn anh.
Vũ đáp với giọng chế riễu ông chưa từng biết đến và nhắc lại bên kia đầu dây nói :
« Anh Cả gửi lời khen ngợi em, bậc kì nữ đẹp cả người lẫn nết. »
Rồi tức khắc, người đàn em quay lại nói với ông :
- Em đi đây.
Ông nghe tiếng dập máy khá lạ lùng bên kia đầu dây. Một mối ngờ vực lướt qua. Nhưng ông không thể giải đoán.