SONG TẤU (3)
Tác giả: Dương thu Hương
Vũ trở lại nhà vào đúng ngọ.
Ông những chỉ muốn nhúng đầu vào chậu nước cho đỡ nóng rồi lăn ra ngủ. Trời lạnh, nhưng máu căm hờn sôi sùng sục khiến mặt ông nóng như bị lửa rang. Dù uống hết hai ấm chè, lại thêm tách cà-phê buổi sáng nhưng ông hoàn toàn không thấy đói. Ông chăm chăm nghĩ đến chiếc giường kê ở góc phòng, sau tấm ri-đô hoa xanh nhạt. Chỉ vài phút nữa thông, ông sẽ được lăn xuống đó, nhắm mắt lại để không phải nhìn thấy ai, để không phải nghe ai nói, để những sợi dây căng tột độ trong óc não có cơ chùng xuống. Chính lúc ấy, ông chợt nhận ra rằng ông đã gắn bó biết bao với căn phòng của mình. Chiếc giường kiểu cổ và tấm màn hoa cũ. Rất nhiều lần vợ ông muốn thay tấm ri-đô đã phai màu và trơ lõi vải ấy bằng một tấm rèm đăng-ten sang trọng nhưng ông nhất quyết phản đối. Có lẽ, phàm là người ai cũng có những sở thích riêng đôi khi lạ lùng, kì quặc thậm chí là phi lý. Trong ngôi nhà thênh thang của ông, mọi vật đều đã đổi thay. Từ màu vôi quét tường đến bàn ghế giường tủ, từ áo quần đồ ăn thức đựng tới các chậu cảnh, tranh ảnh trên tường, giá mắc quần áo, hộp bày huân chương....Duy chỉ tấm ri-đô cũ còn tồn tại, tồn tại một cách lạc lõng trong khung cảnh mới. Đấy là một tấm màn bằng vải thô, loại rẻ tiền, năm tháng đã mài các sợi vải đến tận lõi và màu phai đến mức những bông hoa li ti kiểu hoa cỏ dại chỉ còn là những chấm xanh mu mơ chen chúc nhau. Nhưng Vũ thích tấm màn ấy. Sự hiện diện của nó giống như niềm an ủi. Màu xanh phai tàn của nó đem lại cho ông cảm giác bình an. Ông không thể giải thích với vợ, ông chỉ nói vắn tắt rằng :
- Tấm màn này xấu thật nhưng nó được treo vào ngày kỉ niệm lần thứ ba cuộc hôn nhân của chúng ta. Em không nhớ rằng chú liên lạc mang tấm màn này lên chiến khu đã hy sinh trong mùa đông năm ấy, trên đường quay về Hà nội lấy tin ?
- Em nhớ. Nhưng đồ vật nào cũng chỉ tồn tại một thời gian. Người ta vẫn bảo : Một đời ta muôn vạn đời vật.
- Nếu đồ vật đem lại sự thoải mái cho người dùng thì nó nên được tồn tại. Chúng ta không nhất thiết phải chạy theo thiên hạ. Đừng quan tâm thái quá đến đồ đạc. Bởi em được học hành, không phải con mẹ Tư.
- Anh ví em với con mẹ Tư hàng cá hay sao ?
Vợ ông kêu lên phẫn nộ. Và ông, chỉ chờ có thế để nói lời cuối cùng :
- Anh không ví em với hạng người ấy. Nhưng đừng quên rằng chỉ hạng người như thế mới quá chăm chú đến đồ vật. Họ không biết làm gì ngoài cách khoe giầu.
Vợ ông im lặng, mặt đỏ nhừ. Từ đó, bà để cho ông yên thân. Có thể vì tự ái nhiều hơn là thấu hiểu giá trị kỉ niệm của đồ vật. Nhưng dẫu sao, ông cũng đã thắng cuộc: tấm ri-đô cũ vẫn còn nguyên đó. Với ông, nó không chỉ đơn thuần là kỉ niệm mà gần giống như thứ bùa bảo mạng. Nó đem lại cho ông sự bình tĩnh vào những phút nguy nan. Nó trả lại ông sự sáng suốt cần thiết khi rối trí. Nó làm êm dịu tâm hồn. Mỗi khi buồn nản, đau đớn, ông thường khoá chặt cửa phòng, nằm lăn xuống giường, kéo tấm ri-đô đến giáp tường để che đi tất thảy mọi đồ vật khác, để chỉ còn lại trước mắt một xanh êm dịu. Nó là thứ màu phai nhạt, nhưng đó là màu của thời trai trẻ. Nó là tiếng vọng của những năm tháng đã qua, nhưng những hồi âm ấy chứa đựng một sức mạnh có thể làm tươi trẻ tâm hồn mòn mỏi của ông. Nó là dấu vết của một mùa đã khép lại. Là dấu vết, nhưng nó đủ sức khơi gợi muôn ngàn lối mòn trong khu rừng cũ. Như thế, nó khiến ông tìm lại bóng dáng của chính mình, hình dung lại sức mạnh ông từng có, sự can đảm và những chiến thắng ông từng tự hào, những hạnh phúc lẫn gian nguy ông từng nếm trải.
Nhiều năm, Vũ tìm thấy một liên tưởng vô cùng sít sao giữa tấm màn xanh này với bài hát ― tủ„thời ông còn là học sinh trung học. Bài ca :
― Trở lại mái nhà xưa „
Bài hát Ý được nhập khẩu từ các trường Tây lan sang các trường phổ thông bình dân khác, trở thành nỗi đam mê của các chàng trai các trai cô gái thời áo trắng học trò. Bài ca ấy chỉ cho ông một cách mơ hồ rằng con người cần phải thả neo ở một bến bờ nào đấy, nơi họ có thể băng rịt những vết thương, làm lên da non trên những vết loét và chờ đợi các vết sẹo lành....Nơi ấy, họ có thể tìm lại được nguồn sống. Nơi ấy, họ có thể tái sinh. Nơi ấy, gọi là mái nhà xưa....
Đối với ông, mái nhà xưa giờ đây chỉ còn là vẻn vẹn vài thước vải bạc màu. Ông không còn gì ngoài màu xanh phai nhạt ấy. Ông tự nhủ :
― Vài phút nữa, ta sẽ lăn xuống giường, trong cái góc thân quen ấy. Tấm màn xanh sẽ che chở ta, và ta sẽ tìm được lối thoát.„
Chiếc Volga phanh kít lại khiến ông giật mình :
- Thưa thủ trưởng, đã tới nhà.
- Cảm ơn.
- Ngày mai, em đón thủ trưởng lúc mấy giờ thì tiện ạ ?
- Mai, tôi phải đi sớm hơn thường lệ. Có lẽ khoảng sáu giờ mười lăm là hợp lý.
- Thủ trưởng ăn sáng tại nhà ?
- Chính xác. Tôi sẽ ăn sáng tại nhà cho tiện.
Ông xuống xe, đi như chạy vào nhà, hối hả trèo lên gác, hối hả trút bỏ quần áo ngoài để khoác bộ pi-ja-ma lên mình rồi lăn xuống giường với động tác của một con bệnh lên cơn động kinh nằm vật xuống bất kì vỉa hè hay bờ bụi nào đó. Cảm giác quen thuộc, màu xanh êm dịu khiến ông lấy lại được nhịp thở bình thường. Vũ nhắm mắt, chờ đợi sự thư thái quay trở lại tâm hồn như gã nông phu chờ nghe tiếng mưa rơi trong mùa hạn hán. Những sợi dây căng thẳng trong đầu ông bắt đầu chùng xuống. Nhưng niềm hạnh phúc ấy kéo dài không lâu. Dưới nhà, có tiếng quăng ném bát đĩa, tiếng xô đẩy bàn ghế và sau đó, tiếng thét của Vân, vợ ông :
- Làm sao thế ?
- .....
- Tôi hỏi : Anh nào làm vỡ đĩa thịt luộc của tôi ?
- Thằng Trung.
- Ném hết thức ăn thì trong vòng ba hôm cứ việc bốc muối....Ai cho phép anh tác oai tác quái trong nhà này ?
- ......
- Tôi hỏi, ai cho phép anh được quyền phá phách dưới mái nhà tôi ?
Giọng Vân rít lên, giống tiếng dao cạo nứa. Chưa bao giờ ông nghe thấy giọng người đàn bà của mình ghê rợn như hôm nay:
― Sao giọng cô ấy bỗng nhiên đổi thay lạ lùng như vậy ?‖
- Trả lời tôi, anh Trung ?
Ông nghe tiếng đứa bé nấc lên rất to. Và tiếng nấc ấy bị ghìm nén trở thành tiếng ngạt mũi. Ông đành chống tay ngồi dậy. Dưới nhà, vợ ông lại tiếp tục hét lên :
- Anh có nghe tôi nói hay không ? Trả lời tôi, anh Trung ?
Tới đây, thằng bé oà khóc. Không còn là tiếng nấc ngạt mà là tiếng khóc ồ ồ của đứa con trai đang thời vỡ giọng. Vũ mở cửa phòng, xuống tầng dưới. Trong phòng ăn, vợ ông đang đứng chống nạnh tay, cái tư thế mà ông khinh ghét nhất nơi người đàn bà. Cái tư thế mà ông cho là xấu xí nhất, cả về phương diện thẩm mỹ lẫn đạo đức. Trong cái tư thế ấy, dù là hoa hậu cũng chẳng thể gợi được thiện cảm nơi người đàn ông, trước hết là những người đàn ông được giáo dục tử tế. Đã từ lâu, vợ ông không bao giờ dám tự thể hiện trong tư thế này, cái tư thế mà ông thường gọi một cách khinh bỉ là ― Kiểu cách con mẹ Tư hàng cá „. Đã từ lâu, vợ ông hiểu rằng bản tính ông thầm lặng, nhún nhường, nhưng một khi, ông đã căm ghét hay giận dữ thì đó sẽ là thảm hoạ cho gia đình vì sự đổ vỡ sẽ không tránh khỏi. Đã từ lâu, bà thuộc lòng những điều bất khả xâm phạm mà ông đã đề ra một cách chính thức, biết rằng đó chính là bãi mìn sát thương khủng khiếp nhất nếu bà sa chân bước vào...
Vậy mà hôm nay, không hiểu thần điên loạn đã bước chân vào nhà hoặc là chứng lú lẫn đến sớm đã khiến bà hoàn toàn đánh mất trí nhớ ?
Ông đến đứng ngay bên cạnh vợ, cất tiếng :
- Có chuyện gì vậy ?
Lúc ấy, Vân mới giật mình quay lại. Bà giơ tay chỉ xuống góc nhà :
- Anh hãy nhìn kia kìa....Thằng Trung đã chán thịt nên ném cả đĩa xuống sàn. Còn thằng Vinh chưa được miếng nào....Từ hôm nay đến tuần sau, tôi cho chúng nó ăn cơm với muối.
- Thôi được.
Ông nói nhẹ nhàng, rồi hạ từng lời, kiểu như học trò vỡ lòng đánh vần từng chữ :
- Trong vòng ba năm, tôi sẽ không đụng đũa tới một miếng thịt trên mâm. Như vậy, sẽ chẳng một ai phải thiệt miếng....Và như thế, em hài lòng chưa ?
- A....
Vợ ông buông xuôi tay, nhìn nụ cười trên môi ông. Mặt bà đang đỏ gay bỗng ngả sang tím chàm rồi trắng bệch. Sống với ông hơn ba mươi năm bà biết rõ : Những nụ cười nhợt nhạt như vậy ông chỉ dành cho kẻ thù. Bà lùi lại, há miệng định nói điều gì đó nhưng không cất thành lời. Đột nhiên, bà quay phắt đi trong một vẻ đanh đá cong cớn bất thường. Rời khỏi phòng ăn bà bước thẳng ra sân, nơi những chậu cây Bút ngọc đang chờ tỉa lá.
Vũ đứng lại, hỏi đứa con trai :
- Có chuyện gì xảy ra giữa các con ?
- Không....Không có gì xảy ra cả ...
Vinh, đứa con trai của ông đáp lúng búng. Rồi nó chạy vụt khỏi phòng ăn ra sân. Chẳng cần nhìn theo, Vũ cũng hiểu rằng nó đi tìm mẹ. Đó là thành trì duy nhất của nó trong ngôi nhà này, nơi nó có thể an nhiên ẩn nấp để trốn tránh mọi thứ tội lỗi. Chờ cho Vinh đi khuất hẳn, ông cúi xuống hỏi Trung :
- Nó làm gì con ?
Đứa con trai nuôi oà lên trong cơn nức nở. Hẳn nó đã cố ghìm nén tiếng khóc, nhưng lúc này, con lũ đã vượt tràn qua đê, và nó khóc ngằn ngặt, khóc ngôi ngả như một đứa bé lên ba, với cái giọng vỡ rè của tuổi dậy thì. Vũ chờ cho nó khóc hết cơn, kéo đứa bé vào lòng :
- Con với Vinh cùng tuổi nhưng con hơn em mười tháng. Người xưa có câu : Trước một ngày cũng được gọi là anh. Con phải xử sự như một người anh chứ ?
- Vâng. Con vẫn nhớ lời ba. Nhưng hôm nay em Vinh chửi con.
- Nó chửi thế nào ?
- Em bảo con là đồ con hoang, là kẻ ăn chực.
- Bỗng nhiên nó nói thế sao ?
- Chúng con ngồi ăn cơm bởi mẹ nói rằng còn lâu ba mới về. Thoạt tiên, không có chuyện gì. Nhưng khi con định gắp thịt, em liền chặn đũa lại và quát : Mày là kẻ ăn chực, thứ con hoang. Phận của mày chỉ được phép ăn rau ăn lạc, không được phép ăn thịt ăn cá. Cho mày ngồi ăn cơm chung đã là vinh dự rồi.
Vũ lặng đi. Mặt ông lạnh toát và con tim ông cũng lạnh toát. Ông có cảm giác như nó ngừng đập trong khoảnh khắc. Một ý nghĩ chạy ngang qua óc não, buốt rát như kẻ nào đó cầm miếng sắt nung đỏ, di ngang qua da thịt da ông :
― Nó không thể tự nghĩ ra những điều này. Nó là một kẻ phàm phu nhưng ngu ngốc. Những lời lẽ độc ác này hẳn là tự mẹ nó truyền sang. Người đàn bà của ta ? Cớ sao cô ta hạ cấp đến như vậy ?
Hồi lâu, ông cố trấn tĩnh và cất lời :
- Con chẳng nên chấp Vinh. Nó chỉ là thứ người tham ăn và chuyên nói láo. Con mới chính là con của ta. Mẹ con không tên là Vân nhưng máu chảy trong huyết mạch con chính là máu của ta. Da thịt trên thân xác con chính là da thịt của ta. Nếu mẹ Vân và em Vinh không chấp nhận con, ta sẽ rời xa họ và sống riêng với con. Chỉ riêng con thôi. Con có hiểu không ?
- A...
Thằng bé há miệng và cặp mắt nó cũng trố ra, nhìn ông. Trong trạng thái sửng sốt tận cùng của nó, ông đọc thấy cùng một lần sự hồ nghi lẫn nỗi sợ hãi khi đối diện với một hạnh phúc quá lớn. Ông hiểu rằng những lời ông vừa nói đã vượt qua mọi sự mong đợi của đứa bé, và đấy chính là giấc mơ tận cùng của mọi giấc mơ :
- Con chính là con đẻ của ta. Con đã hiểu điều đó hay chưa ?
Vũ lặp lại.
Trung vẫn đứng sững sờ. Mặt nó tái xanh và cặp môi nó ngả sang trắng nhợt. Ông nhìn thấy rõ những cơn sóng xúc động nối nhau chạy ngang đôi mắt đẹp của nó. Nỗi chua xót dâng trong lòng ông :
« Chao ôi...Nó mơ tưởng một người cha ! Có một người cha thật sự là hiện thực tầm thường với muôn triệu đứa bé khác nhưng lại là giấc mơ tột đỉnh hoặc một huyễn tưởng đối với chính nó. Tội nghiệp thay cậu hoàng tử mồ côi này. »
Ông nhìn sâu vào cặp mắt nâu trong suốt của nó, mắt loài bồ câu. Vẻ đẹp lộng lẫy nhưng đầy nữ tính. Phải chăng vì vẻ đẹp trớ trêu này mà nó phải cam chịu một số phận gian truân ?...Ý nghĩ mơ hồ ấy lướt qua như hơi gió thoảng. Vũ nắm chặt bàn tay đứa con nuôi và láy lại từng lời :
- Con chính là con đẻ của ta. Bấy lâu ta không muốn tuyên bố vì e ngại nhiều điều. Nhưng giờ đây, ta cần phải cho con biết sự thật. Bởi con cũng đã đến tuổi khôn lớn.
- Ba. !...
Thằng bé ôm chầm lấy ông, sự sung sướng đột ngột làm vỡ oà tiếng khóc. Nó gục đầu vào ngực ông. Nước mắt ngập tràn gương mặt, đầm đìa như dòng lũ. Vũ im lặng ghì xiết lấy đứa bé. Cùng một lần, nỗi dịu dàng lẫn sự chua chát trào lên làm tắc nghẹn họng ông.
******
Đồng hồ treo tường thong thả điểm mười hai tiếng, Vũ vẫn ngồi đọc sách, điềm nhiên như không có sự gì xảy ra. Vợ ông bước đến sau lưng ông, giơ tay gấp cuốn sách lại :
- Anh đi ngủ đi, muộn rồi.
Vũ mở lại đúng trang cũ, đáp :
- Em cứ ngủ trước. Anh cần đọc.
- Em xin lỗi....
- Em không có lỗi gì....Nói đúng ra, lỗi chính là ở sự ghép đôi của chúng ta. Anh rất tiếc...
- Anh muốn nói là ...
Vân cao giọng, bà bắt đầu nóng mặt vì những lời lẽ ôn tồn nhưng đau đớn của ông. Bà muốn tranh luận, muốn thuyết phục, muốn bày tỏ thiện chí....Nhưng Vũ đã quay lại và đưa tay chỉ bốn bức tường xung quanh.Vân nhớ ra rằng họ không thể nói chuyện ở đây, nơi những con rệp được cài đặt tứ phía, từ trong nhà đến các cây cổ thụ ngoài sân. Bà tìm tờ giấy trắng, viết :
« Ngày mai, chúng ta sẽ nói chuyện này. »
Ông viết câu trả lời, ngay dòng dưới :
« Ngày mai, anh phải đi từ sáu giờ sáng. »
« Vậy khi nào em mới có thể nói chuyện với anh ?»
« Khi anh quay về. »
« Chúc anh ngủ ngon. »
« Chúc em ngủ ngon. »
Vân vo tờ giấy, đoạn châm lửa đốt, thói quen họ đã có từ lâu. Rồi bà lên giường trước.
Còn ông, ngồi lại trước bàn, lật giở những trang giấy nhưng không hề nhớ một dòng chữ nào. Trên ngực ông, nước mắt đứa con nuôi vẫn còn ấm nóng. Bên tai ông, vang lên tiếng nức nở. Ông đoán được cơn bão nào đã đi qua tâm hồn đứa bé vào buổi trưa hôm nay :
« Tội nghiệp thằng bé....Bao nhiêu năm trời, nó vẫn thầm lén kiếm tìm dấu vết người cha. Dù ta thương yêu nó đến đâu chăng nữa, dù ta cố gắng sắm vai của kẻ làm cha thành thực, tận tuỵ và nồng nhiệt, sự thiếu hụt kia vẫn là hố sâu không thể lấp đầy. Tình huyết mạch là sợi dây vô hình giằng trói kiếp nhân sinh.....
Con chính là con đẻ của ta. Máu chảy trong huyết quản của con chính là máu của ta. Da thịt trên thân xác con chính là da thịt của ta !....
Sao bỗng dưng ta cất nên câu nói ấy ? Đó là cảm hứng của thần linh hay sự xui khiến của ma quỷ ?
Dầu sao, lời nói đã qua cửa miệng rồi. Một lời nói bốn ngựa đuổi theo không giữ kịp. Từ nay, thân phận của thằng bé sẽ gắn với thân phận của ta bởi mối liên kết thầm kín này. Sự bí ẩn của số phận đã nảy sinh để che giấu một bí ẩn khác. Ta không hiểu rằng ta hành động đúng hay sai ? »
Quả tình ông không biết ông đã hành động đúng hay sai khi ông nói với Trung rằng nó chính là con đẻ của ông, một đứa con ngoại hôn, nếu hiểu theo đúng nghĩa. Nhưng vào buổi trưa nay, ông không còn cơ hội để suy tính, cũng chẳng còn thời gian để đắn đo. Ông đã hành động theo kiểu một nhà thơ ngẫu hứng dù ông vốn chẳng phải thi nhân, cũng không quen hành động theo ngẫu hứng. Nhưng ông biết làm gì đây khi chính vợ ông và đứa con trai đẻ của ông đã xô đẩy đứa con nuôi vào trạng thái uất hận tuyệt vọng này ?
« Ta có lỗi chăng khi để xảy ra tình thế tồi tàn, đồi bại như vậy ? »
Ông tự hỏi.
Và tâm hồn ông tràn đầy bóng tối.
Ông không đo đếm được sự phức tạp của cuộc sống. Ông tỏ ra vô năng khi lèo lái con tầu gia đình. Ông không đủ sáng suốt hay thiếu lòng can đảm để có thể hiểu rõ bản chất người đàn bà và đứa con trai của chính ông ?...
« Có lẽ ta thiếu cả hai thứ, sự sáng suốt lẫn lòng can đảm. Ta thiếu cả hai phẩm chất cần thiết nhất đối với một người đàn ông, một kẻ làm cha và một kẻ làm chồng. Hình như đã có người từng nói với ta về điều ấy ? »
Hình như....
Những tiếng « Hình như » bao giờ cũng kéo theo những vang vọng của quá khứ, và cùng với các hồi âm ấy, người ta lật giở lại những trang giấy đã ố vàng cùng tháng năm. Vũ biết trong ông có một người đàn ông cổ xưa, quan tâm tới gia phong và các giá trị được tu tạo xung quanh nó. Cũng vì thế, một đứa con trai, kẻ nối dõi tông đường là ước mong thầm kín nhất và cũng quan trọng nhất đối với ông sau khi lập gia đình. Sau mười bảy năm thất bại trong những lần xảy thai liên tục, ngày Vinh ra đời đối với ông thực sự là ngày hội « Vui mừng rơi lệ » như người ta vẫn nói tự ngàn xưa. Vũ nhớ rằng ông đã thức trắng ba đêm liền cùng Vân khi bà chịu đựng những cơn đau trở dạ. Ông ngồi cho bà tựa khi bà không muốn nằm, đưa cánh tay cho bà cấu xé khi bà bị cơn đau hành hạ. Bà sinh nở xong xuôi, hai cánh tay ông còn chi chít vết sẹo cho đến cả tháng sau chưa hết. Đám đàn bà cùng phòng nhìn Vân với những cặp mắt ghen tị không che giấu. Họ nhìn ông cũng với sự thèm muốn không che đậy. Vợ ông, hẳn chưa quên điều đó. Hẳn bà cũng không thể quên rằng chính ông là người đã tự tay đảm nhiệm việc giặt giũ cũng như nấu nướng phục vụ bà, cho dù cả hai bên gia đình cũng như cơ quan đều có sẵn một đống người trợ giúp. Tất thảy những gì ông đã làm đều xuất phát từ một ý thức rõ rệt là vợ ông phải được sung sướng tối đa khi trở thành người mẹ, khi họ trộn máu huyết để tác tạo nên một con người, kẻ có sứ mệnh ghi dấu và kéo dài tên tuổi, hình hài, danh tiếng của cả hai dòng họ....
Thời Vinh còn nhỏ, từ một đến sáu tuổi, với vóc dáng thanh tao và gương mặt xinh đẹp kiểu « mỹ nữ Hồng kông », nó giống mẹ hơn giống bố. Thời ấy, hai người đoan chắc con trai họ lớn lên sẽ trở thành minh tinh màn bạc, nếu chẳng phải cỡ siêu sao Hô-ly-út thì cũng phải là một thứ Yve Montand hay Alain Delon. Nhưng từ năm lên mười, mọi đường nét của nó hoàn toàn thay đổi, Vinh không còn là ngôi sao màn bạc mà có dáng dấp của một gã dô-kề. Lúc ấy, hai vợ chồng ông chuyển từ giấc mơ nghệ thuật sang giấc mơ quán quân thể thao nhân dịp Vinh nhận được một giải nhì trong cuộc thi điền kinh của trường tiểu học. Cùng với sự đổi thay ngoại diện, thằng bé bộc lộ những phẩm chất mà không một bậc cha mẹ nào mơ ước. Trước hết, nó tham ăn một cách khủng khiếp. Đứa con trai ông có một niềm đam mê bệnh hoạn khi nó sà xuống bàn ăn. Vào lúc đó, nó không còn nhìn thấy ai, không còn quan tâm đến bất cứ một thứ gì, ngoài việc chúi đầu xuống gắp. Vào những dịp đặc biệt, vợ ông mời đầu bếp đến nhà nấu những món ăn lạ, Vinh viện cớ trốn trường để ở nhà, chui xuống tận bếp ăn trước cả cha mẹ lẫn khách khứa. Tuy nhiều lần, Vân thuyết phục ông rằng trẻ ham ăn là điều đáng mừng, bởi như thế cơ thể của nó sẽ mạnh khoẻ cường tráng ; nhưng khi nhìn đứa con trai vục đầu xuống mâm, ăn không kịp nuốt không kịp thở, Vũ thấy mặt mình bỏng rát. Từ năm Vinh mười hai tuổi, lông mép đã mọc xum xuê, giọng vỡ ồ ồ, vợ ông yêu cầu nó ăn cơm riêng với Trung trong gian bếp để khỏi làm ông xấu hổ.
Có thể là những khi một mình đối mặt với sự thật, vợ ông cũng đau lòng. Nhưng trước ông, bà không bao giờ lùi bước. Bà phải bảo vệ đứa con trai của bà, tác phẩm duy nhất trong cuộc đời làm mẹ của bà bằng mọi giá. Nhiều phen, Vũ những muốn tin vợ, muốn tin rằng con mình rồi đây sẽ trở thành :
« Một ai đó vô cùng sáng láng trong tương lai. »
Đôi phen, ông cũng tự thuyết phục mình rằng có thể tồn tại những con người mà tài năng cũng như nhân cách chín muộn màng, bộc lộ muộn màng, giống loài than cháy chậm, kiểu như quan thượng thư Lã Vọng, ngồi bên khe câu cá đến bát tuần mới ra tay trị quốc...Nếu như vậy, con trai ông rồi đây có thể sẽ trở thành một nhà nghiên cứu lừng danh, người sáng chế máy bay, tầu thuỷ, chất dẻo tổng hợp hoặc một bác sĩ đem lại khả năng cứu rỗi cho những con bệnh hiểm nghèo. Nó hoàn toàn có thể trở thành một con người hữu ích với nhân quần, đem lại vinh danh cho tiên tổ. Với điều kiện là nó phải thay đổi tính nết, trở thành đứa ham học.
« Với điều kiện là.... »
Ôi giấc mơ bất khả của những kẻ làm mẹ và làm cha !
Dù đau đớn như chết từng khúc ruột, Vũ cũng thấy rằng cái ngày hy vọng của ông mỗi lúc mỗi lùi xa. Lùi xa đến vô cùng tận. Trong hiện thực cay đắng, càng ngày con trai ông càng trở thành phiên bản của cậu ấm Tùng, em trai Vân. Về ngoại diện, sự đổi thay này khiến cả họ phải bật lên tiếng kêu kinh ngạc. Thoạt tiên, mũi nó bành trướng trên gương mặt một cách quá cỡ, với hai cánh mũi vừa to vừa dầy, với cái đầu mũi hình củ tỏi lúc nào cũng bóng loáng. Rồi cặp mắt nó dần dần nhỏ lại trong khi hai hàng lông mày mọc dày rậm cũng quá khổ, kiểu lông mày thiên hạ gọi là lông mày sâu róm. Nó béo lên rất nhanh bởi tính tham ăn, và càng béo, những ngấn thịt càng nổi vồng lên trên hai má, xoá đi những nét thanh tao cuối cùng còn sót lại của tuổi ấu nhi. Vũ không tin lắm vào thuật xem tướng, nhưng ngoại hình của đứa con khiến ông thất vọng, bởi do nghiệm sinh, ông biết rằng sự thay đổi hình tướng thường kèm theo những đổi thay trong đời sống tâm linh hoặc tinh thần. Không lâu, những điều ông ngờ vực đã được chứng minh. Những năm tiểu học, Vinh luôn luôn được xếp hạng là học sinh giỏi. Sang năm thứ nhất trường trung học, nó tụt xuống hạng trung bình. Ngay năm sau, nó rơi xuống nhóm « học sinh đặc biệt » và từ đó, nó tiếp tục rơi xuống theo chiều thẳng đứng....Từ đây, Vinh bị kèm cặp thường xuyên và vợ ông bắt đầu lui tới nhà các thầy các cô như cơm bữa. Vũ thấy vợ luôn luôn gói ghém các loại quà, khi thì những món đồ ngoại quốc ông mua trong các kì « đi xứ » ; khi là những món đồ thực phẩm đặc biệt đem từ quê ra : nào gà giò vườn, nào cua biển tôm biển tươi ốp trong bẹ chuối, nào hoa quả và các loại mứt trái cây tự nấu...Một lần, cầm lòng không đậu ông phải bảo vợ :
- Em sẽ làm hư con trai chúng ta thêm một trăm lần nữa nếu sự việc này tiếp diễn. Vinh không có một chút cố gắng tự thân nào. Nhiều lần anh để ý, thấy nó ló đầu vào xem em gói quà mang đến nhà các thầy cô như khán giả xem xiếc, nhởn nhơ như chuyện đùa chơi. Dường như nó nghĩ rằng nó cứ thả sức chơi bời và ngu dốt, còn cha mẹ phải lo tất cả phần đời của nó. Hãy dừng tay lại, nếu không con trai em sẽ trở thành một kẻ hoàn toàn vô dụng như cậu của nó, tấm gương xấu xa đã hiển hiện rành rành.
Vợ ông đỏ nhừ từ mặt xuống chân tay, quay sang chì chiết :
- Em biết gia đình em thua kém gia đình anh. Em trai em học hành ngu dốt. Tại sao anh không chọn một người đàn bà học vấn tót vời, từ đầu xuống chân phủ đầy chữ ?
- Em không cần tự ái vặt. Phải nghĩ đến tương lai con chúng ta một cách nghiêm chỉnh. Muốn thế, phải nhìn thẳng vào sự thật. Sự thật là Vinh càng lớn càng ham chơi. Cậu Tùng đến rủ cháu đi bất cứ lúc nào. Và chính em là người bao che cho cả hai đứa. Học hành như thế, sớm hay muộn cũng đứng bên lề xã hội.
- Trong gia đình này chưa có ai phải đứng bên lề xã hội. Anh đừng quá khắc nghiệt với con. Nó là đứa cứng đầu, vì thế phải lựa chiều mà uốn. Nhìn mà xem, có biết bao nhiêu người thành đạt trên đời này đã trải qua một thời học trò ngỗ nghịch. Thậm chí có những người mù chữ cũng vẫn thành công. Người ta bảo : ngựa hay thường đái tật...
Vũ đành im lặng. Ngao ngán mà im lặng. Ông còn biết nói gì hơn ?...Ông thấy mình bất lực. Liệu ông có thể làm gì được để xoay chuyển tình thế ?...
Đứa con là tác phẩm chung của họ nhưng phần đóng góp của bà lớn hơn. Suốt thời kì mang thai, bà không ngừng nôn, không ngừng đau ốm. Sự thai nghén của bà một vạn lần khó khăn hơn những người khác. Cơ thể bà không thích ứng với việc thai nghén và sinh nở. Đứa con trai này là cuộc xổ số duy nhất trong đời bà. Không thể có lần thứ hai. Mười bảy năm có thai rồi lại xảy thai, xảy thai tháng trước vài tháng sau nghén lại....cái điệp khúc tồi tệ đó cứ lặp đi lặp lại như cơm bữa khiến chẳng những họ hàng mà những đồng nghiệp của Vân đều coi việc bà đến viện phụ sản như là một thứ công việc thường hằng. Mọi lần mang thai đều không vượt quá tháng thứ tư. Nhờ một sự huyền diệu trời đất đem lại, bà mới có được Vinh vào năm bốn mươi mốt tuổi, cái tuổi chấm dứt mọi hy vọng cho những ai muốn làm mẹ. Thế nên, đối với bà, đứa con trai này chính là hoàng thượng không ngôi. Điều lạ lùng là nó có thể làm xoay chuyển hoàn toàn cách nhìn của người mẹ. Thuở họ mới yêu nhau, Vân thường công khai bộc lộ ác cảm đối với đứa em trai mà bà thường gọi là ― thằng Tùng lợn„. Giờ đây, vì con trai của họ lại giống ― thằng Tùng lợn„ như hai giọt nước nên cái nhìn của Vân với đứa em trai bỗng trở nên trìu mến, dịu dàng. Còn ông, nhiều lần quan sát hai cậu cháu chuyện trò, đùa cợt, tán tỉnh, ăn uống....ông không tránh khỏi nỗi kinh hoàng. Một gã đàn ông ngoại tứ tuần, râu ria nhẵn nhụi với đứa bé đang dậy thì, lông mép đen rì từng đám. Cả hai đều có gương mặt đầy ú các múi thịt. Cả hai đều có những cặp mày đen rậm quá cỡ khiến mắt họ chỉ còn là những khe hẹp dưới bóng râm của chúng. Cả hai đều có cái vẻ hồn nhiên dâm đãng khi đưa mắt nhìn một cô gái hay một người đàn bà. Tiếng cười hy hý như tiếng ngựa của họ cũng giống nhau đến nỗi đôi lần, ông chịu không nổi phải bỏ đi. Mười hai tuổi, con trai ông đã có một vòng mỡ bụng ,giống như cậu nó thuở xưa, ngày ông đặt chân lên ngưỡng cửa nhà bà Tuyết Bông, đại lý nước mắm phố huyện :
― Làm sao ta có thể hình dung được bến nào dòng đời chảy đến ? Nào ta có ngờ đâu đứa con duy nhất của ta lại mang đầy đủ dấu vết đồi bại của dòng họ ngoại ? Ta yêu Vân vì tin tưởng rằng đó chính là hình hài được tái tạo của ông giáo Vương mà không biết rằng trong dáng vóc đẹp đẽ thanh tao của người cha, cô ấy vẫn dung chứa những hạt mầm bản thể của người mẹ, bà chủ đại lý nước mắm nổi tiếng xấu cả nết lẫn người ? Phải chăng cuộc hôn nhân này là thất bại lớn nhất trong cuộc đời ta ? Một thất bại không còn cơ cứu vãn ?„
Những năm đang ở tuổi trăng rằm, họ là nam thanh nữ tú của phố huyện Phù lưu nổi tiếng sung túc. Rồi họ lại cùng được gởi sang Hà nội học trung cấp, không cậu ấm cô chiêu cũng quần là áo lượt và được gia đình chu cấp đầy đủ để có thể theo kịp bạn bè. Tình yêu nảy nở dễ dàng khi họ cùng đi trên một chuyến tàu, và nàng ngồi mở cuốn tiểu thuyết đọc trong khi chàng lật các trang báo. Tình yêu cũng nảy nở dễ dàng khi cùng chung những trại hè ― Hướng đạo sinh„ khi cùng ngâm ngợi những khúc ca ngoại nhập : Nào Sê-nê-rat, nào Trở lại mái nhà xưa, nào San-ta-lu-sia...Vả chăng, Vân đẹp. Bà được mệnh danh là Hoa hậu Phù lưu. Vả chăng, cả hai đang tuổi mơ mộng tình ái. Vả chăng, nỗi lo cơm áo cũng như cơn cuồng phong cách mạng chưa chạm tới họ. Vả chăng....
Ô, còn biết bao sự vả chăng nữa để ông quay lại kiểm chứng cuộc hôn nhân đã ngoài ba thập kỉ của mình ? Nhưng Vũ nhớ rằng lần đầu dẫn Vân về nhà ông đã không báo trước với cha mẹ để gây sự sửng sốt, theo cung cách của các chàng trai thời ấy. Bố mẹ ông đã đứng lặng đi một hồi trước khi có thể đáp lại lời chào của vị khách xinh đẹp sóng đôi với cậu con trai. Đêm hôm đó, cha ông gọi ông ra nhẹ nhàng nói :
- Thời đại đã đổi thay. Giờ chẳng ai dám hỏi vợ hay gả chồng cho con mà không được trẻ thuận tình. Cha cũng thấy điều ấy là hợp với lẽ phải. Nhưng người sống với người là sự vô cùng khó khăn trên đời này. Đừng quên điều ấy. Một khi con đã cam kết sống với một người đàn bà, tức là con cam kết chịu nửa phần trách nhiệm cuộc sống của người ấy. Thế nên, phải biết dè chừng.
- Ý cha muốn nói tới hoàn cảnh nhà Vân ?
Ông hỏi lại người cha với sự thẳng thắn và nồng nhiệt :
- Nhưng hai chúng con có chung một đánh giá. Chính Vân cũng thừa nhận rằng mẹ cô ấy là một người đàn bà thiếu phẩm hạnh. Một khi đã xác định sự việc, ắt Vân phải biết cư xử theo lối ngay.
- Tuỳ ý con.
Cha ông đáp sau một chút ngập ngừng. Rồi, bỗng nhiên nhấn giọng :
- Người xưa nói lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống. Con hãy thử nghĩ xem họ có lý hay chăng ?
- Vâng, con sẽ suy nghĩ lại việc này.
Ông trả lời tức khắc.
Rồi ông đã nghĩ lại. Nhưng sự nghĩ lại của trai tơ không kéo dài quá hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Sự nghĩ lại của một kẻ đang yêu lại càng ngắn ngủi hơn. Một lời nói của mỹ nhân đủ sức san bằng mọi thành trì của định kiến hay ngờ vực.
Chiều hôm sau, Vũ tức tốc tìm Vân, đặt câu hỏi thẳng thừng :
- Em có nghĩ cuộc hôn nhân của bố mẹ em là thoả đáng hay không ?
- Không, một ngàn lần không.
Vân đáp lại tắp lự. Câu trả lời vừa thẳng thắn vừa dứt khoát. Cuộc hôn nhân oái oăm giữa ông giáo Vương và bà chủ đại lý nước mắm Tuyết Bông là đề tài thường trực từ mấy chục năm nay cho dân phố huyện, dù muốn hay không Vân cũng đã nghe mọi lời đàm tiếu từ thuở lên năm. Xét trên mọi chiều, từ ngoại hình đến phẩm cách, bố mẹ Vân vẽ nên bức tranh biếm hoạ hiếm hoi. Một ông giáo chỉn chu, dung mạo tuấn tú thanh tao, nói năng từ tốn, cử chỉ khoan hoà sóng đôi với một bà phì nộn, vừa keo kiệt vừa đanh đá chua ngoa. Dân phố gọi sau lưng bà là « mụ béo mồm loa mép giải ». Và họ liệt kê ba loại hoạt động chủ yếu của cái miệng rộng ngoác với cặp môi dầy cong cớn của bà : Trả giá hay thanh toán tiền nong ; cãi cọ hoặc chửi bới láng giềng lẫn con cháu ; và ăn quà vặt – một thú tiêu khiển vô tận...Không kể sự đành hanh hay lối vênh váo cậy tiền cậy của, chỉ riêng thói tham ăn của mẹ, cô con gái đã nhiều phen phỏng mặt vì hổ thẹn trước bạn bè. Chừng như muốn cho người yêu biết rõ thái độ cương quyết của mình, Vân giải thích :
- Ông nội khi đang ốm nặng đã gọi bà nội và bố Vương vào phòng, yêu cầu cưới mẹ Bông. Một tuần sau, trước khi chết, ông lại nhắc lại việc ấy. Vì thế sau ngày giỗ đầu, bà nội đã làm đám cưới gấp cho hai người.
- Vì lý do gì ông nội buộc bố em làm điều ấy ?
- Em không biết. Bởi bà nội cũng không biết và bố Vương cũng không biết.
- Dù bố em không hề yêu mẹ em ?
- Tất cả mọi người, trong họ hay ngoài phố đều biết điều ấy.
- Nhưng bố em đã chấp nhận vô điều kiện.
- Trong nhà, ông nội là mặt trời. Lời của ông là mệnh lệnh.
- Nếu bây giờ, bố em buộc em phải lấy một người em không hề yêu thương, giống như ông nội em đã từng làm ?
- Ồ không!...
Vân trả lời ngay, không một chút nghĩ ngợi :
- Không bao giờ em chấp thuận điều ấy.
- Vì sao ?
- Vì thời đại đổi thay rồi. Lúc này các bà tân thời đã mặc quần sooc ra đường. Em chẳng phải tân thời nhưng cũng không phải người của thời phong kiến.
Họ cười ngất, tự cảm thấy may mắn vì sống trong một thời đại mới, được tự do yêu nhau và được cưới nhau theo sở nguyện. Ông trở về nhà, thuật lại cuộc chuyện trò của họ với bố mẹ, yên trí rằng mọi ngờ vực đã được giải quyết. Tuy nhiên, bố mẹ ông vẫn tìm mọi cách thoái thác tiến hành lễ kết hôn cho họ. Cuộc kết hợp giữa ông giáo Vương với bà chủ đại lý nước mắm gợi quá nhiều băn khoăn trong lòng họ. Cha ông tìm cách điều tra ngọn ngành vì theo lẽ thường, phải có một ràng buộc bí ẩn và khủng khiếp mới có thể bắt đứa con trả một món nợ kinh hồn như vậy. Không một ai không hiểu cái sự thật này : người như ông giáo Vương mà phải sống chung với bà Tuyết Bông cũng giống như phải chấp nhận chung thân đoạ đầy trong địa ngục hay lò luyện tội, rằng như thế cả một kiếp người đã biến thành món hàng đổi chác. Và điều sau cùng là cốt yếu : những cuộc hôn nhân oái oăm bất hạnh như thế thường để lại những vết tàn phá cho đời sau....
Thiên hạ đã đưa ra bao nhiêu giả thuyết cho sự kiện này. Có người cho rằng cụ Kí, thân sinh của ông giáo đã có thời cùng sang Lào đào vàng với cụ Cử, cha đẻ bà Bông. Trong một lần sập hầm, cụ Cử đã cứu bạn thoát chết. Để đền ơn cứu mạng, cụ Kí hứa sẽ cưới con gái duy nhất của ân nhân cho con trai duy nhất của mình.
Nhưng nhiều người lại vạch ra rằng chuyện đào vàng đãi cát là chuyện viển vông, một cách giết thời gian của những kẻ tầm phào , vì cả cụ Kí lẫn cụ Cử đều là dân nuôi móng tay dài, cầm con dao rựa không chặt, sức vóc đâu mà theo đám phu moi đất đãi cát tìm vàng ?...Vàng bao giờ cũng chảy cùng dòng với máu. Theo nghề này nếu không là loại đầu nậu, túi ních chặt tiền, óc đầy lèn mưu mô quỷ quyệt để đứng lên làm chủ mỏ thì chỉ là đám giang hồ, coi chuyện dao búa như cơm bữa hoặc những kẻ lâm bước đường cùng, tuyệt kế sinh nhai, tự thí mạng mình như rơm như cỏ... Sự thực là cụ Cử lẫn cụ Kí đều có máu cờ bạc. Họ đánh bạc quanh năm, thắng cũng nhiều, thua cũng lắm. Vào một năm vận hạn, cụ Kí thua liên tục suốt một mùa đông. Nhưng càng cháy túi càng khát nước, cay cú gỡ cờ, cụ đã cầm cố cả nhà cửa lẫn ruộng vườn, trong phố cũng như dưới quê; bao nhiêu của chìm của nổi đặt hết lên chiếu bạc với ước muốn điên cuồng là lấy lại những khoản tiền đã mất. Nhưng thần hộ mệnh đã bỏ cụ mà đi chỉ còn sự đen đủi cặp kè như hình với bóng. Sau rốt, tất thảy gia sản bị thiêu cháy trong ngọn lửa nhà sòng. Giáp Tết, cụ Kí nhìn thấy trước cảnh vợ con bị đuổi ra khỏi cửa, trở thành những kẻ đầu đường xó chợ. Vừa sợ hãi vừa day dứt vì tội lỗi của mình nên cụ Kí tìm đường tự vẫn. Chính lúc ấy, cụ Cử thanh toán tất thảy những món nợ lớn nhỏ cho bạn, chỉ với ước nguyện duy nhất là sau này....khi hai đứa trẻ khôn lớn, họ sẽ trở thành thông gia....
Những chuyện đồn thổi luôn luôn là những chuyện đồn thổi. Các giả thuyết luôn luôn chỉ là giả thuyết bởi người cùng thời với hai ông không còn sống để xác nhận sự thật cuối cùng. Vả chăng, lịch sử muôn đời vẫn là cuốn sách chép lại các giả thuyết và sau mỗi giả thuyết lại có vô số điều bí ẩn. Lịch sử bé nhỏ của mỗi gia đình cũng vậy. Các bí mật luôn luôn tồn tại để tô điểm và huyền bí hoá đời sống. Bố mẹ ông không thích lắm sự huyền bí này nhưng sau hơn một năm nhọc công điều tra mà chẳng đi tới kết luận chân xác nào, họ đành chấp thuận làm đám cưới cho hai trẻ. Và như thế, đám cưới của họ đã diễn ra trong một cách xuôn xẻ, tuy có đôi phần còn gượng gạo. Bố mẹ Vũ vốn là những người thanh lịch. Họ biết cách giấu cái phần gượng gạo đó một cách tối đa.
Vào những năm đầu cuộc sống lứa đôi diễn ra như mong ước. Hai vợ chồng trẻ sống riêng, phần vì công việc, phần vì bố mẹ ông sống chung với vợ chồng người anh cả nên đã lo sẵn gia cư cho ông trước ngày cưới. Tuy nhiên, ngay vào những năm hương lửa mặn nồng ấy, gia đình vẫn là cái nôi êm ấm không thể thiếu vắng trong tâm hồn ông. Mái nhà xưa là nơi ông thường xuyên quay về. Vợ ông phải chấp thuận điều ấy. Trong thâm tâm bà muốn độc chiếm thời gian cũng như tình yêu của ông nhưng biết rằng điều đó là bất khả. Thành thông lệ, vào cuối tuần họ trở lại nhà Vũ. Mọi người quây quần trong những bữa cơm mà chỉ riêng các món ăn dân giã quen thuộc đã khiến người ta thoả mãn hơn bước chân vào cao lâu hay tửu quán. Mẹ Vũ, tuy đã già nhưng vẫn là người đầu bếp sành điệu. Bà nấu ốc bung dọc mùng, ếch xào măng ớt, cá quả om rau cần, tôm rim rượu nếp hoặc lươn om nghệ ngon hơn hết thảy những nhà hàng mà họ từng được ăn. Thêm nữa, không chỉ vì món ăn ngon nhưng còn ở không khí nồng ấm của gia đình, mối thiện cảm chân thành giữa những con người cùng chung gốc rễ....Mỗi năm họ chỉ quay lại nhà Vân một lần, vào dịp Tết. Bởi đó là điều không thể tránh được, một thứ lễ thức. Vũ buộc lòng chấp nhận vài bữa ăn chung. Điều ấy không vượt quá sức chịu đựng của ông, cho dù chạm mặt bà mẹ vợ, ông cảm thấy như bị gai nhím đâm mỗi lần nhìn cung cách cong cớn của bà khi quát tháo, hoạnh hoẹ người làm công và đầy tớ, hoặc điệu bộ vênh váo của bà khi xỉa tiền, cái cách biểu lộ sự hỉ hả của một người đàn bà vô duyên, vô hạnh, vừa nhai vừa ngửa mặt lên cười khiến cả mớ thức ăn đang nhào trộn trong cái miệng rộng ngoác của bà phô bày ra một cách gớm ghiếc.... Bà chủ đại lý nước mắm biết điều rõ ấy. Một lần, bà nói toạc móng heo :
- Tôi biết tôi không vừa mũi anh chị. Nhưng anh chị cũng chẳng vừa mũi tôi. Tốt hơn cả là cơm ai người ấy ăn, giường ai người ấy ngủ. Một năm mang lễ về đặt lên bàn thờ là đủ.
- Bà nói gì vậy ? Thật là quá quắt...