ƯỚC NGUYỆN (2)
Tác giả: Dương thu Hương
- Cháo của bác đây.
Tiếng một người đàn bà nói sát bên tai khiến ông giật mình.
- Phần cháo sáng của bác đây. Mời bác về phòng ăn cho nóng.
- Cảm ơn cô.
Vũ vồn vã đáp. Cô y tá mang phần ăn sáng cho ông nhoẻn miệng cười rồi lắc cái đuôi tóc kết sam một cách yểu điệu trước khi quay đi. Vũ nhìn vào chiếc bát sắt tráng men : Cháo thịt đại trà ; thứ cháo nấu trong những chiếc nồi đại, cao gần như thùng chứa nhựa đường rồi sau đó được san vào những chiếc xoong nhôm lớn để chia cho hơn một ngàn con người trong viện. Một cơn rung mình bỗng chạy qua toàn thân Vũ. Ông bỗng khiếp sợ cái món ăn tập thể này. Hoặc là những kỉ niệm nặng nề khiến ông chán ăn, hoặc là cái chết của người cùng phòng làm món cháo trở thành thiu vữa. Hoặc là sự cộng hưởng của cả hai thứ.
Vũ đưa mắt tìm mấy người đàn bà chăm sóc người bệnh trong phòng của ông. Trong số đó, ông đặc biệt chú ý đến một bà già xương xẩu, cao lòng khòng nhưng vững trãi như một dàn giáo. Trước những con mắt hoặc là thán phục hoặc khiếp sợ của đám hộ lý cũng như y tá, bà ta thường bế bổng ông chồng lên đem vào phòng tắm như người ta bế bổng một đứa trẻ lên ba. Vậy mà nghe đâu ông chồng này đã bỏ bà ta mười năm dưới làng, để sống vụng với một nữ đồng chí trên chiến khu rồi sau ngày giải phóng thủ đô lại gối chăn với một bà goá đất Hà thành mỡ màng như miếng thịt mông luộc. Giờ, đến lúc gần đất xa trời, hẳn không thể nhờ cậy được ai nên ông ta lại yêu cầu con cái triệu hồi « bà răng đen váy ộp » lên nuôi. Bà già xứ quê không thể quen với xuất ăn bệnh viện. Chắc bà đói dữ nên Vũ thường xuyên thấy bà đi tầm những thứ bánh trái, khoai luộc sắn luộc về ăn thêm. Lúc này bà đang đứng xếp hàng, tay chìa sẵn chiếc đĩa nhôm ra chờ đợi xuất bánh cuốn của đức lang quân. Vũ liền bê bát cháo đến :
- Chào chị, hôm nay tôi nhạt miệng không muốn ăn. Chị có thể gánh vác giùm không ?
- Ồ, quý hoá quá. Em xin bác. Em chờ lấy bánh cuốn rồi đem về phòng một thể.
Bà đáp vui vẻ. Vũ chào bà rồi đi về phía đầu hành lang. Ông tính dạo quanh khu vườn vài vòng, khi nào mệt sẽ tới căng-tin uống cà-phê và ăn bánh rán. Ít ra, nó cũng không kinh sợ như món cháo loãng này. Cúi đầu, Vũ xăm xăm bước xuống cầu thang. Ông không nhìn thấy một người đàn ông đang đuổi theo mình :
- Chú Vũ....Chú Vũ...
- Chú Vũ....Đợi tôi đã....
Người khách gọi ba bốn lời ; Vũ mới sực tỉnh quay lại :
- Anh Bắc !
Ông anh đội mũ lá, quần áo nâu đồng bộ như một nông dân thực thụ, hai tay xách lễ mễ một đống túi lớn túi nhỏ.
- Em xin lỗi, em đang mải đi...
Hai anh em dừng lại giữa cây cầu thang, nhìn nhau. Người anh nói :
- Chẳng ai cho tôi biết tin hết. Mãi hôm qua con gái cô Thảo mới rẽ qua nhà.
Vũ cười :
- Đúng vậy. Vân không thể báo tin cho anh vì chính cô ấy gây ra cơn chấn thương tâm thể khiến em phải vào đây...Còn cơ quan, em yêu cầu họ không được cho anh biết vì không muốn anh lo buồn.
- Chú bậy quá! Tôi với chú là khúc ruột trên khúc ruột dưới, sao lại dấu tôi ?
- Vì anh đã có quá nhiều việc phải lo rồi.
Vũ đáp , đoạn cúi nhìn mớ túi xách lủng củng trong tay ông anh :
- Anh mang gì mà lắm thế ?
- Cam vườn nhà, chuối cũng vườn nhà, mật ong cũng chắt ở đõ ong nhà....Chỉ có mớ tôm biển là tôi mua và tự tay nướng thôi.
- Anh vẫn coi em như trẻ con hay sao ?
- Ô hay. Trẻ con hay người lớn thì chú cũng vẫn là em tôi.
Hai người nhìn nhau. Hai người đàn ông tóc muối tiêu, người em nhiều muối hơn tiêu, còn ông anh tiêu nhiều hơn muối. Một chút im lặng rưng rưng rồi ông anh ngượng nghịu cười :
- Tệ thật. Chú lo nhiều việc nên tóc trắng nhiều hơn tôi. Kiếp dân quê có cái khổ mà cũng có cái sướng. Ngày vài bữa cơm rau. Lặn mặt trời là cất tiếng ngáy, chẳng phải nghĩ ngợi gì.
- Anh mà không nghĩ ngợi được sao ?...
Vũ bật cười nhại lại rồi bảo :
- Thôi, đưa em cất mấy cái túi rồi anh em mình xuống quán trà uống nước...Trong phòng bệnh, mùi mẽ chẳng thơm tho gì. Anh cứ đứng đây chờ em.
Nói đoạn, ông xách mớ túi trở lại phòng. Sau khi xếp gọn gàng các thứ quà vào chiếc tủ nhỏ, Vũ quay lại cầu thang và hai anh em đi tới căng-tin bệnh viện. Ở đó, họ ngồi bên ấm trà im lặng. Cả hai nhẩm tính xem lần cuối cùng gặp nhau đã bao lâu. Rồi, gần như cùng một lúc, họ bật tiếng kêu :
- Thấm thoắt đã hai năm rưỡi.
Ông anh cải chính :
- Hai năm bảy tháng rưỡi rồi.
Cả hai người lại im lặng, như người nọ chờ người kia lên tiếng trước. Hồi lâu, Vũ bật tiếng kêu :
- Em nhớ mẹ quá, anh Bắc ơi.
Ông anh gật đầu :
- Tôi cũng vậy.
Ngừng lại một giây, ông nói thêm :
- Thật lạ lùng, càng về già càng giống trẻ con. Nhớ mẹ cứ như hồi lên năm lên sáu.
- Sáng nay, lúc bệnh viện chia cháo, em nhớ lại món cháo cá mà mẹ vẫn nấu thời xưa. Chỉ nghĩ thôi đã nhỏ dãi vì thèm.
- Ờ, mẹ nấu ăn ngon nức tiếng cả vùng. Chả thế mà cứ ở đâu có tiệc lớn người ta lại đến chèo kéo. Chú có nhớ đêm sang cát cho bà nội, mẹ nấu cháo cá quả đãi mấy chục người trong họ ?...
- Có, em như vẫn ngửi thấy mùi thơm của gừng tươi giã, thìa là hành tăm, hạt tiêu nghiền và ớt tươi dầm nước mắm cốt. Em vẫn nhớ cái ang rộng đặt đầu hồi mẹ thường nhốt cá quả để ăn dần. Lũ cá quẫy tanh tách suốt đêm.
Vũ ngừng lời, dường như nếu tiếp tục nói thì ông sẽ bật khóc. Cái ang cá ấy hai anh em ông thường ra chọc phá, nhiều phen làm lũ cá nhảy vọt ra sân. Có lần, trong cuộc tập trận giả của lũ trẻ toàn huyện, ông được đóng vai tướng Đinh bộ Lĩnh. Vì muốn phóng tay khao lũ trẻ cùng phố để xứng đáng là bậc anh hào, ông về nhà đòi mẹ nấu cháo khao quân. Đương nhiên, bà từ chối vì xưa nay chưa có ai chiều con để làm một việc rồ dại như vậy. Hôm sau, thừa lúc mẹ ông đi chợ, Vũ dốc cả một túi ớt bột hai lạng vào ang khiến lũ cá chết sặc. Trở về nhà, mẹ ông hiểu ngay sự tình. Bà đành đổi giận làm vui, làm thịt gần hai chục con cá lớn, nấu một nồi ba mươi cháo để khao đại quân của Đinh bộ Lĩnh phố huyện. Hơn bốn mươi thực khách tí hon được mời đến thưởng thức cháo cá và các loại bánh kẹo tráng miệng. Ông anh lúc đó phải thay mặt ― tướng quân Vũ „ đứng lên tuyên bố lý do ― Vũ tướng quân thết lính mừng chiến thắng „ Bởi sau khi gây tội ác, Vũ đã chuồn ngay sang nhà bà ngoại. Khi bữa tiệc kết thúc, đám trẻ trong huyện no nê xoa bụng ra về, ông Bắc bị phạt nằm úp mặt xuống chiếc chiếu trải giữa nhà, nhận một loạt mười hai roi tre vút lên mông vì tội a tòng phá hoại. Trong khi đó, Vũ yên trí nhởn nhơ dưới cánh tay che chở của bà ngoại, tuy thiệt mất bữa cháo cá nhưng bù lại được bà cho đi ăn phở và các bánh trái khác. Như thế, ba ngày đêm trôi qua. Tới ngày thứ tư, mẹ ông đến và réo từ ngoài ngõ :
- Vũ, mẹ tha tội cho con. Không phải trốn nữa. Đi về nhà.
Kỉ niệm đó khiến tim ông tràn đầy xao xuyến. Vũ thầm nghĩ :
― Anh ấy luôn luôn phải chịu đòn thay ta. Anh ấy luôn phải giơ vai ra đỡ những gánh nặng...Không chỉ tuổi thơ mà cho đến tận lúc này„
Bất giác, ông cúi xuống nhìn bàn tay người anh đang đặt trên bàn : đó là bàn tay nông dân thực thụ với những ngón tay thô nháp, đen rám vì nắng cháy, các vành móng tay thâm xì nhựa cây.Bàn tay ấy đặt cạnh bàn tay ông như một tương phản vô tình. Bởi từ lâu, ông chỉ làm việc trong văn phòng nên những ngón tay trắng nuột như tay đàn bà đẻ....Đã mười hai năm nay, Bắc phải để lại gia đình trên phố huyện, giao xưởng mộc nổi tiếng của ông cho đứa con rể điều hành để về sống nơi quê ngoại của bà mẹ, với danh nghĩa chăm sóc bà mợ già không chồng không con nhưng thực chất là để nuôi Nghĩa, đứa con gái cô Xuân. Ngày cô Xuân chết, Vũ cho người nhắn ông lên, bởi chẳng tìm ra ai gánh vác nổi việc này. Vợ ông, cõng thêm một đứa con trai đã là quá sức. Vả chăng, ai cũng biết rằng Vân ghét những người cùng giới tính. Bà có thể đóng vai hữu nghị trong chốc lát với một vài người đàn bà phổi bò hoặc ngu dốt, lợi dụng họ hay biến họ thành trò chơi, nhưng trong thâm tâm bà không muốn kết giao với bất cứ ai. Bà chỉ có thể làm bạn với đàn ông. Bà chỉ có thể nuôi một tình cảm thực sự với người khác giới. Bà yêu ông, nhưng ngoài ông, bà muốn có thường xuyên một đội ngũ đàn ông vây quanh bà, dưới tất thảy các loại nhãn hiệu như đồng chí, bạn đồng nghiệp, bạn đồng hương, bạn đồng niên, bạn đồng môn, chị em nuôi, cô cháu kết nghĩa...Thực chất, đám đàn ông này dù già hay trẻ đều xoay quanh người đẹp Hà thành như các hành tinh lớn nhỏ xoay quanh một vầng dương, sẵn sàng phục vụ bà khi cần thiết. Họ chiêm ngưỡng nhan sắc của bà, thèm khát bà một cách thầm lén, dù trong giấc mơ chính ngọ hay giấc mộng lúc nửa đêm. Như thế, người đẹp Tố Vân luôn sống với niềm kiêu hãnh của một nữ hoàng không ngai, tuy chẳng chính thức xưng danh nhưng không thiếu ánh hào quang bao quanh tên tuổi...Và như thế, trời không thể phú cho bà đủ lòng từ bi để chăm sóc một đứa con gái mồ côi....Hồi ấy, tuy chưa đủ can đảm để hiểu vợ một cách rạch ròi nhưng ông cũng biết chắc chắn không thể đưa Nghĩa về sống dưới mái nhà mình. Chẳng còn cách nào hơn là trông cậy vào tình ruột thịt. Ông sai lái xe về phố huyện mang lá thư vẻn vẹn một dòng :
― Anh thân mến, em cần gặp anh ngay, càng sớm càng tốt. „
Lái xe đi buổi sớm, tối sẩm quay về Hà-nội mang theo người anh cả . Buổi tối, ăn cơm xong, họ ra vườn hút thuốc. Ông Bắc hỏi :
- Liệu họ có để cho đứa bé yên thân sinh sống nơi thôn dã ?...Chú đừng quên rằng càng xa thủ đô, càng tối tăm...Côn đồ càng dễ ra tay.
Vũ đáp :
- Em lại nghĩ rằng ở xa, đứa bé sẽ an toàn hơn. Nó là phận gái, chẳng phải kẻ duy trì nòi giống nên không nằm trong ống kính của họ. Ở xa, họ bớt chú mục. Bớt chú mục ắt bớt động dã tâm.
Ông anh bảo :
- Vậy là được. Nếu chú đã thu xếp đầy đủ quần áo cho cháu bé, tôi sẽ đưa nó đi ngay đêm nay.
- Anh không cần đi ngay đêm nay. Lái xe phải ngủ. Nhưng sáng mai, em sẽ yêu cầu cậu ta đưa anh và con bé lên đường thật sớm. Tuy nhiên...
Lúc đó, chính Vũ lại tần ngần.
Ông thấy áy náy khi buộc người anh phải bỏ gia đình lẫn công việc để về sống nơi thôn dã, một cuộc sống thiếu ánh điện, thiếu mọi phương tiện sinh hoạt bình thường. Đang từ ông chủ một xưởng mộc lớn nhất ba huyện, ông sẽ buộc phải cấy lúa, làm vườn, kẽo kẹt đẩy xe thồ đi bán mít, bán ổi, bán dứa, bán bưởi, bán xoan...Đang từ bậc gia chủ ngày ngày có cơm bưng nước rót, ông sẽ phải sống trong ba gian nhà mênh mông tù mù ngọn đèn dầu hoả, phải tự nấu lấy mấy bữa cơm trong căn bếp mù mịt khói trấu, khói rạ. Ông sẽ phải chịu đựng nỗi nhớ vợ nhớ con. Ông sẽ phải chịu đựng cả nỗi nhớ nghề, bởi đó chính là một người thợ có đôi tay vàng, tất thảy những gì ông làm được người trong vùng trân trọng như những tác phẩm mỹ thuật. Đồ gỗ khảm trai của ông không chỉ để dùng mà còn được coi như gia sản di tặng cho con cháu. Gia đình nào cũng cố mua cho được một thứ gì đó, một chiếc tủ chè, tủ đứng, một chiếc búp-phê, hay một chiếc sập chân quỳ. Và hãnh diện khoe với láng giềng : « Đồ xịn nhà ông Bắc đấy ! »
Nghĩ đến nông nỗi ấy, Vũ đâm ra ngượng ngùng :
- Tuy nhiên, em nghĩ rằng...em thật là có lỗi với anh.
Ông Bắc lắc đầu :
- Chú không cần áy náy. Tôi biết phận mình đã lâu. Ngày chú còn ở trên chiến khu Việt bắc, mẹ ốm nặng nửa năm liền. Trước khi chết, mẹ dặn tôi : « Em con về già gặp nhiều điều khổ tâm lắm. Con đừng bỏ nó một mình. Tuy thiên hạ nói : Anh em kiến giả nhất phận. Nhưng nhà mình phải tuân theo câu này : Anh em như thể chân tay »
Đoạn ông dập điếu thuốc, đi ngủ.
Hôm sau, ông dắt đứa bé lên xe từ lúc còn mờ sương.
Mười hai năm trôi qua như giấc mộng.
Người anh đã trở thành nông phu đích thực, đúng như Vũ dự đoán, cho dù ông không cấy lúa. Tiêu chuẩn gạo của ông trên phố, vợ ông mua và chuyển về từng tháng, tiện thể bà ghé thăm chồng, thu xếp những thứ vặt vãnh mà người đàn ông không quen đảm nhiệm. Dưới thôn, một mình ông chăm sóc nương vườn. Vườn trước, vườn sau, trại trồng dứa, sân nuôi gà vịt, mười hai đõ ong nhà...Xoay sở từ sáng đến tối, chẳng ngày nào thiếu việc. Như thế, ông nuôi Nghĩa từ năm hai tuổi cho đến lúc này, đã trở thành cô thiếu nữ biết quán xuyến việc nhà, biết phụ bố đẩy xe thồ đi bán trái cây hoặc gia cầm vào ngày phiên chợ. Làng xóm gọi họ là bố con ông thợ mộc vì Bắc có đem theo mớ đồ nghề và những lúc rảnh rỗi, ông ngồi luyện tay đục tay chạm cho khỏi quên. Bà mợ của họ đã chết từ bẩy năm nay, thọ tám mươi hai tuổi. Nhưng Bắc vẫn ở lại miền quê cùng đứa bé.
Sau một hồi im lặng, Vũ cất tiếng hỏi :
- Cháu nó ra sao hả anh ?
- Nó khoẻ và ngoan, càng lớn càng hiền lành. Tôi e là nó quá hiền lành nhút nhát.
- Giỏ nhà ai quai nhà ấy. Mẹ nó xưa cũng hiền lành như vậy.
- Có điều năm nay nó đã tới tuổi dậy thì.
- Chết thật ! Sao em lại quên khuấy đi điều ấy nhỉ ?
Vũ kêu lên rồi nhẩm tính. Quả thật, đứa bé đã đến tuổi dậy thì. Thời xưa, còn tục tảo hôn, mười ba tuổi người ta đã lấy chồng cưới vợ. Ngày nay, ấy là tuổi bản lề để con người bước từ thời niên thiếu sang tuổi thanh xuân.
- Trời đất ơi, nước chảy bèo trôi, thời gian đi như tên bắn...
- Thế đấy, chú và tôi, chúng ta cũng đã già đi nhiều.
- Mười hai năm qua, anh đã phải xa chị và các cháu để gánh vác cho em.
- Chú đừng nói thế. Phận sự của chú cũng chính là phận sự của tôi. Tôi không quản ngại gì. Chỉ có điều khó nghĩ là giờ đây, con bé đã lớn. Nếu để nó tiếp tục sống dưới làng, nó sẽ trở thành người làm vườn thực thụ, rồi chẳng mấy lúc, nó sẽ phải lòng một cậu trai làng và biến thành nông dân. Như thế, xem ra quá thiệt thòi cho thân phận của con bé chăng ? Tuy sống dưới vòng tay bảo trợ của chúng ta, nhưng danh chính ngôn thuận, đó vẫn là một công chúa.
- Vâng, anh nói đúng. Việc này hoàn toàn do lỗi ở em. Em mê mụ đầu óc nên không sớm nghĩ ra điều này.
Vũ nói, đoạn nắm lấy bàn tay ông anh :
- Anh xem này, tay anh đen đủi xù xì còn tay em trắng lốp. Vậy là bao nhiêu phần vất vả trong gia đình anh gánh hết cho em.
- Chú nói rỡn, ai làm việc văn phòng mà chẳng trắng mặt, trắng tay ?...
- Em không thể mở miệng cảm ơn anh vì lời lẽ đó tầm thường nhạt nhẽo. Lẽ ra, theo cung cách thời xưa, em phải quỳ gối trước mặt anh mà vái tạ.
- Ồ chú Vũ....
Ông anh lắc đầu :
- Đừng nói thế. Chớ bao giờ nên nói thế. Tôi với chú là khúc ruột trên khúc ruột dưới. Gánh nặng trên vai chú cũng là gánh nặng trên vai tôi.
Nước mắt trào qua mi, lăn xuống gò má Vũ. Ông quay đầu nhìn sang khu vườn sau của bệnh viện để tránh những con mắt tò mò. Ông Bắc cũng cúi xuống, uống liên tục hết chén trà này đến chén trà kia. Cả hai đều nghe rõ tiếng ong rù rì bay trong đám dâu da. Hồi thơ ấu, vườn nhà họ cũng trồng dâu da, ong cũng rù rì bay như hôm nay. Những tàn lá dâu da cũng xanh màu xanh mong manh và đám hoa chua me dại mọc dưới các gốc cây cũng tím màu tím ấy...Cảnh vật đâu có thay đổi ? Chỉ có một đổi thay là từ hai chú bé mặc quần thủng đít giờ họ đã trở thành hai gã đàn ông đứng chông chênh giữa tuổi trung niên với tuổi già.
Hồi lâu, người anh ngẩng đầu lên :
- Việc chú với cô Vân sẽ giải quyết theo hướng nào ?
- Em chưa làm thủ tục ly hôn nhưng sẽ dọn vào cơ quan. Khi nào thằng bé Trung nghỉ hè em sẽ đón nó về đấy. Bữa trước cậu thư kí đến thăm em đã yêu cầu chuẩn bị sẵn mọi thứ cần thiết để khi ra viện em sẽ về thẳng nơi ở mới. Còn Vân sẽ ở lại biệt thự với Vinh và chắc chắn, cậu em ruột của cô ấy sẽ mò tới.
- Khó mà ổn thoả. Tôi nghĩ rằng cô ấy chẳng chịu đâu.
- Bây giờ, em chưa tìm được giải pháp nào hơn.
- Tình thế này, chú khó gánh thêm cháu Nghĩa. Thôi , để tôi đưa nó lên phố huyện với gia đình. Dẫu sao, gái phố huyện còn đỡ thiệt thòi hơn là nông dân xóm trại.
- Em xin đội ơn anh, nhưng em sẽ xoay sở tìm nơi nhờ vả. Quả tình là con bé quá thiệt thòi. Ông Bắc đứng lên :
- Tôi phải quay về nếu không lỡ chuyến tàu chiều. Bỏ con bé một mình qua đêm e không ổn. Có lẽ tôi phải thu xếp bán nhà cửa vườn tược hoặc thuê người trông coi để đưa nó lên phố huyện, sớm ngày nào hay ngày ấy.
Ngần ngừ một lát, ông buông tiếng thở dài rồi nói thêm :
- Chú biết không, ối thằng con trai sớm chiều lượn quanh ngõ. Chưa đầy mười bốn mà con bé đã đẹp nõn ra.Thế nên, tôi chẳng dám để nó ở một mình.
Nói rồi, ông xoa lưng đứa em trai :
- Chú lo giữ sức khoẻ. Tôi sờ thấy cả dãy xương sườn rồi đây.
Chụp chiếc mũ lá lên đầu, ông đi.
Vũ ngồi lại, nhìn ông Bắc mất hút trong đám người tấp nập ra vào trước cửa bệnh viện. Ông không thích cảnh bịn rịn phơi bày trước mặt đám đông nên không bao giờ đưa tiễn người anh. Trong gia đình ông, thường diễn ra cảnh trái ngược này : Khi ông về phố huyện thăm ông Bắc, lúc ra đi hai anh em bìu díu hàng giờ đồng hồ chẳng dứt ra nổi. Bao giờ ông anh cũng mượn cớ tháp tùng ông em ra xe rồi kéo đi lòng vòng quanh các phố để hỏi thăm láng giềng, ghé chỗ này một lát uống chén trà, tạt qua chỗ kia một lát thưởng thức bể cá cảnh hay hòn non bộ. Rồi, đến lúc chót, ông Bắc lại đột ngột kêu lên :
- Thôi chết, tôi quên đưa cho chú gói chè....Chè ướp sen của bà Liễu trong làng Chẩm Liên đấy. Mùa sen, bao nhiêu hồ sen lớn trong vùng đều lũ lượt chở hoa đến bán. Tay sao chè của bà ấy thì chẳng ai dám bì. Dân Hà nội vẫn phải đổ về đây mua.
- Thôi chết, tôi đã nhốt mấy con cá vào túi nước mà lại để quên trong bếp. Chờ tôi đã. Cá này thuần cá sông loại thượng hạng. Chịu khó xách về nhốt vào ang, rồi bảo cô Vân nấu cháo hay hấp rượu gừng cho mà ăn.
- Thôi chết, mớ tôm biển tôi đã nướng kĩ lại bỏ quên trong trạn. Chờ tôi lấy đã. Mang về Hà nội mà uống bia.
Lần nào, ông anh cũng tìm ra đủ thứ quên lãng như thế, và cuộc tiễn đưa cứ dùng dắng kéo dài. Ngược lại, ông Bắc lên Hà nội chơi, lúc ra về thường một mình chạy cun cút ra xe, ông em ngồi trong nhìn theo một cách âm thầm. Tính khí họ trái ngược nhau, cung cách cư xử cũng vậy.
Vũ nhắp một ngụm trà :
« Anh ta thật xứng là người : Quyền huynh thế phụ !... »
Ông thầm nghĩ, nhưng tức khắc lại tự riễu cợt mình :
« Anh ấy thế phụ nhưng chẳng có quyền huynh !... »
Và đúng là như thế. Mọi quyết định lớn trong gia đình chính ông đảm trách . Nhưng thực hành những nghĩa vụ nặng nề nhất lại chính là ông anh. Hồi nhỏ, mẹ anh thường nói với cha anh, không ra than phiền, cũng chẳng phải vui sướng, chỉ đơn thuần là một nhận xét với xiết bao tò mò, kinh ngạc : « Hai đứa con trai nhà này giống như ăn phải bùa mê hay bả tình của nhau vậy. Nhưng thằng bé lại to đầu, chuyên sai khiến thằng anh. ».
Vũ cười thầm, đưa chén trà lên uống. Đúng lúc ấy, ông thấy hai gã Trần Phú và Lê Phương đang khoác tay nhau đi qua sân. Đột nhiên, một ý tưởng vụt qua óc ông :
« Hai gã này ! Chính là hai gã này. Tại sao không ? Chắc chắn ta sẽ nhờ cậy được một trong hai kẻ đó. Linh giác mách bảo ta như vậy. »
Ông vội đặt tách trà xuống chạy ra cửa, gọi Trần Phú. Hai người cùng tức khắc quay lại :
- Ồ, đại nhân....
Lê Phương nhoẻn miệng cười :
- Đại nhân có hẹn với ai hay ra đây để tránh mặt người ?
Vũ hỏi :
- Tránh mặt người ? Anh muốn nói điều gì vậy ?
- Tránh mặt đám đồng chí của anh trong phòng bệnh. Cuộc đối diện thường xuyên với đám đồng chí đó, hẳn không làm cho anh khoẻ khoắn cả thể chất lẫn tinh thần ?
- Ồ, đúng vậy.
Vũ thú nhận. Ông quay lại bảo Trần Phú :
- Anh còn nhớ người bệnh nằm đối đầu với tôi không ? Cái tay sĩ quan từng quen biết anh khi anh phụ trách tiểu đoàn 5O7.
Trần Phú ngơ ngác nhìn ông :
- Tôi chưa kịp định thần để nhớ lại cái thời xa xôi ấy.
- Ồ, cái tay sĩ quan quân đội nhưng không dám vào viện 108 điều trị mà lại trốn sang bên này. Cái người đã gửi lời thăm và nói rằng anh là người biết chọn đúng con đường của mình trong cuộc đời.
- A ! Giờ thì tôi nhớ ra rồi. Cái gã khò khè môi thâm như mận Lạng sơn chứ gì ?
- Chính xác. Anh ta đã chết sáng nay.
- Thế a ...
Trần Phú buông tiếng kêu, chẳng ra ngạc nhiên cũng chẳng phải buồn phiền... Rồi anh ta quay sang bảo Lê Phương :
- Gã trung tá này có một cuộc đời sóng gió, đầy ham hố cũng như tì vết, và đương nhiên là vô số ân oán giang hồ....Lúc nào rảnh tao sẽ kể cho mày nghe. Được cuốn tiểu thuyết hấp dẫn đấy...
Quay sang Vũ, anh ta hỏi :
- Khi anh ta chết, nhân viên bệnh viện đưa xuống nhà xác. Còn người thân chẳng một ai vào, điều đó có đúng không ?
- Sao anh biết ?
- Vì tôi vốn có thói xấu tò mò....Tôi đã quên anh ta từ lâu, nhưng khi anh nhắc lại, tôi muốn hiểu xem những gì đã diễn ra giữa đám người cùng thời với mình. Và tôi mở cuộc điều tra tức khắc.
- Đúng, anh ta chết khoảng ba bốn giờ sáng nay. Từ khi anh ta nhập viện , chẳng thấy một ai bước vào. Cái tủ đầu giường của anh ta chưa từng có một quả cam hay một gói bánh người khác đem tới. Bác sĩ bảo anh ta nhập viện đã gần ba tháng.
- Đó là chung cục của một cuộc đời. Nhưng thôi, chúng ta chuyển đề tài, vì thứ người như vậy chẳng đáng quan tâm vào một buổi sáng đẹp như sớm nay.
Vũ cất tiếng cười :
- Anh có lý....Vì chính tôi, tôi cũng đang có chuyện đau đầu và đang muốn nhờ cậy hai anh.
- A...ha ....ha....
Cả hai gã ngoác miệng cười. Tiếng cười của họ ròn rã lan đầy không trung khiến cho đám người đang ngồi xung quanh tò mò đưa mắt liếc sang. Lê Phương bảo :
- Một bậc đại nhân quyền cao chức trọng mà lại nói những lời khiêm nhường như vậy trước mặt hai kẻ lêu lổng, chơi bời ?....Đại nhân định đùa bọn em hay định nói thật đấy ?...
- Suốt đời tôi, tôi chưa đùa rỡn ai...
Vũ đáp. Và vẻ nghiêm trang của ông khiến hai gã ngậm miệng lại. Họ bắt đầu chăm chú nghe ông nói.
- Các anh biết rằng tôi lãnh nhận việc nuôi hai đứa con của một bậc ...huynh trưởng....
- Chúng em đều biết chuyện ấy. Xin đại ca nói tiếp...
- Đứa con trai sống cùng với gia đình tôi. Nhưng đứa con gái phải về quê sống với anh trai của tôi, một làng hẻo lánh không phải ở tỉnh Bắc mà tận chót tỉnh Thái Nguyên. Nói thật tình, một đời sống hoàn toàn thôn dã....Nay cháu đã mười ba tuổi, tôi tính đem cháu về Hà-nội, nhưng chưa biết nhờ cậy ai.
Lê Phương gỡ cặp kính dày như trôn chén của anh ta xuống, đưa mắt liếc quanh rồi hạ giọng :
- Đấy chính là đứa con gái đầu lòng của ....bậc trưởng thượng ?
Dẫu là nhà văn, anh ta cũng phải lúng túng một hồi trước khi tìm cho được danh từ chính xác, vừa có thể gọi tên người cha bí ẩn kia một cách rõ ràng, vừa không để cho những lỗ tai bên ngoài đoán định được :
- Đấy chính là những trái cây trong mùa hoa cuối cùng của cuộc đời bậc cao nhân !
Sau rốt, anh ta tìm lại cách diễn đạt hết sức văn chương.
Vũ gật đầu :
- Chính xác như vậy. Hai đứa trẻ đó cách nhau có hai mươi tháng thôi.
- Tôi hiểu. Thời gian đó là cuộc truy lĩnh những ham muốn bị tước đoạt, những dục vọng bị cấm đoán hay ghìm nén suốt cuộc kháng chiến trường kì. Sau ngày giải phóng thủ đô là thời điểm giải phóng những thân xác bị giam cầm. Nhưng cuộc giải phóng nào cũng kèm theo những điều kiện khắc nghiệt. Cuộc giải phóng của dân tộc chúng ta mở ra ngay sau lưng nó những nhà ngục khổng lồ.
- Những nhà ngục khổng lồ ? Ý anh muốn nói gì ?
- Xin lỗi đại ca, những lời lẽ của tôi có thể làm anh phẫn nộ hay phật ý. Nhưng không thể tìm được danh từ nào chính xác hơn. Sau ngày giải phóng thủ đô, toàn thể những người Việt nam buộc phải sống bằng các xuất gạo hẩm của nhà nước và những ô tem phiếu. Điều kiện kèm theo các thứ tem phiếu đó là sổ hộ khẩu, biện pháp kiểm soát con người còn chặt chẽ hơn chính sách « Tam gia » của Thương Ưởng thời xưa. Một xã hội mà con người bị khống chế từ miếng ăn đến sự đi đứng, bị kiểm soát như những con cừu đánh số trong chuồng cừu, xã hội đó chẳng gọi là nhà ngục khổng lồ thì còn biết gọi bằng danh từ nào chính xác hơn ?
- Vâng. Quả thực là ...
Vũ đáp, nhưng lòng ông quặn đau. Rồi sau một khoảnh khắc, ông cố gắng tự trấn tĩnh và nói :
- Vâng. Quả thực là chúng tôi không ngờ được cơ sự diễn ra theo nông nỗi ấy. Khi dấn thân vào con đường cách mạng, ai nấy đều nghĩ đến tương lai dân tộc, ai nấy đều mơ đến một ngày mai tươi sáng cho đất nước. Phan chu Trinh cũng mơ ước một ngày mai tươi sáng cho đất nước. Nguyễn thái Học cũng mơ ước một tương lai rực rỡ cho dân tộc và niềm tin ấy theo ông cho đến tận đoạn đầu đài. Năm 1946, bao nhiêu chàng trai cảm tử chống lại quân Pháp bằng bom ba càng, bằng cây súng cổ lỗ mút-cơ-tông và cả bằng dao găm, kiếm ngắn nữa. Nhưng nếu những người trai này không chết bởi thực dân Pháp, ắt sau ngày chiến thắng họ cũng sẽ bị các anh kết án và tống giam, hoặc bởi liên quan với quốc dân đảng, hoặc bởi có gốc tích địa chủ hay tư sản. Tất thảy những ý tưởng tốt đẹp không thể biện minh cho một chung cuộc đểu cáng, ô nhục như vậy. Xin lỗi đại ca, nếu sự thẳng thắn của tôi khiến anh phải đau lòng. Nhưng ít ra, một lần trong đời, chúng ta cũng nên đối đầu với sự thật.
Lê Phương ngừng lời, anh ta quay lại quầy căng-tin cao giọng gọi :
- Cho ba vại bia lớn nhé. Một đĩa lạc luộc và một đĩa bánh rán nhân thịt kèm theo.
Trần Phú bật cười hô hố :
- Chiều nay bão cấp bảy sẽ đổ bộ vào đất liền. Bởi cái thằng kiệt sỉ lõ đít này chưa bao giờ đãi ai dù một tách cà-phê.
Lê Phương quay sang bảo bạn :
- Không kiệt sỉ không phải là tao, mà không mất tiền cho gái sẽ không phải là mày. Nhưng thực ra mày cũng chỉ để gái moi túi áo bên trái còn túi bên phải mày vẫn giấu kĩ cho vợ con đấy chứ ?
- Chính xác như vậy.Tao không bác bỏ sự thật. Tao là thằng dại gái có chừng mực. Bộ máy kiểm toán trong đầu tao tuy nhỏ nhưng hoạt động liên tục và có hiệu lực.
Hai người lại cất tiếng cười. Vẻ sung sướng của họ khiến ông sững sờ. Dường như họ sống trong một cõi đời khác. Vừa lúc đó, cô bán căng-tin bưng ra một mâm đầy nào bia nào đồ nhắm bình dân. Nhà văn đưa mắt lúng liếng nhìn bạn rồi nói :
- Hôm nay cái thằng đệ nhất kiệt sỉ là tôi khao bia mọi người để chúc mừng thắng lợi của anh chàng chim gái Trần Phú. Báo tin cho đại ca mừng là bạn tôi vừa tìm được một cô nàng ngon mắt, ngon cả miệng. Theo phương thuốc cổ truyền của dân tộc, ắt nàng sẽ chữa được căn bệnh u tiền liệt tuyến cho cậu ta trong thời gian ngắn nhất.
- Thôi, không phải khua chiêng gõ trống. Để rồi xem. Làm trước nói sau, các cụ đã dạy như thế.
Trần Phú ngắt lời bạn. Đoạn, anh ta quay sang hỏi Vũ :
- Giờ, xin đại ca uống bia rồi trở lại câu chuyện chính. Nếu tôi không nhầm anh muốn tìm nơi gửi cháu gái, năm nay tuổi mười ba ?
- Vâng.
- Nó sống ở nông thôn từ thuở nhỏ ?
- Vâng, nói một cách chính xác, từ năm cháu lên hai. Năm nay nó đã xấp xỉ mười bốn tuổi. Nếu không đưa cháu kịp thời trở lại Hà nội, chắc chắn nó sẽ trở thành một nông phu. Và sống trọn kiếp sống của người làm vườn, cấy lúa...
Trần Phú gật đầu :
- Tôi hiểu. Đời người đàn bà ngắn lắm. Trước hết là đàn bà xứ quê.
Vũ nói tiếp :
- Tôi biết là việc này vô cùng khó khăn. Ngay cả những người quen thân hàng mấy chục năm nay tôi cũng không dám nghĩ đến. Thành thực mà nói, chính tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại nảy ra ý định nhờ cậy hai anh ? Hoàn toàn là sự chỉ định của linh giác...
Trần Phú ngoác mồm cười :
- Linh giác vẫn luôn luôn là người chỉ đường khôn ngoan nhất. Anh nhờ cậy chúng tôi là đúng. Vì chúng tôi đang ngồi bệt dưới cỏ....Chỉ có những kẻ đít lấm bùn mới dám dây vào những chuyện như thế này.
Vũ ngơ ngác, ông chưa kịp hiểu anh ta định nói gì. Có lẽ nhìn thấy vẻ ngơ ngác của ông nên nhà văn đặt vại bia xuống để giải thích thay cho bạn :
- Có hai thứ người đít lấm bùn. Thứ người đít lấm bùn theo nghĩa đen tức là nông dân hoặc đám thị dân cùng khổ, những người ấy khó có thể giúp anh cho dù lòng họ mong muốn. Bởi họ thiếu khả năng, trí tuệ cũng như tài chính. Thiếu trí tuệ dẫn đến sự sợ hãi kẻ cầm quyền. Thiếu tiền bạc, họ chẳng thể bao dung ai khi ngay những người thân của họ còn đang đói khổ. Thứ người đít lấm bùn theo nghĩa bóng là những kẻ tự nguyện sống ngoài vòng quay quyền lực. Họ chọn cách sống như thế vì họ đủ khả năng nhìn ra sự thấp kém của kẻ cầm quyền. Thêm nữa, họ cũng tự trang bị một phương tiện tài chính tối thiểu đủ để duy trì cuộc sinh tồn và có đôi chút dư ra để có thể bao bọc kẻ khác khi cần thiết. Như thế, họ tương đối tự do.
- Vâng. Giờ thì tôi hiểu. Tuy nhiên...
- Tuy nhiên, anh vẫn ngại ngùng vì chắc chắn đây là chuyện tầy trời đối với những ai đang sống trong thế giới của anh ?....Chúng tôi hiểu rất rõ điều đó. Khi sống trong thế giới của quyền lực, sự xếp hạng theo vị trí quyền lực khống chế tất cả. Càng có quyền, người ta càng ham hố và càng phụ thuộc vào nó...Còn chúng tôi, chúng tôi là những kẻ gần như đứng bên rìa guồng máy....Tuy anh bạn tôi là giám đốc một nhà xuất bản nhưng chức đó chẳng qua là miếng bánh mì khô so với những chức vị thật sự béo bở...Miếng bánh khô chẳng quết bơ cũng không phết mứt người ta chỉ gặm lúc quá đói ....Không ai mong muốn phải xài thứ đó suốt đời.....Nhất là khi tuổi đã xế chiều và cần bảo vệ hai hàm răng....
Ngừng lại, Lê Phương quay sang hỏi bạn :
- Tôi nói thế đúng hay sai, đồng chí giám đốc ?...
- Đúng trăm phần trăm.
Hai người lại phá lên cười. Lát sau, mặt họ đỏ lên vì cơn cười sặc sụa.
« Họ có một vẻ sung sướng lạ lùng....Một thứ đùa bỡn, cợt nhả thường trực khiến ta đâm ngờ vực. Chẳng hiểu khi nào họ nói thực và lúc nào họ nói bỡn ? »
Vũ thầm nghĩ. Không dám bày tỏ nỗi băn khoăn của mình một cách thẳng thắn nhưng cũng không dám tin vào những điều hai gã đàn ông phong tình lẻo miệng này vừa nói. Sau một hồi lặng lẽ uống bia, ông cất tiếng hỏi :
- Liệu các anh có thể chịu được sự đe doạ hay quấy rầy của bộ máy này không ?
Trần Phú đặt vại bia xuống bàn, mặt trở lại nghiêm trang :
- Miệng tôi cười đùa nhưng óc tôi đã tính đủ nước cờ cho việc anh nhờ cậy. Tôi biết anh là người có bản tính cả lo. Thêm nữa, suốt đời anh chỉ quen với ngôn ngữ chính thống, thứ ngôn ngữ nghiêm cẩn của các chính khách và các nhà quản trị hành chính. Gặp lũ lông bông như bọn tôi đây, anh có đôi phần hoảng hốt cũng là điều dễ hiểu. Thế nên, tôi sẽ lý giải mọi sự một cách cặn kẽ cho anh yên lòng.
Lần đầu tiên từ khi gặp lại Trần Phú, ông thấy anh ta có một vẻ mặt nghiêm trang. Có lẽ anh ta muốn làm dịu cơn phấp phỏng trong ông hơn là để chứng tỏ khả năng giữ tư thế long trọng của kẻ có chức quyền, cho dù thứ quyền hạng bét :
- Tôi có cô em gái lấy chồng bác sĩ, chính là đứa vẫn làm bánh Ma-đơ-len, bánh ga-tô và nấu các món ăn đem vào đây nuôi tôi. Vợ chồng nó vô sinh, đã từ lâu muốn kiếm con nuôi nhưng mọi người, mà trước hết là tôi ngăn cản. Nuôi con nuôi là một cuộc phiêu lưu nguy hiểm, bởi đa phần những đứa bé bị cho hoặc bán đi đều có một lịch sử bất thường, chứa đầy những yếu tố bất lợi cho sự phát triển tâm sinh lý. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng cáng đáng một đứa bé bị bỏ rơi là việc phúc đức. Việc này có thể làm với một người bình thường huống chi đối với giọt máu của một bậc cao nhân ? Anh yên tâm đi. Tôi chưa hỏi ý kiến em tôi nhưng chắc chắn không có gì trở ngại. Chúng tôi sẽ tuyên bố rằng chúng tôi tìm được một đứa con nuôi. Và rằng chính anh đem cho chúng tôi, ở ngay đây, trong bệnh viện này. Sự thật ra sao, ta sẽ nói đúng như vậy. Anh, với danh nghĩa là người đã quen biết tôi hồi ở trên chiến khu Việt bắc. Sự hiểu biết của chúng tôi chỉ cần hạn định ở mức đó, không hơn một ly. Một đứa con gái mười ba tuổi không có tiền án tiền sự, chưa từng lừa lọc, giết hại ai, nếu muốn gây sự cũng khó tìm ra duyên cớ...
- Cảm ơn anh....
Vũ đáp, không khỏi hồi hộp và cảm động. Tuy nhiên, ông vẫn chưa đủ tin vào những gì đã diễn ra trong cuộc đối thoại ngắn ngủi vừa rồi . Có thể điều đó quá đẹp để là một sự thật....Uống liên tục vài ngụm bia, ông hắng giọng rồi gặng hỏi :
- Nhưng chúng ta giả sử rằng....Rằng họ có thể nói toạc ra sự thật...
- Họ không thể...Và nếu ai dám nói thế tôi sẽ tuyên bố rằng họ là kẻ phản động, vu cáo bôi nhọ lãnh tụ tối cao....Từ bao năm nay, đảng và nhà nước đều tuyên truyền giáo dục dân chúng rằng lãnh tụ của chúng ta là vị cha già dân tộc, người suốt đời tranh đấu vì độc lập và tương lai của đất nước nên chưa bao giờ có hạnh phúc riêng tư....Tôi sẽ nói đúng trăm phần trăm tất cả những bài thuyết giáo của ban tuyên huấn trung ương đảng....Tôi sẽ nhắc lại nguyên si những điều mà họ yêu cầu tôi in ấn từ bao nhiêu năm nay...Tôi sẽ đổ vào mặt họ chính xác những gì họ đã nôn ra một cách có hệ thống...
- Tuyệt vời...
Nhà văn cất tiếng bình luận :
- Không có phương sách nào hữu hiệu hơn là nhặt viên đá trước cửa nhà ông Tư râu ném vào vườn ổi nhà ông Tư râu; là lấy gậy của ông chánh tổng đập vào đầu ông chánh tổng....Tương kế thì tựu kế...Đòn phản công kiểu này cũng đã có từ hàng ngàn năm nay...Vào thời hiện đại, người ta diễn đạt một cách tối tân hơn là : Luật phản hồi của chiếc boomerang....Nào, chúng ta cạn cốc để chúc mừng cho cuộc gặp gỡ hôm nay...
Họ cạn cốc....Nhưng nỗi băn khoăn vẫn không buông tha Vũ. Sau một hồi đắn đo, ông lại cất tiếng :
- Tôi không dám phiền anh nhiều đến thế. Thực sự, tôi cảm thấy không yên lòng....Nếu anh ưng thuận, tháng tháng tôi sẽ cho thư kí mang tiền và thực phẩm tới góp phần với gia đình...
- May mắn thay chúng tôi chưa cần đến tiêu chuẩn thực phẩm của các anh...Nói cho cùng, thứ tem phiếu đó chẳng đủ nuôi một con mèo, theo cái cách người ta vẫn nuôi mèo ở đất Hà thành này từ bao nhiêu năm trước...
Trần Phú đáp. Chừng như đoán được rằng ngần ấy lời lẽ vẫn chưa đủ khiến cho ông hết băn khoăn, anh ta đưa mắt nhìn quanh. Khi thấy căn phòng vắng teo, chỉ còn họ là những người khách cuối cùng, anh ta hạ giọng giảng giải :
- Chúng tôi tuy không thực giầu có nhưng là dân Hà nội cũ, phải biết dắt lưng ít tiền. Chúng tôi không thể tin tưởng vào sự đưa đường chỉ lối của những kẻ chiều hôm trước còn ngồi vỉa hè, dốc ống bơ ra đếm mớ xu lẻ thiên hạ bố thí, sáng hôm sau đã nhẩy lên ghế bộ trưởng bộ tài chính nhờ ân sủng của cách mạng ...Không, chúng tôi chẳng đến nỗi ngu ngốc như vậy. Tiền của chúng tôi không thể gửi vào ngân hàng nhà nước, cũng chẳng thể khai báo với các quan chức vốn dĩ là bọn ăn mày...Chúng tôi phải tìm cách đổi ra thứ gì đấy....khả dĩ có thể chôn xuống gốc sấu hay gốc cam....Đơn giản thế thôi...Giờ, anh đã yên lòng hay chưa ?...
- Vâng.
Vũ đáp, và mặt ông lại nóng rát như vừa bị tát. Lần đầu ông nghe những lời lẽ như thế. Rủi ro thay, nó lại là sự thật. Vậy thì trên cõi đất này còn có biết bao nhiêu sự thật bị bóp họng hoặc bị chôn vùi ?...
Vừa lúc ấy, tiếng kẻng cất lên , vang rền không trung. Nhìn ra sân, đã thấy gã trai ngớ ngẩn, to như hộ pháp đang ra sức nện búa vào thanh tà-vẹt. Cả ba người chẳng ai bảo ai đều đứng lên :
Vũ nói :
- Đã đến giờ ăn cơm trưa. Chào hai anh, tôi phải về phòng.....Cảm ơn về tất cả những gì các anh đã nói....
- Ồ, đại ca....Chớ nên khách sáo. Mọi thứ đều ở trong tầm tay. Giờ tôi phải tiễn anh bạn ra phố...Chúc đại ca ngon miệng. Anh cứ chuẩn bị đồ cho cháu, được đến đâu hay đến đấy, không cần thiết cầu toàn. Phần còn lại em gái tôi sẽ lo...Tuần sau là chúng tôi có thể đón cháu được rồi...
Trần Phú đáp rồi hai gã khoác tay nhau ra cửa viện. Ông quay lại khu nhà điều trị, đi trên sân bê-tông mà bập bỗng như bước trên mây....
― Quá đẹp để có thể tin là sự thực.!..
― Ai từng nói câu này nhỉ ?...
Ông vừa đi vừa ngẫm nghĩ, lòng chưa hết xốn xang. Hết cầu thang, cô y tá trực phòng đã tiến lại trước mặt ông, miệng cười tươi tắn :
- Mời bác về xơi cơm cho nóng. Cháu đặt ở trên mặt tủ rồi.
- Cảm ơn cô nhiều. Tôi về ngay đây.
Cô gái thoăn thoắt bước đi nhưng chợt nhớ ra điều gì đó nên vội vàng quay lại :
- Bác có thư nữa ạ....Cháu đã bỏ vào ngăn kéo tủ vì sợ gió thổi bay hoặc ai đó tò mò giở ra xem...
- Ô...Cảm ơn cô. Có tí tuổi mà đã cẩn thận thế ?...
- Bác quá khen. Cháu chưa bao giờ được coi là người cẩn thận ....Hồi cháu ở nhà mẹ cháu vẫn đặt tên là ― con quạ mổ, ruột để ngoài da....Nhưng ở xã, thư của cháu thường bị bóc trộm nên ...
- Nên cô có kinh nghiệm về sự tò mò và thói bóc trộm thư của người khác ...Đó là điều các cụ vẫn gọi ― đứt tay mới hay dao sắc ....Đúng không ?...
- Thưa bác, đúng thế ạ...